Miền hư ảo [3]
Tiếp theo các phần: I và II
Chương 3
Thung blog – Lời anh chàng đẹp trai
Những gì thằng Giang nói chỉ đúng một nửa. Nhưng sống trong xã hội này, loại người chết nhát như nó mà dám nói lên một nửa sự thật cũng là ngon lắm rồi.
Tôi là bạn cùng phòng với thằng Giang, ở chung phòng để mà chịu đựng nó. Tôi là Thung, tự là Thung lũng. Lãng mạn, mơ mộng như Thung lũng tình yêu. Thằng Giang quê mùa cứ trọ trẹ gọi tên tôi thành “Thùng lủng”, thiệt là loại cá kho gỗ thô thiển thiếu tế nhị.
Tôi đến từ cánh đồng khô, chạy thật nhanh để đuổi kịp chuyến xe của đồng đội mà tôi gọi là chuyến xe bão táp.
Tôi là thằng sáng láng đẹp trai đứng bám ngay cửa xe.
Chiếc xe tải bắt đầu lăn bánh, thở khục khặc như ông già mắc bệnh suyễn. Tôi thò đầu ra ngoài vẫy chiếc nón rơm, thay mặt tập thể gửi lại nông trường lời chào thân ái.
“Vĩnh biệt nông trường khỉ ho cò gáy. Vĩnh biệt những ngày…”
Vừa la tới đó gió tốc luôn một nắm bụi đỏ vô miệng. Cái xứ chó ăn đá, gà ăn đất này khó ưa tới giờ phút cuối. Một lần cuối cùng rồi thôi. Tôi ho sặc sụa, coi như là kỷ niệm chia tay đắng nghét để rồi khỏi phải gặp lại nhau. Tụi trong xe cười hô hố thò đầu ra thành xe nhìn theo cái nón rách bị gió giật, cuốn bay phăng phăng trên cánh đồng tranh. Nông trường khổ sai ở lại phía sau. Biên giới Tây Nam sợ rụng rời ở lại phía sau. Bù Gia Mập nắng hạn mưa dầm bụi đỏ ở lại phía sau. Mô Phật, vậy là thoát nợ!
Thằng nào khoái chí la lên trong xe:
“Ê, ông Bốn, lấy bộ bài ra. Mấy bà ngồi nép qua bên cho đám nam nhi tranh tài.”
Thằng “Lũ lụt” cười hả hả.
“Chia phe làm mấy ván đi hè. Giã từ nông trường, giã từ lý tưởng te tua rách nát.”
Thằng Sỏi lù đù mở miệng than trước tiên.
“Đánh chơi giết thời gian thì tao tham gia. Đánh thua bắt uống nước là tao chịu thua.”
Thằng Sỏi bị yếu bàng quang rất sợ trò uống nước. Đám con trai cười hô hố.
“Đồng không mông quạnh cứ xả xăng ra bên ngoài thoải mái sợ gì.”
Đám con gái nghe chuyện tế nhị của đàn ông mặt sượng như khoai từ, không dám hó hé gì. Chỉ có em Duyên là cười to, chẳng biết có hiểu gì chuyện xả xăng không mà cũng cười. Nhưng không sao, em cười quá đẹp nên mọi chuyện đều tha thứ được. Chị Mẫn tự nhiên la lên thất thanh, bà này có tật hay la, vô duyên kinh khủng.
“Thung! Ngồi xuống! Té trúng chân con Bắc bây giờ. Bắc xích vô trong này, em.”
À, em Bắc què. Tôi nhìn Bắc nháy mắt hai cái tình tứ hết cỡ.
“Anh mà té vô Bắc là lựa chỗ mềm mềm té chứ không bao giờ té lên chân… què của em.”
Tán gái ác ôn chưa? Cả xe cười ầm ầm vì câu nói có duyên của tôi. Chỉ có thằng Giang lên tiếng phá đám, nghe lãng một cái.
“Mấy thằng nói nhiều là mấy thằng làm biếng nhất.”
Nó ám chỉ tôi hay đau bụng để khỏi phải ra rừng cuốc đất. Ai trốn được thì trốn chớ. Lao động khổ sai cưỡng bức, không trả tiền công mà đòi người ta cống hiến hết sức, thiệt là quá đáng. Cái thằng này tréo ngoe vậy đó, mọi thứ trên đời này nhìn qua lăng kính của nó đều méo mó cong quẹo hết, chẳng còn biết đúng hay sai.
Bắc bò lồm cồm vô cạnh em Duyên và thằng Giang. Thằng Giang nghiêng đầu qua nói nhỏ với người yêu của nó, nói nhỏ kiểu gì mà cả xe đều nghe tét lét.
“Bắc mệt không? Tựa lên ba lô của Giang ngủ.”
Thằng bần tiện! Yêu đương gì mà còn tiếc bờ vai. Sao không cho con nhỏ tựa vai mà bắt tựa ba lô? Từ hồi Bắc bị tai nạn, thằng này chăm bẵm nó như em bé. Con nhỏ bị tai nạn là tự lỗi nó chớ sao. Chở xùm xùm một đống cỏ “kiếp mỹ nhân” trên xe, dây nhợ quấn vô bánh nên lăn đùng ra té. May mà xe tải húc chỉ què một chân. Mà nó hái cỏ làm gì nhiều vậy ta? Chắc đem về nhà để nội nó cho heo ăn. Sống chết là số phận, ai mà ép. Chuyện có vậy mà thằng Giang la ong óng suốt mấy ngày. Nó nguyền rủa Đoàn thanh niên, đả kích Ban giám hiệu, lên án cái ngã ba bùm xùm cây cỏ không ai dọn dẹp. Nó có ngon thì tự xách dao đi phát quang dốc dùm cho người đẹp của nó, hơi đâu mà chửi lung tung. Nhưng mầm mống bất mãn phản động lại là thứ dễ lây lan. Tự nhiên nghe nó chửi riết rồi cả phòng cũng cũng đâm ghét lây thầy Long gà bí thư đoàn và Ban giám hiệu trường. Tội lỗi. Tội lỗi lắm nghe. Nhất tự vi sư mà bán cái tự cũng phải vi sư luôn chớ.
Anh Bốn thảy bộ bài xuống giữa đám chân hôi mốc, nứt nẻ. Mấy cái chân tự động co lại, chừa ra một khoảng trống. Vũ Văn Thung không bao giờ đánh bài, Vũ Văn Thung chỉ chọn chỗ ngồi thuận tiện để ngắm Duyên.
Thằng Lũ vừa xốc bài vừa báo tin.
“Ra tới núi Bà Rá rồi, tụi bây.”
Núi Bà Rá như cái nón úp hiện ra giữa vùng đồi thấp. Rừng lồ ô xanh mịt mùng. Dọc hai bên đuờng rẫy khoai, rẫy bắp đã sắp tới mùa thu hoạch. Duyên cười hì hì, quay qua Bắc nói.
“Mình có đọc Tôi bị đày Bà Rá của ông Lê Văn Thử. Vùng này trước đây Tây đày những người trí thức đối lập. Bây giờ nhà nước đày những người sĩ quan chế độ cũ.”
Anh Bốn quay sang định xì nẹt Duyên vì kiểu định nghĩa, so sánh sai đường lối. Sai quá xá sai, nhà nước khoan hồng độ lượng sao dám so với thực dân đế quốc. Không ngờ em Duyên trợn mắt trừng trừng nhìn sang, sẵn sàng bắn trả. Ăn hiếp Bắc thì dễ ẹt, ai làm cũng được chứ ăn hiếp em Duyên là khó giàng trời. Em mồm miệng tía lia, bắn đủ loại súng, ném lựu đạn ầm ầm, không ai chịu nổi hoả lực sùng sùng của em. Hơn nữa em lại đang buồn, muốn kiếm người cãi lộn cho vui. Xe xốc ổ trâu, sàn xe đánh rầm rầm, tưởng muốn rớt hết ốc vít bù lon. Mấy đứa ngồi giữa té chúi nhủi. Mấy đứa ngồi hai bên đập đầu vô thành boong boong tưởng tử nạn. Tôi té lên mình anh Bốn, êm ru. Anh Bốn vẹo người la chét chét, tay còn quơ quào cố chụp mớ bài. Duyên lồm cồm bò dậy trước tiên, nhỏng đầu nhìn ra bên ngoài.
Duyên nói.
“Hai năm đầu, ba Duyên cũng bị giam ở đây.”
Ủa, thiệt sao? Trời đất, mấy chuyện phiền phức sao không dấu mà khai ra huỵch toẹt vậy. Tôi chỉ biết, ba Duyên là sĩ quan cao cấp binh chủng Biệt động quân, đi học tập ngoài Bắc tới nay vẫn chưa về. Chắc Duyên giống tính cha, ngang tàng và hung hăng. Duyên thi vô trường đậu thủ khoa. Với số điểm cao ngất trời đó, nếu là con thường dân thì cũng đủ tiêu chuẩn để học những ngành ngon lành như Y- Dược. Duyên cười khì khì.
“Lý lịch đen thui như Duyên được nhà nưóc ban ân huệ cho đi học đã là may, than phiền gì nữa. Sáu năm trước, anh Hai của Duyên đậu thủ khoa trường Y, nhưng người ta huỷ hồ sơ đâu có được bước chân vô trường.”
Ờ, không được đi học nên anh của Duyên vượt biên sang tới Mỹ, nghe đâu lại học giỏi và thành đạt. Vậy mà hên. Duyên sướng lắm, gia đình thuộc tầng lớp quý tộc cũ ở Sài Gòn, lại có thân nhân nước ngoài. Lúc nào Duyên cũng ăn mặc chải chuốt bắt mắt, nói tiếng Anh trơn tru như nước chảy, chỉ chờ ba về là dông sang Mỹ. Nhưng hình như ba Duyên cứng đầu cứng cổ quá, quyết ở lì trong trại cải tạo chứ không thèm về. Ờ ờ. Cả trường này không ai sang như Duyên. Ngay khi xắn quần cuốc cỏ, lội sình cấy lúa, qua trại xúc phân heo Duyên cũng đẹp, cũng khác xa đám bạn quê mùa lèm nhèm. Thành phần như Duyên mà thân với Sầu thì lạ thiệt.
Duyên cười tưng tửng.
“Tụi mình đều là kẻ chiến bại.”
Nói vậy mà nghe được, ai cũng chiến bại hết thì lấy ai chiến thắng. Sầu hiền khô nên chẳng phản đối gì. Sầu là con liệt sĩ, gia đình nghèo thê nghèo thảm, nhà dột nát, tan hoang không có được cái bàn thờ tử tế. Nghe nói ba Sầu bị giặc giết dã man lắm. Ai ở quê Sầu mà không nghe tới chiến công anh hùng của liệt sĩ Đặng Văn So. Con đường lớn nhất huyện, công viên đẹp nhất huyện, nhà hát hoành tráng nhất huyện cũng mang tên ba Sầu. Vậy mà họ thân nhau, chơi chung, ăn chung, đi học chung. Duyên đẹp, Sầu xấu. Duyên cao, Sầu lùn. Duyên vui vẻ, Sầu… sầu đời. Duyên học giỏi, Sầu học ngu. Duyên chẳng học gì hết, cuối học kỳ dò bài lẻm bẻm là thi đậu, cuối tuần dông về Sài Gòn nhảy nhót party. Sầu học bơ phờ quanh năm suốt tháng, tối lửa tắt đèn cũng rị mọ ôm tập tụng kinh, cuối tuần nào cũng ngồi bẹp dí trong cư xá để gạo bài. Chưa thấy ai học hành khổ ải khổ hạnh như vậy. Sầu vô trường là do tiêu chuẩn con liệt sĩ chứ điểm thi môn nào cũng trớt quớt. Đi thi, hễ ngồi kế Duyên thì Sầu đậu, hễ ngồi một mình là Sầu rớt.
Duyên ngủ gục bên thành xe, Sầu cởi áo lao động ra kê đầu cho Duyên. Nàng giật mình mở mắt ra, nhìn Sầu nhăn răng cười. Thằng Giang ngồi kế bên, ngáp lia ngáp lịa. Thằng này ngáp suốt ngày chỉ khi ngủ mới thôi ngáp. Trong lớp có ba đứa mồ côi, thằng Lũ, Sầu và thằng Giang. Sau này, nghe phong phanh ba của Bắc cũng chết. Chết ra sao không ai rõ. Bắc là loại khôn ranh, không ưa nổi. Sầu là con liệt sĩ thứ thiệt chứ thằng Giang kia là con liệt sĩ mập mờ. Nó không bao giờ nhắc tới quá khứ, chỉ chăm chăm nộp giấy chứng nhận con liệt sĩ lên khoa để được tiêu chuẩn ưu tiên thi lại. Con liệt sĩ thi rớt thì được thi đi thi lại nhiều lần, thi tới bao giờ thầy cô chán thì cho đậu. Thành ra thằng Giang đổ lười, lười trây lười trất, chẳng chịu học hành gì. Thằng Trí ở cùng quê nó nói, ba thằng Giang là cán bộ nằm vùng bị cắt đầu thả trôi sông Mỹ Chánh mà không rõ là do bên nào giết. Thằng Giang bị chính quyền địa phương ghép lý lịch vô thành phần gia đình có nợ máu với nhân dân. Thật ra nó cũng là đứa thông minh, thi đại học ba năm, đậu hết ba lần nhưng rồi bị huỷ kết quả luôn ba bận. Thằng Trí kể, mạ nó phải bán hết ruộng nương để lên tỉnh chạy bằng chứng nhận liệt sĩ cho chồng, để cho thằng con vô đại học. Nó vô đại học khi tuổi đã già trớt, gia đình đã vô sản, lý tưởng niềm tin cạn kiệt. Bằng tuổi nó người ta đã chuẩn bị ra trường, còn nó như ông già càm ràm chửi rủa suốt ngày. Bạn bè trong phòng đừng ai nhắc chuyện quá khứ, chuyện chiến tranh, nó ghét ghê lắm.
Anh Bốn vừa thắng ván bài cười hả hả, thúc vô vai tôi.
“Ngồi kế thằng Thung vậy mà hên.”
Nói thiệt nghen. Nội cái hơi trong thân thể ngà ngọc này bay ra cũng đủ làm người khác hên rồi chứ đừng nói chuyện dựa vai dựa lưng. Tôi chỉ ban phát ân huệ cho người khác thôi chứ tôi không thích đánh bài, làm biếng suy nghĩ lắm. Ngồi nhìn Duyên đã hơn. Thằng Giang ghét tôi, lúc nào cũng châm chọc vì nó tưởng tôi mê con nhỏ Bắc của nó. Thôi đi! Chỗ bạn bè ai tranh giành với nó làm gì. Bắc đâu có đẹp gì cho cam, mặt mày xanh lè, lại hay giả bộ ngơ ngơ như từ trại tâm thần ra. Còn em Duyên? Trời! Nhan sắc của em Duyên là số dách, cả trường không ai sánh nổi. Kiếp này tôi không lấy được Duyên thì quyết không lấy ai để trả thù số phận, trả thù đàn bà. Tôi nhìn khuôn mặt đẹp tuyệt vời của Duyên, thầm nghĩ tới cảnh Duyên là vợ mình. Duyên sẽ nấu cho mình ăn, sẽ giặt ủi áo quần cho mình, sẽ chà giày da cho mình, sẽ gãi lưng cho mình. Chiều chiều Duyên bồng con đứng ở cửa, tha thiết chờ tôi về. Nghĩ tới đó, mặt tôi nóng bừng hai lỗ tai tưởng như căng ra ngọ nguậy liên hồi. Tôi ngượng ngùng nhìn Duyên, cố can đảm ngó sâu một chút vô cổ áo của Duyên.
Không được!
Vũ Văn Thung!
Phải bình tĩnh lại! Trong xe còn có nhiều người khác. Lý tưởng cách mạng để đâu? Đạo đức người đoàn viên thanh niên cộng sản để đâu? Tôi thở dài, lòng mang đầy mặc cảm tội lỗi. Can đảm lên, Vũ Văn Thung. Phải triệt tiêu tình cảm tiểu tư sản uỷ mị. Cố nhìn lãng đi xa. Cha mẹ ơi, có vậy mới biết sức hút của em Duyên thật là khủng khiếp. Nó biến một người đoàn viên cộng sản ưu tú thành kẻ ham muốn tầm thường.
Thằng Giang ngồi phía đó nhìn tôi lom lom. Cái thằng cà chớn. Tôi nhìn Duyên chứ đâu có nhìn Bắc mà nó cứ ghen lãng xẹt. Số là, hồi sinh nhật Bắc, tôi vẽ cho cô nàng tấm chân dung. Tội nghiệp, lúc đó Bắc mới bị xe tông nằm nhà thương, đi thăm bạn mà chẳng lẽ đi tay không. Ừ, tội nghiệp thiệt chớ, không biết kiếp trước Bắc tu kiểu gì mà kiếp này lại xui xẻo vướng vô một thằng bạn khó ưa như thằng Giang. Tôi bỏ hết một tuần để vẽ chân dung Bắc rồi tế nhị đưa cho thằng Giang coi trước. Không ngờ nó vừa liếc mắt qua đã nói chăm bẳm.
“Mày vẽ mũi Bắc giống lỗ mũi con chó cò.”
Xúc phạm kinh khủng nghe chưa. Thằng này không có kiến thức hội hoạ mà dám phê bình kiểu đó. Mũi Bắc khó vẽ lắm chớ bộ. Cái mũi vừa nhỏ vừa thanh, vẽ nghiêng thì dễ chứ vẽ trực diện khó muốn chết. Nội cái mũi thôi, tôi vẽ đi vẽ lại suốt hơn một tuần, gôm muốn lủng giấy. Vậy mà nó nói giống lỗ mũi chó cò. Giận hết cỡ. Con chó cò là chó hoang, ốm nhom ốm nhách, lủi lủi ngoài mấy đống rác cạnh quán hủ tiếu của dì Ba. Nó hít hà tìm đồ ăn riết rồi mũi dài thòng lòng ra. Tôi ra đứng cửa sổ nhìn qua đống rác, tự dưng đâm chán tấm hình mũi chó, chẳng biết liệng đi đâu, đành nhét luôn xuống dưới chiếu. Không dè anh Bốn táy máy lôi ra được, lại còn la thất thanh. Ông nội này học được kiểu la giựt giọng của bà Mẫn.
“Ủa hình em nào đây? Trời ơi. Thằng Thung vẽ hình để ´thư´ con Bắc. Hèn chi con nhỏ bị xe đụng.”
Thằng Lũ lụt cũng la làng.
“Nó là con gái đồng trinh mà mày nhét hình nó dưới giường, tối tối nằm đè lên, là mày xâm hại âm khí của nó. Bởi vậy mà nó yểu mạng.”
Thằng Sỏi cũng le lưỡi.
“Hèn chi mặt em cứ xanh lè như ma ám.”
Cha mẹ ơi. Không ngờ dương khí của mình quá mạnh xá, phát sóng từ xa mà cũng đủ xâm phạm tiết hạnh kẻ đào tơ. Khám phá kỳ diệu này theo tôi tới suốt cuộc đời, buộc tôi phải thường xuyên kiểm chứng và khẳng định.
Ờ, tôi kể lang bang một chút để khắc hoạ hình bóng nhân vật Vũ văn Thung trong lòng bạn đọc. Thằng Giang chê tôi nói năng luộm thuộm, không đi thẳng vô vấn đề, thiếu tính cô đọng. Chẳng lẽ cô đọng là tiêu chí để xây dựng những nhân vật lớn như Vũ Văn Thung. Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Kể chuyện làm sao để truyền đạt được cảm xúc tới người đọc, để lột tả được nhân diện tốt đẹp hay ho của nhân vật “tôi”, cái thằng tôi sáng láng đẹp trai, biết suy tư, ngồi ngay cửa xe.
Xe qua đoạn đường lở xói, xốc lên từng chập như sàng gạo, mông ê ẩm, xương cốt long ra từng khúc. Anh Bốn thua tiếp hai ván bài, quay sang nạt tôi.
“Ngồi kế thằng Thung xui quá. Cho nó vô ngồi chung với tụi con gái đi.”
Bình tĩnh. Vũ Văn Thung bình tĩnh! Phải biết kiềm chế lòng mình, không thèm trả treo với loại hồ đồ như anh Bốn. Tôi muốn ngồi đây để ngắm Duyên, mặc kệ chuyện anh Bốn thua hay thắng.
Duyên cựa quậy lấy chỗ trống rồi ôm đàn hát. “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay…” Cả xe nhao nhao phản đối. Nắng nôi gì nữa mà gọi. Nóng nực chật chội muốn chết còn nghe rên rỉ mấy thứ nhạc nguỵ này sao ngộp thở quá, Duyên ơi. Thằng Rồi giương đôi mắt mang hình viên đạn nhìn sang gườm gườm. Tôi cũng không ưa nghe Duyên hát mấy bản nhạc vàng uỷ mị sướt mướt, chẳng hợp với Duyên chút nào. Nhưng Duyên kỳ lắm, cứ ôm đàn lên là hát mấy bài này trước, như để thử sức chịu đựng của thính giả, thử lập trường cách mạng kiên định của đám cán bộ Đoàn. Thằng Rồi khó chịu tằng hắng một tiếng, chuyến này về tới trường là nó tót lên đoàn khoa kể tội Duyên, kể tội bọn tiểu tư sản đội lốt sinh viên xã hội chủ nghĩa hát toàn nhạc phản động. Duyên dễ dãi cười khì khì, đổi tiếng đàn.
“…Xa nông trường ra biên giới…”
Mấy thằng con trai vừa đánh bài vừa nhịp chân hát theo. Mấy đứa con gái cảm động quá cũng vỗ tay theo nhịp. Biên giới ở lại phía đằng sau. Hát nữa đi Duyên.
“…Em bây giờ quen mưa nắng…”
Tôi vỗ tay bè cho Duyên hát. Sầu với thằng Giang cũng bè say sưa, loạn xạ. Xe xốc mấy cú ổ trâu, cả đội văn nghệ té chủi nhủi vô nhau. Chị Mẫn xoa mông nói.
“Con Duyên lên nông trường tối nào cũng ngồi ngoài lán hát tới khuya. Chị phải la. Mày hát to qua tới tận bên kia biên giới, lỡ tụi Pôn Pốt nghe được…”
Thằng Lũ cắt ngang một cái tàn nhẫn.
“Chị nói vậy là doạ Duyên hay doạ tụi Pôn Pốt. Tụi nó nghe giọng Duyên mà ớn da gà, rút quân về hết bên kia.”
Cả xe cười hô hố. Thằng Giang la lên.
“Pôn pốt qua chỉ bắt cái thằng nằm chắn ngang cửa lán.”
Mọi người càng cười to hơn. Lãng một cái. Tôi chửi thầm cái thằng chuyên đâm thọt đồng chí. Nó ganh ghét chuyện tôi suốt bốn tuần được nằm ngủ bên lán nữ. Để được ngủ ở đó, buổi chiều phải nhịn ăn, nằm đắp mền rên hừ hừ. Nó có nhịn ăn nổi không? Lán nam chỉ có cái mái nhà, bốn bề trống trơn. Nằm đó nghe gió rừng lùa qua ào ào, mưa tạt vô xối xả, là muốn sốt rét rồi. Bên lán nữ có được phên lá bốn bên, lại rộng thênh thang. Chỗ này đêm đầu tiên là của tụi tôi. Mấy đứa con gái ở nông trường khác, tự nhiên nhớ hơi trai mò về đây dành chỗ. Nông trường ra lệnh đuổi mấy cũng không đi. Lẽ ra, tụi nó biết điều nhường một nửa cho những đứa mảnh mai ốm yếu như tôi với thằng Sỏi. Vậy mà tụi nó tham lam cướp trọn ổ. Đúng là lòng dạ đàn bà.
Sầu sắp xếp cho tôi nằm nép một bên vách chứ cũng lạnh lẽo tủi thân lắm. Đàn ông trai tráng chứ có phải gỗ đá đâu. Mà cũng là loại thuần dương phát sóng mạnh nữa. Nhất là ban đêm, dương khí Vũ Văn Thung ồ ạt phát sóng ngoài vòng 16 mét 50. Tụi con gái trong kia không biết thời thế, ỷ có bầy đoàn, cười giỡn rúc rích cả đêm. Khó chịu kinh khủng. Tôi nằm ngủ phải mặc nguyên quần dài để ngăn bớt sóng thần, để người đời đừng dị nghị. Người đoàn viên thanh niên cộng sản phải mặc quần kín mít, tự trói buộc mình bằng nghị lực và ý chí cách mạng. Cũng may là tôi thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa lại biết cẩn thận lo xa. Hơn người là cái chỗ đó. Lòng dạ đàn bà hiểm độc biết đâu mà lần. Nghĩ tới đó là rùng mình thiếp đi.
Nửa đêm hoang vu, nai rừng tao tác não nùng, tự nhiên có tiếng con gái la rùng rợn. Tôi bủn rủn xụi hết chân tay.
“Trời ơi, thằng Thung. Thằng Thung bò vô giường em.”
Con Hằng la. Đồ quỷ sứ. Hết chỗ bò vô rồi sao bò vô giường nó. Con nhỏ này đâu có đẹp đẽ gì mà ham hố quá xá. Hoá ra nó mê mình mà bây giờ mới lộ ra. Đứa nào cũng hớt hải la theo, hình như là em Duyên.
“Trời ơi, Thung mới nhảy lên chân em.”
Trời ơi, em Duyên. Anh mà nhảy lên em là không bao giờ ngu dại gì leo xuống. Nhưng lúc này chưa phải lúc. Em cần bình tĩnh chờ đợi.
“Trời ơi. Lông lá hôi rình. Nó bò vô góc nhà rồi.”
Trời ơi, oan quá nghe. Làm gì có chuyện hôi hám đó. Mới tắm hồi hôm kia mà. Ủa, còn nằm nguyên con đây chớ có bò vô góc nhà hồi nào đâu.
Trong lán nữ náo động ghê ghớm, quẹt diêm đánh xoèn xoẹt. Anh Bốn cầm đèn pin dẫn đầu bọn con trai hùng hổ xông qua định bắt quả tang người lương thiện. Thằng Rồi xộc hai tay vô mùng, lôi cổ tôi ra. Tôi cười vô mặt nó.
“Hề! Áo quần còn nguyên. Nghiêm chỉnh! Đoàn thanh niên đừng hòng đổ tội cho kẻ hiền lương.”
Anh Bốn rà đèn pin vô góc nhà, một con dê đực đứng đó trợn mắt trắng dã. Hề hề. Tôi nín hết nổi, phọt ra cười. Cả đám con trai cũng ré lên cười. Con dê già vểnh chòm râu bạc đủng đỉnh đi ra cửa. Con dê này của giám đốc nông trường nuôi làm giống, đêm nay không ở bên chuồng dê cái mà mò qua đây. Tụi con gái cười rúc rích, đi tới nông trường nào cũng bị dê chó gà heo mò vô lán nửa đêm. Kỳ dị, mấy con vật ôn dịch này cứ nhằm ngay lán nữ mà mò vô. Chị Mẫn không cười mà nạt ngang.
“Tắt đèn đi. Đừng la to. Coi chừng lính bên kia biên giới. Thung ơi, vô nằm phía trong lán đi, em. Nằm chắn ngang cửa dùm chị.”
Thôi nghe, đừng dụ dỗ trai tơ. Để người ta về lại bên lán nam với đồng đội. Tự nhiên nhắc tới cái biên giới bên cạnh làm người ta ớn lạnh.
Anh Bốn cũng hạ giọng nói nhỏ.
“Mấy đứa con gái thôi trò la lối nửa đêm nghen. Mấy bà hết chuyện giỡn rồi hay sao? Bên con trai chia phiên ra, mỗi tối cho năm thằng qua nằm bên này canh chừng.”
Ờ. Nằm thì nằm vậy thôi nghen. Không ai cứu nổi ai đâu.
Đêm nghe nai tác nổi hết da gà. Thằng nào hồi chiều kể, chỗ nai tác là chỗ có cọp về. Hơ hơ, hết chuyện Pôn pốt lại thêm chuyện cọp nữa, thiệt quá sức chịu đựng. Tôi không ngủ được, thao thức chờ trời sáng. Lại nghĩ tới đống cuốc dựng ở góc nhà, lạnh hết xương sống xương sườn xương mỏ ác. Mấy đồng chí Khờ Me Đỏ bên kia biên giới chuyên cáp duồng bằng cuốc. Để sẵn cuốc trong lán mời họ hành quyết hay sao? Rồi lại nghĩ tới những cánh đồng tranh ngút ngàn với mấy cái hố bom B52 to toang hoác. Mìn đạn nằm đầy nhóc dưới đất, cuốc xuống nhát nào ớn lạnh nhát đó. Cái chết đe doạ theo từng bước chân người chiến sĩ thanh niên xung phong. Căm thù thằng Pôn pốt mọi rợ bất nhân. Căm thù thằng đế quốc tàn ác dã man. Căm thù những kẻ hiếu chiến gieo rắc thảm hoạ xuống lương dân. Nghĩ tới nghĩ lui mà tự nhiên lên cơn sốt rét, ngủ lúc nào không hay.
Thật kỳ lạ, suốt mấy tuần ngủ ké bên lán nữ, chưa lần nào tôi mơ thấy Duyên. Có lẽ âm khí hội tụ bên trong lán quá hỗn loạn mà đánh lạc hết tần số. Phát sóng hết cỡ, dò tới dò lui cũng không biết Duyên nằm đâu.
Xe ì ạch chuẩn bị leo qua cầu Phước Hoà. Lòng sông sâu như vực, nước đục ngầu. Thằng nào rống lên. “Vượt qua sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng.” Cả xe vỗ tay ào ào hát theo. Duyên cười cười đánh đàn từng tưng phụ hoạ. Chạy song song bên kia là cầu Sông Bé bị gãy đôi. Hai chân cầu chìm giữa những rẫy bắp xanh um đang gióng cờ. Anh Bốn dừng tay chia bài, hùng hồn chỉ ra bên ngoài nói át giọng.
“Cây cầu gãy này là chiến công của quân ta trong chiến dịch giải phóng Phước Long.”
Mấy đứa ngáp, mấy đứa bợ đít giả bộ vỗ tay bộp bộp phụ hoạ. Duyên nhổm dậy ngó ra ngoài, nó nói nhỏ nhưng cố tình sai nhịp, trật tông thành ra ai cũng nghe rõ.
“Những điều tàn nhẫn trong chiến tranh gọi là chiến tích thì được, chứ gọi là chiến công lại thêm tàn nhẫn.”
Trời ơi, em Duyên! Anh xin em. Đường lối vạch sẵn không đi, lý lịch què quặt lại ham chạy nhảy lung tung. Càng đi xa khỏi trường lại càng phát ngôn bừa bãi thiếu kiểm soát. Ở trường đố đứa nào dám ăn nói kiểu đó. Bao nhiêu cái tai là bao nhiêu con mắt, bao nhiêu cái miệng là bao nhiêu cái mũ. Tai hoạ không biết sao mà lường. Chỉ cần có đứa báo lên Đoàn Khoa. Chỉ cần thi rớt môn chủ nghĩa cộng sản là khỏi tốt nghiệp. Người ta đang gọi chiến công tự nhiên em lại muốn gọi là chiến tích. Có khác gì đâu? Ủa, khác gì đâu? Khi không sinh chuyện nổi rôm nổi sảy. Chật chội hôi hám kinh khủng. Tôi nhắm mắt, cạ lưng ngang dọc vô thành sắt phía sau cho đỡ ngứa. Không khí trong xe bỗng chùng xuống, nóng hừng hực, ngao ngán quá trời đất. Anh Bốn trợn mắt chuẩn bị bắn trả lại Duyên. Thằng Rồi cũng hằm he chĩa súng quay sang Duyên. Mấy thằng này cũng hầm hơi nữa, Duyên gọi chiến tích thì có khác gì chiến công. Có khác gì đâu?
Thằng Giang với Sầu cũng lên đạn rốp rốp đồng loạt giương súng lên, sẵn sàng hỗ trợ cho Duyên. Hai đứa này con liệt sĩ cộng sản tự dưng xông ra bắn yểm trợ cho con nguỵ quân cộng hoà, thiệt là loạn.
Thằng Lũ chửi thề một tiếng tục tĩu, nó chưa tỏ ý theo phe nào. Nếu thằng Lũ nghiêng về bên nào thì cán cân lực lượng sẽ nghiêng về bên đó. Thằng Lũ học giỏi nhất bên đám con trai lại hào phóng chuyện thi cử. Hầu như thằng nào trong lớp cũng có ít nhất một lần được thằng Lũ cho chép bài. Tôi nghĩ, nếu thằng Lũ nghiêng bên nào tôi cũng nghiêng bên đó. Nhưng thằng Lũ là đứa gian ngoan thâm trầm, ngoài tôi ra đố ai biết nó nghĩ gì. Tôi đoán là nó sẽ im lặng giữ thân.
Em Duyên này hay gây tai hoạ bất tử kinh khủng, nhưng lần nào em cũng thoát chết, không hiểu tại sao luôn luôn có nhiều đứa ủng hộ em. Cỡ như mình, lỡ nói lãng một câu nhỏ xíu là đạn pháo dập tới tấp, dập cho tắt đài, dập cho tan nát đời trai. Thật là bất công. Bởi vậy chẳng ngu dại gì nhào vô làm bia đỡ đạn cho đàn bà, dù là yêu thương tha thiết. Trời đổ nắng nóng hầm hập, ai cũng dễ quạu, tình hình căng thẳng dòn rụm như bánh tráng. Chắc thế nào cũng có đứa bị đá văng khỏi xe. Chắc là kiếp này tôi không lấy Duyên đâu, loại đàn bà bạ đâu cũng bắn súng quăng lựu đạn lung tung kiểu này dễ làm tan nhà nát cửa lắm.
Sầu đột ngột lên tiếng, nó là cán bộ thứ dữ cấp thành đoàn chứ không phải loại cán bộ lớp tầm thường nhưng ồn ào như chị Mẫn, anh Bốn. Nó nhỏ con ít nói mà mở miệng ra ai cũng ngán.
“Thôi đủ rồi nghe. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.”
Quá đạt. Em Sầu dội nguyên gáo nước lạnh lên đầu mấy chiến sĩ đang nóng nực. Sầu không cãi, chỉ mang quan tài ra doạ là mấy thằng nhát gan sợ khiếp vía. Thằng Rồi vẫn còn gườm gườm nhìn Duyên, định nói gì nhưng lại im, thằng này quen đánh du kích lén lút ở đâu chớ đụng bộ đội chính quy cỡ như Sầu là rét run. Thằng Sỏi ngủ gục trong góc cũng nhớn nhác la lên đánh lạc hướng chiến sĩ.
“Khát quá. Chị Mẫn ơi, chuyển can nước qua đây dùm.”
Bên ngoài trời đổ nắng cục cằn. Can nước chuyền hết một vòng xe. Hơi nóng chằm vằm đổ từ trên cao xuống. Hơi nóng dâng lên từ con đường gập gềnh bụi đỏ. Tôi gãi muốn tróc hết da lưng. Mấy đứa mặt đỏ kè, mồ hôi nhễ nhại. Lòng xe hừng hực bốc mùi.
Xe xuôi theo quốc lộ 14, ngang qua Đồng Xoài. Thị xã đìu hiu, hàng phượng còn leo lét hoa đỏ cuối mùa, mấy dãy nhà mái tôn cũ kỹ xiêu vẹo. Tiệm tạp hoá lụp xụp đóng dày bụi đất, mấy cái vỏ xe đạp treo lủng lẳng bên gốc cây gòn. Một đám con nít bụng ỏng đít teo, mắt lồi da xanh rớt vẫy tay bên đường. Mấy cái bóng nhỏ leo nheo giữa trưa hè thiêu đốt khuất sau làn bụi đỏ. Duyên nhìn ra bên ngoài rồi lại đăm đăm nhìn thằng Rồi, em ôm đàn hát.
“Tôi có người yêu chết trận Pleime
Tôi có người yêu ở chiến khu D
Chết trận Đồng Xoài…
Chết gầm cầu
Chết nghẹn ngào mình không manh áo…
Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam
Ngày gió lớn tôi đi môi gọi thầm
Gọi tên anh, tên Việt nam…”
Sầu len lén chùi mồ hôi trên mắt. Mắt Sầu đỏ hoe hoe. Thằng Giang quàng tay qua vai Sầu, nó nói nhỏ câu gì mà Sầu cười méo xẹo, lại đưa tay lên chùi mắt.
Thằng Rồi lỏ mắt nhìn sang anh Bốn, cả xe không ai biết bài hát này ở đâu ra, mang ý nghĩa gì. Nhưng chắc tụi nó muốn truy đuổi Duyên tới cùng. Mô Phật! Kiếp nghiệp em Duyên sao nặng như đá. Thằng Lũ im re nãy giờ tự nhiên bĩu môi.
“Tố Hữu làm bài thơ này bi quan thấy mẹ.”
Thằng Rồi lập tức quay qua thằng Lũ sừng sộ.
“Thơ Tố Hữu sao mày dám nói bi quan? Yêu Việt Nam mà bi quan cái gì? Đề nghị Duyên chép lại bài này, phổ biến cho cả lớp cùng hát.”
Thằng Lũ cười khẩy dựa đầu lên thành xe, không thấy nói năng gì nữa. Tôi biết là nó không ưa thơ Tố Hữu nhưng sợ phe thằng Rồi.
Comments (4 total)
Ad
Cảnh cáo blogger Vũ Văn Thung!
Tấm hình trong entry này đã Ban quản trị bị gỡ bỏ. Đề nghị blogger Vũ Văn Thung đọc lại điều lệ của diễn đàn.
Vũ Văn Thung
Làm gì khó dữ vậy chớ? Không gửi hình lên cho bạn bè coi mặt, làm sao tụi nó biết tui là ai?
Duyên
Thung@:
Làm sao tụi nó biết tui là ai?
Đọc văn là biết người. Nhận ra liền. Khỏi lo.
Vũ Văn Thung
Trời, em Duyên. Nhận ra người yêu xưa rồi hả? Nhớ thắm thiết phải không? He he. Để coi thằng Giang tiếp tục mấy kỷ niệm buồn ngủ của nó ra sao. Giang, kể tiếp đi mày. Nhưng cấm chọc ghẹo chê bai em Duyên nghe.
© L.T.H
© Đàn Chim Việt
Nhu vay la tot lam roi ! Binh thuong muon duoc nhu vay la phai 3 doi an cu chuoi day ban a !!!