Sống là cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn
Nói cho cùng, cuộc sống của bất kỳ ai thì cũng đều có điều vui sự buồn xen kẽ với nhau cả. Trong phạm vi mỗi gia đình, thì sự chia sẻ vui buồn đó là điều quá hiển nhiên rõ ràng. Mà trong đời sống chung của một tập thể xã hội, thì cũng vẫn có sự chia sẻ niềm vui nỗi buồn giữa các phần tử trong tập thể đó nữa vậy.
Từ xa xưa, trong dân gian vẫn thường phổ biến câu nói thật dễ thương này : “Rượu ngon phải có bạn hiền”. Và cụ Nguyễn Khuyến cũng có bài thơ đón tiếp bạn từ xa đến chơi, dù giữa lúc nhà mình đang gặp khó khăn ngặt nghèo với một câu bất hủ là :“Bác đến chơi đây : ta với ta.”
I – Các hình thức chia sẻ liên đới trong xã hội nông thôn truyền thống
Đó là nói về sự chia sẻ giao tiếp giữa những cá nhân bạn bè với nhau. Còn trong cuộc sống của một tập thể cộng đồng lớn nhỏ từ thôn xóm đến làng xã và lên tới cấp hàng tổng, quận huyện, tỉnh hạt, thì từ nhiều thế hệ trước đây đã có những hình thức sinh họat tập thể gắn bó rất là bền vững chặt chẽ, điển hình như một số sự việc sau đây :
Tại thôn quê thời trước năm 1945, vào những ngày Tết Nguyên Đán cả làng đều hớn hở mừng vui, ai nấy đều áo quần tươm tất dẫn nhau đến chúc tết các vị tôn trưởng trong dòng họ với lời cầu chúc rất trịnh trọng : “Chúc mừng Năm Mới”. Và nhất là bọn trẻ, thì náo nức với chuyện được các bậc cha bác phát cho món tiền lì xì để mừng cho các cháu vào ngày đầu năm đã khôn lớn thêm một tuổi nữa. Và trong những dịp “hiếu hỷ” – là lễ tang, lễ giỗ hay đám cưới, đám hỏi – thì bà con lối xóm quây quần sáp lại với nhau để giúp đỡ cho gia chủ sửa sang dọn dẹp nhà cửa, dựng rạp che, nấu nướng các món ăn v.v…giúp vào việc tổ chức các bữa tiệc đãi khách ngay tại nhà của mình.
Nhất là khi gặp thiên tai bão lụt – mà thường được gọi là “tai trời, ách nước” hay gặp lúc khó khăn “tắt lửa, tối đèn”- thì bà con xóm làng lại càng gắn bó tương trợ liên đới với nhau, để mà giúp đỡ cho gia đình các nạn nhân mau vượt qua được những thử thách bế tắc đó. Nói tóm lại, thì tại vùng nông thôn xưa kia, tình nghĩa xóm làng thật là bền chặt khắng khít, người dân tận tình chia sẻ với nhau trong mọi hòan cảnh khi vui cũng như lúc buồn. Rõ ràng là tình nhân ái đùm bọc thương yêu được thể hiện một cách rất cụ thể, hồn nhiên trong nếp sống cộng đồng nơi thôn xã của cha ông ta từ ngàn xưa vậy.
Ngày nay, bước qua thế kỷ XXI, sau bao nhiêu năm chiến tranh hận thù chồng chất và nhất là do chế độ cộng sản cuồng tín quá khích, thì cái nếp sống an hòa thuận thảo gắn bó xưa kia của người dân tại nông thôn nước ta cũng đã bị phá hủy hay bị biến dạng lệch lạc đi rất nhiều. Ta sẽ có dịp phân tích chi tiết rõ ràng hơn về tình trạng xã hội xuống cấp băng họai thật đáng buồn này trong một bài viết khác. Tiếp theo sau, tôi xin được trình bày một số trải nghiệm cụ thể trong thời đại gần đây.
II – Các hình thức chia sẻ trong những môi trường đặc biệt.
Kể từ ngày người cộng sản độc quyền nắm giữ quyền bính trong tay riêng của họ kể từ năm 1945 cho đến nay, thì họ bắt giữ đến cả triệu tù nhân chính trị, gây ra cuộc chiến tranh Nam Bắc khiến cả mấy triệu người miền Bắc cũng như miền Nam phải gia nhập vào quân ngũ ở về hai phía đối nghịch nhau. Rồi từ năm 1975, sau khi họ cưỡng chiếm xong trọn miền Nam rồi, thì họ đảy cả triệu người phải tìm cách xuống ghe ra khơi vượt biên. Ta sẽ lần lượt ghi vắn tắt lại một vài sinh họat gắn bó tương trợ có tính cách tiêu biểu của ba nhóm tập thể – là tù nhân chính trị, là đồng đội và là đồng cảnh vượt biên tỵ nạn này.
1 / Chia sẻ giữa những người bạn cùng sống trong tù.
Cuộc sống trong nhà tù cộng sản mà càng tàn bạo khắc nghiệt đói rét, thì các bạn tù lại càng sát cánh thân thiết gắn bó nâng đỡ lẫn nhau chặt chẽ hơn. Đã có đến hàng trăm cuốn Hồi ký của những người tù còn sống sót trở về kể lại những chuyện thật là cảm động về sự hy sinh cưu mang giúp đỡ lẫn nhau giữa những bạn cùng phải giam giữ trong những thứ trại tù ác ôn được ví như là một thứ “Địa ngục trần gian”. Điển hình như cuốn sách mới xuất bản vào tháng 8/2014 của nhà báo Vũ Ánh viết về Thung lũng Tử thần tức là Trại A20 ở Xuân Phước, Tuy Hòa. Và cách đây không lâu, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã thật can đảm tìm cách thông tin ra ngòai về tình trạng sức khỏe bị nguy hiểm của người bạn tù Điếu Cày – để nhờ vậy mà bên ngòai có cớ mà tranh đấu mạnh mẽ hơn nhằm bênh đỡ cho người tù rất mực kiên cường này. Trong những cuộc Họp mặt của những cựu tù nhân như từ Trại Ái Tử Bình Điền ở miền Trung, thì các bạn đã ôn lại bao nhiêu kỷ niệm vui buồn cùng trải qua với nhau trong những năm tháng bị cùm kẹp tàn bạo đó.
Bản thân tôi cũng từng bị giam giữ trong các nhà tù cộng sản từ năm 1990 đến năm 1996, thì tôi cũng được các bạn tù chính trị tận tâm nâng đỡ an ủi rất nhiều mỗi khi đau bệnh hay buồn phiền vì cô đơn tuyệt vọng – đặc biệt là khi bị nhốt riêng trong phòng biệt giam chật hẹp u tối. Và các bạn tù chính trị chúng tôi hiện vẫn còn tìm lại với nhau để cùng ôn lại những kỷ niệm thân thiết hồi đó.
2 – Tình “huynh đệ chi binh” gắn bó giữa những người bạn đồng đội trong quân ngũ.
Trong kho tàng văn học của bất kỳ quốc gia nào, thì cũng đều có những tác phẩm ghi lại sinh họat của những đơn vị quân đội chiến đấu cam go ngòai mặt trận – mà nổi bật nhất là tinh thần gắn bó yêu thương đậm đà giữa những chiến hữu đồng đội với nhau trong hòan cảnh cực kỳ cam go hiểm nghèo của chiến trường.
Ở miền Nam nước ta cũng vậy, hồi trước năm 1975, một bài hát rất thịnh hành được phổ biến rộng rãi trên radio tivi nhằm đề cao tình “Huynh Đệ chi binh”, thì có câu thật là cảm động : “Sống chết có nhau là huynh đệ chi binh”. Tình chiến hữu trong các đơn vị xung kích như Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến hay giữa những quân nhân bị vây hãm lâu ngày trong các tiền đồn hẻo lánh – thì lại càng khắng khít sâu đậm hơn. Các bạn đồng đội thân thiết chăm lo cho nhau chẳng khác gì anh chị em ruột thịt trong cùng một gia đình vậy.
Ngày nay, dù cuộc chiến chấm dứt đã 40 năm, thì cái tình cảm gắn bó phát sinh từ trong hàng ngũ đơn vị quân nhân thời đó vẫn còn sống động mãnh liệt – mà kẻ thắng cuộc không thể nào mà tiêu diệt xóa bỏ đi cho hết được. Nói gì đối với các người bạn đồng đội xưa kia mà hiện nay đã định cư yên ấm ở nước ngòai.
3 / Những người đi chung ghe hay cùng ở với nhau trong trại tỵ nạn.
Thống kê của cơ quan Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc có ghi nhận là tổng số các thuyền nhân Việt nam mà đến được các trại tiếp cư tại các quốc gia ở Đông Nam Á, thì lên đến con số trên 800,000 người. Các thuyền nhân này đã thuật lại bao nhiêu chuyện kinh hòang, bao nhiêu chuyện thật xót xa cảm động đã xảy ra trên các chiếc ghe mỏng manh ngòai biển khơi. Những chuyện bị hải tắc tấn công, cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ cũng như giết hại những người chống dám đứng ra phản kháng chống cự lại quân cướp. v.v… đều đã được ghi lại với rất nhiều chi tiết trên báo chí, sách vở – nên thiết nghĩ khỏi cần nêu ra ở đây nữa. Người viết chỉ xin nhắc lại sự kiện thật phổ biến là : Bà con ta đều tận tình chăm sóc cho nhau trong suốt cuộc hành trình đày gian lao nguy hiểm trên những ghe vượt biên hay trong suốt thời gian chen chúc sống trong các căn lều tồi tàn tại các trại tạm cư ở Mã Lai, Indonesia, Thái Lan v.v…
III – Để tóm lược lại.
Bài viết cho đến đây chỉ gồm những sự kiện cụ thể xảy ra trong xã hội chúng ta trong những năm tháng gần đây – nhằm minh họa cho cái lối sống tương trợ liên đới của một số tập thể trong từng môi trường và hòan cảnh đặc biệt. Nói chung, kể từ ngày đảng cộng sản thiết lập trên đất nước Việt nam một chế độc độc tài tòan trị – thì họ đã gây ra toàn là những thảm họa khốn khổ cho hàng chục triệu nạn nhân bất hạnh là bà con ruột thịt của nhiều người trong chúng ta. Họ chẳng hề tạo ra được một nỗi vui mừng, niềm hạnh phúc nào cho dân tộc chúng ta cả.
Có thể nói trong lịch sử trên 4,000 năm, chưa có một chế độ chính trị nào mà lại ác độc tàn bạo, dối trá lươn lẹo như chế độ cộng sản mà hiện đang hòanh hành trên quê hương ta từ 70 năm nay. Giới lãnh đạo hàng đầu kể từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng v.v… đã du nhập từ Liên Xô, Trung Cộng cái chủ thuyết dựa trên hận thù, bạo lực khiến gây ra bao nhiêu vụ chém giết đẫm máu – điển hình như trong vụ cải cách ruộng đất tàn sát đến mấy trăm ngàn người ở nông thôn miền Bắc trong thập niên 1950. Và nhất là đã gây ra cuộc chiến tranh Nam Bắc “huynh đệ tương tàn” khiến cho mấy triệu đông bào chúng ta bị thiệt mạng ở trong Nam cũng như ở ngòai Bắc.
Và lúc này, người Việt chúng ta ở trong cũng như ở ngòai nước – hầu hết đều là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của cái chế độ man rợ ác nhân thất đức đó. Chúng ta đã và hiện đang phải cùng nhau gánh vác chia sẻ những đau đớn nhục nhằn khủng khiếp như thế mà đảng cộng sản đã gieo rắc trên quê hương đất nước thân yêu chúng ta từ năm 1945 đến tận ngày hôm nay.
Đó là điều chúng ta không bao giờ lại có thể coi nhẹ – mà bỏ qua cái tội ác tầy trời đó cho đảng cộng sản được vậy./
Costa Mesa California, Mùa Thu năm 2014.
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt