New York năm 2015: Mùa Xuân đến chậm, mà tình người vẫn nồng ấm
Cuối tháng Ba năm 2015 này, tôi lại đến New York để vừa tham dự Đại Hội Thường Niên của tổ chức Ân Xá Quốc Tế và vừa đi thăm viếng bạn bè thân thiết từng gắn bó với mình từ bao nhiêu năm qua.
Miền Đông nước Mỹ năm nay trời khá lạnh và đến giờ này dù đã qua ngày Xuân Phân 21/3, New York vẫn còn có tuyết đổ phủ trắng khắp nơi. Chiều ngày Chủ nhật 29/3, tôi ra công viên Inwood Hill Park ở phía Bắc Manhattan, thì vẫn còn thấy tuyết đóng chặt ngay trên một số lối đi – nên tôi không dám mạo hiểm bước tới vì sợ bị trượt chân té ngã rất nguy hiểm. Nhiệt độ ban ngày vào buổi chiều dù có nắng, thì vẫn ở mức 35 – 40 độ F, tức là vào khỏang 3 – 5 độ C. Cây cối trơ trụi khẳng khiu, tòan cùng một màu đen xám ngắt – thật khác hẳn với cảnh sắc ở California với nắng ấm chan hòa và hoa lá nở rộ tưng bừng khắp chốn.
Thế mà trong hơn một tuần lễ qua, tôi đã được sống an vui ấm cúng trong tình thương mến của những bạn bè thân thiết – mà đã từng sát cánh với nhau trong công cuộc tranh đấu cho nhân phẩm và quyền con người. Tôi xin lần lượt ghi lại chi tiết về những cuộc hôi họp gặp gỡ trao đổi đó trong những ngày qua giữa lòng thành phố được nhiều người gọi là kinh đô tài chánh thương mại của cả thế giới.
I – Đại Hội Thường Niên năm 2015 của Ân Xá Quốc Tế Phân Bộ Hoa Kỳ tại Brooklyn New York 20 -22 March.
(Annual General Meeting 2015 – Amnesty International USA, viết tắt là AGM/AIUSA)
Đây là AGM lần thứ 50 của AIUSA. Riêng đối với tôi, thì tôi đã liên tục tham gia các AGM trong 6 lần, bắt đầu từ AGM 2010 ở New Orleans, tiếp theo là ở San Francisco, Denver, Washington DC, Chicago và đến năm nay ở New York. Với số tham dự viên vào khỏang 800 người đến từ khắp nước Mỹ, Canada và khách mời từ nhiều quốc gia khác, AGM 2015 sinh họat thật sôi nổi sinh động, tất cả đều được diễn ra trong nhiều phòng họp lớn nhỏ của khách sạn Marriott sát với chân của cây cầu lịch sử Brooklyn Bridge.
Chủ đề của AGM 2015 là: “From Moment To Movement” (Từ Khỏanh Khắc Lịch Sử Tới Phong Trào). Ngòai 5 phiên họp khóang đại, thì có đến trên 40 cuộc hội thảo nhóm theo các đề tài riêng biệt, mỗi nhóm từ 50 đến trên 100 người. Có đến trên 50 diễn giả là những người họat động nhân quyền khắp thế giới, các vị dân cử, nhà báo, luật sư, giáo sư v.v…, thường thường các diễn giả trình bày ngắn gọn để dành nhiều thời gian cho cử tọa nêu câu hỏi khiến cho sự trao đổi thảo luận diễn ra trong bàu không khí linh động hào hứng hơn.
Ngòai hai chức sắc hàng đầu là Ann Burroughs người gốc Nam Phi hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị (Board Chair) và Steve Hawkins người Mỹ gốc Phi châu là Giám Đốc Điều Hành (Executive Director) của AIUSA, thì phải kể đến mấy nhân vật nổi tiếng thế giới hiện nay như Mabel Abu, Giám đốc Amnesty Hongkong, Kayla Reed từ Saint Louis Missouri, họat động thật sôi nổi sau vụ Mike Brown bị cảnh sát bắn hạ tại Ferguson hồi tháng 8/2014, rồi đến Linda Sarsour người phụ nữ Hồi giáo Mỹ gốc Palestine, hiện là Giám đốc Điều hành Hiệp hội Mỹ Ả rập tại New York v.v…Đề tài “Bạo hành của Cảnh sát Mỹ” vẫn còn lôi cuốn sự dấn thân nhập cuộc của nhiều giới trẻ vào công cuộc tranh đấu nhân quyền tại khắp nơi trên đất Mỹ cũng như tại các nước như Mexico, Brazil, Trung Đông v.v…
Một điểm đáng chú y nhất là số người trẻ cỡ tuổi hai mươi tham dự rất đông, có thể lên tới 30% trên tổng số cử tọa. Tất cả đều tham gia phát biểu hăng say với phong cách trang nhã chín chắn nghiêm túc. Điều này gây cho tôi thêm tin tưởng về sự lớn mạnh của phong trào nhân quyền trên đất Mỹ.
1 – Những cuộc gặp gỡ trao đổi thân tình trong suốt 3 ngày Đại Hội.
Trong AGM này, tôi đã gặp lại nhiều người bạn đã quen biết trong những kỳ họp trước đây. Điển hình như chị Caroll Pearson từ tiểu bang New Mexico, chị là người họat động rất năng nổ nhiệt tình với Amnesty từ bao nhiêu năm nay. Lần mới nhất, tôi gặp chị tại Đại hội cấp Miền Tây (Western Regional Conference) vào tháng 11/2014 tại thành phố Albuquerque. Người khác nữa là Jonathan giáo sư môn Pháp văn từ thành phố Birmingham Alabama, chúng tôi thật vui vẻ nói tiếng Pháp với nhau v.v…
Nhưng tôi cũng gặp gỡ quen biết thêm được với rất nhiều bạn mới nữa. Xin kể ra vài trường hợp như sau : Gia đình 3 cha con Rodriguez từ thành phố Fairfax, Virginia là dân Mỹ gốc từ Puerto Rico. Con trai Lucas sinh năm 1994 mà lại vào cùng ngày sinh hật với tôi, như thế là cháu thua tôi đến đúng 60 tuổi. Tôi phải bảo Lucas : “Cháu phải gọi tôi là Grandpa, đúng không?” Cả ba cha con đều cười thật vui vẻ. Nhân ngồi chung trong một bàn tròn, nên tôi mở laptop cho ba cha con đọc một số bài viết của tôi; tất cả đều thích thú được biết rõ ràng hơn về họat động của tôi ở Việt nam, kể cả chuyện bị giam giữ trong tù của tôi nữa. Còn Jack Warner 23 tuổi là một sinh viên bậc cao học quê tại New Jersey, tôi cho Jack coi bài thơ tôi làm trong tù nhan đề là “A Message to Youth” và giải thích cho cháu biết là tôi được gợi hứng từ hai câu của nhà tư tưởng Bertrand Russell là : “Right Thinking” và “Nice Feeling”. Jack gật gù và nhẩm đọc lại hai câu này, rồi nói : “Cháu hết lòng cảm ơn bác đã chỉ dẫn cho cháu cái tư tưởng tốt đẹp đó của Bertrand Russell v.v…”
2 – Chuyện Việt nam được chú y trong Đại Hội.
Tại AGM 2015 lần này, chuyện Việt nam gây được sự chú y hơn so với mọi năm. Đó là nhờ có sáng kiến của cô Hương một sinh viên đang theo học bậc Tiến sĩ tại Đại học Indiana. Cô Hương thực hiện được hai tấm ảnh của hai tù nhân lương tâm là Tạ Phong Tần và Trần Hùynh Duy Thức với lời kêu gọi chính quyền Hà nội phải trả tự do cho họ. Mặt sau mỗi tấm ảnh có phần để trống dành cho người kí vào bức thư gửi cho các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng với lời yêu cầu phải thả người tù này. Đây là một sáng kiến rất đáng khen ngợi, vì gây được sự tham gia hưởng ứng cuộc tranh đấu nhân quyền ở Việt nam hiện nay.
Và riêng bản thân mình, thì tôi cũng có dịp phát biểu trong một cuộc hội thảo vào buổi sáng Thứ Bảy 21/3 dành cho “các tù nhân lương tâm chia sẻ câu chuyện của mình”. Tôi nói : “ Năm nay tôi đã 80 tuổi, là người cao tuổi nhất trong Đại Hội ở đây. Tôi là một luật sư bị bắt giam ở Việt nam từ năm 1990 và nhờ được Amnesty vận động can thiệp tích cực, nên tôi được trả tự do vào năm 1996 và hiện định cư tại California. Từ nhiều năm nay tôi tham gia sinh họat với Nhóm 178 Irvine California của Amnesty, cũng như tham dự liên tục 6 AGM kể từ năm 2010 đến nay. Tôi rất vui mừng vì thấy rất đông các bạn trẻ tham gia với Amnesty. Các bạn đó đang chuẩn bị thay thế cho thế hệ những người lớn tuổi như tôi ở đây- thật là điều làm cho tôi thêm phấn khởi nô nức và tin tưởng nơi tương lai tươi sáng của phong trào nhân quyền trên khắp thế giới vậy…” Cử tọa vỗ tay hoan hô nồng nhiệt và có vài em đến nói với tôi : “You are truly an inspiration for us. Thank you very much”.
Lại nữa, trong bữa tiệc do AIUSA khỏan đãi vào buổi trưa Thứ Bảy 21/3, trước số thực khách đông đến 700 người, một vị đại diện Amnesty còn mời riêng tôi lên khán đài và trao tặng cho tôi một Certificate of Appreciation ghi nhận tôi là một Anh Hùng Nhân Quyền (A Human Rights Hero) nữa. Ngay sau đó, tiếng vỗ tay tán thưởng đã vang dội khắp hội trường. Và lúc tôi trở về lại chỗ ngồi của mình, thì có nhiều người đến bắt tay và nói lời chúc mừng với tôi. Quả thật, đây là một vinh dự bất ngờ đối với tôi. Sau ít phút giao động, tôi lấy lại được sự bình tĩnh và thật tâm phấn khởi vui mừng coi đây cũng là một cơ hội thêm nữa để làm sáng tỏ chính nghĩa của phong trào tranh đấu nhân quyền của Việt nam đối với cộng đồng thế giới vậy.
II – Những cuộc thăm viếng bạn hữu tại New York.
Mỗi lần đến New York, tôi đều tìm đến thăm những người bạn tâm đắc của mình, cụ thể như chị Dinah Pokempner thuộc tổ chức Human Rights Watch, anh Doug Hostetter Giám đốc Văn phòng Liên lạc với Liên Hiệp Quốc của tổ chức Mennonite Central Committee và đặc biệt là đến ở nhà với anh Dick Hughes người bạn thân thiết đã trên 45 năm. Và vì đã có nhiều lần viết về các người bạn này trước đây rồi, nên lần này tôi sẽ chỉ ghi lại thật ngắn gọn những câu chuyện trao đổi với các bạn ấy mà thôi.
A – Riêng lần này, tôi lại đến thăm anh Zeke Johnson tại văn phòng của AIUSA đặt trong một building ở gần nhà ga thời danh của New York gọi là Penn Station tại khu trung tâm của Manhattan nữa.
Zeke là một nhân viên cao cấp của AIUSA, anh là Giám đốc Chương trình gọi là Indiduals At Risk của Amnesty. Ở vào tuổi trên 55, Zeke có kinh nghiệm vững vàng trong giới lãnh đạo của AIUSA. Văn phòng đặt trên lầu 16 với chừng trên 40 nhân viên – mà nhiều người bạn trẻ đã ở trong Ban Tổ chức AGM 2015 tôi đã gặp bữa trước ở Brooklyn.
Tôi nói với Zeke và các bạn trẻ này rằng : “ Tại AGM, tôi đã không có nhiều thời gian để phát biểu chi tiết về những kỷ niệm thật đẹp của mình với Amnesty. Cụ thể như vào năm 1996, khi tôi từ nhà tù ở Việt nam để qua định cư ở Mỹ, thì Amnesty International ở London có gửi cho tôi một chi phiếu 1,000 US$; họ nói là để góp phần chi phí chữa bệnh cho tôi sau những năm tù đày bệnh họan. Tôi thật hết sức cảm kích về sự ân cần này. Đó là lí do thêm nữa để thúc đảy tôi tham gia họat động với AIUSA từ nhiều năm qua v.v…” Một người bạn nói, đó là AI ở London, chứ nếu mà là Amnesty USA, thì có thể số tiền gửi tặng cho ông Liêm sẽ lớn hơn rất nhiều. Tất cả chúng tôi đều phá lên cười thật hồn nhiên vui vẻ. Tại phòng làm việc của Zeke, theo lời yêu cầu của anh, tôi đã lấy USB cài vào máy computer để chuyển cho anh một số bài viết gần đây của tôi.
B – Thăm anh Doug Hostetter tại Văn phòng MCC United Nations Liaison Office sát với trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Lần này văn phòng của MCC lại dọn lên lầu 10, nên tôi phải dùng thang máy mới lên tới được. Doug rất mừng được tin tôi được Amnesty vinh danh là một Human Rights Hero, nên tôi đã tặng cho anh bản phóng ảnh của Chứng chỉ này. Doug còn gửi cho tôi bài báo anh mới viết sau chuyến trở lại thăm Việt nam vào năm 2013 nhân kỷ niệm 40 năm ngày kí kết Hiệp Định Paris năm 1973. Bài báo có nhan đề “The Path of Return Continues the Journey” này khá dài với nhiều chi tiết lí thú và hình ảnh được đăng trong tạp chí Fellowship số Mùa Xuân năm 2014 của Tổ chức Fellowship of Reconciliation (FOR) ở Mỹ. Doug ghi lại những kỉ niệm thật đáng nhớ về cái thời anh tình nguyện làm công tác xã hội ở Tam Kỳ Quảng Tín từ năm 1966 đến 1969 – trong khuôn khổ của tổ chức họat động nhân đạo được gọi là MCC Mennonite Central Committee của Giáo Hội Tin Lành Mennonite.
Theo lời yêu cầu của Doug, tôi đã gửi một số bài tôi viết gần đây cho anh và cho cô Kati là thư kí của văn phòng nữa. Cũng trong building chung với văn phòng của Doug, còn có hàng mấy chục văn phòng liên lạc bên cạnh Liên Hiệp Quốc của các tổ chức tôn giáo khác, điển hình như Quaker, Methodist, World Council of Churches, Caritas Internationalis, Maryknoll v.v…
C – Đến ngụ tại căn phòng của Dick Hughes tại phía bắc Manhattan.
Cũng như mọi khi, mỗi lần đến New York, thì tôi thường đến sinh sống với Dick là người bạn rất thân thiết đã góp công sức và cả tiền bạc để vận động cứu thóat tôi ra khỏi nhà tù cộng sản từ hồi đầu thập niên 1990. Dick có một căn hộ riêng và Sherry người bạn đời của anh cũng lại có một căn riêng tại building gần đó. Cả hai anh chị đều lo lắng chăm sóc chu đáo cho tôi bất kỳ lúc nào tôi đến New York. Rõ ràng, đây là một cuộc vãng gia (home visit) thật hào hứng đối với tôi.
Gần đây, Dick bận rộn phải lo lắng cho người anh là Joe bị bệnh ung thư giai đọan cuối ở thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania. Còn cháu Tara, thì đã có gia đình và ở riêng trong một trang trại ở cách New York trên 2 giờ lái xe. Trong mấy ngày sinh sống với Dick, tôi đã tha hồ chuyện trò tâm sự với anh về đủ mọi thứ chuyện xưa nay. Dick gợi nhớ lại những người từng họat động chung trong Chương trình Giúp Trẻ Bụi Đời ở Việt nam trước năm 1975 – mà nay đã ra đi, điển hình như Linh mục Lương Tấn Hòang, Luật sư Phạm Quị… Anh Đỗ Ngọc Long thì bị đau nặng, phải chịu giải phẫu cột sống từ mấy năm nay. Và Dick cũng cho tôi biết tin tức về một số các em Bụi Đời ngày trước mà nay đều đã ở vào lứa tuổi trên dưới 60 cả rồi.
Dịp này, tôi còn gọi điện thọai cho các con tôi ở California và trao phone cho Dick để anh nói chuyện với các cháu. Dick thật cảm động thuật lại với tôi là cháu Trang nói sẽ gửi vé máy bay để mời chú qua California vào năm 2016 nhân kỉ niệm 20 năm ngày cả gia đình chúng tôi qua định cư trên xứ Mỹ. Đại khái chuyện tình cảm thân thương gắn bó đã trên 45 năm giữa Dick Hughes và tôi, thì thật là sâu đậm tuyệt vời – mà tôi không thể nào diễn tả trọn vẹn bằng lời nói hay chữ viết ở đây được. Đúng như câu ngạn ngữ trong tiếng Anh : “Friends are blessings” – Bạn bè là phúc lộc Trời ban cho mình vậy.
D – Gặp gỡ với Dinah Pokempner của tổ chức Human Rights Watch (HRW).
Dinah là luật sư làm việc lâu năm với tổ chức HRW. Từ năm 1991 – 92, Dinah đã lo phụ trách hồ sơ “Long & Liêm case” – tức là anh Đỗ ngọc Long và tôi Đoàn Thanh Liêm bị bắt giam từ năm 1990 ở Sài gòn. Vì thế mà giữa chúng tôi có sự thân thiết gắn bó từ mấy chục năm nay. Dick Hughes cũng ca ngợi Dinah vì sự tận tâm lo lắng bênh vực cho Long & Liêm là hai người bạn cùng sát cánh với anh trong Chương trình Bụi Đời – mà lại bị kết tội oan ức.
Lần này, Dinah lại mời tôi đến nói chuyện với các sinh viên trong lớp do chị giảng dậy tại Đại học Columbia vào chiều ngày Thứ Ba 31/3. Theo đúng hẹn, tôi đã đến lớp học do chị phụ trách giảng dậy về môn Luật Quốc Tế và Luật Nhân Quyền. Và trong liền 2 tiếng đồng hồ, tôi có dịp trình bày về những cố gắng ban đầu của sự phát triển Xã hội Dân sự ở Việt nam hiện nay và tham gia cuộc trao đổi rất sôi nổi hào hứng với các sinh viên còn rất trẻ, chỉ vào lớp tuổi đôi mươi.
Tôi đến Columbia vào buổi sáng và đi thăm nhiều cơ sở, nhất là mấy thư viện của trường học danh tiếng này. Dịp này, tôi nhớ lại chuyến tôi đến thăm các bạn theo học tại đây từ năm 1960, như chị Đào Thị Hợi, các anh Đỗ Quang Năng, Đỗ Khánh Hoan v.v… Mau vậy đó, thấm thóat mà đã trên 55 năm kể từ ngày tôi từ Washington DC đến thăm các bạn học ở Columbia New York dịp nghỉ cuối năm 1960.
Trong một tuần lễ ở New York vào đầu mùa Xuân năm 2015 này, tôi còn rất nhiều kỉ niệm vui vui dễ thương khác nữa. Nhưng đến đây, thì bài viết đã khá dài rồi; tôi xin tạm ngừng ở đây. Và xin hẹn sẽ viết thêm vào dịp khác vậy.
Tại Thư Viện Low Đại Học Columbia, ngày 31 tháng Ba năm 2015
Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt