WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bốn mươi mùa tháng Tư

136_image1

Tháng Tư lại về…

Những vết thương âm ỉ lại thêm một lần đau nhức trong tâm thức nhiều người Việt, những người đã từng chịu đau thương vì cuộc xâm lược mà những người cộng sản Bắc Việt đã áp đặt lên miền Nam. Là một người trẻ sinh sau 1975, tôi không phải nếm trải những kinh nghiệm đau đớn trong cuộc chiến này. Nhưng hằng năm, cứ vào dịp này, trong lòng tôi lại rộn lên những hoài niệm về giấc mơ thời tuổi trẻ của ba tôi những ngày sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà.

Việt Nam Cộng Hoà chưa phải là nơi tôi mơ ước, vì tôi mơ ước nhiều hơn thế: tôi mơ về một Việt Nam từ ải Bắc đến mũi Cà Mau, hoà bình, tự do dân chủ và có vị thế chính trị lớn mạnh trong khu vực. Nhưng đất nước đã mất này hoàn toàn xứng đáng để tôi dành một góc hoài niệm trong trái tim mình. Vì ở đó, gia đình ông bà tôi được ấm no, các cô chú bác tôi được sung túc và ba tôi được phép có một giấc mơ và có thể biến nó thành sự thật. Nhưng mọi thứ đã tan tành sau ngày 30 tháng Tư đen tối ấy.

Tôi không phải là người sống với quá khứ vì tôi còn trẻ và tương lai còn dài. Nhưng tôi tôn trọng những giá trị đã đạt được của tiền nhân, tôi thương yêu và ước gì, tôi có thể xoa dịu được tất cả những ai phải chịu những đớn đau, mất mát trong quá khứ đau buồn đó. Cứ mỗi tháng Tư về, tôi nhớ đến rất nhiều điều của quá khứ tang thương miền Nam, đất nước của ông bà tôi, đất nước thời niên thiếu của ba tôi. Tôi nhớ đến những sĩ quan quân đội đã tuẫn tiết vì thất bại trong nỗ lực bảo vệ quốc gia tự do của mình. Tôi nghĩ đến hàng trăm ngàn người bị sóng biển Đông nhấn chìm. Tôi nhớ đến hàng ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà phải bỏ mạng trong các trại lao động khổ sai. Tôi cũng nghĩ đến bố chồng tôi, một viên cảnh sát Việt Nam Cộng Hoà, đã bị đột quỵ và mất hết ý chí sống từ sau 1975.

Những ngày này, tôi muốn tưởng niệm về quá khứ và cầu nguyện cho các linh hồn hơn là rao giảng đạo đức khoan dung, vị tha. Không biết vô tình hay cố ý, mỗi năm đến ngày này, nhiều người cứ nhắc về sự hoà giải. Thật không hợp lý, hợp tình và đặc biệt khi nội dung những lời kêu gọi này hoàn toàn thiên vị. Nếu tôi không nhầm, hầu hết những người cổ vũ cho sự “hàn gắn”, “hợp hợp hoà giải” là những trí thức xuất thân từ các gia đình miền Bắc cộng sản. Chúng ta cần phân biệt rõ sự “hoà giải” mà họ nói không giống với sự hoà giải mà tác giả Nguyễn Gia Kiểng đã ưu tư trong cuốn “Tổ quốc ăn năn” của ông.

Trong khi Nguyễn Gia Kiểng cổ vũ cho sự hoá giải các mâu thuẫn nội tại về văn hoá, tâm thức, lịch sử đã in sâu trong lòng dân tộc do những hệ luỵ của một thời kỳ lịch sử xa xôi, không kể riêng cuộc chiến tranh Việt Nam. Thì những người cổ vũ cho “hợp hợp hoà giải” này với kiểu não trạng của “bên thắng cuộc” chỉ nhắm đến sự xoa dịu nỗi căm phẫn mà những người Việt hải ngoại và những người đấu tranh trong nước đối với những tội ác mà đảng cộng sản đã và đang thực hiện.

Nếu ngay trong chính lời kêu gọi hoà giải đã mang thiên kiến, thì khó mong họ có thể đóng góp cho một cuộc hoà giải thực sự. Theo thói thường của con người, khi người ta đứng ngoài những tổn thương hoặc là kẻ chiến thắng, họ thường dễ dàng rao giảng về đạo đức và sự tha thứ hơn những người chịu đau đớn, đặc biệt là khi vết thương đó chưa lành hẳn. Nhưng khi nghĩ đến chữ “hoà” thì ta chỉ có nghĩ ngay đến một thành phần trung gian, không thiến kiến. Chỉ có những ai thật tâm cân nhắc về Công lý và sự Công bằng với có đủ thẩm quyền đạo đức kêu gọi sự hoà giải.

Tôi đang có cảm giác mình là kẻ vạch lá tìm sâu, nhưng tôi không thể không chia sẻ điều mình nghĩ, đặc biệt là khi có ai đó nói về những điều gây tổn thương cảm thức về Công lý. Mới đây, admin của một trang facebook thông tin khá nổi tiếng đã chia sẻ một status dài, trong đó có đoạn như sau: “Chúng ta đã hàn gắn và hòa giải với cựu thù, nhưng vẫn chưa hàn gắn được chính sự chia rẽ trong lòng chúng ta.” “Cựu thù” ở đây là ai, là Hoa Kỳ? Anh đang đứng ở vị trí nào khi coi người Mỹ là cựu thù? Nếu anh coi họ là cựu thù thì chắc chắn đối với anh, Nga Sô và Trung cộng là anh em?

Ở đây tôi chỉ nói về lập trường trong cuộc chiến chứ không nói trong bối cảnh hiện nay. Dù Hoa Kỳ là một đồng minh “tráo trở” của Việt Nam Cộng Hoà thì đại đa số người dân miền Nam (trừ những kẻ nằm vùng và thân cộng) không coi họ là kẻ thù, mà chính những người cộng sản miền Bắc và đàn anh của họ mới là kẻ thù của miền Nam tự do. Vậy người admin này đã hoàn toàn đứng ở vị thế kẻ thắng cuộc miền Bắc để kêu gọi hoà giải. Như vậy, anh không đủ thẩm quyền đạo đức để bàn chuyện hoà giải.

Tôi không muốn bàn về một sự hoà giải viển vông. Hoà giải mọi mâu thuẫn trong lòng dân tộc là chuyện tất nhiên mà chúng ta cần làm để vực dậy chí khí dân tộc. Nhưng vấn đề là ai hoà giải với ai và hoà giải cần những điều kiện nào. Ý tiếp theo mà anh admin của Dân Luận đưa ra có thể giúp chúng ta rõ hơn về ý hướng của anh: “Nếu chính quyền không chịu làm điều đó, chính chúng ta phải xắn tay vào mà làm”.

Chính quyền độc tài hiện nay là kẻ tội đồ của dân tộc, họ không bước xuống, quỳ gối mà cầu xin tha thứ, mà vẫn đứng trên ngôi cao tiếo tục đàn áp những người bày tỏ ý kiến khác biệt. Vậy chúng ta “xắn tay” cao đến mức nào mới có thể “hoà giải” được đây? Không lẽ bảo những nạn nhân của họ phải chạy đến van xin để cầu hoà?

Nói đơn giản, tài sản – nhà cửa của người dân miền Nam, mà chính quyền cộng sản tịch thu rồi chia lại cho cán bộ nhân viên của họ, có được trả lại cho chủ cũ chưa? Hồ sơ này giải quyết ra sao? Chính quyền đã làm gì để bồi thường những mất mát nhân mạng và tổn thương tinh thần đã gây ra cho các gia đình quân cán chính miền Nam? Chính quyền cộng sản đã có lộ trình thực tiễn nào cho việc dân chủ hoá đất nước, trả tự do cho tù nhân lương tâm, bồi thường cho các nạn nhân nhân quyền và dân oan? Nếu chính quyền độc tài không làm những điều này thì ai là người có khả năng làm? Xin nhớ sự hoà giải trong tâm thức chỉ đến khi có những biện pháp hoà giải và khắc phục hậu quả trên thực tế.

Công lý không được thực thi, mong gì hoà giải?

Nếu chính quyền độc tài bị giải thể, còn lý do gì để người Việt ở hải ngoại giữ sự căm ghét chính quyền? Khúc mắc lớn nhất hiện nay là cuộc xung đột mang tính hệ thống về cả giá trị lẫn quyền lợi giữa chính quyền Cộng sản Việt Nam với đại đa số người Việt quốc nội và hải ngoại. So với xung đột hệ thống này, những mâu thuẫn cục bộ khác đều dễ giải quyết hơn. Tôi tin rằng người Việt Nam còn nhiều mâu thuẫn. Hoà giải ư? Cần thiết chứ, những mâu thuẫn luôn cần sự hoà giải. Nhưng xin nhớ, chỉ có mâu thuẫn mới cần hoà giải còn tội ác thì chỉ cần được đưa ra toà án công lý. Và sau khi chế độ độc tài này ra đi, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để hoá giải các mẫu thuẫn về lịch sử, tôn giáo, vùng miền, sắc tộc… Còn bây giờ, nhắc đến hoà giải thì chỉ có thể nói đến một khả năng: chính quyền độc tài phải giải thể!

Chúng ta có thể tự cảm thấy mình nhân văn khi kêu gọi hoà giải. Nhưng nếu chúng ta không phân tích rõ ràng và kỹ lưỡng về các điều kiện để hoà giải mà chỉ nói với tâm thức một người may mắn không phải chịu tổn thương thì vô tình chúng ta trở thành kẻ tàn nhẫn lên giọng cao đạo trong khi vết thương của nạn nhân chưa lành. Vài lời dong dài xin chia sẻ với quý thân hữu và độc giả gần xa. Xin cầu nguyện cho nhau trong những ngày kỷ niệm đen tối này.

Buôn Hô, 22/4/2015

© Huỳnh Thục Vy

© Đàn Chim Việt

9 Phản hồi cho “Bốn mươi mùa tháng Tư”

  1. Ngô Đình says:

    Chú là nhân chứng sống của VNCH. Là người còn trẻ mà cháu đã có sự nhận thức như vậy là đáng khen. Chú ước mong lần được gặp mặt cháu hoặc có thể qua điện thoại với cháu (nếu có thể cháu chú số đt cháu). Chúc gđ cháu hạnh phúc và tiếp tục kiên cường với CS

  2. Nam Viet says:

    bài viêt cua Thuc Vy rât sâu sac, thât dang khâm phuc tuoi tre vn ngày nay…y thuc duoc nhung gi dang xay ra tren dât nuoc VN..Hy vong tat ca nhung ban tre trong nuoc doc duoc bài cua Thuc Vy de nhân thuc duoc tôi ac cua CSVN hien nay.

  3. Người Viễn Xứ says:

    “Và sau khi chế độ độc tài này ra đi, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để hoá giải các mẫu thuẫn về lịch sử, tôn giáo, vùng miền, sắc tộc… Còn bây giờ, nhắc đến hoà giải thì chỉ có thể nói đến một khả năng: chính quyền độc tài phải giải thể!”.
    Chính xác về cả hai điều: “hóa giải” và “hòa giải”.

  4. thanh pham says:

    Bọn lai căng

    Khoan nói đến hòa hợp hòa giải
    Chỉ đơn giản là nói chuyện thôi
    Tôi cũng không thể nào hăng hái
    Nói gì đây với bọn tam vô?

    Ngôn ngữ nào nói với cộng nô?
    Nói như con vẹt, nói trịch thượng
    Nói cho bằng được không hổ ngươi
    Nói tào lao mà không biết ngượng!

    Thứ vô nhân tính, đồ hoang tưởng
    Có biết gì đâu để nói năng
    Làm sao có thể ta thương lượng
    Với một bọn toàn thứ lai căng?

    Nông dân Nam Bộ

    https://sangcongpha1.wordpress.com/

  5. thanh pham says:

    Nghiệt Ngã

    “Giặc từ miền Bắc vô đây
    Bàn tay nhúng máu đồng bào
    Bàn tay nhúng máu anh em
    Hận thù đó chất cao trong lòng người
    Hận thù đó chất cao trong lòng tôi”

    Tôi muốn quên đi mối hận thù
    Bao năm rồi sôi sục trong tôi
    Nhưng rồi dù sao thì họ cũng
    Cùng máu đỏ da vàng nên thôi!

    Nhưng nó cam tâm làm tôi mọi
    Dìm cả một dân tộc tôi đòi
    Phá nát tan giang san gấm vóc
    Nó hủy diệt cả một giống nòi!

    Làm sao tôi quên được hận thù?
    Hồ Chí Minh Lê Duẩn Đặng Xuân Khu
    Lê Đức Thọ Nguyễn Văn Linh Đỗ Mười
    Lê Khả Phiêu Nông Đức Mạnh Trọng lú?

    Nó vẫn huênh hoang thiên đường mù
    Vẫn kêu gào cứu đói giảm nghèo
    Nó vẫn tiếp tục ăn cám xú
    Biến nước ta thành một nhà tù

    Dinh thự nó trải dài khắp nước
    Trong khi nhà dân như chuồng vịt
    Chạy ăn từng bửa toát mồ hôi
    Đã bao năm rồi cơm không thịt!

    Thanh niên thì đi làm nô dịch
    Gái tơ đi đánh đĩ xứ người
    Nó vẫn ngợi ca loài Mác xít
    Hèn hạ nhục nhã làm trò cười!

    Một đất nước chín chục triệu người
    Bốn ngàn năm bao nhiêu xương máu
    Một bọn người vong bản bội tình
    Bốn mươi năm dân tôi ngơ ngáo

    Chỉ vì thằng Hồ cáo!
    Làm sao tôi quên được hận thù?

    Nông dân Nam Bộ

    https://sangcongpha1.wordpress.com/

  6. HN says:

    Xin Lỗi Tháng Tư !
    Bình Ngọc
    Thời trai trẻ, gác bút nghiên, gác mọi ước mơ …lên đường ” đánh Mỹ!”
    Cây súng trên vai, máu đỏ trong tim!
    Mụ lí trí! Hùng hục vượt Trường Sơn.
    Đêm nghỉ, ngày đi, giày vẹt gót , áo sờn vai thấm lạnh!
    Mẹ còng lưng vắt kiệt sức, mỏi mòn, thao thức đợi con về!
    “Ba mươi tháng Tư” : Bên Thắng cuộc, hả hê!!!
    Con trở thành kẻ “kiêu binh!” trong đoàn “quân Giải phóng!”
    Nhưng! Ba mươi tám năm sau con vô cùng thất vọng!
    Không hiểu mình đi Giải phóng cho ai???
    Chỗm trệ trên cao, toàn những kẻ bất tài!
    Đáy xã hội, nhiều “dân oan!” mất đất.
    Những nghịch lý, tai ương…chồng chất!
    Khoảng cách “sang, hèn” cứ rộng mãi ra.
    Người ở “quê” không còn tha thiết với “ao nhà”.
    Tràn vào Miền Nam “ngoạ, chiếm, xâm canh…từ núi, rừng, chợ búa, thị thành, lầu cao, gác tía ….!”
    Ngay như nhà ta thôi!
    Chỉ có mình tôi “gọi là : góp công giải phóng”.
    Chẳng tước quan gì! Mà cũng cả xóm kéo vào.
    Người thì bán rau, lượm ve chai, giặt ủi, bán thịt chó, thuốc Lào …
    Thậm Chí có cả lừa gạt, bảo kê, hút chích, đĩ điếm, bụi đời…
    Đi đâu, ở đâu cũng gặp toàn người “ngoài ấy”.
    Còn đố ai tìm thấy bóng dáng người “miền trỏng!” hiện diện trên quê hương mình đấy?
    Nhà cửa, ruộng vườn ngoài ấy họ bỏ hoang ???
    Quê Hương tôi, tên thật đẹp (làng Vàng).
    Cũng có đình, chùa, bờ xôi, ruộng mật!
    Không hiểu vì sao nhiều người “bỏ tất ?” để vào Nam chen lấn, đua đòi?
    Riêng tôi
    Đã hơn sáu mươi năm, đang ở cuối cuộc đời .
    Vẫn cháy bỏng! Muốn được về nơi mình “chôn nhau, cất rốn!”
    Đã mấy năm nay, tôi đã làm kẻ “chạy trốn!”
    Trốn khỏi “sai lầm !” những năm, tháng …đã đi qua!
    Trở về quê hương, cất lại một nếp nhà!
    Tập làm nông, ngớ ngẩn tìm những mảnh gốm xưa, và “Hoài niệm!” thuở ấu thơ ….
    Bỗng choàng tỉnh! Đôi khi tìm thấy mình trong đó.
    Cửa, cổng nhà tôi cứ mở toang! Kể cả khi trời đang nổi giông, nổi gió …
    Mỗi tháng Tư về tôi lại nhớ vào Nam!
    Xin lỗi ! “tháng Tư!”
    Xin lỗi ! Miền Nam, những việc tôi đã làm!
    Xin lỗi tất cả!
    Cả những người “bên thua cuộc!”
    Biết sao được !
    Mọi người chúng ta sinh ra, đâu có thể chọn được thời cuộc
    Nhưng : Lẽ đời, Đen, trắng phải phân minh!
    Xin lỗi! “Tháng Tư!”
    Hãy tha thứ cho mình! Rất chân thành, chứ không phải lời giả dối.
    BÌNH-NGỌC.

    • SÓNG NGÀN says:

      ANH EM

      Anh em cùng một mẹ già
      Đã đành bôi mặt như gà đá nhau
      Chẳng qua tại bởi người ngoài
      Nước bồng khen ủ đua đòi ta đây
      Tin vào ý hệ thơ ngây
      Cho rằng mình mới là thầy người ta
      Ngôn từ một biển bao la
      Tưởng chừng của thật ối cha dại khờ
      Thời gian mãi tận bây giờ
      Máu tuy ngừng chảy vật vờ còn tin
      Non sông bởi mãi im lìm
      Mơ màng nào thoát niềm tin vật vờ
      Tham lam hay chỉ khật khờ
      Nào ai biết được bến bờ là đâu
      Chẳng qua một cuộc biển dâu
      Bao giờ điều thực vãn hồi mới hay
      Ăn năn khi biết những ngày
      Tại đâu nên nỗi diễn bày vô duyên
      Mẹ cha ngôn ngữ tuyên truyền
      Phủ che sự thật huyên thuyên ai ngờ
      Con thuyền đất nước vật vờ
      Khiến dân còn mãi ngẩn ngơ khôn cùng …

      DẶM NGÀN
      (4/5/15)

  7. Hoàng Huy says:

    Văn phong mạnh mẽ, phân định rõ ràng, lộ rõ khí phách, thao thức của một nữ nhi ngày nay.

  8. MÂY NGÀN says:

    HÒA GIẢI HÒA HỢP DÂN TỘC

    Chuyện đơn giản đố mấy ai làm được
    Bốn mươi năm vẫn lần lượt trôi qua
    Vẫn quay lưng dù giọt máu một nhà
    Và khẩu hiệu vẫn chỉ toàn khẩu hiệu !

    Ngôn ngữ ấy chẳng qua đâu giá trị
    Nó bên ngoài và chỉ để đùa nhau
    Để tỏ mình cũng tử tế như ai
    Nhưng tâm ý thì có trời biết được !

    Lòng yêu nước có khác chi bánh vẽ
    Dễ ai đâu mà thương nước yêu dân
    Hay chẳng qua vì danh lợi bản thân
    Nói để nói mà dễ nào nghĩ tới !

    Chuyện đã vậy nên thôi đừng ngóng đợi
    Chiến thắng rồi ai lại chịu quên sao
    Cứ say men mà bước tới ào ào
    Phải vui mãi vì ta người chiến thắng !

    MÂY NGÀN
    (30/4/15)

Phản hồi