Hillary Clinton đến VN: Cơ hội có bị bỏ lỡ lần nữa?
Cũng là một ngày nhưng khi buồn, Nguyễn Du cảm nhận như ba năm, khi vui, ông thấy “ngắn chẳng đầy gang”. 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ kẻ cho là “nhanh”, vì đã làm được nhiều việc, người kêu là “chậm” vì có việc quan trọng vẫn chưa làm xong. Hai ngày ở Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ cảm nhận như thế nào?
Trong bối cảnh nước Mỹ đang bận rộn lo chuyện bầu cử ở Afghanistan và bà Ngoại trưởng đã không ít lần phải hoãn các chuyến công du châu Á thì sự hiện diện lần này của bà Hillary Clinton tại Hà Nội ngày mai có thể xem là cột mốc quan trọng, cụ thể hóa sự chuyển hướng trong chính sách của Hoa Kỳ, quan tâm nhiều hơn đến vùng Đông Nam Á.
Thay đổi chính sách này thực ra đã bắt đầu từ khi tổng thống Obama lên cầm quyền tại Nhà Trắng, với bà Clinton trong cương vị bộ trưởng ngoại giao. Các tín hiệu mạnh mẽ đã được tung ra: xác quyết sự trở lại Đông Nam Á bằng việc Mỹ ký hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) với Asean 7/2009, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần thứ nhất tại Singapore 11/2009, hội nghị Mỹ-các nước sông Mekong…
Nền tảng cho một tương lai ấm áp
Ngoại trưởng Hillary Clinton có mặt tại Hà Nội để tham dự nhiều cuộc họp với các đồng nhiệm trong các hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng (PMC) cũng như trong Diễn đàn an ninh khu vực (ARF-17). Chuyến công du lần này của bà Hillary Clinton còn là dịp để kỷ niệm 15 năm ngày Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao dưới thời tổng thống Bill Clinton.
Cách đây một năm, gọi bang giao Việt-Mỹ là “quan hệ đối tác chiến lược” còn là điều húy kỵ ở đây. Nhưng trong dịp kỷ niệm đáng nhớ này tại Hà Nội, từ các học giả đến thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao đều nhận thấy hiện nay là thời điểm cần nâng cấp mối quan hệ đối tác này. Một số nhà nghiên cứu được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách cũng nhất trí với nhau phải nâng tầm và “công khai hóa” bang giao Việt-Mỹ thành “quan hệ đối tác chiến lược”.
Phía Mỹ ở một cấp độ chính thức, từ đầu năm đến nay cũng đã liên tiếp bày tỏ thái độ quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt. Trợ lý ngoại trưởng Kurt Campbell chuyên trách các vấn đề Đông Á phát biểu thay mặt bộ Ngoại giao Mỹ trong buổi lễ kỷ niệm mới đây: “Khi nhìn vào tất cả các quốc gia bè bạn ở Đông Nam Á, tôi nghĩ rằng chúng tôi có triển vọng sáng sủa nhất trong tương lai với Việt Nam”.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain cho rằng: “Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không đơn thuần là mối quan hệ bình thường mà phát triển sâu rộng và mạnh mẽ. Trên thực tế, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng, tiềm năng nhất của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương”.
Về tầm liên kết, Việt Nam đã là thành viên của ASEAN, ASEAN + 1, của Hiệp định thương mại tự do FTA. Sau BTA, quy chế PNTR, thỏa thuận WTO, hai nước đang tiến xa hơn trong hợp tác thương mại với Hiệp định khung về thương mại và đầu tư TIFA. TIFA có thể đóng vai trò như một công cụ, một cách thức để giải quyết cả các vấn đề chính trị và xây dựng các điều kiện thương mại. Hai bên cũng đang xem xét khả năng cùng hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Lồng ghép song phương và đa phương
Chính quyền Obama rất quan tâm đến việc khôi phục lại vị thế bị sút giảm của Mỹ trong thời gian qua tại khu vực Đông Nam Á. Ngay từ tháng 7/2009, sau khi ký Hiệp định hữu nghị và hợp tác với ASEAN, bà Hillary Clinton đã tuyên bố là Hoa Kỳ hoàn toàn sát cánh bên cạnh các đối tác ASEAN để đương đầu với hàng loạt thách thức nhằm vào cả hai bên. Tuyên bố của bà Clinton cách đây đúng một năm: “Hoa Kỳ đã trở lại châu Á” có thể sẽ đi vào lịch sử ngoại giao không chỉ của nước Mỹ.
Quyết tâm “can dự” cùng các nước Đông Nam Á phản ánh trong văn kiện mang tên “Ưu tiên hợp tác được điều chỉnh trong khuôn khổ quan hệ đối tác tăng cường giữa ASEAN và Hoa Kỳ” được thông qua vào thời điểm đó. Ngoài ra, tại hội nghị ở Thái Lan, ngoại trưởng Clinton còn đưa ra “Sáng kiến về vùng hạ nguồn sông Mekong”, liên kết trực tiếp bốn nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan với Hoa Kỳ.
Đó cũng là thông điệp được tái khẳng định trong chuyến thăm hồi hai tuần trước của Thượng nghị sỹ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Nam Á, Thượng viện Mỹ.
“Tôi mong muốn Việt Nam cảm thấy thoải mái với việc Mỹ thực sự là đối tác khu vực, một đối tác rất quan trọng để duy trì ổn định khu vực. Đối với việc xử lý vấn đề Biển Đông hay sông Mekong, Mỹ có thể đóng vai trò tích cực”.
“Đơn đặt hàng” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với các ngoại trưởng ASEAN đưa ra tại lễ khai mạc AMM-43 khó có thể thực thi hiệu quả nếu Việt Nam và các nước thành viên không thúc đẩy để các đối tác như Mỹ, Trung Quốc và các nước lớn khác có trách nhiệm sâu rộng hơn trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh khu vực.
Các thành viên ASEAN, với tư cách là từng quốc gia đã thực hiện chiến lược này từ nhiều thập kỷ nay, với nhiều cấp độ riêng rẽ. Nhưng giờ đây, thời khắc để ASEAN, với tư cách là một cộng đồng bắt tay thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện “chiến lược cân bằng động” đã điểm.
Trong ý nghĩa đó, báo cáo kết quả thăm Việt Nam của bà ngoại trưởng lần này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với chuyến công du của tổng thống Obama sang Việt Nam dự Hội nghị lần thứ hai giữa lãnh đạo ASEAN với Hoa Kỳ tại cấp cao ASEAN-17 cuối năm. Điều mà chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tháng 2/1946 khẳng định mục tiêu của Việt Nam “là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ” đang trở thành hiện thực.
Đây thực sự là một cơ hội lớn lao đối với mối quan hệ Việt-Mỹ, mối quan hệ mà báo cáo chiến lược quốc phòng định kỳ 4 năm một lần của Mỹ gần đây cũng đã xếp nó vào dạng thức “quan hệ chiến lược”. Chưa bao giờ hình thành một sự lồng ghép hữu lý như hiện nay giữa các mạng lưới đa phương và song phương. Cấu trúc khu vực từ ASEAN đến APT (ASEAN+3), từ APEC đến EAS ( Cấp cao Đông Á) đang định hình lên một sự phối trí kinh tế và an ninh làm tăng cơ hội cho hòa bình và thịnh vượng đối với Việt Nam cũng như khu vực.
Đoàn tiền trạm của ngoại trưởng Clinton cùng với các đại diện của chính phủ Việt Nam hầu như đã hoàn tất các khâu chuẩn bị cho chuyến thăm quan trọng này. Chúc cho chuyến thăm hai ngày của bà ngoại trưởng, chúc cho các cuộc hội kiến giữa bà với các nhà lãnh đạo Việt Nam thành công mỹ mãn đối với cả hai phía.
Từ kinh nghiệm các cuộc đàm phán gia nhập BTA, WTO trước đây, hy vọng sau này các nhà viết sử sẽ không phải đi tìm hiểu cơ hội bị bỏ lỡ trong việc nâng tầm quan hệ Việt-Mỹ lên thành “đối tác chiến lược”. Hi vọng sẽ không có những lời tiếc nuối của các nhà lãnh đạo, các nhà đàm phán – những “người trong cuộc” kiểu: “Giá như hồi đó…” mà chúng ta đã từng nghe nhiều lần. Bởi bỏ lỡ cơ hội hợp tác chiến lược với Mỹ lúc này là có lỗi với lịch sử phát triển của đất nước, của Dân tộc.
Nguồn: Đinh Hoàng Thắng, Tuần Việt Nam