Paris có gì lạ không em?
Tuần này, Cỏ May xin mượn lại cái tít của mục hằng tuần ” Paris có gì lạ không em? ” để làm tít cho Thư Pari .
Paris đẹp muôn thuở. Paris cổ kính nhưng tình tứ và lãng mạn. Hằng năm, có nhiều chục triệu du khách tới thăm viếng Paris cho thỏa lòng ngưỡng mộ.
Thường có khi người ngoại quốc lại biết Paris nhiều hơn người dân Paris . Điều này đúng bởi có không ít người Pháp ở trong lòng Paris hay ngay sát Paris đã hơn năm mươi năm mà vẫn chưa biết tháp Eiffel! Cỏ May có lẽ là một trong số những người sống cạnh Paris từ khá lâu mà vẫn còn lắm ngỡ ngàng với Paris. Những người có kinh nghiệm giao thiệp thường khuyên khi hỏi tìm tên đường của một thành phố mình vừa tới, nên tìm hỏi thăm người ngoại quốc. Hay nhứt là tìm hỏi thăm người da đen là ăn chắc.
Một hôm ngồi trên xe điện Paris, cầm tờ báo ngày loại phát không như báo Việt Nam ở Mỹ để ở tiệm phở dành cho khách ăn phở, do một hành khách đọc xong bỏ lại, liếc mắt qua. Bỗng Cỏ May dừng lại ở một bài phóng sự ngắn tựa bằng anh ngữ “Wall of Love “với nhiều hình ảnh minh họa. Vội đọc qua để biết bức tường ấy ở đâu?
Biết rõ chỗ có Bức tường Tình yêu đó, hôm sau, Cỏ May bèn tới để xem cho biết thực tế như thế nào.
Café “Chào Bà “
Tiệm Café “Chào Bà ” tọa lạc tại số 22 trên Đại lộ Clichy, trước Métro Pigalle, thuộc Paris XVIII. Cơ sở này có từ lâu lắm. Khi tới Paris vào cuối thập niên 70, Cỏ May đã nghe nói và có vài lần đi ngang qua nhưng chưa vào. Bởi dáng vẻ rất bề thế của một nhà hàng café sang trọng. Mặt tiền màu đỏ vua chúa. Bên trong bàn ghế sang trọng, cách xếp đặt cổ kính và trưởng giả. Không dám bước chân vào tuy bị thu hút bởi tên Việt Nam vì Cỏ May mặc cảm mặt mày còn dính phèn của đồng ruộng miền nước mặn.
Sau đó, nghe nói, trên quầy (comptoir), có chưng một pho tượng Hồ Chí Minh rất lớn. Lúc này, tính hiếu kỳ nồi dậy, muốn tới xem qua cho biết. Rủ bạn cùng đi cho có bạn vì đây là khu phố đầy rẫy sex shop, bài ba lá, móc túi, dập dìu dân đen, á-rập, …sẵn sàng đao búa. Chưa kịp đi thì lại nghe nói bức tượng Hồ Chí Minh bị ngã bể tan tành do một bà “chị em ” lớn tuổi của thế hệ ái mộ bác theo xu hướng thời thượng tả khuynh của Pháp như phong trào “Mao-ít, Hồchíminh-ít”, thường lui tới uống café. Mỗi khi tới, bà đứng cạnh tượng bác, đưa tay rờ rẫm bác. Một buổi trưa năm 1990, bà “chị em ” khách hàng quen thuộc, như thường lệ, tới uống café vừa xem TV theo dõi biến cố Đông âu, tay vẫn mân mê bức tượng bác. Bỗng bác ngã xuống bể nát. Không biết phải vì cử chỉ vụng về của bà “chị em” hay vì bác cảm động, chịu không nổi, mà ngã xuống? Từ đó, nhà hàng không thay bức tượng khác. Có lẽ vì cái thời thượng không còn nữa. Cả Liên Xô và Đông âu còn bỗng chốc sụp đổ sạch trơn. Lớp người chạy theo thới thượng cũng đã già nua cả và nhứt là đã biết mình đã từng ngu muội một thời.
Hôm rồi, mục tiêu chủ yếu của Cỏ May là đi xem bức tường “Anh yêu em ” ( Le mur des Je t’aime ) ở Métro Abbesse, trên đồi Montmartre. Vô tình xuống Métro Pigalle, chợt nhớ lại café ” Chào Bà “, Cỏ May muốn vào một lần cho biết. Không phải vì hôm nay, mặt hết phèn nước mặn, mà thật lòng muốn ghi lại vài chi tiết về nơi đây để giới thiệu bạn đọc “Paris có gì lạ không em?”.
Nhớ vị trí của café “Chào Bà” phải ở đây, nhưng không thấy hai chữ “Chào Bà” thật lớn, nổi bật trước mặt tiền cửa hàng . Đi dọc theo Đại lộ, qua lại vài ba lượt để tìm. Sau cùng, đành tìm người lớn tuổi ở khu phố hỏi thăm. Cỏ May bèn chặn một bà đầm đang dẫn chó đi dạo giửa Đại lộ là lối đi dành cho người đi bộ và ghế đá ngồi nghỉ chân, hỏi nhờ chỉ giúp café “Chào Bà ” . Bà đầm chỉ đúng café trước Métro Pigalle như Cỏ May nhớ.
Cảm ơn bà đầm, Cỏ May bước thẳng vào tiệm, tiến tới quầy hàng, gọi một cái expresso . Cô chiêu đãi trẻ, người gốc dân đảo, đem tới tách café đen. Cỏ May hỏi cô có phải trước kia nơi đây đúng là tiệm café“Chào Bà”? Cô đầm trẻ xác nhận đúng nhưng từ tháng 10/2013, tiệm đã đổi chủ nên chủ mới gở bỏ tên cũ. Cô hàng mời Cỏ May lên lầu xem “bảo tàng của Chào Bà”. Quả thật, trên lầu, chủ nhân giữ lại những kỷ niệm của cửa hàng. Ghế mây chân thấp bọc nệm, xếp đặt rộng rãi. Chung quanh tường lót gương với nhiều hình ảnh tài tử, ca sĩ, vũ nữ một thời vang bóng.
Tại sao giữa Paris lại có một tiệm café nhà hàng ăn (Café Restaurant) mang tên hoàn toàn Việt Nam như vậy? Chính đó là lý do thu hút sự chú ý của không ít người Việt Nam khi tới Paris và cả du khách ngoại quốc bởi khu Montmartre vốn là khu du hí . Đi xa qua khỏi “Chào Bà ” vài mươi thước là “Moulin Rouge ” nổi tiếng từ thập niên 50 với điệu vũ tưng bừng “Frenk Cancan “.. .
Café ” Chào Bà ” do 4 người bạn say mê Á châu lập ra. Chọn danh hiệu “Chào Bà” vì cả 4 người đều mê Việt Nam . Và nghe nói bác Hồ thời hoạt động cách mạng ở Paris thường lui tới khu này vì nơi đây là khu nhân dân lao động, bác sống với nhân dân lao động để giáo dục họ sớm giác ngộ thân phận bị bốc lột của mình.
Bên trong tiệm thật sự là một nơi ấm cúng, xa cách cái ồn ào, xô bồ bên ngoài đường.
Ngày nay, vẫn còn một ít khách hàng quen thuộc lớn tuổi thường lui tới hoặc ăn trưa, ăn tối , hoặc chỉ uống tách café, ngồi trầm lặng hằng giờ đọc sách, báo. Ngăn cách những dãy bàn là những kệ sách báo dành cho khách hàng. Trên tường cũng đầy kệ sách. Lúc trời lạnh, người ta có thể vào đây ngồi đọc sách từ sáng cho tới tối về ngủ, tiết kiệm sưởi ở nhà.
Đồi Montmartre và Bức tường “Anh yêu em”
Đồi Montmartre là một danh lam thắng cảnh của phía bắc Paris. Trên đồi có ngôi nhà thờ Sacré-Coeur cổ kính. Từ đây, người ta có thể nhìn bao quát Paris. Bên cạnh là “chợ nghệ thuật”. Nói “chợ nghệ thuật” vì đây là một diện tích trống khá rộng lộ thiên, họa sĩ , nhiếp ảnh, cằt hình, nặn tượng tập trung, mỗi người chiếm một khoảnh nhỏ vừa đủ để đồ nghề như giá vẻ, kệ hàng,…Khách nhờ vẻ, năn tượng chân dung, chụp ảnh nghệ thuật, … Những nghệ sĩ này phần lớn là sinh viên, sau vài năm học ở trường, ra đây tập sự. Rồi theo thời gian và cuộc sống khó khăn, một số người không trở lại trường nữa. Trong những nghệ sĩ này, có vài người Việt Nam. Cỏ May có quen một người đã tốt nghiệp Trường Beaux-Arts Paris (Mỹ Nghệ Paris) cũng ra đây vẽ chân dung. Anh để tóc dài thắt cái bím sau lưng. Vẽ là để kiếm sống qua ngày. Cái ưu tư” hay “đam mê ” của anh là Triết lý Đông phương. Mỗi khi gặp anh, cả lúc đang vẻ, đều muốn bạn lắng nghe anh nói Triết lý …” Nhất Âm, nhất Dương chi vị đạo”. Cỏ May chỉ còn nhớ mấy chữ đó để nhớ lại anh. Ngày nay nghe tin anh về Sài Gòn sống tiếp tuổi già.
Đồi Montmartre thât sự là khung cảnh của đời sống nghệ thuật. Nhưng ít người biết phía sau nhà thờ Sacré-Coeur có một vườn nho 1700m2 trồng nho làm rượu từ năm 1935. Hằng năm sản xuất lối 2000 chai rượu nho loại 50cl, bán vào dịp lễ hội Mùa gặt, còn gọi với một cái tên nên thơ hơn là “Lễ Hội Gặt hái Tình yêu” do Thị xã Paris XVIII tổ chức. Đây là biến cố thứ ba của Paris tổ chức được đông đảo người tham dự (400 000 người), sau “Đêm Trắng Paris” và “Paris bải biển mùa hè ” . Tiền bán rượu chuyển vào Quỉ Văn hóa Xã hội của Quận XVIII Paris.
Biết mình đã đi lạc, Cỏ May vội tìm tới Bức Tường “Anh yêu em – Le Mur des Je t’aime”. Ra khỏi Métro Abbesse, trước mặt, phía bên kia đường là Công viên Jehan Ristuc. Thấy du khách tấp nập đang vào Công viên, Cỏ May nghĩ chắc bức tường ở trong đó nên Cỏ May vội băng qua đường, đi theo đoàn du khách ngoại quốc . Quả thật vừa tới cổng Công viên thì có một đoàn du khách khác tập họp trước một tấm bảng đá xanh đậm rất lớn gắn trên tường của hông tòa nhà. Họ đang đưa mắt cùng nhìn chắm chú vào bức tường.
Đúng đó là Bức tường “Anh yêu em ”, một tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ Frédéric Baron thực hiện năm 2000, nay đã thật sự trở thành một chứng tích vinh danh tình yêu toàn thế giới. Còn gì đẹp hơn, xứng đáng hơn cho Paris, Thủ đô của Tình yêu, của Văn chưong và của Nghệ thuật lãng mạn?
Chẳng những Bức tường «Anh yêu em ” là một tác phẩm nghệ thuật, mà nó còn là một kết tinh nỗ lực của Frédéric Baron đi suốt thời gian dài tìm gặp những sắc dân khác nhau để thu lượm 1500 câu “Anh yêu em ”, sàng lọc và đối chiếu để còn lại 311 câu, do nghệ sĩ Claire Kito viết lại bằng 280 loại chữ viết khác nhau, cả thổ ngữ, lên bức tường đá mài nhẳng thính, diện tích 40 m2 . Mỗi câu thề “ Anh yêu em ” nằm gọn trong một ô chữ nhựt 21 x 27, 9 cm .Trên mặt phẳng xanh đậm của bức tường, người xem thấy hiện ra rải rác những vết đỏ thắm như những chiếc lá úa mùa thu . Theo sự tưởng tượng của nghệ sĩ, đó là những mảnh vở của những con tim đau khổ vì tình yêu sụp đổ!
Cỏ May đứng gần lại bức tường để tìm cho được câu “Anh yêu em ” bằng tiếng việt . Không ngờ câu ấy lại chiếm ô thứ nhứt, trên cùng, bên trái bức tường. Đứng đầu bảng vì mẫu tự A hay vì người đàn ông (Anh) Việt nam đa tình hơn những dân tộc khác?
Mà xưa nay, có người học trò trai nào không khắc lên bàn viết bằng mủi dao tên của người yêu đầu đời của mình? Một cậu trai trẻ khác lại không khắc lên tường gạch của khu phố câu “Anh yêu em”? Chẳng những khắc tên người yêu hay câu “Anh yêu em ” lên tường, lên bàn viết hay thân cây trong công viên, những người yêu nhau ngày nay khắc tên nhau lên ông khóa đem khóa vào hàng rào kẽm của cầu Pont des Arts ở Paris rồi ôm nhau hôn, cùng liệng chìa khòa xuống sông Seine để thề nguyền tình yêu không bao giờ tan vỡ!
Mỗi năm, những người yêu nhau chỉ có một Ngày Tình yêu . Nay mọi người có Bức tường “Anh yêu em” để hẹn nhau suốt năm dài.
Để Paris vẫn là Thủ đô Tình yêu của cả thế giới!
Nguyễn thị Cỏ May
Cám ơn Cỏ May ( không biết là nam hay nữ, cứ tưởng tượng là nữ). BÀi viết làm yêu Paris nhiều hơn, mơ mộng nhiều hơn. Quận 13 có quán tên ” PHở”. VÀo ăn, thấy có 1 cây đàn guita, bèn dạo đàn và hát say sưa mấy bài Trịnh Công sơn và Phạm Duy. Hát bài Việt ở quán Việt ngay thủ đô Pháp rất vui. Tiếc là hôm sau phải giả từ Paris về Việt Nam. Nay đọc lại bài ” Paris có gì lạ không em” thấy sống lại những giây hạnh phúc ấy. Rất mong Cỏ May viết tiếp nhiều bài tương tự như vậy.
Cám ơn Cỏ May đả có một bài viết nhẹ nhàng dể thương về Paris.Tôi cũng đi xe qua “Chào Bà” vài lần nhưng chưa một lần vào xem.
Tuy nhiên nếu đừng có câu này thì hay biết mấy :
” Và nghe nói bác Hồ thời hoạt động cách mạng ở Paris thường lui tới khu này vì nơi đây là khu nhân dân lao động, bác sống với nhân dân lao động để giáo dục họ sớm giác ngộ thân phận bị bốc lột của mình.”
Sao nó giống một câu tuyên truyền của CS quá !
Cũng xin kể một chuyện bất ngờ. Trong một lần du lịch vợ chồng tôi dừng chân dọc đường ở một làng miền núi trung tâm nước Pháp. Trời gần về chiều, nên cố kiếm cho ra nơi nghỉ rồi lái xe đến phố chính của làng kiếm cái gì bỏ bụng.
Tình cờ đi ngang một quán khang trang, có tên HOP THƠ, rất giống tên Việt, nhưng do người Tây làm chủ. Bèn cứ vào ăn và tò mò hỏi thăm.
Hóa ra chỗ này hồi xưa là trụ sở Bưu điện và chủ trước, người Á châu, không rõ nước nào đã đặt tên cho hàng như thế.
Chủ mới cũng không thấy có gì trở ngại, nên cứ để vậy luôn.
Lần khác đi đến vùng trận địa Thế chiến thứ Nhật Verdun để thăm thú, tình cờ thấy một nhà hàng Việt ở một ngôi làng hiu quạnh, hình như mang tên Sông Hương hay Huế chi đó. Tò mò vào ăn và hàn huyên thật vui, cả chủ lẫn khách. Nhân tiện hỏi thăm thêm tin tức du lịch ở địa phương xa lạ này.
Đến những nơi khỉ ho cò gáy xứ người, mà gặp nhà hàng mang tên Việt là điều bất ngờ chen lẫn thích thú. Nếu chủ nhân là người Việt, biết nói tiếng Việt lại càng thích nhiều hơn nữa. Đôi khi chủ nhân là Tàu không bíêt nói tiếng Việt, khíên bớt vui đi nhiều
Lại Mạnh Cường
TRỜI SINH
Trời sinh ra vẫn vậy thôi
Cái điều cốt yếu mới điều dĩ nhiên
Có ai mà lại không ghiền
I love you, hoặc Je t’aime vậy mà
Còn không cũng Ick liebe dir
Để truyền nòi giống mới điều quan tâm
Chớ còn “chính chị” hà rầm
Phần nhiều gạt gẫm, hâm hâm quý gì
Thế nên bao tượng làm chi
Tượng nào có nói được gì tượng ham !
Cỏ May vạn dặm quan san
Mà tâm tư ấy vẫn càng đáng yêu !
TƠ NGÀN
(18/4/14)
TRỜI SINH
Trời sinh ra vẫn vậy thôi
Cái điều cốt yếu mới điều dĩ nhiên
Có ai mà lại không ghiền
I love you, hoặc Je t’aime vậy mà
Còn không cũng Ich liebe dir
Để truyền nòi giống mới điều quan tâm
Chớ còn “chính chị” hà rầm
Phần nhiều gạt gẫm, hâm hâm quý gì
Thế nên bao tượng làm chi
Tượng nào có nói được gì tượng ham !
Cỏ May vạn dặm quan san
Mà tâm tư ấy vẫn càng đáng yêu !
TƠ NGÀN
(18/4/14)