Chuyện Đoàn Huy Chương & Lê Trí Tuệ
Chúng tôi có quyền hội họp riêng tư, có quyền lập hội, gây quỹ, có quyền đấu tranh, có quyền đình công đòi hỏi các quyền lợi chính đáng, phù hợp mức lương, tương xứng với công sức lao động.
Đoàn Huy Chương aka Nguyễn Tấn Hoành
Cuối thế kỷ trước, có lần, tôi nghe ông Hà Sĩ Phu cằn nhằn: ”Ý thức xã hội rất thấp, trước một khó khăn chung thì phản xạ ứng xử là tìm lối nhỏ để thích nghi riêng. Lâu ngày nhược điểm ấy phát triển thành thói vị kỷ, vô cảm và trơ trơ trước nỗi đau chung.”
Nói như thế, về “nhược điểm” của đồng bào mình, nghe (e) hơi nặng. Dù thế, dường như, có người vẫn chưa đã miệng nên – qua đầu thế kỷ này – một nhân sĩ khác, Ông Lái Gió lại (“bong”) thêm câu nữa, nặng hơn thấy rõ:”“Chúng ta sống như một bầy gà, người ta vồ con nào con đấy chịu. Số phận đổ lên đầu gia đình nào, gia đình đó chịu. Chưa phải gia đình mình, mà có phải gia đình mình thì chúng ta tự nhủ là nhiều nhà khác còn bị như vậy.”
Nghe xong, tôi (trộm) nghĩ thêm rằng: ”Nhiều nhà khác không những cũngbị như vậy mà còn bị phiền hơn như vậy rất nhiều.” Trường hợp của gia đình ông Đoàn Huy Chương, a.k.a Nguyễn Tấn Hoành,là một nhà(lôi thôi) như thế.
Câu chuyện, có thể, bắt đầu từ ngày 20 tháng 10 năm 2006. Hôm đó, ông Nguyễn Tấn Hoành – với tư cách là một thành viên của Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, cùng với ba đại diện công nhân khác – đã gửi đến Bộ Chính Trị Trung Ương (TW) Đảng CSVNĐảng Cộng Sản Việt Nam “nỗi niềm khóc hận thương tâm” – cùng với “8 điểm đề nghị” của họ.Xin trích dẫn một đoạn, ngăn ngắn:
“Chúng tôi có quyền hội họp riêng tư, có quyền lập hội, gây quỹ, có quyền đấu tranh, có quyền đình công đòi hỏi các quyền lợi chính đáng, phù hợp mức lương, tương xứng với công sức lao động…”
Những “quyền” kể trên (đều) có vẻ hơi thừa đối với giới công nhân ở những quốc gia bình thường khác. Việt Nam, tiếc thay, không phải là một xứ sở bình thường. Do đó, Nguyễn Tấn Hoànhđã bị bắt giam. Sau gần hai năm tù, và sau khi bị hành hạ đến bầm dập, ông được phóng thích cùng với “một bản cam kết là từ nay về sau không đấu tranh nữa nhưng ông không đồng ý”– theo như tường thuật của phóng viên Việt Hùng (RFA) nghe được vào hôm 18 tháng 5 năm 08.
Ông bị bắt lại lần thứ hai vào ngày 23 tháng 2 năm 2010, cùng với hai người bạn cùng chí hướng: Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (30 tuổi) và Đỗ Thị Minh Hạnh (26 tuổi). Tám tháng sau, cả ba bị toà án tỉnh Trà Vinh kết án tổng cộng 23 năm tù vì tội “phá rối an ninh nhằm chống lại chính quyền nhân dân.”
Chưa hết, qua RFA, phóng viên Tường An còn cho biết thêm rằng “cả nhà ông đều bị bắt, trong đó có cha ông Chương là ông Đoàn văn Diên bị bắt từ năm 2006, hiện giam tại Hố Nai. Anh cả ông Chương là ông Đoàn Huy Tâm cũng bị bắt, em út ông Chương là Đoàn Huy Kha thì bị công an gọi lên thường xuyên vì bị nghi ngờ có liên quan đến những họat động của ông Đoàn Huy Chương.”
Mục sư Thân Văn Trường mô tả hoàn cảnh của “nhà” ông Nguyễn Tấn Hoành là “một gia đình đang sống trên bờ vực!” Điều an ủi, nghĩ cho cùng, là cả nhà vẫn còn sống sót – dù đa số đều sống trên bờ vực hay sống trong tù!Tôi biết một “nhà” khác hiện không ai biết đang sống dở, hay chết dở ra sao, ở phương Trời hoặc ngục thất nào: nhà dân chủ Lê Trí Tuệ.
Câu chuyện bi đát về nhân vật này xin được (tạm) bắt đầu vào ngày 20 tháng 11 năm 2006. Hôm đóm, ông Lê Trí Tuệ đã gửi đến tất cả những cơ quan, cũng như mọi giới chức có thẩm quyền ở Việt Nam một lá đơn tường trình và tố cáo dài 1438 chữ. Phần đầu – và cũng là phần chính, gồm 444 chữ –nguyên văn như sau :
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa ViệtNam
Độc Lập – Tự do – Hạnh phúc
Đơn Tường Trình và Tố Cáo
V/v Công An TP. Hồ Chí Minh, liên tục đàn áp, thẩm vấn, tạm giữ người tại cơ quan công an quận 4, TP. Hồ Chí Minh chỉ vì tôi thực thi những nhân quyền cơ bản của mình.
Tôi tên là: Lê Trí Tuệ
Sinh ngày 26/07/1979 Tại Hải Phòng.
Đăng ký Hộ khẩu thường trú: 942 Tôn Đức Thắng – Sở Dầu – Hồng Bàng – TP. Hải Phòng.
Điện thoại: 0982.152.619, 0912.530.615
Chức vụ:
Hội Viên Hội cựu chiến binh Việt Nam
Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Công ty Cổ Phần Trí Tuệ.
Phó Chủ Tịch Công Đoàn Độc Lập Việt Nam.
Kính thưa các quý vị lãnh đạo Nhà nước CHXHCN Việt Nam và các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài nước,
Căn cứ vào Tuyên Ngôn quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp quốc năm 1948
Căn cứ vào Tuyên Ngôn Nguyên tắc Tổng Liên Đoàn Lao Công Thế Giới [Tuyên ngôn này đã được chấp thuận chung, trong Đại hội kỳ thứ 16 của Tổng liên đoàn lao động Thế Giới ILO (International Labor Organizations), họp tại Luxembourg, từ ngày 1 đến 04 tháng 10 năm 1968].
Căn cứ vào Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992. Điều 53 và điều 69.
Hiến Pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) nêu rõ:
“Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước trưng cầu dân ý.”
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ vào những viện dẫn trên đây, làm cơ sở pháp lý dẫn tới sự ra đời và cơ sở Thành Lập công Đoàn Độc Lập Việt Nam, tuyên bố thành lập vào ngày 20/10/2006 tại Hà Nội.
Hiện nay chúng tôi đang làm thủ tục đăng ký, để từng bước hợp Hiến và hợp pháp theo quy định. Nhưng đáng tiếc thay tôi thường xuyên phải bị triệu tập lên cơ quan công an Quận 4, TP. Hồ Chí Minh để làm việc,bị cản trở quyền tự do đi lại của công dân, cản trở hoạt động khiếu nại tố cáo, ngăn cấm hoạt động xã hội, bảo vệ quyền con người cho nhân dân Việt Nam.”
Hai ngày sau, sau khi đơn tường trình được gửi đi, Lê Trí Tuệ đã bị công an VN bắt giữ (từ 22/10/2006 đến 26/10/2006) để tra hỏi về việc ông đã tham gia Ban Vận Động Thành Lập Công Đoàn Tự Do ở Việt Nam.
Đến ngày 07/12/2006, trong khi Lê Trí Tuệ còn đang bị lưu giữ tại trụ sở công an Quận IV (Sài Gòn) nhân viên an ninh đã lục lọi đồ đạc, và kiểm tra máy vi tính của ông tại nhà trọ.
Sau đó – vào ngày 14/03/2007– ông Lê Trí Tuệ đã bị một số công an mặc thường phục đánh đập dã man, ngoài đường phố.
Kế tiếp, trong hai ngày ngày 29 và 30 tháng 03 năm 2007, ông Lê Trí Tuệ lại bị bắt giữ và ép buộc tuyên bố công khai giải tán Công Đoàn Độc Lập, và làm một bản cam kết sẽ từ bỏ tất cả những hoạt động bị nhà đương cuộc Việt Nam cáo buộc là phản động …
Cuối cùng, ôngLê Trí Tuệ đã trốn khỏi Việt Nam – theo như tin loan của BBC, nghe được hôm 16 tháng 4 năm 2007: “Một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam vừa lánh nạn sang Campuchia … ông cho biết ông bị nhà chức trách tại TP HCM chuẩn bị đưa ra xét xử.”
Câu chuyện của Lê Trí Tuệ, nếu tạm ngưng ở đây, cũng đã đủ não lòng. Sự việc, tiếc thay, đã tiếp tục diễn ra một cách tồi tệ hơn như thế. Chỉ vài tháng sau, ông đột nhiên biến mất. Bản tin của VOA, phát đi ngày ngày 18 tháng 5 năm 2007, cho biết:” Một nhân vật bất đồng chính kiến Việt Nam đang được Liên Hiệp quốc bảo trợ ở Campuchia, ông Lê Trí Tuệ, đã bị mất tích. …Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đã đề nghị chính phủ Campuchia tìm kiếm ông Tuệ và họ vô cùng quan tâm đến vấn đề này. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia, Thượng tướng Khieu Sopheak nói rằng ông có biết về vụ việc nhưng ông không thể cung cấp thêm thông tin về vụ mất tích hay liệu bộ nội vụ có tiến hành điều tra hay không. Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, ông Trịnh Bá Cầm cũng nói rằng ông không có thông tin gì về ông Lê Trí Tuệ.”
Theo bản tin của HRW, gửi đi vào ngày 4 tháng 5 năm 2009: “Người ta nghĩ rằng công an Việt Nam đã bắt cóc ông Lê Trí Tuệ, một trong những sáng lập viên của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam. Ông Lê Trí Tuệ mất tích vào tháng Năm năm 2007 sau khi đào thoát sang Căm-Bốt để xin tị nạn. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã long trọng ghi nhận trong bản báo cáo 2008 về tình trạng nhân quyền Việt Nam rằng : ‘ông Lê Trí Tuệ hiện vẫn biệt tích… và theo một số lời đồn mật vụ của chính quyền Việt Nam đã giết ông ta.’”
Sau đó, dường như, không ai – không một ai – nhắc nhở hay quan tâm gì về Lê Trí Tuệ nữa. Đương sự biến mất khỏi cuộc đời này y như cảnh của một con gà bị cáo vồ, trước sự vô cảm và trơ trơ của cả bầy còn lại – nếu nói theo như cách ví von của Ông Lái Gió, và cách sử dụng từ ngữ của ông Hà Sĩ Phu.
Còn ông giáo Đỗ Việt Khoa (sau khi xem thấy cảnh một đàn trâu chiến đấu với cả bầy đàn sư sử để cứu một con nghé) thì phẫn uất nói rằng: ”Loài trâu ngu si còn biết làm như thế: vừa biết đấu tranh sinh tồn cho bản thân, nhưng cũng biết đấu tranh vì đồng loại.Loài người có được như loài trâu đó không?”
Phải trả lời sao cho câu hỏi vừa nêu?
Phải giải thích ra sao với phần nhân loại còn lại, cũng như với chính mình, và con cháu mai sau, về thái độ dửng dưng (“người ta vồ con nào con đấy chịu”) của chúng ta hiện tại?
Cứ theo lời của một người bàng quan thì “thái độ thụ động về chính trị của phần lớn người Việt Nam có thể được giải thích là do không hiểu biết về thế giới bên ngoài.”(Adam Boutzan.” Vietnam as Tunisia in waiting “Asia Times,Jan 29, 2011. Trans. Đan Thanh”).
Ồ, thì ra thế!
Nhưng thế thì giải thích thế nào về “thái độ thụ động về chính trị” tương tự của mấy triệu người Việt đang tị nạn (chính trị) ở nước ngoài? Tôi không tin rằng có bất cứ một tổ chức, một hội đoàn hay đảng phái nào của người Việt hải ngoại đã lên tiếng đòi Cao Ủy Tị Nạn, chính phủ Cambodia và nhà đương cuộc Hà Nội phải làm sáng tỏ trường hợp (“mất tích”) của Lê Trí Tuệ.
Chủ nghĩa mặc-kệ-nó, thứ mackeno-ism ấy, theo nguyên văn lời của ông Nguyễn Hưng Quốc “là một trong những chứng bệnh hiểm nghèo nhất của dân tộc ta hiện nay.”
Ông Đào Hiếu thì mô tả hiện tượng “im thin thít” này là một cách “đầu hàng tập thể”! Cũng theo ông đây là chuyện “thật đáng sợ, mà cũng đáng trách. Nhưng không biết trách ai?”
Trách thì không nhưng buồn (và buồn muốn chết luôn) thì có!
Tưởng Năng Tiến
XÃ HỘI VÀ PHÁP LUẬT
Bất kỳ xã hội nào và ở thời nào cũng đều cần có luật pháp để bảo vệ chính mình và bảo vệ người dân. Nhưng xã hội bảo vệ mình là cuối cùng để bảo vệ người dân mà không phải ngược lại. Có nghĩa người dân là mục đích của xã hội mà không phải điều ngược lại.
Sự hiểu sai về người dân dẫn đến sự áp dụng luật pháp sai chỉ làm lợi cho một số người cầm quyền mà không phải lợi cho toàn dân, đó là ngụy luật pháp hay luật pháp của ngoại bang áp dụng vào cho dân tộc trong những thời kỳ bị mất nước.
Điều đó cũng có nghĩa luật pháp phải do toàn dân làm ra dưới tất cả mọi hình thức nhằm áp dụng cho chính mình và cho cả xã hội mọi người mà không phải chỉ do thiểu số nào đó làm ra để áp dụng cho toàn xã hội, cho toàn dân. Như thế luật pháp cũng thật sự chỉ có giá trị, tức ý nghĩa khách quan, khi đó là luật pháp dân chủ mà không phải là luật pháp độc tài.
Mọi người sinh ra đời đều tự nhiên bình đẳng và tự do. Nhưng trời sinh mỗi người có tài năng khác nhau, có tâm hồn đạo đức khác nhau, và mỗi người do hoàn cảnh điều kiện của mình cũng đạt đến mọi sự hiểu biết, mọi trình độ hiểu biết khác nhau trong cuộc sống. Do vậy không ai có thể tự nhân danh điều gì hay tự vỗ ngực cho rằng mình giỏi dang hơn người khác để ép buộc người khác phải phụ thuộc mình. Ấy chính ý nghĩa của xã hội dân chủ tự do và xã hội độc tài chuyên chế khác nhau là như thế.
Do đó cũng thấy rằng không thể có một đảng phái nào được coi là ưu tiên hơn những đảng phái khác, không có cá nhân hay nhóm cá nhân nào được coi là trội vượt hơn những cá nhân hay nhóm cá nhân khác, không có giai cấp nào được coi là ưu việt hơn các giai cấp khác trong xã hội. Mọi chủ trương ngược lại điều đó đều chỉ là nói điêu, không hề đúng với mọi sự thật khách quan hoặc khoa học
Như vậy cũng có nghĩa chỉ có những thể chế thật sự tự do dân chủ đúng đắn mới thật sự là những thể chế hữu ích, chân chính, giá trị trong xã hội loài người. Trái lại mọi thể chế độc tài độc đoán dù ở đâu hay thời nào đều phản xã hội, phản nhân văn, phản chân lý, ngụy biện, ngụy tạo và đi ngược lại mọi quyền lợi cũng như ý nghĩa chân chính của mọi cá nhân con người cũng như toàn xã hội.
Từ đó mở rộng ra cũng thấy được rằng mọi lý thuyết chủ trương độc tài xã hội, cho dù nó nhân danh gì đi nữa cũng đều là ngụy thuyết, và bất kỳ nhóm người nào từng xây dựng nên những nhà nước độc tài nào đó trong lịch sử xã hội đều có tội với con người và xã hội, cũng như nếu có những cá nhân nào đó vì mọi lý lẽ riêng tư nào đó vẫn tiếp tục củng cố hay nối tiếp mọi thể chế nhà nước độc tài nào đó cũng thảy đều thực chất có tội với con người và xã hội và chắc chắn phải bị lịch sử sau này phê phán, chê trách.
Vậy rút cuộc lại, ý nghĩa và chức năng mục đích của luật pháp là để bảo vệ mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội. Hai yếu tố này vẫn luôn gắn bó nhau và hữu ích cho nhau. Bởi vậy xã hội nào đó mà cá nhân chính đáng tự mâu thuẫn lại với xã hội chính đáng cũng đều là xã hội không chân chính hay không chính đáng. Bất kỳ nhà nước nào cũng là đại diện chung cho xã hội mà không phải đại diện cho bất kỳ sự nhân danh hay nhóm cá nhân nào đó. Kiểu nhà nước theo cách sau là kiểu nhà nước sai trái và không đúng đắn.
Cũng từ trên nền tảng đó, luật pháp và áp dụng nó phải luôn minh bạch, công khai, đúng đắn, không thể hàm hồ, mờ tối hay lệch lạc. Có nghĩa chỉ coi được một người nào đó là có tội khi có điều luật rõ ràng quy định, không thể suy đoán bâng quơ hay suy diễn tương tự. Mà trước tiên cũng phải chính bản thân luật pháp đúng đắn mới có thể nói đến sự thi hành đúng đắn. Cho nên nếu luật pháp không đúng đắn, tức độc tài, không tự do dân chủ thật sự, tự nó cũng thành không phải luật pháp mà chỉ là ngụy luật pháp.
Đó là ý nghĩa tại sao mọi luật pháp không thể là sự nhân danh mà phải thật sự khách quan và khoa học một cách cụ thể. Pháp luật mà nhân danh những cái mơ hồ như ý thức hệ, giai cấp, cảm tính nào đó, đó thực chất không phải pháp luật khoa học hay khách quan mà chỉ ngụy pháp luật, bửi vì nó chỉ do thiểu số cài đặt mà không phải do ý thức và ý chí toàn dân tạo ra.
Điều sau rốt cũng nên nói, ý nghĩa của mọi nhà nước chân chính là đều đại diện cho xã hội chân chính. Như vậy nhà nước phải hóa dân mà không được tuyên truyền một chiều ngu dân cũng như chỉ tạo nên mọi sự sợ hãi trong dân. Bởi cái trước, tức nhà nước hóa dân thì có lợi cho mọi người, cho toàn xã hội. Còn cái sau, nhà nước ngu dân hay nhà nước khủng bố, chỉ lợi cho cá nhân nào đó hay cho nhóm thiểu số. Ý nghĩa và kết quả thực sự của pháp luật cũng từ đó mà ra. Tức pháp luật đúng đắn mới bảo vệ và bảo đảm được cho cá nhân đúng đắn và xã hội đúng đắn, ngược lại pháp luật không đúng đắn thì tàn phá tất cả, mỗi cá nhân cũng như toàn thể xã hội.
THƯỢNG NGÀN
(17/02/17)
Thưa ông!
Tiên sinh có thể giải thích cho tôi một điều: pháp luật của VNCS có thể như lời nói nên tuy rằng có thể rất hay song khi làm lại rất tồi nên đất nước rối loạn dẫn đến phát triển chậm, trong khi Trung quốc có thể chế và tổ chức xã hội rất giống như VN mà tiến rất nhanh và vững mạnh (bằng chứng họ là cường quốc cả nghĩa đen và bóng). Vậy tôi thiển nghĩ Thực thi pháp luật và Đặc tính dân tộc là cái quan trọng hơn tất cả?
TB: Kiến thức tiên sinh hơn người nhưng viết khô và học thuật như vậy thì rất ít đọc giả tiếp cận được thông tin mà ông muốn đưa ra.
Bài viết rất hay. Bravo 1000x
Nhưng thế thì giải thích thế nào về “thái độ thụ động về chính trị” tương tự của mấy triệu người Việt đang tị nạn (chính trị) ở nước ngoài? – Tác giả Tưởng Năng Tiến .
“Thụ động” xem ra vẫn còn khá hơn nâng bi, bợ háng, tung hô Quỷ vương Cộng sản là nhân đạo như dưới đây :
Nguyễn hữu Liêm là một trong số những người từ Mỹ bay về Hà Nội tham dự “Đại hội người Việt ở nước ngoài” do Cộng Sản Hà Nội tổ chức năm 2009. Sau đó, Nguyễn Hữu Liêm viết bài “Nơi giữa Đại Hội Việt Kiều:Một nỗi bình an”của mình “. Nguyễn hữu Liêm viết: “Trong hai mươi năm qua, tôi đã bao nhiêu lần về lại Việt Nam…”
Và rằng “Ngày thứ ba của Đại hội, ở cuối phần bế mạc, tôi cùng đứng dậy chào cờ. Bài “Tiến quân ca” được vang cao trong cả hội trường. Tôi nhìn qua các thân hữu Việt kiều từ Mỹ, và ngạc nhiên khi thấy hầu hết – kể cả những người mà tôi không ngờ – đang vỗ tay hào hứng la to, Việt Nam! Hồ Chí Minh! Cả hội trường, và tôi, cùng hân hoan trong tất cả (vẫn là) cái hồn nhiên mà dân tộc ta đã bước vào từ hồi thế kỷ trước. Tôi thầm cảm thấy mình thật sự bình an khi đất nước này đã mở rộng vòng tay đón tôi trở về …” .
Không biết phải dùng chữ gì để gán cho gã luật sư vùng Bắc california này cho đúng nghĩa!
Tôi thật sự khâm phục những người tiên phong đòi Tự do, Dân chủ ở VN nói chung hay ở bất cứ đâu trên thế giới. Nhưng tôi cũng luôn tự hỏi tại sao người VN hiện nay (tôi không biết Việt kiều như thế nào) lại chọn cách im lặng trong khi đáng ra họ phải lên tiếng hoặc tỏ thái độ không đồng tình để phản đối. Từ câu chuyện rất nhỏ trong đời sống hàng ngày như: thấy anh hay chị em mình có hành động không đẹp, không đúng – mặc kệ, ra đường thấy xe ôm chở hàng cồng kềnh có nguy cơ gây thương tích cho người khác – mặc kệ … Hay chuyện lớn hơn như văn hóa, chính trị…đang xẩy ra – mặc kệ.
Sâu thẳm trong hành động vô cảm đáng lên án (còn gọi là Đầu Hàng Tập Thể) này là:
1. Xuất phát từ đời sống khó khăn về vật chất mà nếu ta liên quan vào chuyện “vô bổ” nếu có làm sao thì phải trả cho nó một khoản chi phí về vật chất và rối kiếm đâu ra mà bù vào.
2. Nếu bạn lên tiếng vể một chuyện “vô bổ” mà bị người xấu phản ứng lại thì ai bảo vệ bạn? Cảnh sát hay đoàn đội nào? Đây là kết cục tất yếu của hệ thống hành pháp (cảnh sát là một phần trong này) chỉ lo bảo vệ sự tồn tại của chế độ mà lẽ ra nó phải bảo vệ hiến pháp – cái được xây dựng từ quốc hội do dân bầu ra.
3. Khi bạn liên quan tới chuyện “vô bổ” nếu là chuyện có tính chính trị thì các cơ quan pháp luật lập tức xuất hiện và phản ứng quyết liệt và đầy bạo lực không những với bạn mà còn gây khó khăng cho cuộc sống của những người thân nhất. Đây là phản ứng tự nhiên của nhà nước độc tài độc đảng – nó sẽ tiêu diệt những chống đối từ trong trứng nước.
4 – Kết luận
Nếu ta nói nhận thức của người Việt trong nước hiện nay còn thấp, theo tôi là không đúng vì nếu bạn hỏi một người lao động bình thường thì ra là họ biết hết cả đấy. Nhưng sao họ im lặng? Đơn giản vì họ còn lo lắng đến cuộc sống của họ, cái mà ngày một tốt hơn nếu chịu khó lao động tuy rằng tốc độ còn chậm với rất nhiều lo toan cho một lượng nhỏ vật chất được tạo ra.
Nhà nước CSVN hiện nay thực chất là nhà nước Tư bản đỏ. Tuy rất bất công và quan liêu nhưng nó cũng mở đường cho những ai cần cù, chăm chỉ. Những nhà lãnh đạo hàng đầu của họ không quá giáo điều và cứng nhắc như trước đây nhưng họ đang loay hoay tìm cơ chế phát triển mà mãi không ra do trí lực của họ có hạn.
Lương tối thiểu của công nhân ngày nay có đủ sống hay không? Có công nhân phải đi làm thêm ngoài giờ làm ở hãng xưởng, có nữ công nhân phải đứng đường đón khách ban đêm. Thế thì người công nhân hoàn toàn có quyền thành lập công đoàn để tranh đấu cho quyền lợi của mình. Năm 2004, 30 ngàn công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần bất ngờ đình công để đòi tăng lương tối thiểu. Một tuần lễ sau, ở Hà nội người ta vội vã phải tăng lương tối thiểu. Điều đó cho thấy đoàn kết là sức mạnh. Đảng CSVN không muốn công nhân đoàn kết để có sức mạnh. Lạm phát mấy đợt rồi lương tối thiểu của công nhân không được nâng theo tỉ lệ lạm phát nên công nhân không đủ sống. Vì công nhân không kết đoàn được nên nhà nước để mặc kệ không tăng lương tối thiểu cho công nhân. Tại nhiều nước công nghiệp nhà nước tự động tăng lương tối thiểu theo mức lạm phát. Nếu nhà nước không làm thì các công đoàn cũng xuống đường đòi hỏi.