Bàn về một số chương trong cuốn Tâm Tư Tổng Thống Thiệu
Vì phạm vi giới hạn của bài viết, tôi chỉ đề cập tới một số chương chính trong cuốn sách kể trên của Giáo Sư Nguyễn Tiến Hưng mới xuất bản có liên quan đến quân sự, chính trị miền Nam VN giai đoạn chót 1975.
Saigon et Moi.
Gần đây tôi có đọc một bài của ông Vũ Ánh nhận định về cuốn “Tâm Tư TTThiệu” (TTTTT) của GS Nguyễn Tiến Hưng (GSNTH), Vũ Ánh có nói GS NTH đã tham khảo tài liệu ma Sài Gòn et Moi trang 218. Thật vậy trang 218 (Chương 11, Chớ Có Trao Quyền Cho Tướng Minh) ông nói.
“.. Có ngờ đâu cái tên của ông ( Mérilllon) đã dính rất chặt vào những diễn biến tại Sài Gòn vào giờ thứ hai mươi tư. Chính ông đã kể lại rất rõ ràng những cố gắng của ông trong cuốn hồi ký ‘Saigon et moi’, nhưng vì một lý do nào đó , cuốn sách đã bị thu hồi ngay sau khi xuất bản (1983) nên ít ai được đọc .”
Một cuốn sách công phu mà khen ngợi cái tài liệu ma này thì thật đáng buồn.
Trước hết tôi xin nói sơ về Saigon Et Moi.
Năm 1989 Một tác giả tại Pháp tên Vũ Hải Hồ (VVH) tung ra bài Những Ngày Cuối cùng của VNCH ( NNCCVNCH) , nói là bản dịch cuốn sách hồi ký Saigon et Moi của cựu đại sứ Pháp tại VNCH Mérillon. Năm 1991 Nguyệt San Diễn Đàn số 4 phát hành tại Nam nước Đức cho đăng bản dịch Saigon et Moi tức NNCCVNCH.
Sau đó bản dịch này được phổ biến sâu rộng tại hải ngoại trên các báo giấy, báo điện tử, đài phát thanh suốt 20 năm qua mặc dầu đã có nhiều người lên tiếng cho đó chỉ là trò con cá tháng tư, một tài liệu ma, zổm như :
- Ngự Sử ngày 15-4-1966, đăng bài trên Ngày Nay tại Houston Texas cho biết bản dịch Saigon et Moi của VHH chỉ là trò cá tháng tư.
- Cách đây mấy năm trên các Diễn đàn điện tử cũng đã cho đăng bài của Nguyễn Trần Việt chỉ trích NNCCVNCH của VHH là bịa đặt, ông cho biết trong cuốn Những Ngày Cuối Của Ngô Đình Diệm (tác giả Hồng Ngọc Thành ) trang 622-623 có đăng thư của cựu đại sứ Mérillon phủ nhận ông không phải là tác giả cuốn sách trên, ông không viết bất cứ cuốn sách nào về VN cả.
- Ông Trinh Bá Lộc, tùy viên của Tướng Dương Văn Minh cách đây hơn hai năm đã lên tiếng trên Take2Tango phủ nhận NNCCVNCH, bản dịch Saigon et Moi là bịa đạt, ông Lộc cho biết ông Dương Văn Minh không hề có liên hệ với Mérillon tháng 4-1975.
- Ông Vũ Ánh cũng có viết một bài nghi ngờ NNCCVNCH của VHHồ là ma zổm.
- Tôi cũng đã viết một bài về đề tài này “Saigon et Moi, Một Cuốn Sách ma” đã cho đăng trên nhiều báo giấy và báo điện tử hải ngoại cách đây hơn hai năm xác định Saigon et Moi là hoàn toàn bịa đặt.
Sở dĩ tôi gọi đây là cuốn sách ma vì.
- Một bản dịch một hồi ký chính trị mà chỉ vỏn vẹn có mười mấy trang đánh máy!
- Nhiều người Việt tại Pháp đã đi kiếm cùng cả các thư viện, các tiệm sách không thấy bóng dáng nó ở đâu.
- Chính Đại sứ Mérillon đã viết thư phủ nhận không phải là tác giả cuốn sách nói trên vì ông được nhiều người hỏi về cuốn này, bức thư đã được phổ biến trên nhiều báo điện tử.
- Cái tên nghe sơ đã thấy zổm, cải lương, rẻ tiền, Saigon et Moi bắt chước tên một cuốn phim Mỹ Le Roi Et Moi chiếu ở Saigon thập niên 50, 60 (các phim Mỹ trước 1975 ở Saigon đều nói tiếng Pháp và lấy tên Pháp) Nhà dịch giả Vũ Hải Hồ quá kém tiếng Pháp không đủ trình độ để đặt cho nó một cái tên nghe được thí dụ Les Derniers jours de Saigon, Les Derniers jours du Sud-Vietnam, hoặc Les Derniers jours de la Republique du Vietnam. Tiếng Tây tiếng u thì ăn đong còn đòi loè bịp đồng bào hải ngoại.
- Nội dung đọc sơ thì có vẻ xôm tụ nhưng nếu chịu khó đọc kỹ một tí thì thấy nó chỉ là một vở tuồng cải lương rẻ tiền, hiểu biết của nhà dịch giả VHH về tình hình chính trị quân sự 1975 rất ấu trĩ và thấp kém.
- Tôi đồng ý với ông Vũ Ánh sở dĩ bản dịch “ma” này đã được nhiều người tin vì nó tự nhận là dịch từ một cuốn sách Tây, một điều đáng buồn cho Hải Ngoại là tên đại bịp, tác giả bản dịch ma này đã “cười mũi” quí đồng hương suốt hai mươi năm qua. Tên đại bịp này quả là bán trời không mời thiên lôi, dám cả gan ký tên cựu Đại sứ Mérillon phía dưới bản dịch của y mà không sợ vác chiếu ra tòa. Cho tới gần đây, tháng 4-2010, nguyệt san KBC Hải Ngoại còn cho đăng lại với nhiều hình ảnh trang trọng!
- Theo tôi biết có một ông Trung tướng, vài ông Đại Tá, vài ông Tiến Sĩ … đã tham khảo, trích dẫn hoặc khen ngợi, giới thiệu ‘tài liệu rất giá trị’ này.!
- Cách đây hơn hai năm, một ông bạn tôi (Ph.D, hiện là Giáo sư tại Mỹ) cho biết ông có quen một ông Việt Nam đang làm luận án Tiến Sĩ Sử , ông Việt Nam này đã tham khảo rất nhiều trong bản dịch cuốn Saigon et Moi tức NNCCVNCH của VHHồ!
Trở lại chương 11 trong cuốn TTTTT của GS.NTH, GS Hưng nói về : giải pháp Bảo Đại, ông Thiệu đã từ chức nhưng quyết ngăn cản không cho ông DV Minh lên cầm quyền vì ông Minh sẽ liên hiệp với CS, người Pháp muốn DVMinh lên ngôi ngoài khuôn khổ Hiến Pháp. Chẳng biết ông Hưng căn cứ vào đâu, không thấy ông trích dẫn tài liệu chỉ thấy ông kể một thôi một hồi ông Đại sứ Mérillon vận động với Martin và VNCH để đưa DVM lên cầm quyền , không lẽ ông lại tham khảo bản dịch cuốn Saigon et “Ma”?
Chắc GS cũng biết ông Mérillon đã lên tiếng trong một bức thư cho biết ông không hề viết sách về VN, thế thì ông lấy đâu ra những dữ kiện này? Ngoài ra cách đây hơn hai năm ông Trịnh Bá Lộc, sĩ quan tuỳ viên của DVMinh đã lên tiếng trên Take2tango cho biết ông DVM không hề có liên lạc với Mérillon trong những ngày cuối của VNCH. GS NT Hưng cho biết ông rất thân với Đại sứ Mérillon, nhưng GS Hưng đã ra khỏi nước trước 30-4-75, như vậy làm sao Mérillon kể cho ông nghe? Chắc Mérillon gọi điện thoại long distance từ Saigon qua Mỹ kể cho ông nghe hồi cuối tháng 4-1975?
Trang 219 ông nói:
“Những gì đã xẩy ra tại Sài Gòn và trên chiến trường trước khi sụp đổ thì đã có nhiều tác giả đề cập tới, nhưng câu chuyện nơi hậu trường thì ít người biết rõ chi tiết”
Sự thật không đúng, những người đi trước ngày 30-4-75 thì không biết rõ nhưng những người ở lại đều biết rõ. Ông Thiệu ra đi được vài ngày thì báo chí Saigon đăng tin các nhà chính khách quốc tế đang vận động để tránh cho Saigon khỏi trở thành bãi chiến trường.
Ngoài ra tân TT Trần Văn Hương vào khoảng ngày 24, 25-4-75 đã khóc trên đài phát thanh Sai gon, bàn dân thiên hạ đều đã nghe:
“Tôi xin nói thiệt với đồng bào, tình hình hiện nay vô cùng bi đát… Đồng bào cũng đã biết các vùng Một vùng Hai miền Trung đã hoàn toàn tan rã, vùng Ba, vùng Bốn cũng nay cũng đã bị nhiều sứt mẻ. Rồi nay mai đây những trận đánh sấm sét sẽ đổ xuống đây và rồi Thủ đô Sài Gòn này sẽ thành cái núi xương sông máu. Tôi đã nghĩ đến cái cảnh núi xương sống máu ấy và đã bàn với anh Dương văn Minh, tôi có nói với ảnh như vầy “Bây giờ tôi bàn giao chính quyền cho anh, nhưng bàn giao để anh tìm cái giải pháp hòa bình cho đất nước chứ bàn giao cho anh để anh đầu hàng thì bàn giao làm gì. Hở trời!
Đúng bẩy giờ ngày 28-4 -75 đài BBC đọc bản tin tóm tắt về tình hình Việt Nam, người xướng ngôn viên nhấn mạnh từng câu từng chữ.
“- Hôm nay tại Sài Gòn ông Dương Văn Minh được cử lên giữ chức vụ quyền Tổng thống thay thế ông Trần Văn Hương để chuẩn bị cho một cuộc đầu hàng.
Sự thật lịch sử đã được công bố huỵch toẹt trên đài phát thanh, có gì là bí mật đâu?
Tình hình cuối tháng tư 1975 nếu bàn cho vui thì được chứ nếu nói đến bí mật thì chẳng có gì là bí mật. Cuối tháng 3-1975, do kế hoạch tái phối trí lực lượïng sai lầm của TT Thiệu đã khiến VNCH mất hai quân khu 1 và 2, mất luôn cả hai quân đoàn 1 và 2 trong hai tuần lễ từ 14-3 tới 30-3-75. VNCH mất 5 sư đoàn bộ binh (22, 23, 1, 2, 3), 11 liên đoàn Biệt động quân, mất gần hết 2 sư đoàn tổng trừ bị.. vũ khí đạn dược coi như mất hết, một phần lớn lọt vào tay Cộng quân.
Ngày 10-4-1975 VNCH còn hy vọng vào viện trợ khẩn cấp 722 triệu do TT Ford đưa ra quốc hội, ngày 18-4 Quốc hội bác bỏ ngân khoản này. Cựu đại sứ Bùi Diễm nhận định khoản viện trợ này nếu được chấp thuận cũng chỉ kéo dài thêm sự hấp hối của miền Nam mà thôi. Sau đó TT Thiệu biết rõ tình trạng bi đát và đã từ chức để chuồn lẹ.
Trong khi VNCH bị thiệt hại tới khoảng 40% hoặc 50% lực lượng toàn quốc thì ta đã không gây thiệt hại được cho BV, họ đã hối hả đưa nốt 3 sư đoàn tổng trừ bị (thuộc quân đoàn 1) vào Nam, Hà Nội dùng mọi phương tiện không quân, hải quân, đường bộ để chuyển quân gấp rút vào Nam bao vây khoá chặt Saigon.
Lực lượng tham chiến của BV vào khoảng 20 Sư đoàn theo tài liệu cả hai phía (gồm 4 quân đoàn 1, 2, 3, 4 và đoàn 232, sáu trung đoàn đặïc công, 6 trung đoàn độc lập). Vũ khí đạn dược của BV gấp bội lần năm 1972, ai cũng đều biết cả, trong khi VNCH chỉ còn đạn đủ đánh 2 tuần lễ (Cao văn Viên Những ngày cuối VNCH trang 92), lực lượng VNCH tại vùng 3 chỉ có 3 Sư đoàn 25, 5, 18 (Sư đoàn 18 bị thiệt hại 30% sau trận Long Khánh), bốn Liên đoàn Biệt động quân và một số đơn vị di tản từ vùng hai, quân số ta thiếu hụt và như thế BV nắm chắc 99% thắng lợi trong tay, họ thương thuyết để làm gì? CSBV đã nướng một triệu cán binh để chiếm miền Nam, nay cơm đã tới miệng họ lai chịu thương thuyết để rút về Bắc? Thật là diễu hết chỗ nói.
Trang 221 GS Hưng có trích dẫn lời ông Thiệu chỉ trích DVMinh thân Cộng …dâng nước cho CS, đúng ra GS không nên nói như vậy, các ông đã bỏ nước đi từ trước 30-4-1975 thì không có tư cách gì để chỉ trích phê phán những người ở lại. Tối 29-4 ông Dương Văn Minh vẫn kêu gọi các lực lượng Quân đội VNCH trên đài phát thanh, lời kêu gọi lập đi lập lại suốt đêm.
“Các vị Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn hãy giữ vững vị trí và chờ lệnh mới”
Các Tướng lãnh dưới quyền Tổng thống như Trần Quang Khôi, Lê Minh Đảo, Lý Tòng Bá, Lê Nguyên Vỹ … đã anh dũng chiến đấu cho tới giờ phút cuối cùng của cuộc chiến nhưng cũng không cứu vãn được tình thế. Người ta đã không hèn nhát bỏ chạy.
Tôi thiết nghĩ GS không nên viết như vậy vì nó không có lợi cho cá nhân ông, trong khi biết bao chiến sĩ đã ngã gục tại các tuyến phòng thủ bảo vệ Thủ đô Saigon cuối tháng 4-1975 thì các ông đã ra đi ngoại quốc êm thắm.
Sở dĩ người ta phải đưa ông DVMinh lên làm TT vì CSBV chỉ đòi nói chuyện với DVMinh, các ông Trần văn Đôn, Đại sứ Martin đều nói thế, chuyện này ai cũng đều biết cả. DVMinh lên làm TT thì cũng cầu may thay đổi tình hình và nhất là để tránh cho Sai gon khỏi bị thành bãi chiến trường, người Mỹ dù sao cũng còn nhân đạo, trước khi cuốn gói ra đi họ đã tránh cho Sài Gòn và Miền nam không bị đổ máu vô ích.
Theo ông Trần Văn Đôn sở dĩ ông Thiệu phải chuồn cho nhanh vì ông sợ chính phủ mới có thể sẽ bắt giam ông vì tội làm mất miền Trung.
Tái Phối Trí Lực Lượng
Chương Hai: Ai Cố Vấn Tổng Thống Thiệu Rút Quân?, Chương này và các Chương 3, 4 nói về Tái phối trí lực lượng, rút bỏ Cao Nguyên giữa tháng 3-1975 và rút bỏ Huế, Đà Nẵng hạ tuần tháng 3-1975.
Tôi xin nói sơ về Tái phối trí, ngày 14-3-1975 ông Thiệu bay ra Cam Ranh mở phiên họp với các Tướng TTKhiêm, Tướng ĐVQuang, Tướng CVViên, Tướng PVPhú, Tư lệnh vùng 2 . Phạm Huấn ghi lại theo lời kể của Tướng Phú (Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975), Tổng thống Thiệu cho biết Tướng Phú phải rút quân bỏ Kontum Pleiku về duyên hải, Nha Trang sau đó sẽ hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột. Tướng Phú xin ở lại tử thủ nhưng Tổng thống Thiệu bác bỏ, về buổi họp này Tướng CSBV Văn Tiến Dũng ghi lời khai của Chuẩn tướng Phạm duy Tất cũng gần giống như vậy, ông Cao Văn Viên cũng ghi lại chi tiết buổi họp cũng gần giống như lời Phạm Huấn.
Trong buổi thảo luận ông Cao Văn Viên cho biết đường quốc lộ 21 về Nha Trang không thể xử dụng được vì đường 14 từ Pleiku tới Ban Mê Thuột đã bị BV cắt, đường 19 nối Pleiku với Qui nhơn Cộng quân đóng chốt nhiều nơi… ngoài đường số 7B không còn đường nào khác. Đường số 7B tuy tạo được yếu tố bất ngờ nhưng là con đường bỏ hoang cầu cống hư hỏng. Một điều xui tai hại là con đường đường rút quân tỉnh lộ 7B lại gần vị trí đóng quân của Sư đoàn 320 CSBV tại Buôn Hô, Ban Mê Thuột, họ được lệnh đuổi theo ngày 16-3, chỉ hai ngày là đã đuổi kịp. Ngày 18-3 Cộng quân pháo kích phi trường gây kinh hoàng cho đoàn di tản. Lực lượng chiến xa pháo binh dồn đống tại Phú bổn bị thiệt hại nặng tới 70%.
Ông Cao Văn Viên nói ít nhất 75% lực lượng, khả năng tác chiến của Quân đoàn 2 gồm Sư đoàn 23 BB, BĐQ, Thiết giáp, Pháo binh, Công binh… bị hủy hoại trong vòng có 10 ngày
Kế hoạch rút bỏ Cao Nguyên trong phiên họp tại Cam Ranh ngày 14-3-1975 đã được các sách, tài liệu, hồi ký, biên khảo… của các Tướng Cao Văn Viên, Hoàng Lạc, ký giả Phạm Huấn, nhà nghiên cứu sử Nguyễn Đức Phương … nói rất rõ về tác phẩm vĩ đại này của TT Thiệu. Rút bỏ Cao Nguyên giữa tháng 3-1975 chỉ là một cuộc hành quân phá sản, được coi là cuộc thảm bại lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai: làm chết không biết bao nhiêu người , mất hết các lực lượng tinh nhuệ của hai vùng 1 và 2, vũ khí đạn dược , xe tăng đại bác (khoảng 700 đại bác, 800 xe tăng, thiết giáp) đem cúng cho Việt Cộng hết, dọn cỗ sẵn cho Việt Cộng xơi. Riêng GS NTHưng thì nói khác hẳn
“Về cuộc họp tại Cam Ranh, TT Thiệu cứ nhắc đi nhắc lại là “Tôi ra hai chứ không phải một lệnh: đó là thứ nhất, rút quân khỏi Pleiku để tái chiếm Ban Mê Thuột; và thứ hai, Bộ Tổng Tham mưu theo dõi và giám sát (suivre et surveiller) cuộc triệt thoái này” (TTTTT trang 57)
Và trang 58 ông nói
“Tôi hỏi là bây giờ mọi chuyện đã rồi, Tổng thống nghĩ thế nào về việc rút quân này? Ông Thiệu nhắc lại cho tôi câu ông đã nói ngày 26-3-1975 tại Dinh Độc Lập khi tôi hỏi về Pleiku “ Tôi ra lệnh đúng mà thi hành sai, cũng như làm sao Tổng Thống Nixon có thể sang đây để kiểm soát được Tướng (Creigton) Abrams”
Như thế có nghĩa là kế hoạch tái phối trí của ông Thiệu đúng, lệnh của ông đúng và các Tướng dưới quyền thi hành sai. Nói chung GS NTHưng dẫn lời ông Thiệu để đổ thừa cho các Tướng Cao Văn Viên, Phạm Văn Phú. Chương 2 dài hơn 20 trang nhưng nội dung mơ hồ mung lung , tại chương này GS NT Hưng bào chữa cho TT Thiệu nhưng nói chung lý luận của ông để bênh vực TT Thiệu rất yếu, không có khả năng thuyết phục.
Chương 3 Làm Sao Xa Được Chốn Kinh Kỳ! Nói về việc rút bỏ Huế, Chương 4 Trăn Trở Về Đà Nẵng nói về tử thủ Đà Nẵng, Rút bỏ Đà Nẵng. Hai Chương này cũng mơ hồ, vòng vo khác hẳn sách vở của các tác giả Cao Văn Viên , Phạm Huấn, Nguyễn Đức Phương, Hoàng Lạc…người ta diễn tả rõ ràng mạch lạc, mục đích của GS cũng là để bào chữa cho TT Thiệu.
Lệnh rút bỏ Pleiku ngày 16-3 đưa tới hoảng hốt (panic) mất Quân khu 2, mà Vùng 2 mất thì Vùng 1 cũng phải mất vì VNCH đã bị cắt đôi. Vùng 2 bỏ chạy đã ảnh hưởng tai hại ngay tức thì tới tinh thần Tướng, tá binh sĩ vùng Một đưa tới sụp đổ nhanh chóng, ông Cao Văn Viên nói
“Nhưng phải nói, tình hình quân sự xấu đi một cách nhanh chóng vì sự xa sút tinh thần và những rối ren, lung túng của ta, hơn là áp lực địch.
(Những Ngày Cuối Của VNCH, trang 183)
Quân khu 1 nơi tập trung những đơn vị tinh nhuệ và thiện chiến nhất của VNCH: 3 Sư đoàn bộ binh cơ hữu (1, 2, 3) Sư đoàn TQLC và 4 liên đoàn Biệt động quân tăng cường đã sụp đổ chỉ trong 9 ngày cầm cự và triệt thoái (Từ 20-3 tới 29-3-75), tổn thất quá nặng mà không gây được thiệt hại cho đối phương, đây là một cơn ác mộng của VNCH, thử hỏi vì ai mà sụp đổ nhanh như vậy?
Việc GS NTH muốn bào chữa cho TT Thiệu là quyền của ông tuy nhiên ông không thể chối bỏ lịch sử được, lý luận của ông rất yếu và mơ hồ.
Còn nước còn tát
Chương 5 (Cắt Cầu Bến Lức Rút Về Miền Tây) nói về kế hoạch của TT Thiệu. GS NTHưng được cử đi vay tiền nước Ả Rập Sê Ut để mua đạn đánh nhau với Việt Cộng. TT Thiệu nói trong phiên họp 1-4-1975 (trang 115) VNCH đã mất một nửa chủ lực quân (6 Sư đoàn) , TT sẽ lấy một số Liên đoàn Địa phương quân đổi thành sư đoàn TQLC, tái võ trang các lực lượng di tản, biến cải Địa phương quân thành chủ lực quân, tái tổ chức 2 Sư đoàn bộ binh … Vấn đề thời gian thật khó khăn , tìm đâu ra tiếp liệu và làm sao có ngay được? TT Thiệu cũng vẫn còn chút ít hy vọng…
Kế đó sẽ bỏ Sài Gòn, chỉ để lại một Sư đoàn để chận đường bọn VC, rồi rút hết về miền Tây, đây là tuyến cuối cùng.. Nói chung kế hoạch gồm những dự tính viển vông trên mây xanh chỉ có những người mắc bệnh tâm thần mới tin được!
Chương 6 (Xoay xở Lúc Tuyệt Vọng) nói về kế hoạch của TT Thiệu dốc hết dự trữ vàng mua tiếp liệu, đạn dược khi thấy không còn hy vọng vào khoản viện trợ khẩn cấp 722 triệu Mỹ Kim do TT Ford đưa ra Quốc Hội ngày 10-4-1975. Sự thực vào thời điểm giữa tháng 4-1975, dù VNCH có soay sở được một tỷ Mỹ kim để mua tiếp liệu đạn dược cũng không thể cứu vãn tình thế, chỉ trừ có yểm trợ của B-52 mới hy vọng đảo ngược tình hình mà thôi, lý do quân đội VNCH đã mất một nửa (1/2) lực lượng chính qui, trong khi CSBV không bị sứt mẻ bao nhiêu.
Nói chung các kế hoạch trên trời này chỉ có những người nằm điều trị ở nhà thương điên Biên Hoà mới có thể tin được.
Bắt tay Mao bỏ Việt Nam
Chương 15 (Mở Cửa Bắc Kinh, Đóng Cửa Sàigòn), phần này nói về việc Kissinger, Nixon bắt tay Mao buông ông Thiệu, Mở Cửa Bắc Kinh Đóng Cửa Sài Gòn, Mỹ sẽ rút quân đơn phương, làm sao để buông ông Thiệu cho êm thắm, rút quân trong vòng 9 tháng, rồi trong vòng 7 tháng, 6 tháng….vận động với Chu Ân Lai , vân động với Gromyko.
Trong chương này tác giả đưa một số trang giải mã để kết luận Mỹ bắt tay TRung Cộng bỏ Đông Dương, nhà sử gia thận trọng không thể đem một số lời đối thoại giữa các nhà chính khách để kết luận cả một chiều dài lịch sử, nó không logic vì.
-Đối với Mỹ chuyện bỏ Đông Dương, hoặc VNCH không thuộc thẩm quyền hành pháp mà nằm trong tay lập pháp.
- Quốc hội mới là cơ quan nắm quyền sinh sát chứ không phải chính phủ.
Trong cuốn No More Vietnams trang 142 , TT Nixon cho biết từ năm 1969 ông đã phải đương đầu với nguy cơ Quốc Hội ra luật chấm dứt chiến tranh, rút hết quân về nước bỏ Đông Dương, bỏ VN để đổi lấy sinh mạng cũa 580 tù binh Mỹ còn bị BV giam giữ , Theo Nixon năm 1972 Thượng Viện đã tiến hành thông qua dự luật chấm dứt chiến tranh này, tại Hạ viện số phiếu gần đủ nhưng không thành vì chính phủ đã tuyên bố rút quân nên số dân biểu ủng hộ chính phủ đã thay đổi tình hình, có nghĩa là VNCH thoát chết năm 1972.
(Since 1969, we had been faced with the danger of Congress legislating an end to our involvement. Antiwar Senators and Congressmen had been introducing resolutions to force us to trade a total withdrawal of our troops for the return of our POWs. By 1972, the Senate was regularly passing these measures, and the votes in the House were getting close. We were able to prevent the passage of these bills only because our withdrawal announcements provided those whose support for the war was wavering with tangible evidence that our involvement was winding down – Page 142).
Nixon nhấn mạnh nhiều lần về điểm này, ông cho biết Quốc Hội Mỹ sẵn sàng hy sinh VNCH để đánh đổi lấy 580 tù binh Mỹ. Đối với Quốc hội Mỹ chỉ có sinh mạng của những tù binh Mỹ và sự ngưng bắn mới là quan trọng, họ không đếm xỉa gì tới sinh mạng của cả Đông Dương.
Trong No More Vietnams Nixon kể lại quá trình của ông đi tìm hoà bình trong danh dự và bảo vệ Đông Dương, mặc dù bị Quốc hội và phản chiến chống đối dữ dội nhưng Nixon vẫn đơn thương độc mã bảo vệ sự tồn tại của Đông Dương đến cùng. Năm 1970 và 1971 ông giúp VNCH mở hành quân sang Mên, Lào để đánh vào hậu cần CS, làm suy yếu CS để có thể rút quân mà không làm sụp đổ VNCH, khi ký Hiệp định Paris Nixon đã dự trù hai kế hoạch:
-Viện trợ đầy đủ cho VNCH mỗi năm 2 tỷ quân viện .
-Đe doạ hoặc yểm trợ bằng hoả lực không quân .
Nhưng các kế hoạch của ông đều bị Quốc hội bẻ gẫy, họ cắt giảm viện trợ dần dần từ 2 tỷ1973 xuống 1 tỷ 1 năm 1974 và 700 triệu năm 1975. Tháng 6 – 1975 Quốc hội ra tu chính án cắt hết ngân khoản chiến tranh cho Đông Dương. Nixon phủ quyết nhưng rồi phải miễn cưỡng ký thành luật ngày 30-6 và có hiệu lực từ 15-8-1973, theo đó chấm dứt tất cả ngân khoản trực tiếp, gián tiếp xử dụng cho việc tác chiến tại Mên, Lào, BV, Nam VN. Sự thất bại này khiến Nixon không còn thẩm quyền giữ hoà bình cho VN và để cho BV tự do thao túng tại miền nam VN.
Ngoài ra ngày 7 tháng 11- 1973 Quốc Hội ban hành luật War Powers Act, (tên chính thức của nó là War Powers Resolution) hạn chế quyền của Tổng thống trong chiến tranh.
Nixon hết lòng bảo vệ Đông Dương vì ông quan niệm, Mỹ đã hy sinh trên 50 ngàn người, nếu để Đông Dương lọt vào tay CS thì sự hy sinh của người Mỹ trở nên vô ích, nhưng phong trào chống đối lên quá cao, tỷ lệ người ủng hộ chiến tranh VN từ đầu 1970 tới giữa 1971 giảm từ 33% xuống còn 28%, người ta đã chán ngấy chiến tranh Đông Dương lên tới tận cổ.
Việc Nixon đi Tầu tháng 2-1972 và đi Nga tháng 5-1972 trước hết đểû giải quyết những vấn đề kinh tế chính trị của các siêu cường, vấn đề VN chỉ là phụ, người mình cứ tưởng VN là một vấn đề quan trọng sự thực không phải vậy.
Tháng 3 1972 CSBV đưa 10 sư đoàn ồ ạt tấn công VNCH trong trận mùa hè đỏ lửa, đầu tháng 5 – 1972, Nixon cho oanh tạc dữ dội BV trở lại. Nhiều người cho rằng Nga sẽ bãi bỏ hội nghị thượng đỉnh Nga –Mỹ dự trù tháng 5-1972 để bênh vực BV nhưng không, Brezhnev vẫn tiếp Nixon tại Mạc Tư Khoa như đã dự trù để bàn những vấn đề quan trọng của hai siêu cường Nga– Mỹ như mua lúa mì, tài giảm binh bị…Đối với Nga vấn đề VN chỉ là thứ yếu (…an issue of secondary significance by comparison – page 141)
Đối với TRung Cộng cũng vậy, năm 1972 Mỹ mở nhiều trận oanh tạc BV rất dữ dội nhưng Trung Cộng chỉ phản đối cho có lệ, họ vẫn giữ quan hệ tốt với Mỹ để giải quyết những vấn đề chung Mỹ -Tầu, đối với Nga, Trung Cộng và cả Hoa Kỳ vấn đề VN không phải là trung tâm như người mình tưởng.
Nếu nói rằng các tài liệu giải mã cho thấy Nixon, Kissinger đi Tầu để ký kết bỏ Đông Dương chỉ là đoán mò, việc bỏ hay giữ Đông Dương không thuộc thẩm quyền hành pháp.
Tác giả GS NTH đã vô tình đề cao vai trò của Kissinger, ông này chỉ là kẻ thừa hành đắc lực của TT Nixon chứ có quyền hành gì? ngay như TT Nixon còn chẳng có thực quyền, mọi chuyện lớn nhỏ đều phải đưa ra Quốc hội huống hồ Kissinger.
Hòa đàm Ba Lê
Chương 10 (Tranh Cãi Thiệu-Kissinger) và Chương 16 (Bốn Năm Mật Đàm Là Hư Vô) Nói về Hoà đàm Paris.
Nhiều người lấy việc ông Thiệu chống đối ký hết Hiệp định Paris để đề cao lòng yêu nước của ông Thiệu và để đánh bóng mạ kền cho ông Thiệu nhưng sự thực không hẳn như thế.
Cuối tháng 10-1972, Kissinger gặp Tổng thống Thiệu để bàn về việc ký kết Hiệp định nhưng ông Thiệu không đồng ý, đòi sửa một số điều khoản trong đó BV phải rút quân về Bắc. TT Nixon cho ông Thiệu biết nếu miền Nam không chịu ký kết Hiệp định, gây trở ngại cho hoà đàm thì Quốc Hội sẵn sàng ra luật chấm dứt chiến tranh tháng 1-1973, cắt đứt viện trợ bỏ rơi VNCH để đánh đổi lấy khoảng 580 tù binh Mỹ tại Hà Nội. Nixon cho biết .
“Sự tồn tại của miền nam Việt Nam không phụ thuộc vào việc quân địch còn đóng tại một số vùng dân cư thưa thớt. Nó phụ thuộc vào việc Nước Mỹ cưỡng bách thi hành Hiệp định cùng với việc tiếp tục viện trợ và với sự đe doạ trừng trị bằng vũ lực. Điều đó chỉ có được nếu Sài Gòn được Quốc Hội ủng hộ. Nếu chúng ta không giải quyết cuộc chiến nhanh chóng, Quốc Hội có thể biểu quyết đạo luật chấm dứt chiến tranh vào tháng Một (1973). Nếu Quốc hội kết luận rằng miền Nam Việt nam gây trở ngại việc ký kết, việc này có thể khiến ta (Hành pháp) không giúp được đồng minh (túc VNCH) nếu cần. Tuy nhiên tôi cũng để cho Thiệu có thời gian suy nghĩ”
No More Vietnams trang 155
Thật vậy, việc ông Thiệu đòi CS phải rút hết về Bắc không quan trọng mà sư quan trọng nằm ở chỗ VNCH được Quốc Hội tiếp tục viện trợ hay không, theo Nixon nếu VNCH không chịu ký, gây trở ngại thì Quốc Hội sẵn sàng hy sinh VNCH và cả Đông Dương để đánh đổi lấy 580 tù binh Mỹ. Ngày 9-11-72, Nixon cử Tướng Haig tới Sài Gòn cho ông Thiệu biết “sự thật phũ phàng ấy”, đối với Quốc hội Mỹ, sinh mạng của VNCH và cả Đông Dương không nghĩa lý gì so với sinh mạng của 580 tù binh còn bị BV giam giữ. Cho tới nay người mình vẫn còn mơ ngủ, vẫn tưởng mình là quan trọng.
Cuối cùng mặc dù không thành công trong việc đòi hỏi sửa đổi nhiều điều khoản trong bản sơ thảo Hiệp định, ông Thiệu vẫn phải ký vì nếu không Quốc Hội Mỹ sẽ sẵn sàng khai tử VNCH không thương tiếc để đổi lấy hoà bình và đem 580 người tù binh về nước. TT Nixon đã “nói thiệt” với ông Thiệu chứ không phải ông ấy hù doạ.
Nixon nói
“Tôi biết rằng Hiệp định có nhiều khuyết điểm. Nhưng tôi nghĩ nhìn chung cũng tốt đẹp. Và tôi biết rằng trong khi Quốc Hội đang phản đối ầm ĩ, chúng ta không thể làm gì khác hơn thế”.
(But I believed that on balance it was sound. And I knew that, in light of the growing stridency of our opposition in Congress, we had no alternative to signing it)
Sách đã dẫn trang 167
Nixon nhận xét về Johnson như sau:
“Khi một ông Tổng thống đưa quân đi tham chiến thì một cái máy đếm thời gian (timer) vô hình bắt đầu chạy. Ông Tổng thống có một khoảng thời hạn nhất định để chiến thắng trước khi người dân mệt mỏi vì nó. Tháng hai năm 1968, Tổng thống Johnson đã hết thời hạn của ông”
Sách đã dẫn trang 88.
Thí dụ cụ thể của Nixon thật là tuyệt vời, người dân Mỹ đã dành cho Johnson thời hạn từ 1965-1968 để thắng CSBV nhưng ông đã thất bại, thời hạn dành cho Johnson đã hết.
Sau trận Mậu thân tháng 2-1968 số người ủng hộ Vietnam war tụt thang nhanh chóng, từ đầu 1968 tới tháng 10-1968 giảm từ 42% xuống còn 37%, từ đầu 1969 tới tháng 10-1969 giảm từ 39% xuống 32%, từ đầu 1970 tới giữa 1971 giảm từ 33% xuống còn 28%… (nguồn Wikipedia:Opposition to the US involvement in the Vietnam war)
Từ khi Nixon lên làm Tổng thống cho tới ngày từ chức ông đã bị chống đối liên tục, người ta quá chán ngấy chiến tranh Đông Dương, Nixon cho biết chưa bao giờ nước Mỹ bị phân hoá như thế. Người ta đã quá chán cảnh sinh viên phản chiến đánh nhau với cảnh sát, quân đội bể đầu sứt tai, đổ máu… ngoài đường phố hết năm này qua năm khác, đã đến lúc phải có hoà bình. Người ta đã chán ngấy chiến tranh Vietnam đến tận cổ. Ngoài ra theo ông Bùi Diễm đã cho biết
“Một quốc hội quá chán ngán chiến tranh và mệt mỏi vì đã yểm trợ một đồng minh có quá nhiều khuyết điểm và thối nát”
Quốc hội Mỹ 1972 mà đa số là Dân chủ phản chiến và những người chống chiến tranh VN đã quá mệt mỏi vì cuộc chiến, vì cuộc Hoà đàm đã kéo dài từ tháng 5-1968 tới cuối 1972, 5 năm trời! Họ thúc vào lưng Nixon, nhất quyết đòi hỏi phải kết thúc chiến tranh, mang lại hoà bình hạn chót là tháng 1-1973. Một ông Tổng thống Mỹ chỉ có thực quyền khi số người ủng hộ trên 50%, nay số người ủng hộ chỉ còn dưới 30% thì Nixon làm gì hơn được?
Trang 166 Nixon nói:
Hiệp định Chấm dứt chiến tranh và Phục hồi Hoà bình tại Việt Nam không đượïc hoàn hảo lắm. Nhưng nó cũng đủ bảo đảm sự sống còn của miền nam VN – khi mà Hoa Kỳ sẵn sàng bó buộc sự thi hành các điều khoản của nó”
Trên thực tế Quốc Hội đã trói tay hành pháp không cho họ bắt buộc BV thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định
Trả lời một cuộc phỏng vấn của một tờ báo Đức tại hải ngoại, cựu TT Thiệu cũng đã xác nhận sự thất bại của VNCH không phải do Cộng quân không chịu rút về Bắc mà vì không được tiếp tục viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cũng như sự yểm trợ hoả lực của họ.
Như thế Hiệp định Paris không ảnh hưởng tới sự sinh tồn của VNCH, việc đề cao ông Thiệu trong sự chống đối ký kết Hiệp định chỉ là để nói cho vui mà thôi. Nước Mỹ hồi 1972 mà quyền sinh sát nằm trong tay Quốc hội phản chiến đã sẵn sàng hy sinh VNCH để ký cho bằng được Hiệp định Paris mà thời hạn chót là tháng 1-1973 thì có đến 10 ông Thiệu cũng bó tay không làm gì hơn được.
Kết Luận
Nay người ta thích đi tìm hiểu bí mật lịch sử chiến tranh VN, nhưng vấn đề đặt ra là có còn bí mật lịch sử hay không trong khi các nhà chính khách, nhà quân sự Việt-Mỹ đã kể hết ra rồi? Các ông Cao Văn Viên, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Bá Cẩn, Bùi Diễm, TT Nixon, TT Johnson, McNamara, Kissinger, Wesmoreland… đã viết hồi ký, sách báo kể hết ngọn nguồn từ đầu chí đuôi không còn dấu diếm gì cả từ thập niên 70, 80 cho tới nay thì có còn bí mật hay không? Tâm lý chung người ta lại cho đó chỉ là “mặt nổi”, đằng sau nó còn nhiều bí mật ! Theo ý kiến riêng của tôi bí mật nếu còn chỉ là những chi tiết mà thôi, còn về đại thể người ta đã kể hết, nói ra hết trơn hết trọi rồi.
Nhìn chung chung cuốn TTTTT thua kém cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạy và The Palace File rất nhiều, trong TTTTT nhiều chỗ ông nhắc lại cuốn sách trước như Chương 6 nói về việc đi mua đạn, Chương 10, Chương 15 chỉ trích Nixon, Kissinger ép buộc TT Thiệu…
Theo nhận định của nhiều người GS Nguyễn Tiến Hưng viết cuốn TTTTT không khách quan, nhiều chương ông lý luận hoặc viết không đúng sự thật với mục đích chỉ để bào chữa cho TT Thiệu.
© Trọng Đạt
© Đàn Chim Việt
ONG HUNG nay,
Dau moi TRUONG DUA noi PHONG BA
Vi dau QUOC TRUONG phai dang ra
Vi sao Ong QUAT thoi THOI THU TUONG
QUY KE” dau giay” MOI GOI LA
Viet SU viet DIEU CHUA BIET
Biet ROI noi MAI ton DO LA
Mot lan toi DA NGHE ONG THUYET
Mat cua TON CONG CHAN BO BA
khuon mat tong thong Thieu cho thay mot nguoi co dao duc va thong minh. Trong ong khac han cac lanh dao cong san tu truoc toi gio.
Trang 95 ông Hưng viết “Về chiến thuật …..chỉ có một lối chuyển quân duy nhất là qua cái cửa khẩu nông cạn ở Tư Hiền ( ông viết lộn là Tân Mỹ)-lời tác giả)…” Tôi thấy ông Hưng đã quá chủ quan khi sửa chữa Tân Mỹ của Tướng John Murray. Ở Thừa Thiên chỉ có cửa biển Thuận An được nạo vét để tàu LST vào ra và bãi ủi cho các loại tàu chuyên chở quân dụng là bãi Tân Mỹ thường dùng để cung cấp tiếp vận quân dụng cho chiến trường Trị Thiên. Còn cửa Tư Hiền là một cửa rất nhỏ và cạn về phía nam Thừa Thiên thông thương giửa đầm Cầu Hai với biển chỉ có ghe ngư dân ra vào, ở đó có một đơn vị Hải Quân trấn đóng ( Duyên Đoàn 13), chưa bao giờ có tàu lớn ra vào. Trong cuộc rút bỏ Huế năm 1975 lục quân phải dùng đường bộ dọc bờ biển để đi về Đànẳng, nhưng khi đến cửa Tư Hiền thì không qua được nên QĐ1 và Tư Lệnh Hải Quân Vùng quyết định dùng một tàu hải quân vào cửa Tư Hiền đánh đắm để làm cầu nhưng vì thời tiết xấu tàu bị mắc cạn không thực hiện được. Không lẽ ông Tướng Murray không biết điều đó để phải nhầm lẫn giửa Tu Hiền và Tân Mỹ, chỉ có ông Hưng nhầm mà thôi.