WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bang giao Việt – Mỹ thực ra là quan hệ đối tác chiến lược

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Michael W. Michalak

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:

Trước hết xin chào ngài đại sứ Michael W. Michalak, chào mừng  15 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Nhân dịp này tôi cũng xin chúc mừng ngày Quốc khánh Hoa Kỳ (4/7/1776 – 4/7/2010).

Đại sứ Michael W. Michalak: Cám ơn và tôi rất vui vì có mặt ở đây. Chúng ta sử dụng cụm từ lễ kỷ niệm 15 năm, bởi vì đó là con số thống kê. Chúng ta hãy cứ sử dụng con số đó và tối nay chúng tôi sẽ tổ chức tiệc chiêu đãi kỷ niệm ngày lễ Độc lập của Hoa Kỳ. Tôi rất sẵn lòng nói chuyện về quan hệ song phương giữa hai nước.

Quan hệ Việt-Mỹ tăng tiềm lực cho Việt Nam

Đại sứ Michael W. Michalak: Vâng, ông nói thế cũng đúng, nhưng mà nếu nói như vậy thì chúng ta có thể  lùi lại những năm 1800 khi mà chúng ta đã có quan hệ thương mại song phương. Đúng như vậy! Nếu chúng ta đã làm được điều đó thì chúng ta đã có một quan hệ với rất nhiều thành tựu trong hơn 100 năm qua. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng15 năm vừa qua là thời gian có rất nhiều ý nghĩa, xét về mặt quan hệ giữa hai nước. Chúng ta đã làm được rất nhiều điều, trong quan hệ kinh tế thương mại, rồi mở rộng mối quan hệ sang các lĩnh vực khác.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Đúng là như vậy! Nhưng chúng ta có nên  nhìn lại một chút những bài học của quá khứ, những kinh nghiệm có thể giúp gì cho chúng ta để mối quan hệ hiện nay phát triển tốt đẹp hơn hay không?

Đại sứ Michael W. Michalak: Vâng, các nhà sử học thì họ quan tâm và bàn về quá khứ rất nhiều, tôi không phải là một nhà sử học,  tôi là một nhà ngoại giao, và công việc của tôi là cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Tôi rất hạnh phúc vì chúng ta đang có một mối quan hệ tốt đẹp.

Bạn Nguyễn Văn Hưng.. địa chỉ Email  Hungnv1965@yahoo.com.vn: Thưa ông Đại sứ, trong tương lai gần mối quan hệ Việt-Mỹ có thể tăng tiềm lực của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới hay không?

Đại sứ Michael W. Michalak: Vâng, tôi nghĩ rằng quan hệ Việt Nam – Hoa kỳ sẽ giúp Việt Nam tăng cường tiềm lực, tăng cường sức mạnh của mình. Chúng ta có thể nói như thế này: Từ khi hai nước bắt đầu quan hệ vào năm 1995 lúc đó thương mại giữa hai nước mới chỉ có 450 triệu USD một năm, và bây giờ quan hệ thương mại giữa hai nước đã đạt giá trị trên 15 tỉ USD, như vậy mối quan hệ này đã giúp tăng cường tiềm lực kinh tế của Việt Nam. Chúng ta cũng đã đạt được rất  nhiều tiến bộ trong hợp tác về giáo dục.

Năm 1995  Việt Nam có chưa tới 800 sinh viên ở Mỹ, thế mà bây giờ Việt Nam đã có 13 ngàn sinh viên ở Mỹ và những sinh viên này được hưởng thụ nền giáo dục rất tốt của Mỹ và họ sẽ quay về Việt Nam để đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Vậy là, thông quan giáo dục, chúng tôi đã giúp Việt Nam tăng cường tiềm năng con người của mình.

Về quan hệ quân sự, hai nước đã hợp tác trong lĩnh vực quân y, đang tìm kiếm cơ hội hợp tác trong việc gìn giữ hòa bình, trợ giúp khi có thảm họa thiên tai, như vậy là mối quan hệ giữa hai nước đã giúp cho Việt Nam tăng cường năng lực của quân đội, để quân đội có thể giúp cho xã hội, giúp cho nhân dân và như vậy thì chúng ta có rất nhiều cách thức khác nhau cùng hợp tác để giúp Việt Nam vững mạnh hơn và ngày càng phát triển.

Nhà Báo Nguyễn Anh Tuấn: Mỹ và Nhật Bản cũng đã từng có một cuộc chiến tranh và cũng từng là cựu thù của nhau, sau đó Mỹ và Nhật Bản trở thành đồng minh chiến lược rất quan trọng. Vậy có  bài học nào trong quan hệ Mỹ – Nhật có thể rút ra cho quan hệ  Việt Mỹ hôm nay ?

Đại sứ Michael W. Michalak: Trong tương lai tôi nghĩ rằng không có lý do gì để chúng ta không đạt được điều đó. Việt Nam, Nhật Bản và Mỹ, giữa chúng ta có những lịch sử rất khác nhau, vì thế mối quan hệ Mỹ – Nhật, Mỹ – Việt  có những đặc điểm khác nhau. Chúng ta từng có một cuộc chiến tranh và từng là kẻ thù, nhưng hiện giờ chúng ta đang là những người bạn ngày càng tốt của nhau. Tôi nghĩ rằng, với xu thế như thế này  tiếp tục diễn ra trong hiện tại và trong tương lai thì  khả năng Việt Nam và Mỹ trở thành đối tác của nhau là hoàn toàn là có thể.

Chuyện Biển Đông nên thảo luận trong khuôn khổ đa phương

Tiếp tục câu hỏi của độc giả Nguyễn Văn Hưng: Tại sao thời gian qua Mỹ không hợp tác với Việt Nam khai thác tiềm năng kinh tế trong phần biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, có phải Mỹ e ngại Trung Quốc không?

Đại sứ Michael W. Michalak: Tôi không biết bạn nói đến từ “hợp tác” này có ý nghĩa như thế nào? Về vấn đề Biển Đông, quan điểm của chúng tôi là không đưa ra quan điểm về quyền sở hữu, vì có nhiều nước đưa ra những lời khẳng định chủ quyền của mình ở khu vực này. Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng cần phải duy trì tự do hàng hải ở ngoài biển khơi và các  hải lộ đó phải được hoàn toàn  tự do. Các nước phải có quyền được tiến hành các hoạt động ở ngoài khu vực biển tuân thủ theo các luật quốc tế. Và thực tế chúng tôi đã có những hợp tác với Việt Nam  về quân sự. Chẳng hạn, hai nước đã có  những lĩnh vực hợp tác khác nhau như  hợp tác về tìm kiếm cứu nạn.

Hy vọng rằng đến một thời điểm nào đó,  Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn, và nó sẽ diễn ra ngoài biển, vì thông thường hoạt động tìm kiếm cứu nạn diễn ra trên đại đương. Như vậy là chúng ta đã có những hợp tác nhất định, tôi tin rằng sự hợp tác đó sẽ còn diễn ra trong tương lai, và điều mà chúng tôi muốn thấy đó là trong vấn đề Biển Đông, các bên cần giải quyết mọi bất đồng tuân theo luật quốc tế và tuân theo quy tắc ứng xử của ASEAN. Tôi nghĩ rằng các bên nên thảo luận vấn đề này trong khuôn khổ đa phương.

Độc giả Nguyễn Việt Dũng và một số bạn khác: Hoàng Sa là của Việt Nam bởi vì năm 1974, lúc đó quân đội Sài Gòn, Chính phủ đồng minh của Mỹ đã nắm giữ và bị Trung Quốc đánh chiếm.  Mỹ đã biết rõ, thế nhưng đến giờ Mỹ vẫn không khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam, và Mỹ vẫn khẳng định rằng là Mỹ đứng giữa trong các mối quan tâm tranh chấp này, phải chăng điều này cho thấy Mỹ cũng ngại Trung Quốc ?

Đại sứ Michael W. Michalak: Thực ra câu hỏi của bạn Dũng cũng giống như câu hỏi của bạn Hưng. Tôi có thể nêu lại quan điểm của chúng tôi về vấn đề này, nhưng tôi chắc là các bạn không cần tôi phải nhắc lại.

Nâng quan hệ lên tầm cao mới

Độc giả Hàm Đình Quang: dinhquangham@yahoo.com. Ngoại trưởng Mỹ sắp thăm Việt Nam, ngài có thấy thêm một lần, trang sử quan hệ ngoại giao tiếp tục nâng lên nữa qua chuyến thăm này hay không ?

Đại sứ Michael W. Michalak: Vâng! Chúng tôi rất mong đợi chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton sẽ diễn ra. Dĩ nhiên đây cũng sẽ là một cơ hội nữa để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Tôi tin rằng chuyến thăm của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Hoa Kỳ vào năm 2008 đã đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Như các bạn đã biết, năm 1995 chúng ta đã  khởi động lại quan hệ giữa hai nước thông qua sự hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm người Mỹ bị mất tích  và sự hợp tác này đang tiếp tục diễn ra. Và sau đó thì hai nước lại tiếp tục đưa quan hệ lên một tầm cao mới thông qua việc đàm phán hiệp đinh song phương BTA,  rồi chúng tôi giúp Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới. Như vậy, với những hoạt động phát triển mối quan hệ về kinh tế thương mại giữa hai nước thì chúng ta đã thúc đẩy quan hệ chung cùng phát triển. Quan hệ kinh tế – thương mại đã trở thành trọng tâm của quan hệ hai nước.

Với chuyến thăm của Thủ tướng tới Washington vào năm 2008, chuyến thăm đó đã mở rộng quan hệ của hai nước lên rất nhiều, sau chuyến thăm thì hai nước nhất trí tổ chức đối thoại chính trị và quân sự, tên đầy đủ là “Đối thoại chính sách, quốc phòng và  an ninh”. Đây là cuộc đối thoại hai bên bàn về chính sách, bàn về các kế hoạch và các vấn đề khu vực, ngoài ra sau chuyến thăm, hai bên đã thiết lập một nhóm chuyên trách về giáo dục giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để thực hiện những thỏa thuận hợp tác về giáo dục.

Hai nước cũng đã thiết lập một nhóm làm việc về biến đổi khí hậu, và như vậy chuyến thăm của ngài thủ tướng có thể coi như là một dấu hiệu, cho thấy Việt Nam, ngày càng xuất hiện mạnh mẽ hơn trên vũ đài quốc tế. Rõ ràng chuyến thăm của ngài thủ tướng đã đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Tôi  hy vọng rằng chuyến thăm của ngoại trưởng Hillary Clinton cũng sẽ tạo ra được những điều tương tự.

Độc giả lvmingtg@yahoo.com.vn: Vậy thì Việt Nam hiện nay đang ở đâu, ở vị trí nào trong chính sách đối ngoại toàn cầu của Mỹ?

Đại sứ Michael W. Michalak: Chúng tôi không xếp thứ tự các nước trong quan hệ của mình và không thể nói rằng Việt Nam đang đứng thứ nhất hay thứ hai. Như các bạn biết, chính quyền của tổng thống Obama rất chú trọng Châu Á. Chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài của Ngoại trưởng Mỹ là đến Châu Á, đến Jakata và đến thăm ASEAN. Hoa Kỳ tin rằng, Việt Nam là một nước phát triển ở Châu Á và hoàn toàn có khả năng trở thành nhà lãnh đạo ở khu vực.

Nền kinh tế Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ, quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước cũng phát triển nhanh chóng trong vòng ba đến năm năm trở lại đây. Việt Nam xuất hiện rất nhiều trên vũ đài quốc tế, các bạn đã làm rất thành công trong vai trò của mình và ngày càng hội nhập tốt hơn. Chúng tôi tin rằng Việt Nam, có rất nhiều tiềm năng. Hoa kỳ và Việt Nam có thể trở thành những đối tác tốt của nhau. Chừng nào chúng ta còn tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai nước dựa trên thiện chí – tôn trọng – bình đẳng – hiểu biết lẫn nhau – thì Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một nước có vai trò lãnh đạo trong khu vực.

Nhà Báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông nói rất nhiều điều tốt đẹp về Việt Nam trong tương lai, từ lãnh đạo Asean cho đến quan hệ hai nước tiến lên một tầm cao hơn. Nhưng đấy mới chỉ là tương lai, vậy theo ông Việt Nam cần phải làm gì để biến  tiềm năng ấy thành hiện thực trong một ngày gần đây?

Đại sứ Michael W. Michalak: Tôi nghĩ trước hết Việt Nam phải tự quyết định Việt Nam muốn gì? và cần làm gì? Việc trở thành một nước có vai trò lãnh đạo ở tầm toàn cầu nó không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam mà còn mang lại cả trách nhiệm cho Việt Nam nữa – Việt Nam phải tự quyết định rằng Việt Nam có muốn cái quyền lợi đó và cái trách nhiệm đó hay không?

Đã có những tiến bộ rất  nhiều trong lĩnh vực kinh tế, nhưng mà còn có thể có những tiến bộ trong lĩnh vực chính trị ở Việt Nam. Giữa Việt Nam và Mỹ hiện có những cách nhìn  khác nhau về nhân quyền, về chính trị.  Những vấn đề này tôi và anh đã có những trao đổi với nhau, thế thì giữa hai nước sẽ còn phải tiếp tục có những trao đổi về lĩnh vực này.

Những trở ngại và khúc mắc

Nhà Báo Nguyễn Anh Tuấn: Vâng – tôi thấy có một trở ngại và là khúc mắc giữa hai nước trong vấn đề dân chủ. Dân chủ là đòi hỏi từ bên trong của Việt Nam – Việt Nam cần dân chủ để phát triển và đi đến một xã hội tốt đẹp hơn, và Đảng cộng sản Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy nó, thế nhưng người ta đang có cảm tưởng rằng Mỹ đang gây sức ép với Việt Nam, buộc Việt Nam phải có dân chủ. Vậy tại sao chúng ta lại tạo ra những  nhận thức sai lầm trong dư luận xã hội như vậy?

Đại sứ Michael W. Michalak: Vâng, cả hai bên  đều nói về dân chủ, nhưng mỗi  bên lại có những định nghĩa, những giải nghĩa khác nhau về dân chủ. Người ta nói rằng Mỹ gây sức ép cho Việt Nam!

Tôi nghĩ thế này, có một số luật của Việt Nam nó còn mơ hồ và cần được định nghĩa rõ ràng hơn và tôi cũng nghĩ rằng về vấn đề tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến chẳng hạn, thì người dân người ta cần có nhiều quyền tự do hơn, ngoài ra còn có một số vấn đề khác nữa giữa hai nước vẫn đang trao đổi. Nếu chúng ta  nhìn vào tính tổng thể của  vấn đề nhân quyền thì đúng là có những khác biệt giữa hai nước, nhưng nếu chúng ta nói về vấn đề này như hai người bạn tốt của nhau thì chúng ta có thể nói về sự khác biệt của nhau.

Tuy nhiên phải thấy rằng quan hệ giữa hai nước hiện nay là một mối quan hệ tuyệt vời, vì chúng ta có những hợp tác rất  tốt trong lĩnh vực giáo dục, thương mại, kinh tế và sự hợp tác giữa hai quân đội. Vì vậy chúng ta cần phải nhìn vào  tổng thể của một mối quan hệ.

Cách đây ba năm tôi đến Việt Nam tôi nêu ra ba ưu tiên của mình là nhân quyền – quan hệ kinh tế – thương mại và giáo dục. Chúng ta đã có những cải thiện quan hệ rất tốt trong giáo dục và hợp tác kinh tế, và cũng có một số tiến bộ nhất định trong lĩnh vực nhân quyền. Tuy nhiên  tiến bộ về nhân quyền nó chưa tốt bằng hai cái mảng kia và hai bên sẽ còn tiếp tục nói chuyện với nhau, thảo luận với nhau trên nguyên tác thiện chí và tôn trọng lẫn nhau và chúng ta cùng chờ xem những tiến bộ sẽ tiến xa đến mức nào!

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trở lại  vấn đề phát triển kinh tế ở Việt Nam thì cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, dân doanh cũng là một đòi hỏi tất yếu để nền kinh tế Việt Nam phát triển, và nâng cao năng lực cạnh tranh, thế nhưng nhiều người lại hiểu lầm, lại cho rằng đây chính là Mỹ tạo sức ép để Việt Nam phải tư nhân hóa nền kinh tế, tại sao chúng ta lại để cho dư luận xã hội, để cho mọi người có một cái nhìn sai như vây ?

Đại sứ Mỹ Michael W. Michalak: Tôi không biết được là tại sao như vậy – Đúng là việc cổ phần hóa là một nhu cầu quan trọng đối với Việt Nam, chính Việt Nam nói về điều này, ngân hàng thế giới nói về điều này, cộng đồng các nhà tài trợ nói về điều này! Không phải là Mỹ gây ra sức ép để Việt Nam làm điều này. Tự Việt Nam thấy có sức ép cần phải làm điều đó, và cộng đồng thế giới cũng thấy điều đó là tốt nên Việt Nam cần phải làm.

Đại sứ Michalak: “Diễn biến hòa bình là nhảm nhí”

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Kể cả vấn đề giáo dục, cải cách giáo dục là vấn đề cấp bách, vấn đề mở cửa, vấn đề đổi mới  tư duy, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục đào tạo là yêu cầu khách quan của Việt Nam. Ấy vậy mà vẫn có sự  ngộ nhận rằng đây chính là sức ép của Mỹ, và đây là một trong những hoạt động của diễn biến hòa bình đối với Việt Nam?

Đại sứ Michael W. Michalak: Tất cả những điều đó là nhảm nhí và không đúng sự thật! Hiện nay giữa hai nước có khoảng hơn 200 biên bản ghi nhớ giữa các trường đại học Việt Nam và các trường đại học tại Mỹ, và điều trọng tâm trong những biên bản ghi nhớ này là hai nước muốn tăng cường trao đổi sinh viên giữa hai nước, và đây là kết quả đàm phán giữa các trường đại học Việt Nam và Mỹ và tôi không hề thấy có lí do gì để nói các trường đại học của Mỹ  gây sức ép lên các trường Đại học Việt Nam về vấn đề này.

Kể từ khi tôi làm việc ở đây, con số sinh viên Việt Nam ở Mỹ đã tăng lên gấp ba lần, hầu hết họ đi bằng tiền của chính bản thân mình, và không có một lý do nào để nói rằng họ đi Mỹ vì một sức ép nào đó. Họ hoàn toàn bỏ tiền túi, bỏ đồng đô la của chính mình ra để đi học và tôi thấy rất rõ ràng là họ đi Mỹ vì họ thấy rằng họ được thụ hưởng những điều tốt đẹp từ một nền giáo dục tiên tiến ở Mỹ.

Lãnh đạo Việt Nam, kể cả những người ở cấp cao nhất, khi nói chuyện đều nói với tôi rằng họ đánh giá rất cao nền giáo dục của Mỹ, đánh giá cao sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục, và  tôi không thể tán thành quan điểm cho rằng đây là hoạt động diễn biến hòa bình! Việt Nam là một nước độc lập, người Việt Nam rất thông minh, khôn ngoan, và các bạn sẽ là người tự đưa ra quyết định của mình chứ không ai có thể gây sức ép cho các bạn được.

Độc giả Hoàng Trường Sa – Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa: Ngài nghĩ gì về chính phủ Việt Nam và người dân trong nước nên làm gì hoặc là Chính phủ Mỹ cần phải làm gì để những người vẫn  hận thù với chính phủ  và chống phá đất nước Việt Nam. Liệu chính phủ Mỹ có đứng đằng sau các tổ chức chống phá người Việt này hay không ? cần có những biện pháp gì để những tổ chức này không làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao Việt Nam và Hoa Kỳ?

Đại sứ Michael W. Michalak: Tôi nghĩ rằng trong bất cứ mối quan hệ nào thì cũng không thể có được 100% dân số hoàn toàn hài lòng về mối quan hệ đó. Ở Mỹ chúng tôi có một câu ngạn ngữ là: “Bạn có thể làm hài lòng một vài người vào một vài lúc và bạn có thể làm hài lòng tất cả mọi người vào một vài lúc – nhưng bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người vào tất cả mọi lúc”. Tôi nghĩ rằng quá trình hòa giải ở Việt Nam vẫn còn đang tiếp diễn, quá trình này diễn ra kể từ khi chiến tranh kết thúc, và hiện tại nó còn đang diễn ra, tôi nghĩ rằng cả hai bên đều có những cảm xúc rất là mạnh mẽ, và sẽ phải mất thời gian thì nó mới lắng xuống.

Chính phủ Hoa Kỳ công nhận chính phủ Việt Nam, công nhận sự toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam, chúng ta xây dựng mối quan hệ dựa trên nguyên tắc đó. Và chúng tôi phản đối bất kỳ ai, phản đối bất cứ lực lượng nào sử dụng vũ lực để lật đổ chính phủ.

Tôi tin rằng ở Mỹ mọi người có  tự do để bày tỏ quan điểm của mình, nhưng họ không được phép tiến hành các hoạt động khủng bố. Giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Hoa Kỳ khi có sự khác biệt thì chúng ta ngồi lại với nhau trao đổi, thảo luận để đạt được một thỏa ước chung. Quá trình trao đổi ấy cũng nên diễn ra đối với những người có thái độ chống đối mạnh mẽ đó và tất nhiên quá trình này cần có khoảng thời gian nhất định.

Độc giả Nguyễn Việt Hùng – Nha Trang: Nước Mỹ  hay bị các nhóm lợi ích, các nhóm lobby tác động chính sách, phải chăng quan hệ Việt Nam – Hoa kỳ thời gian qua cũng bị một số nhóm lobby của một số nước không thích quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển tốt lên do đó họ tìm mọi cách cản trở để quan hệ hai nước không phát triển được, việc chống đối nêu lên vấn đề này vấn đề khác cản trở giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng chính là do sự ngấm ngầm  không trực tiếp từ quốc gia này hay không?

Đại sứ Michael W. Michalak: Tôi không biết ở Mỹ có ai lại muốn thấy một mối quan hệ tồi giữa Việt Nam – Hoa Kỳ. Tôi thấy ở Mỹ có một số nhóm, họ không ủng hộ một số chính sách của Việt Nam, họ rất to tiếng. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải lắng nghe tất cả mọi người, lắng nghe quan điểm của họ, và so sánh với kiến thức của chúng ta và so với những gì chúng ta đã biết, dựa vào đó chúng ta tự quyết định đưa ra những chính sách của chính mình. Chúng tôi nhìn nhận những giá trị trong các quan điểm của mọi người và trong việc họ bày tỏ những quan điểm của mình.

Ở Hoa Kỳ  bản thân chính phủ cũng bị người dân chỉ trích, hoặc người dân ngoài Hoa Kỳ chỉ trích, những quan điểm của họ có lúc đúng có lúc sai, nhưng mà chúng tôi tôn trọng những quan điểm đó, chúng tôi nghĩ rằng sự đối thoại giữa các bên rất quan trọng.

Độc giả Việt Anh – Hà Nội: Thưa ngài Đại sứ gần đây sự hợp tác quốc phòng giữa hai nước phát triển mạnh, nhưng tại sao lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam vẫn được duy trì?

Đại sứ Michael W. Michalak: Đây là một trong những lĩnh vực mà vấn đề nhân quyền nó  ảnh hưởng tới. Chúng tôi thực sự  mong muốn mở rộng quan hệ giữa hai quân đội, trong đó có cả việc bán vũ khí. Tuy nhiên phải đến khi nào có những tiến bộ nhất định trong lĩnh vực nhân quyền ở Việt Nam thì việc này nó mới có thể diễn ra được.

Nhà Báo Nguyễn Anh Tuấn: Một bạn đọc hỏi: Thưa ngài đại sứ ai là người đề xuất bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Mỹ và Việt Nam?

Đại sứ Michael W. Michalak: Có một số người ở Thượng viện đó là: thượng nghĩ sỹ Jonh Marken, và thượng nghị sỹ Jonh Kerry, họ là những người ủng hộ mạnh mẽ việc bình thường hóa quan hệ và tổng thống Clinton cũng là người hậu thuẫn cho việc này. Ở Việt Nam thì tôi không được biết rõ.

5 năm tới quan hệ có phát triển gấp đôi?

Độc giả  Hungngutan@yahoo.com: Ngài nghĩ sao về tốc độ quan hệ hai nước sau 15 năm đã có đà thì trong 5 năm tới có gia tốc nhanh gấp đôi hơn bây giờ được không?

Đại sứ Michael W. Michalak: Đây là một câu hỏi rất hay. Tôi nghĩ rằng có thể như vậy được, tuy nhiên là cũng có một trở ngại. Chúng ta không thể tăng quan hệ hai nước mà lại không tăng số lượng nhân viên của đại sứ quán Mỹ. Ấy vậy mà có những trường hợp chúng tôi phải mất hai năm mới xin được tăng người cho đại sứ quán  của chúng tôi ở đây.

Thực sự, chúng tôi rất mong muốn tăng cường quan hệ giáo dục, đẩy mạnh việc cấp visa mới thì chúng tôi lại cần thêm nhân viên lãnh sự, và chúng tôi cũng muốn cử nhiều người của sứ quán, của phái đoàn Hoa Kỳ đi đến các địa điểm của Việt Nam để biết được tình hình thực tế. Nếu như chúng tôi không có thêm người thì chúng tôi không thể làm được, chúng tôi rất cần tăng thêm người và rất mong muốn thúc đẩy mở rộng, quan hệ giữa hai nước với tốc độ cao hơn, nhưng chừng nào mà chính phủ Việt Nam chưa chấp thuận cho chúng tôi thì chúng tôi chưa thể làm được.

Độc giả Hoàng Hải Đăng – Tp. Hồ Chí Minh: Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tốt lên thì một số quốc gia khác lại khó chịu, họ cản trở mối quan hệ này, và làm thế nào để quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam tốt mà quốc gia khác không tìm cách cản phá gây khó dễ cho Việt Nam?

Đại sứ Michael W. Michalak: Tôi tin rằng Việt Nam cần phải làm điều Việt Nam thấy là tốt nhất cho mình.  Về phía chúng tôi, chúng tôi có một mối quan hệ đối tác rất là vững mạnh đối với Việt Nam, và tôi muốn mối quan hệ ấy tiếp tục phát triển. Việt Nam đã nói với chúng tôi rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam là Việt Nam muốn làm bạn với tất cả, chúng tôi tin rằng  chính sách đối ngoại của Việt Nam là tùy thuộc vào Việt Nam. Chúng tôi muốn nói rằng là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển quan hệ đối với Việt Nam và sẽ dựa trên những nguyên tắc mà chúng tôi đã làm trong quá khứ và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai.

Nhà Báo Nguyễn Anh Tuấn: Trong lịch sử Việt Nam và trên thế giới, thân phận nước nhỏ trên bàn cờ quốc tế luôn luôn có những bất lợi và khó khăn, trắc trở mà không định lượng được, ông có nhận định gì và có những ý kiến gì có thể giúp ích cho Việt Nam, trở nên tốt hơn và bảo đảm an toàn – chắc chắn – vững vàng hơn trên bàn cờ chính trị quốc tế?

Đại sứ Michael W. Michalak: Câu hỏi này là một câu hỏi khó bởi vì mỗi một nước khác nhau thì thường áp dụng những chiến lược khác nhau, và những chiến lược đó  lại phát huy hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau. Như tôi đã nói, Hoa Kỳ rất coi trọng tính đa dạng, chúng tôi không bận tâm đó là  nước lớn hay  nước nhỏ, chúng tôi quan hệ với các nước trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Đó cũng là chủ trương chung mà chúng tôi áp dụng trong chính sách đối ngoại.

Chúng tôi ủng hộ bất cứ tổ chức quốc tế nào, chúng tôi trao cho bất cứ quốc gia nào một không gian để họ có quyền nói lên tiếng nói của mình một cách bình đẳng, và đây cũng là một lí do mà Hoa Kỳ tin rằng Hoa Kỳ sẽ có lợi khi  Việt Nam là một nước hùng cường, thịnh vượng và người dân có một nền giáo dục tốt. Chúng tôi tin rằng Việt Nam có những công cụ để Việt Nam tự quyết định. Điều quan trọng là chúng tôi sẽ tiếp tục mối quan hệ để giúp Việt Nam có được những công cụ đó.

Nhà Báo Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay, trong nền kinh tế toàn cầu , các tập đoàn kinh tế lớn thường có tác động  tới chính sách đối ngoại của các quốc gia, khi lợi ích của các tập đoàn này tại các quốc gia lớn hơn  có lợi ích nhiều hơn thì nó có tác động như thế nào tới  mối quan hệ Mỹ và Việt Nam ?

Đại sứ Michael W. Michalak: Tôi không tin như vậy! Chúng tôi có rất nhiều tập đoàn lớn ở Hoa Kỳ, chúng tôi không xây dựng chính sách đối ngoại của mình theo yêu cầu của các tập đoàn này, và ngược lại họ cũng không đưa ra những quyết định kinh doanh dựa trên những gì mà chính phủ phát ngôn. Tôi nghĩ rằng khi Việt Nam trở thành thành viên của khối ASEAN thì Việt Nam trở thành thành viên của một thị trường rộng lớn hơn, Việt Nam có khả năng để hoạt động rộng hơn, nhiều hơn.

Việt Nam đang cố gắng quyết định xem có nên trở thành thành viên đầy đủ của Hiệp định  đối tác xuyên Thái Bình Dương hay không. Đây là một khu vực gồm 8 nước và nếu như Việt Nam trở thành một thành viên thì Việt Nam sẽ được hưởng nhiều quyền lợi từ một thị trường lớn hơn.

Độc giả Phan Minh Quang sinh viên năm 1 Đại Học KTQD: Thưa đại sứ  15 năm quan hệ ngoại giao Việt Mỹ, ngài có thể chỉ ra những điều chưa làm được, hay những cơ hội bị bỏ lỡ trong quan hệ  giữa hai nước?

Đại sứ Michael W. Michalak: Tôi cho rằng trong thời gian đó không có cơ hội nào quá lớn bị bỏ lỡ trong quan hệ giữa hai nước. Có nhiều thứ đáng ra chúng ta có thể làm tốt hơn, và cũng có  nhiều việc mà chúng tôi đang cố gắng làm cho tốt hơn. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu như hai nước ký được hiệp định thương mại song phương sớm hơn, hoặc là Việt Nam gia nhập  WTO sớm hơn, nhưng mà hai bên đã làm hết sức mình và điều gì cần đến đã đến rồi. Tôi không nghĩ rằng có một cơ hội  lớn nào đấy đã bị bỏ lỡ trong 15 năm qua.

Đối tác chiến lược và quan hệ đồng minh

Độc giả Trương Khắc Lương – Hải Dương: Thưa ông, bao giờ Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ hiện nay lên tầm chiến lược, chính thức trở thành đối tác chiến lược của nhau?

Đại sứ Michael W. Michalak: Đôi khi tôi cũng được hỏi những câu hỏi như vậy, nhưng tôi không hiểu các bạn nghĩ gì! Liệu có sự khác biệt gì giữa một mối quan hệ vững mạnh và sống động với một mối quan hệ được gọi là đối tác chiến lược?

Nếu chúng ta gọi quan hệ hai nước là đối tác chiến lược thì mối quan hệ giữa hai quân đội có mạnh hơn hay chăng? Tôi không nghĩ là như vậy ? Chúng ta có quan hệ giữa hai bộ ngoại giao tốt hơn hay không? Tôi không nghĩ như vậy! Chúng ta có quan hệ ngoại giao nhân dân tốt hơn hay không! Tôi không nghĩ như vậy!Chúng ta đang có một mối quan hệ giữa hai quân đội rất là vững mạnh rồi, quan hệ giữa hai bộ ngoại giao rất là tốt, quan hệ giữa hai chính phủ cũng rất là tốt, và quan hệ giữa nhân dân hai nước cũng rất là tốt. Vậy quan hệ của chúng ta thực ra đã là quan hệ đối tác chiến lược rồi mặc dù chúng ta chưa gọi tên nó là như vậy!

Với cách thức mà chúng ta làm việc cùng nhau để đạt được đồng thuận, và giải quyết những vấn đề còn bất đồng, cho thấy rằng chúng ta có một mối quan hệ thật là vững mạnh, thật là chắc chắn, và mối quan hệ này đang tiếp tục phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu ngày càng trưởng thành hơn. 15 năm chỉ là điểm khởi đầu và tôi tin rằng chúng ta sẽ có một tương lai tương sáng cùng nhau.

Tôi không bận tâm lắm việc chúng ta gọi mối quan hệ này là gì, mối quan hệ đối tác chiến lược hay siêu đối tác hay gì đi nữa, mà điều quan trọng là chúng ta đang có một mối quan hệ rất tốt đẹp, mối quan hệ này nó đang phục vụ cho hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Nhà Báo Nguyễn Anh Tuấn: Quan hệ đối tác chiến lược và quan hệ đồng minh có khác gì nhau?

Đại sứ Michael W. Michalak: Có sự khác biệt đó là sự cam kết về mặt pháp lý giữa hai bên với nhau.

Nhà Báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông có thể nói cụ thể hơn?

Đại sứ Michael W. Michalak: Theo như những hiệp định đồng minh mà tôi được biết, thì chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ lẫn nhau về phương diện quốc phòng! Tôi nghĩ đấy là sự khác biệt lớn nhất.

Nhà Báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy ông nghĩ gì , khi trước năm 1945, Việt Nam có Việt Nam độc lập đồng minh – cũng từng cứu phi công Mỹ khi rơi xuống Việt Nam, việc giúp phi công Mỹ đấy là việc làm  của Việt Minh, - Ông nghĩ gì về Việt Minh và về Việt Nam độc lập đồng minh lúc đó ?

Đại sứ Michael W. Michalak: Tôi có biết về chuyện đó, đó là một tổ chức rất là hay và tôi cảm kích về hoạt động của họ.

Nhà Báo Nguyễn Anh Tuấn: Liệu từ mối quan hệ đó, trong tương lai Việt Nam và Mỹ có thể trở thành đồng minh với nhau được không?

Đại sứ Michael W. Michalak: Tôi nghĩ điều này còn cần phải suy nghĩ vì giữa hai nước vẫn còn nhiều sự khác biệt về chính trị. Về quân sự, hai nước đã phát triển rất nhiều, nhưng vẫn chưa đạt được chiều rộng và sự phong phú như là quan hệ của Hoa Kỳ với các nước khác. Khi hai nước tiếp tục phát triển quan hệ của mình, sẽ là điều chúng ta cần phải lưu ý.

Về quan hệ đồng minh thì hai bên phải là đối tác quốc phòng của nhau, ngoài ra, chúng ta còn phải tính đến một phần rất quan trọng khác, đó là mức độ mà hai bên chia sẻ với nhau, về các giá trị, về thế giới quan và về các quan điểm đối với các sự kiện xảy ra trên thế giới. Riêng trong lĩnh vực này Việt Nam và Hoa Kỳ còn rất  khác nhau trong quan điểm về nhiều sự kiện trên thế giới và về một số khái niệm nhất định. Tất nhiên là hai nước đều mong muốn hòa bình trên thế giới và trong khu vực, hai nước đều mong muốn sự thịnh vượng ở Việt Nam.

Nhưng về dân chủ thì hai bên có sự khác biệt, về tự do ngôn luận hai bên có sự khác biệt, vì vậy hai bên cần có thêm thời gian tiếp tục trao đổi để có được một nhận thức chung, một quan điểm chung. Và chúng ta cũng đừng quên rằng Việt Nam nói rằng VN muốn là bạn của tất cả các nước, nhưng chúng ta cần phải biết rằng khi bạn là bạn của một ai đó thì bạn sẽ không là bạn của những người khác ở cùng một mức độ như vậy, mà Việt Nam thì lại muốn là bạn của tất cả các nước. Vậy cho nên nếu Việt Nam là đồng minh của Mỹ thì sẽ có vấn đề.

Chúng ta hiện đang có mối quan hệ đối tác rất là tuyệt vời và chúng ta hãy tiếp tục duy trì điều đó để xem nó sẽ dẫn tới đâu.

Nhà Báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng mà tôi muốn hỏi kỹ thêm, theo góc nhìn của Ông nếu giả sử Việt Nam và Hoa Kỳ là đồng minh thì Việt Nam được lợi gì và bất lợi gì ?

Đại sứ Michael W. Michalak: Đây là vấn đề có tính giả định quá cao, tôi không thể  đi sâu vào vì tôi không biết rằng lúc đó chúng ta sẽ đối mặt với một thế giới như thế nào. Chúng ta sẽ bàn với nhau trong một dịp khác thì tốt hơn.

Nhà Báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhân dịp 15 năm quan hệ Việt Mỹ, 15 năm Hòa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ tốt đẹp. Ông có những thông điệp những ý kiến gì cho bạn đọc Vietnamnet ngày hôm nay ?

Đại sứ Michael W. Michalak: 15 năm qua hai bên đã xây dựng được lòng tin giữa hai bên, hai bên đã hiểu biết nhau tốt hơn, tôi muốn thấy quá trình xây dựng lòng tin tiếp tục phát triển và đây cũng là nhiệm vụ của tôi.  Như tôi đã nói,  15 năm qua mới chỉ là sự khởi đầu thôi, chúng ta còn có hàng trăm năm quan hệ trước mắt nữa, tôi tin rằng mối quan hệ sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn Ông, nhân dịp ngày Quốc khánh Hoa Kỳ xin gửi tới nhân dân Mỹ, những lời chúc tốt đẹp, chúc đất nước Mỹ ngày càng phát triển thịnh vượng, và là một đất nước có đóng góp và trách nhiệm với thế giới.

Đại sứ Michael W. Michalak: Tôi cũng chúc những điều tương tự đối với Việt Nam, xin chúc Việt Nam may mắn.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn Bạn đọc Vietnamnet, đã quan tâm theo dõi.

Nguồn: Vietnamnet

3 Phản hồi cho “Bang giao Việt – Mỹ thực ra là quan hệ đối tác chiến lược”

  1. Nguyễn Chính says:

    Lời nói rõ ràng nhất của ông Đại Sứ.”Tuy nhiên phải đến khi nào có những tiến bộ nhất định trong lĩnh vực nhân quyền ở Việt Nam thì việc này nó mới có thể diễn ra được. ” Có nghĩa là Việt Nam sẽ không bao giờ là đồng minh của Mỹ khi nào Việt Nam chưa có dân chủ , tự do.Rõ ràng là như vậy. Có thể là đối tác chiến lược của nhau, có nghĩa là lợi dụng nhau khi có thể.

  2. batbinh says:

    Bớ mấy “em bé”, mấy con khỉ đỏ …, mấy con bò mộng đâu mất hết rồi? Vào đây mà đọc bài phỏng vấn ngài Đại Sứ để từ đó mà suy gẫm về tình hình VN trong bối cảnh hiện nay. Chỉ mới có 15 năm thôi mà thương mại 2 bên tăng lên đến chỉ có … sơ sơ 30 lần … Phát triển kinh tế, đầu tư giáo dục là con đường duy nhất giúp VN thay đổi, bớt độc tài và ngày càng văn minh, tiến bộ hơn.

    Thời buổi bây giờ mà còn ngồi chồm hổm vẽ ra mấy cái lằn ranh Quốc Cộng mơ hồ, rồi la làng, chửi bới chẳng được cái tích sự gì hết. Nhưng đây là xứ tự do mờ lị, ai thích mần chi mần. Nhưng làm ơn nhớ cho một điều là đừng tự cho mình có đủ tư cách làm kim chỉ nam của người khác, rồi bắt người khác phải chống Cộng theo kiểu xưa lắc, tụt hậu của mình. Nhớ đấy nhá các “em bé” ngây thơ hic hic.

    Xin ủng hộ sự giao thương ngày càng mật thiết giữa các nước đã phát triển với Việt Nam, và xin chúc Việt Nam mến yêu của tôi “may mắn”

  3. Rong Do sao vang says:

    Mat du noi chuyen hoa giai voi Viet kieu VNCH, Chinh phu VN van hieu la chuyen van dong va doi thaoi ngoai giao van la noi chuyen thang voi My va Au Tay de giai quyet vi the chinh tri cua VN. NHung nguoi VNCH se tu tu theo quyet dinh cua My& Au Tay thoi. Giong y het nhu thoi …..VNCH !!

Phản hồi