WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Mười lăm năm Bang giao Mỹ – Việt

Tại Hội nghị cấp Ngoại trưởng của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á là ASEAN đang tiến hành ở Hà Nội, người ta chú ý đến sự tham dự của bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton.

Từ trái sang: Cựu Tổng thống Bill Clinton, Đại sứ Việt Nam Lê Công Phụng và Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell tại lễ Kỷ niệm 15 năm quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam hôm 14/07/2010 ở Washinhton DC. RFA PHOTO

Ngoài hàng loạt các buổi họp của ASEAN trong mấy ngày liền, sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ nhắc nhở đến mối quan hệ tăng cường giữa Hoa Kỳ và Việt Nam khi hai nước thiết lập bang giao đúng 15 năm trước. Diễn đàn Kinh tế sẽ tổng kết về mối bang giao này qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây hầu quý vị.

Lợi ích từ bang giao

Việt Long: Đúng 15 năm trước, vào tháng bảy năm 1995, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tái lập quan hệ ngoại giao. Từ đó, mối quan hệ song phương được tăng cường và củng cố trên nhiều mặt, nhất là kinh tế. Nhân dịp các hội nghị cấp Tổng trưởng của ASEAN đang tiến hành tại Hà Nội và sự tham dự của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, xin đề nghị ông duyệt lại mối quan hệ Mỹ-Việt trong 15 năm qua, với câu hỏi đầu tiên là “ai có lợi”?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Hiển nhiên là cả hai nước đều có lợi – nếu không thì đã chẳng bang giao – nhưng thuần về kinh tế thương mại thì Việt Nam có lợi hơn, mà đây cũng là chủ đích của Mỹ.

Việt Long: Câu trả lời của ông hàm ý là Hoa Kỳ có chủ ý đem lại mối lợi cho Việt Nam. Ông có thể trình bày bối cảnh của sự việc và giải thích kết luận ấy được không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta hãy nói về quan hệ Việt-Mỹ trước, rồi tìm hiểu thêm về cách tính toán của Hoa Kỳ thì mình mới hiểu ra sự việc trên toàn cảnh.

Do nhiều hiểu lầm tai hại lồng trong những trở ngại phức tạp từ cả hai phía qua gần 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, quan hệ đôi bên chỉ thực sự cải tiến từ khi Việt Nam rút quân khỏi Kampuchia năm 1989, rồi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991. Nhìn từ Hoa Kỳ thì việc cải thiện là nỗ lực lưỡng đảng, do các chính quyền Cộng Hoà lẫn Dân Chủ cùng tuần tự tiến hành, với quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận của Hoa Kỳ vào đầu năm 1994, mở màn cho việc bang giao vào năm sau. Nhìn lại thì phía chính quyền Việt Nam cứ nghi ngại do không hiểu gì về Hoa Kỳ. Sau khi thiết lập bang giao thì đến nay có lẽ vẫn chưa hiểu gì nên chỉ mưu tìm lợi vặt.

Một cách cụ thể về diễn tiến thì Chính quyền George H. Bush vạch ra “lộ trình” cải thiện từ năm 1991; trên lộ trình đó, Chính quyền Bill Clinton đồng ý cho các định chế tài chính viện trợ cho Việt Nam từ năm 1993, rồi bãi bỏ lệnh cấm vận từ đầu năm 1994. Trong tài khóa 94-95, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cho hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng Bảy năm 1995. Sau đấy, Chính quyền Clinton ký Hiệp định Thương mại Song phương cuối năm 2000, với quy chế Tối huệ quốc được tái tục hàng năm. Cuối năm 2006, quy chế này được Quốc hội Mỹ chấp nhận một cách thường trực và vĩnh viễn và Chính quyền George W. Bush mở cửa cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới từ đầu năm 2007.

Kết quả thiết thực thì sau khi bãi bỏ lệnh cấm vận năm 1994, Hoa Kỳ nhập khẩu của Việt Nam 50 triệu đô la và bán cho Việt Nam 172 triệu, đạt xuất siêu chừng 122 triệu. Rồi từ đấy, giao dịch ngoại thương tăng mạnh, từ một tỷ tư năm 2001 đã vượt quá 15 tỷ trong chưa đầy 10 năm. Đáng chú ý nhất là Việt Nam liên tục đạt xuất siêu vì bán nhiều hơn mua với Mỹ, con số xuất siêu ấy lên tới 10 tỷ đô la. Hoa Kỳ cũng thành nước đầu tư trực tiếp nhiều nhất vào Việt Nam và đã liên tục viện trợ cho chính quyền lẫn cấp phát học bổng cho học sinh Việt Nam. Vì vậy tôi mới nói rằng thuần về kinh tế và thương mại, Việt Nam có lợi hơn sau khi bang giao với Mỹ.

Chủ trương của Hoa Kỳ

Việt Long: Nhưng ông cũng nói đến những tính toán của Hoa Kỳ khi chủ đích tạo ra mối lợi ấy cho Việt Nam mà có khi chính quyền Hà Nội không hiểu và có lẽ vẫn chưa hiểu. Ông có thể giải thích thêm về điều đó?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì đặc tính siêu cường toàn cầu, Hoa Kỳ coi giao thương kinh tế như là một phần, mà không nhất thiết là phần chủ yếu, trong mối quan hệ đa diện với các quốc gia khác.

Kinh tế và thị trường Mỹ đủ mạnh đủ lớn để tiếp nhận hàng hóa từ các nước khác và mối giao dịch có lợi ấy là một ràng buộc về ngoại giao và chính trị để các nước duy trì quan hệ thân hữu có lợi cho Hoa Kỳ. Đây là chủ trương nhất quán của nước Mỹ từ sau Thế chiến II. Nhưng từ năm nay Hoa Kỳ đang thay đổi chủ trương này vì bị suy trầm kinh tế và thất nghiệp nặng nên muốn tăng xuất khẩu và thu hẹp dần số khiếm hụt của cán cân thương mại lẫn cán cân vãng lai và giảm dần gánh nặng công trái. Việt Nam nên hiểu ra điều này mà kịp thời cải tổ chứ đừng nghĩ rằng mình khôn vì xuất nhiều hơn nhập khẩu với Hoa Kỳ. Cần nói thêm là từ khi bang giao, Hoa Kỳ thường xuyên khuyến cáo và còn viện trợ cho Hà Nội để tiến hành việc cải tổ ấy mà Hà Nội lại trì hoãn thi hành, nghĩa là chỉ nhìn thấy mối lợi ngoại thương mà thôi.

Việt Long: Ông đang nói đến những khuyến cáo và viện trợ của Hoa Kỳ nhằm giúp Việt Nam thay đổi mà lãnh đạo tại Hà Nội lại trì hoãn thi hành. Ông vui lòng nêu ra một vài chứng minh cụ thể.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin đi từ một định lý chung trước khi nói vào chuyện cụ thể.

Một quốc gia chỉ phát triển bền vững và hài hòa nếu nhìn xa hơn tăng trưởng về lượng, tức là phải chú ý đến phẩm chất. Phẩm chất đòi hỏi một xã hội tự do, cởi mở, luật lệ phân minh, thông tin và tài nguyên được lưu thông dễ dàng và tư nhân được tự do kinh doanh với sự yểm trợ của nhà nước. Hoa Kỳ và nhiều định chế quốc tế đều viện trợ và khuyến khích Việt Nam cải tổ cho quyền tự do thông thoáng đó mà lãnh đạo Việt Nam chỉ thi hành có chọn lọc và còn lợi dụng hoàn cảnh để củng cố quyền lực và quyền lợi cho thiểu số có quan hệ với đảng và nhà nước. Nói cho dễ hiểu thì việc tự mình phải cải cách cũng cần thiết như xây dựng và tu bổ cầu đường. Đã được trợ giúp để thực hiện mà lại không làm thì đấy là một hiểu lầm tai hại. Nó cũng tai hại như tự mình phá hủy hệ thống cầu đường của mình để chứng tỏ là ta không sợ Mỹ!

Việt Long: Đó là định lý chung, theo như ông định nghĩa, bây giờ thì chuyện cụ thể gồm có những gì?

 

Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hội nghị Dân chủ Cấp cao, diễn ra ở Ba Lan từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 7 năm 2010. RFA Photo/Vân Anh

Nguyễn Xuân Nghĩa:

Một cách cụ thể thì Hoa Kỳ nêu ra một số điều kiện cải thiện cơ chế kinh tế, mậu dịch và luật lệ lao động lẫn nhân quyền để Việt Nam được chế độ Ưu đãi Phổ cập về Thuế quan GSP. Hoa Kỳ cũng đề nghị Việt Nam khai triển việc áp dụng Hiệp định khung giữa hai nước về Thương mại và Đầu tư, gọi tắt là TIFA, nhằm tiến tới Thỏa ước Tự do Mậu dịch Song phương FTA rất quan trọng và có lợi cho Việt Nam. Thứ ba, từ tháng Sáu năm 2008, Hoa Kỳ thông báo việc đàm phán Mỹ-Việt về Thỏa ước Đầu tư Song phương, gọi tắt là BIT, mà Mỹ đã ký với hơn ba chục quốc gia trên thế giới. Muốn thông qua thì Việt Nam cần cải thiện các vấn đề luật lệ, môi sinh, lao động và tài chính và bãi bỏ những hạn chế về đầu tư nước ngoài. Gần đây, Hoa Kỳ còn tham gia Sáng kiến Xây dựng Đối tác Kinh tế Liên Thái bình dương, gọi tắt là Trans-Pacific Partnership hay TPP, với Brunei, Chile, New Zealand, Singapore và Việt Nam. Nếu dự án TPP này thành hình thì coi như Việt Nam tiến tới chế độ tự do mậu dịch FTA với Mỹ.

Các hồ sơ viết tắt là GSP, TIFA, BIT, TPP hay FTA là những ưu tiên lớn và có lợi mà Việt Nam nên sớm giải quyết. Trở ngại ở đây là các vấn đề vi phạm nhân quyền, là môi trường luật lệ, chế độ lao động và tự do nghiệp đoàn, là Việt Nam chưa có nền kinh tế thị trường đích thực, không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và có chế độ ngoại hối thiếu tự do.

Chú trọng an ninh Đông Á

Việt Long: Bằng ấy vấn đề mà ông nêu ra cũng đủ cho  lãnh đạo Việt Nam có thể viện dẫn lý lẽ là Hoa Kỳ đòi xen lấn vào nội bộ của mình, như khi nêu vấn đề về nạn đàn áp tôn giáo hay chà đạp nhân quyền, và đòi hỏi Hoa Kỳ phải tôn trọng chủ quyền của quốc gia. Ông nghĩ sao về lý luận đó?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Phải chi Hà Nội nêu loại đòi hỏi hay phản bác như vậy với Trung Quốc!

Có lẽ mình cần nhắc lại là sau 15 năm bang giao buôn bán, nay Việt Nam đạt xuất siêu chừng 10 tỷ đô la với Mỹ thì bị nhập siêu cũng 10 tỷ đô la với Trung Quốc. Chúng ta đừng quên rằng hiện nay Hoa Kỳ không hề có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ hay lãnh hải với Việt Nam và lãnh đạo Mỹ không muốn lại phải can thiệp vào Việt Nam trong khi Quốc hội, tức là quốc dân Mỹ, trong đó có cộng đồng người Việt tại Mỹ, thì quan tâm đến tình trạng thiếu tự do của người dân Việt Nam. Muốn chứng tỏ là ta không sợ Mỹ mà Hà Nội gây họa cho quốc gia thì rõ ràng là vẫn chưa hiểu gì Hoa Kỳ và còn tự mình phá hủy cầu đường của chính mình.

Việt Long: Bên cạnh hồ sơ kinh tế thì ai cũng thấy có vấn đề quan trọng khác là vấn đề an ninh, tuy không trực tiếp liên quan đến kinh tế nhưng vẫn chi phối mối quan hệ giữa hai quốc gia.  Cho nên xin hỏi ông về việc Hoa Kỳ đang có hướng chú trọng hơn tới an ninh Đông Á, riêng tại Đông Nam Á, thậm chí tận trong lưu vực sông Mekong, là nơi mà sức ép của Trung Quốc đang trở thành mối quan tâm của cả Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN.   Trong hoàn cảnh như vậy Việt Nam nên ứng xử ra sao? Cụ thể là có nên giải quyết những chướng ngại về nhân quyền để tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ hầu bảo vệ được an ninh của mình hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng quốc gia nào cũng có bổn phận bảo vệ quyền lợi của mình. Là siêu cường hiện diện trên toàn cầu, Hoa Kỳ có những quan hệ quyền lợi đa dạng và phức tạp, với ưu tiên có thể dời đổi từng thời từng nơi nên ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của họ. Sau gần 10 năm bận rộn về trận chiến chống khủng bố và hai chiến trường nóng tại Iraq và Afghanistan, việc Hoa Kỳ khẳng định sự hiện diện tại Đông Á là bình thường và dễ hiểu. Quan hệ có chiều hướng căng thẳng và phức tạp hơn với Bắc Kinh cũng thế.

Cũng nhìn từ quan điểm quyền lợi, lại ở bên cạnh Trung Quốc đang đói ăn khát dầu và muốn bành trướng ra ngoài để bảo vệ quyền lợi của họ, Việt Nam cần sự hiện diện của các cường quốc khác trong khu vực, như Liên bang Nga, Nhật Bản, Úc Đại Lợi và Hoa Kỳ. Sự hiện diện ấy sẽ góp phần ổn định cả khu vực và cũng là yêu cầu chung cho cả Hiệp hội ASEAN mà Việt Nam là thành viên cũng từ 15 năm nay. Chúng ta không quên rằng Trung Quốc là vấn đề của Việt Nam, nhưng cũng là vấn đề của nhiều quốc gia trong khu vực mà nếu thực sự giải quyết, Việt Nam phải tìm cách hợp tác, không để gây chiến mà để tự vệ.

Còn lại, Việt Nam nên xây dựng khả năng tự vệ của chính mình, trước tiên là từ tâm lý và ý chí của người dân, thay vì trông chờ Hoa Kỳ hay bất cứ ai. Một cách cụ thể hơn thì khi doanh gia quốc tế lập cơ sở đầu tư tại Việt Nam, nhu cầu làm ăn khiến chính họ phải quan tâm đến an ninh của Việt Nam, là nơi có két bạc của họ ở đó. Đã hạn chế không cho họ vào để bảo vệ khu vực kinh tế nhà nước, khi họ vào thì tìm cách móc túi, rồi mong đợi là họ sẽ bảo vệ mình thì rõ ràng là chưa hiểu gì cả. Hoặc cố tình không hiểu để đất nước cứ trôi dần vào trật tự của Trung Quốc.

Việt Long: Cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

 Nguồn: RFA

1 Phản hồi cho “Mười lăm năm Bang giao Mỹ – Việt”

  1. Di Linh says:

    THỜI ĐIỄM LỊCH SỮ CÓ THỂ ĐANG BẮT ĐẦU
    Nhân dịp 15 năm bang igao Mỹ Việt ,những biến cố trong vài ngày qua như lui tới VN , như phát biễu ” Nếu muốn gần Hoa kỳ cho chiến luợc , VN phải có nhân quyền”
    cuả phụ tà Ngoai giao Campbell , như lể kỷ niệm 15 năm bang giao với sư có mặt cuả Clinton, Kerry , McCain. Lê Công Phụng…, như áp lực 19 Dân biễu , như ngoai truỏn
    H. Clinton đặt trọng tâm và cảnh cáo vê Nhân Quyên cho Hà nội .
    Tất cã cho thấy : Hoà kỳ nay đã có dấu hiệu cuả môt chuyễn động sau một thời gian dài
    tư bỏ cấm vận , tái bang giao , cho vào WTO , yễm trợ luật pháp với một chủ đích rõ ràng choCSVN : “ĐỖI MỚI HAY LÀ CHẾT ” nghiã là “Tự diễn biến hoà bình ” hay
    bắt buộc bị “Diễn Biến Hoà Bình “bỡi các “Thế lực thù địch ” mà Hà nội biết rõ.
    15 năm “Tự diễn biến hoà bình ” thử thách đã đi qua . Nay bắt đầu cho thời kỳ mới : Hoa kỳ hết trông chờ Hà nội . Nay là bắt đầu thời kỳ thuận lợi cho các “Thế lực thù địch “ĐỨNG LÊN , ra tay làm “Diễn Biến Hoà Bình” thay cho Hànội .
    Các phong trào dân chủ trong và ngoài nuớc có quyền bắt đầu lạc quan, chuẫn bị kế họach tổ chức nhân sự , kết hợp trong ngòai nuớc và hành động phù hợp cho tình thế mới .

Leave a Reply to Di Linh