WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Triệt thoái quân đoàn 2, cuộc hành quân phá sản

Nguồn Internet

Một ngày trước khi Tướng Phú tuyên bố Ban Mê Thuột thất thủ, hôm 12-3 -1975 Hạ Viện Mỹ biểu quyết cắt 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc cho Việt Nam Cộng Hoà do Tổng Thống Ford đệ trình Quốc Hội, Đại sữ Mỹ Martin cũng thông báo cho Tổng thống Thiệu biết quân viện năm tới từ tháng 6 sẽ không được chuẩn chi, như thế có nghĩa họ bỏ rơi miền Nam hoàn toàn, Quân đội Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn đủ đạn dược để đánh trận trong vòng một vài tháng.

Tại Pleiku Liên đoàn 4 BĐQ chưa thể giải tỏa được quốc lộ 19, Sư đoàn 22 BB tại gần Qui nhơn chiến đấu dữ dội với Sư đoàn 3 Sao Vàng CS, phi trường Cù Hanh bị pháo kích, 3 phi cơ A-37 bị phá hủy.

Sư đoàn 10 CS sau khi chiếm Ban Mê Thuột tiến về tuyến Phước An, tại đây ta chỉ còn 700 người và 4 khẩu 105 ly.

Hôm 11-3 Tổng thống Thiệu họp Hội đồng Tướng lãnh gồm các Tướng Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Đặng Văn Quang để trình bầy kế hoạch  mà ông gọi là “Tái phối trí lực lượng”, với tình hình vũ khí đạn dược như hiện nay ta không thể giữ cả 4 Quân khu, mà chỉ đủ lực lượng giữ Quân khu 3, Quân khu 4 và một phần duyên hải Vùng 2, Quân khu 1 chỉ giữ Huế và Đà Nẵng, sẽ rút bỏ Cao nguyên về giữ đồng bằng, bỏ những vùng xương xẩu để về giữ những vùng mầu mỡ. Hội đồng Tướng lãnh đồng ý, không ai phản đối.

Mất Ban Mê Thuột, Tổng Thống Thiệu nay biết rõ địch mạnh hơn hồi 1968, và Mùa hè đỏ lửa 1972. CSBV xé bỏ Hiệp Định Paris, Đồng Minh ngoảnh mặt làm ngơ trước tình hình nguy khốn, ông Thiệu mất tinh thần, đưa ra  kế hoạch táo bạo trong một phiên họp tại Cam ranh ngày 14-3. Trong Hội nghị này có Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Đại Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng Đặng Văn Quang, Thiếu tướng Phạm Văn Phú. Sau phiên họp Tướng Phú kể lại cho Phạm Huấn, người ký giả chiến trường này đã ghi lại trong Cuộc Trịêt Thoái Cao Nguyên 1975.

Ông Thiệu cho biết Quốc Hội Mỹ cắt giảm quân viện khiến ta thiếu thốn đạn dược tiếp liệu, Mỹ hủy bỏ cam kết yểm trợ bằng không lực khi Cộng Sản vi phạm Hiệp định Paris, lãnh thổ phòng thủ quá rộng lớn, ta thiếu thốn đạn dược, tiếp liệu, áp lực địch rất mạnh… Ông cho biết Tướng Phú phải đem hết chủ lực quân, chiến xa, pháo binh của Quân đoàn về phòng thủ duyên hải, nghĩa là rút bỏ Pleiku, Kontum..

Nghe thế Tướng Phú bèn xin cho toàn bộ Quân đoàn ở lại chiến đấu, ông thoáng nhìn thấy sự sụp đổ miền Nam sẽ diễn ra do kế hoạch “tái phối trí” của TT Thiệu.

“- Thưa Tổng thống, cho tôi được “tử thủ” Pleiku, giữ cao nguyên.

Tướng Thiệu cười nhạt:

- Tử thủ? Với quân số, đạn dược hiện có, liệu anh chiến đấu được bao nhiêu ngày với Cộng Sản?

- Thưa Tổng thống từ 40 đến 60 ngày!

- Rồi sao nữa?

Tướng Phú khựng lại, đưa mắt nhìn tướng Viên cầu cứu, nhưng tướng Viên quay đi chỗ khác. Tướng Phú đáp:

- Tôi sẽ chiến đấu đến cùng, cho đến khi không còn được tiếp tế súng đạn, lương thực nữa!

.   .  .  .   .     .  .  .  .  .

… Tướng Phú vẫn liều lĩnh nói với giọng hơi lớn:

- Thưa Tổng thống, thưa quí vị tướng lãnh,nếu rút khỏi cao nguyên năm nay, thì một cuộc tấn công khác của Cộng Sản, có thể vào năm tới, sẽ mất duyên hải và mất nước. Tôi và các chiến sĩ của tôi có chết ở Cao nguyên bây giờ cũng không khác gì chết ở Sài Gòn trong năm tới!”

(Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, trang 85)

Tổng Thống Thiệu bác bỏ ý kiến Tướng Phú, ông nói đây là kế hoạch chung của Hội Đồng Tướng Lãnh mà ông đã bàn thảo.

“- Tôi ra lệnh cho anh mang chủ lực quân, chiến xa, đại bác, máy bay …về phòng thủ Duyên hải, và tổ chức hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột.

.    .  . .. . . . .  . . . .  .  .

- Lệnh này, từ cấp tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng trở xuống không được biết.

- Thưa Tổng thống…

- Có nghĩa là các lực lượng Địa phương quân vẫn ở lại chiến đấu. Các cơ sở hành chánh 3 tỉn,Pleiku, Kontum, Phú Bổn vẫn tiếp tục làm việc cùng với tỉnh trưởng, quận trưởng như thường lệ.

.  .  .  .  .  .  .  .  .  .  .

- Quyết định mang tất cả chủ lực quân chiến xa, pháo binh, máy bay của Quân đoàn II khỏi Pleiku, Kontum, tôi đã thảo luận với các tướng lãnh. Đây cũng là một quyết định chung của Hội đồng Tướng lãnh, như quyết định hôm qua cho Tướng Trưởng ngoài quân đoàn I.

Phòng họp im phăng phắc, không có một phản ứng, chống đối nào. Bỗng tướng Phú hỏi ôngThiệu một câu gần như lạc đề:

- Thưa Tổng Thống, nếu chủ lực quân, Thiết giáp, Pháo binh rút đi làm sao Địa phương quân chống đỡ nổi khi Cộng Sản đánh? Hơn 100 ngàn dân 2 tỉnh Pleiku, Kontum và gia đình anh em binh sĩ?

- Thì cho thằng Cộng Sản số dân đó! Với tình hình  nặng nề hiện tại, mình phải lo phòng thủ, giữ được vùng dân cư đông đúc, mầu mỡ… hơn là bị “kẹt” quá nhiều quân trên Vùng Cao nguyên…”

(CTTCN1975, trang 85, 86)

Về buổi họp này, ông Cao Văn Viên (Những  Ngày Cuối Của VNCH) thuật lại cũng gần giống như Phạm Huấn, theo ông Tổng Thống Thiệu cho biết phải chiếm lại Ban Mê Thuột, Tướng Phú xin thêm quân  tiếp viện, ông Thiệu hỏi Tướng Viên có đủ quân tiếp viện cho Tướng Phú không, Tướng Viên trả lời không còn quân trừ bị. Khi ấy ông Thiệu đứng trước bản đồ miền Nam nói Ban Mê Thuột quan trọng hơn Pleiku, Kontum nhập lại về kinh tế, dân số, nhiệm vụ Quân đoàn 2 phải tái chiếm Ban Mê Thuột, ông hỏi Tướng Phú dùng đường nào để đem quân về tái chiếm Ban Mê Thuột, Tướng Phú đề nghị theo đường số 7.

Văn Tiến Dũng cũng đã ghi lại lời khai của Chuẩn Tướng BĐQ Phạm Duy Tất bị CS bắt trong hồi ký của y. Tướng Tất cho biết chiều 14-3 Thiếu Tướng Phạm Văn Phú sau khi dự Hội nghị Cam Ranh về đã họp Bộ Tham Mưu Quân đoàn và kể lại diễn tiến buổi họp. Ông Thiệu hỏi Tướng Viên còn quân trừ bị không, Tướng Viên nói không còn, ông Thiệu hỏi Tướng Phú nếu không có quân tăng viện thì giữ được bao lâu, Tướng Phú nói có thể giữ được một tháng nếu có yểm trợ không quân, tiếp tế bằng không vận về đạn dược, vật liệu và bổ sung quân số bù lại thiệt hại vừa qua, ông sẽ ở lại Pleiku chiến đấu và chết ở đó.

Ông Thiệu nói không thoả mãn được các điều kiện đó, CS thì rất mạnh nên phải rút khỏi Kontum, Pleiku đưa quân về giữ đồng bằng duyên hải. Sau đó ông Thiệu hỏi rút bằng đướng số 19 được không, Tướng Viên trả lời đường này rất nguy hiểm, ông Thiệu hỏi đường số 14 đi được không, Tướng Viên đáp đường 14 không thể đi được. Cuối cùng chỉ còn đường số 7 ( CSBV gọi là đường số 7B) từ lâu không dùng tới nhưng tạo được sự bất ngờ. Tướng Phú cũng cho biết theo lệnh ông Thiệu chỉ rút các đơn vị chủ lực, bỏ Địa phương quân lại, không được thông báo cho các Tỉnh trưởng biết để họ ở lại tiếp tục chống giữ.

Như vậy những lời thuật lại của Phạm Huấn, Đại Tướng Viên, Văn Tiến Dũng.. gần giống nhau.

Kế hoạch đã được coi như hợp thức hoá và lệnh triệt thoái được ban hành, các Tướng lãnh không ai phản đối. Khi bàn việc lựa chọn đường rút quân, Tướng Viên cho biết đường Quốc lộ 21 không thể xử dụng được vì đường 14 giữa Pleiku-Ban Mê Thuột đã bị địch cắt, Bắc Việt hiện có 3, 4 Sư đoàn chính qui tại chiến trường Ban Mê Thuột, không thể từ đó xử dụng đường 21 về Nha Trang. Đường 19 nối Pleiku – Qui Nhơn cũng khó thành công vì đèo An Khê đã bị cắt ở hai phía Đông, Tây, Cộng quân đóng chốt nhiều nơi, trước đây Pháp đã từng bị Việt Minh phục đánh kích tan tác trên đèo này. Ngoài đường số 7 không còn đường nào khác, Tướng Phú đề nghị chọn đường số 7, kế hoạch được chấp thuận.

Tổng Thống Thiệu nói kế hoạch rút quân để bảo toàn lực lượng hầu tái chiếm Ban Mê Thuột, ông dặn Tướng Phú phải giữ bí mật, không được cho các Tỉnh trưởng biết, chỉ có chủ lực của Quân đoàn rút, Địa phương sẽ phải ở lại chiến đấu, như vậy về cơ bản kế hoạch đượm vẻ bất nhân, tàn nhẫn. Chiều 14-3 Bộ Tư lệnh Quân đoàn triệu tập các sĩ quan cao cấp để thông báo lệnh rút bỏ Cao nguyên tuy nhiên không có giấy tờ Lệnh hành quân cấp Quân đoàn, cuộc hành quân tổ chức vội vã không được chặt chẽ.

Tướng Phú lệnh cho Lữ đoàn 2 Kỵ binh rút từ đèo Nang Yang về tăng phái cho Liên đoàn 23 BĐQ và Công binh để sửa chữa cầu cống, giữ an ninh trên lộ trình đường số 7. Tỉnh Lộ 7 từ ngã ba Mỹ Thạnh tới Tuy Hoà trước đây là đường trải đá, có  3 cầu chính: Phú Thiện 50m, Le Bac 600m, Cà Lúi 40m. Đoạn cuối tỉnh lộ 7 trong địa phận Tuy Hoà, quận Củng Sơn không an toàn cho sự lưu thông.

Ngày 16-3 đoàn xe quân sự  bắt đầu rời Pleiku, Tướng Phú và Bộ Tư lệnh  đi trực thăng về Nha Trang, bỏ lại Chuẩn tướng Phạm Duy Tất lo đôn đốc đám di tản. Theo Tướng Hoàng Lạc cuộc lui binh gồm có 4 đoàn, mỗi đoàn 250 xe, tổng cộng có 1,200 xe cộ (theo Phạm Huấn có tất cả 4,000 quân xa đủ loại, mỗi ngày một đoàn xe). Ngày 16-3 đoàn xe lên đường êm xuôi vì có yếu tố bất ngờ, thấy di tản nhanh và dễ dàng nên khi tới Phú Bổn Tướng Phú ra lệnh ngưng lui binh và lập phòng tuyến tại Hậu Bổn. Các biến cố dồn dập sau đó vượt khả năng của giới thẩm quyền, quân nhân tại Phú bổn bị ảnh hưởng giây chuyền cũng hốt hoảng gia nhập đoàn chạy loạn.

Ngày hôm sau 17-3 dân chúng Kontum, Pleiku chạy ùa theo làm náo loạn cuộc lui binh, tình hình đã không thuận lợi như ngày đầu mà lại gây nhiều trở ngại cho sự triệt thoái.

Ngày 18-3 Liên đoàn 7 BĐQ đang cùng thiết giáp đánh chốt CS xui xẻo bị không quân oanh tạc lầm, gây nhiều thương vong cho quân bạn. Hỗn loạn xẩy ra, lính Thượng nổi loạn đốt doanh trại và giết nhiều người Việt khiến tình hình càng phức tạp, bọn lưu manh côn đồ, bọn nằm vùng đốt chợ,  CS pháo kích phi trường gây kinh hoàng cho đoàn người di tản, tối đến địch  pháo kích thị xã gây nhiều tử thương cho quân dân di tản. Các chiến xa M-48, M-41 bị phá hủy 70%, lực lượng chiến xa pháo binh dồn đống tại Phú Bổn. Sau trận pháo kích dữ dội của Cộng quân, các xe tăng M-48, M-41,  đại bác bị hư hại hết không thể xử dụng được, 40 chiến xa và 8 khẩu 175 ly bị phá hủy.

Từ ngày 16-3 –1975 Sư đoàn 320 CS Ở Buôn Hô (Ban Mê Thuột) gần đoàn quân triệt thoái được lệnh hành quân cấp tốc đuổi theo đánh phá, đến 18-3 lực lượng lớn của BV tiến vào Phú Bổn, đánh phá dữ dội rồi tiếp tục đánh xuống Củng Sơn, các Liên đoàn BĐQ, thiết giáp, bộ binh của VNCH bị thiệt hại nặng. Địch xử dụng nhiều đại bác, xe tăng lấy được của miền Nam để truy kích đánh phá, một lỗi lầm tai hại của cuộc lui binh mà không ai ngờ tới.

Nhận được báo cáo tình hình nguy khốn Tướng Phú ra lênh bỏ Hậu Bổn để về Tuy Hoà. Cuộc chạm súng tại Hậu Bổn kéo dài tới sáng hôm sau, đoàn quân đi được  20km thì Cộng quân đã tràn vào Phú Túc, Liên đoàn 7 BĐQ chiếm lại quận Phú Túc. Khi ra khỏi Phú Túc, súng nổ khắp nơi giành đường đi, hỗn loạn ngày càng trầm trọng. Binh lính chửi rủa Tổng thống Thiệu suốt dọc đường vì cuộc lui binh thê thảm này, dân chết lính chết, thật là một địa ngục, mộït hành lang máu.

Công binh lập 2 cầu nổi, một tại Le Bac, một tại Đồng Cam, đoàn xe đến được sông Ba thì thì bị cát lún, mất ba ngày để trực thăng chở vỉ sắt lót đường, dù gặp khó khăn đoàn xe đầu tiên về tới Tuy Hoà, chỉ có một chiếc xe bị kẹt giữa cầu nổi khiến cả đoàn quân tắc nghẽn. CSBV tổ chức các chốt chặn đường, một Tiểu đoàn ĐPQ và một Tiểu đoàn BĐQ được giao nhổ chốt. Ngày 22-3 hai Tiểu đoàn BĐQ ở đoạn hậu đánh tan Trung đoàn 64 CS (SĐ -320) gây nhiều  thiệt hại, Trung đoàn phải rút lui. BV đưa thêm các lực lượng đã tham chiến tại Ban Mê thuột với chiến xa yểm trợ theo tỉnh lộ 287 đổ xuống đường số 7. Tướng Cẩm báo cáo Tướng Phú, Tướng Phú ra lệnh tan hàng, Cẩm và Bộ tham mưu bay trực thăng về Tuy Hoà, những người còn lại chạy về hướng Đông. Phía Tây xe tăng CS đang tiến tới, hướng Bắc là Pleiku, hướng Nam địch đang đóng chốt, ai len lỏi theo sông Ba thì về được Tuy Hoà. Ngày 26-3 Tiểu đoàn 34 BĐQ thanh toán các chốt sau cùng tại xã Mỹ Thạnh Tòng, những người, xe còn lại của cuộc lui binh đã tới được Tuy Hoà, trong số 1,200 xe cộ chỉ có 300 mở đường máu tới nơi.

Sáu năm sau, vào giữa tháng 3-1981, Đài phát thanh VOA đã bình luận.

“Cuộc rút quân trên đường số 7 được coi như một cuộc thảm bại lớn nhất trong lịch sử chiến tranh tại miền Nam Nước Việt từ trước đến nay”.

Phạm Huấn gọi đó là hành  lang máu, con đường máu và nước mắt dài 300 km trong  9 ngày đêm, đó cũng là một cuộc hành quân phá sản. Hậu quả là tổn thất của cuộc lui binh thật khủng khiếp, theo Nguyễn Đức Phương khoảng 60 ngàn chủ lực quân khi tới Tuy Hoà chỉ còn khoảng một phần ba 20 ngàn người, 5 Liên đoàn BĐQ khoảng 7,000 chỉ còn 900 người, Lữ đoàn 2 thiết kỵ với hơn 100 xe tăng thiết giáp chỉ còn lại 13 cái M-113.

Trong Những Ngày Cuối VNCH ông Cao Viên cho biết có  nhất 75% khả năng tác chiến của quân đoàn II bao gồm sư đoàn 23 bộ binh cũng như các lực lượng Biệt động quân, thiết giáp, pháo binh, công binh và truyền tin đã bị hủy hoại chỉ trong vòng có mười ngày. Chiến dịch đánh chiếm lại Ban Mê Thuột không thể thực hiện được, đơn giản chỉ vì Quân đoàn 2 không còn lực lượng tác chiến nào cả. Quân Cộng Sản đã chiếm được Kontum, Pleiku không cần phải chiến đấu. Khuyến khích bởi chiến thắng với tầm mức không ngờ, các sư đoàn F10, 316 và 320 CSBV quyết định đánh tới. Ngay lúc bấy giờ, địch quân biết rằng lực lượng mà Quân đoàn II xử dụng để ngăn chận bước tiến quân của họ về hướng bờ biển chỉ còn là Lữ đoàn 3 Dù tại Khánh Dương.

Theo tài liệu Mỹ (The World Almanac Of The Viet Nam War.) và của Nguyễn Đức Phương, trong số 400 ngàn dân Cao nguyên chạy loạn chỉ có 100 ngàn tới được Tuy hòa. Theo Tướng Hoàng  Lạc trong số 200 ngàn dân chạy loạn chỉ có 45 ngàn tới Tuy Hoà. Các kho quân dụng tại Kontum, Pleiku bỏ ngỏ, tất cả quân dụng, vũ khí trị giá 253 triệu Mỹ Kim lọt vào tay CS. Sự thiệt hại về tinh thần còn to tát hơn nhiều. Theo tướng Hoàng Văn Lạc kế hoạch không đầy đủ, kỷ luật hỗn tạp, không nghiên cứu lộ trình, cầu cống, dân chúng và gia đình binh sĩ hỗn độn làm cho quân đội mất tinh thần khiến ai cũng chỉ lo chạy tháo thân. Dân chúng nghe tin tức bi quan qua đài BBC đã ồ ạt chạy về phía Nam làm náo loạn cuộc triệt thoái khiến cho tinh thần binh sĩ xuống thấp.

Tổng cộng 60 ngàn quân triệt thoái chỉ có 20 ngàn tới được Tuy Hoà, khoảng 200 ngàn dân chỉ có 45 ngàn tơi nơi yên lành. Những người thương binh trong các bệnh viện cũng như bị thương trên đường chạy loạn chỉ nằm chờ chết vì bác sĩ y tá không còn nữa,  số người bị thương bị giết.. có thể lên tới nhiều nghìn hay hàng vạn người.

Ông Cao Văn Viên nói:

“Thất bại tự tạo của quân đoàn II là một giấc mơ hãi hùng trên cả hai phương diện tâm lý và chính trị cho dân chúng cũng như cho QLVNCH. Rối loạn, lo âu, sợ hãi, lên án, tội lỗi cũng như thất vọng bắt đầu đè nặng lên tâm trí mọi người”

Những tin đồn cắt đất nhường cho Cộng Sản lan nhanh khiến người ta đổ sô nhau chạy về hướng Nam, Quân khu 1 cũng rơi vào tình huống tương tự.

Không biết tin đồn ấy do đâu mà ra, cũng có thể do CS nằm vùng tung ra để gây hoang mang náo loạn, tin cắt đất này đã ảnh hưởng vô cùng tai hại, cùng với sự tuyên truyền xuyên tạc và  phá hoại của đài BBC Luân Đôn, quân dân Vùng 1 và 2 cứ ùn ùn kéo nhau chạy về phương Nam khiến cho CS không phải đổ máu vẫn chiếm được nhiều lãnh thổ của miền Nam . Trong khi ấy tại Sài Gòn phía đối lập tăng hoạt động bất tín nhiệm chính phủ Thiệu, quân đội cũng mất tin tưởng người ta cho rằng chỉ có phép lạ may ra cứu được miền Nam. Cuộc lui binh trên tỉnh lộ 7 đã đi vào vết xe đổ của trận Cao Bắc Lạng năm 1949 và cuộc di tản Quảng Trị cuối tháng 4-1972. Cuối tháng 9-1949, Đại Tá Charton triệt thoái 3 tiểu đoàn Pháp ra khỏi Cao bằng đến đầu tháng 10 bị Việt Minh chận đánh tan rã, Pháp mất 7,000 quân và nhiều đơn vị tinh nhuệ, 500 quân xa, trên 100 súng cối và 13 đại bác, 10 ngàn súng cá nhân và cộng đồng, đại liên trung liên, trận đánh đã rung động cả nước Pháp.

Cuối tháng 4 năm 1972, các đơn vị phòng thủ Quảng Trị dưới sự chỉ huy của Tướng Vũ Văn Giai chiến đấu trong tuyệt vọng, vùng trách niệm của Sư đoàn 3 thu hẹp dần, Việt Cộng tấn công phía Tây và Nam Quảng Trị, cô lập lực lượng phòng thủ, binh sĩ ta ngày càng suy sụp tinh thần trước những trận pháo kích dữ dội của CSBV. Trước hoàn cảnh thiếu thốn tiếp liệu trong khi địch tấn công dữ dội, Tướng Giai trình bầy kế hoạch triệt thoái về Nam sông Thạch Hãn với Trung Tướng Hoàng Xuân  Lãm, Tư lệnh vùng 1.

Được Tư lệnh chấp thuận,  ông cho  lui binh tức thì ngày 1-5-1972 Sư đoàn 3 và các lực lượng tăng phái như Thiết giáp, Biệt động quân, Thuỷ quân lục chiến.. tất cả khoảng 9 Trung đoàn ồ ạt chạy về Nam qua Quốc lộ I.  Cộng quân thừa cơ pháo theo chết như rạ trên đại lộ kinh hoàng, Quốc lộ đầy các loại xe bốc cháy, hàng mấy nghìn người bỏ xác tại đây, Lữ đoàn thiết kỵ có hơn 1,000 người tử thương, Sư đoàn 3 chết 2,700 người, mất 100 xe tăng, 140 đại bác …

Đại tá Phạm bá Hoa nói.

“Những bài học chiến thuật trong trường Võ bị cũng như trường Đại học quân sự..đều thừa nhận rằng, trong các cuộc hành quân thì hành quân rút lui (hay triệt thoái, lui binh) là nhiều nguy hiểm hơn các cuộc hành quân khác, vì đơn vị đưa lưng về phía địch. Khi tấn công thì trước mặt là địch và sau lưng là hậu tuyến, còn trong rút lui thì trước mặt là hậu tuyến mà sau lưng trở thành tiến tuyến. Nguy hiểm là vậy. Nguyên tắc căn bản của bài học lui binh là phải có một lực lượng hành quân giao tiếp để bảo đảm an toàn phía trước mặt (hậu tuyến), còn lực lượng lui binh thì tự bảo vệ phía sau lưng (tiền tuyến), ngoài ra phải được  không quân quan sát và yểm trợ hoả lực nữa.

Với cuộc hành quân giao tiếp chậm chạp từ Tuy Hoà lên, đoàn quân triệt thoái ngày càng tan tác trên đường lui binh vô cùng hỗn loạn vì bị quân Việt Cộng liên tục phục kích, tập kích. Khi về đến Tuy Hoà thì tổn thất đến nỗi không còn khả năng thực hiện kế hoạch phản công chiếm  lại Ban Mê Thuột được nữa. Số dân thường bị chết dọc đường nhiều không kém số thương vong của quân đội. Chết vì súng đạn, chết vì xe cộ tranh giành lối đi mà gây tai nạn bừa bãi, chết vì tranh nhau miếng ăn nước uống, chết vì cướp giật…”

(Cuộc Rút Quân Trên Đường Số 7)

Cũng theo ông Phạm Bá Hoa, một điều trớ trêu là ta tưởng Cộng quân bao vây Pleiku nhưng thực ra khi quân ta rút đi ngày 16-3-1975 thì bốn ngày sau đó, 20-3 địch mới tiến vào tỉnh lỵ sở dĩ như vậy vì ta thiếu tin tình báo.  Cộng quân còn ở cách xa Pleiku rất nhiều nhưng Tướng Phú đã quá sợ hãi, ông tưởng địch sắp vây tấn công tới nơi. Sự thực các Sư đoàn CS còn ở xa về phía Nam và Đông Nam Pleiku và gần đoàn quân triệt thoái nên ta mới bị địch pháo kích, đánh phá gây thiệt hại cho đoàn quân nặng nề chưa từng thấy trong 20 năm chiến tranh.

Theo ông Cao Văn Viên, kế hoạch rút bỏ Quân khu 2 và 1 của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là do một mình ông ấy nghĩ ra, không hỏi ý kiến ai. Ông Cao Văn Viên cho rằng đó là một kế hoạch đúng nhưng thực hiện quá trễ, đúng lý ra phải thực hiện từ 6 tháng trước. Dù kế hoạch đúng về quân sự nhưng cũng khó có thể thể chấp nhận được vì nó là một kế hoạch bất nhân bỏ đồng bào lại cho CS.

Khi ông Thiệu lệnh cho Tướng Phú khi rút Quân đoàn 2 phải dấu kín không được cho địa phương biết để lừa họ phải ở lại chiến đấu. Lệnh này đã gây tệ trạng cấp lớn bỏ quân, bỏ dân chạy trước khi cuộc tháo chạy bắt đầu diễn ra, kế hoạch cho phép bỏ rơi đồng bào ruột thịt của mình vào tay Cộng sản, chính người miền Nam đã bỏ rơi lẫn nhau trong khi ta lại lớn tiếng chỉ trích người Mỹ bỏ rơi đồng minh.

Kế hoạch rút quân về duyên hải để rồi từ đó theo đường Quốc lộ 21 lên tái chiếm Ban Mê Thuột của ông  Thiệu nói trong phiên họp tại Cam Ranh thật không có  gì vô lý hơn. Đường rút quân từ tỉnh lộ 7 xuống Tuy Hoà, từ đó xuống Nha Trang rồi lại từ Nha Trang đi ngược lên Ban Mê Thuột dài gấp 3 lần đườùng Quốc Lộ số 14 từ  Pleiku xuống Ban Mê Thuột, đầy gian nan nguy hiểm. Lui binh để tái chiếm Ban Mê Thuột chỉ là một cách nói dối để đánh lừa các Tướng Lãnh trong phiên họp và để che dấu cái ý định rút bỏ Cao Nguyên của  TT Thiệu mà thôi.

Hầu như tất cả giới quân nhân, chính khách, ký giả truyền tin… đều cho rằng kế hoạch tái phối trí, rút bỏ Quân khu 1 và 2 về bảo vệ Quân khu 3 và 4 của ông Thiệu là tai hại, nó đã làm sụp đổ miền Nam nhanh chóng lại đẩy bao nhiêu quân, dân vào chỗ chết một cách oan uổng. Kế hoạch tỏ ra rất không tưởng vì không thể di tản hàng nghìn xe cộ, hằng mấy trăm nghìn quân dân chạy loạn tới nơi tới chốn qua một con đường đã bỏ hoang từ bao lâu nay, cầu cống hư hỏng, cũ kỹ chật hẹp, một điều xui xẻo tai hại là đường rút quân lại đi ngang ổ kiến lửa CSBV đóng tại Buôn Hô, chúng đã đuổi theo đánh phá gây thiệt hại trầm trọng.

Sự sai lầm của kế hoạch tái phối trí lực lượng đã khiến cho CS chiếm được cả hai tỉnh Kontum Pleiku mà không mất một viên đạn. Lệnh cho Quân đoàn 2 triệt thoái khỏi Cao nguyên, Tướng Thiệu đã mở một cuộc hành quân phá sản và dọn cỗ sẵn cho Việt Cộng xơi.

Lần đầu tiên trong chiến tranh Đông Dương cả một quân đoàn phải rút chạy. Thất bại trên đường số 7 một phần do thất thủ Ban Mê Thuột, nếu không mất Ban Mê Thuột chắc không ai nghĩ phải bỏ Kontum Pleiku, từ sai lầm chiến thuật đi đến sai lầm chiến lược. Ngoài ra tin cắt quân viện của Quốc Hội Mỹ cũng làm ông Thiệu hốt hoảng điên đầu. Các cuộc hành quân không được Bộ Tổng tham mưu điều khiển giám sát, Tổng thống ra lệnh trực tiếp cho các Tư lệnh quân đoàn, Bộ Tổng tham mưu không được ra bất cứ lệnh nào cho các đơn vị, một phần vì ông Thiệu dành độc quyền lãnh đạo nên mới đưa tới sụp đổ hệ thống phòng thủ nhanh như vậy.

Triệt thoái là một lệnh bí mật, chỉ một số ít sĩ quan cao cấp của Quân đoàn được truyền đạt, sự thực đó chỉ là một sự dối trá lừa gạt nhau để bỏ nhau chạy trước. Nhiều  người cho rằng Tướng Tư lệnh Phú không đủ khả năng kiểm soát đôn đốc cuộc lui binh cấp Quân đoàn, sự thực không hẳn như vậy, chẳng  riêng gì tại quân khu 2 mà ngay cả Quân khu 1 kiện Tướng Ngô Quang Trưởng cũng đành bó tay không thể kiểm soát nổi tình hình rối loạn.

Phạm Huấn cho rằng trên thực tế không có một lệnh tổng quát nào cả, cuộc lui binh không được tổ chức, giám sát, thi hành  báo cáo chính xác, các ông Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên, Phụ tá hành  quân Lê Nguyên Khang, Tham mưu trưởng liên quân Đồng văn Khuyên .. chưa hề một lần bay ra thị sát mặt trận, họ chỉ ngồi trong phòng lạnh điều binh khiển tướng bằng điện  thoại. Cũng theo Phạm Huấn các Tướng Trần văn Cẩm, Lê Duy Tất, Phạm văn Phú … những người chỉ huy cuộc triệt thoái bay trực thăng thật cao trên trời, cả một Quân đoàn không có ai chịu trách nhiệm.

Tướng Trần văn Nhựt, người hùng An Lộc năm 1972 lại  cho rằng Trung Ương đã không yểm trợ cuộc triệt thoái đến nơi đến chốn:

“Mặc dù Cộng quân có gia tăng quân số thật nhưng chính những quyết định hạn chế đạn dược, rút quân sai lầm nói trên đã ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần toàn thể Quân, Dân, Cán Chính và làm cho sự sụp dổ miền Nam VN quá nhanh và quá nhục nhã. Đúng ra khi lệnh rút lui Quân đoàn 2/QK2, Tổng thống Thiệu phải chỉ thị  cho Đại Tướng Viên, các vị Tư lịnh và Chỉ huy trưởng các Quân Binh Chủng phải ra Nha Trang để tận tình giúp Tướng Phạm Văn Phú điều động và yểm trợ cuộc rút quân lớn nhứt trong lịch sử QLVNCH. Thiếu tất cả mọi hỗ trợ căn bản cần thiết, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đành làm người hùng cô đơn vì mọi sự việc rút lui ngoài khả năng và kinh nghiệm của ông”

(Cuộc Chiến Dang Dở trang 272)

Trang 146 Những Ngày Cuối VNCH, Ông Cao Văn Viên cho biết mặc dù mất Ban Mê Thuột nhưng lực lượng VNCH tại quân khu 2 còn khá mạnh, sự sai lầm của TT Thiệu đã khiến cho Vùng 2 sụp đổ nhanh chóng kéo theo sự sụp đổ của Vùng 1 và cả VNCH

“Sau khi Ban Mê Thuột mất, các lực lượng còn lại ở vùng II trong phạm vi Kontum-Pleiku là: một tiểu đoàn của Trung đoàn 44,  5 liên đoàn Biệt Động Quân (7, 21, 22, 24 và 25); thiết đoàn 21 kỵ binh (xe tăng M-48); 2 tiểu đoàn pháo binh 155 ly,  1 tiểu đoàn 175 ly; và các đơn vị Nghĩa Quân và Địa Phương Quân. Các đơn vị tiếp vận còn lại gồm: Liên đoàn 20 Công Binh Chiến Đấu, liên đoàn 231 Tiếp Liệu; 20 ngàn tấn đạn và bom của bộ binh và  không quân; nhiên liệu đủ cung cấp cho 45 ngày; và thực phẩm cho 60 ngày. Nhiệm vụ của tướng Phú là di chuyển tất cả các đơn vị, quân liệu này về Nha Trang, và từ Nha Trang tấn công lấy lại Ban Mê Thuột”

Theo cựu Đại tá Phạm Bá Hoa trong bài Cuộc Rút Quân Trên Đường Số 7 nói:

“Cho dù ở vào trường hợp nào đi nữa thì rõ ràng là quân Cộng Sản mà mình tưởng nó bao vây hay sắp sửa bao vậy Pleiku, nhưng thật ra chúng còn ở tận đâu đâu nên mãi bốn ngày sau đó là thời gian sớm nhất  chúng mới vào chiếm Bộ Tư Lện Quân Đoàn , trong khi những Sư đoàn của chúng  càng ở xa Pleiku về hướng Nam và Đông Nam thì khoảng cách càng gần với đoàn quân triệt thoát hơn, do đó mà thiệt hại của quân đoàn nặng nề chưa từng thấy trong hơn  20 năm chiến tranh! Một thất bại vô cùng đau đớn cho những người cầm súng…”

Một điều xui tai hại là con đường đường rút quân tỉnh lộ 7 lại gần vị trí đóng quân của Sư đoàn 320 CSBV tại Buôn hô , Ban Mê Thuột, họ được lệnh đuổi theo ngày 16-3, chỉ hai ngày là đã đuổi kịp và đánh phá đoàn quân triệt thoát gây thiệt hại nặng nề.

Sau này ngày 21-4-1975, Sư đoàn 18 BB đã thực hiện rút quân tại Xuân Lộc có trật tự, an toàn, ít thiệt hại, người ta đã cho di tản gia đình binh sĩ trước để lính an tâm chiến đấu. Cuộc rút quân của Sư đoàn 18 cho thấy thất bại của Quân khu 2 và 1.

- Thiếu chuẩn bị, không lập kế hoạch lui binh vì quá gấp rút.

- Không kiểm soát đôn đốc cấp chỉ huy.

- Gia đình binh sĩ, dân chúng di tản làm rối loạn hàng ngũ quân đội.

- Không duy trì được kỷ luật.

Ngoài ra vì thiếu tin tức tình báo đoàn quân triệt thoái lại đi ngang tổ kiến VC, Sư đoàn 320 BV đóng tại Buôn Hô gần đoàn di tản đã đuổi kịp sau hai ngày.

Dân chúng tị nạn làm náo loạn cả lên, binh lính mất tinh thần nên nhiều đơn vị đã rã ngũ, tan hàng mặc dù chưa có chạm súng, người dân chạy loạn  đã làm đảo lộn kế hoạch triệt thoái của Quân đoàn.

Cuộc triệt thoái khiến cho Cao nguyên lọt vào tay Cộng quân chỉ trong mấy ngày, nó cũng kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ Quân khu 2 và cũng đã để lọt vào tay địch nhiều vũ khí đạn dược, xe tăng, đại bác.

Tỉnh Quảng Đức nằm ở tây Nam Darlac (Ban Mê Thụôt) và phía Bắc Lâm đồng vẫn còn đứng vững sau 12 ngày cầm cự tại quận Kiến đức phía Tây thị xã Gia nghĩa. Ngày 9-3-1975 một Sư đoàn Việt Cộng chiếm quận Đức lập phía Tây Bắc Quảng Đức, còn lại Quận Kiến  đức phía Tây thị xã vẫn còn đứng vững, họ  bảo vệ được thị xã yên ổn được gần hai tuần lễ.

Đến ngày 22-3 tình hình tiếp liệu thiếu hụt, binh sĩ  ngoài tiền tuyến quá mệt mỏi trước áp lực địch, tỉnh đã tính chuyện di tản mặc dù chưa có lệnh của Quân đoàn. Sáng 22-3-1975  Đại tá tỉnh trưởng Quảng đức lấy tiền trong ngân khố đem lên trực thăng đưa về Sài gòn rồi quay trở lại, ông ghé Lâm đồng nghỉ ngơi xong lên máy bay trở về Quảng Đức nhưng trực thăng bị hỏng không quay trở về được, đó là theo lời ông ấy nói.  Đến chiều Trung tá Tiểu khu phó bèn cho lệnh tỉnh di tản, hai Tiểu đoàn BĐQ tại Kiến đức gọi về tỉnh xin lệnh nhưng thấy các quan đã triệt thoái nên  anh em cũng lui binh trong trật tự, họ đã gài mìn trên đường về thị xã rồi rút theo đoàn quân của tỉnh.

Về điểm này trong cuốn Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975 của Phạm Huấn nói sai hoàn toàn. Trang 170: “Đại tá Nghìn, Tỉnh trưởng Quảng Đức liên lạc về khẩn báo: Quận Kiến đức mất. Quận Gia Nghĩa đang bị pháo nặng. Cộng quân từ An Lộc kéo về đã tiến sát Phi trường Quảng Đức”. Trang 171: “Hầm chỉ huy và hệ thống liên lạc của Tỉnh trưởng Quảng Đức bị pháo sập. Đại tá Tỉnh trưởng chỉ huy lực lượng còn lại của Tiểu khu, mở đướng máu rút về hướng Lâm đồng”.

Không biết Phạm Huấn căn cứ vào tài liệu nào nhưng chúng tôi là nhân chứng  từ đầu chí cuối tại đây đã biết rõ sự việc. Hoàn toàn không có chuyện quận Kiến đức bị mất, thị xã Gia Nghĩa không hề bị pháo, địch còn bị cầm chân tại Kiến đức cách thị xã khoảng 15 km. Tỉnh trưởng vẫn ở tư dinh cho đến ngày di tản, hoàn toàn không có chuyện pháo sập hầm, ông tỉnh trưởng đã đi máy bay trực thăng từ sáng, hoàn toàn không có chuyện mở đường máu rút về Lâm đồng.

Đoàn quân triệt thoái từ Quảng Đức sau 5 ngày băng rừng thì tới Lâm Đồng ngày 27-3, tổng cộng khoảng sáu, bẩy nghìn người gồm ĐPQ, BĐQ, Cảnh sát..Đa số quân đội và một số ít dân chúng vượt sông tại Kinh Đà qua được Lâm Đồng, phần nhiều dân chúng bị bỏ lại vì không thể đem theo hết mọi người được. Cuộc di tản tốt đẹp, hiền lành, rất kỷ luật, hoàn toàn không sẩy ra lộn sộn nào đáng tiếc.

Ngày 27-3 đoàn quân di tản từ Quảng đức tới được Lâm đồng nhưng thật không may, ngày họ tới nơi cũng là lúc Lâm Đồng bắt đầu di tản về Phan Rang trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người. Từ hai ngày trước Sư đoàn 7 CS thuộc quân đoàn 4, dưới quyền điều động của Trần Văn Trà  chiếm Định  Quán, Hoài Đức,  Giá Rai .. rồi tiến quân đánh tỉnh Lâm Đồng. Họ tiến theo đội hình xe tăng đi đầu rồi bộ binh, pháo binh, hậu cần theo sau tiến theo đường 20 gặp đồn đánh đồn, gặp bót đánh bót.

Tỉnh trưởng Lâm Đồng bỏ trốn từ hai giờ sáng, ông ta lấy tiền trong ngân khố chạy lên Đà Lạt bằng xe díp, sự thực không riêng gì Lâm Đồng, Quảng Đức mà tại cả hai Quân khu 1 và 2, nhiều đơn vị trưởng, nhiều sĩ quan cao cấp thấy tình hình bi đát đã bỏ đơn vị chạy tháo thân, tâm lý chung con người ta ai mà chẳng sợ chết. Cuộc di tản từ Lâm Đồng về Phan Rang được tiến hành có trật tự, không sẩy ra hỗn loạn như cảnh triệt thoái trên đường số 7 có lẽ vì không bị Cộng quân đuổi theo pháo kích.

Trong khi ấy hai Trung đoàn CS băng rừng từ Phước Long qua tiến  chiếm quận Di Linh, chiều tối hôm ấy, pháo binh thuộc địa phận Đà Lạt bắn thả dàn vào Di Linh đang nằm trong tay Cộng quân. Hai hôm sau Đà Lạt cũng di tản về Phan Rang.

Dưới đây là những ngày cuối cùng của Quân đoàn 2, phần này chúng tôi dựa  cuốn Những Ngày Cuối Của VNCH của ông Cao Văn Viên.

Vùng Cao nguyên mất, chủ lực Quân đoàn bị thiệt hại gần hết nhưng ở duyên hải Sư đoàn 22 bộ binh vẫn giữ vững phòng tuyến ở Bình Khê trên Quốc lộ 19, ở Tam Quan phía Bắc Bình Định, hai Trung đoàn 41, 42 thuộc Sư đoàn 22 chống trả mãnh liệt cuộc tấn công của Sư đoàn 3 CS dưới chân đồi Bình Khê phía Tây Qui Nhơn. Hai bên giằng co nhau từng ngọn đồi, Cộng quân bị thiệt hại nhiều trong trận đánh. Trung đoàn 95B, Sư đoàn 968 BV được tăng cường tấn công hai Trung đoàn 41, 42 nhưng ta vẫn giữ được phòng tuyến cho đến 30-3.

Ở duyên hải, BV tăng viện thêm từ Quảng Ngãi đánh Tam Quan, Bồng Sơn ngày 25-3, Trung đoàn 47 sau 3 ngày chiến đấu rút về căn cứ không quân Phù Cát lập phòng tuyến mới ở đó. Sư đoàn 320 BV sau khi đánh phá đoàn di tản trên tỉnh lộ 7B xong nhiệm vụ tiến về Tuy Hoà. Sư đoàn 10 cùng với xe tăng, đại bác từ Phước An theo đường 21 tiến về Khánh Dương ngày 27-3 để tấn công Lữ đoàn 3 Nhẩy Dù. Đặc công, thám sát CS xâm nhập Qui Nhơn đóng chốt, cắt đường giao thông, ĐPQ của ta bây giờ biến mất hết. Sư đoàn 22 BB được lệnh rút về Qui Nhơn.

Ngày 30-3 Trung đoàn 41 và 42 được lệnh rút khỏi mặt trận Bình Khê, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42, Trung tá Nguyễn Hữu Thống đã năn nỉ xin Tư lệnh ở lại đánh, ông nói tình hình chưa đến nỗi, nếu rút đi sau này khó đem quân trở lại. Nhưng đã quá trễ, khi hai Trung đoàn vào thị xã Qui Nhơn, họ bị các chốt địch bên trong thị xã chận đánh, ĐPQ của ta tại đây đã di tản, Qui nhơn đã nằm trong tay Sư đoàn 3 CS.

Sau 3 ngày chiến đấu cộng với sự yểm trợ của Hải pháo, Trung đoàn 41, 42 phá được phòng tuyến địch ở Nam thành phố. Quân của hai Trung đoàn 41, 42 thuộc Sư đoàn 22 tập trung một địa điểm phía Nam cách bến tầu 6 cây số chờ di tản. Hai giờ sáng 1-4  ba tầu Hải quân cập bến chở đám binh sĩ còn lại của Sư đoàn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42, Trung tá Nguyễn hữu Thống từ chối di tản và ở lại tự sát.

Trung đoàn 47 sau hai ngày cố thủ bị đánh bật ra khỏi phi trường Phù Cát, trên đường di tản về Qui Nhơn Trung đoàn bị phục kích tại quận lỵ, Tiểu đoàn trưởng ĐPQ  tự tử, xác còn nằm trước văn phòng quận. Trung đoàn 47 mất đi hơn nửa quân số coi như bị loại khỏi vòng chiến. Sư đoàn 22 BB khi được tầu chở về Vũng Tầu chỉ còn hơn 2,000 quân.

Sáng 2-4 Cộng quân chiếm Tuy Hoà, ĐPQ rút về Nha Trang, tại đèo Cả phía Nam Phú Yên Tiểu đoàn BĐQ 34 bị thất thủ sau hai ngày cầm cự. Tại Khánh Dương Sư đoàn 10 CS và Lữ đoàn 3 Dù giao tranh dữ dội ngày 27-3, BV được pháo binh, xe tăng yểm trợ đã phá được phòng tuyến VNCH. Tiếp viện cho Lữ đoàn Dù bị chận đánh, quân Dù giữ được Khánh Dương một tuần thì thất thủ ngày 2-4, Lữ đoàn tan rã trước áp lực quá đông của địch chỉ còn hơn 300 người chạy về Nha Trang. Việt Cộng chiếm trung tâm huấn luyện Dục Mỹ, Ninh Hoà.

Nha Trang đã trở thành vô chính phủ như nhiều thành phố khác, tù quân lao phá ngục trốn ra lấy súng của đám tàn quân bỏ chạy bắn loạn xạ, cướp bóc dữ dội như thời thượng cổ. Trưa 2-4 Trung tướng Phạm Quốc Thuần chỉ huy trưởng Trung tâm Dục Mỹ đến Bộ tư lệnh Quân  đoàn gặp Tướng Phu,ù hai người bàn bạc với nhau  chừng 15 phút rồi cùng đi tới phi trường Nha Trang. Tướng Phú lên trực thăng bay đi tìm các đơn vị, đến chiều trở lại Nha Trang ông báo cáo cho Bộ Tổng tham mưu biết không liên lạc được với đơn vị nào. Bộ Tổng tham mưu ra lệnh cho ông phối hợp Hải, Không quân để tổ chức phòng thủ phi trường Nha Trang.

Nửa tiếng sau Tướng Phú bay khỏi Nha Trang, ông không nói gì với Ban Tham mưu Quân đoàn hay bàn thảo kế hoạch gì cả, quá tuyệt vọng ông bèn bay về Sài Gòn nhập bệnh viện Cộng Hoà ngày 4-4. Tướng Phú không còn tinh thần để chỉ huy vả lại Quân đoàn 2 của ông cũng chẳng còn gì cả. Khi ấy Ban Tham mưu Quân đoàn 2 bèn quyết định di tản khỏi Nha Trang. Từ 27, 28-3 các đơn vị của Lâm Đồng, Tuyên Đức rút về Phan rang để tháo chạy về miền Nam.

Làn sóng tỵ nạn miền Trung từ Quân khu 1, và phía Bắc Quân khu  2 đổ về Phan Rang khiến cho cả tỉnh hốt hoảng  nhập bọn chạy về phía Nam. Địa phương quân, cảnh sát, công chức Phan Rang… nhiều người bỏ đơn vị để chạy loạn. Tỉnh trưởng Đại Tá Trần Văn Tư cho phá hủy máy móc và một số cơ sở quan trọng rồi rút về Phan Thiết.

Bộ Tổng tham mưu khi ấy bèn lấy Phan Rang và Phan Thiết, hai tỉnh cuối cùng của Quân đoàn 2 đem sáp nhập vào Quân khu 3 kể từ ngày 4-4-1975, Quân đoàn 3 cũng gửi Lữ đoàn 2 Nhẩy Dù ra tăng cường. Nha Kỹ Thuật, Phòng 7 Bộ Tổng tham mưu gửi nhiều toán thám sát vào hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc Phan Rang để dò thám hoạt động của Cộng quân. Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn 3 do Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy đặt tại phi trường Phan rang, Tỉnh trưởng Phan Rang được triệu hồi để tổ chức lại hành chánh và phòng thủ tỉnh. Trật tự được vãn hồi, tại phía Tây Phan Thiết Sư đoàn 7 CS đang gây áp lực, toán thám sát cho biết địch tập trung 2 Sư đoàn 3 và 10 tại Cam Ranh cách Phan Rang 45 km.

Quân đoàn 3 lại cho rút Lữ đoàn Dù về vùng 3 để phòng thủ Quân khu, thay vào đó cho tăng cường Phan Rang một Trung đoàn của Sư đoàn 22 mới trang bị, bổ sung, một Liên đoàn BĐQ, một Tiểu đoàn thiết giáp. Cuộc thay đổi quân sắp hoàn tất thì ngày 4-4 địch tấn công dữ dội, Tướng Nghi xin giữ lại một Tiểu đoàn Dù. Lực lượng Ninh Thuận, Phan Rang bây giờ gồm: một Tiểu đoàn Dù, một Trung đoàn bộ binh, một Liên đoàn BĐQ, 4 tiểu đoàn ĐPQ, một Chi đoàn Thiết giáp M-113, Sư đoàn 6 Không quân, Hải quân gồm 2 khu trục hạm, Duyên đoàn 27, một Giang pháo hạm, một Hải vận hạm và một số tầu yểm trợ.

Phan Rang phố xá vắng tanh, dân chúng đã di tản về Phan Thiết. Ngày 14-4  Sư đoàn 3 và 10 CS tấn công tuyến phòng thủ Phan Rang theo Quốc lộ 1 và 11 đánh vào phi trường, tại đây Tiểu đoàn Dù giao chiến với Cộng quân, địch chết bỏ xác 100 tên. Ngày 15-4-1975 Ông Trần Văn Đôn, Phó Thủ tướng đặc trách Quốc phòng và Tướng Toàn thị sát mặt trận.

Bị quân trú phòng đánh trảù ác liệt BV cho tăng thêm Sư đoàn 325 và nhiều xe tăng, đại bác tấn công phi trường Phan Rang đến trưa thì phòng tuyến vỡ. Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi Tư lệnh mặt trận, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân, Đại tá Nguyễn Thu Lương Lữ đoàn trưởng Dù được ghi nhận mất tích. Toàn tỉnh Ninh Thuận mất ngày 16-4, hai hôm sau ngày 18-4 mất Phan Thiết, Quân khu 2 hoàn toàn lọt vào tay CSBV.

Cuộc triệt thoái Cao nguyên đã khiến cho Quân đoàn 2 mất gần hết chủ lực quân, chỉ còn Sư đoàn 22 tại vùng duyên hải mặc dù chiến đấu rất anh dũng nhưng không thể chống lại mấy  Sư đoàn Cộng quân, cuối cùng toàn bộ Quân khu đã rơi vào tay BV. Nhiều người đổ cho Tướng Phú đã làm mất Ban Mê Thuột và sụp đổ Quân đoàn 2,  Phạm Huấn cho rằng ông chưa đủ khả năng nắm giữ một quân đoàn.

Ngoài ra theo Phạm Huấn tại Quân đoàn 2 có những tị hiềm các nhân, kình chống nhau giữa những phụ tá của Tướng Phú, của những phe cánh trong quân đội và giữa Tướng Phú với những ông Tướng văn phòng ở Sài Gòn của Bộ Tổng Tham mưu. Quân đoàn 2 chia rẽ nội bộ, Tướng Phú không được thuộc hạ ở Quân khu 2 nể trọng và có cảm tình, ông lại không được Tướng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên nể nang, thù trong giặc ngoài, tất cả cũng đã làm suy yếu phần nào nội bộ của  ta.

“Vì sự đố kỵ, bất mãn, bất lực và vô kỷ luật của cả những sĩ quan cao cấp và có trách nhiệm nhất đưa đến sự thảm bại nặng nề trong cuộc rút quân khỏi Cao nguyên.

Phạm Huấn (CTTCN, trang 125)

Sự thực Tướng Phú có một phần trách nhiệm để mất Ban Mê Thuột vào tay CS vì ông đã mắc lừa kế nghi binh của địch, nhưng sự sụp đổ Quân đoàn 2 như chúng ta đã thấy Tổng Tư lệnh là người chịu trách nhiệm nhiều nhất vì kế hoạch của ông đã có nhiều lỗi lầm tai hại.  Tướng Phú đã nhìn thấy cái nguy hại của triệt thoái và đã xin ở lại tử thủ, nếu được yểm trợ về tiếp liệu thì có thể cầm cự cho tới mùa mưa, lúc ấy hai bên không thể giao chiến được nữa nhưng ông Thiệu một mực bắt phải lui binh

Trong Những Ngày Cuối Của VNCH, trang 134 ông Cao Văn Viên  nói.

“ Nghĩ lại việc đã qua, câu hỏi là miền Nam có sống sót nếu chúng ta không áp dụng kế hoạch tái phối trí lực lượng quân sự hay không. Bây giờ nói thì sự đã rồi, nhưng tác giả tin miền nam có nhiều cơ hội hơn nếu không thực hiện tái phối trí. Tinh thần chiến đấu của quân đội VNCH và nhân dân bị hủy diệt là nguyên nhân trực tiếp của kế hoạch tái phố trí. Không có kế hoạch đó, có lẽ quân đội của chúng ta không tan rã nhanh như vậy. Chúng ta có thể mất đi một phần của sư đoàn 23 BB nhưng tất cả những đơn vị khác vẫn còn nguyên vẹn. Dù lấy được ban Mê Thuột Cộng quân vẫn phải ngừng lại, suy tính kỹ trước khi mở một mặt trận mới ở vùng II. Vùng II vẫn còn Sư đoàn 22BB, cộng thêm với một lực lượng tương đương với 2 sư đoàn bộ binh và hai sư đoàn không quân. Vùng II có đủ quân nhu và tiếp liệu để chiến đấu đến hết mùa khô . Không có kế hoạch tái phối trí, tác giả không nghĩ Cộng Sản có thể thành công, đánh nhanh và chiến được nhiều đất như họ đã làm ở vùng I. Tình hình quân sự nhân lực của VNCH vẫn gặp những khó khăn dai dẳng như trước khi có quyết định tái phối trí: thiếu thốn về quận viện; không còn nhân lực để lập thêm những đơn vị tổng trừ bị. Nhưng ít ra quân đội VNCH sẽ không tan rã nhanh chóng như khi quyết định tái phối trí được thực hiện”.

Các giới chức quân sự, chính trị, nhà báo…  cũng cho rằng nếu ta không rút, cứ đánh chưa chắc đã thua.  Sách Mạnh Tử có câu “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hoà”, Ngài giảng: Kẻ địch cất quân sang đánh nước ta là chúng có Thiên thời, nước ta có núi non hiểm trở, thành lũy cao, hào sâu là ta có Địa lợi, nhưng khi quân địch vừa tới, binh sĩ ta quăng gươm giáo bỏ chạy là vì ta không có Nhân hoà” (ta không được lòng người). Thật vậy chúng ta lui binh tức là từ bỏ  ưu thế địa lợi để rồi mất luôn cả ưu thế nhân hoà.

Trước một kế hoạch tối quan trọng như thế ông Thiệu cần phải hội thảo với các vị Tư  lệnh, Bộ Tổng tham mưu… để lấy quyết định chung thay vì tự quyết định và  như vậy ông đã tránh được trách nhiệm bản thân . Lịch sử đã chứng tỏ rằng sự tập trung quyền hành trong tay một người đã đưa tới những sai lầm trầm trọng như Hitler đã làm tiêu tan nguyên một lộ quân ba trăm ngàn người trong trận Stalingrad 1942 vì quá độc tài.

Nhà báo, dân biểu Trần Văn Ân trong lời Bạt cho cuốn Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên Năm 1975 viết.

“đây là cuốn sách đầu tiên đã nói lên được cái thân phận vừa đau thương vừa hào hùng của người lính Cộng Hoà thấp cổ bé họng, đã mô tả được những uất nghẹn của của người Sĩ quan Việt Nam nhìn thấy thảm cảnh Quân đội tan hoang mà bó tay chịu chết, và cũng đã phơi bầy được cái hậu trường tàn nhẫn, hèn nhát và bất nhân của nhóm người lãnh đạo Quốc Gia và chỉ huy Quân đội.

.   .   .  .  .  .  .  .  .   .

Ba ông tướng cao cấp khác, có mặt tại Hội Nghị Cam Ranh cùng với ông Thiệu, đã hoàn toàn im lặng, không góp bàn gì về cái quyết định giết người của ông Thiệu cả”

(CTTCN 1975, trang 265, 266)

Kế hoạch của ông Thiệu và tập đoàn Tướng lãnh đã bị chỉ trích gay gắt như sau:

“Người đọc cũng thấy rõ sự tàn nhẫn, lạnh lùng của TổngThống Thiệu khi ban hành thứ mệnh lệnh tự sát cho Tướng Phú, và thái độ im lặng giả dối, sống chết mặc bay của những tướng hiện diện….

.    .  . . .  .  .  .  . .  . .   .  .  .

Câu chuyện Phạm Huấn kể về cái Hội Nghị Cam Ranh còn đặt ra một khía cạnh khác của nhân tình thế thái: đó là khía cạnh đạo đức của mệnh lệnh.Trong suốt buổi họp từ ông Thiệu, ông Khiêm tới ông Viên, Ông Quang, không một ai đề cập tới số phận của hằng triệu dân, hàng trăm nghìn Địa Phương Quân, Nghĩa Quân và gia đình binh sĩ sẽ bị bỏ rơi lại, và hàng chục ngàn xác chết Quân Dân chắc chắn sẽ đầy rẫy dọc theo con đường tử lộ. Ông Thiệu phân tách tình hình rồi lạnh lùng chỉ thị rút chủ lực quân thật nhanh, thật bí mật về miền Duyên Hải… Các Ông Tướng khác giữ im lặng, thản nhiên như mọi việc đã được quyết định rồi và không còn gì để bàn cãi nữa”

Trần Văn Ân (CTTCN 1975 trang 267)

Những lời kết án của Trần văn Ân, của Phạm Huấn… cũng như của bao nhiêu người khác nữa thể hiện niềm phẫn uất của quân dân đối với  Hội Nghị Cam Ranh .

“Lịch sử sẽ ghi những gì về Hội Nghị Cam ranh và về các tướng lãnh đạo của nền Đệ Nhị Cộng Hoà? Sử liệu có lẽ sẽ cần năm ba chục năm để hoàn tất. Nhưng ngay bây giờ thì sử xanh đã truyền tụng quá nhiều. Sử xanh ghi rằng. “Hội Nghị Cam Ranh ngày 14.3.1975 và cuộc triệt thoái Cao nguyên ngày 17.3.1975 không phải là khởi đầu sụp đổ của chế độ Đệ Nhị Cộng Hoà Việt Nam. Hai biến cố này thực sự là dứt điểm vụt tắt cuối cùng của cơn hấp hối đã dai dẳng nhiều năm của chế độ dũng phu Nguyễn Văn Thiệu-Trần Thiện Khiêm trong đó một khối quân đội gồm Đa Số Tướng lãnh và quân sĩ tài giỏi, anh hùng đã bị lợi dụng, thao túng và chết uổng bởi một nhóm nhỏ Tướng lãnh cầm quyền tham ô, bất lực và thiếu đạo đức, với sự tiếp tay của một thiểu số người vô tài bất hạnh; kể cả một số khoa bảng thời cơ và bịp bợm.

Tiền bạc của nhân dân mà họ mang ra ngoại quốc có thể giúp họ sống sung túc tới trăm tuổi là cùng. Nhưng tội lỗi của những Tướng lãnh đạo sẽ được lịch sử ghi rõ đời đời. Lương tâm thui chột của họ có thể làm ngơ, nhưng lịch sử bao giờ cũng sáng suốt và tiếng nói dân gian bao giờ cũng công bình.

Liệu rồi đây, khi họ nằm xuống, những nấm mồ của họ có sẽ được chôn tại miền nắng ấm quê nhà hay sẽ phải nằm cô đơn giữa một miền tuyết lạnh Mỹ Châu, Âu Châu? Liệu rồi đây nhân dân có đủ khoan dung cho phép họ nằm cạnh những nấm mồ của các chiến sĩ anh hùng đã chết trên chiến địa, đã tự sát khi bại trận hay đã chết trong lao tù? Những anh hùng này đã hy sinh cho một chính nghĩa cao đẹp nhưng bị chết uổng vì một Lãnh Đạo tồi tàn”

Trần Văn Ân CTTCN trang 272).

Tướng Phú phải chịu trách nhiệm phần nào trong cuộc hành quân phá sản và làm sụp đổ Quân đoàn. Là người tự trọng ông đã can đảm tự xử lấy bản thân vì đã không chu toàn trách nhiệm. Ký giả Trần Văn Ân đã luận bàn về tư cách của người chiến sĩ anh hùng thà chết vinh còn hơn sống nhục như sau.

“Tướng Phú đã nằm xuống. . .  . với đầy đủ khí tiết của một cấp chỉ huy đã dám tự xử mình khi trách nhiệm không hoàn tất.

Tại sao những Tướng lãnh đạo nền Đệ II Cộng Hoà lại không thấy được tội lỗi của mình và không dám tự xử? Phải chăng đó là sự cách biệt giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân, giữa người yêu nước thật sự và người làm chính trị vì tham vọng cá nhân? Phải chăng đó là sự cách biệt giữa Tướng tác chiến Phạm Văn Phú và các Tướng chính trị Nguyễn Văn Thiệu Trần Thiện Khiêm?

Ước mơ của tôi là một ngày nào quê hương được giải phóng, tôi sẽ về lại Việt Nam thăm mộ Tướng Phú và các chiến sĩ vô danh khác, thắp nén hương tưởng nhớ những anh hùng đã vị quốc vong thân, và xám hối về những tội lỗi của mình”

(CTTCN 1975 trang 273)

Cuộc triệt thoái đã ảnh hưởng tai hại tới tình hình Quân khu I để rồi cuối cùng đưa tới sự sụp đổ hai vùng chiến thuật và sự sụp đổ của  cả VNCH.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

———————————————

Tài Liệu tham khảo.

Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.

Nguyễn Đức Phương: Những Trận Đánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975, Đại Nam.

Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography 2003.

Phạm Huấn: Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975, Cali 1988.

Phạm Huấn: Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975, Cali 1987.

Văn Tiến Dũng: Đại thắng Mùa Xuân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, HàNội 2005.

Trần Đông Phong: Việt Nam Cộng Hoà, 10 Ngày Cuối Cùng , Nam Việt 2006.

Dương Đình Lập: Cuộc Tổng Tiến Công Và Nổi dậy Mùa Xuân 1975, Nhà xuất bản Tổng Hợp T.P.H.C.M 2005.

Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới Texas 1990.

Lam Quang Thi: Autopsy The Death Of South Viet Nam, 1986, Sphinx Publishing.

The Word Almanac Of The Viet Nam War: John S. Bowman – General Editor, A Bison-book 1958.

Stanley Karnow: Viet Nam, A History, A Penguin Books 1991.

Marilyn B. Yuong, John J. Fitzgerald, A. Tom Grunfeld: The Viet Nam War, A history in documents, Oxford University Press 2002.

Nguyễn Định: Ban Mê Thuột Ngày Đầu Cuộc Chiến, bút ký, internet.

Phạm Bá Hoa: Cuộc Rút Quân Trên Đường Số 7B, Người Việt Dallas 19-3-2004

Hồi Ký Của Trung Uý D: Những Ngày Cuối Cùng Trên Liên Tỉnh Lộ 7B, Người Việt Dallas, 25-3-2005.

Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng: Thiên Thần Mũ Đỏ, Ai Còn Ai Mất, Người Việt Dallas số 7-10-2005.

Nguyễn Kỳ Phong: Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam: Người Việt Dallas 21-6-2006 .

Lewis Sorley: Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trần Đỗ Cung dịch, Người Việt Dallas số 26-4-2006.

Trần Gia Lương: Một Cái Nhìn Về Tướng Phạm Văn Phú, Sài Gòn Nhỏ Dallas 2004

Tú Gàn: Trở Lại Trận Ban Mê Thuột, Sài Gòn Nhỏ Dallas Tháng 4-2005.

Trung Tướng Lữ Lan: Cuộc Chiến Ba Mươi Năm Nhìn Lại Từ Đầu, Sài Gòn nhỏ Dallas 28-4-2006.

11 Phản hồi cho “Triệt thoái quân đoàn 2, cuộc hành quân phá sản”

  1. vuvan says:

    tôi đồng ý với vthanhthanh tôi cũng là sqkq hịên dịch tôi củng rất chán nản một số t.tá thời trước củng tham ô gái ghiết đỉ điếm,buôn lậu tráng lan nay nói vì dân vì nước sao không sấu hổ,hảy nói thật lòng mình đi,chắc không dám đâu,Hảy để cho thanh niên,sinh viên hiểu rỏ hơn thời trước như thế nào,chân thực,đó cũng là giúp nước,còn hiện thời khỏi cần nói đang sống và suy nghĩ thế nào,tốt xấu ra sao ,biết hết phải không.,mà tìm cho mình ,bạn mình một hướng đi đúng.

  2. haile says:

    Truoc 1975 daso Dongbao Nam VN hohung va hauhet khong tin nhung loi noi chanthat cua nhung nguoi hieu biet sausac ve VietCong, Loi saucung cua Ong Thieu “Hay nhin nhung gi VC lam, dung nghe VC noi” Khi ta nhin thay VC lam thi “CHUNGHUNG” toanthan teliet mat het khanang tuve lieuchet tron chay , chay cung chet nhung van con hyvong 10 phan chet 7 con 3 chet 2 con 1 Vietkieu ngay nay !!! Sukien lichsu danhranh nhu the do. Congdong NguoiViet tynan VC khong thuctinh thi dung “Trach lan Troi gan Troi xa…VC da tiepcan trong Congdong NguoiViet Haingoai roi do. Hinhthuc va chieubai hoatdong cua VC o Haingoai cha nhung khong giong trong nuoc de ta Nhin thay ro rang dau ? Dung Hohung de mot lan nua nhin thay VC lam thi CongDong “Baixui mat het Khanang tuve va con chau haudue tieutung…

  3. vthanhthanh says:

    Kính thưa ,quý vị độc giả thân thương ;
    Đã đến nước này ; sau khi mất ban mê thuột rôì mà quý vị còn hôí tiếc , quý vị còn cố bàn ,ghế để cho miền nam như được trúng số trở về .
    Tiến trình mất miền nam , đã saỷ ra từ ngày 1/11/1963; không phaỉ trước khi chết ông Diệm Nhu đã noí về ngaỳ này rôì sao ? lời noí trước khi chết không là lơì noí tào lao . Hai ông nàysau chín năm ” gia đình trị ” họ có những taì sản gì ? đã hưởng thụ ra sao ? họ đã thản nhiên coi mạng sống nhẹ tựa hồng mao : đem giao cho các vị tướng lãnh bất taì , thất đức , bất trung ,phá loạn vận nước, toa rập cùng ngoaị bang .
    Cuộc ” cách mạng ” đó đã phân rẽ moị tầng lớp dân tộc , các tôn giaó , các vị tướng lãnh và binh sĩ .- đã thể hiện rất rõ bằng các cuộc đảo chánh đi laị sau đó . và rôì CAO ĐIỂM caí goị là “ngày quân lực ‘” hay ngày quân đôi dành laị chính quyền từ tay nhân dân .
    Chúng tôi tuôỉ trẻ chỉ bị chứng kiến thơì đó;, các vị lãnh đạo quân đôị , kẻ buôn lâụ ,mafia , ngươì bán cả súng đạn cho VC . môĩ quận được bảo vệ an ninh khỏng cách tính bằng 100mét ,
    đạn phaó yểm trợ tính bằng traí ……… chức vụ tính bằng tiền ,……
    tuyên giaó , tâm lý chiến giao cho nhân viên tò te ,lính moí ,lính kiểng …..
    Chúng tôi không giám kết tôi các vị chỉ huy vùng chiến thuật , cac binh sĩ , vì họ là anh em dòng họ cuả tôi , họ đã về bằng hòm kẽm , họ đã cả chục lần bị đạn ,mìn bốc chaý tung cao , họ vẫn chiến đấu đén giờ phút cuôí cùng 30/4 . tôi không tiếc cho giờ phút cuôí , giờ phút mà không khả năng nào cưỡng được ,tôi chỉ tiếc đến giờ này mà ông Nguyễn Văn Thiệu đã biết rất rõ không còn cách nào cưú được , nhưng cũng vẫn đang như quý vị hôm nay : cố gôm các dơn vị “di tản chiến thuật ” đẻ may ra còn được cố vị . ông ta laị mua sổ số .
    Laị tiếc nữa ; ông Dương văn Minh , đã một thơì làm bể vân nước vì bất taì vô đức , đã laị lợi dụng thơì cơ một lần nữa -laị mua sổ số cho đơì mình (không phaỉ nước )
    Tên tiểu tốt khi vào tiếp thu dinh độc lập đã sáng mắt ông về điểm này .

    tuôỉ trẻ chúng tôi một thoì , xin chia buồn cho tổ quốc Việt nam .
    Ba mươi lăm năm sau 30/4 xin được thổ lộ chút suy tư .
    xin cảm ơn thơì giờ quý bau cuả quý vị .

  4. Việt says:

    Hi vọng các ông Nguyễn Tiến Hưng và Hoàng Đức Nhã đọc được bài này để không còn oang oang bào chữa cho TT Nguyễn Văn Thiệu về một tội ác lịch sử.

  5. Hoang Le says:

    That la dau don khi doc lai su sup do cua mien nam, ma phan lon la vi ke hoach ‘triet thoai cao nguyen’. Su that bai truoc Cong San Viet Nam da dem dan toc vao nhung thoi ky den toi nhat cua lich su Viet Nam. Dieu dau kho nhat la chung ta da thua voi mot ke thu khong xung dang!

  6. VNCH có những vị tướng như tướng Kỳ thì làm sao thắng VC. Thua VC vì chúng ta không muốn thắng VC và người dân miền nam lúc đó không hiểu gì về sự gian ác và mưu mẹo VC thì làm sao mà thắng VC. Ngay tôi, tôi cũng chẳng hiểu VC lúc đó như thế nào, khi sống với VC tôi mới nhận chân được bộ mặt thật lưu manh của VC và chính lúc này tôi đem hết nghị lực để chống chúng và tôi chắc chắng chúng ta sẽ đánh bại VC.

    Điều quan trọng của con người là thua không nản, phải nung nấu chí căm thù bọn phản động VC và tương lai lửa cách mạng sẽ bùng lên đốt cháy bọn tham tàn VC. Dân tộc VN từ khi rơi vào tay VC và đã nhận rõ bộ mặt thật ác nhân ác đức và mọi người dân đang chờ đợi cơ hội vùng dậy quét tan bọn VC hung tàn. Hơn 35 năm dân tộc ta đâu có đầu hàng VC. hoà bình đã đến thế mà VC phát triển thêm nhà tù và trại cải tạo, điều đó cho ta thấy rằng sức mạnh vùng lên của dân tộc không ngừng nghĩ vì thế VC càng xây thêm nhà tù thì sức phản kháng của người dân dâng lên như thuỷ triều trôi phăng những lớp người ăn bám xã hội mà luôn luôn nhân danh là người đầy tớ trung thành của dân.

    Trên địa hạt kinh tế chúng ta đã thắng VC, chủ nghĩa tư bản đã toàn thắng trên toàn cỏi VN, đẩy kinh tế VC theo hướng tập thể vào bải tha ma buồn thảm. Về địa hạt chính trị chúng tă cũng dần dần thắng chúng, bao nhiêu phong trào dân chủ nỗi dậy từ trong nước và ngoài nước, đang ra sức gây phong trào lớn mạnh và một ngày nào đó sẽ lật đổ bọn yêu tính bán nước cầu vinh VC.

    VC khi cướp miền nam thì văn hóa XHCN không thể xô ngã văn hóa phong phú đa dạng của dân miền nam, từ đó chúng bị ảnh hửng lối suy tư và cách sống miền nam mà chúng không chịu thấy. Khi VC còn trong bưng thì miệng hô vô sản nhưng khi bước về thành thị miệng thì chê lối sống miền nam nhưng dần dần chúng bị tư bản hóa. Đời sống VC bị tư bản hóa, nhưng đầu óc thô thiển muốn chơi trò độc tài, độc tài đã đưa đến một xã hội tham nhũng, ăn chơi trác táng, thiếu tiền sinh lòng tham, bằng cắch cướp đất cướp ruộng vườn của dân mà ăn chơi . Chính nguyên nhân đó đã gây lòng căm thù uất hận sôi gan trong lòng quần chúng. VC càng áp bức dân thì tự nhiên phong trào phản kháng bùng dậy.

    VC xây thêm nhà tù để nhốt người yêu nước nhưng chúng có nhốt ý chí bất khuất của con người VN đuợc đâu. Ra tù, con người vẫn quyết tâm chống chúng. Bọn VC là đại diện cho loài yêu tinh ăn bám dân tộc và đồng bào thì làm sao chúng có khả năng giáo hóa người dân theo tính mất dạy của chúng được. Tương lai nhà đá sẽ đón chờ chúng như bọn miên đỏ tiêu diệt gần 2 triệu người dân Miên bây giờ lãnh án 30 năm tù.

    VC đã đi ngược lại nguyện vọng của dân tộc, chúng chỉ lo làm tiền để hưởng hạnh phúc giàu sang, chúng ngoảnh mặt làm ngơ trước cảnh đời thiếu ăn, thiếu thuốc men của hàng triệu người dân khổ. VC là loài sâu bọ chỉ biết phung phí tiền bạc vui đùa trên nỗi đau của người khác. Chúng ta là những chiến sĩ tranh đấu cho tự do và nhân ái không bao giờ lùi bước trước kẻ thù. Chúng ta phải chiến đấu đến cùng để cho dân tộc VN ngẩng đầu dậy có ngày thấy tự do và hỏa bình xuất hiện. Chúng ta phải chiến đấu để cho những người công nhân không bị bọn VC cấu kết với bọn tư bản bóc lột cùng tận, để người công nhân có một đồng lương thích đáng để nuôi gia đình. Chúng ta tranh đấu cho người nông nhân có ruộng để cày và người nông dân không còn khổ mang đơn kiện chúng mà sự giải quyết là bất khả thi. Chúng ta phải tranh đấu cho đàn con thơ dại bị VC đối xử bạc đải một cách vô lý, chúng đã đẩy các em vào con đường ngu dốt.Con đdường tự do và dân chủ nhất định phải đến với dân tộc VN.

    Đường tranh đấu rất gian nan nhưng chúng ta sẽ thắng. Chúng ta không bao giờ sợ VC nhưng VC sợ chúng ta vì chúng đã xây nhiều nhà tù và tuyển rất nhiều công an để đàn áp những nhà dân chủ như thế cũng đủ thấy chân lý nằm trong tay ta và nếu ta biết vận dụng cơ hội và đoàn kết thì chúng ta sẽ lật đổ VC.

    • Truong Thanh Son says:

      Thật buồn cười khi Nguyễn Hiền viet: “VNCH có những vị tướng như tướng Kỳ thì làm sao thắng VC.” trong khi toàn bài viết của Trọng Đạt không hề đề cập đến ông tướng này. Quan trọng hơn nữa, những năm cuối cùng của VNCH, tướng Kỳ không hề có quân trong tay, không hề có 1 tiếng nói thì tại sao lại quy trách nhiệm cho ông ta? Nếu ông ghét tướng Kỳ thì nên viết ở 1 nơi khác mới phải. Viết như thế này vừa lạc đề vừa tỏ ra kém hiểu biết.

    • Văn Minh says:

      Nguyễn Hiền đang ảo tưởng về các giá trị mà “chúng ta” hay VNCH đang có hay đã có, cũng như xem thường quá mức các giá trị mà những người CS đang có và đã có.

      Không lạ vì sự xem thường này đã được phổ biến từ xưa, từ thời Pháp qua Mỹ và sau đó là VNCH, người Việt di tản.

      Nguyễn Hiền coi khinh sự thay đổi của những người CS gần đây, coi rẻ tư chất của họ – nhưng thay đổi được, dám thay đổi, dám làm khác đi so với thời chiến mới là bản lãnh của CS. Thực tế cuối cùng mới là tất cả, và sự đoàn kết ổn định thống nhất của bộ máy cầm quyền hiện nay mới là thước đo thực sự về sức mạnh của họ.

      Nếu so sánh về sự triệt thoái quân đội, sẽ thấy sự khác biệt một trời một vực giữa VN dân chủ cộng hòa thời chống Pháp và VNCH thời Mỹ. Vào năm 1946, VNDCCH phải lui toàn bộ quân đội, chính phủ vào rừng, trước sự tấn công của Pháp. Khi đó, cả chính phủ lẫn quân đội chỉ toàn người không chuyên, không qua đào tạo, mới thành lập có hơn 1 năm: không đồng minh, không vũ khí, không tiền. Nhưng rút lui vô cùng bài bản: rút lui để tránh bị chủ lực địch tiêu diệt, rút lui để vào dân, để tiếp tục xây dựng củng cố lực lượng, để kháng chiến lâu dài. Rút nhưng vẫn mang đi máy móc thiết bị để duy trì các hoạt động của nhà nước của quân đội trong điều kiện núi rừng. Trước khi rút, tự vệ quân đánh cảm tử giữ từng tấc đất của thành phố. Rút đi nhưng niềm tin vào tương lai và chiến thắng vẫn mãnh liệt, dù chẳng có bất cứ thứ gì, ngoại trừ gian khổ và hy sinh, được nhìn nhận ở thời điểm thoái lưu.

      Nhìn lại VNCH xem: trước khi rút chạy, họ đã có 20 năm xây dựng lực lượng, được sự hỗ trợ của bao nhiêu đồng minh, hàng trăm ngàn quân nước ngoài. Quân đội VNCH, từ tướng đến quân đều có đời sống sung túc hơn nhiều quân VC hay CS, vũ khí tốt hơn nhiều, yểm trợ tốt hơn nhiều, đào tạo bài bản hơn nhiều. Bài viết đã chẳng nêu, chỉ một trận Pleiku, mặc dù quân VNCH đã chủ động rút lui, thế mà số vũ khí để lại vẫn có giá trị gần 300 triệu USD – thử hỏi làm sao quyết định cắt viện trợ 300 triệu USD của Mỹ lại có thể quá “tại hại” đến toàn bộ VNCH được?

      Khi thất trận năm 1975, quân đội VNCH có gần 1 triệu lính, với lực lượng không quân mạnh trong top 5 của thế giới, thiết giáp, pháo còn đủ loại do Mỹ để lại hết từ năm 1973. Thế nhưng có mấy người, nhất là lãnh đạo VNCH, tin tưởng vào tương lai của quốc gia mình không? Họ có tin họ đủ sức chống lại sự tấn công của CS không? Họ có dám sống còn vì “quốc gia” của mình không – ít nhất như một phần tinh thần mà VNDCCH có được vào năm 1946?

      Câu trả lời là không vì họ chưa bao giờ có được tinh thần đó.

      Biến cố 1975 chỉ là hồi kết của một quá trình 20 năm, có lẽ xa hơn nữa, 30 năm, của một thể chế tay sai ngoại bang, được dựng lên bởi Pháp và Mỹ và được điều hành bởi những người do Pháp và Mỹ lựa chọn.

      Người dân miền Nam, và có lẽ cả những binh lính miền Nam đã cảm nhận được tính không chính đáng của chế độ từ khi nó được tạo nên năm 1950 bởi Pháp và chuyển giao sang tay Mỹ năm 1954. Vì thế trong phần lớn thời gian thể chế đó tồn tại, nó chẳng hề có lý tưởng thực sự, chẳng hề có mục đích thực sự, và chẳng biết làm cách nào để huy động sức mạnh nhân dân, để thống nhất tinh thần quốc gia. Ngô Đình Diệm có lẽ là trường hợp cá biệt – nhưng sự cá biệt, dân tộc chủ nghĩa như ông Diệm ngay lập tức bị triệt hạ bởi xung quanh ông ta làm nhiều kẻ mang tinh thần tay sai.

      Ngày hôm nay, những người mang danh “tỵ nạn CS” đang viết tiếp trang sử hậu VNCH, giờ đã hóa thân, từ tay sai ngoại bang trên nước mình, trở thành người của ngoại bang. Thực ra tay sai hay làm dân cho những kẻ văn minh như Pháp hay Mỹ đâu có gì quá tệ từ khía cạnh cá nhân: những ông chủ này có khi còn đối xử với họ tốt hơn nhiều bình đẳng hơn nhiều đồng bào của chính họ. Nhưng đứng từ khía cạnh quốc gia, đó là sự đổ vỡ thảm hại, vì tinh thần quốc gia đã vĩnh viễn tiêu tan không bao giờ có thể phục hồi khi những người này chấp nhận làm công dân các nước khác.

      Vậy Nguyễn Hiền đừng nói đến đấu tranh gian nan để “chúng ta” chiến thắng VC. Nghe nó nực cười lắm: ai là chúng ta? chúng ta đấy lấy cái gì để “thắng”? chúng ta ấy có giá làm sứt mẻ một chút quyền lợi nào không để “đấu tranh”?

      Trái lại, ở Việt Nam, những người Việt Nam vẫn đi tiếp con đường lập quốc và kiến quốc của mình. Họ có trang sử vẻ vang, có truyền thống hào hùng. Vấp ngã sẽ có, nhưng vấp ngã, nhận ra sự xấu xí của mình là để phát triển tốt hơn. Họ sẽ là những người viết tiếp trang sử của nòi giống tổ tiên với lòng tự hào tự tôn dân tộc.

      • Hong Chuyen says:

        CS truoc 75 la` 1 lu cuop. VNCH la` 1 anh nha` giau`

        Anh nha` giau` bi ten cuop tran lot thi` khong co’ gi` nhac nhien

    • NGUOI NEW ENGLAND says:

      Ba muoi nam chang lam duoc cai gi ra hon. TOan muon tieng chong cong de lay tien bo tui. Dien hinh vu Hoang Co Minh Tran Truong, dong mot cai la quy nay quy no. Cuoi cung bo vao tui rieng khong ai biet. COn nhung dai nhac hoi Thuong phe binh nay no. TOan la noi thu vao khong ma khong bao gio cong bo danh sach nhung nguoi huong. Dung ra dung tu chon g cong toan lua bip thien ha lay tien bo tui rieng
      (Tòa soạn: Mời bạn vào VPS Keys tải phần mềm gõ tiếng Việt miễn phí)

  7. ” Đọc sử để biết những ngu xuẩn của quá khứ, nhờ thế người ta có thể chịu đựng tốt hơn những ngu xuẩn của hiện tại ” – Bertrand Russel viết.

Leave a Reply to Việt