WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Giấc mộng viên thành


Truyện dân gian Do Thái

Nguyễn Ước dịch và ghi chú

 

Jerusalem. Ảnh mang tính minh họa

Thuở ấy, tại Syria, từng sống một ông cụ Do Thái rất già và rất giàu. Cụ có con trai và con gái, cháu và chắt, chút và chít. Sáng hôm đó, vừa thức dậy cụ liền triệu tập hết thảy con cháu lại, và tuyên bố:

– Chúng ta hãy đi tới Zion*, Thành thánh Jerusalem.

Các con trai cùng con gái ngó cụ, sững sờ choáng váng. Họ liền thưa với cụ:

– Thưa cha, làm thế nào chúng ta đi tới Zion trong khi tại những nơi khác, người Do Thái đều sống như kẻ không nhà. Còn chúng ta ở đây, tạ ơn Thượng đế, mọi sự đều tốt lành. Chúng ta hiện nay có thiếu gì đâu! Cha đã làm việc suốt cả đời, thế mà giờ đây cha muốn chúng ta mất hết những gì đang có ở đây. Cha biết rõ rằng chúng ta không thể đi ra khỏi xứ sở này mà trong người còn tiền bạc hoặc còn chút của cải nào, vì khắp nơi đầy dẫy bọn đạo tặc và bọn trộm cắp. Không, chúng con không thể rời khỏi xứ sở này, để đem của cải của mình ra phát không cho người ta dọc con đường đi tới nơi mình muốn tới. Và điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta tới được Zion mà trong tay chẳng còn gì. Thậm chí lúc này ở đó, chúng ta cũng không còn có một xứ sở!

Nhưng ông cụ bướng bỉnh, nhất định tuyên bố:

– Trong giấc mộng đêm qua của ta, Thầy cả Meir Baal haNes*, kẻ làm sự lạ, xuất hiện và bảo ta: ”Ngươi phải đi lên Zion vì đó là nơi của ngươi.”

Khi các con trai trong gia đình nghe ông cụ 106 tuổi nói tới lời bảo đó, họ chỉ còn cách đứng lên, gom hết vợ con lại, đóng gói hành lý, và mang theo tất cả những gì có thể mang theo. Dọc con đường đại gia đình đi qua, trộm cướp như rươi khiến họ chỉ còn một chọn lựa là nộp tiền mãi lộ. Niềm hy vọng độc nhất của họ là chỉ cần tới nơi tới chốn bình an.

Và đúng thế thật, khi tới được Zion, cả dòng họ chẳng còn gì trong tay. Họ lập tức kéo nhau tới Tiberias* để viếng mộ Thầy cả Meir Baal haNes, bậc thầy làm sự lạ. Kế đó, mọi người tìm chỗ ngủ trong nhà người ta hay lữ quán. Thế nhưng, ông cụ đứng đầu dòng họ tuyên bố dứt khoát:

– Chỗ của ta là bên mộ này, dưới ánh sao trời. Ta sẽ ngủ lại đây đêm nay. Thế thôi.

Mặc dầu con cháu hết lời năn nỉ, cụ vẫn không đổi ý. Nói cho cùng, họ không muốn để thân phụ già cả của mình ở ngoài trời, nhưng cụ rất bướng bỉnh, cụ nhất quyết ở lại ngủ tại một chỗ kế bên mộ của Meir Baal haNes. Và đêm đó cụ nằm mơ. Trong giấc mộng, Thầy cả Meir Baal haNes lại hiện ra, bảo cụ:

– Ngươi là người tốt lành. Điều ta ra lệnh cho người làm thì ngươi đã làm. Bây giờ, hãy nói cho ta biết ngươi thiếu cái gì, ta giúp cho.

Ông cụ nói:

– Thưa Thầy cả Meir, tôi đã dùng hết của cải nạp tiền mãi lộ để vượt qua con đường đưa về Zion. Lúc này, chúng tôi chẳng còn gì cả.

Và Thầy cả Meir trả lời:

– Ngươi đi mua một ít tỏi đem về trồng. Từ nay, ngươi sẽ có sự phù hộ của ta.

Thế là thêm lần nữa, ông cụ làm theo lời Thầy cả Meir nói. Cụ đi mua một ít tỏi, đem trồng nó trên miếng đất nhỏ bên hông nhà. Khi tỏi lớn lên, mọi người được chúc phúc, và nó gia tăng không ngừng. Rồi thêm thêm nhiều tỏi mới nữa.

Ông cụ bán tỏi và càng ngày càng trở nên giàu có. Và cụ rất hạnh phúc với số phận của mình. Cụ cũng cho nhiều tiền để làm việc từ thiện. Thế nhưng cụ giữ số tiền mình kiếm được ở chỗ nào? Cụ giữ nó trong cậy gậy hằng ngày cụ vẫn chống khi đi lại. Không ai biết cụ có bao nhiêu tiền và gia tài của cụ cất ở đâu.

Khi ông cụ trả lại linh hồn cho Đấng Tạo hóa vào tuổi 138, cây gậy vỡ ra vì không chịu nổi cơn sầu thảm trước cái chết của chủ nhân nó. Và nhờ thế, dòng họ thu hồi được toàn bộ kho tàng của tổ phụ mình.

Và dòng họ ấy vẫn ở lại Zion, sống trong hạnh phúc lớn lao.

 

Ghi chú:

* Zion. Về mặt địa lý, đó là tên một ngọn núi ở gần Jerusalem, trên đó có pháo đài Jebusite mà vua David chinh phục và đặt tên là Thành Đavid. Về mặt lịch sử và tinh thần, chữ Zion đồng nghĩa với Thành thánh và Đền thờ Jerusalem. Từ đó có tên Zionism (Phong trào Phục quốc Do Thái).

* Meir Baal haNes. Thầy cả (rabbi) và là hiền giả Do Thái. Ông sống vào thời đại hình thành bộ phận Mishnah của Talmud, đầu thế kỷ 3 SCN. Thầy cả Meir được xem là nhà bình giải Talmud vĩ đại nhất thời đó. Theo truyền thuyết, thân phụ của ông là hậu duệ của Hoàng đế La Mã Nero, cải đạo sang Do Thái giáo. Vợ của ông là Bruriah, một trong vài phụ nữ được đề cập tới trong bộ phận Gemara của Talmud.

* Tiberias. Một thành phố ở bờ tây biển nội địa Galilee ở Israel.

* Văn bản của truyện này lấy từ cuốn The Tale for Each Month #9, 1971, (Truyện từng tháng, năm 1971, truyện số 9) do Thầy cả Moshe sưu tập ở Syria.

Trong bữa ăn mừng lễ Vượt qua, gọi là bữa ăn seder, năm nào người Do Thái cũng chúc và hẹn nhau: “Sang năm ta về Jerusalem”.

*

*                          *

Trong các thập niên đầu thế kỷ 20, học sinh các trường tiểu học ở Việt Nam học quốc ngữ bằng cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư do các tác giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn. Dưới đây là một bài  học thuộc lòng rất đặc sắc trong cuốn đó, đã làm xúc động nhiều thế hệ và để lại dấu ấn sâu lắng trong nhiều tác phẩm văn học Việt Nam, thí dụ như của Sơn Nam, Duyên Anh, Huy Phương, v.v.

Chỗ quê hương đẹp hơn cả

Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi:

“Ông đi du sơn du thủy, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả?”

Người du lịch đáp lại rằng:

“Cảnh đẹp mắt tôi thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được.”

*

*               *

Nước ta, có nhà đại ái quốc Phan Bội Châu lấy hiệu là Sào Nam và học giả Thái Văn Kiểm lấy hiệu là Việt Điểu. Hai biệt hiệu đó có gốc từ câu thơ Việt điểu sào nam chi (Chim Việt làm ổ cành nam), có ý nói lên lòng yêu nước và tình hoài hương. Tác giả Nguyễn Tửø Quang, trong cuốn Điển hay tích lạ, Nxb Khai Trí, Saigon, 1974. (tt.159–60), đã viết về tích đó như sau.

Chim Việt ngựa Hồ

Cổ thi có câu:

“Hồ mã tế Bắc phong

                        Việt điểu sào Nam chi”.

Nghĩa là:

“Ngựa Hồ hí gió Bắc,

                        Chim Việt ở cành Nam”.

Chim Việt là loài chim sinh ở đất Việt, thuộc phía nam nước Tàu. Mỗi năm cứ đến buổi đầu thu, từng đàn chim Việt bay sang phương Bắc để kiếm ăn. Vì khi thu sang, phương Bắc có nhiều chỗ có giống lúa mới vừa chin, lại thêm có nhiều hoa quả. Trái lại ở phương Nam vì mới giao mùa, lúa vừa đọng sữa, cây trái hiếm. Do đó, chim Việt phải đổ sang đấy kiếm ăn.

Tuy sang phương Bắc nhưng đàn chim Việt vẫn nhớ quê hương. Muốn làm ổ, chúng chọn cành cây chĩa về phương Nam, tức phương của quê nhà mà chim sinh trường.

Chim Việt (Việt điểu) để chỉ chim nhớ quê hương tổ quốc.

Ngựa Hồ là ngựa ở nước Hồ. Nước này ở về phương Bắc nước Tàu mà ngày xưa người Tàu thường cho là nước man rợ hay cũng gọi là Phiên quốc. Ngựa Hồ cao lớn, leo núi rất giỏi, chạy rất nhanh. Người Trung quốc thường mua về làm ngựa chiến trận. Nước Hồ vốn là xứ lạnh. Khi đông về, gió bấc thổi, tuyết rơi lả tả, gió lạnh tê tái.

Ngựa Hồ tuy về Trung Hoa là nơi tương đối ấm áp hơn nhưng vẫn nhớ đến đất Hồ tê lạnh mỗi độ đông về. Vì thế khi có gió bấc là gió phương Bắc thổi đến, tuyết rơi lả tả nơi đất Trung nguyên thì ngựa cất tiếng hí lên thê thảm để tỏ lòng nhớ cố hương.

Có sách lại chép: nước Hồ đem ngựa cống vua Hán ở Trung nguyên. Ngựa được nhốt vào chuồng cho ăn uống thật ngon và được chăm sóc rất kỹ. Nhưng khi gió bấc thổi đến thì ngựa bỏ cả ăn uống, ngóng về phương Bắc hí vang lên những tiếng bi thảm.

“Chim Việt ngựa Hồ” trở nên thành ngữ. Có nghĩa bóng là không quên nơi quê hương cố quốc dù ở nơi đất khách quê người.

Trong tác phẩm Trinh thử (Con chuột trinh tiết) của Hồ Huyền Qui, một xử sĩ cuối thời nhà Trần, có câu:

                        “Có con chim Việt đỗ này cành Nam.”

 

Nguồn: Kho tàng truyện dân gian Do Thái, Tập III, truyện số 218, Nguyễn Ước biên soạn, sắp xuất bản.

© Đàn Chim Việt

Phản hồi