Cuộc chơi của những người nghiệp dư
(Trích Những tuần trăng cuối cùng của CHDC Đức)
Người dịch: Thế Dũng & Thiên Trường Edition VIPEN 2012
Lời nói đầu
Ed Stuhler
Khi sự kiện thống nhất nước Đức được nhắc tới, luôn có những cái tên Kohl, Gorbatschow, Bush, có lẽ là thêm Genscher. Cái tên Lothar de Maizière ít được nhắc tới hơn, tên của những bộ trưởng trong chính phủ CHDC Đức cuối cùng do ông đứng đầu, những người nắm quyền quyết định ở phía Đông, hoàn toàn không được nhắc tới. Những con người chủ chốt của thời kỳ quá độ vô cùng quan trọng đã diễn ra một cách êm ả mặc cho tình hình khắc nghiệt này có vẻ như đã biến mất khỏi lịch sử.
Tại Bảo tàng Bức tường phố Bernau có bán một ấn phẩm có nhan đề ‘Bức tường Berlin 1961-1989’. Đi kèm cuốn sách có một đĩa DVD của Viện lưu trữ bang Berlin. Ở cuối bộ phim tài liệu dài 50 phút có nhắc đến ‘thủ tướng cuối cùng của CHDC Đức’: Hans Modrow!
Vô vàn những buổi lễ mừng ngày thống nhất nước Đức làm người ta gần như có cảm tưởng là CHLB Đức tự thống nhất với chính nó. Người ta hầu như đã quên mất rằng đây là sự tụ họp phức tạp và đầy kịch tính của hai nhà nước độc lập sau một khoảng thời gian dài phát triển chính trị và xã hội vô cùng khác nhau. Cũng quên đi công việc của nội các dân chủ hợp pháp duy nhất của CHDC Đức phải hoàn thành một núi công việc lập pháp khổng lồ trong tình thế căng thẳng, với áp lực thời gian ngày càng đè nặng. ‘Khổng lồ’ là một trong những thuộc ngữ được dùng nhiều nhất trong ký ức của những nhân vật chủ chốt lúc ấy; những từ ghép tương ứng có thể viết kín một trang giấy: những vấn đề khổng lồ, khối lượng (công việc) khổng lồ, những khác biệt khổng lồ, những thách thức khổng lồ, những kho vũ khí khổng lồ (những vũ khí cần phải bảo vệ), những bộ máy khổng lồ (cần được sắp xếp), những nhân vật quan trọng (của bộ An ninh nhà nước), những cuộc tuần hành khổng lồ, cãi cọ khổng lồ, khác biệt khổng lồ, nhưng cả những cơ hội khổng lồ nữa. Cuốn sách này sẽ là một bản mô tả quá đỗi muộn mằn công việc khổng lồ ấy, và đúng hơn là từ góc nhìn chủ quan của những người tổ chức quá trình thống nhất này.
Cuốn sách này không phải là một bảng niên đại hay một cuốn sách lịch sử. Vì thế nó không cần phải đầy đủ. Những vấn đề đa dạng, và cả những thành tựu đạt được chỉ có thể được làm rõ ở một vài lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Ví dụ như vấn đề môi trường, các thành phố bị hư hại, trong nông nghiệp, trong quân đội. Người viết không có ý định xem xét tất cả các bộ phận và lĩnh vực. Người viết chỉ muốn thông qua một vài nội dung cơ bản chọn lọc cho thấy những nhân vật chủ chốt đã phải đấu tranh với những thách thức và bức bách thực tế nào. Công việc được tổ chức ra sao và đã thay đổi như thế nào khi áp lực thời gian gia tăng.
Đây là sự mô tả những sự kiện dồn dập của một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi trong vòng nửa năm, từ 18 tháng Ba đến 2 tháng Mười năm 1990. Tả lại 199 ngày căng thẳng của lịch sử nước Đức và sự kết thúc sóng gió của CHDC Đức giữa dòng lịch sử.
Văn bản chủ yếu dựa trên các phần của các bài phỏng vấn trên truyền hình của hãng phim tài liệu Heimatfilm về chính phủ cuối cùng của CHDC Đức do các tác giả Rainer Burmeister và Hans Sparschuh (Heimatfilm GbR) thực hiện đối với những thành viên chính phủ được bầu ra một cách tự do lần đầu tiên và cuối cùng của CHDC Đức.
Tôi xin được phép nói vài lời riêng tư. Khi bắt đầu viết cuốn sách này, để đưa mình trở lại tâm trạng của năm 1990, tôi đã đem những cuốn nhật ký hồi đó ra đọc. Tôi thấy những dòng này đề ngày 19 tháng Ba:
‘Thời đại mới đã bắt đầu. Đảng CDU thắng tuyệt đối cuộc bầu cử ngày hôm qua. Nhờ ân đức của thủ tướng, de Maizière đã trở thành Thủ tướng chính phủ. Người ta đã đi theo lý lẽ mạnh mẽ nhất của Kohl, đồng D-Mark. Họ hi vọng CDU sẽ nhanh chóng đưa nó sang. Có lẽ ai ai cũng mong là các hậu quả (xí nghiệp đóng cửa, thất nghiệp) sẽ qua đi với nó. Và lý do thứ nhì của kết quả bầu cử (làm nhiều người ngạc nhiên) này có lẽ là sự nghi ngại sâu sắc đối với tất cả những ai thuộc cánh tả. Nỗi buồn và thất vọng dịu nhẹ. Tôi đã chọn Liên minh 90. Chưa được ba phần trăm! Không ai muốn biết gì thêm về cách mạng và quá khứ của bản thân nữa. Đừng nhắc nhớ nữa, người ta đã kìm nén hết cỡ rồi!’
Những trang viết tiếp theo kể về những mối nghi ngờ và lật mặt Stasi, những lời đồn đại về việc đổi tiền đột ngột, về số các ca nạo thai tăng nhanh, về ngôi sao chiếu mệnh của Gorbatschow, về những chiếc xe Trabbi và Wartburg mà giờ đây người ta đột nhiên có thể mua được, về những cửa hàng bách hóa trống rỗng và những quỹ tiết kiệm đầy ứ và một chức vô địch bóng đá thế giới giành được.
Tuy nhiên nhiều nhất là những ghi chép về đứa con gái nhỏ của chúng tôi. Với tôi rõ ràng nỗi ngạc nhiên hạnh phúc là con bé đang lớn dần lên còn quan trọng hơn hết thảy những sự kiện chính trị căng thẳng. Sự trùng hợp hiếm có. Giống y như bố nó, con bé được sinh ra trong một thế giới mà ba tháng sau đó không còn tồn tại nữa. Trường hợp của tôi là tháng Hai năm 1945, của con bé là tháng Tám năm 1989, đúng vào ngày 13. Ở thế giới mới, trong sáu tháng mà cuốn sách này mô tả, nó đã học bò, học đi những bước đầu tiên, và học nói những từ đầu tiên. Và cũng giống y như với bố nó, thế giới lúc nó sinh ra tới hôm nay đã rất xa xôi.
Thời kỳ quá độ là thời kỳ của những biến đổi gây ngạc nhiên, những thay đổi đường lối rộng lớn, những sự phát triển không lường trước được, nhưng cũng là của những cơ hội khác thường; những kẻ xua đuổi trở thành bị xua đuổi, mọi thứ có được động lực phát triển của riêng mình – thời kỳ quá độ thật căng thẳng.
Cuốn sách này có thể đưa những người không trải qua hoặc đã quên đi thời kỳ đó đến với không khí đặc biệt của những ngày ấy cùng với động cơ và hành động của những nhân vật chủ chốt.
Sự sát nhập
Brandenburg Tor đêm 03.10.1990
Vào nửa đêm, hỏa tiễn bắn lên trời. Trước cổng tòa nhà quốc hội, hàng ngàn người đã tụ tập để ăn mừng một buổi lễ, lễ thống nhất nước Đức. Đứng trước cổng tòa nhà lịch sử là các đại diện của CHLB Đức. Trong số đó có Willy Brandt, Oskar Lafontaine, Richard von Weizsäcker và một ông Helmut Kohl to lớn. Rõ ràng là ông ta đang hài lòng. Bên cạnh Helmut Kohl, khó mà thấy được Lothar de Maizière nhỏ bé gầy tọp đi trong mấy tháng qua. Không thấy đâu những đại diện khác của nước CHDC Đức. Đất nước trong những giây phút ấy ngừng tồn tại. Nhạc mừng pháo hoa của Handel, từng được viết cho một buổi lễ mừng chiến thắng khác, ngân lên.
Một lá cờ Đức rộng 60 mét vuông được kéo lên trên một cột cờ được thiết kế riêng, cao 40 mét. Không có bài phát biểu nào. Người ta vô cùng chú ý để tránh mọi hình thức quốc gia thái quá. Cuộc thống nhất đã hoàn tất sau khi bức tường sụp đổ được ba trăm hai mươi bảy ngày. Bốn mươi lăm năm sau ngày nước Đức đầu hàng vô điều kiện là thời kỳ lịch sử chiến tranh lạnh. Tương lai là một nước Đức Châu Âu.
1.Cuộc chơi của những người nghiệp dư
‘Không thể trác táng phi xã hội như thế với tôi được!’
Lothar de Maizière
18.03.1990, Lothar de Maiziere trở thành Thủ tướng
Chính phủ hợp pháp duy nhất của CHDC Đức.
Khi Lothar de Maizière bước đến bục diễn giả vào ngày 18 tháng Tư để tuyên bố thành lập chính phủ, ông nhìn xuống bên dưới và thấy ống quần mình run lập cập. Ông thấy trước mắt mình hình ảnh của thủ tướng chính phủ Ba Lan Tadeusz Mazowieki trên truyền hình, người một năm trước đó bị ngất trong khi tuyên bố thành lập chính phủ vì quá hồi hộp. Suốt lúc ấy ông nghĩ, điều này không được xảy đến với mình! Và nó đã không xảy đến với ông.
Là người yêu nghệ thuật tinh tế, chuyên sưu tầm các tác phẩm tạo hình và chơi thành thạo đàn viola, Lothar de Maizière long trọng đưa ra một tuyên bố sau này được tất cả các bên đánh giá là thông điệp ấn tượng của một sự khởi đầu dân chủ mới. Ông nhắc tới việc làm nước Đức thống nhất như là mục tiêu chính của chính phủ của mình. Ông ngỏ những lời gan ruột của đồng bào mình khi nói: ‘Chúng ta sẽ được quyền nói tiếng nói quyết định về con đường đến với thống nhất.’ De Maizière ý thức được đó sẽ là một con đường khó khăn, chông gai, và nhắc nhở người dân CHLB Đức hãy cùng đoàn kết: ‘Việc thống nhất này phải càng nhanh càng tốt, nhưng các điều kiện khung của nó phải tốt, khôn ngoan và đảm bảo thành công tối đa trong tương lai.’ Và ngay trong bài phát biểu đầu tiên này ông đã bày tỏ niềm tin là sẽ đảm bảo được tốc độ và chất lượng một cách tốt nhất ‘nếu chúng ta thực hiện việc thống nhất thông qua con đường thương thảo hiệp ước chiểu theo Điều 23 của Bộ luật Cơ bản.’
Trong bài phát biểu này De Maizière nhắc nhở rằng CHDC Đức chưa bao giờ được hưởng một kế hoạch Marshall trị giá hàng tỷ, mà trái lại đã phải gom góp hàng tỷ để bồi thường chiến tranh. ‘Chỉ có thể vượt qua chia cắt bằng chia sẻ’, ông bày tỏ niềm tin. Đó là bức tranh bữa tối do chúa Jesus và con cháu của những người nhập cư phái Calvin khơi gợi lại. Và ông trích dẫn câu văn đẹp đẽ từ Hyperion của Höderlin: ‘Vì điều đó đã làm nhà nước mà chúng ta muốn biến thành thiên đường lại trở thành địa ngục.’ Ông biết nhà nước không phải là thiên đường, mà là khu vườn và khuôn khổ để sức sáng tạo của con người được tự do phát triển: ‘Hồi đó với tôi điều quan trọng là mô tả mục đích của một xã hội như thế.’
De Maizière đứng đầu một chính phủ gồm có 23 thành viên nội các. (Chính phủ tiền nhiệm Modrow vẫn còn có hơn 40 bộ trưởng và bộ trưởng công nghiệp.) Ông đã xây dựng nội các, như cách ông gọi nó, theo hình mẫu của CHLB Đức. Điều đó có lý do đơn giản là trong các cuộc thương thảo về việc thống nhất nước Đức sắp tới các bộ phận có thể liên hệ với nhau. Tuy nhiên có thêm hai bộ có bổn phận đối với tình hình đặc biệt của CHDC Đức: một Bộ truyền thông chủ yếu có nhiệm vụ chuyển đổi cảnh quan truyền thông đã bị độc quyền hóa, và một Bộ phụ trách thương mại và cung ứng, để giảm nhẹ cấu trúc trung ương tập quyền. Đồng thời khác với cấu trúc của CHLB Đức, De Maizière không đưa lĩnh vực năng lượng vào bộ Kinh tế, mà đưa vào Bộ Môi trường, vì ông quan niệm là ai sản xuất ra năng lượng thì cũng phải biết loại trừ các chất bẩn có liên quan đến việc đó.
Đó là một Chính phủ liên minh giữa Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), Đảng Nhận thức Dân chủ (DA) và Liên minh Xã hội Đức (DSU), bước vào cuộc bầu cử quốc hội như là ‘Liên minh vì nước Đức’, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và Đảng tự do Liên minh Dân chủ Tự do (BFD).
Lothar de Maizière cũng đã có thể cầm quyền chỉ với liên minh của mình. Nhưng Hiến pháp CHDC Đức năm 1968 vẫn còn hiệu lực, và ông ý thức được là trong thời gian tới sẽ phải có một loạt các quyết định thay đổi Hiến pháp bắt buộc cần tới đa số hai phần ba.
Và de Maizière còn có một lý do thứ hai để lôi kéo chủ yếu những người Dân chủ Xã hội vào liên minh, lý do cho thấy ông là một chính trị gia khôn khéo và có tầm nhìn:
‘Tôi biết trước là trong những tháng sắp tới phía CHLB Đức, sẽ bảo chúng tôi phải làm điều này, điều kia, sẽ có một đống các đòi hỏi vô lý. Và tôi hi vọng có thể trả lời là: ‘Vâng, thưa các bạn yêu quý, nhưng tôi phải quan tâm đến đối tác liên minh của mình! Và ông ấy nhìn nhận điều đó hoàn toàn khác, trong chừng mực đó tôi chỉ có thể làm theo đòi hỏi này có giới hạn thôi.’
Ví dụ như bá tước Lambsdorff, chủ tịch đảng FDP Tây Đức đã đến gặp ông với dự định là sau khi tái thống nhất sẽ hoãn thi hành Điều 613a BGB (Luật Dân sự) trong nhiều năm. Đoạn này có nội dung sau: Nếu A mua của B một công ty, anh ta cũng mua toàn bộ nhân viên công ty và đồng ý thực hiện tất cả các nghĩa vụ xã hội của người chủ hãng cũ. Lambsdorff muốn tạo điều kiện mua bán các công ty mà không có ràng buộc xã hội gì với các nhân viên. Câu trả lời của de Maizière: ‘Bá tước Lambsdorff, ông biết không, không thể trác táng phi xã hội với tôi như vậy được! Tôi cũng không thuyết phục được đối tác liên minh của mình chuyện đó đâu.’
Và Đảng SPD cũng muốn tham dự đại liên minh. Markus Meckel, chủ tịch đảng SPD Đông Đức và ngoại trưởng chính phủ liên hiệp nói: ‘Chúng tôi muốn cùng dựng xây cuộc thống nhất này. Đó là ý muốn chính yếu của chúng tôi. Chúng tôi không thể để việc thống nhất nước Đức trôi qua ngang hông mà muốn cùng xây dựng những điều quan trọng đối với mình, trên trường quốc tế cũng như trong nội bộ. Và chúng tôi cũng không tin tưởng là những người khác có thể một mình làm tốt được điều đó.’
Chủ tịch Đảng liên minh Richard Schröder là một người bênh vực nhiệt thành cho đại liên minh. Và ông có mối liên lạc tốt đẹp với Chủ tịch Đảng CDU Đông Đức: ‘Bản thân Lothar de Maizière đã có thiện cảm với rất nhiều yêu cầu của Đảng Dân chủ Xã hội. Có cả những miệng lưỡi láo xược quả quyết là Lothar de Maizière cũng có thể là Đảng viên SPD được. Tôi nghĩ người ta cũng có thể nói như vậy. Làm quá trình quá độ càng êm đẹp càng tốt cũng là một mối quan tâm căn bản của Lothar de Maizière.’
Tuy vậy trước khi Liên minh thành lập đã có tranh luận nảy lửa trong khối của SPD. Richard Schröder biết cách lôi kéo các lực lượng đối lập vào quá trình dự thảo hiệp ước liên minh, khiến cho cuối cùng nhiều người có thể nói là cương lĩnh của chính phủ có cả những nét dân chủ xã hội. Wolfgang Thierse, một trong các phó của Schröder trong ban lãnh đạo SPD là người chủ yếu phản đối tham gia chính phủ: ‘Từ những suy nghĩ căn bản tôi đã có gì đấy mất cảm tình với đại liên minh. Nhưng rồi trong lúc thương thảo tôi thấy là với de Maizière có thể đi đến một thỏa thuận hợp lý, đáp ứng yêu cầu, là chúng tôi có cùng một mong muốn đi những bước khôn ngoan trong quá trình thống nhất này và chỉ có thể cùng nhau đại diện cho các lợi ích của Đông Đức đứng trước đối tác quá hùng mạnh là Helmut Kohl và chính phủ của ông ấy. Đó là cơ sở của chúng tôi.’
‘Chúng tôi đã ký hiệp ước liên minh trước phiên họp thứ 2 của Quốc hội, vào ngày 12 tháng Tư, trong phòng giải lao của quốc hội. Và trong những lần đàm phán của liên minh chúng tôi đã thống nhất được Đảng nào nhận phụ trách lĩnh vực nào. Không phải là ai nắm chúng, mà là các lĩnh vực. Tuy nhiên, tôi với vai trò là thủ tướng chính phủ đã yêu cầu có quyền biểu quyết về nhân sự. Tôi nói, được, đảng viên Dân chủ Xã hội, các anh sẽ nhận vị trí này. Nhưng ngay khi phân chia các lĩnh vực thì đã gặp khó khăn rồi. Dĩ nhiên đảng Dân chủ Xã hội đòi hỏi phải được nắm lĩnh vực lao động và xã hội. Và khi ấy tôi nói, không thể để các anh nhận tất cả những bộ thường được cảm ơn, khen ngợi còn chúng tôi thì phải nhận các bộ hay bị chỉ trích được! Và trước hết là ai muốn phân phát thông điệp xã hội người đó phải biết ai cung cấp tài chính cho chúng. Nếu muốn, thì lao động và xã hội là của các anh, nhưng thế thì các anh cũng phải nhận bộ tài chính. Và điều đó dẫn đến tình huống của Regine Hildebrandt và Walter Romberg. Lúc đó vẫn còn một điểm gây tranh cãi. Tôi nói, thực ra thì chúng ta phải nắm giữ tất cả những gì là của chúng ta, nhưng với kinh tế, quá trình chuyển đổi, chúng ta phải có một ai đó hiểu rõ kinh tế thị trường. Khi ấy có cân nhắc bổ nhiệm Elmar Pieroth, nguyên thượng nghị sỹ kinh tế của Tây Berlin, làm bộ trưởng Kinh tế. Và rồi những người Dân chủ Xã hội khăng khăng: ‘Phải là người CHDC Đức kia!’ Cuối cùng Gerhard Pohl được chọn.
Dĩ nhiên là không lâu trước khi thống nhất tôi cũng mới lần đầu tiên được gặp vài người trong chính phủ của mình. Nghe thì có vẻ phiêu lưu, nhưng điều đó có liên quan đến thời gian và sự tồn tại ngắn ngủi của nó. Nếu hôm nay là ngày bầu cử quốc hội liên bang thì ba tháng sau nội các liên bang mới thành lập. Tất cả chúng tôi hình như đều nhận chức vụ và trách nhiệm sau bốn tuần, chưa đến bốn tuần. Chúng tôi được bầu vào 18 tháng Ba, chính phủ thành lập ngày 12 tháng Tư.’
Chính phủ cuối cùng của CHDC Đức khác biệt về căn bản so với tất cả các chính phủ tiền nhiệm. Đó là một nội các hoàn toàn khác. Một nội các không chỉ được bầu ra một cách tự do, mà chủ yếu là một nội các không phải nhận mệnh lệnh từ một bộ Chính trị nào, như thường thấy trước đó ở CHDC Đức. Một chính phủ độc lập, phối hợp chặt chẽ với quốc hội trong tổ chức hoạt động. Mục sư Rainer Eppelmann: ‘Đột nhiên có một chính phủ được bầu ra tự do, trong đó không có người nào của Đảng SED, những người trong nhiều, nhiều năm đã ra quyết định về mọi điều xảy ra ở CHDC Đức. Và chúng tôi, những người trước đây chưa được coi trọng, những người cùng lắm thì chỉ được bộ An ninh nhà nước chú ý mà không ai thèm hỏi ý kiến; đột nhiên trở thành những người sẵn sàng đảm đương trách nhiệm chính trị. Và giờ đây việc cần làm là biến một chế độ độc tài thành một xã hội dân chủ, nhà nước pháp quyền, càng tự do và hữu hiệu càng tốt.’
Đó không phải là những chính trị gia chuyên nghiệp, mà là những người đột nhiên tham gia chính trị vào mùa thu nóng bỏng của năm 1989. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên là hơn quá nửa các thành viên chính phủ có gốc gác từ giáo hội. Giáo hội chính là nơi khởi nguồn và hầm trú ẩn của phong trào đối lập vào tháng Mười hai năm 1989 đã buộc Hội nghị Bàn tròn Trung ương nắm lấy quyền kiểm soát Đảng SED. Ở đây một số thành viên chính phủ và quốc hội sau này đã thu thập những kinh nghiệm chính trị đầu tiên của mình. Họ là những nhà khoa học, kỹ thuật viên, giáo viên. Họ đi vào chính trị từ giữa đời thường và không như phần lớn các chính trị gia Đông Đức, thông qua các tổ chức kế cận của các đảng phái và được học hành quy củ. Gần như không có ai là luật gia. ‘Tôi ước có thêm được vài luật sư trong nội các’, de Maizière thở dài. ‘Anh cứ thử lập pháp với một loạt mục sư xem. Chao ơi. Người ta chẳng thể nào lập pháp với những người tốt bụng như vậy được. Họ chỉ cần biểu quyết theo logic thôi. Lúc ấy anh có thể có trái tim Jesus nhân từ và đổ gục – điều đó chả đem lại gì sất. Điều này về sau bị quy cho tôi như là sự tỉnh táo không mấy dễ chịu, nhưng tôi phải chấp nhận điều đó thôi.’
Dù vậy sự cộng tác trong nội các được coi là tuyệt hảo, tất cả cùng theo đuổi một mục tiêu: “Cho tới tháng Tám anh chẳng nhận ra trong nội các ai ngồi đó là người của CDU, Đảng Tự do hay SPD’, Peter Pollack, vị Bộ trưởng Nông nghiệp không thuộc đảng phái nào, nhớ lại. ‘Dĩ nhiên cũng có lúc tranh cãi gay gắt. Chủ yếu là khi dính đến tiền nong. Điều đó là bình thường và không có liên quan gì đến việc ông Romberg là người của Đảng SPD và người muốn chi tiền là của Đảng CDU. Điều đó nằm trong bản chất sự việc.’
Phần lớn thành viên chính phủ tình cờ tham gia chính trường. Con đường công danh này không được lên kế hoạch và về nguyên tắc cũng được nhìn nhận là thời kỳ quá độ. Trong kế hoạch cuộc đời của Lothar de Maizière hoàn toàn không tính đến chính trị – vai trò phó chủ tịch hội nghị tôn giáo của giáo hội Tin lành cũng hoàn toàn không có cơ hội nào để tham gia chính trường của CHDC Đức. Việc Gorbatschow nhậm chức đem lại các hi vọng cải tổ, nhưng ông ta tin là điều đó chỉ thực hiện được trong nội bộ. Ông ta không hình dung ra được việc thay đổi chế độ. Thế nhưng sau đó là mùa thu 1989, và khi ấy người ta không thể quay lại được nữa, tại các ủy ban giáo hội họ đã nhiều năm yêu cầu được tham dự, góp phần và cùng quyết định cơ mà: ‘Người ta không thể đột nhiên nói: ‘Đúng, chúng tôi đã đòi hỏi như vậy, nhưng giờ đây, đã nghiêm túc rồi, thì xin mời ai tự nguyện thì làm, tôi không làm đâu.’ Nhưng tôi đã nói ở văn phòng luật sư của mình: ‘Ghế tôi vẫn trống, tôi sẽ quay lại. Đây không phải là công việc của đời tôi.’
Đề nghị đảm nhận một bộ đến đột ngột với hầu hết mọi người trong thời kỳ căng thẳng đó, và gần như không có thời gian mà cân nhắc. Cordula Schubert nhớ lại: ‘Việc đến với tôi rất bất ngờ, vì ai cũng biết là đường dây điện thoại CHDC Đức không phủ rộng lắm. Tôi phải lên đường đi họp quốc hội trước một hôm. Hôm đó là 10 tháng Tư. Cuộc họp bắt đầu vào một lúc nào đấy chừng 10h00 hoặc 9h30. Kiểu gì thì sáng sớm hôm ấy tôi cũng không từ Chemnitz đến Berlin được. Thế là tôi phải khởi hành từ hôm trước. Và dĩ nhiên là tôi không có ô tô; vì vẫn chưa hết thời gian bảo dưỡng. Và họ đã tìm cách gọi điện cho tôi từ Berlin qua văn phòng giao dịch của CDU. Nhưng tôi đã đi rồi. Sau đấy tôi đi thẳng tới phiên họp quốc hội.
Và dưới nhà, trước cửa, chủ tịch Đoàn thanh niên Dân chủ Thiên chúa giáo đang đợi và nói: ‘Ừm, tôi chỉ muốn nói bà được chỉ định làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao. Và nếu giờ đây bước lên bậc thang, trên đó có Elf99, kênh truyền hình thanh niên của CHDC Đức, và điều đầu tiên tôi muốn nghe bà nói là bà định áp dụng chính sách nào trong thời gian tới.’ Đúng là trước đấy chưa nói chuyện được vì không có thời gian và không gặp mặt được.’
Herbert Schirmer: ‘Tôi ở Potsdam và từ đó đi qua Tây Berlin, khi ấy còn gắn với một số bộ máy kiểm soát, và vì thế tới phiên họp của đoàn Chủ tịch Đảng CDU ở quảng trường Hàn lâm hồi đó, ngày nay lại là chợ Hiến binh, quá muộn, và bước vào căn phòng có thể nói là bị các ủy ban của đảng chiếm giữ. Tất cả đều nhìn tôi một chút thế nào đó và mỉm cười bao dung. Và khi vào phòng tôi có cảm giác mọi người đều đã biết điều gì đó mà tôi không được biết. Sau đó tôi ngồi vào chỗ, thì thầm gì đó để xin lỗi vì đã đến muộn, và phiên họp vẫn tiếp tục.
Rồi đột nhiên những mảnh giấy được phân phát. Và khi đó trước mắt tôi là công hàm trong đó thủ tướng chính phủ tương lai của CHDC Đức, Lothar de Maizière, chúc mừng tôi nhận chức Bộ trưởng Bộ văn hóa CHDC Đức. Không hề có cuộc đàm thoại nào đến trước thời điểm đó.’
Regine Hildebrandt ngạc nhiên vì tin vui khi đang ở trong nhà thờ. Quốc vụ khanh của bà, Alwin Ziel, nói: ‘Chúng tôi biết bà ấy đang ở đâu. Bà ấy hát trong dàn đồng ca nhà thờ lớn. Và rồi hai người trong số chúng tôi, Wolfgang Thierse và tôi, nhận nhiệm vụ gặp và nói với bà ấy là việc quan trọng đây. Chúng tôi đã quyết định, bà sẽ là Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội. Và lúc chúng tôi đến nhà thờ thì dàn đồng ca đang hát và Regine đứng ở trong đó. Chúng tôi phải chờ đến khi bà ấy hát xong. Và rồi chúng tôi bảo: ‘Regine, bà sẽ phải làm bộ trưởng!’ Và từng chữ phản ứng của bà ấy là: ‘Các ông điên rồi!’ Có nghĩa là bà ấy hoàn toàn không muốn thế.’
Markus Meckel thấy khó mà làm Bộ trưởng được: ‘Thật ra trước đó tôi luôn mặc mỗi một cái áo len chui đầu để chạy loanh quanh. Là mục sư, tôi cũng không mặc complet. Tôi chỉ có mỗi một bộ, và nó cũng không vừa nữa. Sau đó trước chuyến đi Hoa Kỳ tôi đã mua cho mình một bộ. Và vào thời gian đầu làm ngoại trưởng, đó là bộ complet duy nhất tôi có. Và rồi tôi hầu như không có thời gian mà mua cho mình bộ khác, đơn giản vì lịch làm việc kín từ sáng đến tối, đến mức mỗi cái việc thông thường đó cũng là vấn đề. Đến mức để thích nghi với điều đó và làm theo các nghi thức ngoại giao cần thiết mà ta không biết cũng đã là khó rồi. Ta phải được tư vấn. Quan trọng là, nhưng cũng phải mất một thời gian, tôi đã mượn được một số người của bộ Ngoại giao. Nghĩa là, Hans Dietrich Genscher đã đề nghị gửi một số người đến. Nhưng tôi rất nghi ngại không muốn nghị viện của mình còn bị buộc phải điều khiển từ trong nội bộ nữa.’
Thủ tướng bang Bayern Streibl nhắc tới đám người nghiệp dư đang tác nghiệp ở Đông Đức, và hoàn toàn có ý miệt thị. Wolfgang Thierse nói: ‘Thật đáng tức giận, nhưng sau đó chúng tôi cũng đã tạo được một sự tự tin nhất định. Đúng, chúng tôi là những tay nghiệp dư, chúng tôi đã học chính trị với nhau chứ không xung đột với nhau. Chúng tôi tranh luận. Nhưng có một mối liên hệ căn bản, gây xúc động, chính vì chúng tôi chưa phải chuyên nghiệp, còn chưa bị trơ, chưa hóa vô liêm sỷ.’
Klaus Reichenbach: ‘Trong những lần đàm phán của liên minh, chúng tôi ngồi với Đảng SPD cho tới đêm. Tôi nghĩ mười hai rưỡi có lẽ là hạn chót để bổ nhiệm các vị trí Bộ trưởng. Và rồi có một cuộc tranh cãi nảy lửa với Đảng SPD. Họ muốn có được thêm một chức Bộ trưởng so với khả năng hoặc mong muốn của Đảng CDU dành cho họ. Và lời thỏa hiệp bằng vàng đến từ de Maizière, người ngồi đó rít điếu thuốc lá theo kiểu của mình, cau có nhìn về đằng trước và rồi nói: ‘Tôi đề xuất! Chánh văn phòng của tôi sẽ làm Bộ trưởng văn phòng của thủ tướng chính phủ, như thế chúng tôi có thêm Bộ trưởng, rồi các ông sẽ được thêm bộ trưởng.’ Khi ấy mọi người đều chấp thuận. Và thế là, không hề được hỏi ý kiến gì cả, tôi ngồi ngay ở bên phải ông ấy, đêm đó tôi được chọn làm Bộ trưởng. Và tôi chẳng hề muốn cái chức đó, vì tôi hoàn toàn hài lòng với chức chánh văn phòng.’
Phiên họp đầu tiên của nội các diễn ra vào ngày 12 tháng Tư, ngay sau lễ tuyên thệ của Chính phủ tại tòa thị chính Berlin, văn phòng của thủ tướng chính phủ. Buổi họp được ấn định vào 14h00. Một người đến quá muộn là phát ngôn viên chính phủ Matthias Gehler. Một lịch hẹn quan trọng hơn giữ chân ông: lễ kết hôn của ông tại phòng hộ tịch, ấn định lúc 13:00.
Tại phiên họp thành lập nội các, Lothar de Maizière gọi tên hoàn cảnh tâm lý lạ lùng của chính phủ ông lúc ấy: ‘Thưa các ông, từ giờ phút này trở đi, giờ phút đầu tiên này, chúng ta không được phép quên rằng chúng ta có một nhiệm vụ với nội dung là chúng ta phải tự làm mình hết hạn, chúng ta phải xóa sổ chính mình!’ Chắc hắn là một hoàn cảnh người ta chẳng sớm thấy lại được trong lịch sử thế giới: một chính phủ có mục đích chính là biến mất. Điều này ngoài ra còn đúng với quốc hội được bầu cử tự do đầu tiên và cuối cùng của CHDC Đức.
Khi ấy de Maizière hiểu rõ rằng không dễ nghĩ được trong đầu là tôi đi vào văn phòng này với mục đích từ bỏ dần dần quyền lực. Một vài người, 20 năm sau ông sẽ nói, mà không nói rõ là ai, rất thích được làm Bộ trưởng và thích lên những chuyến thăm qua nửa đất nước hơn là dự thảo các dự luật tỉ mỉ của nội các. Vào tháng Tư năm 1990 ông vẫn còn đề xuất là thời kỳ quá độ sẽ kéo dài tối thiểu hai năm. Ông hi vọng mục tiêu gần sẽ là một đoàn thể thao chung của nước Đức vào kỳ Olympic mùa hè 1992 ở Barcelona.
Ngay tại phiên họp đầu tiên của nội các Thủ tướng chính phủ đã đề ra năm điểm chính mà chính phủ của ông phải giải quyết:
Trước hết phải trao lại quyền tự quản cho chính quyền địa phương để các địa phương có lại quyền và quyền biểu quyết. Người dân địa phương phải được biết thế nào là dân chủ. Chấm dứt trung ương tập quyền.
Thứ nhì là phải tái tạo lại cấu trúc bang để tương ứng với Bộ Luật cơ bản và các bang ở Đông Đức có thể mang theo quyền lợi của mình vào Hội đồng liên bang.
Thứ ba là việc thống nhất tiền tệ, kinh tế và xã hội phải được thực hiện càng sớm càng tốt.
Thứ tư là cần phải tạo ra một ‘bộ điều hợp’ để hai hệ thống pháp luật đã phân tách khỏi nhau 40 năm ăn khớp lại được với nhau, một bộ nối mạch giữa hai hệ thống không tương thích.
Và thứ năm là những khía cạnh của chính sách đối ngoại phải được điều chỉnh theo chế độ hai cộng bốn, nghĩa là giữa hai nước Đức và bốn nước thắng trận trong Thế chiến thứ II.
‘Và khi chúng ta làm được năm điểm này thì thực sự chúng tôi chẳng có lý do gì để tiếp tục là chính phủ của CHDC Đức nữa. Và chúng tôi đã nỗ lực thực hiện năm điều ấy.’
Hầu như tất cả các thành viên của nội các de Maizière đều đánh giá sáu tháng tại chức của mình là thời kỳ căng thẳng nhất, dữ dội nhất của đời mình, là thời kỳ gấp gáp, vội vã, căng thẳng, kích động – và vất vả.
‘1990 dĩ nhiên là một năm tuyệt vời’, Klaus Reichenbach nói. ‘Tôi đã thấy có cơ hội thống nhất nước Đức, đó là một mục tiêu chính trị tôi từng mơ thấy từ khi còn là một đứa trẻ và là điều đương nhiên có thể đạt tới được và bản thân chuyện đó cũng đã là không thể tin nổi. Sau đó các sự kiện đã hoàn toàn cuốn tôi đi đến một nơi mà dường như đức Chúa thương yêu đã chọn trước cho tôi thế nào đó. Kế hoạch của tôi không phải là như vậy.’
‘Sáu tháng ấy đương nhiên là những tháng để lại nhiều ảnh hưởng nhất đời tôi’, de Maizière nói. Có những ký ức gian lao, nhưng cũng có những kỷ niệm tuyệt vời. Cảm giác được ký hiệp định hòa bình với nước Đức vào ngày 12 tháng Chín ở Moskva và khép lại một lịch sử từng bắt đầu với vụ đốt tòa nhà quốc hội và đã dẫn tới những chặng nghỉ khủng khiếp như cuộc tàn sát người Do thái tháng Mười một năm 1938, 1 tháng Chín năm 1939 và 22 tháng Sáu năm 1941 và dẫn đến chia cắt nước Đức và chiến tranh Lạnh, rồi nói rằng: ‘Được sự đồng thuận của các nước láng giềng và các nước thắng trận, tại đây chúng tôi ký kết điều luật cuối cùng’ đó là một khoảnh khắc tôi không muốn thiếu vắng trong đời.’
‘Đó là thời kỳ sáng tạo nhất đời tôi’, Günther Krause, Chủ tịch Đảng liên minh CDU, quốc vụ khanh của quốc hội, của thủ tướng chính phủ và trưởng đoàn đàm phán hiệp ước thống nhất, kết luận. ‘Đó cũng là một thời kỳ vắt kiệt sức lực. Nhìn nhận về mặt sinh học, khi đó người ta không chỉ già đi nửa tuổi, mà là ba hay thậm chí là bốn tuổi, vì ngủ quá ít.’
Nhiều người mô tả một ngày làm việc bắt đầu lúc 6 giờ và thường tới sau 22 giờ mới kết thúc. Bộ trưởng văn phòng chính phủ Klaus Reichenbach kể lại là ông thường đạt tới gần giới hạn có thể làm việc được. Trung bình đêm đêm ông ra khỏi tòa nhà Hội đồng bộ trưởng giữa 23 và 1 giờ và rồi 7 giờ lại có mặt ở bàn viết. Trong thời gian ấy ông hai lần bị mất thính giác.
Và thủ tướng chính phủ nói: ‘Sáng nào tôi cũng được đón vào sáu rưỡi và đêm nào cũng được trả về lúc một rưỡi. Rồi nếu hôm đó là thứ Ba thì tôi còn phải đọc các dự thảo của nội các của ngày thứ Tư. Và cứ như thế thứ Bảy, Chủ nhật, thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật. Tôi may mắn lắm: Tôi có thể ngủ vào bất kỳ hoàn cảnh nào. Khi ngồi vào ghế sau chiếc xe công vụ, tôi ngả lưng xuống và ngủ từ Treptow tới tòa nhà hội đồng bộ trưởng. Và khi phải đi từ tòa nhà này tới một nơi nào đó, thì tôi ngủ tiếp đợt nữa. Tôi luôn bảo với các vệ sỹ của mình: ‘Các anh có ba ca để đổi, còn tôi chả được đổi ca bao giờ.’
Tôi hứa với Justus Frantz sẽ làm nghệ sỹ biểu diễn solo tại buổi hòa nhạc khai mạc liên hoan Mecklenburg-Vorpommern. Và rồi đem theo nhạc cụ của mình và trưa nào cũng luyện tập ở tòa nhà hội đồng bộ trưởng từ lúc 1 đến 2 giờ. Nhân viên của tôi lúc đầu nghĩ bây giờ ông ấy hoàn toàn hóa điên mất rồi! Nhưng việc đó hồi ấy đã giúp tôi rất nhiều, vì tôi có cảm giác ngày được chia ra và anh làm điều gì đó cho riêng mình và tìm cách khiến tâm hồn anh tự hòa điệu với chính mình.’
Günther Krause nói: ‘Thế là dậy lúc 6 giờ, sáng sáng đi ngủ trong khoảng 1 đến 2 giờ. Tôi có thể nhớ lại là hồi tháng Năm đã có lúc nào đấy nói: ‘Tôi ra nhiều mồ hôi quá, chắc mình bị ốm.’ Và lái xe của tôi chỉ bảo: ‘Không, mùa đông qua rồi.’ Người ta không còn nhận biết được gì nữa, quá căng thẳng và ngày nào cũng có những rắc rối mới.’
Đó cũng là một thời kỳ của những cơ hội vĩ đại, khi có thể điều khiển công việc nhanh chóng và đơn giản, không bị bệnh quan liêu cản trở. Ít nhất là Almuth Berger, người được ủy quyền về người nước ngoài, cũng có được kinh nghiệm này: ‘Thứ Năm tôi đến gặp Rainer Eppelmann và nói: ‘Tôi cần một doanh trại!’ Và ông ấy nói: ‘Hm, bao giờ?’ Tôi bảo: ‘Hôm kia!’ Nghĩa là ngay lập tức. Và rồi chúng tôi gọi điện. Và ông ấy xem có doanh trại nào NVA đã dọn đi. Doanh trại đấy phải được trang bị đồ đạc lại và hôm sau tôi có thể đưa người tị nạn vào đó ở.
Hoặc là tôi đến gặp bộ trưởng Tài chính và bảo: ‘Tôi cần tiền để lo cho người tị nạn Do thái đang đến!’ Lúc ấy ông ấy nói: ‘Bao nhiêu?’ Tôi nói: ‘Tôi không biết! Tôi hoàn toàn không tính được!’ Khi ấy ông ấy bảo: ‘Hãy ngồi lại với các vụ trưởng của tôi và cân nhắc, rồi lại đến đây!’ Và rồi tôi ngồi với bọn họ, tìm cách đưa ra các tính toán chắc chắn là mạo hiểm, và đi đến một con số nào đó, chừng này hoặc chừng đó triệu. Rồi tôi lại đến và bảo: ‘Bọn tôi đã tính ra một số nào đó rồi!’ Rồi ông ấy bảo: ‘Ok, bà sẽ được nhận số đó!’
Lothar de Maizière nhắc tới những con số minh họa cho khối lượng công việc khổng lồ của sáu tháng này: 759 Dự thảo của nội các được xử lý, có những Dự thảo được xử lý hai hoặc ba lần. Quốc hội xử lý và ban bố 96 điều luật do Hội đồng bộ trưởng trình lên.
Quá trình ban hành luật được tổ chức như sau: Các quốc vụ khanh họp vào thứ Hai. Tại đây tất cả các Dự thảo luật sửa đổi hoặc thay đổi pháp lệnh của các bộ sẽ được nghiên cứu kỹ và kiểm tra xem có lỗi, có khả thi về kỹ thuật và có tác động chính trị hay không. Kết quả làm việc được đem ra thảo luận với các chủ tịch khối liên minh vào thứ Ba. Sáng sớm thứ Tư, vào lúc 8 giờ, hội đồng bộ trưởng sẽ họp và xử lý các Dự thảo. Sau đó chúng được sửa lại nếu cần và sẽ được đưa sang cho quốc hội. Về nguyên tắc ở đó thứ Năm sẽ đọc lần đầu, thứ Sáu sẽ đọc lần thứ hai và ban bố luật. Vào ngày nghiêm trọng nhất mà bộ trưởng văn phòng Reichenbach nhớ được, có 35 Dự thảo luật và 23 pháp lệnh – đầy cả một va ly.
Xét đến khối lượng công việc thì mức lương có phần khiêm tốn và mọi người đều như nhau: 2750 Mark. Thủ tướng chính phủ được thêm 1000 Mark nữa. Bộ trưởng Môi trường Karl-Hermann Steinberg nói: ‘Ở bộ của Töpfer không có bà thợ lau dọn nào nhận được ít hơn lương bộ trưởng của tôi.’ Vào 1 tháng Bảy đồng Mark Đông Đức trở thành Tây Đức. Mức lương vẫn giữ nguyên.
Gần như tất cả các Bộ trưởng và Quốc vụ khanh đều ở tại các nhà khách của chính phủ, ở Johannishof cạnh phố Friedrichstraße hoặc tại lâu đài Niederschönhausen ở Pankow. Phòng ốc giản dị và không có cá tính, nhưng người ta cũng chỉ ở đó để ngủ một giấc rất ngắn thôi. Giá thuê một phòng là 75 Mark Đông Đức một tháng, giá một căn hộ là khoảng 250 Mark – sau ngày 1 tháng Bảy dĩ nhiên sẽ là D-Mark.
Dù thế hầu như tất cả đều thích nhớ về quãng thời gian này. Bộ trưởng Nội vụ Diestel nói: ‘Tôi ít khi được làm việc chung với nhiều người thông minh đến thế trong nội các này. Họ là những người rất, rất có năng lực. Khi tôi nghĩ đến Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu Terpe, nghĩ đến Regine Hildebrandt, người đã làm việc một cách xuất sắc, tuy trí óc rất lộn xộn, nhưng rất nhân ái và ngay hồi đó đã thông minh nhìn xa trông rộng, cả Günther Krause sau cùng làm quốc vụ khanh trong văn phòng thủ tướng – làm việc tỉ mỉ cùng với những người cùng chí hướng, vào lúc mặc dù thời gian tương đối ngắn, nửa năm, đã có quá nhiều điều xảy ra.’
Ed Stuhler
Trích từ:
Những tuần trăng cuối cùng của CHDC Đức của Ed Stuhler NXB Ch. Links năm 2010
Nguyên tác tiếng Đức: Die letzten Monate der DDR của Edstuhler
Người dịch: Thế Dũng & Thiên Trường -Bản quyền tiếng Việt của VIPEN Edition
VIPEN xuất bản theo hợp đồng chuyển nhượng Bản quyền giữa Ch.Links Verlag với VIPEN Edition(www.vipen.de)
Sách dầy: 306 tr. Khổ 14 x 21 cm Thiết kế bìa: Thai Gottsmann -Trình bày sách: Vũ Xương Minh Phát hành tại CHLB Đức từ tháng 05.2012 Giá sách: 15,90 Euro
Đặt mua theo địa chỉ: peter.knost@berlin.de hoặc the.dung@vipen.de