WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Báo động: họ đã quyết định!

Dư luận gần như đang bị cuốn hút vào những chuyện thời sự nóng bỏng, như thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận lỗi nhưng không từ chức; tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khóc nhưng vẫn quyết tâm duy trì bàn tay sắt của đảng; Điếu Cày và Tạ Phong Tần bị xử những bản án quá dã man; nữ sinh Phương Uyên bị bắt; hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình bị xử 4 năm và 6 năm chỉ vì làm nhạc v.v. Phải rất cảnh giác. Những sự việc ấy đều rất đáng quan tâm và phẫn nộ, nhưng chúng cũng có thể đánh lạc sự chú ý của chúng ta khỏi điều quan trọng hơn nhiều, rất nhiều. Trong khi chúng ta xôn xao bàn luận thì một cách lặng lẽ đảng cộng sản đã quyết định chính sách đối ngoại, và chọn lựa của họ sẽ là một thảm kịch cho đất nước trong nhiều năm nếu không gặp chống đối thực mạnh.

Chế độ chính trị và chính sách đối ngoại

Chế độ chính trị quyết định chính sách đối ngoại và đồng minh. Điều này ngay cả những người bình dân trong mọi quốc gia đều biết. Tục ngữ ta không thiếu những câu như “trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa” (hay ngưu tầm ngưu mã tầm mã), “nồi nào úp vung ấy”. Người Pháp có câu ceux qui se ressemblent s’assemblent. Dân tộc nào cũng có những câu tục ngữ để chỉ sự kiện những người cùng bản chất tự nhiên liên kết với nhau. Đó là sự hiểu biết dân gian.

Sự kiện này – chế độ chính trị quyết định chính sách đối ngoại và đồng minh – cũng rất phù hợp với lý luận và kinh nghiệm chính trị. Chế độ chính trị nào cũng đặt nền tảng trên một ý thức hệ. Ý thức hệ, hay chủ nghĩa, có thể ngu xuẩn và độc hại nhưng vẫn có. Cùng với những giá trị được đề cao, nó qui định những mục tiêu dài hạn của chế độ và những phương thức để đạt tới. Các chế độ cộng sản còn lại, sau khi chủ nghĩa Marx phá sản, đề cao những giá trị không thú nhận như sự giàu có, xa hoa, quyền lực và sự thống trị; mục tiêu của chúng là xây dựng những chính quyền thực mạnh để cầm quyền thực lâu, phương thức cai trị của chúng là bưng bít, dối trá và bạo lực. Các chế độ dân chủ đề cao những giá trị tự do cá nhân, xã hội dân sự, thông tin, ý kiến, sáng kiến, sự lương thiện và sự liên đới; mục tiêu của chúng là xây dựng một xã hội giàu mạnh của những cá nhân đầy quyền lực và bình đẳng trước pháp luật, phương thức cai trị là nhà nước pháp trị và đồng thuận. Người ta không thể hợp tác chặt chẽ và lâu dài với nhau khi theo đuổi những mục tiêu xung đột bằng những phương thức trái ngược. Thực tế là bốn nước cộng sản còn lại –Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Triều Tiên- dù đều khinh ghét nhau cũng vẫn là những đồng minh; vào lúc này ba nước lên tiếng ủng hộ chế độ độc tài khát máu Al-Assad tại Syria đều là những nước độc tài: Nga, Trung Quốc và Venezuela. Cả ba nước này cũng đã từng bênh vực chế độ Gaddafi.

Làn sóng dân chủ thứ tư và cuối cùng

Lịch sử thế giới có thể nhìn như là cuộc hành trình của con người về tự do, để tự giải thoát khỏi sự nghèo đói, các bệnh tật và các bạo quyền. Và vì dân chủ là phương thức tổ chức xã hội phù hợp nhất để thể hiện tự do nên lịch sử thế giới cũng là cuộc hành trình của các dân tộc về dân chủ. Đó đã là một cuộc hành trình khó khăn vì mới cách đây hơn hai thế kỷ trên thế giới đã chỉ có những chế độ chuyên chính. Chúng đã phản ứng dữ dội, cả bằng bạo lực lẫn lý luận, khi dân chủ xuất hiện. Dân chủ đã không thể tiến một cách đều đặn mà theo từng đợt mà các nhà nghiên cứu gọi là những làn sóng dân chủ. Mỗi làn sóng nhắm bác bỏ một ý thức hệ, hay chủ nghĩa, và sau đó đánh đổ một số chế độ lấy chủ nghĩa này làm nền tảng. Giữa hai làn sóng các nước dân chủ phải thỏa hiệp và sống chung với các chế độ độc tài chờ tình thế chín muồi cho một cuộc tiến công mới.

Cho đến nay thế giới đã trải qua ba làn sóng dân chủ. Làn sóng dân chủ đầu tiên bắt đầu với cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ năm 1776 và Cách Mạng Pháp 1789 và nhắm lật đổ các chế độ quân chủ tuyệt đối dựa trên thần quyền. Làn sóng dân chủ thứ hai đã bắt đầu cùng với Thế Chiến II và nhắm đánh đổ chủ nghĩa quốc gia sô vanh. Làn sóng dân chủ thứ ba, khởi đầu từ giữa thập niên 1970, xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản và đánh đổ Liên Xô, hầu hết các chế độ cộng sản và các chế độ độc tài sống nhờ chiêu bài chống cộng (1).

Đặc điểm của làn sóng dân chủ thứ ba là nó đã hoàn toàn diễn ra trong hòa bình. Vũ khí nguyên tử và những quân đoàn hùng hậu của Minh Ước Vacxava đã không bảo vệ được Liên Xô và các chế độ cộng sản Đông Âu bởi vì chủ nghĩa Mác-Lênin đã sụp đổ trong đầu và trong tim các dân tộc. Nó đã có thể tiếp tục và cuốn đi luôn tất cả các chế độ độc tài, nhưng nó đã khựng lại khi tại hai nước dân chủ cột trụ Mỹ và Pháp Bill Clinton và Jacques Chirac lên cầm quyền và theo đuổi chính sách đối ngoại thực tiễn, chủ trương hợp tác thay vì tiếp tục tạo áp lực trên Trung Quốc và các chế độ độc tài còn lại. Chủ nghĩa thực tiễn sử dụng lý luận của chủ trương áp lực mềm, hay diễn biến hòa bình, theo đó những trao đổi kinh tế và văn hóa có tác dụng phá bỏ bức tường bưng bít che chắn cho các chế độ cộng sản, thức tỉnh các dân tộc, kích thích những đòi hỏi nhân quyền và sau cùng tạo ra “diễn biến hòa bình”, nghĩa là thay đổi chế độ trong hòa bình. Tuy vậy, khác với chủ trương diễn biến hòa bình, chính sách đối ngoại thực tiễn chỉ gia tăng hợp tác và trao đổi tối đa với các nước như Trung Quốc và Việt Nam mà không đi kèm với một áp lực nào về nhân quyền. Kết quả là nó đã giúp cho các chế độ này tăng trưởng kinh tế mà vẫn duy trì chế độ toàn trị (2).

Nhưng rồi thời gian và cuộc cách mạng truyền thông đã làm công việc của chúng. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng Internet, đã làm cho trái đất nhỏ lại và đem các dân tộc tới gần nhau. Các dân tộc trong các quốc gia tự do nhìn thấy sự thô bạo mà đồng loại của họ phải chịu đựng dưới các chế độ độc tài và đòi chính quyền của họ phải can thiệp, các dân tộc dưới các chế độ độc tài nhìn thấy cuộc sống trong các nước dân chủ và đấu tranh đòi thay đổi. Và làn sóng dân chủ thứ tư đã tới. Một cách ngoạn mục cả khối Hồi Giáo Trung Đông và Bắc Phi đã đột ngột chuyển động về dân chủ; bốn chế độ độc tài Tunisia, Ai Cập, Yemen và Libya đã sụp đổ, chế độ độc tài Syria đang sống những ngày cuối cùng, các chế độ khác đang cố gắng tự chuyển hóa. Sự thay đổi ngoạn mục này không được làm ta quên rằng làn sóng dân chủ mới này thực ra đã bắt đầu trước tại Đông Nam Á, nghĩa là ngay sát chúng ta. Các chế độ dân chủ hình thức tại Malaysia và Singapore đã trở thành những nền dân chủ thực sự. Chính quyền quân phiệt Thái Lan đã nhường chỗ cho một chính quyền xuất phát từ bầu cử tự do. Miến Điện cũng đã bắt đầu tiến trình dân chủ hóa. Áp lực dân chủ cũng đã tăng lên rất mạnh mẽ tại Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ. Làn sóng dân chủ này cũng tác động ngay tại chính các nước dân chủ phương Tây. Tại đây nó đòi hỏi xét lại và cải thiện dân chủ để dân chủ lành mạnh hơn và đáng mong ước hơn, để dân chủ không đi đôi với đầu cơ, chênh lệch giàu nghèo, nợ công và thâm thủng mậu dịch. Nó là một làn sóng dân chủ toàn cầu. Có mọi triển vọng nó sẽ là làn sóng dân chủ cuối cùng bởi vì các chế độ độc tài còn lại không nhiều, không mạnh và nhất là không còn nền tảng ý thức hệ nào. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị lố bịch hóa và bị đào thải nhưng các chế độ độc tài còn lại không tìm ra được chủ nghĩa nào để thay thế.

Điều đúng trong mọi lúc càng đúng hơn trong lúc này …

Trong hơn hai thế kỷ dân chủ đã tiến những bước rất dài dù bị chống trả. Khi làn sóng dân chủ đầu tiên xuất hiện trên cả thế giới chỉ có bốn nước dân chủ là Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Hà Lan; mà cũng không phải là những nước dân chủ lành mạnh vì Hoa Kỳ còn có chế độ nô lệ, ba nước còn lại là những đế quốc thực dân chà đạp nhân quyền tại các thuộc địa. Một thế kỷ rưỡi sau, khi làn sóng dân chủ thứ hai bắt đầu cùng với Thế Chiến II, cũng mới chỉ có khoảng mười nước đáng được tạm gọi là dân chủ trên tổng số gần 80 nước độc lập. Vào năm 1974 khi làn sóng dân chủ thứ ba bắt đầu tại Portugal có 40 nước dân chủ trên tổng số 150 nước. Sau làn sóng dân chủ thứ ba, vào năm 1996, đã có 120 nước dân chủ trên tổng số 194 nước. Từ đó phong trào dân chủ đã khựng lại do hậu quả của chủ nghĩa đối ngoại thực tiễn như đã nói ở phần trên. Những con số này cho thấy cho tới một ngày rất gần đây dân chủ vẫn còn là một hiện tượng thiểu số và do đó phải thỏa hiệp để sống chung với các chế độ độc tài. Nhưng tình thế đã thay đổi hẳn với làn sóng dân chủ thứ tư mà chúng ta đã và còn đang chứng kiến.

Vào năm 2012 này trên thế giới chỉ còn khoảng mười nước ra mặt chống dân chủ. Nếu kể cả các chế độ “dân chủ gian trá” như Nga và một số nước thuộc Liên Xô cũ thì những chế độ chống dân chủ cũng rất ít ỏi, trong đó cũng chỉ có bốn nước Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Cao Ly là còn công khai khẳng định chế độ độc đảng. Không những ít mà còn yếu và không quan trọng; trọng lượng kinh tế gộp chỉ sấp sỉ 15% tổng sản lượng của thế giới và lại rất thua kém về khoa học kỹ thuật. Điều này có nghĩa là các nước dân chủ vừa không sợ vừa không cần các chế độ độc tài. Không sợ, không cần và cũng không thể dung túng bởi vì với những đòi hỏi dân chủ ngày càng gia tăng từ những quần chúng hiểu biết hơn và mạnh dạn hơn các chế độ độc tài nếu muốn tồn tại không thể chỉ tiếp tục đàn áp mà còn phải gia tăng đàn áp, trong khi đó thì những vi phạm nhân quyền ngày càng bị dư luận lên án gay gắt hơn. Điều đúng trong mọi lúc, nghĩa là chế độ chính trị quyết định chính sách đối ngoại và đồng minh, lại càng đúng hơn từ nay về sau. Các chế độ độc tài nếu không bị tẩy chay thì cũng bị nhìn như những pariah states, nghĩa là những chế độ xằng bậy càng ít quan hệ càng tốt, và sẽ mất đi phần lớn thị trường và những cơ hội hợp tác tại các nước dân chủ. Như thế thì dù muốn hay không các chế độ này cũng phải co cụm lại với nhau và dựa vào nhau mà sống, ngay cả nếu thù ghét nhau. Trong bối cảnh thế giới mới mà làn sóng dân chủ thứ tư mang lại sẽ không còn sự nhập nhằng, giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa phải chọn một trong hai. Từ nay chọn lựa duy trì chế độ độc tài tương đương với chấp nhận hy sinh sự hợp tác với các nước dân chủ.

… và lại càng đúng cho Việt Nam

Chọn lựa tuyên chiến với các giá trị dân chủ và nhân quyền, và do đó với các nước dân chủ, có nghĩa là Việt Nam sẽ trơ trọi trước áp lực lấn chiếm của Trung Quốc. Không ai bận tâm bảo vệ một nhà nước côn đồ. Bài học Trường Sa 1988 vẫn còn đó. Vũ khí tự vệ duy nhất của chế độ cộng sản Việt Nam sẽ chỉ là van xin, và muốn như thế thì lại càng phải đến gần Trung Quốc hơn và cúi đầu thấp hơn. Nhưng van xin cũng vô ích vì Bắc Kinh đã biểu lộ quá rõ ý đồ chiếm đoạt Biển Đông. (Ngay trong tháng 10 vừa qua, theo báo chí trong nước, mặc dù Hà Nội đã bày tỏ chọn lựa phục tòng, Trung Quốc vẫn tiếp tục khủng bố ngư dân ta trên Biển Đông, đánh chìm hai tàu đánh cá, làm năm ngư dân Việt Nam thiệt mạng). Mất chủ quyền trên Biển Đông là điều chắc chắn nếu đảng cộng sản vẫn cầm quyền để thi hành chính sách chư hầu Trung Quốc.

Cũng không phải chỉ có thế. Kinh tế sẽ suy sụp và đời sống một phần lớn nhân dân sẽ cơ cực bởi vì Việt Nam sẽ mất dần thị trường tại các nước dân chủ. Với tổng số ngoại thương (xuất khẩu +nhập khẩu) gần bằng 200% GDP so với tỷ lệ 50% trong một nước bình thường, chúng ta là một trong vài nước lệ thuộc năng nề nhất vào thị trường thế giới;  xuất khẩu sang các nước dân chủ chiếm 80% trong đó gần 50% sang Mỹ, Châu Âu và Nhật; Việt Nam thặng dư 13,4 tỷ USD trong buôn bán với Mỹ và thâm thủng 13,8 tỷ USD với Trung Quốc. Mất thị trường của các nước dân chủ chúng ta sẽ phá sản. Nhưng đó là điều chắc chắn sẽ xảy ra khi sự chọn lựa lệ thuộc Trung Quốc để chống dân chủ đã rõ ràng. Hiện tượng này thực ra đã bắt đầu, các nước dân chủ đã bắt đầu chán ngán Việt Nam, chủ tịch và thủ tướng không còn được tiếp đón tại Hoa Kỳ và Châu Âu, đầu tư nước ngoài và ngoại thương đã suy giảm rõ rệt.

Tóm lại chọn lựa kiên trì chủ nghĩa xã hội và chống lại dân chủ đưa đến hậu quả là phải phục tùng Trung Quốc, mất quyền lợi trên Biển Đông và đưa đất nước vào cảnh bần cùng.

Đó là chính chọn lựa của những người lãnh đạo CSVN. Họ đã chọn. Chúng ta có thể thấy là chính sách đàn áp đã thô bạo hẳn lên, như các vụ án chính trị gần đây và bản án hai nhạc sĩ Việt Khang và Anh Bình vừa chứng tỏ. Họ ngang ngược thách thức dư luận thế giới và các chính quyền dân chủ. Chúng ta cũng có thể thấy là những người cầm đầu chế độ dù chống đối nhau nhưng không ai phản đối những vụ án thô bỉ này. Không ai thắc mắc khi Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố chủ trương “giữ nguyên trạng Biển Đông”,  nghĩa là mặc nhiên chấp nhận việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng không ai lên tiếng sau khi Nguyễn Chí Vịnh nhân danh chế độ tuyên bố hoàn toàn ngả theo Trung Quốc. Và chúng ta cũng có thể lưu ý là trong bộ chính trị ĐCSVN không có nhà ngoại giao nào; sự hiểu biết về thế giới không cò cần thiết nữa vì chính sách đối ngoại đã quyết định rồi.

Một chọn lựa khác là đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước dân chủ, để tận dụng các thị trường lớn, để học hỏi kỹ thuật và phương pháp. Việt Nam không những sẽ tăng trưởng kinh tế một cách rất mạnh mẽ mà còn được bảo vệ bởi công pháp quốc tế và nhờ đó có thể có những quan hệ hợp tác thực sự lành mạnh và hữu nghị với Trung Quốc. Chọn lựa này có lợi cho Việt Nam về mọi mặt, nhưng những người lãnh đạo cộng sản đã gạt đi vì nó đòi hỏi Việt Nam phải từng bước dân chủ hóa trong khi họ không tin rằng đảng cộng sản có thể tồn tại trong một nước Việt Nam dân chủ.

Một ngộ nhận lớn

Phản hồi bài “Họ đang đưa đất nước vào ngõ cụt và đêm đen” (3) tháng trước của tôi một thân hữu cho rằng tình trạng hiện nay cũng chẳng có gì mới bởi vì không phải bây giờ mà từ lâu rồi chính quyền cộng sản đã chọn làm tay sai Trung Quốc. Bạn này không nhìn thấy một quyết định mới và rất nghiêm trọng của đảng cộng sản. Dù muốn hay không cũng phải nhìn nhận rằng trong hơn hai mươi năm qua, do sự trao đổi với các nước dân chủ, Việt Nam đã dần dần thay đổi nhiều. Thông tin nhanh chóng và đầy đủ hơn, những tuyên truyền dối trá và xuyên tạc của chính quyền cộng sản trở thành vô ích và vô duyên, bản chất thực sự của chính quyền được phơi bày, sự sợ hãi cũng giảm đi. Một tiến trình dân chủ hóa đã hình thành, dù là một cách chậm chạp, mà chúng ta, những người dân chủ, cố gắng thúc đẩy để tăng vận tốc. Đảng cộng sản, hay đúng hơn những người lãnh đạo cộng sản, đã quyết định chặn đứng tiến trình này dù cái giá phải trả là khiến Việt Nam cô lập và trở thành mồi ngon cho Trung Quốc, mất đi sự hợp tác và thị trường của các nước dân chủ và đưa đất nước trở lại cảnh thiếu đói. Không phải vẫn như cũ. Đây là một tình hình mới và nguy hiểm mà chúng ta phải báo động với dư luận.

Nhận định về một bài xã luận của báo Thông Luận(4), một trí thức viết: “lý luận cho rằng đã dân chủ tất nhiên phải dựa vào Trung Quốc chẳng có giá trị gì”. Trí thức Việt Nam, ngay cả những người ít nhiều quan tâm đến chính trị, hình như không nhìn thấy mối quan hệ mật thiết và bắt buộc giữa ý thức hệ và chính sách đối ngoại và đồng minh. Chúng ta hình như nghĩ rằng nước mình quá nhỏ yếu chẳng có ảnh hưởng gì, hơi đâu mà quan tâm và suy nghĩ về thế giới. Đó là một ngộ nhân lớn. Càng yếu chúng ta càng lệ thuộc vào thế giới bên ngoài và càng cần phải hiểu bối cảnh quốc tế. Một người Mỹ có thể không cần biết những gì đang xảy ra trên thế giới, nhưng một người Việt thì khác.

Nếu nhìn lại lịch sử cận đại của chúng ta thì hầu hết các thảm kịch quốc gia lớn đều đã do sự thiếu hiểu biết bối cảnh thế giới của những người có vai trò lãnh đạo. Năm 1945 thay vì đoàn kết toàn dân để giành độc lập, Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã áp đặt chủ nghĩa Mác-Lênin và tiêu diệt các chính đảng không cộng sản, với kết quả là nội chiến. Nếu hiểu biết về thế giới hơn một chút thì người ta đã phải thấy rằng du nhập chủ nghĩa này vào Việt Nam là một sai lầm lớn. Nó đã bị chứng minh là sai và bị vất bỏ tại Châu Âu, cái nôi của nó, từ lâu rồi. Năm 1960 thay vì hòa giải giữa hai miền Nam Bắc để từng bước tiến lại gần nhau và thống nhất đất nước trong hòa bình người ta đã hăm hở phát động nội chiến mà không biết rằng với chiến tranh lạnh đang lên tới cao điểm vào lúc đó cuộc chiến sẽ chắc chắn bị quốc tế hóa với cái giá kinh khủng cho đất nước. Kết quả là đất nước tan tác, sáu triệu người chết và tàn phế, cùng với những đổ vỡ tình cảm mà phải nhiều thế hệ mới có thể hàn gắn. Năm 1975 thay vì thực hiện hòa giải dân tộc, người ta đã chọn cóp nhặt toàn bộ mô hình Liên Xô sắp phá sản, đinh ninh rằng chủ nghĩa tư bản sắp giẫy chết. Giữa thập niên 1980 khi làn sóng dân chủ đang đạt tới cao điểm của nó, thay vì tỉnh ngộ và thẳng thắn chuyển hướng về dân chủ người ta chọn quỳ xuống hàng phục Trung Quốc. Tất cả đều là hậu quả của sự thiếu văn hóa và thiếu hiểu biết về bối cảnh thế giới.

Ngày hôm nay đảng cộng sản lại đang làm một chọn lựa điên dại khác là quay lưng lại với thế giới và tiếp tục ôm chân Trung Quốc để hy vọng giữ được chính quyền. Đây là một chọn lựa độc hại cho đất nước nhưng cũng khờ khạo cho chính đảng cộng sản. Họ sẽ không giữ được chính quyền lâu dài bởi vì chính chế độ Bắc Kinh mà họ muốn dựa vào để tồn tại cũng sẽ không đứng vững trong bối cảnh thế giới mới. Thời gian của các chế độ cộng sản đã hết, thời gian của các chế độ độc tài cũng đã hết. Tất cả sẽ bị cuốn đi trong làn sóng dân chủ mới này. Sự ngoan cố của đảng cộng sản có thể giúp chế độ kéo dài thêm một vài năm nhưng sẽ chỉ khiến nó sụp đổ một cách ô nhục hơn và bi thảm hơn.

Nhưng trong bao lâu? Chúng ta không thể dự đoán bởi vì câu trả lời chủ yếu tùy thuộc chính chúng ta. Với quyết tâm và sáng suốt chúng ta vẫn còn có thể buộc đảng cộng sản từ bỏ chọn lựa độc hại này để chuyển hướng về dân chủ. Đó sẽ là một chọn lựa đúng cho đất nước và cho mọi người. Kể cả và nhất là cho những người cộng sản.

(11/2012)
© Nguyễn Gia Kiểng

14 Phản hồi cho “Báo động: họ đã quyết định!”

  1. S.Lam says:

    Mặc dù có vài chi tiết khiến cho một số người bắt bẻ này nọ,bài viết của ông NGK đã nêu lên được một vấn để tối quan trọng mà nhiều người trong chúng ta còn lờ mờ chưa ý thức được,đó là đảng CSVN trong thực tế đã mặc nhiên thừa nhận rằng mình là chư hầu của đảng CS Trung Quốc,mở đầu một giai đoạn Bắc thuộc mới cho dân tộc VN,tất cả những “động thái” bây giờ và trong tương lai của chính quyền VN chỉ là những “hư chiêu” hoặc màn khói che đậy sự thực lịch sử nầy : đảng CSVN chỉ có thể tồn tại nếu tự gắn mình vào sự tồn vong của đảng CSTQ ! Cảm ơn ông NGK !

  2. NGUYEN ANH HÙNG says:

    NAY TRUNG QUỐC BỎ MÁC BỎ LÊ,BỎ CẢ LÔNG (mao) KHÔNG DÙNG ÔNG TRỌNG DÁM CHỐNG TRUNG QUỐC ,CỨ DÙNG LƯỠ LÊ VỚI GIÁO MÁC DỂ GIẾT DÂN,XEM CÓ BỊ GÕ ĐẦU KHÔNG.

  3. Tri Dan says:

    Đảng cộng sản Việt nam không ngộ nhận hay thiếu sự nhận định xác đáng về thời cuộc hiện nay trên thế giới mà đã đưa dân tộc Việt vào ngõ cụt v.v và v.v… hoàn toàn sai lầm và có thể là hơi quá cho phép về sự quá viễn kiến của mình về thời cuộc thế giới hiện nay trước đảng cộng sản cuả các quí vị học giả trí thức anh minh mà các qúi vị quên đi mục đích tối thượng cuả đảng cộng sản – Điều không cần phải tốn nhiều giấy mực tranh cãi, bàn luận về sự ,, ngu dốt” ,,sai lầm” của đảng cộng sản là Đảng cộng sản Việt nam cố tình làm vậy và chủ trương đường lối cuả Đảng là vậy! Là bằng mọi giá giữ vững vai trò thống trị cuả đảng trong mọi sự biến động thay đổi cuả thời cuộc, cho nên Đảng tìm kiếm và sử dụng mọi sự hiểu biết theo chiều ngược lại. Vận dụng và khai thác những đặc tính hạn chế, yếu kém của giới học giả, trí thức là thích khoe chữ và thích dạy đời cho mục đích xây dựng và củng cố vai trò thống trị xã hội cuả đảng nên Đảng chấp nhận làm tất cả, kể cả là cái sai nếu cái sai đó củng cố được vai trò của Đảng…Đảng ta không thiếu văn hóa, không thiếu hiểu biết như qúi vị đã nghĩ và phân tích đâu?..

  4. Nguyễn Gia Kiểng says:

    Bạn Trung Kiên nhận xét;
    Vị “trí thức” nào đó (?)… nhận định về một bài xã luận của báo Thông Luận (4)…đã dở như cháo vữa lại còn vô duyên khi viết rằng:..“lý luận cho rằng đã dân chủ tất nhiên phải dựa vào Trung Quốc chẳng có giá trị gì”.
    Có một lỗi đánh máy làm sai hẳn câu phát biểu của vị này. Nguyên văn câu chót là
    “lý luận cho rằng đã chống dân chủ tất nhiên phải dựa vào Trung Quốc chẳng có giá trị gì”.
    Thiếu một chữ “chống” làm câu viết trở thành vô nghĩa.
    Xin cảm ơn bạn Trung Kiên và xin cáo lỗi cùng quí độc giả.
    Thân lính,
    Nguyễn Gia Kiểng

  5. Bài chủ của Bác NG Kiểng nói chung là rất hay và rất có ý nghĩa tuy có một vài câu hơi lủng củng và khó hiểu. Dù vậy Lê tôi cũng xin góp vài ngu ý. Đã đành hiện nay lực lượng đấu tranh cho cuộc Cánh mạng Chính trị của Dân tộc VN rất cần Ngoại Lực, nhưng Nội Lực lại giữ vai trò chủ đạo. Toàn Dân VN phải đứng dậy thì Thế giới mới giúp mình được. Bằng chứng Cách mạng Hoa ở các nước Châu Phi cho ta thấy rất rõ. Nhưng các nhà Dân chủ VN Hải ngoại phải hiểu cho rằng muốn lật đổ cs độc tài toàn trị không thể đấu tranh ôn hoà (nói bằng miệng) với độc tài được đâu mà phải có kết hợp với quân sự. Tôi mạo muội tin rằng không một vị nào có kiến thức mà không đồng ý như thế. Nhưng than ôi thủ tục đầu tiên thì tính sao đây!? thưa Chư vị Hào kiệt bốn phương !?

  6. silver price says:

    Nếu bạn đã tạo ra trang này trong vài phút qua mà nó vẫn chưa hiện ra, có thể là tại vì database (cơ sở dữ liệu) chưa được cập nhật. Xin hãy làm sạch bộ nhớ , hoặc chờ và xem lại sau trước khi tái tạo trang. Nếu bạn đã tạo ra bài với tên này trước đây, nó có thể đã bị xóa . Xem nhật trình xóa .

  7. hạt bụi says:

    Đọc qua ý kiến đóng góp của các vị trí thức trưởng thượng, xét rằng vị nào cũng quan tâm đến vận mệnh độc lập tự do sống còn của Dân Tộc Việt Nam, và mỗi người một vẽ mười phân vẹn mười.Thật vậy, giống như bàn tay 5 ngón dài ngắn không giống nhau, nhưng cùng hợp lực trong mọi hoàn cảnh, khi thì gắp thức ăn, lúc hý hoáy vẽ vời trên bàn học/ bàn tính, hay cả khi vào wash room…, để rồi việc nào cũng làm xong dù là dơ sạch, dài ngắn khác nhau nhưng không chống trái mà cùng chung một mục đích là làm cho được việc hài hoà.
    Vấn đề bức thiết nhất là tránh lý luận những dị biệt trong lúc cần hợp lực để gom tất cả những cao kiến mà áp dụng, thực hành, chứ không phải phân tích lý thuyết khiếm khuyết, mà nêu những cái hay, thực tiển để hậu thuẩn đồng bào trong nước” LÀM những điều CS SỢ” như chúng đã và đang rối trí, lo sợ, tận dụng bạo lực, gông cùm, tù đày và những hành động khủng bố đê tiện đàn áp những người con gái nhỏ nhắn chân yếu tay mềm; nhưng ý chí kiên cường, dũng cãm dấn thân DÁM LÀM CS SỢ như Phương Uyên, Thục Vy, Thanh Nghiên, Phong Tần, Công Nhân, Bùi Hằng Mẹ Nấm, … và nhiều lắm những chị em ẩn khuất nhưng bất khuất của hạt bụi trên từng ngỏ ngách của quê hương VN không thể kể hết được.
    Mong quý vị tri thức hãy tán dương những cao kiến của những người khác chính kiến, hầu đóng góp tích cực hửu hiệu hơn cho sứ mạng chung là sớm giải thể tập đoàn CSVN tay sai Tàu Cộng gian ác.

    • Builan says:

      Xin được TÁNG DƯƠNG ý kiến cuả bạn

      “..Vấn đề bức thiết nhất là tránh lý luận những dị biệt trong lúc cần hợp lực để gom tất cả những cao kiến mà áp dụng, thực hành, chứ không phải phân tích lý thuyết khiếm khuyết, mà nêu những cái hay, thực tiển để hậu thuẩn đồng bào trong nước” LÀM những điều CS SỢ” như chúng đã và đang rối trí, lo sợ, tận dụng bạo lực, gông cùm, tù đày và những hành động khủng bố đê tiện đàn áp những người con gái nhỏ nhắn chân yếu tay mềm; nhưng ý chí kiên cường, dũng cãm dấn thân DÁM LÀM CS SỢ như Phương Uyên, Thục Vy, Thanh Nghiên, Phong Tần, Công Nhân, Bùi Hằng Mẹ Nấm, … và nhiều lắm những chị em ẩn khuất nhưng bất khuất của hạt bụi trên từng ngỏ ngách của quê hương VN không thể kể hết được…”.

      Góp thêm một chút .
      _ Nên LỜ ĐI nhưng còms cuả BB – Tránh tranh caĩ với những caí đầu “thuộc đĩnh cao trí tuệ loài Vem”- nhửng CCCĐ> công cụ cuả đảng ! CC mất thì giờ vô ích ! Thay vào đó đưa- dẫn LINK bài viết hay, thật .. — giúp khai tâm mở trí cho họ !
      Kính chào

  8. Trung Kiên says:

    Khi viết bài này có lẽ vì long thể bất an nên ông Nguyễn Gia Kiểng gõ chữ hơi bị “lộn xà ngầu”?

    Vị “trí thức” nào đó (?)… nhận định về một bài xã luận của báo Thông Luận (4)…đã dở như cháo vữa lại còn vô duyên khi viết rằng:..“lý luận cho rằng đã dân chủ tất nhiên phải dựa vào Trung Quốc chẳng có giá trị gì

    Tại sao đã dân chủ, không cố gắng tạo nội lực, đứng trên đôi chân của mình và ngoại giao với tất cả các cường quốc, mà lại tất nhiên phải dựa vào Trung Quốc?

    Đã vậy, chỉ vì một ông “trí thức” dở hơi kia (?) mà ông Nguyễn Gia Kiểng vơ đũa cả nắm khi phán rằng; …”Trí thức Việt Nam, ngay cả những người ít nhiều quan tâm đến chính trị, hình như không nhìn thấy mối quan hệ mật thiết và bắt buộc giữa ý thức hệ và chính sách đối ngoại và đồng minh“. (!)

    Ông Kiểng xem thường trí thức VN quá đấy!

    Đọc câu này của ông Kiểng:….”Chúng ta hình như nghĩ rằng nước mình quá nhỏ yếu chẳng có ảnh hưởng gì, hơi đâu mà quan tâm và suy nghĩ về thế giới. Đó là một ngộ nhân lớn. Càng yếu chúng ta càng lệ thuộc vào thế giới bên ngoài và càng cần phải hiểu bối cảnh quốc tế. Một người Mỹ có thể không cần biết những gì đang xảy ra trên thế giới, nhưng một người Việt thì khác“…

    …xem ra còn khó hiểu hơn cả “Tổ quốc ăn năn” nữa!!!

  9. Võ Trang says:

    “ Nếu nhìn lại lịch sữ cận đại… “ như ông đã viết, đảng CSVN đã đặt quyền lợi của họ lên trên tất cả. Từ sự bất tài và lạc hậu, cái mặc cảm cô đơn trong thế giới ngày nay là 1 cảm giác khũng khiếp của những người lãnh đạo CSVN mà sự giao tiếp với Tây Phương , nhất là với Mỹ sẽ là 1 mầm mống của tai họa cho chế độ qua những diễn tiến dù là hòa bình. Đó là tại sao sau cuộc chiến biên giới năm 1979 với Trung Cộng, mặc dù Lê Duẫn đã ép Quốc Hội CSVN phải ghi vào hiến pháp Trung Cộng là kẻ thù truyền kiếp cùa Việt-Nam, họ đã phải muối mặt, nhục nhả trở lại thần phục Trung Cộng sau khi Liên Sô và khối CS Đông Âu sụp đổ – một sự kiện mà CSVN không bao giờ tiên đoán trước được, nhất là sau khi toàn chiếm miền Nam, một chứng minh cho sự thành công của phong trào CS quốc tế do Liên Sô lãnh đạo…

    Những tuyên bố “bợ đít” đến độ làm nhục cả quốc thể của 2 tên tướng Nguyễn Chí Vịnh và Phùng Quang Thanh đã có từ 2 năm nay, khi những tranh chấp về biên giới và Biển Đông đã không còn che dấu được nữa. Những trấn áp cũng đã được thực hiện trong cùng thời gian này. Gần đây lại càng lộ liễu, không phải vì CSVN đã dứt khoát đi theo Trung Cộng mà vì lá bài đu dây đã hết hiệu nghiệm sau việc Hoa Kỳ tuyên bố trở lại Châu Á?

    Tâm trạng bất an, mặc cảm sợ hải của những kẻ bất tài đã làm cho CSVN mất nhiều cơ hội để làm lợi cho đất nước. Vì Hoa Kỳ không cần can thiệp vào nội bộ của 1 nước ngoài nếu họ không có gì để lo nghĩ – như trường hợp Cuba mà đã 50 năm qua vẫn không có gì thay đổi, bất cứ 1 cách mạng bền vững nào cũng phải do người Việt-Nam tự mình đồng lòng đứng dậy mà thôi!

  10. Lâm Vũ says:

    - “Càng yếu chúng ta càng lệ thuộc vào thế giới bên ngoài và càng cần phải hiểu bối cảnh quốc tế. Một người Mỹ có thể không cần biết những gì đang xảy ra trên thế giới, nhưng một người Việt thì khác.
    Câu trước đúng trăm phần trăm, nhưng câu sau lại “chớt wớt” hay ít nhất, gây hiểu lầm nguy hiểm. Từ lâu, “người Mỹ” hiểu “kiến thức là sức mạnh” và thu thập thông tin về sinh hoạt văn hóa chính trị xã hội từ mọi xó xỉnh trên toàn thế giới. Tài liệu về lịch sử VN cận đại của thư viện Congress ở Washington DC chắc đọc cả đời không hết!

    Cũng có thể tác giả định nói rằng chính sách ngoại giao “người Mỹ” không lý gì tới quyền lợi của những nước khác, nhất là những nước nhỏ. Nhưng trong trường hợp này, câu văn trên hoàn toàn thiếu chính xác!

    - “Giữa thập niên 1980 khi làn sóng dân chủ đang đạt tới cao điểm của nó, thay vì tỉnh ngộ và thẳng thắn chuyển hướng về dân chủ người ta chọn quỳ xuống hàng phục Trung Quốc. Tất cả đều là hậu quả của sự thiếu văn hóa và thiếu hiểu biết về bối cảnh thế giới.
    Theo tôi, kết luận của tác giả (in đậm) không đúng! Chính vì lúc đó CSVN biết rằng thế giới đã thay đổi, chỉ còn TQ chấp nhận “nâng đỡ” chính quyền Hà Nội – dĩ nhiên đổi chác với “nhượng bộ” chủ quyền quốc gia và lãnh thổ tư phía VN – nên Hà Nội từ thế đối đầu với TQ, quay sang xin làm chư hầu. Nói giản dị, Hà Nội dâng đất nước cho TQ để tiếp tục độc quyền cai trị VN, dựa trên sức mạnh quân sự và kinh tế của Bắc Triều.

    Sự ngu xuẩn của Hà Nội ở chỗ đã không hiểu rằng chính Bắc Kinh lúc đó đang bị cô lập hoàn toàn, vì ngoài Bắc Hàn, họ chẳng có “bạn bè” nào khác cả. Do đó, TQ rất cần có đồng minh. Quyết định dâng cả giang sơn gấm vóc của Tổ Tiên để lại cho Tầu, là sự đổi chác quá dại dột, ngu muội.

    Trong lịch sử trên 2000 năm thông giao giữa hai nước, Tầu và VN, chưa bao giờ Bắc Triều lại vớ được món “bở” như vậy!

    LV
    Viết thêm:
    Tác giả NGK dùng từ “trí thức” một cách khá tùy tiện và (hay “để”) đương nhiên xếp mình vào giới này! Theo tôi, “trí thức” có hai nghĩa chính: thứ nhất, chỉ những người chủ yếu làm công việc thu thập, học hỏi và truyền bá kiến thức nói chung đến quảng đại quân chúng; thứ hai, chỉ những người hiểu biết rộng rãi trong hầu hết các vấn đề văn hóa xã hội.

    Nếu NGK dựa trên phát biểu của vài người quen biết của mình để kết luận rằng: “Trí thức Việt Nam, ngay cả những người ít nhiều quan tâm đến chính trị, hình như không nhìn thấy mối quan hệ mật thiết và bắt buộc giữa ý thức hệ và chính sách đối ngoại và đồng minh” thì rất… tùy tiện. Người “trí thức Việt Nam” nào lại không biết về những điều căn bản đó!?

    “Quan hệ mât thiết” thì đúng, nhưng có nhất thiết là “bắt buộc” hay không? Thời thập niên 1960s trở đi, Liên Xô và TQ đều chúng một ý thức hệ CS, nhưng có liên hệ “ngoai giao và đồng minh” hay thù nghịch với nhau? Không phải là họ, LX và TQ, đã có chính sách ngoại giao song phương hoàn toàn dựa trên quyền lợi quốc gia hơn là ý thức hệ hay sao).

    Không phải ngay cả giữa CSTQ và CSVN cũng đánh nhau chí choé tứ 1979 mãi cho đến khi CSVN ngoảnh lại thấy mình hoàn toàn cô đơn, bèn quay ra xim hòa và triều cống Băc Kinh – để “giữ đảng” hay sao? Vì quyền lơi bản thân hay vì “ý thức hệ”?

Leave a Reply to S.Lam