Giàu, nghèo đều khóc
Trong cùng một cái bánh thu nhập thì 20% người giàu được “xơi” tới 60%; người khá giả được “xơi” 16,6%; người nghèo chỉ 4,3%… Tuy vậy, dù giàu hay nghèo thì họ đều đang cùng có một đời sống u ám, phập phồng; trên 90% người dân đồng ý “đạo đức xã hội ngày càng kém đi, ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng”.
Trên đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học Chất lượng cuộc sống người dân TP.HCM trong bối cảnh kinh tế hiện nay, do viện Nghiên cứu phát triển tổ chức hôm qua 20.12.
Bức tranh chất lượng sống u ám
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, TP.HCM hiện có hơn 10 triệu người dân, với 20 nhóm ngành nghề. Dù khác nhau về thu nhập và nhu cầu hưởng thụ, nhưng họ đều cùng bị ba yếu tố tác động đến chất lượng cuộc sống, gồm: kinh tế suy giảm; môi trường xã hội, ô nhiễm môi trường sống và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, xét đến cùng, so với nhóm người thu nhập cao và trung bình, thì nhóm người nghèo và nhóm yếu thế bị tác động, tổn thương nhất bởi cả ba yếu tố trên.
Theo đó, hầu như tất cả tiêu cực xã hội đều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của họ, vì họ không có tiền để “bôi trơn” nên gặp rất nhiều phiền hà khi cần giải quyết vấn đề liên quan đến pháp luật, thủ tục hành chính, giấy tờ, chứng nhận. Cũng vì không có các tiện nghi tốt để khắc phục và thích nghi nên nhóm người này cũng phải chịu ô nhiễm môi trường, khói bụi, tiếng ồn, ngập úng ở tất cả các không gian sống, từ đi lại trên đường phố đến nơi làm việc, cư trú và nghỉ ngơi.
Còn nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Thuỵ Diễm Hương, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho thấy: đời sống tinh thần và vật chất của người công nhân nhập cư đang ở mức “rất thấp”. 58% công nhân thu nhập từ 2 – 3 triệu đồng; gần 40% thu nhập dưới 2 triệu đồng; trong đó trên 34% chi tiêu ở mức thấp dưới 1 triệu đồng/tháng; trên 40% chi tiêu từ 1 – 2 triệu đồng/tháng. Trên 70% công nhân sống nhà trọ với điều kiện chật hẹp, thiếu ánh sáng, nước sạch… Môi trường làm việc cũng không đảm bảo, với trên dưới 40% phải làm việc trong điều kiện nóng nụi, tiếng ồn, thậm chí nguy hiểm… Đời sống văn hoá công nhân thì “không phim ảnh, sách báo, giải trí, kết bạn…”
Tuy nhiên, bức tranh chất lượng sống u ám này còn được các nhà khoa học cho thấy ở tầng lớp người giàu, thu nhập cao. Nghiên cứu của TS Lê Thị Mai, trường đại học Tôn Đức Thắng cho thấy, nhóm doanh nhân trên địa bàn thành phố hiện nay dù thu nhập cao nhưng chất lượng sống đang ở mức xung đột lớn ở thời gian, công việc và hành vi. Họ đều dễ bị căng thẳng, áp lực cao do những xung đột công việc ở môi trường làm việc đa văn hoá, gồm những nhóm xã hội khác nhau hướng đến những giá trị khác nhau. ThS Phạm Thanh Thôi, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết, nghiên cứu ở khu Phú Mỹ Hưng liên tục trong ba tháng cho thấy “người giàu cũng khóc”. Dù đời sống vật chất người dân ở đây cao nhưng đời sống tinh thần của họ lại nhiều vấn đề, khổ sở, từ chất lượng cuộc sống gia đình đến đời sống văn hoá…
Ra đường là sợ
Theo bà Nguyễn Thị Dân, sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM, quản lý Nhà nước hiện quá yếu kém, tương tự là vấn đề an sinh xã hội. “Ngày xưa đời sống tinh thần chúng tôi tốt lắm, mọi người yêu thương, đùm bọc nhau, tin tưởng nhau. Nhưng nay ra đường là sợ, an ninh trật tự không đảm bảo, dân e dè với nhau; cơ chế chính sách kinh tế, xã hội đáng ra phải đảm bảo nhưng hiện không thuyết phục và trúng lòng dân”, bà Dân nói.
Theo bà Hồ Tố Anh, học viện Chính trị hành chí khu vực 2, vấn đề hạn chế trong hưởng thụ những giá trị văn hoá, nghệ thuật của người dân hiện nay đang là một thiệt thòi lớn trong việc nâng cao nội lực, nuôi dưỡng đời sống tinh thần, tâm hồn cho cá nhân. “Người công dân đô thị đang thiếu cả tri thức và kỹ năng tiếp cận văn hoá, nghệ thuật. Đặc biệt là sự chênh lệch quá xa giữa các quận trung tâm với quận huyện vùng ven như: Thủ Đức, quận 9, 12, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn…”, bà Anh kết luận.
36% người dân hài lòng với công việc hiện tại
Nghiên cứu của GS Bùi Thế Cường chỉ ra một bức tranh rất buồn: trong cùng một cái bánh thu nhập thì 20% người giàu được “xơi” tới 60% cái bánh; người khá giả được “xơi” 16,6%; người nghèo chỉ 4,3%… trên 90% người dân đồng ý “đạo đức xã hội ngày càng kém đi, ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng…. “Chỉ 36% người dân hài lòng với công việc hiện tại, dưới 50% hài lòng với cuộc sống gia đình… TP.HCM đang ở mô hình nào theo bình đẳng xã hội?”, là câu hỏi mà ông Cường day dứt đặt ra.
TS Lê Thanh Tùng, đại học Tôn Đức Thắng cho biết: chất lượng đời sống đi lên chỉ khi thu nhập khả dụng (gồm yếu tố tiêu dùng và tiết kiệm) phải đi lên. Nhưng nghiên cứu lại cho thấy tiêu dùng ở thành phố đang ở mức 1,9 (trong khi thế giới chỉ ở mức 1), còn tiết kiệm lại đang ở mức âm. Thu nhập 1 đồng, nhưng tiêu dùng quá 1 đồng. Đây là điều rất bất thường. Chưa kể sức mua ở hộ gia đình trên địa bàn thành phố đang cạn kiệt.
Đồng tình với nhận định chất lượng cuộc sống người dân ngày càng đi xuống, ông Huỳnh Công Hùng, trưởng ban Văn hoá, HĐND thành phố cho rằng: quản lý quy mô của thành phố đang có vấn đề. Những vấn đề xã hội hiện nay nếu không được nghiên cứu thì khó đảm bảo cho an sinh, an ninh xã hội.
Theo SGTT