WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hiệp định hòa bình Paris và những “sự thật phũ phàng”

20130107143548_2

“Ngày 27-1-2013 sắp đến sẽ đánh dấu 40 năm ký kết Hiệp Định Paris 1973, một biến cố lịch sử vô cùng quan trọng đối với Việt Nam vì những hậu quả của nó áp đặt trên mảnh đất này trong gần bốn thập niên cho tới ngày nay,”
ông Nguyễn Quốc Khải viết vào ngày 17/12 vừa qua cho RFA trong một bài mang tên “Sự thật phũ phàng về Hiệp định Paris 1973.”

Việc Ban Việt ngữ Đài ACTD cho đăng bài này để chuẩn bị đánh dấu kỷ niệm 40 năm Hiệp định Hoà bình Paris 1973 là một điều đáng khen bởi trong quá khứ, đã có những lần Ban Việt ngữ quên không có bài đánh dấu những mốc lớn trong lịch sử đất nước. Như Hội-nghị Genève chia đôi đất nước (1954) hay thậm chí cả Hội nghị Hoà bình Paris 1973 (tên chính thức của Hiệp-định kết thúc hội nghị này là “Paris PEACE Accords of 1973”). Trong khi đó, chúng ta có cách xa Đài không tới một tiếng đồng hồ những nhân chứng như Ông Bùi Diễm, một nhà ngoại giao lão thành của Việt Nam, người đã có dự cả Hội nghị Genève 1954 lẫn Hoà đàm Ba lê năm 1968-1973, chưa kể đến những nhân chứng người Mỹ nữa.

Bài viết của ông Nguyễn Quốc Khải, như vậy, tôi mong chỉ là một bài viết đầu tiên về vấn đề này. Rất mong là Ban Việt ngữ cố gắng đi tìm hiểu sự thật qua những nhân chứng lịch sử có thật thay vì chỉ đi dựa vào một vài học giả mà chưa chắc đã nắm hết sự thật.

Những sai sót có thể trông thấy ngay trong bài của Ông Khải

Có lẽ vì viết vội nên bài của Ông Khải đã có một số sai sót rất dễ nhìn ra.

Thứ nhất, khi nói về Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước, ông mở ngoặc và ghi “mà chính VNCH đã xé bỏ,” tôi thấy thật là tội nghiệp cho Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ lúc bấy giờ đại diện cho chính phủ “Quốc gia Việt-nam.”

Ngày 21/7/1954, ngay sau khi chính phủ Pháp của Thủ tướng Pierre Mendès-France thoả thuận được về nội dung của Hiệp định sau 12 giờ đêm ngày 20/7 (tức sang sáng sớm ngày 21/7), cả nước Mỹ qua lời tuyên bố của trưởng phái đoàn, tướng Bedell Smith, và Quốc gia Việt Nam qua lời tuyên bố của Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ đã tố cáo (“denounced”) sự chia đôi đất nước và không ký vào hiệp định “đình chiến” giữa Pháp và Việt Minh. Vậy thì làm sao có thể nói khơi khơi là “mà chính VNCH đã xé bỏ”?

Rồi cũng trong cùng một cảm-hứng, ông Nguyễn Quốc Khải viết:

Vào buổi trưa ngày 29-4-1973, Đài Phát Thanh Saigon truyền đi bản nhạc “I’m Dreaming of a White Christmas” qua dọng ca của Bing Crosby, báo hiệu cuộc di tản cuối cùng của Hoa Kỳ bắt đầu.”

Đây là một sự bịa đặt hoàn-toàn. Trước hết, ngày tháng của ông Khải sai: Ông cho chuyện này xảy ra hai năm trước khi mất miền Nam. Thứ nữa, Đài Phát Thanh Saigon, cho đến tận hôm nay (tức năm 2012, 37 năm sau), cũng chưa hề cho chơi bài “I’m Dreaming of a White Christmas” qua giọng (không phải “dọng”) hát Bing Crosby. Vậy thì ta thấy bài viết của ông Khải đáng tin đến đâu?

Đó là chưa kể đến những lỗi chính-tả không ít trong bài của ông Khải. Tỷ như “xác suất” (dịch chữ “probability”) mà ông Khải viết thành “sắc xuất,” thật là khó hiểu.

Tôi có thể lôi ra thêm những lỗi sơ đẳng khác nữa, nhưng đó không phải là mục đích bài viết của tôi.

Về phương pháp sử học

Khi viết sử, người ta phải biết dựa vào những dữ kiện có thật, không thể chỉ dựa vào cảm quan của mình. Bài của ông Khải, trái lại, thì đầy cảm quan. Như cách ông dịch chữ “decent interval” của Mỹ thành “khoảng cách chạy tội.”

Có thể dịch như ông nếu ta nghĩ, như tác giả Nguyễn Tiến Hưng, là “đồng-minh” Mỹ có ý “tháo chạy” ngay từ đầu. Đằng này, nếu ta nghiên cứu kỹ hai con người then chốt về phía Mỹ trong cuộc thảm bại ở Việt Nam, ta sẽ thấy hai người đó rất khác nhau. Ông Kissinger là một người Đức gốc Do thái, rất lo về an ninh vùng Trung đông, trong đó có nước Do thái, nên động cơ của ông là phải mau mau chấm dứt chiến tranh VN để còn đổ dồn chiến phí ở VN sang ủng hộ cho Do thái lúc bấy giờ đang lâm nguy (nhất là sau khi OPEC, tổ chức các quốc gia sản-xuất dầu lửa, thân các nước Ả-rập, quyết định tăng giá dầu lên gấp đôi vào tháng 10/1972 để làm khó Mỹ và Do-thái).

Trái lại, ông Nixon là tổng thống Mỹ. Ông không gốc Do thái nên cũng không có những động cơ tương tự như của ông Kissinger. Nếu đọc kỹ hồi ký của ông Nixon thì ta có thể tin rằng, tuy ông hiển nhiên rồi quan tâm đến vận mệnh chính trị của ông, ông cũng không có nhu cầu phải ở thêm một nhiệm kỳ nữa vì đến năm 1973, ông đã được bầu lại vào nhiệm kỳ 2 tức nhiệm kỳ cuối của ông rồi. Vì vậy nên ông có thể thành thật tin tưởng rằng “Việt-Nam-hoá” (“Vietnamization”) là con đường có thể cứu vãn được miền Nam. Hay ít nhất cũng mua được thời gian cho miền Nam đứng vững để có thể có dược một thời cơ khác.

Chính-sách của ông Nixon rất là bài bản. Để ra tranh cử với ông Hubert Humphrey sau khi Tổng-thống Lyndon B. Johnson khước từ, không nhận ra ứng cử cho nhiệm kỳ 1969-1973 để toàn tâm lo chuyện chấm dứt chiến-tranh VN, ông Nixon đã hứa là sẽ có kế hoạch để chấm dứt cuộc chiến ấy (hiểu là chấm dứt sự tham chiến của quân đội Mỹ ở chiến-trường VN, nghĩa là sẽ hết thương vong Mỹ tuy vẫn có thể ủng-hộ, yểm trợ miền Nam trong nhiều nghĩa). Có hiểu thế ta mới hiểu được chính sách của Mỹ (tức của ông Nixon) sau khi ông lên làm Tổng thống vào tháng 1/1969. Ông lập tức đưa ra chính sách “Việt-nam-hoá chiến-tranh ,” nghĩa là không đợi kết-quả của hoà đàm Paris mà tiến hành ngay với các vụ rút quân (= giữ lời hứa với cử-tri và dân-chúng Mỹ). Sau vụ gặp gỡ với ông Thiệu và ông Kỳ ở Midway, ông cho tăng cường quân viện cho VNCH. Ông khuyến khích Tổng thống Thiệu tiến hành với chương trình kinh tế và xã hội “Người Cày Có Ruộng.” Sau khi Quân lực VNCH tung quân sang Cao miên (1970) như vũ như bão, đánh bật hết các mật khu của CS ở bên đó, và với chiến dịch Phụng Hoàng ở nông thôn thành công lớn, ông đồng ý để cho Quân lực VNCH sang lâm trận ở Hạ Lào (tháng 2/1971). Tuy trận Hạ Lào đã không mang lại được kết quả mong muốn, ta cũng khám phá được ra sức mạnh của đối phương, nhất là về hoả lực phòng không và lực lượng chiến xa của họ. Nhờ vậy mà cuộc đọ sức sau đó, tuy Hà nội dốc hết lực lượng vào Nam trong mùa Hè đỏ lửa (tháng 4 đến tháng 9/1972) , Quân-lực VNCH đã can trường đánh bật được ra toàn-quân của họ ở ba địa-điểm tập-chú: Kontum, An Lộc (một trận đánh đã được gọi là Stalingrad của VN) và sau một thời gian lấy lại được Cổ thành Quảng trị (Quân sử Hà nội sau này đã phải gian lận và cho rằng Quân đội Nhân dân miền Bắc đã đánh chiếm lại được Cổ thành Quảng trị sau tháng 9 năm đó, trong khi chính Võ Nguyên Giáp đã cho là Lê Duẩn “ngu xuẩn” khi ra lệnh chiếm lại Cổ thành bằng mọi giá để cho quân chết như rạ, mất khoảng 1 đại đội mỗi đêm trong gần hai tháng trời).

Dựa vào những kết quả và chiến tích như vậy nên Mỹ mới dồn quân viện cho VNCH trong năm sau đó, chắc chắn là không phải với dụng ý là để sau này cúng (8 tỷ đô-la quân dụng) cho quân Bắc Việt. VNCH thua không phải vì Mỹ muốn phản bội, mà vì ông Nixon bị bó tay, do Quốc-hội Mỹ bó tay chính quyền của ông với luật “War Powers Act,” rồi cắt viện-trợ cho VNCH (như chính ông Khải cũng đã ghi lại: từ 2.2 tỉ Mỹ kim cho tài khóa 1973 [xuống] 1.1 tỉ Mỹ kim cho tài khóa 1974, và 700 triệu Mỹ kim cho tài khóa 1975).

Trong khi đó thì quân viện của Liên Xô và Trung Cộng cho Hà Nội thì tăng lên ngược chiều. Rồi ông bị mắc vào vụ Watergate, một chuyện hoàn toàn không may đối với VNCH (VNCH không có lỗi gì trong vụ này) vì nó buộc ông Nixon phải từ chức. Hiển nhiên, tới đó rồi thì bao nhiêu lời hứa hẹn của ông với ông Thiệu trở thành nước đổ xuống sông xuống biển.

Hiển nhiên, ông Thiệu cũng có lỗi trong một số quyết định vào những ngày chót của miền Nam. Mỹ thua ở Việt nam song cũng có người cho rằng vì Mỹ thua ở VN mà bộ mặt thật của Cộng sản mới lộ ra: chỉ trong một thời-gian rất ngắn, VNCS phải đương đầu với hai trận chiến với những đồng-minh của ngày hôm qua (Pol Pot và Trung-Cộng) để những vấn đề đó có vang vọng cho đến tận ngày hôm nay. Chưa kể là sau VN thì cũng cả khối CS Đông Âu và Liên Xô cũng sụp đổ theo.

Để kết

Rõ ràng là ông Nguyễn Quốc Khải đã không tôn trọng đến những nguyên tắc căn bản nhất của việc viết sử. Chưa kể ông còn lợi dụng một đề tài quan trọng của lịch sử VN để lái sang đả -kích cá-nhân tôi. Ông có thể không đồng ý với tôi (hay người khác) nhưng dùng những chữ nặng lời như “ý tưởng phục hồi Hiệp Định Paris là hoang tưởng nếu không muốn nói là bệnh hoạn” thì thật là không nên. Vì sao?

Vì trước nhất, ông giải thích sai hết cả về “giải-pháp VNCH” mà chúng tôi đã có dịp lên trình bầy ở trên Quốc hội Hoa kỳ từ tháng 6 năm 2010. Bài của chúng tôi viết về cuộc vận động này sau đó đã được nhiều báo đăng lại (trong đó có Website Việt Vùng Vịnh là chỗ dễ truy cập bài của tôi nhất, “Người Việt hải-ngoại và vấn-đề Biển Đông: Chúng ta đã góp được gì cho một giải-pháp?”). Sau đó, Khối 8406 trong nước cũng đã xin phép để đăng lại bài này trong phần tài-liệu của Khối. Cuối cùng, đến tạp chí “Quan hệ quốc tế hiện đại” của Trung quốc, số ra tháng 6/2011 cũng phải nhắc đến giải pháp này (Xem bài “Vận động chính trị của người Việt ở Mỹ và ảnh hưởng đối với tranh chấp Biển Đông”). Thiết tưởng ngần ấy chỗ, từ Quốc hội Hoa kỳ (kể cả Uỷ ban Ngoại giao Thượng viện) đến tình báo Trung Cộng, không ai xem đó là chuyện không tưởng cả thì ông Nguyễn Quốc Khải dựa vào đâu mà có thể xem đó là “hoang tưởng” hay “bệnh hoạn”?

Ta hãy cứ nghe ông Nguyễn Quốc Khải giải thích về Hiệp định Hoà bình Paris 1973. Ông viết: “Hiệp Định Paris đòi hỏi tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam, UBLĐLTVNCH sẽ phải ra tranh cử với Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (chính thức bị giải tán vào ngày 25-4-1976). Nhưng trước hết, UBLĐLTVNCH sẽ phải đưa hàng triệu người Bắc 75 về nguyên quán ngoại trừ 150,000 quân CSBV được Ông Kissinger và Ông Chu Ân Lai cho phép ở lại miền Nam từ 1973 đến nay.” Chỉ trong một đoạn này là đã có hai ba chỗ sai căn-bản:

“Hiệp định Paris đòi hỏi tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam,” đúng. Vậy Hà nội đã bao giờ để cho dân chúng miền Nam có tổng tuyển cử tự do ở miền Nam chưa?

Còn chuyện “Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam chính thức bị giải tán vào ngày 25-4-1976” bởi bàn tay của Hà Nội thì tại sao chuyện đó lại có thể là trách-nhiệm của VNCH được? Họ giết người của họ thì tội tình gì đến Hiệp-định Paris?

Vả lại, “giải-pháp VNCH” chủ-yếu dựa vào Điều 7b của Định-ước Quốc-tế về Hiệp-định Hoà-bình Paris” (“International Act on the Paris Peace Agreement”) trong khi bài của ông Khải không nhắc gì đến hiệp-ước quốc-tế có 12 quốc gia ký vào với sự chứng-kiến của ông Tổng-thư-ký Liên-hiệp-quốc hồi đó (tháng 3/1973). Vậy thì ta có thể coi bài của ông Nguyễn Quốc Khải là nghiêm chỉnh được không?

Đó là chưa kể ông Khải dựng đứng: “Nhưng trước hết, UBLĐLTVNCH sẽ phải đưa hàng triệu người Bắc 75 về nguyên quán.” Cần gì? Chỉ cần họ chứng minh được là trước năm 1975, chính họ hay cha mẹ họ đã có ở miền Nam là họ đủ điều kiện được đi bầu. Chứ 150.000 bộ-đội miền Bắc cũng không có lý do gì được xem là cử tri của miền Nam. Vì sao? Rất dễ hiểu, vì họ đã sẵn là cử tri của các địa phương ở miền Bắc.

© Nguyễn Ngọc Bích

© Đàn Chim Việt

36 Phản hồi cho “Hiệp định hòa bình Paris và những “sự thật phũ phàng””

  1. Trần Thế says:

    Trước hết, xin cám ơn doctin says và diễn đàn ĐCV đã post lên cho bạn đọc.

    Đó là sự thật lịch sử mà sử gia Trần Gia Phụng đã, đang làm và là sứ mạng của một sử gia chân chính!

    Để đóng góp thêm tài liệu, tôi xin copy bài của nhà văn Võ Phiến:
    Theo trang mạng Gio-o.com qua tác giả Chu Ngạn Thư, trong tháng 6-2012, hai Nhà xuất bản Nhã Nam và Thời Đại đã giúp tập tùy bút Đất Nước Quê Hương có visa vượt tường lửa, tường tre để được in lại tại VN, nhưng với tên sách mới: Quê Hương Tôi. Tác giả sách không ghi là Võ Phiến mà là Tràng Thiên. Tên thật của hai bút hiệu này là  Đoàn Thế Nhơn. Cuốn Quê Hương Tôi in ở Việt Nam có mấy điểm khác: không có bài tựa của Nguyễn Hiến Lê; bài Thơ lục bát Chàm  bị  mất phần đầu bài có dính đến thơ Chế Lan Viên.
    Giọng văn như kể chuyện, một lối văn nói, khiến người đọc thấy gần gũi, chan hòa. Tập sách đưa lại nhiều hiểu biết về môn đất nước học, văn hóa học, và cả những kiến thức về du lịch, nhưng trên hết là một tình yêu, một tấm lòng. Càng đọc càng thích thú, khoái cảm, càng thấy mình hiểu thêm nhiều điều trong cuộc sống quanh mình, ở trên đất nước mình, nhất là về phía Nam, càng kích thích mình chú ý hơn đến những cái thường ngày để mà tìm hiểu. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên ở trong nước đã có một vài nhận định như vậy về tập tùy bút trong bài Có Một Tấm Lòng Như Thế.
    Võ Phiến là nhà văn có nhiều nhà vì ông có khả năng viết nhiều thể loại: nhà tùy bút, nhà tạp luận, nhà lý luận văn học, nhà phê bình văn học, nhà xuất bản, nhà viết truyện ngắn, truyện dài… và nhà tiên đoán thời cuộc nữa. Năm 68 , sau 23 năm chiến tranh thảm khốc, nghe nói ngưng chiến ai nấy mừng rơn; riêng nhà văn đã đưa ra lời cảnh báo là Cọng sản sẽ tiến đến Cà Mau qua bài tạp luận Bắt Trẻ Đồng Xanh (1).  Ông đã bày tỏ những ý nghĩ buồn thảm, đen tối của mình khi nhắc đến các em bé của đồng bằng Nam Việt xanh ngát bị bắt đưa đi, từng hàng từng lớp nối nhau dìu nhau ra núi rừng Việt Bắc! Tai họa hiện xảy đến cho các em cũng là tai họa về sau cho xứ sở.
    Nhà văn cho biết họ Hồ chấp nhận ngưng chiến là vì keo này chưa được thì bày keo khác. Ông ta lo liệu một cuộc chiến tranh quân sự mới để rước cho kỳ đươc chế độ cọng sản về; dù phải chết thêm hai ba thế hệ liên tiếp. Hồi tháng 4-68, khắp nơi Quảng Trị, Pleiku, Kontum đến Mỹ Tho, Cà Mau, phe cộng đã có một kế hoạch bắt trẻ qui mô để chuyển chúng ra Bắc bằng phi cơ từ Cam Bốt hoặc bị dẫn đi trên đường mòn Hồ Chí Minh. Cái Mặt Trận Gỉai Phóng Miền Nam được thành lập năm 1958 trước khi có người lính Mỹ đầu tiên chết trên lãnh thổ Miền Nam ngày 22-12-61.
    Sau 1975 tòan bộ sách của Võ Phiến bị cấm, bị đốt hủy trong chiến dịch tẩy xóa tàn tích Mỹ Ngụy. Ông bị coi như là một trong những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Chính ông, trong Văn Học Miền Nam Tổng Quan xác nhận, Võ Phiến khước từ cộng sản ngay từ đầu, có thái độ chính trị dứt khoát . Đó là nhờ trước 1954 ông đã có kinh nghiệm với cộng sản, từng gia nhập bộ đội, dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ Việt Minh, vào đội Tuyên truyền Xung Phong và từng tham gia vào tổ chức chống cộng ở Bình Định năm 1951. Bị bắt, ở tù, chỉ được thả vì theo hiệp định Geneve, trốn ra Huế ông làm công chức cho chính phủ miền Nam.
    Từ 1954- 1975, ông đóng góp vào sự phát triển văn học miền Nam. Võ Phiến và học giả Nguyễn Hiến Lê là hai cây bút chủ yếu của Bách Khoa; tạp chí qui tụ nhiều cây viết thuộc nhiều thế hệ đã phản ảnh đời sống Việt Nam Cọng Hòa trên nhiều mặt.  Ra hải ngoại vì chỗ nặng tình với một thời văn học kém may mắn  bị bỉ báng hồ đồ và cộng sản VN còn tìm cách hủy diệt nên ông đã viết cuốnVăn Học Miền Nam Tổng Quan để có một tổng kết, một kiểm điểm sơ luợc cho những ai về sau còn lưu tâm có chút căn cứ sưu khảo. Sáu năm sau cuốn sách đã được cố họa sĩ Võ Đình Mai dịch ra tiếng Anh với tựa đề Literature in South Vietnam 1954-1975.
    Nhà văn Phạm Phú Minh quen thân với gia đình nhà văn Võ Phiến cho biết, không cần tinh ý lắm người nói chuyện với ông hiện nay cũng nhận thấy ông quên nhiều. Chỉ người nào hay gặp ông mới nhớ. Ông thú nhận, rất ngại tiếp xúc với người khác vì có khi không nhận ra người đối thoại, sợ họ giận, sợ họ bảo ông là người kênh kiệu một cách oan uổng. Sau bài Cái Sống Hững Hờ viết năm 2009, không thấy ông viết thêm. Trong tác phẩm chắc là sau cùng này, tác giả viết:
    “Tạo Hóa có lòng lành, nhón tay khe khẽ điều chỉnh lòng người. Tuổi người càng cao, lòng người càng bớt sôi nổi, bớt tha thiết. Rốt cuộc còn lại một sự hững hờ: ‘Chết? ai mà khỏi? Việc gì phải sợ?’ (…)  “Tôi âm thầm nghĩ ngợi và ngờ rằng đây là lúc xuất lộ cái từ tâm của Hóa Công. Chúng ta không nên mè nheo đòi hỏi cho được vừa huýt sáo mồm vừa chết. Chỉ mong những bước chân đến ngôi mộ của chính mình sẽ là những bước thong thả, hững hờ. Đại khái thế thôi.”
    Saint Paul, 10.2012
    © Phan Thanh Tâm
    © Đàn Chim Việt
    ——————————————————–
    (1)Võ Phiến
    Bắt Trẻ Đồng Xanh
    Trong những ngày gần đây ai nấy chỉ những xôn xao về chuyện ngưng chiến: Bao lâu nữa nhỉ? Làm gì bây giờ?
    Trong bao nhiêu năm trời, chúng ta đã quen với nếp sống chiến tranh đến nỗi hòa bình làm chúng ta bối rối. Nhưng thiết tưởng ngưng chiến không đáng làm chúng ta bận tâm đến thế. Chiến tranh này sắp kết thúc, bằng cách này hay cách khác, hoặc sớm hơn một ít hoặc chậm hơn một ít. Chuyện phải đến rồi sẽ đến, nó xảy đến ra sao dường như cũng đã được trù liệu.
    Cái đáng bận tâm là những điều tiếp theo cuộc ngưng chiến ấy.
    — Thì các vị lãnh đạo của chúng ta đã tiên liệu rồi: đấu tranh chính trị chứ gì? kinh tế hậu chiến chứ gì?
    Đấu tranh chính trị, nó hiển nhiên quá, nó sờ sờ ra đấy, tưởng như rờ mó được. Nói rằng trong giai đoạn tới ta với cộng sản phải đấu tranh chính trị với nhau, nói thế gần như không phải là tiên liệu gì ráo. Đó là đối phó. Chuyện ấy đến ngay trước mắt rồi, ta buộc lòng phải đối phó tức khắc, thế thôi.
    Nhưng nói thế còn là khá. Hầu hết mọi người chỉ chăm vào những cái gần hơn nữa: hàng mấy trăm ký giả mỗi tuần bu đến phòng họp báo của các phái đoàn Hoa Kỳ và Bắc Việt để ghi lấy dăm ba câu tuyên bố loanh quanh, các bình luận gia khét tiếng của báo này báo kia, đài này đài nọ bóp trán suy đoán xem lúc nào thì ngưng oanh tạc dưới vĩ tuyến 19 v.v… Thiên hạ theo dõi ý kiến của họ.
    Trong lúc ấy nhóm lãnh đạo ở Hà Nội lặng lẽ lo liệu công việc mai sau: tức một cuộc chiến tranh khác. Một cuộc chiến tranh quân sự hẳn hòi. Và họ tiến hành thực hiện chuẩn bị, ngoài sự chú ý của dư luận: các bình luận gia có tiếng, khét hay không khét, gần như không mảy may quan tâm đến chuyện ấy.
    Thế mà đó mới là chuyện đáng quan tâm. Thiết tưởng là chuyện đáng quan tâm hơn cả vào lúc này. Bởi vì nếu ta mù tịt về ý định của đối phương trong tương lai thì trong cuộc đối thoại thương thuyết với họ hiện thời ta làm sao biết đặt ra những điều kiện cần thiết?
    Cuộc bắn giết sắp tới giữa Miền Nam và Miền Bắc đã được cộng sản xếp đặt từ lúc này, cũng như cuộc bắn giết thê thảm mười năm qua được họ xếp đặt từ trước tháng 7-1954, trước ngày đình chiến theo hiệp định Genève.
    Thượng tuần tháng 7-68 một nhóm luật gia họp ở Grenoble buộc Hoa Kỳ vào tội gây chiến tại Việt Nam. Sau đó, nhóm luật gia tranh đấu chính trị Việt Nam họp tại Sài Gòn cãi lại: Mặt trận Giải phóng Miền Nam đã thành lập từ năm 1958 và ra mắt ngày 20-12-1960, còn người lính Mỹ đầu tiên chỉ mới tử trận trên lãnh thổ Miền Nam ngày 22-12-61.
    Người của pháp luật, họ cãi lý với nhau, họ bắt bẻ nhau như thế. Không hiểu sao họ chỉ nói tới Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Trước họ, nhiều người đã đi ngược lên tới Mặt trận Tổ quốc, và xa hơn Mặt trận Tổ quốc: tới cái nghị quyết của đảng Lao động đã đẻ ra Mặt trận này.
    Mặt trận này, mặt trận nọ…, đó là những bằng chứng đã có tên gọi. Chờ cho cộng sản đặt tên rõ ràng các hoạt động của họ mới chịu cho rằng họ hoạt động tức là nghĩ tệ về họ nhiều quá. Họ đâu có chậm chạp như vậy? Trước những hoạt động có tên gọi đã từng xảy ra nhiều hoạt động không tên gọi, và trước cả các hoạt động không tên là những toan tính xếp đặt kỹ càng.
    Khi họ nhận thấy không thể thanh toán cả nước Việt Nam một lần, mà phải chấp nhận điều đình với Pháp để giữ lấy nửa nước, thì họ đã đặt ngay vấn đề: còn lại nửa nước kia, phải giải quyết ra sao? Và họ đặt kế hoạch “giải quyết”, cùng lúc với kế hoạch điều đình. Nghĩa là vào năm 1954, chứ không phải năm 1958.
    Thật vậy, hiệp định đình chiến vừa ký kết, thì những điều khoản ngưng cuộc chiến tranh bấy giờ được họ thi hành đồng thời với những điều chuẩn bị cuộc chiến tranh sau. Đồng thời, không muộn hơn một ngày nào.
    Lúc ấy chính quyền quốc gia lo đùm túm kéo nhau vào Nam, và tổ chức cuộc di cư cho đồng bào Miền Bắc. Di cư là đi cả nam lẫn nữ, cả già lẫn trẻ: công chức già thì vào theo nhà nước để lãnh hương hưu, các cụ cố thì theo con cháu vào để được nuôi nấng và chết giữa đám con cháu v.v…
    Cũng lúc ấy, cộng sản lo liệu công việc của họ có lớp lang:
    — Vũ khí, họ chôn giấu lại một số ở Miền Nam;
    — Cán bộ và binh sĩ, họ chọn lựa một số cho ở lại: có hạng được bố trí để len lỏi vào các cơ quan quốc gia, có hạng trở về cuộc sống thường dân chờ thời cơ, có hạng đổi vùng để hoạt động, có hạng vừa lẩn trốn vừa bám lấy địa phương để hoạt động v.v…
    — Địa chủ, phú nông, trót bị ngược đãi tù tội, đều được tha thứ, giải thích, dỗ dành để xóa bỏ hận thù. Những thành phần không dỗ dành được thì họ thủ tiêu, vì xét nguy hiểm đối với tính mạng những cán bộ nằm vùng của họ;
    — Tập kết theo nguyên tắc: Đưa ra Bắc hạng trai trẻ có thể làm việc đắc lực và sản xuất giỏi cùng hạng có uy tín có khả năng; bỏ lại trong Nam hạng lão nhược có thể làm một gánh nặng cho quốc gia. Cố ý gây phân ly chia cách, làm thế nào để mỗi gia đình đều có kẻ đi người ở;
    — Gấp rút tạo thêm nhiều liên hệ giữa thành phần tập kết ra Bắc và dân chúng Miền Nam: đặc biệt là tổ chức những đám cưới cấp tốc khiến cho hàng chục vạn binh sĩ và cán bộ Việt cộng ra đi bỏ lại trong Nam bấy nhiêu cô vợ trẻ, có những cô chỉ ăn ở với chồng được đôi ba hôm.
    Bấy nhiêu cô vợ trẻ và gấp đôi gấp ba chừng ấy cha mẹ già cùng cô cậu chú bác v.v… là một lực lượng đáng kể. Bằng chính sách tập kết và gây liên hệ này, cộng sản cưỡng bức một số người về sau phải làm nội tuyến cho chúng.
    Ngay từ đầu, tình cảm của những người này đã hướng về Bắc, theo bóng kẻ thân yêu. Thái độ và hoàn cảnh éo le của họ khiến nhà chức trách địa phương lo ngại, đề phòng. Do đó, họ thành một khối người dần dần sống cách biệt, nếu không là đối lập với chính quyền miền Nam. Một vài trường hợp đối xử vụng về bị khai thác, một vài sự hiểu lầm bị xuyên tạc: thế là mâu thuẫn giữa hai bên trở thành trầm trọng. Rồi một ngày kia, chuyện được tính trước sẽ xảy ra. Xin thử tưởng tượng: gia đình có đứa con hay người chồng ra Bắc năm 1954, hai năm sau, một đêm nào đó, có kẻ lạ mặt lẻn vào nhà, lén lút trao cho xem một lá thư và một tấm hình mới nhất của con hay của chồng từ Bắc mang vào, gia đình nọ làm sao nỡ tố giác kẻ lạ mặt, dù biết họ đang gây loạn. Đã không tố giác được, tất phải che giấu, nuôi dưỡng mối liên lạc. Từ việc này đến việc khác, gia đình nọ dần dần đi sâu vào sự cộng tác với tổ chức bí mật của đối phương, chịu mệnh lệnh của họ, rốt cuộc gia nhập hẳn vào hàng ngũ của họ.
    Chính vì như thế mà thư từ hình bóng của cán binh tập kết có giá trị đặc biệt quan trọng: những năm 1956, 57, 58, cán bộ từ ngoài Bắc xâm nhập vào hoạt động, trong người họ bao giờ cũng mang theo một số thư từ, hình bóng của cán binh tập kết. Đó là lợi khí hết sức đắc dụng giúp họ đặt các cơ sở quần chúng đầu tiên.
    Gây được cơ sở quần chúng, vận động được sự đóng góp số lương thực tiền bạc cần thiết để nuôi quân rồi, bấy giờ các lực lượng vũ trang tại chỗ bắt đầu được thành lập, các lực lượng vũ trang ngoài Bắc kéo vào. Sau đó mới có cái Mặt trận Giải phóng ra đời.
    Như vậy, cuộc chiến hiện nay không hề khởi đầu từ những bất mãn chống một chế độ độc tài gia đình trị, không hề khởi đầu từ sau việc chính quyền Sài Gòn từ chối cuộc tổng tuyển cử 1956, không hề khởi đầu từ ngày khai sanh mặt trận nọ mặt trận kia.
    Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ những cuộc liên hoan chia tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập kết, những cuộc liên hoan có hát có múa, có bánh trái tiệc tùng… Nó xuất hiện ngay từ những đám cưới vội vã sau ngày đình chiến, những đám cưới lắm khi tổ chức tập thể, do trưởng cơ quan, trưởng đơn vị chủ tọa. Nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến này không phải là những kẻ ngã gục vào 1958, 1959, mà là những cô gái tức khắc biến thành góa bụa từ 1954.
    Dân chúng Miền Nam ai nấy đều biết những bận rộn tới tấp, những công việc bề bộn ngổn ngang mà nhà cầm quyền cộng sản hồi ấy phải làm cho kịp trước khi rút ra Bắc. Trong hoàn cảnh rộn ràng bấy giờ, nếu không vì lý do quan trọng, chắc chắc đảng và nhà nước cộng sản hồi ấy không đến nỗi quá sốt sắng lo cưới vợ cho cán binh như thế. Chắc chắn. Dù tìm trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào của bất cứ dân tộc nào, cũng hiếm thấy một trường hợp chính phủ lo vợ cho quan binh túi bụi đến chừng ấy.
    Cũng như hiện nay, trong giai đoạn ác liệt sau cùng của chiến cuộc tại miền Nam này, nếu không vì lý do quan trọng, đảng và nhà nước cộng sản nhất định không bao giờ khổ công gom góp thiếu nhi ở đây đưa ra Bắc, trải qua bao nhiêu gian nan khó nhọc, trong những điều kiện di chuyển nguy hiểm đến nỗi cả các binh sĩ khỏe mạnh của họ cũng phải hao mòn suy kiệt dọc đường.
    Đưa thiếu nhi Miền Nam ra Bắc, không phải cộng sản họ nhằm làm nhẹ một gánh nặng nuôi dưỡng, giúp các ông tổng trưởng Kinh tế hoặc Xã hội của chúng ta. Mọi người đều rõ, tại Bắc Việt và Trung Cộng, người ta tiết giảm sinh sản rất gắt gao: họ hạn chế hôn nhân, hạn chế luyến ái.
    Đưa thiếu nhi Miền Nam ra Bắc, cũng không phải cộng sản họ nhằm giúp ông tổng trưởng Giáo dục của chúng ta một tay để giải quyết nạn thiếu trường ở trong này.
    Trong giới quan sát nhiều kẻ bảo rằng Bắc Việt kiệt quệ rồi, không đủ sức kéo dài chiến tranh nữa, họ bối rối lắm, luống cuống lắm. Dù không tin vào nhận định ấy, ít ra cũng phải chịu rằng lúc này họ bận trăm công nghìn việc, nếu chuyện bắt trẻ Miền Nam không có một tầm quan trọng đặc biệt thì họ không hơi đâu nghĩ đến. Đàng này họ đang ra sức thực hiện một kế hoạch bắt trẻ qui mô trên một phạm vi hết sức rộng lớn: đồng loạt, người ta phát giác ra trẻ em bị bắt ở khắp nơi trên toàn quốc Việt Nam Cộng hòa, từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Pleiku, Kontum, đến Mỹ Tho, Cà Mau, người ta gặp những toán trẻ em chuyển ra Bắc Việt bằng phi cơ từ Cam-bốt, hoặc bị dẫn đi lũ lượt trên đường mòn Hồ Chí Minh, nghĩa là bằng mọi phương tiện, một cách gấp gáp.
    Họ bổ sung quân số đó chăng? — Không đâu. Trẻ bị bắt có hạng mới tám chín tuổi. Trong những trường hợp khẩn cấp, họ có thể tạm sử dụng một số trẻ con bắt được ngay tại địa phương; chứ thành lập những đơn vị con nít như thế để dùng ngay vào chiến cuộc này là chuyện điên rồ. Không phải bổ sung quân số đưa vào chiến cuộc đang kết thúc đâu, mà là họ đang tổ chức chiến cuộc mai sau đấy.
    Đem chút ít kinh nghiệm về lần trước để suy nghiệm về lần này, chúng ta thấy trước dăm ba điều họ sẽ làm sau khi thỏa ước ngưng chiến được ký kết:
    — Họ sẽ bỏ lại Miền Nam tất cả những thương phế binh, những cán bộ lâm nạn, tàn tật v.v… Mang mỗi phần tử vô dụng như thế về Bắc chỉ gây thêm xúc động tâm lý trong quần chúng ngoài ấy; để hạng ấy ở lại, họ tạo thêm gánh nặng cho kinh tế Miền Nam;
    — Lúc cuộc “chiến tranh chính trị” mà các nhà lãnh đạo Miền Nam vẫn nói được bắt đầu, thì bao nhiêu ức vạn gia đình có con cháu ra Bắc (và những cô gái có chồng lính cưới vội cưới vàng trước khi về Bắc nữa) hóa ra những thành phần mà chánh quyền ta không sao lôi kéo tranh thủ nổi. Lòng họ hướng về những con tin ở ngoài Bắc, phân nửa sinh mạng họ do nhà đương cuộc Miền Bắc định đoạt. Thái độ của họ khiến nhà chức trách địa phương có thể phạm vào vài biện pháp kỳ thị vụng về: thế là phát sinh mâu thuẫn, bất mãn, chống đối v.v…
    — Một ngày nào đó, những cán bộ từ Bắc lại lén lút xâm nhập , mang theo thư từ của con, của chồng họ: họ mừng như mở cờ trong bụng. Họ bắt tay cộng tác với những cán bộ nọ, cùng nhau hoạt động để tạo điều kiện cho chồng con họ sớm trở về ồ ạt theo những đơn vị Nam xâm v.v…
    Cán binh gốc người Miền Nam đưa ra Bắc, rồi lại phái trở vào có nhiều cái lợi: khi được lệnh vào Nam hoạt động, họ mừng rỡ vì có cơ hội về quê; họ ra đi lặng lẽ, không có bà con thân thuộc ở Bắc nên không gây xao xuyến gì trong dân chúng, vừa giữ được yếu tố bí mật vừa tránh được tác động tâm lý bất lợi; họ lại được mong chờ đón đợi ở Miền Nam; và họ thông thạo am hiểu về dân tình cùng địa thế Miền Nam.
    Như thế, chủ trương bắt đám trẻ em ở miền đồng bằng Nam Việt bát ngát, phì nhiêu đem ra xứ Bắc đông người đất hẹp, nhà cầm quyền Hà Nội chính đang bắt đầu chiến cuộc mai sau ngay từ lúc này, lúc mà chúng ta còn đang xôn xao mong ước ngưng chỉ chiến cuộc hiện tại. Nói họ bắt đầu lúc này cũng chưa đúng: thực ra các tài liệu về “Vấn đề gửi các cháu ra Miền Bắc” đã được phổ biến trong hàng ngũ cộng sản từ tháng 4-68, và thúc giục thực hiện trước mùa mưa năm nay. Tháng 4-68, tức là liền ngay sau khi tổng thống Mỹ mở miệng thốt ra vài dấu hiệu tỏ ý xuống thang chiến tranh để đi tới điều đình.
    Điều đình để nghỉ ngơi, đối với Mỹ và chúng ta là thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Điều đình đối với cộng sản là bỏ cuộc nửa chừng, là đành không ăn được keo này. Thua keo này họ bày liền keo khác ngay, vì ngưng chiến thế nầy, theo họ, là một sự dở dang, là chưa hoàn tất công việc. “Thế này rồi thôi luôn hả? Nói thế mà nghe được! Sao có thể quan niệm một cách giải quyết giản đơn, vô duyên đến thế?”
    Ý tưởng về ngưng chiến của chúng ta dính liền với một mơ ước xây dựng: bao nhiêu tỷ bạc cho Miền Nam, bao nhiêu tỷ bạc cho Miền Bắc, trao đổi kinh tế ra sao, trao đổi văn hóa thế nào v.v… Ý tưởng về ngưng chiến của cộng sản dính liền với một kế hoạch tấn công quân sự. Và những nạn nhân đầu tiên của trận chiến tương lai là những đứa bé con và bố mẹ chúng đã chịu đau thương từ sáu tháng qua rồi. Trận chiến tranh tương lai đã chọn nạn nhân của nó trong đám trẻ thơ, đàn bà Miền Nam, để biến họ thành con côi vợ góa. Xong rồi. Việc đã bắt đầu từ nửa năm nay rồi.
    Trước một đối thủ như thế, thái độ của những chính khách Việt Mỹ hằng ngày đấm ngực đồm độp, băn khoăn, tự trách mình cái lỗi không kết thúc được chiến cuộc, thái độ ấy ngây ngô đã đành. Thái độ của những người hớn hở với một kế hoạch kinh tế hậu chiến nào đó, nghĩ cho cùng cũng mỉa mai tội nghiệp: liệu rồi hưởng được mấy năm hòa bình trước mắt mà hí hửng tính chuyện xây dựng, mà mơ cảnh thịnh vượng? Rồi đến thái độ của những kẻ nhìn xa để báo động về một cuộc chiến tranh chính trị: bảo rằng đối phương rồi đây chỉ có hoạt động chính trị, như vậy không khác gì chỉ vào con cọp mà gọi là con chó. Gần như tự lừa mình, như giúp địch ngụy trang.
    Dù cho chỉ có chiến tranh chính trị với nhau, đố ai, đố đảng phái nào, liên minh nào, phong trào nào của chúng ta mà thuyết phục được mấy vạn ông bà cha mẹ có con cháu ở Bắc, mấy vạn góa phụ có chồng ở Bắc, thuyết phục được họ thành thực theo ta? Chỉ nắm lấy chừng ấy vạn người, cộng sản Bắc Việt đã có trong tay một lực lượng to lớn hơn mọi đoàn thể chính trị của chúng ta, lực lượng nằm ngay trong lòng quần chúng ta, hàng ngũ ta, mà hoạt động. Ấy là chỉ so sánh về lượng. Mặt khác, trong số các đoàn viên phong trào quốc gia, đảng viên quốc gia v.v… hạng thực sự nhiệt thành vì lý tưởng được bao nhiêu? Và riêng trong hạng nhiệt thành có được bao nhiêu kẻ mà lòng thiết tha đối với lý tưởng có thể mạnh hơn lòng thiết tha với chồng con của những phần tử bị cộng sản lợi dụng kia?
    Dù cho chỉ có đấu tranh chính trị với nhau thôi, chúng ta đã bất lợi như thế. Huống chi đó chỉ là hành vi tốt lành lương thiện mà ta gán cho đối phương. Còn họ…, nếu vạn nhất trong thời gian năm bảy năm sắp tới mà đất nước này thoát khỏi một trận chiến tranh nữa, thì đó là ý trời, không phải là ý của họ đâu.
    Ý của họ, nó tàn nhẫn đến nỗi chúng ta không dự liệu tới, không tưởng tượng được. Đó là chỗ nhược của ta.
    Năm 1954, sau chín năm ê chề mòn mỏi vì chiến tranh, thấy hòa bình ai nấy nhẹ nhõm; nếu có kẻ nào lúc đó mà xếp đặt một cuộc tàn sát nữa, kẻ ấy tất gan đồng dạ sắt. — Thì Hồ Chí Minh đã xếp đặt cuộc tàn sát ngay vào thời kỳ ấy.
    Năm 1968, sau hăm ba năm chiến tranh thảm khốc, nghe nói hòa bình mọi người mừng rơn. Nghĩ tới hàng triệu người đã bỏ thây trong thời gian qua, ai cũng tưởng làm người Việt Nam mà có kẻ dám để ý nghĩ mon men đến chiến tranh nữa, kẻ ấy thật mặt dày mày dạn, tán tận lương tâm. — Thì Hồ Chí Minh chính đang xếp đặt thêm một cuộc chiến tranh.
    Vậy mà ông ta vẫn an nhiên hưởng sự trọng vọng của bao nhiêu người, kể cả người Việt Nam! Cho hay cái sản phẩm quái dị của thế kỷ văn minh này là tuyên truyền chính trị, nó có một ma lực mê hoặc phi thường. Không phải thứ tuyên truyền yếu ớt vận dụng một cách khó khăn trong khung cảnh các nước tự do, mà là thứ tuyên truyền một chiều, qui mô, toàn diện, có thể sử dụng các quyền lợi kinh tế hỗ trợ cho nó như ở tại các quốc gia độc tài: Nga xô, Trung cộng, Bắc Việt, Đức quốc xã v.v…
    Và Hồ Chí Minh không phải chỉ được thứ tuyên truyền ấy xóa cho mình cái chân tướng hiếu sát phi nhân. Ông ta còn hóa thành thiên tài lỗi lạc dưới mắt nhiều người vì đã tổ chức giặc giã trong một phần tư thế kỷ để giành nửa nước, trong khi tại khắp các nước Á Phi, những lãnh tụ bất tài nhất cũng dần dần thu hồi được độc lập toàn vẹn cho quốc gia họ với những tổn thất nhẹ hơn nhiều. Ông ta còn hóa thành chính trị gia khôn ngoan, thành “cha già dân tộc” dưới mắt nhiều người, trong khi ở các xứ khác cùng lâm vào tình trạng lưỡng phân không có chính quyền nào nỡ giải quyết tình trạng một cách vô hiệu mà bất nhân đến thế, trải bao nhiêu năm cứ nhất mực khăng khăng chủ trương hết cuộc tàn sát này đến cuộc tàn sát nọ, không một mảy may sờn lòng xúc cảm trước cảnh chết chóc thê thảm làm cho cả nhân loại đều ái ngại.
    Người như thế, không biết lòng dạ ra sao, tim óc ra sao. Bảo rằng cùng trong một người, vừa chứa đầy những kế hoạch xua ngay đồng bào mình vào chiến tranh liên tiếp vừa có chỗ cho tình yêu thương đồng bào, thật không thể hiểu thấu.
    Những lời trên đây không được nhã nhặn. Quả thật không nhã nhặn. Và kẻ viết ra phải lấy làm ngượng về lời lẽ mình. Nhưng khi mình là dân một nước đã trải qua bao nhiêu năm khói lửa, rồi lại trông thấy trước mặt một viễn tượng đầy máu me, khi ấy nói về kẻ gây thảm họa thật khó giữ lòng bình thản để nói lời tao nhã.
    Có thể nào không giận? Ông ta bảo phải đeo đuổi cuộc tàn sát nọ là vì nguyện vọng dân tộc? — Trời, dân tộc này ai cũng xưng biết rõ vanh vách nguyện vọng, ai cũng đòi hành động nhân danh nguyện vọng dân; có điều mỗi người nêu lên một nguyện vọng khác nhau, hoàn toàn khác nhau, lắm khi mâu thuẫn nhau. Đâu là nguyện vọng đích thực, để hồi sau phân giải. Cái chắc chắn là dân tộc này không hề nằng nặc thiết tha với cộng sản đến nỗi chịu chết năm ba thế hệ liên tiếp để rước kỳ được chế độ ấy về. Vả ông ta chừng ấy tuổi tác rồi, tai nghe mắt thấy đã nhiều, từng trải việc đời đã nhiều, ông ta đâu còn ngây thơ mà quáng mắt vì những danh từ khoác lác, những hứa hẹn hão huyền xa xôi của một chủ thuyết. Ông ta hẳn thừa rõ những gì đê tiện xấu xa xảy ra phía sau các khẩu hiệu tuyên truyền, thừa rõ sống ở Đông Đức đâu bằng ở Thụy-điển, Hòa-lan, thừa rõ con đường từ Hung-gia-lợi, Lỗ-ma-ni tiến đến dân chủ và hạnh phúc, phải xa hơn con đường từ Thụy-sĩ, Phần-lan.
    Mà dù ông ta có không nghĩ như thế, có cho rằng Tiệp-khắc sung sướng và tự do hơn Thụy-điển đi chăng nữa, thì sự hơn thua chút ít cũng không đến nỗi bắt phải đổi lấy bằng ba bốn cuộc chiến tranh trong đôi ba mươi năm liền. Đáng lẽ ông ta để cho dân tộc nhỏ bé đã chịu quá nhiều đọa đày vì ngoại thuộc này được yên thân để làm ăn, để sống cho ra sống trong ít lâu.
    Đã không vì nguyện vọng, quyền lợi dân tộc, ông ta hành động vì lẽ đảng ông ta nhất định phải thắng các đảng khác, vì lẽ người như ông ta không chịu thất bại nửa đường? — Chừng ấy tuổi tác rồi, lẽ nào vì tranh hơn tranh thua, mà ông mạnh tay sát hại đồng bào không xót thương đến thế? Người ta có thể vì tức khí, nóng giận mà tàn nhẫn, vung tay quá đà. Đó là chuyện nhất thời. Còn ông, ông dai dẳng quá.
    Vì cuồng tín chăng? Vì tự ái chăng? Vì cái gì ông ta cũng đáng trách đáng giận quá.
    Nhưng trong vấn đề này, trách móc với giận hờn đâu có ăn thua gì. Một biểu thị tình cảm: thật vu vơ, vô hiệu. Ăn thua chỉ có chiến lược thâm hiểm, hành động thích hợp. Lời nói — dù nhã hay bất nhã — rồi sẽ bay đi theo mây gió. Chỉ có hành động mới sửa đổi được tình thế. Mà hành động thì…
    Thì rồi chắc chắn ở phía bên này thoạt tiên ai nấy sẽ nhảy lên mừng hòa bình, rồi tiếp sau đó sẽ bất đồng cãi cọ nhau ỏm tỏi về chuyện xây dựng, sẽ tranh nhau làm ăn tới tấp. Cùng lắm, lâu lâu sẽ có người sáng suốt nhắc khẽ đến chiến tranh chính trị. Thế thôi.
    Trong lúc ấy Bắc Việt lặng lẽ điều khiển cán bộ của họ ở trong nầy âm thầm nhen nhóm cơ sở. Rồi đôi ba năm sau, một ngày nào đó xét thấy thuận tiện, họ cho lệnh bùng nổ. Thế là chiến tranh tái diễn.
    Chiến tranh tái diễn: mọi người trên thế giới đang sống an lành bỗng bị quấy rầy, bị ảnh hưởng, có một số bị lôi cuốn vào chiến cuộc, lấy làm lo ngại, bực mình, quay đầu về cái xứ lắm chuyện này nhìn bằng cái nhìn xoi mói, nghiêm khắc, trách vấn: “Rầy rà thật! Ra cái xứ ấy tệ thật, tự xử không nên thân. Loạn lạc này đích thị do độc tài, tham nhũng, bất công, kỳ thị tôn giáo v.v… khiến dân chúng bất mãn nổi lên chống chế độ. Dung dưỡng những chính quyền, những chế độ như thế chỉ tổ tai hại v.v…”
    Chiến tranh ác liệt thêm: lương tâm nhân loại bị xúc phạm, các nhà triết học gọi nhau họp ở Thụy-điển, các luật gia rủ nhau họp ở Grenoble v.v… trịnh trọng suy tư, trịnh trọng bàn cãi, rồi lên án, kết tội v.v… Trong khi ấy các lãnh tụ Hà Nội họ chỉ cần khéo che miệng nín cười. Đó là điều quan trọng: họ không được phép cười. Họ không được phép chế giễu lương tâm và trí thông minh của loài người. Họ không được vô lễ; họ chỉ được tiếp tục đánh thật mạnh.
    Cứ thế cho đến khi hoặc chúng ta chịu không nổi những đòn đánh từ bên ngoài và những dằn xóc từ bên trong, chúng ta bỏ cuộc và cộng sản tiến đến Cà Mau; hoặc bên phía chúng ta cùng đồng minh có những kẻ thật chì, cộng sản liệu ăn không nổi, thế là lại điều đình và lại xếp đặt một kế hoạch khác… Như vậy không biết đến bao giờ.
    Còn ba mươi hai năm nữa, chúng ta bước sang thế kỷ XXI. Nhiều người xem như bước sang một kỷ nguyên mới, một nền văn minh mới: con người sẽ không chỉ biết có quả đất, nhiều quốc gia sẽ tiến đến nền kinh tế kỹ nghệ hậu. Đó chưa hẳn là cực lạc, nhưng cũng là cái gì vượt xa tình trạng hiện tại. Thiên hạ nô nức đua nhau tiến đến mặt trăng, đến kinh tế kỹ nghệ hậu. Như thể cá vượt Vũ Môn.
    Riêng dân tộc chúng ta, ba mươi hai năm nữa e vẫn còn đánh nhau, nửa nước túm lấy nửa nước dìm nhau trong bể máu. Các dân tộc, bất cứ da đen hay da đỏ, đều có thể nô nức, hy vọng ở thế kỷ XXI. Riêng chúng ta, chúng ta chỉ còn có mỗi một điều để đón đợi: là hết chiến cuộc này đến chiến cuộc khác, nếu Hà Nội không từ bỏ quyết tâm của họ. Và cho đến bây giờ, họ chưa có dấu hiệu từ bỏ.
    Hỡi các em bé của đồng bằng Nam Việt xanh ngát bị bắt đưa đi, từng hàng từng lớp nối nhau dìu nhau ra núi rừng Việt Bắc! Riêng về phần mình, các em đã chịu côi cút ngay từ lúc này; còn đất nước thì sẽ vì những chuyến ra đi của các em mà lâm vào cảnh đau thương bất tận. Tai họa hiện xảy đến cho các em cũng là tai họa về sau cho xứ sở. Đã sáu tháng qua rồi. Dù người ta có thôi dài cổ ngóng về Ba-lê, để nghĩ cách cứu các em, thì cũng đã muộn.
    Nhưng đâu có ai chịu thôi ngóng chờ? Và trong không khí thấp thỏm chờ đợi hòa bình, ngày ngày báo chí chỉ những rập rình từng thoáng tin ngưng oanh tạc, tôi hướng về các em những ý nghĩ vô cùng buồn thảm, đen tối.
    Võ Phiến
    10 – 1968
    *Nhan đề bài này mượn từ một cuốn sách của Phùng Khánh, dịch truyện The Catcher in the Rye của J.D. Salinger. Sách Phùng Khánh do Thanh Hiên xuất bản năm 1967 tại Sài Gòn.
     
    Tôi cũng ủng hộ ô. Nguyễn Ngọc Bích yêu cầu phục hồi Hiệp Định Paris, được hay không thời gian sẻ trả lời.
    Đồng thời ủng hộ tối đa những tiếng nói đối lập trong nước. Đó là trách nhiệm chúng ta phải làm, tự bắt buột phải làm cho tới khi nhân Dân VN có được nền Dân Chủ Tự Do thật sự.

    • doctin says:

      “…cuộc chiến hiện nay không hề khởi đầu từ những bất mãn chống một chế độ độc tài gia đình trị, không hề khởi đầu từ sau việc chính quyền Sài Gòn từ chối cuộc tổng tuyển cử 1956, không hề khởi đầu từ ngày khai sanh mặt trận nọ mặt trận kia.

      Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ những cuộc liên hoan chia tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập kết, những cuộc liên hoan có hát có múa, có bánh trái tiệc tùng… Nó xuất hiện ngay từ những đám cưới vội vã sau ngày đình chiến, những đám cưới lắm khi tổ chức tập thể…………
      HCM…trải bao nhiêu năm cứ nhất mực khăng khăng chủ trương hết cuộc tàn sát này đến cuộc tàn sát nọ, không một mảy may sờn lòng xúc cảm trước cảnh chết chóc thê thảm làm cho cả nhân loại đều ái ngại.
      ………Riêng dân tộc chúng ta, ba mươi hai năm nữa e vẫn còn đánh nhau, nửa nước túm lấy nửa nước dìm nhau trong bể máu. Các dân tộc, bất cứ da đen hay da đỏ, đều có thể nô nức, hy vọng ở thế kỷ XXI. Riêng chúng ta, chúng ta chỉ còn có mỗi một điều để đón đợi: là hết chiến cuộc này đến chiến cuộc khác, nếu Hà Nội không từ bỏ quyết tâm của họ. Và cho đến bây giờ, họ chưa có dấu hiệu từ bỏ” . “.Nhà văn Võ Phiến .

      Tổng thống Nixon : ” Người Trung Hoa dùng chủ nghĩa Cộng sản để xây dựng đất nước. Người Việt Nam dùng đất nước để xây dựng chủ nghĩa Cộng sản ”

      Trong hồi ký “Mémoires Inédites”, lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev : ““Hồ chí Minh là tông đồ nhiệt thành của tôn giáo Cộng Sản, là vị thánh của chủ nghĩa Cộng Sản, người nhiệt thành xả thân vì đại nghĩa… Các bạn phải tôn kính người này, hãy quỳ gối trước ông ấy để tỏ lòng biết ơn về những đóng góp vô vị lợi của ông ấy cho chính nghĩa Cộng Sản, đã dành cho nó tất cả sức lực và khả năng của mình”

      Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện :
      “Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó
      Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
      ……
      Lúc rụi vào Tàu
      Lúc rúc vào Nga
      Nó gọi Tàu, Nga là cha anh nó
      Và tình nguyện làm con chó nhỏ
      Xông xáo giữ nhà gác ngõ cho cha anh
      …..
      Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
      Nó là tên trùm đao phủ năm nào
      Hồi Cải Cách đã đem tù, đem bắn
      Độ nửa triệu nông dân, rồi bảo là nhầm lẫn.
      Đuờng nó đi trùng điệp bất nhân
      Hầm hập trời đêm nguyên thuỷ…

      (“ Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do”)

      Nhà văn Dương Thu Hương: “Cuộc chiến giải phóng miền Nam là cuộc chiến ngu xuẩn nhất trong lịch sử dân tộc”

      Nhạc sĩ Tô Hải: “Cuộc chiến giải phóng miền Nam là sự hy sinh cực kỳ vô duyên cho một chủ nghĩa không tưởng, cho sự tiếm quyền của một lớp người đang âm mưu làm Vua của cái nước Việt Nam khốn khổ này bằng chiêu bài Độc Lập, Tự Do mà ở các nước người ta đã có từ nửa thế kỷ trước nay rồi, vì người ta may mắn thay đã không có đảng Cộng sản cai trị”

      Ông còn nói thêm về cái động lực gây nên cuộc chiến đó chính là chủ nghĩa cộng sản: “Đấy chính là một tà giáo đại bịp nhất trong lịch sử loài người mà những tên lãnh tụ tối cao của chúng dựa vào đó để gây chiến tranh nồi da xáo thịt, để tiến hành âm mưu hiểm độc tiêu diệt mọi lòng tin khác, mọi nhận thức, mọi tình cảm, mọi tình yêu, kể cả lòng yêu nước của con người”.

    • cat says:

      Tôi là kẻ hậu sinh, được đọc những dòng tâm huyết, đầy suy tư, trăn trở như trên đây của nhà văn Võ Phiến mà thấy thật tiếc cho xứ sở miền Nam Việt Nam của mình.

      Tôi cũng rất lấy làm ngạc nhiên là sau từng ấy năm, mãi đến nay tôi mới được biết đến truyện kể trên của nhà văn Võ Phiến. Thiển nghĩ rằng những tác phẩm như thế này lẽ ra phải được phổ biến đến càng nhiều người càng tốt, từ lâu lắm rồi.

      Tôi cũng đoán rằng, một con người giàu tình cảm, đầy suy tư, và có viễn kiến như ông ắt hẳn đã phải đau buồn, thất vọng lắm với hoàn cảnh chiến tranh loan lạc, nhân tình thế thái nhiễu nhương ở miền Nam Việt Nam thời kỳ đó, và với số phận bi thảm của miền Nam sau ngày mất nước 30-4-1975.

  2. Bùi lễ says:

    Tôi nghĩ, hiệp định Paris chỉ là cái cớ/nất thang để tạo cho Mỹ có thời gian/cơ hội rút quân ra
    khỏi NamVN. Cái hiệp định này, thực chất chỉ là giãi quyết vấn đề còn tồn tại giữa Mỹ and Tàu
    Trong hiệp địng Geneve (Đông Dương) & Thượng Hải (Tàu&Mỹ) mà vấn đề liên quan đến VN .
    Cũng có thể nói chính sát là bản án khai tử miền Nam VN.

    Tôi thấy có topic nói về “phục hồi hiệp định Paris” cũng vui vui :-)))
    Có người chết nào đi kiện kẻ sống bao giờ ?

  3. Trả lời Thích nói thật says:

    Trả lời Thích nói thật
    Đáng lý ra tôi không trả lời bạn vì tôi lấy tên thật, bạn lấy tên giả nick name
    Tôi không hèn, tôi công khai lấy tên tôi nói với ông Nguyễn quốc Khải, bạn hèn không dám lấy tên thật để nói chuyện với tôi, đã hèn lại vô ý thức lợi dụng để chê bai hạ bệ người khác
    Trong bài của ông Nguyễn ngọc Bích có nêu những sơ sót của ông NQ Khải, tôi chỉ bổ sung bài viết về điểm này tôi không có thì giờ để bàn những chuyện phiếm.
    Trong các bài của tôi thì đa số góp ý là lạc đề nói sang những vấn đề khác, một số khoe khoang hiểu biết hoặc lợi dụng mạ lỵ người viết…chi có một số rất ít xây dựng vài sai phạm nhỏ..
    Tôi chấm dứt và xin miễn góp ý tiếp, xin miễn đối thoại tiếp khỏi làm phiền trang mạng ĐCV

    • Thích Nói Thật says:

      Chào ông Trọng Đạt

      Cám ơn Ông đã chiếu cố hạ bút phản hồi.
      Nick hay tên cũng chỉ là bút hiệu, điều quan trọng là nội dung chuyên chở điều gì.
      Hèn hay không nó không nằm ở cái tên hay nick, mà không dám vào sự thật mới là hèn Ông ạ

      Nguyễn Quốc Khải, Trọng Đạt, TĐ, hay Thích Nói Thật cũng chỉ là người trên mạng ảo. Ở VN mình có họ “Trọng” không thưa Ông, hay Trọng Đạt cũng chỉ là bút hiệu?

      “Thích Nói Thật” là nick tôi dùng đã lâu để nói sự thật khó, tránh va chạm, nhưng tôi không phải là Nguyễn Quốc Khải!

      Câu hỏi tôi đặt ra dưới đây không phải riêng cho mình, mà bạn đọc cũng mong được biết ý kiến của Ông đấy!
      ———————————————–

      Ông Trọng Đạt phê phán ông Trúc Bạch: “nói có đúng tuy hơn nặng”. Nhưng chính ông Trọng Đạt lại nặng lời hơn ông Trúc Bạch rất nhiều!

      “Theo ý kiến của tôi, ông Nguyễn quốc Khải là một vị trí thức nhưng khi viêt về một đề tài nghiên cứu lấy cái tên quá to tát về Hiệp định Paris nhưng nội dung phải nói là “đầu Ngô mình Sở”, toàn bài chỉ là một mớ kiến thức lượm nhặt mỗi chỗ một tí để lòe độc giả, ông đã đánh giá quá thấp trình độ người đọc“.

      Ông Trọng Đạt cũng đã viết nhiều, cũng có những sơ sót mà độc giả đã góp ý. Nhân vô thập toàn, chỉ ra những điểm sai và góp ý bổ sung cho nhau mới là người xây dựng, tìm cách “chơi xỏ , hay hạ bệ nhau” thì có xứng đáng là người cầm bút? là trí thức? là người cổ vũ cho dân chủ?

      Tôi không quan tâm lắm về lối hành văn, mà chỉ tập trung vào những điểm chính cũng như ý tưởng của bài viết. Ông Trọng Đạt nghĩ thế nào, xin vui lòng cho biết ý kiến về câu hỏi: “Phục Hồi HĐ Paris 1973 có là điều khả thi?

  4. Thằng Bờm says:

    @ KQN says: 13/01/2013 at 09:35

    4. “Khoảng cách chạy tội” là từ riêng của tôi, không phải dịch từ “decent interval” của hai ông Kissinger và Nixon. Tôi không phải là một sử gia mà chỉ muốn bình luận về một biến cố lịch sử. . Đoạn bôi đậm in nghiêng là một câu của NQK đã viết trưóc đây, ở đây được lặp lại với chủ từ “tôi” nhưng lại là của KQN. Không rỏ đây là lỗi của ban biên tập hay do sự cố ý ẩn náu gian trá của NQK ? Tôi nghĩ rằng không phải lỗi của BBT (một cái tên đi kèm với một email khác nhau) vì đoạn văn sau đây cũng đã do NQK từng viết :
    5. Hiệp Định Geneva 1954 là một hiệp định đình chiến quân sự. Do đó chỉ có hai phe quân sự ký (Thiếu Tướng Henri Delteil của Pháp và Thiếu Tướng Tạ Quang Bửu của Bắc Việt). QGVN không ký và cũng không được phép ký dù muốn trong thời điểm đó, vào Hiệp Định Geneva 1954. Nhưng QGVN vẫn bị buộc phải tuân theo hiệp định này, kể cả việc rút quân và tổ chức cho dân di cư vào nam vĩ tuyến 17, ngoại trừ sau này từ chối cuộc tổng tuyển cử 1956…. Đã không phải là sử gia mà đi bình luận về một biến cố lịch sử ! Điều này chẵng khác gì nói “tôi không phải là khoa học gia nhưng chỉ muốn bình luận về chuyện mặt trời ở xa hay ở gần ! ?

    Chính vì thế mà tôi không cần trả lời cái nghi vấn của tựa đề “HĐ Paris hiện thực hay hoang tưởng”. Tôi chỉ nêu ra trước đây những tình huống mà cái HĐ đó có thể lù lù xuất hiện. Vì sao chỉ nói “có thể” mà không khẵng định nó “hiện thực”. Bởi đơn giản những người VNCH được thầy cô, cha mẹ dạy dỗ rằng : Hegel đã nói “cái gì hợp lý thì ắt phải hiện hữu” nhưng “ắt phải hiện hữu” không giống với 2 từ “hiện thực”, vì 2 chử “ắt phải” nó đòi hỏi có thời gian chứ không như “hiện thực” là một việc đã có. Các con không nên nói dối một sự việc chưa sẵn có, dẫu sự việc đó có thể xảy ra chỉ 1 giây sau khi các con phát ngôn.

    Trở lại với nhà “phi sử gia” mà thích bình luận về một biến cố lịch sử. 5. Hiệp Định Geneva 1954 là một hiệp định đình chiến quân sự. Ông NQK ới à …! Tôi đã bỏ qua cái dốt nát của ông khi ông viết cái đoạn tôi trích mà đã đọc được nó ở trong bài trước, vì tôi không rảnh để chỉ cho ông thấy cái dốt của ông. Ở đây, ông cho rằng cái dốt của ông là đúng khi viết lại với một cái tên “tráo trở” là KQN. Tôi phải mất thì giờ chỉ cho ông thấy cái hội nghị quân sự mà ông ông ôm khư khư để nhục mạ QGVN LÀ CÁI NÀY :
    Trong khi Hội nghị Genève đang tiến hành, thì tại miền Bắc Việt Nam, Hội nghị Trung Giá đã khai sinh từ 1 cuộc họp sơ bộ ngày 29 tháng 5/1954. Hơn 1 tháng sau, hội nghị chính đã khai diễn ngày 4 tháng 7/1954 và bế mạc ngày 27/7/1954.
    Tham gia Hội nghị gồm:
    _ Phái đoàn Quốc gia Việt Nam gồm có Trung tá Trang Văn Chính (trưởng phái đoàn), sau đó Trung tá Lâm Ngọc Huấn thay thế, Thiếu tá Nguyễn Phước Đàng, Đại úy Nguyễn Bửu, sau thay thế bởi Đại úy Trần Ngọc Huyến.
    _ Phái đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam do Văn Tiến Dũng (Thiếu tướng) làm trưởng đoàn, Lê Linh, Lê Quang Đạo (Đại tá), Song Hào, Nguyễn Văn Lung (Trung tá), thông dịch viên tên Lê (thiếu tá).
    _ Phái đoàn Pháp do Đại tá Lennuyeux làm trưởng đoàn, Trung tá Le Roy, Thiếu tá Le Flahec, Sanani, Sacquin và Đại uý Lohmann thông dịch viên. Nguồn trích dẫn. Nếu nguồn vi.wikipedia không làm ông hài lòng thì đây :

    “Sau 23 ngày (từ 4-7 đến 27-7-1954) tổ chức họp bàn tại chỗ ở Hội nghị quân sự Trung Giã, đại diện quân sự hai bên đã đi đến thống nhất và giải quyết được nhiều việc quan trọng, đặc biệt là vấn đề tù binh; thực hiện ngừng bắn; điều chỉnh khu vực tập kết quân đội; vấn đề ủy ban liên hợp… góp phần nhanh chóng thúc đẩy việc thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương. Nguồn của quân đội nhưn dưn của ông đấy.

    Một đứa con nít biết xử dụng internet cũng thừa biết hiệp định Geneve 1954 nói những gì, sao nhà “phi sử gia” NQK không biết nỗi một sự kiện mang tính lịch sử là “sự bùng nỗ thông tin của thời đại @” mà lếu láo quá mức, lếu láo đến nỗi phải mượn một cái tên khác là KQN để minh chứng cho việc nói “vẹc” của mình là đúng.

    HĐ Paris 73 có tái hiện lại hay không là một vấn đề mang tính quốc tế. Mọi người đều biết rỏ nó có quy định khi hội đủ số quốc gia đặt bút ký vào đó yêu cầu tái nhóm thì nó được đặt trở lại trên bàn thương thảo. Tối quan trọng là 5 nước trong Hội đồng Bảo An LHQ, hôm nay chỉ trừ Trung quốc ra thì hầu như nó đã được 4 quốc gia còn lại “dzui dzẻ”. Và việc giải mã các tài liệu trong quá khứ cũng đã cho thấy Trung quốc từng không đồng ý để Bắc VN nuốt Nam VN, như vậy vấn đề TQ chỉ là 50/50. Trung quốc hôm nay có thể đổi ý, nhưng như tôi đã viết ở các còm trước, 50 còn lại của TQ cũng sẽ “có thể” trở thành 100% đồng ý.

    Có người cho rằng CHXHCNVN không đồng ý thì quốc tế làm gì được ! ?? NGÂY NGÔ. Hãy nhìn vào thực trạng kinh tế tài chánh của CHXHCNVN thì sẽ rỏ. Chị Dậu phải gạt nước mắt mà bán mấy con chó là viễn cảnh của VN đấy. Mấy con chó của chị Dậu là những kẻ đang giúp họ cố gở gạt đừng để HĐ Paris 73 tái xuất hiện.

    Tôi đã từng nói HĐ Paris 73 là điều tôi phải chẵng đặng đừng mà chấp nhận để VN lột xác không quá đau đớn. Để những gì ngu muội mà VNDCCH và CHXHCNVN từng ký kết với quốc tế không có hiệu lực với người dân Nam VN và không có hiệu lực với toàn thể người dân VN sau này.

    Xin nhắn với các anh “đánh võ mồm” rằng, dẫu cho các anh có lật được nhà nước CHXHCNVN này, các anh phải mang gánh cái của nợ mà VNDCCH và CHXHCNVN từng ký kết với quốc tế ; không như khi có một miền Nam làm nền tảng không mắc mớ với các của nợ ấy ; và sau đó người dân miền Bắc theo sau tức là toàn thể nhân dân VN phủ nhận tất cả các ràng buộc “chết người” trong hoà bình và có tính công pháp quốc tế, mà nếu nước lớn dở trò binh đao thì trên nguyên tắc công pháp quốc tế, VN được sự hỗ trợ rộng rãi của LHQ cũng như dư luận quốc tế, đừng ngồi đáy giếng ọp ẹp mà ngỡ là op-ed.

  5. Lê Phan says:

    Tôi được biết ô. Nguyễn Ngọc Bích vào tháng 3/2007 đã bí mật gập gỡ Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Cộng Phạm Gia Khiêm trong chuyến công tác để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm Hoa Kỳ sau đó của các ông Phan Văn Khải và Nguyễn Minh Triết. Cuộc gặp gỡ này do văn phòng của cựu TNS Jim Webb dàn xếp. Ngoài ông, còn có một “Việt kiều” thứ hai. hành động đi đêm này của ông khiến cho một số người lâu năm trong Ban Chấp Hành của Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ (National Congress of Vietnamese Americans – NCVA) do ông làm chủ tịch đã rút tên ra khỏi tổ chức. Cho đến nay ông vẫn giữ kín vụ này, nhưng nhiều người cũng đã biết. Chúng tôi, những con dân của VNCH, yêu cầu ông xác nhận những sự kiện này và cho biết mục tiêu của buổi gặp gỡ và kết quả ra sao.

    Trước đây, ô. Bích đã hợp tác với Chính Phủ VNCH lưu vong của cố Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn. Sau khi ô. Cẩn qua đời, ông Bích vẫn tiếp tục hoạt động với tổ chức này dưới sư lãnh đạo của các ông Nguyễn Văn Chức và Lý Tòng Bá. Xin ô. Bích cho biết kết quả của việc vận động vãn hồi Hiệp Định Paris của Chính Phủ VNCH lưu vong sau 4 năm làm việc và lý do nào ông lại tách ra lập thêm một chính phủ lưu vong thứ tư. Khi nào ông thành lập xong nội các để ra mắt người Việt và vận động chính giới quốc tế và đặc biệt Hoa Kỳ công nhận? Việc này phải thực hiện trước khi ông bàn đến chuyện vãn hồi Hiệp Định Paris.

    Trân trọng cám ơn Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Bích.

  6. Hoàng Sa VN says:

    Ông Bích chê ông Khải viết “khơi khơi là “mà chính VNCH đã xé bỏ”?.

    Ngược lại ông Bích cũng viết khơi khơi về “Phục hồi HĐ Paris 1973″, lại còn tránh né, không chịu giải thích hoặc phản biện những ý kiến “Phục hồi HĐ Paris 1973 là điều hoang tưởng!

    Thế này là thế nào? Các Ông rỗi rãi quá nên đem chuyện quốc sự ra bàn cãi khơi khơi để tiêu khiển?

  7. doctin says:

    02/01/13 Phục hồi Hiệp Định Paris 1973: Hoang tưởng hay hiện thực?

    Sinh viên VN says: Nếu ai đó không đồng tình thì nên im lặng theo dõi việc làm của họ, hoặc không để ý đến là tốt hơn. Đây là “Con Đường Cứu Quốc, nên điều mong mỏi chung là chúng ta đừng châm biếm, chê cười, hoặc viết bài phản bác bằng những giọng điệu thiếu văn hóa, hoặc với lý luận bi quan xu thời gây bất lợi cho đại sự. Muốn vì Đất Nước, vi Dân Tộc thì “Cá Nhân, Tư Lợi, Thành Kiến” nhất thiết phải được gác qua một bên để nhường đường cho việc tiến hành Kế Hoạch!

    Trần Tri Tình hình thời cuộc mỗi ngày mỗi khác. Việc đòi lại công đạo cho HĐ Paris 73 là nhiệm vụ và quyền lợi chung của nhân dân Miền Nam. Làm không nổi thì hãy im lặng để người khác làm, không nên bàn ra tán vào làm nhụt chí của những người có nhiệt tình với đất nước và đồng bào. Chúng tôi hoan nghênh và chúc đại cuộc được thành công.

    Tien Ngu says:: Người Việt, không cs, chỉ còn một cách duy nhất là phục hồi HĐ Paris, mới dứt được cái nạn cs, dựng lại một quốc gia VN tự do, từ đó mới nói đến chuyện lấy lại Hoàng Sa từ tay Trung Cộng.

    Phục hồi HĐ Paris và VNCH chẳng những gây…bức xúc cho csVN, mà anh Tàu Cộng là….giựt con mắt nhất…

    Hùng says: Phục hồi hiệp định Paris là đúng. Sự thật vẫn là sự thật. Việt cộng đánh chiếm miền Nam là sai.
    Chúng ta, người Việt hải ngoại chưa đủ mạnh hay vẹm chưa yếu đủ. Tôi hoan hô việc phục hồi hiệp định Paris. Galileo Galilei cả mấy trăm năm mới đươc phục hồi danh dự.
    Mấy người cho là hoang tưởng là thiếu thông tin, thiếu hiểu biết. Mấy chú vẹm cò mồi chắc phải biết là Việt Nam hiện là xứ nghèo nàn và lạc hậu nhất thế giới mà còn bênh vẹm. Đúng là láo như vẹm.

    Phan BA says:Đây là một sáng kiến rất hay, cũng như việc mang việt cộng ra toà án quốc về tội ác chống nhân loại. Là việc mà người yêu tự do phải làm.
    Một việc rất là lợi là nó cho thế giới biết về bộ mặt gian xảo, xảo quyệt của tập đoàn cộng sản việt nam.

    vybui says: Trên lãnh vực chính trị, có những điều phải trước sau như một, cũng có những việc phải tùy thời.
    …. Mới đây, Nguyễn Tấn Dũng phải ngậm đắng, nuốt cay, công nhận VNCH là một nhà nước hẳn hoi (chứ không còn là Nguỵ, giả gì nữa!!!)

    Áo vải cờ đào says: Muốn trực diện đối đầu với lũ tiểu nhân đê tiện CSVN (hãy đọc Blogger, Nguyễn Hoàng Vi) thì, dù chỉ là một “phân li” nhỏ hay một tia hy vọng, chúng ta vẫn phải thực hành để vạch mặt bọn độc tài buôn dân bán nước, chà đạp nhân quyền ra trước Công Lý, nếu đồng bào không muốn thảm cảnh bị “Lột” đồ phụ nữ và…Hơn thế nữa, sẽ tiếp diễn ở VN.

    Tôi đồng ý với Trúc Bạch says: Có nhiều cách để chống bọn độc tài CSVN, mỗi người theo một con đường, ta chớ a dua với bọn côn đồ, bọn công an mạng để thóa mạ, dùng những lời lẽ hạ cấp để chửi những người không đồng ý kiến với mình, gọi người ta là hoang tưởng .

    PHC says: Phục hồi hay xé bỏ văn kiện Hiệp định Ba Lê 1973, thì nội dung tinh thần bản văn này vẫn còn đó,và HĐ này vẫn dẫn đến giai đoạn chót hoàn thành,chấm dứt chế độ CS tại VN, và Trung Cộng cũng sẽ bước sang giai đoạn mới.
    Ai kia chê HĐBL là ” hoang tưởng?” Hãy biết suy nghĩ.

    Thằng Bờm says: người Việt trong và ngoài nước chỉ ngồi chờ “sung rụng” thôi sao ? Không, cấu trúc cuả VNCH là một tổng thể của nhiều tập hợp “xã hội dân sự”. Cứ cùng nhau như đã từng cùng nhau, người nào việc đó, tùy theo khả năng, đồng tâm hướng đến “một màu vàng chiêu dương và một nền vinh quang bằng máu”.

    Trúc Bạch says: Có nhiều cách chống cộng, mỗi người theo đuổi một cách và hãy tôn trọng cách chống cộng của người khác, không thể bảo cách của tôi mới là “Hiện Thực” và cách của anh là “Không Hiện Thực” …và nhất là đừng giở thói côn đồ, hàm hồ gọi người ta là “Hoang Tưởng” !
    Một văn tự đã được “công chứng” thì luôn luôn có giá trị, cho dẫu người ký nó đã chết , bất cứ ai cũng có thể vì công Lý (nhất là công lý cho người bị hại), mà đưa kể thủ ác ra trước pháp luật !.. Chỉ có bọn lưu manh mạt hạng mới lu loa “VNCH đã chết rồi” những gì nó ký là không còn tồn tại (Điều này rất hợp với lập luận của Bắc Kinh và bọn ngụy Ba Đình trong vấn để Biển Đảo).
    Cho dù những kẻ đã ký vào HĐP , biết HD0 bị vi phạm trắng trợn – nhưng vì lợi ích của chúng, hay vì một lý do, mục đích nào đó mà chúng không (hay chưa) ủng hộ việc phục hồi HDP để đưa kẻ vi phạm ra tòa, thì là chuyện của chúng – Nhưng là người Việt Nam thiết tha muốn đòi lại những vùng đất đai Biển Đảo Tổ Quốc đã bị Hồ Chí Minh và đảng CSVN dâng bán – thì nên mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ – Chuyện thành bại tính sau ( nhược bằng, không ủng hộ thì xin im lặng mà làm chuyện của minh theo đuổi, chứ đừng tát nước theo mưa, gọi những người có lòng là Hoang Tưởng)
    Tôi ủng hộ vận động phục hồi, nhưng tôi cũng ủng hộ tất cả mọi tổ chức, cá nhân quốc nội đang tranh đấu cho một VN tự do…và tôi thấy không có gì mâu thuẫn cả !
    Hay quăng trả lại hai chữ Hoang tưởng mà bọn CS hay đám bưng bô ném vào những người vận động Phục Hồi HDP lại cho chúng nó, vì chính chúng nó – những kẻ còn tin có thiên đường CS – mới là bọn Hoang Tưởng !

    nguoimien nam says:Việc tái xét lại HĐParis của ông Ng ngọc Bích cũng là một viên gạch trong công cuộc chung để chống độc tài CS, nhiều người a dua nhau chửi bới ông Ng ngọc Bích một cách hỗn hào, vô học không tự xét xem mình đã làm được cái gì cho đất nước, cho cộng đồng hay chỉ là phường ăn hại đái nát, phá hoại?

    Lê Dân Việt says:Việc vận động tái xét lại hiệp định Paris có phải là hoang tưởng hay không, thì tôi nghĩ rằng là không. Nhưng nói đây là một giải pháp để có được dân chủ nhân quyên cho dân Việt trong nước thì cũng là không. Mà việc vận động tái xét lại hiệp định Paris phải được xem như một mũi nhọn tấn công trên mặt trận ngoại giao để yểm trợ phong trào đòi dân chủ nhân quyền tạo quốc nội thì hoàn toàn có thể khả thi. Chính trị ngoại giao không phải lúc nào cũng không thay đổi được. Biên giới giữa bạn và thù trong ngoại giao hình như chưa bao giờ được phân gianh rõ ràng. Chúng ta cứ nhìn vào Mỹ, Liên xô và Tầu cộng qua lại với nhau như thế nào trong giai đoạn nồi da xáo thịt Việt nam 1954-1975, để thấy rõ điều này.
    Có quá trễ khi đòi hỏi tái xét hiệp định Paris hay không? Tôi không nghĩ là vậy. Bởi những hiệp định này không có nói đến thời hạn hết hiệu lực, thì nó vận có thể vận dụng cho đến khi có một hiệp định mới.
    Trong nỗ lực chung để đòi hỏi dân chủ nhân quyền cho Việt nam, không có bất cứ một hoạt động nào của từng cá nhân hay đoàn thể tranh đấu nào là dư thừa, hay hoang tưởng cả, từ việc vận động tái xét hiệp đinh Paris, hay xuống đường đòi nhà cầm quyền Việt nam tôn trọng nhân quyền cho người dân trong nước, hoặc kết hợp cùng người dân Tây tạng xuống đường chống Tầu công, và ngay cả việc vào diễn đàn ĐCV để chửi nhau với mấy CAM… cũng là những viên gạch lót đường cho công cuộc chung. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta nên tôn trọng những viên gạch lót đường ấy, chúng đều có giá trị ngang nhau, cho dù cách làm và suy nghĩ của học có khác với ta. Nếu khác thì ta không ủng hộ, nhưng cũng không nên tranh luận trái ngược, nếu không nói là chỉ trích, bới lá tìm sâu, hay cho rằng chỉ có ý mình mới đúng, mới cao cơ, mới diệt được CS…những điều này chẳng có lợi gì trong công cuộc chung. Hãy cứ để thời gian làm câu trả lời cho những sinh hoạt chính trị đúng hay sai. Nếu sinh hoạt nào đúng thì sẽ tồn tại và phát triển, còn sai thì sẽ tàn lụi và bi tiêu diệt hoàn toàn, như CNCS vậy.

    doctin says:Có tui nữa đây bên chiến tuyến những người đòi lũ tặc quyền Việt cộng phải thực thi đứng đắn Hiệp Định Paris .

  8. Minh Dao says:

    Trong lãnh vực chính tri cái gì cũng có thể xẩy ra khi khi hội đủ những yếu tố về thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Rất nhiều người hiểu chính trị trên mặt đất nầy không vượt qua được “Chiều kích thứ 3″ Dimension 3) tức nhãn quan chính trị của người thế tục, mang tính thực dụng, mà quên đi yếu tố cao siêu hình chi phối sinh hoạt chính trị trần gian phát khởi từ “chiều kích thứ 4″;( Dimension 4, 5..) đó là sự vận hành của Thiên lý trong từng chu kỳ nhất định của lịch sử nhân loại. Nói cách khác, các chế độ chính trị, các cơ cấu xã hội được định hình bởi sự vận hành của guồng máy âm dương càn khôn vũ trụ theo luật tiến hóa từng chu kỳ lịch sử nhất định. Không phải ngẩu hứng mà hiện nay, người ta thường bàn đến Thiên Cơ. Trong khi Thiên Cơ thì vượt khỏi tầm suy luận của những đầu óc lý luận chính trị của các nhà làm chính trị đảng phái. Đây cũng là lý do tại sao có những người đề cập đến những Sấm Tiên Tri của đức Trạng trình Nguyễn bĩnh Khiêm nói về bộ mặt mới của xã hội VN từ đây cho đến năm 2016, cũng như sự TẬN DIỆT chế độ CSVN trong những ngày tháng sắp đến, mặc dù nhìn bên ngoài nhân dân VN tưởng rằng chế độ nầy tồn tại lâu hơn. Những ai quan tâm đến sấm Trạng Trình cũng cần biết thêm về Sấm giảng của đức Hùnh Giáo Chủ tiên tri chế độ CSVN sẽ tiêu tùng vào năm 2014, 2015 . Nhưng ít người hiểu tại sao lại có sự tương đồng tiên tri giữa đức Trạng Trình và đức Hùynh Giáo Chủ, vì Đức Huỳnh Giáo chủ CHÍNH LÀ HẬU THÂN của Đức Trạng Trình tái sinh. Nói cách khác, hai Ngài chỉ là một mà thôi. Chính vì thế, Đức Trần hưng Đạo ờ tầng giới cao hơn trong thế giới tâm linh, Ngài đã tiên báo cho dân tộc VN năm 1970 biết rằng bắt đầu từ năm NHÂM THÌN 2012 này sẽ là năm bắt đầu sự biến chuyển của guồng máy thiên cơ dẫn đến sự SỤP ĐỔ chế độc CSVN trong 2 năm sắp đến, không thể nào tránh khỏi. Và sau đó là thời đại Thánh Đức ra đời với một nước VN hoàn toàn mới: ” THÌN chuyển hội cơ nền THÁNH ĐỨC. TỴ NGỌ vể rõ thực mới hay. BẢO GIANG nhất nhị sổ ngay. Nhân sinh tồn lập CƠ NẦY mới nên. Giống Lạc HỒNG vững bền một cõi. HộI LONG HOA nội ngoại quay về……” Để kết luận, THIÊN CƠ sẽ xóa tan đảng CS VN trong những ngày sắp đến mà không một chính trị gia thế tục nào có khả năng luận giải, vì không nắm được toàn bộ sự vận hành của LUẬT VŨ TRỤ là Luật Nhân Quả liên quan đến số phận con người trên quả địa cầu nầy, nói chung, và đất nước VN, nói riêng. Toàn dân VN hãy tin tưởng vào tương lai xán lạn của dân tộc VN. Bệnh ung thư của đất nước VN, nói chung, và đặc biệt là Ung Thư của đảng CSVN đang được THIÊN LUẬT đặt lên bàn giải phẫu để loại bỏ nó.

  9. Trần Bảo Thịnh says:

    Kính gởi ông Nguyễn Ngọc Bích

    Với cái tựa đề “Hiệp định hòa bình Paris và những “sự thật phũ phàng”, Ông vẫn chưa giải thích hoặc trả lời cho câu hỏi của ông Nguyễn Quốc Khải “Phục hồi Hiệp Định Paris 1973: Hoang tưởng hay hiện thực”?

    Ai cũng biết “HĐ Paris 1973 và những điều thật phũ phàng”, cho dù có tiếp xúc hay phỏng vấn những nhân chứng như ông Bùi Diễm, Kissinger hay bất cứ ai chăng nữa thì cũng chẳng thể giải quyết đuợc gì!

    Câu hỏi vẫn là: “Phục hồi HĐ-Paris 1973 có khả thi hay không”?

    Kính mong Ông và những người trong tổ chức (chính phủ VNCH lưu vong) trả lời thẳng thắn câu hỏi trên đây!

    Nếu lập luận của các Ông vững và thuyết phục, thì chúng tôi sẽ ủng hộ hết mình. Đừng gieo trong lòng người dân điều hi vọng viển vông sẽ làm phân tán sức mạnh chống CSVN, thay vì tập trung tinh thần để cùng nhân dân cả nước đấu tranh cho dân chủ Việt Nam!

    • Tuần Triệt says:

      Theo tôi: Có khả thi người ta mới vận động….Con đường phuc hồi Hiệp Định Paris phải được giữ kín. Khi nào cần sẽ công bố….bằng không sẽ bị csVN phá hoại. ( Chưa chi, có người cho là hoang tưởng ).

    • Lâm Vũ says:

      Tôi xin được đồng ý với ý kiến của độc giả Trần Bảo Thịnh.

      Trong bài phản biện này, ông Bích đã không đi vào những câu hỏi chính, mà nói khá nhiều đến những chuyện quá phụ thuộc, như lỗi chính tả, lỗi typo v.v. Cách tranh luận này không hoàn toàn xứng đáng với tư cách của một chính khách tầm vóc chính phủ quốc gia, dù chỉ là một chính phủ “lâm thời lưu vong”.

      Thật ra, một “chính phủ lưu vong” cũng có thể làm được nhiều chuyện có lợi cho công cuộc “phục quốc”. “Quốc” đây phải là cả đất nước và dân tộc Việt Nam, hơn là chỉ VNCH cũ. Chính Hiệp định hòa bình Paris cũng còn cần nhiều phân tích mổ xẻ, để đưa ra những phần trách nhiệm của những phe đã ký kết, chủ yếu là Hoa Kỳ và chính quyền CSVN.

      Dĩ nhiên, không ai trong chúng ta “hoang tưởng” rằng, bằng cách đó người Việt có thể đòi hỏi Hoa Kỳ ép buộc CSVN trả lại đất nước VN cho dân, bằng một cuộc tồng tuyển cử với sự kiểm xoát trực tiếp của LHQ chẳng hạn. Thế nhưng, “chính phủ lưu vong” có thể làm cho và thế giới và người Việt hiểu rõ bản chất của “phe chiến thắng” chỉ là một cuộc xâm lược quân sự hơn là ý muốn của toàn dân. Làm được phần sự này, một “chính phủ lưu vong” đã làm được nhiều lắm rồi.

      Tóm lại, tôi nghĩ, nếu mỗi người chúng ta chỉ cần làm được một việc nhỏ, nhưng cộng lại sẽ thành một bước tiến lớn trong công cuộc phục quốc vậy.

      LV

    • cat says:

      ‘Đừng gieo trong lòng người dân điều hi vọng viển vông sẽ làm phân tán sức mạnh chống CSVN, thay vì tập trung tinh thần để cùng nhân dân cả nước đấu tranh cho dân chủ Việt Nam!’

      Ông Bích và đồng đội của ông có kế hoạch riêng của họ trong việc đấu tranh cho dân chủ tự do cho VN.

      Tồ chức của ông Bích không ép buộc, lừa gạt ai cả. Ai có lòng, thông hiểu, đồng quan điểm thì tham gia vận động phục hồi HĐ Paris, không thì thôi, hoặc cứ hoạt động theo quan điểm, đường lối riêng của mình.

      Ông hãy giải thích vì sao chuyện vận động phục hồi HĐ Paris 1973 lại làm ‘phân tán sức mạnh chống CSVN’

      Nếu lập luận của ông vững và thuyết phục, thì tôi sẽ ủng hộ ông hết mình !

      • Trần Bảo Thịnh says:

        Kế hoạch cá nhân của LS Bích và đồng đội của ông thế nào thì tôi không quan tâm, không cần biết đến. Nhưng “Chính phủ VNCH lưu vong” làm gì thì người dân cần phải được biết.

        Không thể nói như ông Tuần Triệt rằng; “Có khả thi người ta mới vận động….Con đường phuc hồi Hiệp Định Paris phải được giữ kín. Khi nào cần sẽ công bố….bằng không sẽ bị csVN phá hoại. .

        Nói như thế thì có khác gì VC, bán đất, bán biển cho TQ rồi bưng bít sự thật, che dấu như mèo dấu phân, đó là “bí mật quốc gia” hay là “vùng nhạy cảm” không được đụng đến!

        Cho đến nay đã gần 40 năm rồi im như thóc ngâm trong nước, không một tín hiệu “sống” của chính phủ VNCH lưu vong (không có hoạt động công khai), không thấy báo chí nói đến, hay chỉ nhắc qua như chuyện không có gì đáng nói!

        Những người cốt cán trong chính quyền Sàigòn cũ như ông Thiệu, ông Cẩn cũng không còn nữa. LS Nguyễn Ngọc Bích là ai? Uy Tín của ông Bích và nhóm của ông thế nào đối với NVHN và thế giới?

        Nói thật, bây giờ mà ngay cả đến tổng thống Mỹ Omaba hứa hẹn, thúc đẩy và yểm trợ hết mình để phục hồi HĐ Paris 1973 thì tôi cũng không tin tưởng tí nào. Hãy hồi tưởng và suy nghĩ về lời hứa của Nixon với ông Thiệu trước kia thì sẽ rõ!

        Ngày xưa với thực lực của VNCH mạnh mẽ như thế mà còn vậy, còn hôm nay?

        Quá dễ hiểu mà sao Ông lại hỏi tôi: ‘Ông hãy giải thích vì sao chuyện vận động phục hồi HĐ Paris 1973 lại làm ‘phân tán sức mạnh chống CSVN’ ?

        Đừng nói gì xa, ngay trên diễn đàn này chỉ có một nhúm người mà đã chia ra mấy phe rồi về đề tài này!

        Phe tán thành (xem tóm tắt của ông doctin) chỉ ủng hộ, nói tào lao, nói cho có nói mà không đưa ra được lập luận nào có thể bàn thảo, tranh luận!

        Phe phản bác (xem tóm tắt của ông Phạm Hùng) lập luận có cơ sở, khả tín hơn, thậm chí có người nặng lời, bới móc chuyện cá nhân ông Bích.

        Đôi bên nặng tiếng với nhau, phỉ báng nhau. Vậy mà ông LS Nguyễn Ngọc Bích không có lời nào trấn an hay giải thích! Như thế không phải là làm ‘phân tán sức mạnh chống CSVN’ hay sao?

        Đó là chưa kể, một số người đặt niềm tin vào ông Bích và nhóm của ông ấy, khi thất vọng thì sẽ bị suy thoái niềm tin, ý chí chống cộng bị bào mòn!

        Điều này đáng lẽ không nên nói ra, nhưng tôi không thể không nói khi vận nước đang cần sự đoàn kết để chống cộng, loại bỏ chế độ độc tài .

        Chúng ta chỉ nên làm những điều mà VC sợ, đó là đoàn kết, cùng nhau đánh đổ chế độ độc tài CSVN. Điều mà những người trẻ ở VN đang làm. Hãy sát cánh và hỗ trợ họ.

        Hãy xem: “Chính quyền TPHCM cấm đĩa Asia 71
        http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/01/130113_asia71_banned.shtml

  10. noileo says:

    KQN:
    “Hiệp Định Geneva 1954 là một hiệp định đình chiến quân sự. Do đó chỉ có hai phe quân sự ký (Thiếu Tướng Henri Delteil của Pháp và Thiếu Tướng Tạ Quang Bửu của Bắc Việt). QGVN không ký và cũng không được phép ký dù muốn trong thời điểm đó, vào Hiệp Định Geneva 1954. Nhưng QGVN vẫn bị buộc phải tuân theo hiệp định này, kể cả việc rút quân và tổ chức cho dân di cư vào nam vĩ tuyến 17, ngoại trừ sau này từ chối cuộc tổng tuyển cử 1956. Sự thật là sợ thua nên Ông Ngô Đình Diệm đã không bằng lòng cuộc tổng tuyển cử. Miền Nam không ký nhưng tuân theo điều kiện của Hiệp Định Geneva 1954 trong 2 năm đầu. Nghĩa là trong giai đoạn này miền Nam chưa xé Hiệp Định Geneva. Đến năm thứ ba không đồng ý tổng tuyển cử, lúc đó miền Nam mới xé rào. Xé hiệp định hay xé rào hậu quả chỉ là một. Vấn đề đặt ra là tại sao không trở lại những hiệp định trước đó mà chỉ muốn phục hồi Hiệp Định Paris 1973. ”

    1
    Không những QGVN & VNCH không ký vào hiệp định Giơ ne vơ 1954, mà bản thân Hiệp dịnh Giơ ne vơ 1954 cũng không có diều khoản nào buộc QGVN & VNCH phải tiến hành tổng tuyển cử.

    Dù với bất cứ lý do nào mà VNCH không tiến hành ttc, thì điều ấy, sụ khước từ đề nghi tổng tuyển cử, cũng không hề có nghĩa là “xé bỏ & xé rào & vi phạm hiệp định”.

    2
    “xé bỏ & xé rào & vi phạm hiệp định” chính là nhà cầm quyền cộng sản VNDCCH & Hồ chí Minh của ông Nguyễn Quốc khải.

    Ngay khi hiệp định chưa ráo mực thì bọn cộng sản VNDCCH và Hồ chí Minh cùng bọn trí thức cộng sản chân chính tin=m đỏ thẻ đỏ & bọn “lão thành cách mạng”, thủ phạm của hành động phản quốc, tuâ lệnh tàu cộng chia cắt VN tại vĩ tuyến 17, trong toan tính phá hoại & xâm chiếm VNCH, đã cho bộ đội cộng sản, đảng viên cộng sản vượt vĩ tuyến 17 xâm nhập VNCH, những điềunnafy vẫn thường đuọc bọn trí thức cộng sản khoe khoang nhặng sị trên những tờ báo ề đảng,

    cũng là vi phạm hiệp định khi bọn cộng sản đã chôn dấu vũ khí tại phía nam vĩ tuyến 17, để lại tại phía nam vĩ tuyến 17 cán bộ cộng sản hòng phá hoại VNCH, đó là hành động vi phạm hiệp định,

    vì theo quy định của hiệp định, mỗi bên phải rút hết vũ khí lực lượng của mình về phía bên của mình ở một bên của vĩ tuyến 17 , và như ông đã nói ở trên, phía VNCH đã rút hết mọi lựuc lượng của mình về phía nam vĩ tuyến 17, riêng bọn cộng sản VNDCCH & Hồ chí Minh thì không tôn trọng hiệp định.

    3
    Với một hợp đồng, dù là hợp đồng gì chăng nữa, mà một bên vi phạm, thì bên còn lại có toàn quyền bất tuân hợp đồng & có toàn quyền xé bỏ hợp đồng mà không bị một chê trách nào.

    4
    Như ông KQN đã nói ở trên, mãi 2 năm sau, sau biết bao hành động của bọn cộng sản VNDCCH & Hồ chí Minh & nhà cầm quyền cộng sản VDCCH ở miền bắc, ngay từ 1954, vi pham hiệp định, xé bỏ hiẹp định, lúc ấy, 1956, VNCH mới không khe đến bản hiệp định đã bị cộng sản xé bỏ”, mà ông vẫn còn kết án VNCH & ổng thống Ngô Đình Diệm là “xé bỏ” hệp định đụơc sao?
    Cái đầu, cái óc, sự phán đoán khách quan công bằng kiểu gì vẩy

    (mà thực ra hành động của VNCH, khước từ “TTC’ cũng vẫn không phải là “xé bỏ”, vì “tổng tuyển cử” không phải là một điều khoản & quy định của hiệp định,

    chưa kể rằng hành động khước từ bầu cử với cộng sản là một hành động hoàn toàn hợp với lý trí bình thường, vì không có ai lại chơi trò bầu cử ngayb thẳng với bọn cộng sản chuyên nghề bầu cử gian lận, chuyên nghề dùng công an & súng đạn & còng số 8 cưỡng bức người dân dưới ách cai trị cộng sản phải bầu theo ý bọn công an & đảng viên cộng sản.

    Nếu có “sợ thua” trong một cuộc bầu cử gian lận của cộng sản, thì cái “sợ thua ” ấy hoàn toàn bình thường, hoàn toàn là khôn ngoan !)

    5
    Nhưng vì đâu mà có cái “hiệp định giơ ne vơ 1954″ để mà ông NGuyễn Quốc khải lên tiếng vu cáo VNCH “vi phạm hiệp định”?

    Chính là cụ Hồ chí Minh gian ác và bọn cộng sản VNDCCH & nhà cầm quyền cộng sản VNDCCH vong bản ngoại lai tay sai tàu cộng, của ông Nguyễn Quốc Khải đã tuân lệnh Tàu cộng Mao trạch Đông, toa rập với thực dân Pháp, chia cắt VN tại vĩ tuyến 17.

    6
    Trước khi mở mồm vu cáo kết án VNCH năm 1956 “vi phạm hiệp định & chia cắt VN” hãy két án bọn cộng sản VNDCCH & Hồ chí Minh đã đang tay chia cắt VN ngay từ 1954

    7
    Ông NQK nói ông không viết sử, “Tôi không phải là một sử gia mà chỉ muốn bình luận về một biến cố lịch sử”

    Thiết tưởng, dù là “viết” hay “bình luận” & “phê phán” thì cũng phải dựa trên những sự thật, những bằng chứng có thật, những văn bản pháp lý có thật, và không phải ai, không một ai có thể tự thị rằng mình mới là kẻ biết sự thật, rằng chỉ một mình mình có sự thật, nên “viết sử” hay “bình luận” gì gì thì cũng phải phải viện dẫn mọi nguồn ý kiến & mọi lập trường đối nghịch, chứ đâu có mà cứ ăn ốc nói mò, tự biên tự diễn như vậy, mà gọi là “bình luận về một biến cố lịch sử” được!

    “QGVN không ký và cũng không được phép ký dù muốn trong thời điểm đó, vào Hiệp Định Geneva 1954.”(KQN)

    Tôi vừa đọc lại cái trích dẫn ở đầu cái còm này, và thấy rõ hơn về mệnh đề trên của KQN, một luận điẹu sặc mùi trí thức cộng sản chân chính tim đỏ thẻ đỏ chuyên nghề làm chứng gian & nói lấy đuọc, vu cáo & bôi nhọ VNCH!

    Tự nhiên thấy tiếc cái công hồi nãy trong khi gõ gõ bàn phím trả lời NGuyễn Quốc Khải, lòng cứ nghĩ rằng ông ta cũng là một người tử tế đáng để trả lời lịch sự!

    Nhưng thôi lỡ rồi, xin phép cứ cho pót vậy!
    À mà này, ông KQN có quen biết gì với cái nick “kami” không?

    • doctin says:

      “Tôi vừa đọc lại cái trích dẫn ở đầu cái còm này, và thấy rõ hơn về mệnh đề trên của KQN, một luận điẹu sặc mùi trí thức cộng sản chân chính tim đỏ thẻ đỏ chuyên nghề làm chứng gian & nói lấy đuọc, vu cáo & bôi nhọ VNCH!” – Noileo says.

      *** Sử gia Trần Gia Phụng- Hồ Chí Minh & đảng Lao Động (LD)( tức đảng Cộng sản Việt Nam) muốn đánh chiếm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, mà kế hoạch đã được đảng LĐ chuẩn bị từ trước khi ký hiệp định Genève ngày 20-7-1954.

      KẾ HOẠCH LIỄU CHÂU: THAM VỌNG CỦA ĐẢNG LĐ

      Hội nghị Genève về Đông Dương với 9 phái đoàn là Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Liên Xô, CHNDTH, và bốn chính phủ liên hệ ở Đông Dương là QGVN, VNDCCH (phe Hồ chí Minh), Lào, Cambodge (Cambodia), bắt đầu ngày 8-5-1954, một ngày sau khi kết thúc trận Điện Biên Phủ.

      Hội nghị Genève kéo dài cho đến ngày 21-7-1954, có thể chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhứt từ ngày khai mạc đến 20-6-1954. Giai đoạn thứ hai từ ngày 10-7-1954 đến 21-7-1954. Giữa hai giai đoạn nầy, trong khoảng thời gian 20 ngày tạm nghỉ để các phái đoàn về nước tham khảo và nghỉ ngơi, xảy ra ba sự kiện quan trọng:

      1) Tại Pháp, Mendès France chính thức nhận chức thủ tướng ngày 21-6-1954. Ông hứa hẹn với dân chúng Pháp sẽ giải quyết vấn đề Đông Dương trong vòng bốn tuần lễ và sẽ ký kết hiệp ước chậm nhất vào ngày 20-7-1954, nghĩa là Pháp dứt khoát rời bỏ Việt Nam.

      2) Tại Việt Nam, ông Ngô Đình Diệm chính thức cầm đầu chính phủ QGVN ngày 7-7-1954.

      3) Trong thời gian nghỉ họp, Chu Ân Lai- thủ tướng Trung Quốc và là trưởng phái đoàn Trung Cộng tại Genève- về nước và mời Hồ Chí Minh bí mật hội họp tại thị trấn Liễu Châu (Liuzhou), thuộc tỉnh Quảng Tây (Kwangsi hay Guangxi), từ 3 đến 5-7-1954. Lúc đó, dư luận thế giới hoàn toàn không biết đến hội nghị nầy. Nội dung hội nghị nầy không được VNDCCH tiết lộ, mà chỉ được phía Trung Quốc tiết lộ sau năm 1975.

      Trong cuộc họp Liễu Châu, Chu Ân Lai ép Hồ Chí Minh phải chấp nhận giải pháp chia hai Việt Nam, đồng thời Châu Ân Lai còn đưa ra kế hoạch cho Việt Minh (VM) ( tức phe Hồ chí Minh) rằng trước khi rút ra Bắc, VM nên kiếm cách phân tán và chôn giấu võ khí ở lại miền Nam, để hữu dụng về sau.

      Về phía phái đoàn VM, Võ Nguyên Giáp, tháp tùng theo Hồ Chí Minh, đã trình bày trong cuộc họp rằng nếu phải rút ra Bắc, thì VM chỉ rút những người làm công tác chính trị đã bị lộ diện; phần còn lại thì ở lại để chờ đợi thời cơ nổi dậy, có thể từ 5,000 đến 10,000 người. Trong số những người VM gài lại ở miền Nam Việt Nam, có cả Lê Duẫn, bí thư Trung ương cục miền Nam của đảng LĐVN.

      Như thế, rõ ràng đảng LĐ của Hồ chí Minh đã sắp đặt kế hoạch trường kỳ mai phục, chuẩn bị lực lượng tấn công miền Nam Việt Nam từ trước khi ký kết hiệp định Genève vào ngày 20-7-1954. Vì vậy, đảng LĐ sẵn sàng chà đạp hiệp định Genève để thực hiện chủ trưong của đảng LĐ, xâm chiếm miền Nam Việt Nam.

      QUYẾT ĐỊNH TẤN CÔNG MIỀN NAM VIỆT NAM

      Sau cuộc Cải Cách Ruộng Đất, Trường Chinh phải rời chức tổng bí thư đảng LĐ, và Hồ Chí Minh kiêm nhiệm chức nầy kể từ 30-10-1956. Đảng LĐ chuyển công tác của Lê Duẫn từ bí thư Xứ uỷ Nam Bộ ra Bắc giữ chức Uỷ viên thường vụ Bộ chính trị để phụ tá cho Hồ Chí Minh khoảng đầu năm 1957.

      Vào năm 1958, Lê Duẫn được bí mật gởi vào miền Nam nhằm nghiên cứu tình hình. Khi trở ra Bắc vào cuối năm nầy, Lê Duẩn viết bản báo cáo đề nghị đánh chiếm miền Nam bằng võ lực. Bản báo cáo của Lê Duẫn là nền tảng của quyết định quan trọng của hội nghị Trung ương đảng (TƯĐ) LĐ lần thứ 15 ở Hà Nội.

      Tại hội nghị nầy, ngày 13-5-1959, ban chấp hành TƯĐLĐ đưa ra nghị quyết thống nhất đất nước (tức đánh chiếm miền Nam bằng võ lực) và đưa miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa. (Nghị quyết này đăng trên Nhân Dân ngày 14-5-1959).

      Cùng ngày 13-5-1959 đưa ra nghị quyết thống nhất đất nước, chiếm miền Nam bằng võ lực, Hà Nội cử thượng tá Võ Bẩm lên đường vào Nam lập đường dây liên lạc với các lực lượng gài lại trong Nam. Sau đó, ngày 1-6-1959, một toán gồm 32 cán bộ miền Nam tập kết, bắt đầu ra đi mở đường vào Nam. Đó là con đường Trường Sơn- là dãy núi được xem là sống lưng của toàn cõi Đông Dương- để đưa quân xâm nhập Nam Việt Nam.

      Vào năm sau, tại Hà Nội, từ ngày 5-9 đến ngày 10-9-1960, diễn ra Đại hội đảng LĐ lần thứ III, được mệnh danh là “Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”. Đại hội đưa ra hai mục tiêu lớn của đảng LĐ là xây dựng miền Bắc tiến lên Xã hội chủ nghĩa và tiến chiếm miền Nam bằng võ lực. Cuối Đại hội nầy, Hồ Chí Minh được bầu làm chủ tịch đảng LĐ, Lê Duẫn làm bí thư thứ nhất thay Trường Chinh. Bộ chính trị gồm 11 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết.

      Điểm chót của việc chuẩn bị trong cuộc tấn công miền Nam là việc Hà Nội công bố thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam ngày 12-12-1960 tại Hà Nội. Mặt trận nầy chính thức ra mắt vào ngày 20-12-1960 tại chiến khu Dương Minh Châu ở Tây Ninh, Nam Việt Nam.

      ***Sử gia Hoàng Ngọc Thành- Ngay sau khi Hiệp Định Đình Chiến Geneve 1954 vừa ký kết, HCM và đồng đảng đã xếp đặt quỷ kế xâm lược miền Nam – dưới chiêu bài “Chống Mỹ Cứu Nước”. Quỷ kế này gây nên thảm cảnh chiến tranh máu lửa, kéo dài ròng rã suốt 18 năm trời. Trên trang 505, Sử gia Hoàng Ngọc Thành viết:
      ‘Tại liên khu V (đèo Hải Vân đến Bình Thuận) và tại các vùng tự do ở Nam bộ, các nơi tập kết từ 80 đến 300 ngày, Đảng gây ra phong trào dân địa phương gả con gái cho bộ đội càng nhiều cuộc hôn nhân càng tốt, để các gia đình và các cô vợ mới cưới nhớ đến những anh chồng bộ đội và khi cần có thể nhờ các gia đình này tiếp tế hay làm nơi liên lạc. Tại Nam bộ, Đảng sắp xếp và tổ chức được nhiều đám cưới tập thể nữa…..
      ….. Còn cao cấp như Lê Duẩn- bí thư xứ ủy- giả vờ xuống tàu đi tập kết, nhưng ban đêm xuống xuồng đi vào bờ trở lại. Đảng mai phục và chuẩn bị cho trận chiến sắp đến’.

    • doctin says:

      …Hiệp Định Geneva 1954 mà chính VNCH đã xé bỏ” ???

      Sự thật về vấn đề này ra sao ?

      Sử gia Trần Gia Phụng -: Danh xưng chính thức của Hiệp Định Genève là Hiệp Định Đình Chỉ Chiến Sự :
      - Việt Nam chia làm hai vùng tập trung, ranh giới tạm thời từ cửa sông Bến Hải (Tỉnh Quảng Trị). Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở phía Bắc và Quốc Gia Việt Nam ở phía Nam.
      - Dọc hai bên bờ sông, thành lập một khu phi quân sự rộng 5 cây số mỗi bên,
      để làm ‘’khu đệm’’, có hiệu lực từ ngày 14.8.1954.
      - Thời hạn tối đa để hai bên rút quân là 300 ngày kể từ ngày Hiệp Định có
      hiệu lực.
      - Cuộc ngưng bắn bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 27.7 ở Bắc Việt, 1.8 ở Trung
      Việt và 11.8 ở Nam Việt.
      - Mỗi bên sẽ phụ trách tập họp quân đội của mình và tự tổ chức nền hành
      chánh riêng.
      - Trong thời gian 300 ngày, dân chúng được tự do di cư từ khu nầy sang khu
      thuộc phía bên kia.
      Hiệp Định Đình Chỉ Chiến Sự ở Việt Nam chỉ là một Hiệp Định có tính cách
      thuần túy quân sự. Cũng giống như hiệp ước đình chiến Panmunjon (Bàn Môn
      Điếm) ngày 27.7.1953, Hiệp Định đình chiến Genève không phải là một hòa ước, và
      không đưa ra một giải pháp chính trị nào cho tương lai Việt Nam.

      “BẢNTUYÊN BỐ CUỐI CÙNG KHÔNG CHỮ KÝ”:

      Sau khi Hiệp Định Đình Chỉ Chiến Sự ở Việt Nam được ký kết, các phái đoàn
      họp tiếp ngày 21.7.1954 và ‘’thông qua’’ bản ‘’Tuyên Bố Cuối Cùng Của Hội Nghị
      Genève 1954 Về Vấn Đề Lập Lại Hòa Bình Ở Đông Dương’’. Đây chỉ là lời tuyên bố
      (Déclaration) của bảy phái đoàn, có tính cách dự kiến tương lai Việt Nam, và đặc
      biệt không có phái đoàn nào ký tên vào Bản Tuyên Bố nầy, nghĩa là Bản Tuyên Bố
      không có chữ ký.
      Khi chủ tịch phiên họp là Anthony Eden (Ngoại Trưởng Anh) hỏi từng phái
      đoàn, thì 7 phái đoàn là Anh, Pháp, Liên Xô, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Việt
      Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Lào và Cambodge (Cambodia) trả lời miệng rằng ‘’đồng
      ý’’. Phái đoàn Hoa Kỳ và phái đoàn Quốc Gia Việt Nam không đồng ý, và tự đưa
      ra tuyên bố riêng của mình.
      Bản ‘’Tuyên Bố Cuối Cùng Của Hội Nghị Genève 1954 Về Vấn Đề Lập Lại Hòa Bình Ở Đông Dương’’
      gồm 13 điều, trong đó quan trọng nhất là điều 7. Điều nầy ghi rằng:
      ‘’Hội Nghị tuyên bố rằng đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị
      thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ,
      sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những sự tự do căn bản, bảo đảm
      bởi những tổ chức dân chủ thành lập sau Tổng Tuyển Cử tự do và bỏ phiếu kín. Để
      cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể
      tự do bày tỏ ý nguyện, cuộc Tổng Tuyển Cử sẽ tổ chức vào tháng 7.1956 dưới sự
      kiểm soát của một Ban Quốc Tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban Giám
      Sát và Kiểm Soát Quốc Tế đã nói trong Hiệp Định Đình Chỉ Chiến Sự. Kể từ ngày
      20.7.1955 những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc
      6 gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó’’. (Bản dịch của Thế Nguyên, Diễm Châu,
      Đoàn Tường)
      Điều 7 của Bản Tuyên Bố được xem là dự kiến về một giải pháp chính trị
      trong tương lai, theo đó một cuộc Tổng Tuyển Cử sẽ có thể được tổ chức để thống
      nhất đất nước, mà sau nầy Bắc Việt dựa vào điều nầy để đòi hỏi Nam Việt tổ chức
      Tổng Tuyển Cử trên toàn quốc.
      Bắc Việt thường nói và viết rằng việc tổ chức Tổng Tuyển Cử giữa hai miền
      Bắc và Nam Việt Nam là theo quyết định của Hiệp Định Genève. Thật ra Hiệp Định
      Genève chỉ là một Hiệp Định Đình Chỉ Chiến Sự (đình chiến) mà không đưa ra một
      giải pháp chính trị nào. Giải pháp chính trị về một cuộc Tổng Tuyển Cử giữa hai
      miền Bắc và Nam Việt Nam dự tính tổ chức vào năm 1956 nằm trong điều 7 của bàn
      ‘’Tuyên bố cuối cùng của Hội Nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông
      Dương’’.
      Trong Bản Tuyên Bố riêng của phái đoàn Quốc Gia Việt Nam, Bác Sĩ Trần
      Văn Đỗ, Trưởng Phái Đoàn, giải thích vì sao phái đoàn Quốc Gia Việt Nam không ký
      kết Hiệp Định Genève. Sau khi phản đối việc chia cắt đất nước và việc đại diện quân
      đội Pháp tự ý ký kết Hiệp Định mà không đếm xỉa gì đến quyền lợi của quân đội
      Quốc Gia và nhân dân Việt Nam, Bản Tuyên Bố của phái đoàn Quốc Gia Việt Nam
      viết:
      ‘’Vì thế cho nên chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội Nghị ghi nhận một cách
      chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp Định cùng những
      điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Việt Nam
      yêu cầu Hội Nghị ghi nhận rằng chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do
      hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực
      hiện Thống Nhất, Độc Lập, và Tự Do cho xứ sở’’.
      Vì phái đoàn Quốc Gia Việt Nam không ký vào Bản Hiệp Định đình chỉ chiến
      sự ở Việt Nam (Hiệp Định Genève) và nhất là không tham dự vào bản ‘’Tuyên bố
      cuối cùng’’, nên chính phủ Quốc Gia Việt Nam tự cho rằng không bị ràng buộc vào
      điều 7 của Bản Tuyên Bố nầy.
      Hơn nữa, đây là một Bản Tuyên Bố chứ không phải là một bản hiệp ước. Môt
      Bản Tuyên Bố lại không có chữ ký của bất cứ phái đoàn nước nào, kể các các chính
      phủ liên hệ đến cuộc chiến ở Đông Dương, có được xem là một văn kiện có giá trị
      pháp lý để thi hành hay không ?
      Vì những lý do căn bản nầy, bản ‘’Tuyên bố cuối cùng của Hội Nghị Genève
      1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương’’, trong đó đặc biệt điều 7 của Bản
      Tuyên Bố nầy về dự kiến một cuộc Tổng Tuyển Cử trong năm 1956, không có tính
      cách pháp lý để bắt buộc bất cứ nước nào thi hành.

      Đúng một năm sau Hiệp Định Genève, để kiếm cớ gây chiến, Phạm văn
      Đồng, Thủ Tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tức Bắc Việt gởi thư ngày
      19.7.1955 cho Thủ Tướng Quốc Gia Việt Nam tức Nam Việt là Ngô Đình Diệm, yêu
      cầu mở Hội Nghị hiệp thương bắt đầu từ ngày 20.7.1955, để bàn về việc Tổng
      Tuyển Cử thống nhất đất nước theo quy định của Hiệp Định Genève.

Phản hồi