Thư Phùng Quán gửi Tô Nhuận Vỹ
Lời dẫn của nhà văn Tô Nhuận Vỹ: Sự thay đổi, tiến bộ của Việt nam sau năm 1975 là to lớn và rõ rệt, đặc biệt trên lãnh vực đặc thù như Văn học, nếu nhìn lại những “vết sẹo” của một thời quá khứ để lại trên cơ thể nền Văn học, mà tiêu biểu là đối với nhà thơ Phùng Quán. Anh đã được “hồi sinh”: Hội nhà văn suy tôn anh, Nhà nước tặng Giải thưởng lớn về VHNT cho anh, quê hương lấy tên anh đặt cho một đoạn Quốc lộ chạy qua làng anh, bên cạnh tên thời thơ trẻ của Bác Hồ, một khu đất hoành tráng nơi làng quê anh xây khu lăng mộ vợ chồng anh, bạn bè và người hâm mộ lập Quỹ Phùng Quán để tặng thưởng những tác phẩm xuất sắc “viết theo khí phách Phùng Quán”…
Chỉ chừng đó,chắc anh đã mỉm cười nơi suối vàng và bạn bè, gia đình, người hâm mộ anh cũng đã sung sướng trước sự thay đổi phải nói là quá chừng lớn lao trong đời sống văn học.Nhưng sau ngày được Quỹ Phùng Quán trao tặng thưởng cho tiểu thuyết VÙNG SÂU (cùng tiểu thuyết XA HÀ NỘI của Nhất Lâm) ngay tại lăng mộ vợ chồng anh dịp Tết nguyên tiêu đầu năm 2012, tôi suy nghĩ nhiều về một bức thư anh gửi cho tôi cách nay 28 năm mà tôi vẫn giữ như một báu vật của riêng mình.Trong nghiên cứu VĂN HỌC VIỆT NAM : ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP , do Trung tâm William Joiner thuộc Đại học Massachusetts – Hoa kỳ tổ chức và năm 2007 đã cho công bố trên mạng Talawas, tôi có sử dụng một trích đoạn ngắn trong bức thư đó. Lập tức,năm đó và mấy năm sau, nhiều bạn đọc đã yêu cầu tôi công bố toàn bức thư này như một tư liệu quý về một nhà thơ lớn có cuộc đời Thơ trầm luân, độc đáo.
Bức thư anh gửi tôi khởi nguồn từ việc tôi đánh tiếng muốn phục hồi tên Phùng Quán trên tạp chí Sông Hương, khi tôi biết hóa ra lâu nay anh toàn dùng nhiều bút danh xa lạ, trong đó có bút danh Trần Vỹ Dạ ( cho đến năm 1987, khi anh đóng các bản dập thử tác phẩm DŨNG SĨ CHÉP CÒM thành tập để tặng cháu Tô Diệu Lan con thứ hai của tôi, anh vẫn dùng bút danh này và có điều cần các nhà nghiên cứu văn học lý giải nữa là vì sao tác phẩm này anh cho là “ bằng lòng nhất của đời bác”. Điều khiến tôi ngạc nhiên là anh không mặn mà với chuyện phục hồi tên Phùng Quán trên Sông Hương, có vẻ như tránh né nữa. Những ngày anh ở Huế năm 1984, vì kẹt nhiều việc, tôi ít có dịp chuyện trò, “cụng ly” với anh như nhiều bạn văn thơ khác. Khi có thể trao đổi kỹ thì anh đã đi Hà nội rồi. Nên tôi viết thư nói lại đề nghị và mong ước đó. Như trong thư anh trả lời tôi thì đây là lần thứ ba anh viết lại, nhưng nó “mệt như viết một cuốn sách” nên anh viết mãi vẫn chưa xong. Đến một ngày tôi ra Hà nội, đến “Chòi ngắm sóng” của anh, anh đưa luôn cho tôi bức thư còn dở dang, “Thôi,Vỹ đọc chừng đó cũng biết lòng dạ của mình rồi…”.
Sắp tới ngày kỵ Phùng Quán (ngày 01/02/2013), tôi nghĩ mình sẽ có lỗi lớn nếu một bức thư tâm huyết chừng ấy mà cứ “dấu nhẹm” làm của riêng, nên tôi thắp nén nhang thưa với anh cho phép tôi gửi tới mọi người. Chuyện cũ nên lắm nỗi đau lòng, nhưng cũng là dịp để thấy sự đổi thay trong Văn học đã có một quãng dài. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta thấy rõ hơn, da diết hơn, sững sờ hơn về một trái tim Phùng Quán đỏ rực dòng máu Cách mạng, hai chữ nghệ sĩ với anh không bao giờ tách rời hai chữ chiến sĩ, lúc nào cũng nghĩ đến Đất nước, đến Đảng cộng sản, cả những dòng thơ tình yêu cũng là nỗi niềm anh nói với Đảng. Trong nghiên cứu của mình, khi đọc những đoạn thư đứt ruột ấy,tôi không cầm được nước mắt và phải kêu lên : “Một người yêu Đảng hơn cả Đảng như thế mà tan xác pháo hơn ba mươi năm trời,ối giời ơi là giời!”.
Tô Nhuận Vỹ
Thư Phùng Quán:
Hà nội đêm cuối thu 84
Tôi nhận được(thư) Vỹ, đã hai lần tôi viết thư trả lời, nhưng đọc lại tôi lại xé đi. Vì để trả lời một bức thư như vậy thật không đơn giản chút nào. Vì tôi nghĩ đó không chỉ thuần là một thư của tình bạn, mà còn là bức thư của một nhà văn gửi cho một nhà văn. Thư mà hoàn cảnh của người viết văn cần trả lời lại có quá phức tạp – rất không giống những nhà văn của bất cứ nước nào. Ở đây, tôi hoàn toàn không muốn đề cập đến tài năng (về tài năng tôi lúc nào cũng tự đánh giá mình là hầu như không có gì. Và những gì tôi đã làm được là do cuộc đời và tấm lòng chiến sĩ của tôi).
Nhưng nó đề cập tới những vấn đề đặt ra cho tất cả các nhà văn-nhà văn tài lẫn nhà văn tồi- đó là thái độ của nhà văn-trách nhiệm của nhà văn đối với nhân dân mình Đất nước mình-“một Đất nước quá chừng thiêng liêng nhưng cũng đang vô cùng cơ hàn”như Vỹ nói. Và có lẽ còn nhiều vấn đề khác nữa gắn liền với số phận các nhà văn của chủ nghĩa xã hội.
Vỹ ơi, trước tiên những điều Vỹ đã viết cho tôi về phương diện tình bạn mà nói, tôi hết sức vui mừng và cảm động. Nó càng khẳng định thêm niềm xác tín của tôi : trừ các cá tính ra, thì nghệ sĩ nói chung là những người thật sự tốt trong cuộc đời này.
Vỹ đừng nghĩ rằng tôi cho những lời Vỹ nói là đại ngôn. Chúng ta đang nói đến những vấn đề thật sự nghiêm trang, không dùng “đại ngôn” sao được?
Hai bức thư trước (tôi đã xé đi) vì trong đó chỉ nói những chuyện tình cảm, và chỉ trả lời qua loa một vài điều mà Vỹ đề cập đến. Vì nếu trả lời kỹ thì tôi thấy nó dài dòng phức tạp quá. Không phải là một bức thư mà cả một cuốn sách..Nó đòi hỏi tôi phải gắng sức như viết một cuốn tiểu thuyết vậy. Tôi không “đại ngôn” đâu Vỹ ạ. Thật tình, nó còn làm tôi mệt hơn cả viết một cuốn sách. Do đó mà tôi đã viết đi viết lại, rồi lại xé đi.
Bức thư tuy ngắn ngủi của Vỹ, nhưng nó hàm chứa biết bao thương yêu, lo lắng-một bức thư của tình bạn chân thành-và của một nhà văn chân chính. Tôi sẽ hóa thành một kẻ vô tâm, nếu tôi trả lời Vỹ qua loa cho xong chuyện. Tôi không xứng đáng với tấm lòng của Vỹ.
Tôi biết rất rõ Vỹ là người từng trải, sâu sắc-một nhà tiểu thuyết đúng nghĩa của nó. Nhưng giữa tôi và Vỹ lại có một chút ít khoảng cách về những sự kiện và năm tháng-và hơn nữa lại ít được chuyện trò,tiếp xúc. (Đó chính là điều tôi tiếc hơn cả trong thời gian tôi ở Huế vừa rồi).
Tôi chắc có một đôi điều Vỹ hiểu tôi qua “nghe người ta nói”. “Người ta” đây là gồm cả báo chí và sách vở nữa..Vì có không ít sách vở nói đến những vấn đề của tôi và của một số anh em khác (đã được đưa vào sách giáo khoa về một giai đoạn văn học Việt nam).
30 năm đã trôi qua. Biết bao nhiêu sự kiện đã rêu phong. Và tôi cũng không còn được chính quyền của Đất nước (mà tôi đã hiến dâng cả tuổi trẻ và máu để góp phần nhỏ bé xây dựng và bảo vệ) coi tôi là nhà văn. Tôi đã bị tước quyền viết văn, từ khi tôi mới 24 tuổi đầu-đến nay tôi đã 54 tuổi rồi. Tôi chắc Vỹ hiểu còn hơn cả tôi, ở đất nước ta bị khai trừ vĩnh viễn khỏi Hội nhà văn, thì một nhà văn sẽ rơi vào một hoàn cảnh bi thảm như thế nào. Vì mặt trận văn nghệ là một trong những mặt trận được chuyên chính nghiêm ngặt nhất.
Tôi vẫn thường ví nhà văn là một cầu thủ đá bóng. Và cả Đất nước chỉ có một sân cỏ mà thôi – đó là Hội nhà văn Việt nam (1).Vỹ thử tưởng tượng một cầu thủ bị đuổi khỏi sân cỏ 30 năm-thì cầu thủ đó sẽ hóa thành người như thế nào?
Sau 30 năm, nếu cầu thủ đó không quên quả bóng đã là chuyện lạ. Vì nếu anh ta không còn đá được nữa thì lỗi đó thuộc về ai? Và nếu anh ta còn đá được một vài đường bóng vụng về thì những người đang ở trên sân cỏ có nên trách mắng anh ta không?
Vỹ thử tưởng tượng, một người mà công việc viết văn là niềm vui và lẽ sống độc nhất của đời người đó (không phải viết văn nghiệp dư như một thứ giải trí ngoài giờ lao động. Mà để phục vụ một “Đất nước thiêng liêng” như một chiến sĩ ngoài mặt trận) lại bị tước đi quyền viết văn, thì sẽ như thế nào?
Đã từ nhiều năm nay tôi sống mà như chết
Cơn khát thơ thiêu đốt trái tim tôi
Tôi đã đi rao cùng thiên hạ:
“Ai đổi thơ lấy máu!”
Không ai đổi…
Đó là chân dung đau buồn của tôi trong suốt 30 năm qua.
Có điều, trước khi trở thành nhà văn, tôi là một chiến sĩ. Và chính phẩm cách chiến sĩ đã nâng đỡ tôi suốt cuộc hành trình bi thảm này.
Tôi muốn được Lịch sử Văn học Cánh mạng Việt nam xét xử công bằng. Tôi có thể chết trước khi xét xử nhưng không sao, tôi vẫn kiên nhẫn đợi chờ.
“ Vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh”.
Và để cho sau này công việc xét xử được dễ dàng, tôi lúc này không muốn thêm gì và bớt gì những điều tôi đã viết.
“Trái tim dập nát của tôi
Vẫn đỏ thắm một khối tình”
Có thể tôi là người cũ kỹ và lỗi thời-“không hợp thời đại”, nhưng tôi vẫn quan niệm văn chương không phải là nghề nghiệp để sinh sống. Mà đó chính lý tưởng cộng sản chủ nghĩa được thể hiện bằng phương tiện ngôn từ, như Bác Hồ đã nói:
Văn nghệ là một mặt trận
Văn nghệ sĩ chính là chiến sĩ trên mặt trận đó.
Không một chiến sĩ chân chính nào coi là “nghề chiến sĩ”.
Theo tôi, người chiến sĩ cầm súng và cầm bút. “Với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội là bậc trung thần”. Tôi hoàn toàn tán đồng lời định nghĩa Trung thần của Mặc Tử :
“Văn quân đất Lỗ Dương bảo Mặc Tử: “có kẻ nói với ta rằng Trung thần là người bắt cúi thì cúi, bắt ngẩng thì ngẩng, để thì im, gọi thì thưa, như thế có cho là Trung thần được không?”. Mặc tử nói: “ Bắt cúi thì cúi, bắt ngẩng thì ngẩng như thế khác gì cái bóng? Để thì im, gọi thì thưa, như thế khác gì tiếng vang? Những kẻ như bóng, như vang thì còn được ích gì?”
( Mặc Tử Trích CỔ HỌC TINH HOA).
Tôi không bao giờ muốn làm một hạt bụi của Đảng, mà phải được làm một chiến sĩ của Đảng : “Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận đó”.
Tôi muốn được đề nghị với Đảng những điều mà trực giác nghệ sĩ và lương tâm chiến sĩ thôi thúc tôi phải đề nghị, như 30 năm trước đây tôi đã đề nghị:
“ Trung ương Đảng ơi,
Lũ chuột mặt người chưa hết
Đảng cần lập đội quân trừ diệt
Có tôi!
Đi trong hàng ngũ tiên phong
(Chống tham ô lãng phí)
Ba mươi năm trước, lời đề nghị đó bị kết tội là lời báng bổ, chống Đảng, bôi đen chế độ. Và vì lời đề nghị đó cùng nhiều đề nghị khác, tôi đã chịu nhiều hình phạt : vĩnh viễn tước quyền viết văn và đi lao động cải tạo suốt 15 năm trời.
Tôi rất xúc động trước tình âu yếm của bạn bè, đặc biệt là với các anh chị ở Tạp chí Sông Hương muốn in thơ của tôi với cái tên Phùng Quán “Trở lại với làng văn”.
Nhưng tôi mong các bạn hiểu cho tôi.
Năm nay tôi đã 54 tuổi. Tôi đã đi gần trọn đời văn. Tôi không muốn thêm gì và bớt gì (PQ gạch đít thêm gì và bớt gì)những gì tôi đã làm, đã viết.Tôi không thuộc vào loại các nhà văn cùng thế hệ và tuổi tác với tôi, bằng mọi cách và mọi giá, đeo đẳng cho bằng được cái tên mình trên báo, trên sách. Hôm trước có phong trào ca Mao thì ca. Hôm sau có phong trào chửi Mao thì chửi…
Tôi tự biết mình tài năng tầm thường, nên tôi đã dồn toàn bộ tinh lực của cả đời người vào trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, dâng hiến cho nhân dân, Đất nước, Đảng : năm 1955: VƯỢT CÔN ĐẢO,TIẾNG HÁT TRÊN ĐỊA NGỤC CÔN ĐẢO,TÔI MUỐN MỜI ĐẾN TỔ QUỐC TÔI,LỜI MẸ DẶN,CHỐNG THAM Ô LÃNG PHÍ.
Tôi tự biết nhiên liệu tài năng đời tôi ít ỏi. Tôi đã dồn tất cả, đốt lên một lần để thành, dù là một ngọn lửa nhỏ. Tôi không muốn cả đời văn lúc nào cũng chỉ âm ỉ khói. Khói có đấy nhưng có ích cho ai?Và với tấm lòng can đảm của một chiến sĩ, tôi tình nguyện nhận nhiệm vụ xích hầu. Và tôi đã nhận đạn. Tôi đã ngã xuống nhưng lòng tôi thanh thản: Tôi đã đi một đường thẳng, không rẽ ngang rẽ tắt. Nhưng, không có hạnh phúc lớn lao nào bằng được chết vì nghĩa vụ.
Tôi là nhà văn bất tài nhưng chưa lúc nào thấy hổ thẹn và hối hận về nhân cách của mình. Thật ra, tôi đã trả giá quá đắt cho thơ ca. Nhưng ngay sự trả giá đó tôi cũng coi là hạnh phúc.
Trong thư, Vỹ có nói tôi đi “như người chạy trốn”, tôi “ngượng ngùng”. Điều này tôi phải nói ngay : tôi cũng có nhiều tật xấu như bất kỳ ai khác, nhưng tôi chưa bao giờ hèn nhát. Tôi chưa bao giờ chạy trốn và ngượng ngùng.
Cả cuộc đời thơ của tôi bảo đảm cho tôi lời nói đó.
Tôi đặt toàn bộ niềm xác tín của tôi vào sự công bằng của nhân dân và lịch sử:
Tên Hoàng văn Hoan đã bị Quốc hội kết án tử hình về tội phản bội Tổ quốc và liệt hắn vào loại Trần ích Tắc của thời này.
Hắn đã trốn khỏi Đất nước
Còn tôi vẫn sống ở đây
Kẻ kết tội tôi là phản bội,ba mươi năm sau chính hắn bị nhân dân kết tội là phản bội và có án tích hẳn hoi.
Tôi coi như thế là đủ.
Ba mươi năm nay tôi bị dìm trong bùn nhơ lăng mạ
Nhưng tôi tin chắc
Cuối cùng tôi sẽ được Đất nước nhận ra,
Trái tim Thơ trong sạch và gương mặt Thơ bi thiết của tôi
Trái tim tôi như một trái cây bị dập nát.
……………..
Nếu không được ngồi thì tôi xin đứng
Cùng với cây chổi em dựng ở góc nhà.
Nếu không được thở
Thì tôi xin nín thở
Như cái ngày còn đi chăn trâu cắt cỏ
Tôi xuýt chết dưới đáy giếng làng
Vì mãi lặn mò con cá bống thần cô Tấm bỏ quên…
Em giận dữ la lên:
- Đứng trong xó nhà cũng không được đứng!
- Thì tôi xin ra đứng trước hiên…
- Đứng trước hiên cũng không được đứng!
- Thì tôi xin ra đứng ngoài ngõ…
- Đứng ngoài ngõ cũng không được đứng!
- Thì tôi xin ra đứng đầu đường…
Tôi nhìn vào khung cửa nhà em
Môi rát bỏng những lời yêu thương.
- Đứng đầu đường cũng không được đứng!
Lời yêu thương cũng không được nói!
Thì tôi xin chết!
Nhưng
Tôi sẽ không nói lời vĩnh biệt
Vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh.
Dù hỏa táng
Hay chôn xuống đất.
Trái tim dập nát của tôi
Vẫn đỏ thắm một khối tình.
(Trích 13 bài thơ tình làm ở Huế mùa hè 84)
*
* *
Trong suốt 30 năm qua,trong sách giáo khoa (dạy cho học sinh của cả nước) trên báo chí,trong sách vở…tôi bị coi là nhà văn phản bội, chống Đảng, chống chế độ, là một tên:
“Nó ghét kẻ thầy hiền bạn tốt
Nó yêu quân gái điếm cao bồi
Ghét những người đáng yêu của thiên hạ
Yêu những người đáng ghét của muôn người.
Quen học thói gà đồng mèo mả
Hóa ra thân chó mái chim mồi”
(Lời Mẹ Dặn có phải là bài thơ chân thật-trích thơ Hoàng văn Hoan đăng báo Nhân dân ngày 24.11.1957, ký tên Trúc Chi. Sau này in lại thành tập Thơ Hoàng Văn Hoan do Nhà xuất bản Việt Bắc in năm 1975. Hoàng Văn Hoan lúc này là Ủy viên Bộ Chính Trị).
Còn có lời thóa mạ, lăng nhục nào nghiêm trọng hơn đối với môt nhà văn? Và như lời giới thiệu ở đầu tập thơ của Nhà xuất bản: “Đặc biệt là mấy bài viết cho báo Nhân Dân trong thời gian 1957-1958 với những bút danh khác nhau, nếu nói văn thơ là vũ khí thì đây chính là những quả pháo đạn đang lao về phía boong ke tư tưởng phi cách mạng trên mặt trận văn nghệ”.
Kết thúc lớp học đấu tranh “Nhân văn,Giai phẩm” tại Thái Hà Ấp-Lúc ấy anh Tố Hữu là Bí thư Học ủy. Hoàng văn Hoan thay mặt Bộ Chính trị Trung ương Đảng mang đến tặng lớp học một bó hoa lay ơn lớn, biểu dương sự thắng lợi rực rỡ của lớp học.
Xét một nhà văn tốt hay xấu, cách mạng hay phản động , phải xét bằng chính tác phảm của nhà văn đó.
Tôi đã bị coi là nhà văn chống Đảng, chống chế độ, bị tước vĩnh viễn quyền viết văn, vì hai tác phẩm: Lời Mẹ Dặn và Chống Tham Ô Lãng Phí. Đã ba mươi năm rồi, tôi muốn chép lại đây cả 2 bài thơ bị “tử hình” để Vỹ đọc.
Vỹ ơi, Vỹ coi “Vượt Côn đảo” và “Những anh hùng Xê-vát-tô-pôn” là tác phẩm “cường tráng” của tôi, nhưng với tôi, hai bài thơ này mới là tác phẩm quan trọng và chủ yếu của đời tôi. Đó là chân dung toàn vẹn của tôi: một nhà văn tận trung với Nước,với Đảng,với Dân.
Ngày đó, khi tác phẩm bị nguyền rủa, bị phản đối, la ó, tôi đã liều lĩnh nói : “Hai mươi năm nữa Đảng sẽ hiểu tôi”. Quả nhiên, hai mươi năm sau, trên báo Nhân Dân đã phát động viết chống lại sự dối trá. “Làm ăn phải thật thà”. Còn tệ quan liêu, lãng phí, và ăn cắp thì thôi không cần phải nói nữa.
Ngày đó tôi mới 24 tuổi đầu,và đã là một nhà văn được chế độ ưu đãi.
Nhưng với trực giác của một nghệ sĩ, và tấm lòng can đảm của một chiến sĩ, tôi đã kêu to lên, báo trước niềm hiểm họa to lớn đang rình phục nhân dân và Đất nước. Trong lịch sử thơ ca cách mạng của Đất nước, tôi là người độc nhất kêu lên trong thơ mình: “Trung ương Đảng ơi!”
Đó là tiếng kêu bi thiết của nghệ sĩ, và một chiến sĩ, đặt toàn bộ cuộc đời và lòng tin vào Đảng vào sự nghiệp lớn lao mà Đảng đang xây dựng.
Và trước tấm lòng đó, tôi đã bị liệt vào hạng :yêu “gái điếm, cao bồi, gà đồng, mèo mả”
Làm như vậy, tôi biết có nguy hiểm không? Tôi quá biết. Kinh nghiệm chiến sĩ đã dạy tôi rằng: “ những chiến sĩ tình nguyện làm nhiệm vụ xích hầu là những người biết chắc rằng mình sẽ sẵn sàng nhận đạn”. Nhưng tôi với tư cách là chiến sĩ, tôi luôn luôn tự thấy mình là người có lỗi: Tôi chưa làm tròn nghĩa vụ của “bậc Trung thần” đối với Tổ quốc, nhân dân và Đảng.
Tôi chưa có đủ lòng kiên nhẫn vô tận như người họ Hòa nước Sở xưa.
“ Nước Sở có người họ Hòa, được một hòn ngọc ở trong núi, đem dâng vua Lệ Vương. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói : “Đá, không phải ngọc”. Vua cho người họ Hòa nói dối, sai chặt chân trái.
Đến khi vua Vũ Vương nối ngôi, người họ Hòa lại đem ngọc ấy dâng. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: “Đá, không phải ngọc”. Vua lại cho họ Hòa nói dối, sai chặt nốt chân phải. Đến khi vua Văn Vương lên ngôi, người họ Hòa ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi Sở-sơn suốt ba ngày ba đêm đến chảy máu mắt ra.Vua thấy thế sai người đến hỏi. Người họ Hòa thưa: “ Tôi khóc không phải thương cho hai chân tôi bị chặt, chỉ thương vì nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là nói dối”. Vua bèn cho người xem lại cho rõ kỹ, thì quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên “Ngọc bích họ Hòa”.
(Hàn Phi Tử)
Mỗi nghệ sĩ chân chính đều có một “Ngọc bích họ Hòa” của mình để dâng hiến cho Đất nước và Nhân dân.
Nhưng tôi vô cùng hối hận đã không đủ lòng tận trung như người họ Hòa để dâng “ngọc bích” của mình lên Đảng, cho đến lúc được nhận ra không phải đá mà ngọc thật.
Ba mươi năm trước, nếu tôi đủ lòng tận trung, dù bị chặt chân, khóc đến chảy máu mắt, vẫn cứ thiết tha dâng lời đề nghị :
Cần lập đội quân trừ diệt
Lũ chuột mặt người
Cho đến lúc lời đề nghị được chấp nhận, thì tôi tin rằng sẽ góp phần hạn chế nạn ăn cắp của công.
Nhà văn Tô Nhuận Vĩ gửi cho Quê choa
————————————————-
(1) Tháng 3/1958 Hội nhà văn Việt nam quyết định khai trừ tôi vĩnh viễn khỏi Hội nhà văn Việt nam.
About these ads
Một con người đã bị đày đọa như thế mà không lý giải nổi cội nguồn đau khổ của mình xuất phất từ đâu, không tìm ra được đích danh những kẻ đã hãm hại mình, lại cứ cố vuốt ve, bào chữa cho thủ phạm thì thật tình tôi không thể hiểu nổi! Thật đúng như trong một bài viết Hà Sĩ Phu đã lý giải: Có lương tri mà vẫn còn tin cộng sản như ông Phùng Quán này thì đích thị là vì thiếu trí tuệ chứ chẳng thể hiểu khác được
Theo tôi, đây chỉ là bức thư mang tính xả giao của Phùng Quán. Chẳng ai dạy gì nói lên tấm lòng của mình , nhất là trong những năm sau ngày “giải phóng” cho người khác biết. Hơn ai hết Phùng Quán phải biết nổi khổ của mình ( nếu không muốn nói là nỗi nhục) khi về ở trong căn “chòi” cùng vợ bên Hồ Tây. Phùng Quán đã từng than thở ” cá trộm, thơ chui, rượu chịu”. Phùng Quán cũng đã từng kể lại chuyện cùng vợ đến thăm người cậu ruột của mình, sau ngày ông này bị hạ bệ, nhà thơ Tố Hữu ( sau vụ giá-lương- tiền năm 1985). Dù sao Phùng Quán cũng có những mặt mà ta đáng ghi nhận…
Theo đảng, kính đảng, thờ đảng một cách mù quáng như thế Nhân Dân VN gọi là cuồng tín, bị đì cho thân tàn ma dại là phải!!! Giận thì giận mà thương thì thương, giận thì nói thế chứ già nầy rất yêu thơ Phùng Quán !!!
“tiến bộ của Việt nam sau năm 1975 là to lớn và rõ rệt” – ông nhà văn lại viết đc một câu với chữ “là” như thế sao? Bận sau nầy, có những nhà văn trẻ hơn, mà tôi ái mộ, như Ng Nhật Ánh, hoặc là nhà văn bộ đội Đoàn Thạch Biền, cũng đâu thấy ai hành văn như ông nhà văn xhcn Tô N Vỹ nầỵ :)
Xin viết lại câu thơ cuối cùng;” Ba mươi năm,có tên tuổi đổ bê-tông–Phút chốc thành vụn nát.–Hôm nay báo lại đăng Trần Dần,Phùng-Quán”. Cám ơn
Rất nhiều câu chuyện người yêu “Ma”, cổ-tích cũng có, mà thật cũng có..Cứ tưởng đó là Giai-nhân,hóa ra chỉ là con yêu-tinh,muốn dứt nó ra phải nhờ bùa-phép,nếu không, thì thân xác cứ xanh-xao vàng vọt!Rồi chết!!
Thật đúng vậy,Đảng là con-yêu-tinh,nếu không có “bùa-phép”đổi mới từ Liên-xô,liệu những nhà văn có còn “phản-kháng’không?
Mắt chưa mở,sao nhìn thấy được! khi nhìn thấy rồi thì “Đảng hôm nay không còn là của tôi nửa’(TrĐ). Không phải chỉ có Phùng-Quán “yêu”Đảng,mà biết bao “con thiêu thân” khác cũng yêu Đảng.Trong cải cách ruộng đất,rất niều Đảng viên, ra pháp trường,trước khi chết,còn HCM muôn năm!! Đó là ngu-muội,bị bùa mê ,thuốc lú của Đảng! Yêu đảng như vậy,không khác nào kẻ tâm thần yêu Dảng.Liệu tình yêu như thế,
có đáng để một nhà văn ,như cở Tô-nhuận Vỷ đề cao không?Tôi nhớ câu thơ của bài thơ cuối đời Phùng-
Quán,xin viết ra đây để các bạn biết thêm “tâm tư’ của tài năng xứ Huế: “Ba mươi năm,có tên tuổi, đổ bê-
tông.–Tưởng chừng như không đổ—Hôm nay báo lại đăng Trần-dần,Phùng-Quán.”