Nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua đời
Nhạc sĩ tài hoa trút hơi thở cuối cùng vào 12h45 phút ngày 9/1 tại nhà riêng ở TP HCM, để lại niềm thương tiếc cho gia đình, khán giả.
Sau khoảng thời gian nằm bệnh viện để cấp cứu, nhạc sĩ Hoàng Hiệp không qua khỏi cơn nguy kịch. Ông được gia đình đưa về nhà riêng ở quận 2, TP HCM và ra đi trong vòng tay người thân yêu. Ngày 12/1, linh cữu ông được gia đinh an táng tại Nghĩa trang Thành phố.
Ở tuổi 82, sự ra đi của ông để lại nhiều tiếc thương trong lòng khán giả cả nước. Vài ngày trước, do tuổi cao sức yếu, nhạc sĩ rơi vào hôn mê sâu. Bác sĩ cũng như gia đình đều nỗ lực cứu chữa mong ông hồi phục
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp – tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn – sinh ngày 1/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Ông tham gia cách mạng vào năm 1945, tham gia vào đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà.
Hoàng Hiệp bắt đầu sáng tác từ năm 1948. Việc tập kết ra miền Bắc như một khởi điểm cho cảm hứng của người nhạc sĩ Nam bộ. Năm 1957, bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương viết chung với nhạc sĩ Đằng Giao là điểm khởi đầu cho sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của Hoàng Hiệp.
Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội (khoảng 1955 đến 1975), ông đã viết hơn 100 ca khúc, nhiều bài trong đó tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ như Lá đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông hay Ngọn đèn đứng gác.
Những ca khúc của ông thường mang âm hưởng dân ca, trữ tình, dễ nhớ, dễ truyền xúc động. Bài hát Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp là một tác phẩm đặc sắc của dòng nhạc đương đại những năm cuối thế kỷ 20 về tình yêu thành phố bên bờ sông Hồng. Đây cũng là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về Hà Nội.
Hoàng Hiệp – nhạc sĩ chung tình số một
Thông thường, các nhạc sĩ là người có trái tim dễ rung cảm trước cái đẹp nên xao xuyến trước không ít bóng hồng. Khó có ai biết hết những giai nhân từng đi qua đời Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn… Hoàng Hiệp hoàn toàn ngược lại. Bạn bè, người thân chỉ biết mỗi mối tình của ông với một người con gái Hà Nội chính là nghệ sĩ sân khấu Diễn Lan – người vợ cùng ông đầu gối tay ấp trong năm chục năm qua. Là người con đất An Giang, Hoàng Hiệp tập kết ra Bắc năm 1954, quen và yêu cô gái xinh đẹp nhà ở phố Nguyễn Du. Chiều chiều, hai người thường tản bộ từ Nguyễn Du ra Khâm Thiên trên con đường thơm mùi hoa sữa. Từ tình yêu và kỷ niệm riêng, Hoàng Hiệp đã viết thành bài hát Nhớ về Hà Nội với nỗi nhớ chung của cả một thế hệ: “Nhớ phố Khâm Thiên đường Nguyễn Du, những đêm hoa sữa thơm nồng…”.
Trong hơn 100 sáng tác của Hoàng Hiệp luôn ẩn hiện hình bóng người con gái Việt Nam nữ tính dịu dàng nhưng đều là biến thể từ hình bóng người đàn bà bên ông suốt cuộc đời. Bản thân Hoàng Hiệp có lần thú nhận: “Vâng, tôi yêu rất nhiều. Những cô gái tôi yêu đều có bóng dáng trong cô gái Hà Nội đang ngồi cạnh” và chỉ tay vào vợ. Giờ đây, nằm trên giường bệnh, có những lúc mê man, ông vẫn thường xuyên gọi tên cô gái Hà Nội năm xưa, luôn túc trực bên cạnh bón từng thìa cháo cho chồng. “Hoàng Hiệp có đời sống tình cảm bình ổn hơn bất cứ nghệ sĩ nào tôi từng biết. Suốt cuộc đời ông chưa có tình yêu nào đáng chê trách cả” – nhạc sĩ Hồng Đăng ca ngợi bạn.
Ngoài Nhớ về Hà Nội là sáng tác do chính Hoàng Hiệp viết lời với những xúc cảm bật lên từ tình yêu của mình, nhạc sĩ sinh năm 1931 được biết đến như người chắp cánh cho những vần thơ. Nhạc sĩ Văn Dung, một người bạn cùng trường âm nhạc với Hoàng Hiệp đã nhận xét ông là người “có khả năng chuyển tải thơ thành ngôn ngữ âm nhạc rất đặc biệt”. Đợi anh về (thơ Ximônốp, Lê Giang dịch), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Đằng Giao), Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (Phạm Tiến Duật)… đã ngân lên nhờ thế. Theo nhạc sĩ Hồng Đăng, Hoàng Hiệp đã có công giúp những bài thơ đến gần hơn với khán giả, vì âm nhạc với cả ngôn ngữ văn học và giai điệu dễ nhớ hơn thơ. Những ca khúc viết về năm tháng chiến tranh của Hoàng Hiệp đem đến một góc nhìn tươi mới, lãng mạn nhưng không ủy mị, tranh đấu nhưng không đao to búa lớn. Ông dịu dàng mang đến những câu chuyện tình yêu, những cảm xúc được thăng hoa đồng hiện cùng tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ non sông của người dân Việt Nam.
Ngoài nhạc đỏ, Hoàng Hiệp còn tiên phong mở hướng sang những bản tình ca. Với những sáng tác này, đã có một thời ông mang cái danh “nhạc sĩ của tình yêu”. Hoàng Hiệp từng tâm sự: “Khoảng những năm 1980, có người mỉa tôi là “nhạc sĩ tình yêu” để ám chỉ tôi chuyển từ nhạc “đỏ” sang “vàng”. Những bài như Mùa chim én bay, Nơi em gặp anh, Con đường có lá me bay… đều bị ách lại hoặc sửa lời thô bạo vì bị cho là “sến”, là nhạc vàng. May sao sau đó nhiều người thích và cũng là xu thế, nên nó được đón nhận nồng nhiệt”.
Theo vnexpress.net