WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chợ Vòm – một góc cuộc sống của người Việt ở Nga (2)

Tiếp theo phần 1

2- Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời

chovomHiện tượng quả đất đang ấm lên làm các nhà khoa học điên đầu suy tính, làm bao nhiêu quốc gia thiệt hại cả về người về của, nhưng dân đi chợ Vòm thì hoan hỷ đón nhận, như một thứ tặng phẩm vô giá của thiên nhiên. Các nhà khoa học tính rằng dân ở Nga được tặng 3 độ trong vòng 25 năm. Ôi, thế là tha hồ mà đứng chợ, tha hồ mà bươn trải, giá rét đã bị buộc mất hai chân trong vòng 25 năm tới !

Một trong những kẻ thù của dân chợ Vòm chính là giá rét. Khi cái rét tụt quá 25 độ âm là dân ở đây phải báo động, mọi biện pháp chống rét đều được huy động tối đa, nhưng vẫn phải hát điệp khúc suýt xoa vì rét suốt buổi. Và dù vậy, cũng chẳng ai nghỉ buổi chợ nào vì rét cả. Những ngày bán buôn, người ta vẫn đi từ 5 giờ sáng và những ngày nhận hàng người ta vẫn ở ngoài đường đến 9-10 giờ đêm. Chợ những hôm rét thường tan sớm hơn thường lệ, cả người bán lẫn người mua đều muốn chạy trốn cái rét.

Ai cũng biết Nga là xứ lạnh, nhưng lạnh như thế nào thì phải hỏi những người bán ở chợ Vòm mới thấu được cái giá buốt của nước Nga. Nếu một người chỉ đi bộ 5-10 phút trên đường rồi chui tọt vào metro hay lên ô tô buýt thì mùa đông nước Nga cũng khá dễ chịu. Giá lạnh vừa mới kịp chui qua lớp áo lông dầy sụ, chứ chưa kịp ngấm vào người anh ta !

Nhưng với người đứng chợ Vòm thì khác, họ phải đứng từ 8 đến 10 tiếng ngoài trời, ngay dưới tuyết rơi thì dù mặc đến hai lớp áo lông với 5-7 lớp áo ấm thì giá buốt vẫn kịp tóm được họ mà ngặm nhấm, hành hạ.

Những hôm trời lạnh, một ngày làm việc mệt bằng ba bốn ngày thường. Phần lớn năng lượng phải sử dụng để…nhẩy luôn chân. Chỉ cần đứng yên 10-15 phút đã thấy cái buốt luồn vào đến lưng, chân mất dần cảm giác, nên suốt cả ngày cứ phải nhảy chân sáo liên tục. Khổ nhất là đôi tay. Găng tay ấm ở chợ có rất nhiều loại, nhưng đi những đôi găng đó người ta bị mất cảm giác, không đếm được tiền, không xếp được hàng cho ngay ngắn, nên người bán hàng đành cắn răng để tay trần. Cái lạnh chỉ chờ có vậy, sau vài phút đã biến những đôi tay mền mại thành những đôi tay đá xù xì. Cứ nhìn tay những người bán hàng ở đây, chẳng cần phải là các nhà sinh vật học cũng sẽ hiểu ngay vì sao voi có lớp da dầy và sần sùi, xấu xí như thế. Chung quy cũng giống dân chợ Vòm thôi, da bị nứt nẻ hết lớp nọ đến lớp khác mà thành…da voi. Những chàng sinh viên trắng trẻo, thư sinh nhất sau mấy đợt lạnh đứng chợ cũng thành cửu vạn chính hiệu. Ở đây dân bán hàng thật bình đẳng, ai cũng tất bật, bụi bặm, tay đầy chai chẳng còn cái ranh giới của dân đi học và công nhân, chẳng còn phân biệt được những chàng công tử chỉ quen cầm bút và các anh nông dân quen cầm cuốc từ nhỏ.

Mùa đông, không ai ngồi trong container để tránh rét cả, cái lạnh tích tụ cả đêm trong cái thùng sắt tưởng như quánh lại như tủ đá, chỉ chui vào đó mấy chục phút là người run lên bần bật. Các bà, các chị có cẩn thận đặt bao nhiêu lớp phấn hồng hảo hạng lên mặt thì vẫn cứ lộ ra mầu xám bên dưới, chẳng có cái đẹp nào chịu được cái rét ngoài chợ Vòm. Cái lạnh làm da của ai cũng xạm lại, khô ráp, đi cả buổi trong khu chợ không tìm thấy một mỹ nhân. Có lẽ vì thế ở đây, người ta không nói đến cái đẹp, không quan tâm đến làm đẹp, mà để tâm đến sự tiện lợi và sức khỏe nhiều hơn. Một anh bán hàng than thở, vết thương nhỏ trên mặt anh đã hơn một tháng mà không thể lành được, cứ sau một ngày đứng ở chợ, giá buốt lại làm nó khô cứng lại, nứt ra thêm, bao nhiêu công chăm sóc cả đêm cũng không đủ làm nó mềm ra. Mấy chị bán hàng thủ thỉ mách nhau những mẫu áo nào ấm nhất, những nơi bán giầy cỏ tốt nhất. Nếu có ai nhắc họ, “mặc những kiểu áo ấy người đẹp mặc cũng thành…thùng phi di động!”, thế nào họ cũng xua đi, “ối dào, đã ra chợ Vòm thì đẹp thế nào được mà giữ!”

Những ngày rét, mấy quầy hàng ăn đông đúc hẳn. Những người dè dẻn nhất cũng đôi ba lần cho phép mình đi mua chè hay café nóng nhấm nháp. Hai tay ôm cốc chè nóng-dù chỉ là loại cốc nhựa dùng một lần rồi vứt- vẫn cứ thấy đôi tay ấm áp nhẹ nhõm, thật là hạnh phúc. Những giọt nước chè kém may mắn rớt khỏi cốc, chỉ rơi tới vạt áo đã bị đóng thành băng. Người ta nói đùa, những hôm lạnh các cô nàng “mít ướt” nhất cũng chẳng dám khóc. Nước mắt vừa rơi ra đã đóng thành băng, chẳng mấy chốc mắt sẽ dính chặt lại ! Chẳng biết sự thể có như vậy không, nhưng quả thật không có ai khóc ở chợ cả.

Người đi chợ Vòm thích nhất những hôm nhiệt độ dao động từ âm 5 đến âm 10 độ. Trời vừa sạch, lại không bị nóng quá khi phải khuân vác nhiều.

Không phải chỉ mùa rét dân đi chợ Vòm mới khổ vì ông trời. Những ngày hè nóng trên 28 độ cũng khổ chẳng kém gì rét. Trời rét người ta còn tìm cách mặc ấm được, chứ những hôm nóng khô rang người ta không biết chạy trốn vào đâu. Dân bán hàng ngồi lặng lẽ, cố gắng giảm tối đa các chuyển động để đỡ nóng.

Ở Nga trời khá khô, dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè người như đi trên chiếc chảo gang nung nóng. Nhưng chỉ cần bước vào bóng cây, cái nóng dường như đã lùi đi rất xa. Ở chợ Vòm rộng hơn một km vuông không hề có bóng cây nào. Mấy năm trước ở đây còn sót lại vài cái cây con ở một góc chợ. Nhưng rồi cây ở gần container bị chủ “công” tưới nước sôi cho chết để có chỗ bày hàng, cây ở giữa đường thì bị người ta dựa những bịch hàng nặng trĩu nên bị đổ. Giờ đây, cả chợ chỉ còn toàn cây… sắt thép để che nắng. Vòm cuốn liên hoàn bằng nhựa tổng hợp và tôn che trên các khu chợ giúp cái nắng không lọt xuống được, nhưng cái nóng càng hầm hập bên trong, không có chỗ nào để thoát ra. Các “công” ở đầu dẫy được hưởng chút gió trời nên tuy nóng nhưng không đến nỗi ngột ngạt lắm, còn phần lớn các công nằm ở đoạn giữa phải chịu cái nóng hết sức oi ả, cái nóng làm người ta thấy bực bội, bứt rứt không yên. Các chủ “công” tự khắc phục hoàn cảnh bằng cách chốc chốc lại đổ ào ra đường một chậu nước, nhưng cũng chỉ được một lát, không khí đã lại nóng hầm hập. Khách mua hàng chỉ đi trong dãy “công” chừng nửa tiếng, khi bước ra đã nhăn nhó, mồ hôi nhễ nhại. Người bán hàng phải ngồi trong cái không khí ngột ngạt ấy suốt từ 6 giờ sáng đến 6- 7 giờ tối nên ai cũng dễ cáu. Những bà cụ già khó tính người Nga vừa đòi thử hàng đến lần thứ hai đã nhận được những lời chẳng mấy thiện cảm: “Chúng tôi chẳng có cỡ nào cho bà đâu”, hay “Thế cụ có định mua không đấy?”.Vào mùa rét, người Việt nhìn người Nga mặc phong phanh hơn hẳn nhưng không có vẻ gì co ro, mà thấy thật thán phục. Đến mùa hè tình thế đã thay đổi hẳn, người Nga thấy người Việt vui vẻ cười nói giữa cái nóng trên 30 độ mà lắc đầu lè lưỡi, còn họ ngồi thở không ra hơi. Vào những ngày nóng, ai cũng tự cho phép mình “nới lỏng” những chuẩn mực về ăn mặc. Người Nga tự cho phép mình hạn chế các loại vải trên người đến mức tối đa, còn người Việt tự cho phép mình vứt bỏ các loại giầy dép nặng nề vẫn buộc phải mang cho ra người lịch sự, để mang những đôi dép nhựa vừa thoáng vừa nhẹ. Chẳng thế mà dép nhựa ở Nga được gọi là “cô Việt Nam”. Mấy năm nay dân Nga cũng học người Việt mùa hè mang dép nhựa cho thoáng mát, nhờ thế ngành nhập khẩu dép nhựa vào Nga đang hết sức phát đạt.
Bình thường, ở Việt Nam giữa đợt nắng như thiêu ấy được một cơn mưa rào thì không có gì sung sướng bằng. Nhưng ở chợ Vòm này hình như các quy luật tưởng như bất biến đều bị xô lệch cả. Những cơn mưa cứu cánh cũng biến thành một cực hình. Lần này nạn nhân của chúng là đôi tai. Những hạt mưa bé nhỏ là vậy mà rơi trên mái “công”, mái vòm cuốn bằng tôn cộng hưởng thành một chuỗi âm thanh hết sức chói tai, liên tiếp đập vào đầu người nghe khiến những người nhiều lời nhất cũng phải tạm im lặng vì không đủ sức “cạnh tranh” với mưa. Mưa rơi lúc mau, lúc khoan, lúc trầm, lúc thánh thót hết sức điệu đàng, nhưng lúc nào âm thanh cũng ở mức dành cho tai voi, nên đối với tai người hơi bị quá tải. Những người hay bị đau đầu thường cẩn thận lấy bông bịt tai lại. Các chủ “công” đầu dãy lúc nắng được hưởng đặc ân nhận gió trời, nên những lúc mưa lại phải cuống quýt dọn hàng vào để tránh mưa hắt. Ông trời quả là công bằng, bắt ai cũng phải có lúc khổ để nhớ trên đầu còn có… ông trời.

Luật lệ của chợ

Chợ Vòm có cuộc sống riêng với những luật lệ đặc biệt, nó bắt những ai đã gia nhập vào xã hội ở đây phải tuân thủ cái “lệ làng” của mình. Luật lệ của chợ Vòm không được ghi ở bất cứ cuốn sách nào. Cũng chẳng ai bắt phạt những người trái lệ, nhưng ai cũng tự răm rắp tuân theo cái luật lệ vô hình ấy rất miệt mài, tự giác.

Luật lệ của chợ Vòm gồm những gì?

Hai người bạn cũ lâu ngày gặp nhau, một người trách móc:

-Mày biến đi đâu lâu thế, sao không thấy đến chơi, hay ít nhất cũng gọi điện chứ?

-Dân chợ Vòm rồi mà! Vừa bận vừa không tiện đi chơi đâu cả.

Người Việt ở Nga thường thức dậy vào lúc 8 giờ 30 sáng và đi ngủ vào khoảng 12-1 giờ đêm. Phần lớn các công ty Việt Nam làm việc đến 7 giờ tối, như vậy dân đi làm công sở về đến nhà sớm nhất cũng đã 20 giờ, đó là chưa kể phần lớn dân đi làm công sở thường phải làm thêm giờ không công cho đến khi hết việc mới ra về và họ chỉ có mặt ở nhà sau 21 giờ đêm. Nhưng dân chợ Vòm thì sống theo một thời gian biểu hoàn toàn khác. Họ phải đi ngủ từ 20-21 giờ tối để 5 giờ sáng hôm sau đã có thể thức dậy đi ra chợ. Với thời gian biểu đặc biệt như vậy, nên dân chợ Vòm dù quanh năm chẳng đi đâu khỏi thành phố vẫn thường “biệt tăm” trong các cuộc vui của bạn bè.

Khác với dân làm công ty mỗi tuần được nghỉ hai ngày tha hồ dưỡng sức, tha hồ ngủ, thỉnh thoảng hứng chí còn tổ chức đi dã ngoại hay lang thang vô bổ trong các cửa hàng nên chẳng biết quý những giờ phút được nghỉ ngơi. Dân chợ Vòm cả năm chỉ được nghỉ mỗi một ngày Tết, nên có giờ phút nào rảnh là lăn ngay ra ngủ. Ngủ trong metro, ngủ gà gật bên bịch hàng, về đến nhà ăn xong bát cơm nguội lại lên giừơng đánh một giấc rồi mới dậy chuẩn bị bữa ăn tối thịnh soạn cho bõ công cả ngày nhịn đói. Nhưng chẳng phải lúc nào công việc cũng cho phép người ta được gà gật. Chợ Vòm đúng là một thương trường cạnh tranh gay gắt buộc những người buôn bán ở đây phải động não luôn luôn, chỉ chậm một ngày, người ta có thể mất vài chục ngàn đô la, nên không ai cho phép mình tách khỏi công việc, dù chỉ ít hôm. Người ta đến chợ Vòm không chỉ đơn giản để đứng bán hàng. Những người chọn chợ Vòm để lập nghiệp sống với vui buồn, lo âu của chợ. Người ta cố gắng lắng nghe từng biến chuyển của chợ, cố đoán xem chợ cần gì, mong ước gì, như một kẻ si tình lắng nghe ý muốn người yêu của mình. Nhưng chợ chẳng phải một cô gái ngây thơ dễ lung lạc, chợ Vòm như một thiếu phụ chẳng còn trẻ trung xinh đẹp, nhưng bù lại có một gia tài đáng giá, và nàng rất biết giá trị của mình. Nàng bắt những kẻ đến cầu hôn vừa phải hết lòng với mình, vừa phải thông minh, cần mẫn để tự đi tìm lấy kho báu cho riêng mình. Thế nên những kẻ đã phải lòng nàng – hay đúng hơn là phải lòng kho vàng của nàng – cứ cắm cúi bán lấy khu chợ, chăm chú tìm kiếm cái kho báu mà nàng cẩn thận cất giấu ở khắp nơi. Nhưng dân chợ Vòm xem ra cũng còn may hơn những kẻ đi tìm chủ nghĩa cộng sản, ít nhất họ còn biết mình đi tìm cái gì. Những ai không may mắn, chẳng tìm được gì cũng không có cớ gì để trách nàng chợ Vòm, bởi nàng đưa ra luật chơi tuy hà khắc, nhưng công bằng cho tất cả mọi người, họ chỉ có thể tự trách mình khôngthông minh, hay trách trời không cho họ cơ hội mà thôi.

Tất cả mọi người đến khu chợ khắc nghiệt này đều có cùng một mục đích: làm giàu. Người ta cân đong đo đếm nhau bằng số tiền có trong túi, còn mọi thước đo khác ở ngoài đời đều không có giá trị. Những người đầu đã hai thứ tóc và những đứa trẻ vừa rời ghế nhà trường ở đây có thể vỗ vai nhau cười nói bình đẳng. Dân đi học trước kia, dân đi lao động hay dân đi du lịch sau này mới sang cũng đều nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ buôn bán đặc sệt. Ở đây người ta thật bình đẳng cạnh tranh với nhau. Những thứ bùa hộ mạng thông thường như bằng cấp, con ông cháu cha, xuất thân từ thành phố hay nông thôn, bị vô hiệu hóa. Có lẽ sự bình đẳng để thể hiện tài năng kinh doanh của mỗi người đã giúp người Việt ở đây dễ gần hơn, hồ hởi với nhau hơn những nơi khác. Có thể ở nơi khác, người ta “càng quen càng lèn cho đau”, người Việt với nhau càng bán đắt hơn, thì ở đây nếu đi mua lẻ, có thể tin cậy đến các quầy của người Việt mà không sợ bị mua hớ, bởi ai cũng biết, giầu nghèo không phải nhờ bắt chẹt đồng hương một vài đồng mà nên. Những người cùng kinh doanh một mặt hàng ở đây vẫn chơi với nhau rất niềm nở, thậm chí còn kể tuồn tuột cho đối phương nghe về giá cả, bạn hàng của mình. Chẳng phải người ở đây thánh thiện hơn những nơi khác, chỉ đơn giản, bí quyết thành công ở đây không phải những mẹo vặt hay khôn lỏi, mà phải thực sự là thế mạnh hay tài năng của mỗi người.

Bí quyết thành công

Những người làm ở chợ Vòm những ngày đầu kể lại, “ngày ấy buôn bán dễ lắm, làm gì cũng ra tiền, sờ đâu cũng ra tiền, lãi suất hàng nào ít nhất cũng 50%. Một ngày bỏ túi 1000 đô không phải chuyện khó.” Cũng vì mức lãi xuất cao như vậy, nên người ta đổ ra chợ Vòm, từ hơn một trăm “công” lúc ban đầu chỉ sau 6 năm, cả khoảng đất trống mênh mông mấy km mét vuông trước đây, giờ không còn chỗ nào trống. “Tấc đất, tấc vàng”, người ta tận dụng mọi khoảng trống, mọi mặt bằng để xây thêm quầy bán hàng, bàn bán hàng, thậm chí cả những bức tường treo hàng cũng đều có giá. Chủ chợ dĩ nhiên không kịp đếm tiền bỏ túi. Nhưng không phải ai đến chợ Vòm cũng đều thành công cả. Những người làm ở đây đánh giá chỉ có khoảng 10% dân chợ Vòm gây dựng được chút vốn liếng thành những ông chủ nhỏ, 70% vừa đủ ăn, đủ tiêu với chút để dành, 30% vẫn phải “giật gấu vá vai”, tằn tiện lắm mới tạm đủ sống, hoặc không đủ sống. Tiền bạc ở đây không chảy vào túi chủ nhân như vào cái hom giỏ, vào rồi ở nguyên trong đó. Nó chảy vào túi người ta, rồi đến một lúc nào đó lại chảy đi mất như chiếc ống bương dẫn nước của đồng bào miền núi, cứ đầy lại tự lật lên, đổ nước đi tiếp, chẳng bao giờ quay trở lại nữa.

Nhưng cũng có thật nhiều người tay trắng đã làm nên cơ nghiệp ở đây. Mỗi người mỗi cách, chẳng ai giống ai.

Chị M. kể chuyện, chị ra chợ từ cuối năm 96, khi đó chợ còn khá ít “công”, giá bán chợ đen một “công” ở chỗ đẹp lên tới mười ngàn đô la (giá khởi điểm của mỗi “công” chỉ có 2500-3000 đô la). Bù lại hàng hóa bán lãi xuất rất cao, bán buôn cũng được 30-50% lãi, còn bán lẻ thì được 100% là chuyện thường. Chị chỉ có 300 đô la làm vốn, thế mà sau ba tháng hè mua đầu chợ bán cuối chợ chị đã để ra được năm ngàn đô la. Nhưng càng ngày người mua càng ít, kẻ bán càng nhiều, mức lãi suất càng thấp xuống. Có những loại hàng bán buôn chỉ lời được 5-8%, thậm chí chỉ 2% cũng phải bán để khỏi tồn kho. Những người mua đầu chợ, bán cuối chợ thu nhập không đáng bao nhiêu, sau khi trừ tiền thuê chỗ chỉ còn lại đủ ăn là đã may lắm rồi. Chị M. quyết định sang tận Trung quốc mua hàng về Nga. Ít vốn, chị chỉ “đánh” (nhập hàng) vài bịch lẻ gửi qua các công ty chuyển hàng của Trung quốc. “Đánh” nhỏ kiểu này, chị nói, hóa ra lại kinh tế nhất vì có thể thay đổi mẫu mã nhanh, ít bị tồn và không cần thuê kho lớn. Sau hơn bốn năm chiến đấu với chợ, giờ chị đã có vốn vài trăm ngàn đô la. Nhưng chị vẫn giữ kiểu đánh hàng lẻ, vài kiện một, không bao giờ tham vọng đánh cả container hàng lớn như các chủ hàng khác. Thị hiếu ở chợ thay đổi đến chóng mặt. Một mặt hàng đang ăn khách có thể tiêu thụ nhanh chóng vài container hàng một ngày với mức lãi xất 30-40%, nhưng một hai ngày sau nó đã mất nhu cầu, dù giảm mức lãi suất xuống 5-7% cũng bán rất trầy trật. Đó là lý do tại sao ở chợ này không thể tìm thấy mặt hàng nào trái mùa hay hết mốt. Thật đơn giản, các chủ hàng phải loạt bỏ ngay những hàng không chạy, nếu không họ sẽ bị lỗ.

Sau cơn khủng hoảng tài chính tháng 8 năm 98, mức lãi suất ở chợ Vòm còn tụt xuống thấp nữa. Những mặt hàng cao nhất thì đạt được 15-20%, còn đa số hàng chỉ đạt mức 5-10 %. Rất nhiều người đã phải rời khỏi chợ vì không chịu nổi các chi phí ở đây. Những ai còn trụ lại được và phát triển, phần lớn đều là những người đã tạo được một dây truyền khép kín từ gốc đến ngọn. Nếu họ không trực tiếp sản xuất thì cũng là những người tự đến tận các nhà máy bên Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ba Lan để đặt hàng. Từ hè năm 2000, rất nhiều người Việt đã sang Trung Quốc trực tiếp đặt hàng. Điều đáng nói là người ta không phải sang một vài ngày đặt hàng rồi trở về, mà ở lại thường xuyên như một văn phòng đại diện thường trực bên đó. Chỉ có điều, “văn phòng” cũng là phòng ở, nhân viên cũng là ông chủ.

Anh G. sang Nga từ mùa đông năm 96 để kinh doanh mặt hàng mây tre đan của Việt Nam. Sau hơn một năm thử đi chào hàng qua các cửa hàng của Nga, các ốp của người Việt, cuối cùng anh đã chọn chợ Vòm để lập nghiệp. Và quyết định của anh quả đã không sai. Từ hai bàn tay trắng, sau bốn mùa bán hàng ở chợ Vòm, giờ anh đã có 4 cửa hàng trong chợ với số vốn luân chuyển hàng trăm ngàn đô la. Khác với chị M. chỉ “đánh” số lượng nhỏ để kịp thay đổi mẫu mã, anh G. ngược lại, tìm cách mở rộng quy mô bán hàng của mình tối đa để có thể hạ giá bán, cạnh tranh với những người “đánh” nhỏ hơn trong lĩnh vực của mình. Anh đã biến doanh nghiệp của mình thành một “đại gia” mây tre đan từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Có thể nói, kinh doanh ở chợ Vòm phần đông đều mang mầu sắc những đại gia đình. Trước đây người Việt ở Nga thường kinh doanh theo nhóm bạn bè, chứ ít khi mang cả gia đình sang đây lăn lộn chợ búa. Sau cuộc khủng hoảng 98, mời người từ Việt Nam sang Nga trở nên vừa dễ dàng, vừa rẻ (chỉ mất chừng 1000 đô la) nên ai cũng tìm cách đưa người nhà sang cùng bán hàng. Những gia đình “neo” người nhất cũng gồm hai vợ chồng cùng lo chuyện buôn bán. Những gia đình có nhiều điểm bán hàng có thể đưa sang 9-10 người. Những ai không có điều kiện đưa người nhà sang thường ở với nhau để dễ bề quản lý tiền và hàng hóa. Chợ Vòm thật xứng đáng được gọi là khu chợ quốc tế, vì người Nga ở đây là một thiểu số ít ỏi, còn người nước ngoài thì thật đa dạng. Có thể tìm thấy ở đây đại điện từ những nước rất bé nhỏ như Nepal, Sri-Lanca, Xiri, Miến điện, Bănglađét, đến Afganistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn độ, Trung quốc, Việt Nam. Các nước cộng hòa cũ thuộc Liên Xô ở đây có có đủ mặt từ Ucraina, Moldovia, đến Belarusia, Grudia, Tadjikistan, Kazakstan, Armenya…Có lẽ vì thế mà ở đây người ta có thể hiểu được mọi loại tiếng Nga với đủ kiểu ngọng ngịu.

Cứ quan sát mỗi cộng đồng người nước ngoài ở đây, cũng có thể biết được khá nhiều điều về bản tính của mỗi dân tộc cũng như vai trò của mỗi cộng đồng ở nước Nga này. Người Trung quốc thường tụ lại với nhau thành từng khu. Dù là khu mới mở hay nằm ở cuối chợ, thì chẳng bao lâu sau khu của người Trung quốc cũng trở nên đông đúc, phát đạt nhất. Nhìn từ xa người ta đã biết ngay đâu là khu của người Trung quốc nhờ những hàng đèn lồng đỏ chói với những dây trang trí đỏ vàng đặc trưng. Ở các khu chợ này, ban quản lý làm việc theo luật của giới giang hồ, chẳng ai dại gì mà trêu chọc vào “người của chợ”. Nhưng người Trung quốc lại là một ngoại lệ. Họ chẳng những dám đòi hỏi, mà còn dám đánh bảo vệ chợ khi bị đối xử bất công. Ban quản trị chợ ở đây rất sợ cộng đồng người Trung Quốc, hay nói đúng hơn thì họ sợ tính đoàn kết của người Trung Quốc ở đây. Ngược lại, người Việt nam không có được tính đoàn kết, nhưng lại có sự nhạy bén khó ai sánh bằng. Các “công” nằm ở các vị trí đẹp, nghĩa là nằm ở đầu dãy, gần đường đi, nơi bán được nhiều hàng…ở các chợ, hầu hết đều thuộc về người Việt. Chẳng phải tự nhiên khu chợ “KT” của người Việt trở thành khu bán buôn quan trọng bậc nhất ở quần thể chợ Vòm này. Sự nhạy bén của người Việt đã giúp họ luôn có được những mặt hàng đúng thị hiếu, giá cả rẻ nhất để thu hút người mua đến, dù khu chợ này bao giờ cũng…bẩn và xấu nhất ở đây.

Thời kỳ tích lũy tư bản xưa kia của các nước phương Tây đã diễn ra trong nỗi thống khổ của dân chúng, còn thời kỳ tích lũy tư bản bây giờ của người Việt mình đã diễn ra trong sự cố gắng và hy sinh của mỗi người. Chẳng biết 15-20 năm nữa khi tầng lớp “Tư bản” kiểu Việt Nam hình thành có ai còn nhớ đến khu chợ khởi đầu này không? Và điều quan trọng nhất, chẳng hiểu “quan tính” trong mỗi người có lấn át hết phần “nhân tính” dễ thương của họ thủa hàn vi hôm nay không? Mong sao nó vẫn còn.

© Đàn Chim Việt

3 Phản hồi cho “Chợ Vòm – một góc cuộc sống của người Việt ở Nga (2)”

  1. Lien nguyen kim says:

    minh thay thuong anh chi lam an ben do qua. co gang len anh chi nhe!

  2. T. says:

    “Bác” đã không ngờ nơi đất nước nảy sinh ra ” cách mạng?” lại là nơi mà con cháu bác phải ” bán mặt cho đất, bán lơng cho giời” như vậy? bác đã làm cho chữ Việt phong phú như các chữ : ” người Rơm”, “Ô sin”…

  3. Curious says:

    Nói tới cái rét ở nga, có một anh chàng phét lác rằng:
    ở chỗ anh ta ở, khi đi tiểu chỉ vọt ra là đã đông lại rồi, thành ra khi tiểu xong thì phải bẻ mà quăng đi không biết có đúng không?

Leave a Reply to T.