WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Từ Nhật Bản hậu chiến đến Việt Nam hậu chiến [2]

Về cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc năm 1957-58 thì đảng Cộng Sản không đấu tố những nhà tư sản dân tộc mà sử dụng chính sách khuyến dụ là phát động bằng báo chí và những buổi tập họp những nhà tư sản để nói về chính sách cải tạo, nói về tội của giai cấp tư sản và nói về sự tự giác cải tà quy chính. Kết quả của chiến dịch tuyên truyền và đe dọa là các nhà tư sản đã tự nguyện làm đơn xin hiến tài sản, xí nghiệp và nhà cửa cho nhà nước.

Trận đánh này đã được tiến hành êm ả và hình như chưa có sách nào ghi lại đầy đủ về sự diễn tiến với những thảm kịch xin nhà nước cho dâng nộp tài sản. Nhưng kết quả thì chỉ trong 2 năm chính quyền Cộng Sản đã xóa xong tầng lớp tư sản thành thị miền Bắc.

Sau 1975, qua những tiết lộ của nhiều người miền Bắc thì việc cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc đã đầy những chết chóc, uất hận với những vụ tự tử, với những cái chết sau đó ít tháng vì u uất, hoảng loạn tinh thần. Trong đó có nhiều gia đình bị đày lên miền thượng du như kiểu đi kinh tế mới ở miền Nam mà về chuyện này thì nhiều sĩ quan bị tù cải tạo ở Hoàng Liên Sơn, Sơn La, lai Châu… đã có dịp thực chứng, vì họ đã gặp nhiều người già hay con cái họ cho biết là gia đình họ đã bị đưa lên núi rừng sau 1954.

Theo nhiều tài liệu ghi lại thì Đỗ Mười, lúc đó là phó Thủ Tướng, đã chỉ huy cả hai chiến dịch cải tạo công thương nghiệp miền Nam. Với những kinh nghiệm đã thu được trong mấy năm làm Trưởng Ban Cải Tạo Công Thương Nghiệp ở miền Bắc, Đỗ Mười đã sử dụng công an và bộ đội để triển khai trận đánh với những biện pháp:

- Bao vây, cô lập khu thương mại và gia đình đại tư sản nhiều ngày và đã tận lực đào bới từ trong nhà ra ngoài để tìm vàng, ngọc và kim cương.

- Cô lập những người trong gia đình tư sản để thẩm vấn, đe dọa, bắt khai tất cả của nổi, của chìm.

- Tịch thu tất cả tài sản trong nhà và cơ sở sản xuất hay buôn bán của những gia đình tư sản.

- Bắt những gia đình tư sản phải đi vùng kinh tế mới trong một tháng.

Kết quả là sau mỗi trận đánh, dân Sài Gòn, Chợ Lớn (có lẽ còn ở những thành phố khác nữa) đã chứng kiến nhiều gia đình tư sản tự tử, có người treo cổ, có người nhảy lầu, có người uống thuốc độc.  Theo Giáo sư Lâm Thanh Liêm trong sách: “Chính Sách Cải Cách Ruộng Đất Việt Nam 1954-1994”, thì trong hai tháng 4 và 5/1978, 30.500 gia đình tư sản thành phố Sài Gòn đã đi vùng kinh tế mới.

Như vậy chỉ trong mấy năm đảng Cộng Sản đã giải quyết xong việc vô sản hóa miền Nam để theo kịp xã hội vô sản miền Bắc. Nhưng kết quả của chính sách này đã đưa miền Nam vào phá sản, vì thực tế cho thấy là qua cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp tư doanh, nền kinh tế quốc doanh xã hội chủ nghĩa đã đi vào ngõ cụt.

- Với nông nghiệp, sản lượng sút giảm nên dân miền Nam đã phải ăn độn sắn, khoai và bo bo.

- Với công nghiệp thì nhà máy quốc doanh sản xuất ít quá mà phẩm chất lại quá xấu, nên xã hội thiếu từ bánh sà phòng, chiếc lốp xe đạp đến cái đinh, quyển vở, chiếc khăn mặt… Công thương nghiệp lụn bại như thế thì chuyện buôn bán không có gì để nói, ngoài hệ thống chợ đen và chợ trời.

- Hàng tuồn từ cơ sở quốc doanh ra thành chợ đen. Người dân đem ra đường bán từng cái áo, thước vải, từ đôi giày tới cái ly thì thành chợ trời.

- Mấy năm 1977,78,79 còn một hiện tượng nữa là dân đi ăn xin khắp thành phố cả miền Bắc lẫn miền Nam.

Năm 1976, chúng tôi ở trại cải tạo, được học mấy bài về chương trình cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đại Hội 4. Và còn nhớ là mấy ông trung tá, thượng tá ở quân khu 7 tới trại, lên lớp đã nhắc lại lời của Lê Duẩn là Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp tiên tiến, sẽ đuổi kịp Nhật trong 15 hay 20 năm và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng.

Nhưng từ năm 1977 tới 79, tù cải tạo đã ăn bo bo, sắn lát và bột mì. Bo bo là thực phẩm viện trợ của Liên Sô, còn bột mì là của Mỹ và Canada (chúng tôi đi khiêng mấy thứ này còn đọc được những hàng chữ trên bao vải). Lê Duẩn, Trường Chinh đã chết từ lâu, nhưng nay còn Đỗ Mười, không biết bây giờ Đỗ Mười nghĩ gì về việc ông ta chỉ huy  hủy diệt tư sản Việt Nam, nghĩ gì về đại hội 4 và lời của Lê Duẩn.

Đuổi kịp Nhật và đi trên thảm vàng không thấy đâu mà chỉ thấy dân đi ăn xin đầy đường. Như thế là nghị quyết của đại hội 4 đã đưa cả nước tới nghèo đói.

Trong những năm 1978, 79, trước sự thất bại của chương trình kinh tế xã hội chủ nghĩa, kinh tế quốc doanh, hai ông Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn Linh ở miền Nam đã liều đột phá hàng rào kinh tế giáo điều xã hội chủ nghĩa bằng cách lùi ở cả nông, công thương nghiệp:

- Lùi ở nông nghiệp là cho nông dân thuê đất khoán, làm ăn cá thể.

- Lùi ở công thương nghiệp là bãi bỏ việc ngăn sông cấm chợ, khuyến khích phát triển kinh doanh theo phương thức 3 lợi ích là lợi ích nhà nước, lợi ích cơ sở và lợi ích cá nhân. Cho tư nhân lập cơ sở sản xuất và được phép bán giá tự do những sản phẩm trên mức chỉ tiêu kế hoạch. Người Hoa được phép kinh doanh trở lại và trong các xí nghiệp dùng hình thức khoán sản phẩm để kích thích năng xuất công nhân.

Trong việc phá rào, Võ Văn Kiệt đã dùng Ba Hòa, một cán bộ Hoa vận, người Triều Châu, thành lập công ty Cholimex, hoạt động theo kiểu tư bản. Và Ba Hòa đã liên lạc với một số thương gia Tàu còn lại và những người trung gian như Triệu Vĩnh Thiệt có họ hàng điều khiển những cơ sở kinh tế ở Hongkong, Singapore để khai thông việc xuất nhập cảng. Từ đó, Cholimex đã nhập cảng nguyên liệu, hóa chất, phụ tùng thay thế, máy móc, và xuất cảng nhiều hàng nông sản và hải sản như yến, vi cá, mực khô, tôm cá, hột vịt, hạt sen và gạo ngon. Triệu Vĩnh Thiệt đã tái lập công ty Tân Tiến sản xuất đồ nhựa bằng plastic nhập cảng. Charles Đức, một tiến sĩ có quốc tịch Pháp, cũng đã được Võ Văn Kiệt trọng dụng để giao dịch buôn bán với Pháp trong chức vụ Giám Đốc công ty xuất nhập khẩu nông sản, và phó Giám Đốc công ty Imex. Một cựu thị trưởng xuất thân Viện Quốc Gia Hành Chính của Việt Nam Cộng Hòa đã nằm trong Công Ty Lương Thực Thành Phố của bà Ba Thi, dùng khả năng tính toán quản lý thương mại  giúp bà Thi đoạt nhiều cờ tiên tiến và huân chương anh hùng lao động.

Một điều cần nói thêm là từ chính sách đột phá của hai ông Kiệt và Linh, người Hoa Chợ Lớn đã đi đầu trong việc sản xuất và họ lại làm giàu kể từ giai đoạn này.

Như thế là có sự mâu thuẫn về chính sách kinh tế giữa trung ương và địa phương. Chúng ta biết là khoảng năm 1966-67, để cứu dân khỏi đói, ông Kim Ngọc, bí thư tỉnh Vĩnh Phú, đã phá rào chính sách hợp tác xã bằng cách cho dân thuê đất khoán sản phẩm (Ông Kim Ngọc đã đi trước  Đặng Tiểu Bình hàng chục năm về chính sách khoán). Chính sách khoán có kết quả, nhưng trái với chính sách tập thể vô sản, nên ông Kim Ngọc bị thanh trừng. Còn hai ông Linh và Kiệt đã đi ra ngoài rào xa hơn ông Kim Ngọc cả nông, công, thương nghiệp mà sao lại có thể được yên? Theo những câu chuyện trên bàn nhậu của cán bộ ở Sài Gòn vào thời gian đó thì có xung đột. Trung ương không chấp nhận kiểu làm ăn tự phát của Sài Gòn và những người chống triệt để là Trường Chinh, Võ Chí Công và nhất là Đỗ Mười, người mà mấy ông cán bộ thường cười nói là một tên nghiện giáo điều và chỉ biết húc. Nhưng tình hình kinh tế xuống dốc, quá bết bát, và có lẽ hai ông Linh và Kiệt được các tỉnh B2 ủng hộ nên thoát chuyện thanh trừng.

Trong tình hình đó, Đại Hội 5 được triệu tập (3/1982). Trong đại hội này thành phần lãnh đạo bảo thủ nắm ưu thế. Võ Văn Kiệt được triệu ra Bắc làm Phó thủ tướng đặc trách Ủy Ban Kế Hoạch Nhà Nước, còn Nguyễn Văn Linh thay Võ Văn Kiệt, vẫn duy trì cách làm ăn của ông Kiệt và trở thành một bộ mặt có giá của phe cải cách được toàn thể các tỉnh B2 ủng hộ, mặc dù ở Đại Hội 5, Nguyễn Văn Linh bị loại khỏi Bộ chính trị.

Đại Hội 5 thay đổi kế hoạch kinh tế:

- Bỏ chính sách ưu tiên công nghiệp nặng của đại hội 4.

- Nông nghiệp trở thành mặt trận hàng đầu.

- Trở lại chính sách xã hội hóa triệt để với những biện pháp xiết chặt cả nông, công, thương nghiệp.

Đường lối xã hội hóa và xiết chặt các ngành kinh tế của đại hội 5 lại đưa xã hội vào những khủng hoảng mới và nghị quyết 8 về thay đổi giá, lương, tiền với cuộc đổi tiền lần thứ 3 (1 đồng mới ăn 10 đồng cũ) đã đưa nền kinh tế tới phá sản. Lạm phát lên tới 700% và giá cả đại loạn không thể kiểm soát được.

Trước tình thế đó, đảng Cộng Sản và Nhà Nước đã nhận sai lầm trong chính sách kinh tế và đã tổ chức chiến dịch học tập, phê bình trên toàn quốc. Trong chiến dịch học tập, Nguyễn Văn Linh đã có một bài phân tích về sự sai lầm trong đường lối lãnh đạo kinh tế. Trong đó ông Linh nói rằng Trung Ương đã sai lầm trong cải cách ruộng đất vì đã làm theo kiểu Trung Quốc, rồi phạm nhiều sai lầm khác trong công, thương nghiệp, vì đã đi theo con đường làm ăn cũ, ý nói làm ăn theo chính sách giáo điều xã hội chủ nghĩa. Và ông Linh đã kết luận với câu: “Nền kinh tế này không còn phải ở bên bờ vực thẳm mà thật sự đã ở dướì vực thẳm. Chúng ta phải tìm cách nhảy lên, không sẽ chết”.

Phê bình như thế thì ông Linh đã xổ toẹt tất cả chương trình kinh tế của đảng. Nếu như trước kia mà nói thế thì khó sống, nhưng năm 1986 lại trở thành sáng suốt, vì cả trung ương đã nhận chương trình kinh tế của Đại Hội 5 sai lầm.

Trong cuốn “Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam” của mấy ông giáo sư Kiều Xuân Bá, Lê Mậu Hãn và Trần Duy Khang đã viết: “Nhìn chung thời kỳ 1975-1985 là thời kỳ sử dụng mô hình kinh tế cũ mà đặc trưng là cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa (tư bản, cá thể) bị xóa bỏ sớm ở mức cao. Những nhược điểm của mô hình đó đã trở thành sức cản lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội, dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội gay gắt”.

(Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhà xuất bản giáo dục, Hà nội, 2002, trg. 158)

Chính vì sự thất bại của mô hình kinh tế tập sản, mô hình vô sản hóa toàn xã hội mà đảng Cộng Sản nói đến đổi mới tư duy kinh tế, và họ đã đem tư duy đổi mới này vào Đại Hội 6 tháng 12/86, và Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí Thư để thực hiện chính sách đổi mới.

Nội dung căn bản của chính sách đổi mới là cởi trói các ngành kinh tế với những điểm:

Về nông nghiệp:

- Ban hành nghị quyết 10, gọi là khoán 10, thay cho chỉ thị khoán 100. Khoán 10 thiết lập chính sách khoán trắng, cho phép xã viên thuê đất canh tác không hạn chế diện tích và chịu trách nhiệm hoàn toàn về số ruộng đất khoán.

- Với khoán 10 cùng luật đất đai do Quốc Hội biểu quyết tháng 12/86, nhà nước Cộng Sản đã luật hóa chính sách khoán, hủy bỏ chính sách sản xuất tập thể xã hội chủ nghĩa, nới rộng thời gian cho nông dân thuê đất dài hạn là 15 năm, và cho phép người thuê có quyền để lại cho con thừa kế phần đất ruộng thuê hoặc nhượng lại cho một nông dân khác.

Về công, thương nghiệp:

Đối nội:

- Cởi trói tư nhân, khuyến khích làm ăn cá thể.

- Hủy bỏ ngăn sông cấm chợ để lưu thông hàng hóa.

Đối ngoại:

- Mở cửa giao thương với thế giới tư bản bằng bộ luật đầu tư được quốc hội biểu quyết tháng 12/1988. Với luật này, nhà nước kêu gọi tư bản nước ngoài vào đầu tư và dành cho xí nghiệp nhiều đặc quyền như cho phép làm chủ xí nghiệp 100% vốn đầu tư và không bị quốc hữu hóa.  Sau đó luật đầu tư được nâng cấp dần để thu hút tư bản nước ngoài và đảng Cộng Sản đã độc chiếm quyền làm ăn với tư bản nước ngoài, thiết lập một hệ thống tư bản của thành phần cán bộ cao cấp để thành giai cấp tư bản đỏ, rồi tiến tới việc cho phép đảng viên phát triển kinh doanh tư nhân.

- Chính sách này được đảng Cộng Sản gọi là kinh tế thị trường kèm theo cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng không cho biết nội dung của việc định hướng xã hội chủ nghĩa là gì và ra sao, nhưng theo cơ chế, cách làm và sự biểu hiện ta có thể hiểu nội dung của sự định hướng đó bao gồm: Thứ nhất, độc đảng toàn trị, thứ nhì, đảng làm chủ đất ruộng và thứ ba, hệ thống xí nghiệp quốc doanh giữ chủ đạo. Như thế có thể gọi kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế cởi trói trong vòng tay của đảng.

Qua những điều trình bày trên, có thể nhận định là từ cách mạng xã hội chủ nghĩa vô sản cho tới đổi mới, đảng Cộng Sản đã đi theo 4 đường vòng:

Thứ nhất là đường vòng nông nghiệp:

Trước cách mạng xã hội chủ nghĩa, người nông dân làm ăn cá thể. Rồi cách mạng ruộng đất xã hội chủ nghĩa đưa nông dân vào hợp tác xã làm ăn tập thể, làm thuê ăn điểm. Tới đổi mới, đảng bỏ làm ăn tập thể, cho phép nông dân trở về làm ăn cá thể với mảnh đất thuê dài hạn của nhà nước.

Thứ nhì là đường vòng công thương nghiệp:

Trước cách mạng xã hội chủ nghĩa, người dân lập xí nghiệp, buôn bán tự do. Tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, đảng hủy diệt giai cấp tư sản, cấm tư thương và đảng trở thành chủ nhân công thương nghiệp. Tới đổi mới, đảng trở về với tự do kinh doanh.

Thư ba là đường vòng tư sản:

Trước cách mạng xã hội chủ nghĩa, quyền tư hữu được tôn trọng. Tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, đảng hủy diệt quyền tư hữu, xây dựng xã hội vô sản với con người mới vô sản (con người mới xã hội chủ nghĩa). Tới đổi mới, đảng trở về tư sản, xây dựng xã hội tư sản với giai cấp tư sản đỏ.

Thứ tư là đường vòng lệ thuộc:

Đảng Cộng Sản khởi nghiệp nhân danh giải phóng dân tộc khi Việt Nam bị Pháp đô hộ. Dưới sự yểm trợ của Liên Sô và Trung Cộng, đảng Cộng Sản thắng Pháp và chính phủ Quốc Gia Bảo Đại chiếm miền Bắc năm 1954, rồi thắng Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ năm 1975. Sau đổi mới, Cộng Sản Việt Nam dựa vào Trung quốc và đưa đất nước vào vòng lệ thuộc Trung quốc.

Với đảng Cộng Sản thì 4 đường vòng trên là sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp đổi mới của đảng, nhưng với dân và nước thì đó là những con đường oan nghiệt. Gọi là oan nghiệt vì trên những con đường này, đảng Cộng Sản đã dùng xương máu của dân để thử nghiệm chính sách vô sản tàn bạo, hủy diệt vốn liếng trí não dân tộc, tàn phá cơ cấu xã hội tư hữu để xây dựng xã hội vô sản. Nhưng cuối cùng đảng lại phải xóa bỏ xã hội vô sản để làm lại xã hội tư hữu với giai cấp thượng tầng mới là giai cấp đảng. Còn đường vòng thứ tư thì trên 3 triệu dân Việt đã chết cho danh nghĩa cách mạng giải phóng khỏi ách thực dân, đế quốc, danh nghĩa cứu nước của đảng Cộng Sản, để cuối cùng đảng Cộng Sản lại trở thành đảng bán nước khi mở đường cho Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam.

Thanh niên lớp lớp nghe lời đảng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, chiếm cho được miền Nam, thống nhất tổ quốc, để đảng dâng cả nước cho Tàu. Mới đây chúng tôi đọc được bài bút ký Cổ Thành Quảng Trị của Đặng Văn Sinh, thấy rợn người khi tác giả kể tên những nghĩa trang vùng hỏa tuyến với những cái chết trong trận chiến Cổ Thành Quảng Trị, nên xin ghi lại một đoạn:

“Chúng tôi ghé thăm hầu hết các địa danh được coi là “đất thiêng” ở thời kỳ trước năm 1975, từng là chiến trường đẫm máu của những xung đột ý thức hệ. Hành trình xuyên Việt lần này, cảnh trí và  những hồi ức đã làm cho một số văn nghệ sĩ nhìn nhận cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc bằng con mắt ít khắt khe và trái tim độ lượng hơn. Từ thị xã Đông Hà chúng tôi lần lượt viếng thăm chiến địa cũ Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, cửa khẩu Lao Bảo, nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Gio Linh, nghĩa trang Cam Lộ… mấy chục vạn linh hồn có tên và không tên đã ngã xuống trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn, giờ này đang phiêu lãng nơi đâu ở một vùng hoang địa đầy tử khí? Tất cả chỉ còn là ký ức, một ký ức đau buồn hằn vào lịch sử kéo theo nỗi trầm luân của cả một dân tộc khi chưa thuộc lời dạy của cha ông về lòng tha thứ.

Nơi dừng chân lâu nhất là Thành Cổ. Tại đây người ta xây một đài tưởng niệm những chiến sĩ trận vong (tất nhiên chỉ là chiến sĩ QĐNDVN). Thắp hương xong, đoàn sang viếng thăm nhà lưu niệm. Đây là ngôi nhà hai tầng, giống như một viện bảo tàng quân sự thu nhỏ, trưng bày những chiến tích, chiến cụ cùng sa bàn trận địa của cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm giữa hai bên Giải Phóng và Quốc Gia năm 1972. Nhìn toàn cảnh chiến trường xưa, lòng tôi chợt nhói lên kinh hoàng về một thời đẫm máu và nước mắt. Cánh c

cổng phụ phía tây thành còn lại như một chứng tích khủng khiếp bởi hàng trăm vết đạn xuyên qua như mắt sàng mặc dù nó được làm bằng thép tấm dày 7 ly.

Trên trời mây trắng vẫn lững thững bay ra biển. Cỏ non Thành Cổ vẫn tươi xanh như lời ca của một bài hát mới sáng tác gần đây, bất giác tôi nhớ đến mấy câu thơ bộc lộ cảm xúc rất chân thành (của một tác giả nào đó tôi không nhớ tên) nhưng thật tiếc là nó vẫn chỉ là sản phẩm cuối cùng trong chuỗi những kỹ thuật thượng thặng của công nghệ tuyên truyền:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi đôi mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

Chỉ riêng Đường 9 đã có gần mười vạn ngôi mộ. Đám người nhỏ nhoi trước một bãi tha ma khổng lồ bất giác làm tôi thấy cô đơn. Rừng Trường Sơn hoang sơ, gió ngàn vi vu tạo nên một không gian rờn rợn lúc chiều tà. Hỡi những linh hồn trận vong! Các anh các chị hãy yên giấc ngàn thu.

Nhớ lại lúc ở nhà lưu niệm trong khuôn viên Thành Cổ, một nhà thơ trong đoàn hỏi người lính thuyết minh rằng, quân số thương vong của chúng ta là bao nhiêu khi công bố 26 ngàn lính Việt Nam Cộng Hòa tử trận. Anh bộ đội trẻ lặng đi một lúc rồi từ tốn nói:

- Thưa các bác, số thương vong của quân ta Bộ Quốc Phòng chưa thống kê được!

Nghe xong, nhà thơ Nguyễn Ngọc San, một trong những cựu chiến binh Trường Sơn ghé tai tôi nói nhỏ:

- Mỗi ngày đêm ít nhất “nướng” một đại đội, cứ tính sơ sơ mỗi đại đội một trăm người, nhân với 81 ngày thì sẽ ra, việc gì phải hỏi. Mà đó mới chỉ là số hy sinh trong thành, còn những đơn vị “bị” ở bên kia sông Thạch Hãn cũng không ít đâu…

Ông nói đúng. Khỏi phải bình luận gì thêm để đỡ làm đau thêm các linh hồn trẻ đang yên nghỉ dưới những thảm cỏ non Cổ Thành.

Ngay đêm hôm ấy, trong nhà nghỉ thị xã Đông Hà, cách Thành Cổ không xa, Nguyễn Ngọc San đọc cho tôi nghe bài “Cổ Thành Quảng Trị” mới sáng tác:

Cổ Thành chẳng thấy thành đâu

Một vuông đất hẹp vùi sâu vạn người.

Bát hương cháy đỏ giữa trời

Khôn thiêng một nén cho nguôi ngoai lòng.

Cổ Thành máu chảy thành sông

Xương gom thành núi thành không còn thành.

Bên ni, ừ cả bên tê

Thành hoang, gạch vụn gửi về mai sau.

Bài thơ chỉ có 8 câu, nhưng nghe xong tôi chợt bàng hoàng bởi sức nặng của những vần lục bát. Nó chẳng những tuyệt vời về mặt cấu tứ mà còn bộc lộ một cái nhìn mới, một cách cảm nhận mới về chiến tranh sau khi đã có độ lùi 34 năm. Ý thức phản tỉnh về một sự kiện lịch sử dường như đã được định hình cùng với những hồi ức bất chợt của nhà thơ về cuộc chiến tranh đẫm máu đã khơi gợi cảm xúc tạo nên những dòng tự sự giàu chất suy tưởng. Về một mặt nào đó, ta còn có thể xem bài thơ là lời sám hối muộn mằn, nhưng cần thiết cho những thế hệ sinh ra sau khi đất nước đã im tiếng súng để chọn con đường đến tương lai mà không cần phải nổ súng vào nhau.

© Đàn Chim Việt

Từ Nhật Bản hậu chiến đến Việt Nam hậu chiến [1]

Pages: 1 2

3 Phản hồi cho “Từ Nhật Bản hậu chiến đến Việt Nam hậu chiến [2]”

  1. quang phan says:

    ***Ở thế kỷ 21, tại Việt Nam, dưới chế độ cai trị của đảng Cộng sản, vẫn còn cảnh con trâu đi trước, cái cầy đi sau, áo anh rách vai, quần tôi có vài miếng vá. Thảm quá ! Dưới đây là trích đoạn từ bản tin trong nước :
    …Bộ trưởng Cao đức Phát đau xót ‘phác’ ra mặt trái của nền nông nghiệp mà ông là người đứng đầu, trong phiên chất vấn.
    Sau đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào chất vấn đầu tiên, khi bộ trưởng Phát dừng đọc văn bản, “Với tư cách người đứng đầu ngành nông nghiệp, người nói rất hay về nông thôn mới, bộ trưởng có thể phác họa bức tranh kinh tế nông thôn đến năm 2020? Khi nào chúng ta có thể thay đổi được cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau…?”,
    Không chờ bộ trưởng trả lời, đại biểu Ngô Văn Minh tiếp thêm câu hỏi “hóc”: “Bao giờ mới có khi mà khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị không thu hẹp mà có xu hướng ngày càng rộng ra?”.
    Không tỏ ra lúng túng, Bộ trưởng Cao Đức Phát chậm rãi thừa nhận thực tế trên là có thật: “Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo mà hàng năm vẫn còn hàng trăm nghìn đồng bào chỉ được ăn cơm khi ngày lễ, ngày tết, khi bị ốm”.
    Nông nghiệp là nguồn sống chính của 73% dân số Việt Nam, nhưng tốc độ phát triển chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với công nghiệp. Nhiều hộ rơi vào cảnh đói nghèo chỉ sao một trận lũ lụt, dịch bệnh, hay gia đình có người ốm.
    Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, chấm dứt cảnh “con trâu đi trước, cái cày đi sau”, bộ trưởng cho rằng “không thể theo sự mong muốn của chúng ta”, vì liên quan đến hoạt động của nền kinh tế thị trường . ( Trích)
    ****Trong buổi hội thảo về “Những Vấn Nạn Hiện Tại Của Xã Hội Việt Nam” của Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam tổ chức ngày 15.10.2011 ở thành phố Santa Ana, ông Nguyễn Bá Lộc phát biểu rằng sau 35 năm cai trị Việt Nam của đảng Cộng sản, nền kinh tế nông thôn vẫn trì trệ, chậm tiến. Lợi tức mỗi đầu người nông dân chỉ hơn 100 mỹ kim một năm .

  2. quang phan says:

    Bài viết hay quá . Rất đáng nên đọc .

  3. Le Mai says:

    - NHẬT đứng lên từ hoang tàn đổ nát của kẻ BẠI TRẬN, xây dựng thành đất nước khiến dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh theo đường lối tự do dân chủ.
    - Việt Nam cs, từ KẺ CHIẾN THẮNG (qua 2 cuộc chiến) do hãnh tiến lại duy-ý-chí đi theo mô hình cs-giáo-điêu đã phá đổ tất cả; biến đất nước trở nên lạc hậu đói nghèo. Mãi sau khi Đông Đức, Đông Âu, Liên Sô tan rả, csvn mới hối hả chạy theo tư bản kiểu nửa vời (nửa quạ nửa dơi), biến nhà nước thành độc tài đảng trị, tham nhũng tràn lan, xã hội băng hoại !
    Từ thực tế ấy, ta thấy CÁI TÂM, CÁI TẦM CỦA AI HƠN, đáng noi theo hay đáng bị lên án, phỉ nhổ ?

Leave a Reply to quang phan