WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Phập phồng một vòng Yangon [2]

[Phần 1]

  1. Tượng Vua Bayinnaung Nawrahta (1516-1581) lập ra Vương quốc Toungoo

    Tượng Vua Bayinnaung Nawrahta (1516-1581) lập ra Vương quốc Toungoo

    1.  THĂM TRỐNG CÓC (Frog Drums) tại BẢO TÀNG VIỆN QUỐC GIA và LÀNG LIÊN HỢP SẮC TỘC

 Con cóc là cậu ông trời,

Ai mà đánh nó thì trời đánh cho (Ca dao VN)

mien13Nghe nói Miến Điện cũng có Trống Đồng nên tôi cũng cố gắng tìm đường đến xem. Tôi đã sẵn định kiến: hễ dân tộc nào có tạo tác được trống đồng (bronze drum) thì xa gần gì cũng có quan hệ đồng bào với tổ tiên người Việt. Các bạn người Miến của tôi cho biết, có hai nơi chứa trống tại Yangon, nhưng họ không đặt tên là trống đồng mà gọi nó là Trống Cóc (Frog Drum).

Nơi thứ nhất chứa Trống Cóc là Bảo Tàng Viện Quốc Gia Yangon (National Museum Yangon) do Bộ Văn Hóa của nhà nước quản lý. Đây là một tòa nhà rộng rãi, cao năm tầng lầu trong một khuôn viên rất lớn, nằm ngay trên đại lộ Pyay Road của thành phố, mở cửa từ năm 1996. Rất tiếc là họ không cho đem máy chụp hình vào bên trong viện và cấm chụp dưới mọi hình thức. Tôi đành thúc thủ và không có hình nào để cống hiến cho bạn đọc, ngoại trừ hai bức tượng đồng của hai quốc vương Miến, chụp được từ bên ngoài viện.

Trong lầu ba và lầu năm, tôi thấy được hai loại trống cóc: loại hai-con-nằm-chồng-lên-nhau do bộ tộc Kayin thuộc vùng Đông-Nam sáng tác, và loại ba-con-nằm-chồng-lên-nhau do bộ tộc Kayah thuộc vùng Đông-Bắc sáng tạo.

Hai con có thể là hình ảnh của vợ chồng hoặc cha con hoặc mẹ con. Còn ba con thì sao? Có phải tượng trưng cho 3 đời nhà cóc? hay tộc Kayah (có 3 con) muốn chơi trội hơn Kayin (chỉ có 2 con)?

Nơi thứ nhì có chứa Trống Cóc là Làng Liên Hợp Sắc Tộc Quốc Gia (Union National Races Village). Trống Cóc là nhạc cụ được tiêu khiển trong các lễ hội từ trước, và sau này được biến chế giản lược thành cồng, chiêng cho dễ xài, vì tạo trống khó khăn và khiêng trống nặng nhọc. Tôi có hỏi vị quản thủ của làng thì được biết: Trống Cóc dùng đặc biệt để cầu mưa vì dân Miến sống nhờ nông nghiệp làm ruộng nước. Năm nào hạn hán, hoặc thiếu/cần nước ngọt thì nông dân làm lễ cầu cho trời mưa, giống như bên Việt Nam ta:

Lạy trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cầy

Cho đầy bát cơm        

(Ca-dao VN)

Nhưng ổng lại không biết đến truyện Con Cóc là Cậu Ông Trời như trong truyện cổ tích theo dân gian của ta. Tôi bèn làm một đường thuyết giảng:

Ngày xửa ngày xưa, ông Trời bận việc thiên đình quên lo chuyện thế gian để cho trái đất bị hạn hán. Muôn loài đều khổ sở. Con cóc bèn dẫn con chim ưng, con gà cồ và con cọp rằn lên kiện ông Trời. Ông Trời liền sai binh tướng xua đuổi, nhưng bị con chim, con gà và con cọp dưới quyền điều khiển của con cóc đẩy lui. Ông Trời chịu thua, nên đặt ra giao ước: hễ khi nào gặp hạn hán thì cóc dưới trần cứ nghiến răng làm hiệu, Trời nghe biết sẽ đổ mưa ………

Ông quản thủ người Miến nghe khoái lắm vì hiểu ra được tại sao trong các dịp lễ hội dân gian, bà con đem Trống Cóc ra đánh để ông Trời nghe được tiếng trống như là tiếng nghiến răng của cóc, mà làm cho mưa thuận gió hòa để bà con dân ruộng được nhờ.

Tôi cũng vui lây theo! Thiệt ra, không giấu gì bạn, tôi có đọc truyện Con Cóclà Cậu Ông Trời đôi ba lần và rất thích truyện này nên nhớ dai, hồi còn học Việt-văn lớp đệ thất (1958) của VNCH trước 1975 [theo Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1934). Truyện Cổ Nước Nam, tr. 13. NXB Thăng Long – Sài Gòn].

Chưa hết! Cụ Nguyễn Đổng Chi (bố của anh Nguyễn Huệ Chi mà nhiều người biết tiếng) là một học-giả chuyên trị về các truyện cổ tích Việt Nam cho biết: có rất nhiều truyện đời xưa của dân Miến giống với truyện của dân Việt. Chắc là thời cổ xưa (trước Tần-Hán), dân cổ Miến và dân cổ Việt (nhất là Âu-Việt: Thục Phán An Dương Vương) đã là anh em hay bà con nội ngoại chi đó, nên kể chuyện giống nhau.

mien2Ngoài mẩu trống đồng ra, Làng Liên Hiệp Sắc Tộc của Miến còn chứa nhiều di vật nông nghiệp như nồi niêu bằng đất , rổ rá rọ, nôm nia bằng tre, và các nhạc cụ  bằng sừng trâu. Tất cả dụng cụ là vật chứng của một nền văn minh ruộng lúa nước, sống nhờ sông ngòi và gió mùa độc đặc của Đông-Nam-Á, hoàn toàn khác hẳn vùng Hoa-Bắc của Trung-quốc.

Quốc gia Miến Điện là một liên bang kết hợp bởi 8 sắc tộc chính: Kachin, Kayah, Kayin, Chin, Bamar, Mon, Rakhine và Shan; bao gồm 134 bộ tộc (sub-tribes) khác nhau, tạo thành một nền văn hóa phong phú và đa dạng. Do đó, không thể sử dụng một thể chế độc tài như của du mục Bắc phương, đế quốc Âu tây, nhóm quân phiệt, hay của đảng cộng sản mà có thể cai trị quốc dân lâu dài được.

Đang có một làn gió mới dân chủ thổi vào xã hội và đất nước Miến, nhưng tình hình thế giới giữa hai anh siêu cường Tàu và Mỹ còn găng nhau lắm. Miệng nói đối tác nhưng bụng vác dao găm. Cả một bài toán khó khăn cho lãnh đạo Miến Điện phải đối phó sau nửa thế kỷ (1962-2012) bị vùi dập dưới ách độc tài của quân phiệt. Tổng thống Thein Sein và nhà đối lập Aung San Suu Kyi đang từng bước hợp tác. Tôi đã gọi cho bạn Ma Kyi Pyar để hẹn ngày mai sẽ tới thăm trụ sở của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (NLD).

2.  VIẾNG TRỤ SỞ  NATIONAL LEAGUE FOR DEMOCRACY

mien14Dưới thời đế quốc Anh, trong thập niên 1940, một vị anh hùng Miến là ông Aung San (sinh 1916 – bị ám sát chết 1947) đã thành lập quân đội Miến Điện độc lập, đưa đến sự tự do cho quốc gia vào năm 1948. Miến Điện được thanh bình từ năm 1948 cho đến 1962 thì bị nhóm quân phiệt đảo chánh lên cầm quyền. Quân phiệt cai trị độc tài theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa của Trung-cộng: cấm dân biểu tình, chống đòi dân chủ, bỏ tù đối lập và đập giết đối kháng. Cả thế giới lên án và không thèm chơi với Miến Điện.

Năm 2011, cựu đại tướng Thein Sein làm tổng thống đã thay đổi tình hình: trước sửa luật pháp, thả tù chính trị; sau cho đảng đối lập tranh cử, chào mừng bà Suu Kyi (con của tướng Aung San), và mời gọi trí thức cùng lao động lưu vong trở về để chung nhau xây dựng đất nước. Hai vị Thein Sein và Aung San Suu Kyi đã cùng nhau qua thăm Mỹ quốc (2012), rồi kế đó Obama trả lễ chào viếng Miến Điện sau khi đắc cử nhiệm kỳ hai. Mỹ và Miến bắt tay.

Nhưng liệu dịp may dân chủ có chắc chắn không? Sách lược (strategies) với Trung-cộng phải ra sao? Đối thuật (tactics) với Hiệp Hội Đông-Nam-Á phải như thế nào? Luồng gió mới có thật sự thổi tới chưa? Hay cơ hội nào cũng chứa đầy dẫy cạm bẫy và thử thách! Tôi không biết hết, vì không phải chuyện gần gũi với mình. Học thầy không tầy học bạn. Tốt nhất là tôi đi hỏi mấy người bạn!

Nhờ có cô học trò người Mỹ-gốc-Miến ở San Francisco, Betty Ann Shwe, đã giới thiệu với NLD từ trước, nên tôi hẹn được một số bạn Miến ở văn phòng trụ sở để đến thăm. (Betty Ann là thành viên trong ban tổ chức đón tiếp bà Suu Kyi ở San Francisco mấy tháng trước, hồi năm ngoái). Không thuận đường xe buýt nên tôi gọi ngay taxi, đi cho thật lẹ đến ngay địa chỉ của trụ sở NLD. Tôi đến sớm hơn giờ hẹn độ 15 phút.

Trụ sở NLD chỉ là hai căn nhà thường trong một dãy phố rộng rãi, một căn thì lụp xụp nhưng có lầu hai, còn căn kế bên thì khang trang hơn nhưng là căn trệt có ga-ra để đậu xe hơi. Ngay trước cửa trụ sở có một số thanh niên (nam lẫn nữ) ăn mặc chỉnh tề, áo trắng mang huy hiệu đảng NLD (hình con gà chọi đang hướng chạy về ngôi sao trắng trên nền đỏ) đang đứng đợi. Trông mặt các bạn trẻ này xem rất tươi tắn, lễ độ và dễ thương. Tôi cảm thấy hãnh diện vì mình có người ra tiếp đón nồng hậu. Hết nổ rồi lại nổi!

Nhưng còn khuya tôi mới được tiếp đón nồng hậu! Nghèo mà ham! Họ đứng đó để chuẩn bị vào lớp cho khóa học của các thành viên trẻ (NLD Youth), chứ không phải để chào mừng khách từ phương xa đến. Rất ít người nói được tiếng Anh. Tôi đếm được trên 30 em, đến từ nhiều nơi khác nhau. Ngó sang nhà bên cạnh, dưới một gốc cây to, tôi thấy một anh người Miến vạm vỡ, xăm mình rằn ri (người Miến vẫn còn thích xăm hoa văn trên tay và chân) đang dòm ngó; tôi hơi lo, không biết là người bên công an hay bên bảo vệ. Nhưng có nhiều người ở chung quanh, không có gì phải phập phồng!

Đợi chừng 15 phút sau, cô Ma Kyi Pyar, điều hợp viên của NLD Youth, ra trước cửa mời tôi vào phòng khách trong căn nhà khang trang để gặp hai vị giáo sư khác đang chờ để đàm đạo. Đó là hai anh: tiến sĩ giáo dục Thein Lwin từ bên Anh và tiến sĩ điện tử Zeya Oo từ Úc-châu về. Các bạn này đều trên tuổi 50 và mới về Yangon độ nửa năm nay. Họ nói tiếng Anh rất nhuần nhuyễn. Lẽ dĩ nhiên! các vị này đã là sinh viên Miến ngày trước, bị quân phiệt rượt đuổi vì họ đấu tranh chống độc tài. Anh nào cũng bị án tù khiếm diện. Họ thuộc giới trí thức hải ngoại, đều là thành viên cốt cán của đảng NLD, nay quay về cố hương để mong xây dựng đất nước Miến tốt đẹp hơn.

Chúng tôi huyên thuyên đủ mọi thứ chuyện. Từ trên trời xuống dưới đất, rồi kéo qua chuyện con người, quốc gia rồi quốc tế, với anh Mỹ thiếu nợ ngập đầu và anh Tàu xấc xược thách đấu. Họ kể lể tình cảnh chậm tiến của Miến Điện: nào là độc tài quân phiệt lộng hành, tôn giáo quá khích hằn học, sắc tộc xào xáo bên trong, Trung-cộng lăm le bên ngoài. Đủ mọi thứ vấn đề nan giải. Tôi rất cảm thông, chia sẻ với các bạn đồng nghiệp về tình cảnh của Việt Nam, cũng không hơn gì Miến Điện trong khoảng ba phần tư thế kỷ vừa qua:

Theo Nga, theo Mỹ, theo Tàu

Nga nhào, Mỹ rút, Tào-lao tiêu mình.

Các bạn nhà giáo này đều có chung nhận định là, thực lực phải do chính dân tộc mình tạo ra, chứ không phải do tá lực tạo thành, nhưng cần biết thời cơ quốc tế, vì nếu để lỡ chuyến tàu thì rất khó cho vận dụng về sau.

Sau gần 2 tiếng đồng hồ trao đổi qua tâm sự tương kính tương giao, chúng tôi đều đồng ý là phải: xây dựng nội lực dân tộc qua giáo dục, đổi mới phong thái sinh hoạt bằng văn hóa, cải sửa hệ thống chính trị vì dân chủ và phát triển nền kinh thương cho được bền vững.

Thấy lãnh đạo xứ người ta nghèo mà biết lo, còn hơn lãnh đạo xứ ta, miệng nói ba hoa mà toàn là đồ ba xạo. Họ nghèo-đói-cực-khổ mà họ chịu chơi! Còn ta sang-trọng-hùng-dũng mà hóa ra khiếp nhược! Ba dự án lớn của Trung-cộng đã bị chính phủ Miến đình chỉ: đập nước Myitsone không thông, mỏ đồng Latbadaung ngưng trệ, và thành phố Monywa không nhà.

mien15Hết giờ bàn chuyện chính-chị-chính-em, tôi được mời sang căn nhà lụp xụp để uống trà. Căn nhà này chứa nhiều bàn ghế cũ kỹ nhưng sạch sẽ, trang hoàng với nhiều hình ảnh và poster của bà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và ba của bà ta, ông Aung San, được xem như cha già của dân tộc Miến thời đại. Bà cụ quản gia căn nhà (cũng là trụ sở đảng NLD) tặng cho tôi một huy hiệu của đảng NLD và poster hình bà Suu Kyi để làm kỷ niệm cuộc thăm viếng. Bà dặn tôi nên tìm xem phim The Lady, kể lại cuộc đời sinh hoạt của vị lãnh đạo tài ba Aung San Suu Kyi (phim do nữ tài tử Michelle Yeoh đóng, 2011). Tôi cám ơn cụ bà và cầu chúc cho đảng NLD thành công lớn trong kỳ bầu cử tổng thống vào năm 2015 sắp tới.

Tạm biệt bè bạn đồng nghiệp thân mến người Miến sau vài giờ thăm viếng. Xem trong bản đồ thành phố Yangon, tôi thấy có con sông Yangon lượn quanh, na ná giống như thành phố Sàigòn có sông Sàigòn uốn khúc; chiều nay thả bộ dọc bờ sông Yangon để thư giãn ……

3.  BÁCH BỘ DỌC BỜ SÔNG YANGON

mien6Sông Yangon sao giống sông Sàigòn của ta quá! Vài chiếc tàu hàng cặp bến, nhưng quang cảnh không ồn ào náo nhiệt của sự sầm uất (trước 1975). Dăm ba chiếc ghe xuồng đang đưa khách vội sang sông, giá chỉ có vài chục xu (100 kyat). Ông lái đò, mặt cương nghị trong bộ đồ váy lam lũ, dùng sào tre đẩy ghe xa khỏi bờ. Bên kia sông, tôi mơ màng nghĩ đến bến đò Thủ Thiêm. Tự nhiên, tôi nhớ đến ông lái đò:

Ông lái đò giờ đây già yếu lắm
Cũng thấy lòng sống lại tuổi đôi mươi
Hồn rung mạnh trước cảnh đời tươi thắm
Nỗi mừng vui không thốt được nên lời

(Bài ca Ông Lái Đò của Hiếu Nghĩa, trước năm 1975)

Vâng! Tôi nhớ đến dòng sông xưa của một thời niên thiếu và nhớ luôn đến ông lái đò. Bộ đồ mà ông đang mặc, nhất là cái váy, thật là lê thê lết thết hiện rõ nét dân tình khốn khó của một xã hội chậm phát triển, khác hẳn với các bộ y phục truyền thống tươi đẹp mà tôi đã thấy trong các làng sắc tộc mấy ngày trước. Mỗi người dân một bộ đồ mới, mười phân vẹn mười. Hy vọng khi xã hội Miến đổi thay, ông lái đò cũng sẽ có được một bộ đồ bảnh bao hơn.

mien16Mỏi cẳng, tôi ghé vào một quán cóc bán nước trà bên lề đường để vừa nhăm nhi vừa nghỉ mệt. Ngồi trên ghế đẩu, cạnh bờ sông, hóng gió mát, thưởng thức trà thơm; nhưng trong đầu, tôi suy nghĩ miên man: hướng về cố quốc, thương tiếc và ngậm ngùi lẫn lộn cho quê hương mình. Ước gì dân Việt được như dân Miến, tuy nghèo nhưng không hèn, tuy cực nhưng không khổ, vì hy-vọng-đã-vươn-lên; và vì giới lãnh đạo biết yêu dân và thương nước, không nhường bước trước bạo lực của Bắc phương.

Chị chủ quán trà ho hen vài tiếng đã kéo hồn tôi trở về với thực tại. Tôi không nói được tiếng Miến. Chị ta lại không nói được tiếng Việt, hay tiếng Anh, nên làm sao biết cách trả tiền nước? Tôi cầm một xấp tiền, sáu bảy tờ 100-kyat, và chìa ra cho chị chủ tiệm một cách chân thành, vì mình không biết giá cả. Chỉ chỉ lấy một tờ 100-kyat và móc túi thối lại cho tôi 50 kyat. Ôi! một tách trà thơm ngon mà trị giá quá rẻ.

Nếu chủ quán lấy luôn hai tờ 100-kyat đối với một khách ngoại quốc như tôi thì cũng chẳng nhằm nhò gì đến khách hàng. Nhưng chị ta rất thật tình, lấy tiền vừa đủ, khiến tôi thêm nghĩ ngợi về tính thành thật chân chất của dân Miến, mặc dầu biết rằng, đây chỉ là một sự kiện đơn lẻ (isolate incident) trong xã hội. Dầu gì thì dầu, đầu óc thống-kê-học của tôi vẫn không thắng nổi lòng cảm xúc trước cách xử thế của con người.

Tôi đứng dậy, bái bai chủ quán, lại tiếp tục đi bộ nữa. Xa xa thấy một đám đông, chừng khoảng bốn, năm chục người, vừa đứng vừa ngồi, đang xem một trận đấu thể thao rất hào hứng. Tiếng reo hò vô cùng náo nhiệt. Tôi tìm cách chen chân vào xem thử ……

4.  ĐÁNH CÁ ĐÁ CẦU MÂY

Cầu mây là trái banh hình tròn, rỗng ruột, đan bằng dây mây. Trái cầu mây rất nhẹ, đường kính khoảng 5 inches, dùng để đá rất thú vị. Trước 1975, trẻ con miền Nam Việt Nam cũng hay chơi đá cầu, nhưng là đá cầu lông (làm bằng lông gà, lông vịt hay lông chim). Thanh niên, con nít Miến rất chuộng môn đá cầu mây này lắm! Tên nó là chilon. Đây là môn thể thao bình dân, rẻ tiền. Có thể chơi tay ba, đấu tay đôi, hoặc tranh tài tay tư (đá cặp).

mien15Trở lại vụ đám đông đang vây chung quanh trận đấu cầu mây so tài giữa một tay ở trần và một tay mặc áo thun. Tôi vội ráp vô, chen chân ngồi chồm hổm chiếm một chỗ mát, thuộc hàng danh dự để xem cuộc thư hùng. Đôi chân của cầu thủ thật là tuyệt vời. Chúng giữ cầu, nhử cầu, nhấp cầu và sút cầu một cách điêu luyện. Tôi chưa từng thấy mấy cặp giò nào hay như vậy!

Tiếng reo hò của khán giả, đôi lúc biến thành la ó, khiến cho trận đấu trở nên căng thẳng. Đấu thủ ở trần thắng, tay áo thun thua. Cộng với bộ mặt tiu nghỉu là những tiếng xì xào khó hiểu. Có một tay thứ ba trong đám khán giả ra giữa sân tuyên bố gì đó, tôi cũng không hiểu nốt; thế rồi cả ba người đều ra khỏi sân. Ước gì tôi biết chút đỉnh tiếng Miến để xem khán giả, nhất là đám bênh bên thua, có chửi thề hay không. Tôi nghi là có. Vì không chửi thì không vui và không hào hứng. Hoặc chửi cho đã tức!

Tôi vội mua một ly nước-đá-nhận được bào bằng tay với syrup màu đỏ, vừa lạnh vừa ngọt, chỉ có 50 kyat; thêm vào vài miếng bánh cay làm mồi, thì tuyệt chiêu! Ngồi ghế thượng hạng, có món ăn thức uống nhấm nháp để xem trận thư hùng kế tiếp, thiệt không gì bằng!

Trận tiếp theo là một trận đấu cặp đôi. Trước khi giao đấu, tôi thấy có một anh mặc váy (xà-rông) ra nói năng vài câu gì đó rồi bắt đầu đi thu tiền. Chả lẽ anh ta đi thu tiền vé xem hát giữa chợ trời? Không đúng. Vì không phải ai cũng đưa tiền. Tôi không biết ất giáp gì nên cũng không đóng tiền, ngồi chờ xem tiếp. Tay cầm một đống tiền giấy, anh mặc váy lẳng lặng đi ra khỏi sân.

Trận đấu thật hay! Trái cầu mây vi vút bay qua màn lưới được căng ra ở giữa sân khiến cho mấy cái đầu của khán giả cũng lắc lư theo nhịp. Giá mà có bản nhạc Kiếp Nghèo với điệu tango của nhạc sĩ Lam Phương trổi lên trong lúc này, thì theo tôi: đây là trận chung kết về đá cầu mây hay nhất thế giới!

15 phút giao đấu chấm dứt. Thắng thua đã tỏ rõ. Tôi thấy một số khán giả chạy tới anh chàng mặc váy hồi nãy để lấy tiền lại, với một bộ mặt hớn hở của bên thắng. À ra thế! Đây là một trận đấu cá độ. Tôi mà làm nhà nước thì tôi sẽ bắt cả hai bên, thắng lẫn thua, đều đóng thuế ráo!

© Trương Như Thường

© Đàn Chim Việt

———————————————————————————–

Câu trả lời cho bảng chỉ đường ở đầu bài là:

mien17

Xin lỗi bạn! Tôi cũng bí luôn! Đã bảo là tôi mù chữ Miến mà.

[JAFR: No stop over the two-yellow line for traffic flow]

◙    Hãy đón đọc bài ký sự Lông Bông Vài Vòng Bangkok của cùng tác giả   ◙

4 Phản hồi cho “Phập phồng một vòng Yangon [2]”

  1. Thonail says:

    Tuần em cũng uống ly trà ở quán bờ sông, bả tính em co 20 kyat. hihihi, chắc thầy uống 2 ly

    Sang trọng hùng dũng, thì phải đối với gì đây thầy Đầu năm thầy giúp em câu đối lấy hên Thanks Hy vọng thầy có kỳ nghĩ Đông vui vẻ, sao không thấy tấm hình nào thầy mặc sarong?

  2. Lâm Vũ says:

    Đọc bài này, tôi càng tin là mình có bà con (bắn cà nông) với bà Aung San Suu Kyi :-o)

    Đúng là thấy họ… nghèo mà (vẫn) ham! Kể ra dân chủ tự do vẫn thoải mái hơn kí gì cũng có đảng ta… “no” dùm cho!

    Chờ đọc bài Lòng vòng… xứ Thái. Chúc tác giả vẫn… Như Thường!

    LV

  3. Lãng Tử says:

    Bài bút ký thực tế kiểu ” tây ba lô “, cà kê dê ngổng trên trời
    dưới đất đủ chuyện , kiến thức uyên bác, nhận xét sâu sắc, đọc rất
    “đã”. Mong được đọc tiếp những bút ký tới.

  4. Anh Hai Cali - says:

    Dông dài , dặt dẹo, dai dẳng …dở ẹc ! Loại vô công dồi nghề !

Phản hồi