Năm mới ở Nga
Những năm tôi mới sang Nga, năm mới đối với người Nga không có nhiều ý nghĩa và vui vẻ như Tết Nguyên Đán ở Việt Nam.
Mãi đến năm 93, Năm mới mới trở thành một cái mốc để chờ đợi. Cũng dễ hiểu thôi, khi nền kinh tế đã là “thị trường”, phần lớn dân sống nhờ vào việc buôn bán ở những “thị trường” bán trao tay, người ta tìm đủ mọi cơ hội để chiều lòng người mua. Năm mới với tục lệ tặng quà người thân bè bạn, đã trở thành mùa mua bán của nhiều người và cũng là mùa làm ăn của nhiều người khác. Nhưng cũng nhờ thế mà Năm mới trở nên sinh động và đa dạng hơn. Nhiều năm trước, chương trình vô tuyến năm nào cũng như nhau, đúng ngày tết người ta chiếu đi chiếu lại một bộ phim “Sự chớ trêu của số phận” và một vài chương trình ca nhạc. Chẳng cần theo dõi chương trình cũng biết người ta chiếu những gì vào những ngày tết.
Trong nhiều năm trước, năm mới ở Nga chỉ được nghỉ một ngày duy nhất là ngày 1/1. Mãi đến năm 1993, Tổng thống Yeltsin mới thay đổi lại, cho nghỉ Năm mới tới ba ngày. Như thế nghĩa là Năm Mới đã được chính thức công nhận là một ngày lễ lớn nhất trong năm.
Bạn sẽ hỏi tôi, thế trước kia ở nước Nga, người ta coi ngày nào là ngày lễ lớn nhất phải không?, Tôi sẽ trả lời ngay, đó là ngày lễ kỷ niệm Cách mạng tháng 10 vào ngày 7 tháng 11. Dịp lễ này được nghỉ tới ba ngày , cùng với muôn vàn hoạt động chào mừng cách mạng, ngày lễ này trong suốt gần một thế kỷ đã thành ngày hội tưng bừng, trọng đại nhất của nước Nga. Lịch sử phát triển theo hình trôn ốc, và người ta tự chia thời gian thành những “đoạn” lớn bé: ngày, tháng, năm… để tự nhìn lại mình, tự nhìn lại những gì mình đã qua để rút kinh nhiệm, để “ôn cố nhi tri tân”, và như thế việc nước Nga những năm đó coi ngày 7/11 như một “cái mốc” thời gian của mình để nhìn lại, thay vì “cái mốc” Năm mới như các nước khác cũng là hợp lý đối với họ.
Giờ đây “cái mốc” 7/11 đã không còn ý nghĩa to lớn, như xưa kia người ta gán cho nó nữa, và người ta lại quay trở về với cái mốc thông thường của thời gian: Năm mới.
Thực ra cái tục Đón Năm mới của người Nga xuất hiện chưa lâu. Trước đây dân tộc Nga ăn tết vào ngày 1/9, dịp mùa màng vừa thu hoạch xong, cũng vào lúc thời tiết sau những ngày mưa đầu thu lại nắng trở lại. Người Nga gọi thời điểm đầu tháng 9 là ngày hè của các bà, và sau này được một nhà thơ nổi tiếng của Nga, nhà thơ Olga Bergon đặt cho một cái tên yêu kiều là “Mùa hè rớt”. Sau này Nga Hoàng Pie Đại đế, vị hoàng đế vĩ đại của nước Nga, người đã xây dựng thành phố Sankt Peterburg (ngay cái tên này cũng có nghĩa là thành phố của Pie vĩ đại) vào đầu thế kỷ thứ 18 đã quyết định chuyển ngày tết thành ngày 1/1 như mọi quốc gia châu Âu khác. Nhưng ngày 1/1 của Nga theo lịch cũ trùng với ngày 14 tháng 1 hiện nay.
Trong các sách kể về tục ăn Tết ở Nga ngày xưa, người ta thấy dân tộc Nga đón Tết cũng không khác với người Việt mình: cũng chuẩn bị mâm cao cỗ đầy đón bè bạn, họ hàng, cũng những ngày ăn uống linh đình toàn những món sơn hào hải vị, cũng ý tứ giữ cho mọi sự vui vẻ trong nhà ngoài xóm để mong cả năm luôn gặp mọi điều suôn sẻ. Thế nhưng nếu ai đến nước Nga vào những năm thời Liên Xô, họ sẽ thấy ngày Tết ở đây thật buồn tẻ. Giai đoạn trước Tết tất cả mọi cửa hàng đông như kiến trước lúc cơn dông, không hiểu ở đâu ra mà nhiều người đến thế, người ta kiên nhẫn đứng 4-5 giờ để mua vài hộp kẹo, hay vài chai Champagne-những thứ không thể thiếu được trong ngày đầu năm. Khổ nhất là việc kiếm rượu. Người Nga không thể gọi là ngày lễ nếu thiếu rượu, nhưng rượu ngày đó ở Nga vừa đắt vừa vô cùng khó mua. Đôi khi phải xếp hàng nửa ngày để mua được một chai rượu là chuyện thường. Vào thời điểm trước Tết, nhà nước hay tung ra nhiều mặt hàng đang khan hiếm, quy luật đó càng làm số người trốn sở làm đi xếp hàng tăng lên nhiều lần. Người Nga có rất nhiều câu chuyện tiếu lâm về những giai thoại xếp hàng này. Câu nói cửa miệng của họ lúc đó là:” Ai đang đứng cuối?”. Năm mới ở Nga lúc đó còn một điểm duy nhất giống ở Việt Nam là sáng mồng một tết, ngoài đường vắng vẻ kkhông một bóng người. Ngày mồng một ở Việt Nam người ta không muốn đi ra đường xông đất nhà người kkhác, còn ở Nga người ta đã say khướt sau đêm giao thừa nên chẳng thấy ai trên đường phố.
Cũng như tất cả các nước châu Âu khác, cây thông là biểu tượng không thể thiếu của Noel và Năm mới. Nhưng trước đây ở Nga người ta không cho bán cây thông thật, chỉ có các cơ quan nhà nước mới được cung cấp thứ mặt hàng cao cấp này. Mãi đến năm 1992 những cây thông non mới thấy xuất hiện trên thị trường một cách tự phát. Năm nay, thị trưởng Moskva đã lo đến việc này từ đầu và cho phép mở ra hơn 250 chợ bán thông, bắt đầu hoạt động từ 20 tháng 12. Thông tươi cũng không đắt hơn thông nhựa, chỉ chừng 20 đô la một mét chiều cao. Thị trường thông nhựa cũng như đồ trang trí thông cũng hết sức phong phú, những cây thông nhựa được nhập khẩu từ Trung quốc, Pháp, Mỹ tràn đầy thị trường, với đủ mọi khung giá. Có lẽ những cây thông phương xa ấy chỉ dành cho lớp người Nga mới, những người giàu có của nước Nga hiện nay, không phải có lệnh “đặc quyền” quy định như vậy, nhưng nhìn những cái giá của nó người dân bình thường phải rùng mình vì nó đắt bằng mấy tháng lương của họ.
Nhưng dù sao cũng không ai phải rùng mình vì những cái hàng xếp “rồng rắn lên mây” để mua kẹo hay rượu nữa. Riêng ở Moscva người ta đã dành tới 800 tấn bánh kẹo cho dịp Tết, còn rượu thì tràn ngập mọi cửa hàng lớn nhỏ.
Năm mới đối với người Việt Nam ở Nga cũng là một dịp quan trọng, chỉ có điều ý nghĩa của nó so với người Nga không giống nhau. Người Việt mình chờ đợi Năm mới không để vui chơi hay đi thăm bè bạn mà để bán hàng Tết. Người Việt mình ở Nga một năm có ba mùa bán hàng chính: mùa hè, dịp Noel-Năm mới và dịp mồng 8 tháng 3. Tuy Năm mới không có ý nghĩa cổ truyền, long trọng và thâm sâu như Tết Nguyên Đán, nhưng người Việt mình có câu:” Nhập gia phải tùy tục”, nên cộng đồng người Việt cũng đón Năm mới, tất nhiên theo cách của mình. Các trung tâm bán hàng đóng cửa hai ngày đầu năm cho mọi người nghỉ ngơi. Các công ty rộng lượng hơn cho nghỉ tới 8 ngày, từ 31 đến tận mồng 8 Tết. Người Việt mình không thích tham gia những chương trình nhảy thâu đêm cùng dân Nga, mà thường tụ tập từng nhóm để nấu ăn và đánh bài cũng suốt sáng thâu đêm.
Cuối cùng, Năm mới bao giờ cũng là dịp để nói với nhau nhiều điều mong muốn tốt lành. Người Nga năm nay chúc nhau sang năm mới được tăng lương, còn người Việt mình thì mong cho cảnh sát hiền như ông già tuyết là hạnh phúc nhất đời!!
Theo Facebook Bùi Lan Hương