WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tiếp cận với thiên nhiên

(The Little Boat That sailed Through Time)

by Arnold Berwick Reader’s Digest – June 2014
Trần Bình Nam phóng dịch

Na Uy. Ảnh visitnorway.com

Na Uy. Ảnh visitnorway.com

Nghĩ đến thời thơ ấu, tôi nhớ nhất những mùa hè theo Mẹ sang thăm ông ngoại ở một trang trại miền núi phía Tây nước Na Uy, sinh quán Mẹ tôi. Nhớ nhất là thời gian tôi chơi với ông Ngoại – Jorgen. Ngoại tôi người chắc nịch, cao to, đôi vai rộng, hàm râu dày, và điều làm tôi ngạc nhiên là Ngoại làm việc từ sáng tới chiều không biết mệt.

Tôi thấy Ngoại dùng một lưỡi liềm cán dài phát cỏ, cào thành đống, xúc rãi mỏng trên hàng rào. Cỏ khô, Ngoại bó lại thành từng bó, chất một lần nhiều bó lên vai mang vào kho chứa cỏ khô.

Thỉnh thoảng Ngoại mài lưỡi liềm trên một tảng đá nhám lớn. Ngoại làm heo cắt thành từng miếng lớn sấy khô, bắt cá ướp muối để dành. Ngoại xay lúa mạch bằng một máy xay chạy bằng trọng lực nước. Ngoại đào khoai lấy củ cất đi rồi trồng thêm nhiều luống khoai khác …

Ngoại nói ông phải dự trữ đủ lương thực cho gia đình và súc vật qua mùa đông dài. Ông chỉ nghỉ vừa đủ để ăn và ngủ đôi chút. Mùa hè nơi đây không có đêm.

Thế nhưng Ngoại vẫn dành thì giờ để chơi với tôi. Một hôm Ngoại xuống phố mua đồ cần dùng, trở về Ngoại cho tôi một con dao thật bén còn nằm trong vỏ. Ông nói, cháu xem này. Rồi ông rút cây dao của ông ra khỏi vỏ cắt một nhành hóp, cắt tỉa, khoét, chỉ một chốc ông có một ống sáo nhỏ. Ông thổi một điệu nhạc quen thuộc nghe rất vui tai. Đã 63 năm qua, mỗi lần tôi nghe tiếng sáo tôi nhớ đến chiếc sáo của ông tôi làm từ một vật chẳng có giá trị gì. Thì ra sống xa đô thị, người ta phải làm ra những gì mình cần.
Sống ở Mỹ tôi nghĩ cần gì thì chỉ cần đi mua. Không biết Ngoại có biết điều đó không. Tôi không biết, nhưng tôi biết Ngoại muốn dạy tôi một điều gì. Một hôm Ngoại bảo đi theo ông. Tôi theo Ngoại xuống nhà kho. Ông kéo tôi đến một chiếc bàn gỗ cạnh cửa sổ. Ngoại nói, cháu cần một đồ chơi riêng cho cháu, một chiếc thuyền để cháu thả chạy trên hồ Storvassdal. Hồ Storvassdal là một chiếc hồ nhỏ cách nhà mươi cây số. Tôi nhìn quanh chẳng thấy thuyền bè đâu cả. Ngoại cười. Ông lấy một khúc gỗ dài chừng 45 cm nằm trên sàn nhà đưa cho tôi với một chiếc búa đẽo thật bén và nói: “Chiếc thuyền của cháu nằm trong đó, chỉ cần lấy nó ra.” Tôi chưa biết làm sao thì Ngoại chỉ cho tôi cách đẽo khúc gỗ thành hình một chiếc thuyền. Sau đó Ngoại chỉ cho tôi cách dùng búa và đục đục khúc gỗ thành cái lòng thuyền.

Khi tôi hì hục làm Ngoại đi làm việc khác, ông sửa cái cào gỗ sút cán, mài mấy cây dao, thỉnh thoảng Ngoại liếc nhìn tôi làm, cho ý kiến khi cần nhưng không đụng tay vào. Rõ ràng ý Ngoại là để tôi tự tay làm cái thuyền gỗ một mình. Ngoại nói: “Cháu sẽ có một chiếc thuyền nhỏ xinh xinh do chính tay cháu làm. Cái gì cháu làm là của cháu không ai cho cháu cả.” Câu nói của Ngoại cứ vằng vẳng bên tai khi tôi đang đục đẽo.

Sau cùng xong cái thân thuyền, tôi làm cột và buồm. Một chiếc thuyền nhỏ, trông chẳng có vẻ nghệ thuật gì, nhưng tôi cảm thấy tự hào do chính tay mình làm ra.

Hôm sau tôi mang thuyền ra hồ Storvassdal. Từ trang trại tôi leo lên một đồi thấp đi vào rừng theo một lối nhỏ, vượt qua mấy cái suối, cẩn thận tránh rêu rong bên bờ suối, leo thêm mấy bậc đá cao cho đến khi trước mắt là một khoảng không gian không cây cối. Đi thêm 5 hay 6 cây số nữa tôi đến bờ hồ. Hồ Scarvassdal nằm giữa một con sông tuyết (glacier). Từ chỗ tôi đứng xuống đến mặt nước hồ tôi phải leo theo nhiều bậc đá nhiều hình thù to nhỏ khác nhau.

Tôi thả chiếc thuyền xuống nước, nhìn cơn gió nhẹ thổi chiếc buồm tôi mơ sao cho gió thổi nó qua bờ bên kia. Không khí trong và nhẹ như tơ, không một tiếng động quanh mình, chỉ có tiếng hót của một con chim nhỏ đâu đó.

Tôi ra hồ thả thuyền nhiều lần trước khi trở về Hoa Kỳ. Hôm làm hành lý Mẹ tôi bảo, hành lý quá nhiều con không mang chiếc thuyền theo được. Tôi nài nỉ mấy Mẹ cũng không cho.

Phụng phịu với Mẹ nhưng tôi đành mang chiếc thuyền ra hồ định thả cho đi luôn một lần chót. Bỗng tôi đổi ý. Tôi tìm một tảng đá lớn có một hang nhỏ vừa đủ dấu chiếc thuyền. Tôi lấy đá nhỏ bịt cửa hang, và quyết khi nào trở lại tôi sẽ lấy thuyền ra chơi.
Trước khi ra sân bay, cầm chặt bàn tay Ngoại tôi nói: “Tạm biệt Ngoại!” không ngờ đó là lần cuối tôi thấy Ngoại.

Mùa hè năm 1964 tôi và bố mẹ và các con tôi trở lại thăm Na Uy. Một hôm tôi thơ thẩn một mình ra hồ tìm chiếc thuyền năm xưa. Bờ hồ đổi dạng, thêm nhiều tảng đá lớn, tìm mãi không thấy tảng đá cũ.

Tôi định bỏ cuộc trở về, thì kìa, xa xa tảng đá quen thuộc của tôi, cửa hang chất đầy đá cuội. Tôi kiên nhẫn dọn lớp đá cuội khỏi miệng hang, lùa tay vào, đụng chiếc thuyền tôi kéo nó ra.

Đặt nó trên đôi tay tôi ngắm nghía chiếc thuyền nhỏ của tôi. Đã 34 năm! Nó vẫn kiên nhẫn nằm đó đợi tôi trở lại. Thân thuyền, cột buồm vẫn vậy hình như không bị ảnh hưởng bởi thời gian, chỉ có chiếc buồm đã mục nát.

Tôi không quên được giây phút đó. Ngoại như có mặt đâu đây dù ông chết đã 22 năm. Ngoại, tôi và chiếc thuyền, ba chúng tôi đang đoàn tụ với nhau.

Tôi mang chiếc thuyền về trang trại và khắc hai bên mạn thuyền hai năm kỷ niệm: 1930, 1964. Trong nhà ai cũng khuyên tôi mang chiếc thuyền về Mỹ. Nhưng “Không,” Tôi nói: “Nhà của nó là cái hốc đá bên bờ hồ Scorvassdal.”

Tôi trở lại thăm quê ngoại nhiều lần nữa: 1968, 1971, 1977, 1988 . Mỗi lần tôi khắc thêm một năm nơi mạn thuyền và mỗi lần lại nhớ Ngoại da diết.

Tôi trở lại Storvassdal lần cuối năm 1991. Lần này tôi mang theo hai đứa cháu nội, Catherine 13 tuổi và Claire 12 tuổi . Hôm dắt hai đứa cháu leo núi ra hồ tôi nghĩ đến ông tôi, so sánh với hai cháu và sung sướng cảm thấy ông tôi và hai đứa cháu hình như được đúc từ một chất liệu. Cả ông và cháu đều có tính cương quyết và độc lập. Chỉ khác một điều ông làm việc nhiều nhưng không tỏ vẻ bận rộn, trong khi các cháu tôi suốt ngày bận rộn như không có thì giờ để sống.

Làm việc và phấn đấu để đạt mục tiêu chúng ta muốn là điều đẹp nhất trong cuộc đời. Nhưng phải chăng đối với các cháu tôi cái gì cũng có sẵn chúng mất đi một phần lớn cái thú vị của cuộc đời.

Những mùa hè sống cạnh Ngoại tôi học được bài học chấp nhận những gì mình có dù nhiều hay ít, và trong đời sống không phải cái gì chúng ta cũng kiểm soát được. Gặp nghịch cảnh tinh thần hay vật chất chúng ta phải biết chịu đựng và tìm cách giải quyết một cách tốt đẹp nhất, lương thiện nhất.

Sống ở thành phố đầy đủ tiện nghi vật chất mấy đứa cháu tôi ít khi đụng chạm với khó khăn. Nhưng tôi tin rằng rơi vào nghịch cảnh các cháu tôi sẽ biết cách giải quyết như Ngoại đã làm.

Hôm mang Catherine và Claire ra hồ Storvassdal tôi hy vọng qua câu chuyện chiếc thuyền nhỏ chúng nó hiểu được giá trị của sự tự túc .

Bên bờ hồ tôi không muốn nói nhiều sợ làm mất cái không khí tĩnh lặng của miền cực Bắc. Tôi đang mơ màng bỗng Claire nói giọng thật nhẹ như thoảng vào tai tôi: “Ông nội! Một ngày kia cháu sẽ trở lại đây.” Claire tiếp: “Cháu sẽ mang theo các con của cháu nữa!” .

May 11, 2014

Trần Bình Nam phóng dịch

 

————————————————————-

Ghi chú : Reader’s Digest đăng bài này của tác giả Arnold Berwick lần đầu tiên tháng Năm năm 1993. Arnold Bewick sinh năm 1920. Ông đi Na Uy thăm ông Ngoại – Jorgen – lần đầu tiên năm 10 tuổi. Ông mất năm 2013 thọ 93 tuổi.

Phản hồi