Phỏng vấn Ngô Văn Tưởng – ứng cử viên Hội đồng Tp. Warsaw
Cộng đồng với ba, bốn vạn người Việt Nam luôn bị coi là một sắc dân khép kín, ít hòa đồng với xã hội sở tại. Hoạt động chính trị cũng không phải là một ngoại lệ. Trong lúc có những đại biểu quốc hội gốc Phi, gốc Ukraina, Nga… thì tuyệt nhiên không có một gương mặt gốc Việt nào trên chính trường Ba Lan. Nhưng, đã xuất hiện những người đi tiên phóng dỡ bỏ phần nào chiếc hàng rào cách biệt đó. Đây là lần đầu tiên những ứng viên người Việt góp mặt trong chiếc dịch tranh cử vào hội đồng thành phố Warszawa.
Không hẹn mà gặp, 4 ứng viên người Việt cùng tham gia ứng cử từ cấp quận, tới cấp thành phố. Còn hơn một tháng nữa mới tới ngày bầu cử, dù thắng hay bại thì những cố gắng của họ cũng đáng khích lệ. Đó là bước đột phá trong sinh hoạt chính trị của người Việt ở Ba Lan nói riêng và Đông Âu nói chung.
Một trong những ứng viên đó là nhà báo Ngô Văn Tưởng, cựu biên tập viên của Đàn Chim Việt. Anh Ngô Văn Tưởng là ứng viên tự do, không đại diện cho bất kỳ đảng phái chính trị nào. Dưới đây là chia sẻ của anh với chúng tôi.
Mạc Việt Hồng (MVH): Được biết anh sẽ ra ứng cử vào hội đồng thành phố Warszawa, điều gì đã dẫn đến quyết định của anh sau hơn 30 năm sinh sống ở Ba Lan?
Ngô Văn Tưởng (NVT): Trước hết cần nhấn mạnh rằng tôi hoạt động xã hội đã từ rất lâu, ngoài ra còn phải kể đến các hoạt động văn hóa, nghệ thuật hay báo chí mang tính công chúng. Nếu nói về nguyên nhân trực tiếp thì có hai yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, cách đây một năm một số tổ chức phi chính phủ, quỹ và hội đoàn quan tâm đến sự tham gia vào đời sống cộng đồng trong xã hội Ba Lan của người Việt tại đây. Họ có các cuộc phỏng vấn với đại diện cộng đồng, trong đó có tôi. Tôi đã phân tích các nguyên nhân về sự vắng mặt hay rất ít tích cực của người Việt trong đời sống xã hội Ba Lan nói chung và tại thủ đô Vác sa va nói riêng. Tôi cũng nói về việc các đảng phái Ba Lan không quan tâm đến cử tri gốc Việt Nam vì nó quá ít ỏi. Tổ chức di dân quốc tế IOM, một trong các tổ chức nghiên cứu về sự tham gia sinh hoạt trong đời sống xã hội của các sắc dân nhập cư, trong một đề án về nhập cư còn khuyến khích người nhập cư tham gia ứng cử vào các cấp chính quyền địa phương và cùng nhiều tổ chức khác vận động cho việc những người nhập cư chưa có quốc tịch Ba Lan có thể ứng cử và bầu cử trong các cuộc bầu cử chính quyền địa phương.
Yếu tố thứ hai dẫn đến việc tôi quyết định ra ứng cử vào Hội đồng Thành phố thủ đô Vác sa va là câu hỏi ngắn trong tiếng Ba Lan: “Jeśli nie my to kto?”- nếu không chúng ta thì ai?
MVH: Anh có thể giới thiệu qua về mình với cử tri được không? Có nhiều cử tri gốc Việt đang đọc báo của chúng tôi đấy…
NVT: Tôi sang Ba Lan học đại học vào tháng 9 năm 1983, tức đúng 31 năm về trước. Năm 1990 tôi tốt nghiệp khoa đóng tàu Trường Đại học Bách khoa Szczecin, thành phố miền tây bắc Ba Lan, giáp biên giới Đức. Sau khi tốt nghiệp tôi ở lại Ba Lan, tôi sống ở Krakow một thời gian và 20 năm nay sống tại thủ đô Vác sa va. Tôi là phiên dịch viên tuyên thệ, được ghi vào danh sách phiên dịch viên tuyên thệ của Bộ Tư pháp Ba Lan. Tôi đã nhiều lần phiên dịch cho các phái đoàn Việt Nam, gần đây nhất là cho các doanh nghiệp trong ngành thịt, nhân chuyến viếng thăm nghiên cứu tại Ba Lan mùa hè vừa qua.
Hiện nay tôi là giám đốc Quỹ Liên văn hóa và Đối thoại giữa các nền văn hóa (Fundacja Transkultura i Dialog Międzykulturowy), đồng thời là thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đối thoại xã hội về Người nước ngoài( Komisja Dialogu Społecznego ds. Cudzoziemców) trực thuộc Trung tâm thông tin liên lạc xã hội của Ủy ban thành phố thủ đô Vác sa va – Centrum Komunikacji Społecznej Urzędu m.st. Warszawy- Một ban của Ủy ban thành phố chuyên về các vấn đề xã hội, đối thoại và trao đổi thông tin trực tiếp với người dân và các tổ chức phi chính phủ, hội đoàn. Các ủy ban đối thoại xã hội về các vấn đề cụ thể do người dân hoặc các tổ chức lập ra cùng đại diện chính quyền thành phố.
MVH: Đây là lần đầu tiên có ứng cử viên gốc Việt tham gia, không những vậy có tới mấy ứng cử viên cùng lúc, anh biết gì về những ứng cử viên khác? Họ có phải đối thủ cạnh tranh của anh hay không?
NVT: Tôi có nghe nói như vậy và đều biết ít nhiều về các ứng cử viên này. Theo những thông tin không chính thức thì có ít nhất hai cựu sinh viên Việt Nam, ngoài tôi ra, tham gia tranh cử. Nhưng rất may họ không phải đối thủ cạnh tranh của tôi (cười), không phải đối thủ cạnh tranh ở nhiều khía cạnh (cười). Nếu xét về khía cạnh của luật bầu cử chính quyền địa phương thì có thể nói chúng tôi không có chung cử tri. Cụ thể, trong đợt bầu cử vào ngày 16 tháng 11 tới, các quận, thành phố, tỉnh được chia thành các khu vực bầu cử rất cụ thể, rất nhỏ. Chẳng hạn tại quận Ochota nơi có rất nhiều người Việt sinh sống, có 3 khu vực bầu cử vào hội đồng quận. Cử tri chỉ có thể bầu cho các ứng cử viên trong danh sách ứng cử tại khu vực bầu cử thuộc nơi mình sống chứ không được bầu chọn trong một danh sách các ứng cử viên chung toàn quận. Tức là không có danh sách bầu cử các ứng cử viên chung toàn quận.
Tương tự, tôi ứng cử vào Hôi đồng Thành phố trong danh sách bầu cử khu vực 1- quận Ochota và Śródmieście, cử tri của tôi là các cử tri sống ở hai quận này. Tôi sống tại quận Mokotów và như vậy tôi còn không có quyền bỏ phiếu cho chính mình!
MVH: Công việc vận động tranh cử của anh thực hiện tới đâu rồi?
NVT: Có thể nói là mới chỉ bắt đầu bằng những bước nhỏ. Tôi đã tham gia hai ngày đi xin chữ kí ủng hộ tại hai địa điểm công cộng, tại công viên Szczęśliwicki và tại quảng trường Narutowicza. Còn rất nhiều việc phải làm, gặp gỡ cử tri, soạn và in ấn tờ rơi, quảng cáo…Rất hy vọng bạn đọc của Đàn Chim Việt ở Ba Lan và trên thế giới (cười) tích cực ủng hộ.
MVH: Trong những năm qua thấy anh tham gia nhiều vào các hoạt động văn hóa ở Ba Lan, như các chương trình truyền hình, đóng phim, báo chí, viết sách hay kịch gì đó, những điều này có giúp gì cho anh trong việc tranh cừ không?
NVT: Tất cả các hoạt động mang tính công chúng đều giúp đỡ được phần nào trong việc tranh cử. Chẳng hạn các kinh nghiệm lâu năm trong phát biểu trước đám đông, các kinh nghiệm có được trong tranh luận, từ việc tham gia các hội thảo và diễn đàn lớn đều rất có ích trong tranh cử, trong các cuộc gặp gỡ cử tri.
Tôi cũng có nhiều kinh nghiệm đứng trước ống kính vì thế không bị trema- bồn chồn, xúc động, hồi hộp khi phát biểu trước báo giới. Vì có kinh nghiệm viết sách báo bằng tiếng Ba Lan cho nên tôi cũng không phải thuê người để viết nội dung tờ rơi, quảng cáo v.v.
MVH: Các ứng cử viên thường phải đưa ra các chương trình tranh cử, vậy chương trình của anh là gì, nói cách khác, anh định làm gì cho thành phố Warszawa?
Tôi ra ứng cử để nếu trúng cử các hoạt động công chúng của tôi từ trước đến nay sẽ được mở rộng và có hiệu quả hơn. Trong nhiều năm qua tôi cộng tác với rất nhiều các tổ chức, các quỹ, các hội đoàn. Nhiều khi là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, quảng bá cho văn hóa nghệ thuật Việt Nam hay các cộng đồng sắc dân khác tại Ba Lan. Nhiều khi là các hoạt động trong các lĩnh vực cụ thể liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn thành phố như trong Ủy ban Đối thoại Xã hội mà tôi đã nói đến. Nhiều khi là các hoạt động mang tính lập pháp với tư cách tư vấn và đại diện tổ chức phi chính phủ.
Đặc biệt là nhiều kiến nghị của tôi trong quá trính thành lập hai bộ luật, luật ân xá cho người nước ngoài sống bất hợp pháp ra đời năm 2011 và Bộ luật về người nước ngoài có hiệu lực từ tháng năm năm nay, đã được nhiều tổ chức ủng hộ và được thể hiện trong các điều khoản của cả hai bộ luật nói trên. Tất nhiên các điều khoản này rất lợi cho người di dân nói chung và cho cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan nó riêng.
Tôi tham gia nhiều hội thảo, diễn đàn về hội nhập và về các vấn đề liên quan đến nhập cư. Gần đây nhất là Diễn đàn Các chính sách nhập cư, diễn ra trong 4 ngày vào tháng 9 này. Tại diễn đàn này tôi là một trong hai người điều hành nhóm bàn về chủ đề Người nhập cư và thị trường lao động Ba Lan. Chúng tôi đã đưa ra nhất nhiều sáng kiến về thay đổi cái nhìn của người Ba Lan về người nước ngoài, xét về phương diện việc làm. Chúng tôi cũng đưa ra rất nhiều kiến nghị sửa đổi luật lao động và luật về người nước ngoài. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục làm việc tổng kết các kết quả của diễn đàn, các kiến nghị sẽ được chúng tôi gửi tới Quốc hội và nhiều bộ ngành liên quan của Ba Lan.
Tất nhiên, trúng cử hay không tôi vẫn tiếp tục các hoạt động như vậy. Với tư cách ủy viên Hội đồng thành phố tôi mong muốn xây dựng thành phố Warszawa trở thành thành phố đa văn hóa, đa sắc dân, thân thiện với người dân,có các chính sách nhập cư mở và thân thiện với người nhập cư và khách du lịch. Với tư cách đại diện cư dân thành phố tôi quan tâm nhiều đến các giải pháp khắc phục các vấn đề nổi trội của thành phố như rác thải,giao thông, xây dựng và giáo dục. Với tư cách là một người di dân tôi cũng sẽ khuyến khích cộng đồng di dân tích cực tham gia hơn vào đời sống sinh hoạt công của các khu dân cu, các quận và thành phố.
MVH: Giả sử anh thắng cử thì cộng đồng người Việt liệu có lợi gì không? Anh có dự định gì trong việc giúp đỡ cộng đồng người Việt?
NVT: Trước hết, việc người Việt đứng ra tranh cử tại cuộc bầu cử Ba Lan là một tín hiệu tích cực trong cộng đồng và trong xã hội sở tại. Về phía cộng đồng, đó là một thông điệp đánh dấu sự có mặt của người Việt trong xã hội Ba Lan, khuyến khích các thành viên cộng đồng quan tâm hơn đến đời sống chung trong xã hội, nhắc nhở rằng Ba Lan không chỉ là nước ở nhờ ở tạm mà là nơi sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, con em chúng ta đi học ở đây, có bạn bè là người Ba Lan. Nó nhắc nhở bà con chúng ta hãy xem lại khái niệm tạm thời.
Nếu cứ vịn cớ tạm thời để không sinh hoạt xã hội tại đây thì 1 năm, 2 năm rồi 5 năm trôi qua mà rồi chúng ta chỉ vẫn là người ăn nhờ ở đậu. Đành rằng là người Việt xa quê, ai cũng quan tâm đến đời sống trong nước, nhưng nếu không tăng cường sinh hoạt xã hội tại địa phương, không quan tâm đến đời sống xã hội Ba Lan thì đời sống của chúng ta không toàn diện, chúng ta không sống hết mình, mà chỉ tự nhủ trong tương lai sẽ sống khác đi. Tu i teraz, tiếng Ba Lan, tại đây và bây giờ là cách nhìn quan trọng, khái niệm tổ quốc thứ hai cần phải được thể hiện cụ thể và đơn giản như vậy.
Xét về phương diện xã hội Ba Lan thì việc ứng cử của các công dân gốc Việt là tiếng nói “chúng tôi có mặt tại đây. Hãy quan tâm đến chúng tôi. Chúng tôi muốn có tiếng nói của chính mình”. Nó cũng phủ nhận quan điểm cho rằng cộng đồng người Việt là cộng đồng khép kín, chỉ biết kiếm tiền, sống bên lề xã hội Ba Lan, sống bên cạnh người Ba Lan chứ không phải sống cùng họ tại phường, tại quận tại, tại thành phố thủ đô. Nó là dấu ấn của cộng đồng trong xã hội Ba Lan, là bước ngoặt mới trong lịch sử cộng đồng tại Ba Lan. Và có thể nói trong chính trường Ba Lan. Sau đợt bầu cử này tôi nghĩ rằng nhiều đảng phải sẽ muốn có người Việt là đảng viên.
Hy vọng rằng trong các đợt bầu cử tiếp theo sẽ có nhiều gương mặt Việt Nam mới không chỉ ở thủ đô mà là các thành phố lớn khác của Ba Lan như Kraków, Wrocław, Gdańsk…
Nếu nói về lợi ích cụ thể cho người Việt khi tôi trúng cử thì xin dẫn một ví dụ sau. Cách đây vài năm tôi cùng anh Vũ Duy Hiển đấu tranh bền bỉ trong vòng gần hai năm để những người buôn bán trong trung tâm thương mại Wólka Kosowska có được điều kiện thuận lợi trong kinh doanh, kí kết được một thỏa thuận tốt với các chủ trung tâm. Xin nói rõ, chủ trung tâm tại Trung tâm GD hay được gọi là Trung tâm Tàu, không chỉ là người Trung Quốc, đồng chủ Trung tâm là người Việt, người Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc đấu tranh không phải là „chống” mà là „vì”, vì sự cộng tác bình đẳng, cùng có lợi trong kinh doanh. Lợi ích tài chính trực tiếp cho ba con có được từ đợt vận động lâu dài này thì ai cũng biết nhưng ít ai biết và nói đến các lợi ích trung gian: quá trình vận động dân chủ, bài học dùng các công cụ dân chủ để đạt được các mục tiêu tài chính, bài học về sự đoàn kết cùng lên tiếng.
Cũng rất ít người biết đến các lợi ích cụ thể có được do sự tham gia tích cực của tôi trong quá trình hình thành hai bộ luật liên quan đến người nước ngoài. Nếu nói về sự giúp đỡ cộng đồng thì ngắn gọn nhất tôi muốn giúp đõ cộng đồng trong hội nhập, từ những việc rất cụ thể như tổ chức Festival Tết, festival Tết Trung thu, hội chợ Tết v.v. tại quận trung tâm Śródmieście và Ochota. Có rất nhiều việc cho tôi với tư cách đại diện cư dân và đồng thời là người di dân. Chẳng hạn các trường học tại quận Ochota và cả Raszyn, tuy không thuộc thủ đô, có rất nhiều học sinh Việt Nam. Nhiều cháu sinh ra và lớn lên ở đây, không có khó khăn đặc biệt. Nhưng nhiều cháu từ Việt Nam sang, có rất nhiều khó khăn trở ngại trong họp tập và sinh hoạt tại trường. Nhiều thày cô giáo, trường học có dấu hiệu mệt mỏi về sự có mặt của các cháu. Vận động chính quyền địa phương- vì các trường học chịu sự quản lý của chính quyền địa phương- ban hành các chính sách thích hợp cho trường, cho thày cô là giải pháp có tính tổng quát và cụ thể.
MVH: Cám ơn anh và chúc anh thành công
NVT: Cảm ơn Đàn Chim Việt đã cho tôi cơ hội phát biểu, hy vọng rằng sẽ còn nhiều dịp để nói chuyện về tranh cử và bầu cử.
© Đàn Chim Việt
Hoan hô anh Ngô Văn Tưởng, ra ứng cử nghị viên thành phố Vasava. Tôi ngưỡng mộ anh.