WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Khánh Ly & Lệ Thu và đêm nhạc thính phòng tưởng niệm “30-4”

Trên poster quảng cáo ghi,

Chủ đề: “Sài Gòn Nỗi Nhớ Không Quên”

Đến để cùng chia sẻ hồi ức về những ngày cuối cùng của Sài Gòn bằng những bài tình ca, tình khúc lưu vong, hoài hương, viễn xứ với 2 tiếng hát hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam: Khánh Ly-rời Sài Gòn năm 1975; Lệ Thu-ở lại với thành phố mất tên.

Địa điểm: Le Petit Trianon: 72 North 5th Street, San Jose, CA 95122

Thứ Sáu, 29 tháng 4 năm 2011 từ 7:30 -10:30 chiều.

Ca sĩ Lệ Thu

Đêm nhạc do nhạc sĩ Lê Huy và ban nhạc Phượng Hoàng nổi tiếng nhất San Jose tổ chức. Đọc poster người ta biết ngay chủ đích của đêm nhạc. Nhưng nhạc sĩ Lê Huy lại không muốn biến đêm nhạc trở thành một đêm ca nhạc chính trị. Tôi hiểu ý của anh. Có nhiều hình thức chống cộng nhưng đôi khi chống cộng mà không cần nói nhiều. Chỉ riêng sự trình diễn của những tình ca đã nói lên bản chất đối nghịch với cộng sản. Nội dung những tình khúc lưu vong và nỗi nhớ quê hương qua những ca khúc diễn tả tâm trạng hoài hương và nỗi buồn viễn xứ thì một lần nữa cũng nói lên quá rõ tính nhân bản của “con người tự do” đối nghịch với cộng sản phi nhân.

Nhưng cái khó là làm sao tạo được không khí nhạc thính phòng với một đêm nhạc có chủ đích chính trị như vậy. Đó là lý do anh muốn nhờ tôi, một người mà anh cho là có một số kinh nghiệm về cuộc chiến trước 30-4-1975, một số kinh nghiệm về cuộc di cư trốn chạy cộng sản năm 1954, và dĩ nhiên một số các kinh nghiệm khác của một người điều hợp chương trình ca nhạc.

Tôi hỏi anh muốn gì ở tôi thì anh cho biết, anh muốn tôi, với những kinh qua về chiến tranh, mang khán giả trở lại với hồi ức về cuộc chiến 1954-75 và đặc biệt kinh nghiệm đau thương của ngày 30-4 và những năm tháng sau đó tôi cùng toàn dân miền nam mắc kẹt trong nhà tù cộng sản, từ nhà tù nhỏ ra tới nhà tù lớn là toàn thể xã hội . Hôm sau gặp lại, anh cho biết cái chốt của chương trình là tôi phải giới thiệu với khán giả ba dòng nhạc: dòng nhạc di cư 1954, dòng nhạc ở miền nam 54-75 và dòng nhạc di tản. Thêm nữa, trước khi giới thiệu dòng nhạc miền nam 54-75 tôi sẽ có cuộc “nói chuyện” với hai ca sĩ nổi tiếng từ trước 1975 cho tới nay đó là Khánh Ly, người đã kịp di tản ngày 30-4 và Lệ Thu người ca sĩ bị kẹt ở lại.

Tất cả mọi việc với tôi đều dễ dàng nhưng cái “10 phút nói chuyện” với Khánh Ly và Lệ Thu mới là cái rất khó. Vài người thân quen cũng nhận định với tôi như vậy. Trong 10 phút nói chuyện này, nếu nói những chuyện buồn cười do những người cán bộ cộng sản ngốc nghếch từ miền bắc mang vào thì toàn dân miền nam đã biết hết rồi. Nói lại cũng nhàm mà thôi. Thêm nữa, ai mà chịu bỏ tiền ra mua vé để nghe ca nhạc mà lại phải nghe những chuyện buồn của ngày “Quốc hận”. Mà nói chuyện vui để mang lại tiếng cười vui cho khán giả không hợp với ngày u buồn 30-4 thì cũng không được.

Theo thói quen, tôi chuẩn bị rất kỹ và chuẩn bị nhiều tình huống người ca sĩ ngẫu hứng trong trình diễn và phát ngôn. Nhưng khi gặp Lệ Thu ở buổi cơm tối Lệ Thu hỏi tôi định “hỏi” chị những gì, tôi trả lời, “Tôi cũng chuẩn bị nhiều nhưng vì chị là ca sĩ chuyên nghiệp nên tôi sợ đưa cho chị phần biên soạn của tôi trở thành xúc phạm chị nên tôi không mang theo”. Lệ Thu khiêm tốn và cẩn trọng đối với khán giả, “Nói vậy chứ mình lên sân khấu phải nói năng cho trôi chảy mới được!” Sau đó, để tôi tiện đối đáp với chị trên sân khấu, chị kể về lý do tại sao chị bị kẹt ở lại và cuộc sống của chị tại Việt Nam trước khi vượt biên. Cuộc sống của Lệ Thu trong những ngày còn kẹt với cộng sản không có gì khác những người khác nhưng cuộc vượt biên của chị có điều khá ly kỳ. Chị ra đi với một cô con gái còn bé tí. Chiếc thuyền nhỏ xíu, chỉ có 16 người, trên đó hầu hết là anh chị em văn nghệ sĩ. Chiếc thuyền con của chị đã hết lương thực và nước uống khiến chị phải nhịn khát và nhịn đói mất 6 ngày. “Tưởng chết!”. Khi tới Mã Lai chiếc thuyền lại va vào đá vỡ toang. Chị nghĩ là sẽ chết và nhờ Mai Bá Trác, một cựu thiếu tá biệt kích, trốn trại tù cải tạo,  phu quân cũ của Khánh Ly, cố đưa dùm đứa con gái vào bờ, để mặc “tao, đừng lo cho tao”. Nhóm bạn Lệ Thu, Khánh Ly, Mai Bá Trác v.v… thường gọi nhau “mày tao” một cách thân tình. Những người bạn nghệ sĩ, lãng tử, thân nhau lúc nào cũng coi đời như chiếc lá; gần chết vẫn còn “diễu”, Mai bá Trác cười nói, “Đâu có được, tao phải cứu mày để mày còn trả ơn tao chứ!” Đó là lý do tiếng hát Lệ Thu vẫn còn tới ngày hôm nay.

Sau cơm tối tại nhà hàng, chúng tôi tới chỗ các ca sĩ và ban nhạc tập dượt. Ở đó tôi gặp Khánh Ly. Những người ca sĩ này đều có cái “lãng tử” như nhau, không khách sáo, xuề xòa, thân tình, cởi mở, dù mới gặp nhau lần đầu. Chẳng điều gì là quan trọng, ngoài khán giả. Khánh Ly đã di tản ngay hôm 30-4 nên không có gì đáng nói với cô về ngày 30-4 đó. Tuy nhiên Khánh Ly lại có bề dày liên hệ với giới sinh viên Sài Gòn thời 1963-68, đó là thời của tôi, nên tôi dự định trong mấy phút nói chuyện trên sân khấu với Khánh Ly tôi sẽ chuyển đề tài về thời gian đó. Sẽ có một số câu chuyện (anecdotes) về tuổi trẻ Sài Gòn thời 1963-68, có lẽ là thời đẹp nhất của sinh viên miền Nam. Cái thời mà tuổi trẻ đại học vừa suy tư, triết lý trong thư viện, trong giảng đường, vừa ào ào thể hiện lý tưởng của mình trên đường phố, trên những buôn làng trên cao nguyên hay trên những ruộng đồng miền nam, miền trung v.v…

Nhà hát nhỏ, chỉ có 300 ghế, nhưng sang trọng và chính thức là một nhà hát opera của một thành phố nhỏ phương tây. Điều này là dĩ nhiên, vì nhà hát được xây cất từ khi San Jose còn là một thành phố nông thôn nhỏ, khu vực downtown, nơi có nhà hát còn rất hẹp. Tài liệu về nhà hát này ghi, “Nhà hát lịch sử Le Petit Trianon Theatre tại số 72 North đường số 5 ở trung tâm San Jose có hiệu ứng âm thanh (acoustics) tạo bởi kiến trúc vô địch (unsurpassed). Được xây cất năm 1923 theo khuôn mẫu (replica) của nhà hát “Petit Trianon” ở cung điện Versailles, Paris.” Kiến trúc theo kiểu Hy Lạp. Sân khấu nhỏ ở giữa, đối diện với ba hàng ghế dần lên cao.

Lúc đầu nhạc sĩ Lê Huy cho kê một bộ salon đẹp, mầu trắng ở một góc sân khấu để tôi ngồi “nói chuyện” với Khánh Ly và Lệ Thu. Nhưng khi giới thiệu Khánh Ly và Lệ Thu ra sân khấu, định mời ngồi thì cả tôi lẫn Khánh Ly đều thấy tư thế ngồi nói chuyện không hay, không gần gũi với khán giả cho nên tôi đồng ý với đề nghị của Khánh Ly là cả ba cùng đứng trước micro nói chuyện để khán giả nghe.

Chương trình dự trù khai mạc lúc 7:30 nhưng chậm nửa tiếng. Trong “văn hóa Việt Nam” tại hải ngoại, như thế là chậm ít nhất. Nhưng chính vì thế chương trình sẽ bỏ nửa tiếng nghỉ ở giữa mà sẽ trình diễn liên tục.

Mở đầu nhạc sĩ Lê Huy nói mấy lời về ý nghĩa ngày “Quốc Hận 30-4”. Sau đó, trong tiếng súng rền vang quanh Sài Gòn, cựu Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Đó là mở đầu cho phần cuối của ca khúc “1954-1975” qua giọng ca của nữ ca sĩ Ngọc Diệp, người địa phương San Jose. Ngọc Diệp có giọng cao, nhẹ nhàng, cuốn hút. Ca khúc bắt đầu bởi câu, “Một ngày 75 con bỏ nước ra đi, hai mươi năm là 2 lần ta biệt xứ”, và kết thúc với câu, “ĐỜI 2 LẦN TA BỎ QUÊ, BỎ NƯỚC, PHẢI NUÔI NGÀY MAI VỀ ÔM TỔ QUỐC”

Tiếng súng nổ và lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh có khiến khán giả hơi ngỡ ngàng, bởi vì có vẻ “chính trị” quá. Nhưng giọng ca cuốn hút của Ngọc Diệp đã kéo khán giả trở lại với không khí văn nghệ. Nhìn số khán giả khoảng 250 người, tức là gần kín rạp, những người trong ban tổ chức, kể cả ca sĩ và MC đều cảm thấy khá yên tâm. Không phải yên tâm về vấn đề tài chánh là mà yên tâm rằng buổi trình diễn khởi đầu đã có sẵn không khí ấm cúng, “thính phòng”.

Khi được Ngọc Diệp giới thiệu, tôi bước ra sân khấu, nhắc tới ngày 30-4 một chút. Không nhiều lắm, vì trước đó nhạc sĩ Lê Huy đã nói rồi. Tôi liên kết cuộc di tản từ ngày 30-4 và sau đó, tới cuộc di cư vĩ đại trốn chạy cộng sản của gần một triệu người miền bắc năm 1954, bỏ lại, người thân, giòng tộc, bản làng, cây đa, khóm trúc, chiếc cầu tre v.v…  để rồi tạo không khí cho giọng ca trẻ Đình Bảo trình bày ca khúc Làng Tôi của nhạc sĩ Chung Quân. Ca khúc này quen thuộc quá rồi. Và phải nói thực, hình ảnh và nhịp điệu chậm của “Làng Tôi” khó thu hút được khán giả bây giờ đã quen với các ca khúc cũ nhưng hòa âm mới, nhanh hơn, vui nhộn hơn. Tuy nhiên, một điều khá ngạc nhiên, dù chưa nổi danh vì mới xuất hiện tại địa phương, nhưng với giọng ca thiên phú và kỹ thuật điêu luyện của 10 năm Nhạc Viện Hà Nội, Đình Bảo đã thu hút hoàn toàn khán giả. Đình Bảo cũng được khán giả mến mộ hơn khi anh cho biết mặc dù sinh sau đẻ muộn, nhưng anh cũng thấm cái hồn của Hà Nội vì anh thuộc một gia đình gốc di cư 1954. Không khí chìm lắng vào hình ảnh một ngôi làng đất bắc và âm thanh lên bổng xuống trầm của ca khúc. Giọng ca trong và vút cao một cách nhẹ nhàng của Đình Bảo, rồi ngay sau đó là những nốt trầm lả lướt như cành liễu là đà trên mặt hồ, đong đưa trước gió. Tôi ngồi dưới hàng ghế đầu của khán giả cũng chìm đắm vào giọng ca của Đình Bảo, mà quên rằng mình đang có nhiệm vụ chính là điều hợp chương trình. Kế tiếp Đình Bảo tự giới thiệu và trình bày ca khúc nhắc lại cuộc di cư của gần một triệu người miền bắc năm 1954, mang theo nỗi nhớ Hà Nội trong lòng những chàng trai 18, ca khúc Nỗi Lòng Người Đi của Anh Bằng. Chương trình đang đi vào trọng tâm chủ đề nhưng sự trình diễn không những không khô khan mà trái lại  càng lúc càng thu hút khán giả. Thế là tôi yên tâm. Những ca sĩ của cùng một giòng nhạc có thể tự giới thiệu nhau được rồi. Tôi có thể ngồi dưới làm khán giả. Như thế lại hay, vì không khí được liên tục. MC bước lên lúc này chỉ làm gián đoạn không khí của đêm nhạc mà thôi. Kế tiếp Đình Bảo giới thiệu thêm Trọng Huy, một nam ca sĩ có lẽ mới ngoài 20 một chút và Ngọc Diệp để tam ca “Mưa Saigon, Mưa Hà Nội” nhạc Phạm đình Chương, lời Hoàng Anh Tuấn. Chính ra bài này có lời buồn nhớ người yêu còn lại ở Hà Nội và tiếc thương cho Hà Nội đang bị tù đầy dưới gông cùm cộng sản (Mưa ngày nay… Như lệ khóc phần đất quê hương tù đày…), nhưng nhịp điệp bài hát lại nhanh, vui tươi và lả lướt mà người nghe vẫn không thấy lạc điệu. Đó là điều kỳ lạ tôi thấy ở ca khúc “Mưa Sài gòn, mưa Hà Nội”. Cả ba giọng ca đều xuất sắc. Ngay cả nam ca sĩ trẻ nhất là Trọng Huy cũng có giọng ca khá điêu luyện. Cùng với đoạn ca khúc mở đầu đêm nhạc của Ngọc Diệp, mới có ba ca khúc chính thức trong chương trình mà khán giả đã bị thu hút, chìm lắng trong tiếng nhạc. Ngồi bên dưới, vừa thưởng thức, vừa quan sát khán giả tôi thấy không khí buổi nhạc đang cuốn hút như những đêm nhạc opera dành cho du khách tại Âu châu. Khi bước lên sân khấu, tôi xuất thần so sánh không khí đêm nhạc hôm nay với một vài đêm nhạc tại Âu châu hay Nam Mỹ mà tôi có dịp thưởng thức. Tôi kể với thính giả rằng cái nhạc viện nhỏ bé, nhưng không khí ấm cúng, thân mật hôm nay khiến tôi nhớ tới một đêm nhạc tại một nhạc viện cũng nhỏ bé, ấm cúng như thế này tại thủ đô Vienna, Áo Quốc. Tôi chia sẻ rằng người Việt Nam khi đi nghe nhạc thính phòng thường có không khí nghiêm túc. Nhưng thực ra tại Âu châu, khi người nghệ sĩ và ban nhạc hòa nhập với khán giả thì không khí thật là tuyệt vời và nhiều khi vui nhộn. Khán giả những lúc đó như sống trong âm thanh của ca sĩ và dàn nhạc. Và dàn nhạc cũng như ca sĩ như nương theo sự chìm lắng của khán giả mà đưa âm thanh bay bổng trong một không gian tĩnh lặng. Mọi người như nín thở. Chỉ sợ rằng một tiếng động nhẹ cũng sẽ làm cho bầu không khí đang căng thẳng, ấm cúng đó bùng vỡ. Và rồi, khi sự hòa nhịp giữa khán giả với người nghệ sĩ trình diễn đã tới đỉnh điểm, tất cả cùng đồng loạt bật  dậy vỗ tay theo nhịp điệu trong khi ca sĩ và những nhạc công thì vừa trình diễn vừa đong đưa nhún nhẩy theo cái nhún nhẩy của khán giả. Lời chia sẻ này sau đó có hiệu quả. Khi Trọng Huy trình bày bài “Mầu Tím Hoa Sim” của Phạm Duy phổ thơ Hữu Loan thì  toàn thể khán giả đồng loạt vỗ tay theo tiếng quân hành “Chiều hành quân, Qua những đồi sim…” tạo một không khí hứng khởi ít thấy trong một đêm nhạc thính phòng của người Việt.

Dòng nhạc di cư 1954 chấm dứt, tôi giới thiệu dòng nhạc di tản 30-4 với liên khúc “Đêm Nhớ về Saigon” của Trầm Tử Thiêng và “Đêm Nhớ Trăng Saigon” của Phạm đình Chương phổ thơ Du Tử Lê qua đôi song ca Ngọc Diệp và Trọng Huy.

Ca sĩ Khánh Ly

Kế tiếp là mười phút trò chuyện giữa tôi với Khánh Ly và Lệ Thu. Như tôi đã nói, mọi chuyện khôi hài của những chàng “cán ngố” mang từ  ngoài bắc vào nam sau 30-4-75 thì khán giả đã biết hết rồi nên ba chúng tôi nói về những chuyện dường như chưa ai viết hay đề cập tới như chuyện mỗi nhà chúng tôi tích trữ được 1 tạ tức 100 ký gạo nhưng cũng sợ đám thanh niên “cách mạng 30 quàng khăn đỏ” dưới sự hướng dẫn của bộ đội tới lục soát kết tội “tư bản” thì chết. Hay chuyện vào ngày hôm sau, mùng 1 tháng 5, tự nhiên mọi người phụ nữ đều mặc quần áo xấu, cất hết quần áo đẹp, và hầu hết mọi nhà trong xóm đều luộc một rổ khoai mì (sắn) hay khoai lang để bán trước cửa. Nhưng vì hầu như nhà nào cũng bán nên tới chiều chẳng có nhà nào bán được củ khoai nào. Một vài mẩu chuyện đơn sơ, mà thực như vậy cũng mang lại cho khán giả một chút cười vui mà không quá tang tóc.

Sau đó quay sang Khánh Ly, tôi hỏi cô về một số kỷ niệm thời cô gắn bó với sinh hoạt sinh viên tại quán Văn, phía sau Đại Học Văn Khoa Saigon để rồi giới thiệu cô với ca khúc di tản “Saigon niềm nhớ không quên” của Nguyễn đình Toàn. Cũng như Lệ Thu, Khánh Ly đối đáp thoải mái, tự nhiên. Cô không trình bày ca khúc tôi giới thiệu mà cô chọn ca khúc di tản “Mai Tôi Đi” cũng của Nguyễn đình Toàn. Tôi không ngạc nhiên, nhạc sĩ Lê Huy đã cho tôi biết trước, Khánh Ly hát rất ngẫu hứng, ít khi theo sát chương trình. Nhưng không sao. Giọng ca khàn khàn đặc biệt của Khánh Ly mà ai cũng nhận ra đã lần lượt cuốn hút khán giả.

Đặc biệt đêm nay, khán giả đang sẵn chìm đắm trong không khí  nhạc thính phòng với ba giọng ca trẻ nhưng khá điêu luyện, Đình Bảo, Trọng Huy và Ngọc Diệp. Trong ba giọng ca trẻ này chỉ có Ngọc Diệp là còn hơi quan tâm về kỹ thuật. Cô đã có làn hơi thiên phú, cao vút. Nếu Ngọc Diệp “buông lơi” hơn thì có lẽ trình diễn sẽ “có hồn” hơn. Lê Huy với hòa âm điêu luyện cùng với dàn nhạc nhuần nhuyễn của anh đã nâng các giọng ca lên một “cung bậc”.

Khánh Ly khiến rạp hát vang rền tiếng vỗ tay với những ca khúc Mai tôi đi của Nguyễn đình Toàn, Giọt nước mắt cho quê hương của Trịnh Công Sơn, Sài gòn niềm nhớ không tên cũng của Nguyễn đình Toàn và Người di tản buồn của Nam Lộc.

Tôi ngồi với Lệ Thu trên bộ salon trên sân khấu mà say sưa theo dõi Khánh Ly. Chắc Lệ Thu cũng vậy. Giòng nhạc và ca từ nói về quê hương và tâm trạng của những người di tản như suối tuôn, tràn ngập thính phòng. Theo chương trình, đáng lẽ tôi sẽ phải giới thiệu Lệ Thu song ca với Khánh Ly. Nhưng trong giòng nhạc đang trôi liên tục, tôi đồng ý với Lệ Thu yêu cầu nhạc sĩ Lê Huy tiếp tục tiếng dương cầm trầm bổng của anh sau khi Khánh Ly vừa dứt để Lệ Thu vừa bước ra vừa cầm micro hòa nhịp với Khánh Ly trong hai ca khúc  của Trịnh Công Sơn, “Như cánh vạc bay” và “Nhìn những mùa Thu đi”. Khán giả càng lúc càng vỗ tay như sấm vang. Khán giả không chỉ nghe nhạc. Họ đang sống với giai điệu, lời ca và những kỷ niệm riêng.  Bởi thế nhiệm vụ MC của tôi cũng trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Tôi không cần phải giới thiệu nữa. Khi hết hai bài song ca Lệ Thu vẫn đi vào trọng tâm ngày 30-4 với ca khúc một thời đã làm nhỏ lệ hàng trăm ngàn người di tản, ca khúc Saigon Vĩnh Biệt của Nam Lộc. Sau đó cô tự giới thiệu và trình bày tiếp hai ca khúc Kỷ Niệm và Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy.

Kế tiếp là phần hai của chương trình. Trọng Huy tự động bước ra sân khấu tự giới thiệu ca khúc rồi trình bày luôn bài Áo anh sứt chỉ đường tà (thơ Hữu Loan, nhạc Phạm Duy). Như tôi đã viết, tuy còn rất trẻ, có thể mới ngoài 20, nhưng giọng ca thiên phú, sống động, cao vút và trong trẻo, Trọng Huy đã luôn thu hút khán giả. Khi tới đoạn có nhịp quân hành, toàn thể thính phòng đã vỗ tay theo anh làm toàn thể nhà hát trở nên rộn ràng hiếm có.

Kế tiếp Trọng Huy giới thiệu Ngọc Diệp với ca khúc Dốc Mơ của Ngô Thùy Miên. Rồi Ngọc Diệp giới thiệu Trần Chí Phúc, một nhạc sĩ nổi tiếng tại San Jose, và trình bày ca khúc “Sàigon, em ở đó” của anh. Giọng ca điêu luyện Đình Bảo được Ngọc Diệp giới thiệu trở lại với ca khúc có giai điệu phương tây lả lướt “Giấc mơ hồi hương”  của Vũ Thành. Khó có người nào quên giai điệu độc đáo của ca khúc này. Khán giả lại một lần nữa say mê với giọng ca mới nhưng cũ này. Cũ là vì anh đã được đào luyện từ lâu một cách chính qui, mới là vì anh mới xuất hiện tại San Jose. Giọng ca chuyên nghiệp này rồi sẽ sớm vượt khỏi khung trời địa phương để lưu diễn khắp nơi.

Tới đây, tôi lại lên sân khấu giới thiệu Khánh Ly. Tôi chia sẻ với khán giả rằng đêm nay công việc MC của tôi quá nhẹ nhờ các ca sĩ đều hay và tạo được sự liên tục trong bầu không khí ấm cúng. Trong sự hứng khởi, Khánh Ly trình bày theo yêu cầu của khán giả các tình khúc của Trịnh Công Sơn đã gắn liền với tên tuổi cô trước 1975 như Ru ta ngậm ngùi, Hạ trắng, và Dấu chân địa đàng.

Khi Khánh Ly chấm dứt, Lệ Thu từ hậu trường bước ra đầy hứng khởi. Cô nói với khán giả rằng “có lẽ đêm nay khán giả cũng phê và tôi hát cũng phê, cho nên tôi sẽ trình bày những ca khúc ngoài chương trình và là những ca khúc tôi ưa thích và tôi biết khán giả cũng ưa thích.” Lời nói của Lệ Thu được vỗ tay tán thưởng làm tăng không khí thân mật, ấm cúng, giao lưu giữa khán giả và ca sĩ trình diễn. Lệ Thu trình bày ba bài: Một mai em đi (của Trường Sa), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc Phạm Đình Chương), và Mười năm tình cũ (Trần Quảng Nam). Khi kết thúc, giọng ca cao vút, trong trẻo của Lệ Thu vẫn còn ngân vang, Lệ Thu nhắm mắt chìm đắm trong niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ được đón nhận, mái tóc ngắn cúi đầu, thu mình như con chim non giữa bầu trời âm thanh vần vũ. Lệ Thu ở dáng dấp này có lẽ sống mãi trong lòng khán giả.

Nhưng cuối cùng quá nhiều khán giả yêu cầu cô trình diễn thêm, sau vài phút “thương lượng” giữa Lệ Thu và khán giả về một vài ca khúc khác nhau do một số khán giả yêu cầu để chọn một bài cuối cùng, vì đêm nhạc phải kết thúc trước 10:30, Lệ Thu đã đưa khán giả say sưa tới phút chót với tình khúc “Xin còn gọi tên nhau” của Trường Sa. Khi Lệ Thu kết thúc đêm nhạc thì một rừng pháo tay vang lên.

Nhưng chưa hết. Khi Lệ Thu chấm dứt thì Khánh Ly, ngẫu hứng, đã cầm micro bước nhanh ra sân khấu cùng với Lệ Thu ôm nhau vừa nhẩy vừa hát tạm biệt khán giả bằng ca khúc “Nếu có yêu tôi” của Trần Duy Đức, theo điệu swing vui nhộn khiến toàn thể khán giả đứng cả dậy vỗ tay theo nhịp hát. Cả thính phòng như bùng vỡ.

Nếu có một đêm nhạc thính phòng nào gọi là thành công thì không thể thành công hơn đêm nay, khi mà các nghệ sĩ và khán giả cùng chìm lắng vào giai điệu với lời ca từ những giọng hát xuất thần. Và đặc biệt, đêm nay lại là đêm nhạc tưởng niệm “30-4”.

© Nguyễn Tường Tâm

© Đàn Chim Việt

 

15 Phản hồi cho “Khánh Ly & Lệ Thu và đêm nhạc thính phòng tưởng niệm “30-4””

  1. Dâm Tiên says:

    Thôi thì cứ để hai ca sĩ nhớn hưởng cái lộc
    VNCH thêm một lần…đã đến đây…trong
    cuộc đời này…

    nhưng ông Nguyễn tường Tâm ới ới à ơi,

    Thù vặt ông tí chút nhie nhié ..: Đảng X của
    ông cũng từng góp công…phá phách VNCH
    không ít đâu nhá, à ơi… Mất rồi mới thây
    tiếc cùng thương…muộn màng… hu hu..hu

  2. Khinh binh says:

    Theo tôi thì hát ở sứ quán, hát ở VN, hát ở Đại hội Cám ơn anh cho thương binh VNCH…(nếu có) cũng chỉ là tiếng hót của những con chim biết hót. Nó chỉ giúp mua vui vài giờ.

    Điều đáng nói là tiếng hát, nếu phát ra từ con người, tức là có tâm hồn, có lương tri, có đau đớn, có vinh dự có tủi nhục…thì quí vị kỳ vọng vào những ca sĩ “hát mà không cần biết khán giả là ai” (như bà Khánh Ly trả lời trên bao Người Việt khi được hỏi bà nghĩ sao khi hát cho lãnh sự VC năm rồi) là điều xa xỉ.

    Xướng ca vô loài không phải tự nhiên mà phổ biến, tồn tại lâu dài trong dân gian.

  3. Trung Kiên says:

    Với tựa đề;…”Khánh Ly & Lệ Thu và đêm nhạc thính phòng tưởng niệm “30-4”

    Tôi tưởng là ông Nguyễn Tường Tâm, sau khi đưa bài viết có “ác lệnh” của ông Diệm (?), bây giờ xoay qua “nghề quảng cáo” cho “đêm nhạc thính phòng tưởng niệm 30-4” của Khánh Ly & Lệ Thu…sắp đến (30/4/2012)

    Nhưng khi đọc đến…Chủ đề: “Sài Gòn Nỗi Nhớ Không Quên”. Địa điểm: Le Petit Trianon: 72 North 5th Street, San Jose, CA 95122, Thứ Sáu, 29 tháng 4 năm 2011 từ 7:30 -10:30 chiều.

    …làm cho tôi chưng hửng!

    À thì ra thế!

    • Defactor says:

      ác lệnh dưới thời ông Diệm là sự thật mà vẫn có người không tin, thật là mê muội

      • Choi Song Djong says:

        Vậy thì xin mời ông Defactor đưa ra bằng chứng xác thưc,ông dang sống bên Hoa kỳ và ông đương nhiên biết nếu không có bằng chứng thì tất nhiên là vu khống mà đã là vu khống thì chỉ còn có nước là đi ủ tờ nhé cưng à.

    • Choi Song Djong says:

      Bác TK có thể nói rõ vì cái gì khiến Bác chưng hửng.cám ơn.
      Đọc qua,tôi cũng tạm hiểu cái cách chữa lửa cho bài viết kia và cái điều khiến tôi lắc đầu cười ruồi là cái tính ứa 3 phải thường lệ của đóc lmc,chán

  4. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Thưa tôi khoái đọc những bài viết chân chất như trên.

    Xin cám ơn tác giả Nguyễn Tường Tâm.

    Mong được đọc những bài như thế.

    Xin chúc cuối tuần nhiều điều vui.

    Kính bái,
    Lại Mạnh Cường

  5. Sao Quý vị lại còn hát và còn nghe nhạc của anh chàng Trịnh Công Sơn, một kẻ đã có thành tích “đâm sau lưng chiến sĩ” VNCH, một kẻ nằm vùng làm tay sai cho vc (Quý vị nào muốn biết rõ hơn về hắn thì hãy vào đọc Một Góc Trời, bài hồi ký của Tác giả Liên Thành. Còn tôi thì hiện là tù nhân của Nhà Tù Lớn rất đau lòng khi nghe đến nhạc của hắn).

  6. nguyen tran anh says:

    Bai ca “54-75″ cua Pham Duy, nen sua lai : “Doi hai lan ta bo que, bo nuoc. Nay ta ve, om chan bon ban nuoc.”

  7. Trần Bình says:

    Khánh Ly đã từng hát trong buổi tiệc do sứ quán việt cộng tổ chức, Lệ Thu đã từng về Việt Nam rên rỉ, bây giờ nói “tưởng niệm 30/4) rồi còn nhớ Saigòn mới ghê chứ ! tức cười quá , cười ra nước mắt với mấy chị ?!

  8. Võ Trang says:

    Ai có thể quên được những âm thanh của ngày 30 tháng 4 1975? – trong cơn hấp hối của Sài-Gòn? – giữa những tiếng la hét, than khóc của những rừng người chạy loạn, xô lấn trên bến cảng, tuyệt vọng nhìn những chiếc trực thăng lẻ loi rời khỏi nóc nhà tòa đại sứ Hoa Kỳ…
    Cái âm thanh đó chắc hẵn không phải là những hoà âm hùng tráng của những dàn nhạc giao hưởng hay êm ả, nhịp nhàng của những buổi hòa nhạc thính phòng? Cái tình cảm lúc ấy chắc hẳn cũng không phải là những cảm giác êm đềm của một “Làng tôi” hay vui nhộn như đoạn kết “Nếu có yêu tôi”, trong một điệu swing vui nhộn khiến toàn thể khán giả đứng cả dậy vỗ tay trong một phòng “Petit Trianon” ở cung điện Versailles, Paris, kiến trúc theo kiểu Hy Lạp.
    Văn nghệ lãng mạn để tưởng nhớ 30 tháng 4? – một gán ghép của những cung đàn lạc điệu?

    • Ly Dalat says:

      Khánh Ly đã từng về VN hát,đã từng đưọc báo VN phỏng vấn và đã từng tuyên bố những câu có lời lẻ không coi cộng đồng và những hội đòan chống cộng ở hãi ngoại ra cái thá gì.
      Ngẩm lại,chắc là Ca sĩ Khánh Ly có chổ đúng khi đã tuyên bố như thế chăng? Bởi sau sự vụ coi thường cộng đồng và những hội đoàn chống cộng đó,Ca sĩ Khánh Ly vãn được trọng dụng và được mời hát,đi “xô” dài dài.Như thế:- Chứng tỏ rằng cộng đồng người Việt ở hải-ngoại chỉ là một đám “Xôi-Thịt” chăng?Hay là CĐNV đã già khú và đang nằm chờ chết hết cả rồi,còn thế hệ trẻ thì chẳng hiểu mấy tiếng Việt,nên có người phản bội,chửi xéo mình mà mình vì vô tri nên cứ vỗ tay ngoác miệng cười vui vẻ.Riêng tôi,một người ái mộ Khánh Ly rất nhiều suốt bao năm qua nay xin..Mẹ-Kiếp! kiếu..!

      • sanjose says:

        ong oi….con xin ong….bao chi o VN thi lam sao tin noi….03 chen nau con lai 01 to….

      • Vermouth says:

        thôi. các ng` chẳng hiểu gì cả. Khánh Ly không làm như thế. báo chí ở Việt nam tin cái gì. ngay cả bào Công an nhân dân tôi còn chả tin. nói tóm lại tôi không tin tất cả những điều báo chí viết trên mạng. tôi thì tôi viết hẳn email hỏi bà Khánh Ly xem có đúng có chuyện ấy ko? thế thôi

      • vungu says:

        Hôm nào có thấy hình TCS cầm khẩu sung ngắn , bắng vào đầu của một người trước chùa VN sau ngày 30 tháng Tư năm 1975…! . Vậy ! nhửng gì ông ta thực hành suốt cuộc đời của ông, có đáng để cho…nhiều người…..???? .

Phản hồi