Hai phóng viên của RFI bị sát hại tại Mali
Theo nhiều bằng chứng thu thập được ở Kidal và Bamako, hai đặc phái viên Ghislaine Dupont và Claude Verlon của RFI tại Mali đã bị sát hại không lâu sau khi bị bắt cóc tại Kidal bởi những kẻ vũ trang vào khoảng 13 giờ địa phương hôm nay 02/11/2013. Thành phố Kidal ở miền bắc Mali, gần vùng núi mà phe Hồi giáo Aqmi thường tấn công vào các quân nhân tham gia chiến dịch Serval hồi đầu năm.
Rissa nghe thấy một tiếng động đáng ngờ trên đường phố, những cú đánh bằng báng súng vào chiếc xe của hai phóng viên RFI, ông bèn mở cửa và nhìn thấy những kẻ bắt cóc đưa hai nhà báo lên một chiếc xe địa hình. Bọn bắt cóc dùng súng đe dọa và ra lệnh cho ông Ambéry Ag Rissa phải quay trở vào nhà.
Các hung thủ nói tiếng Tamashek. Bọn chúng buộc tài xế nằm xuống đất, sau đó người lái xe nghe thấy Ghislaine Dupont và Claude Verlon kháng cự lại. Đó là lần đầu tiên người ta trông thấy hai nhà báo, và hiện RFI chưa có tin tức gì mới.
Nhiều nguồn tin cho biết bọn bắt cóc đã chạy trốn cùng với hai phóng viên RFI, hướng về Tinessako ở phía đông Kidal. Nhiều nhân chứng trông thấy một chiếc trực thăng bay trên vùng này. Theo Dinh Tổng thống Pháp, không hề có lệnh sử dụng vũ lực được đưa ra cho lực lượng Serval của Pháp tại vùng này.
Đây là chuyến đi làm phóng sự lần thứ hai của Ghislaine Dupont và Claude Verlon tại thành phố này, để thực hiện một chương trình đặc biệt cho RFI dự định phát vào thứ Năm tới. Trước đó hai đặc phái viên RFI đã đến Kidal vào tháng Bảy để đưa tin về vòng một cuộc bầu cử tổng thống.
Thành phố Kidal nằm cách thủ đô Bamako của Mali 1.500 km về hướng đông bắc, gần biên giới Algérie, là chiếc nôi của cộng đồng người Touareg và MLNA, phong trào nổi dậy đòi độc lập cho vùng Azawad.
Ghislaine Dupont là một trong những phóng viên giàu kinh nghiệm của ban châu Phi đài RFI, vừa viết tin, phóng sự vừa làm điều tra và phân tích chính trị, từng hoạt động nhiều năm tại Djibouti, Ethiopia, Erythée và đặc biệt là Congo. Claude Verlon là kỹ thuật viên luôn tình nguyện đến những nơi nóng bỏng nhất như Afghanistan, Libya, Irak…Cả hai đều không ngại thử thách, và đã chọn lựa Kidal dù biết có nhiều khó khăn. Cho đến nay, đã có hơn hai mươi nhà báo Pháp thiệt mạng hay mất tích trong lúc làm nhiệm vụ tại nước ngoài, kể từ năm 1989 đến nay.
Tổng thống Pháp François Hollande bày tỏ sự phẫn nộ trước việc hai phóng viên RFI bị sát hại, coi đây là một hành động ghê tởm. Ông ngỏ lời phân ưu với gia đình hai nhà báo và RFI, và cho biết ngày mai sẽ họp các Bộ trưởng liên quan để cùng với chính quyền Mali và lực lượng Liên Hiệp Quốc tại đây làm sáng tỏ vụ này.
Thụy My (RFI)