Cho một ngôn ngữ chính trị mới: Trường hợp Đàn Chim Việt
Bản sắc chính trị của một khối quần chúng, ngoài những mệnh lệnh và lòng nhiệt thành, thường được quyết định bởi một số những thói quen ngôn ngữ. Thường thì chúng ta vẫn quan niệm rằng tư duy đi trước, ngôn ngữ theo sau. Nhưng đó là điều sai lầm. Chính ngôn ngữ lèo lái tư duy – nhất là trên phương diện chính trị. Tùy theo sự chọn lựa hình thức và phương thái diễn đạt trong một khung cảnh văn ngữ mà nội dung tư tưởng chính trị được sung thực vào. Hễ ta hô to khẩu hiệu giữa đám đông biểu tình thì tinh thần chính trị ôn hòa không thể trở nên nội dung tư duy được. Mọi lập trường chính trị, tả, hữu, cực đoan, ôn hòa đều là hệ quả của những phương thức diễn đạt, mà trong đó, tổng hợp ý nghĩa của những mệnh đề chính trị được xây dựng từ cấu trúc ngữ văn.
Tùy vào thói quen ngôn ngữ chính trị mà cộng đồng chính trị được thành hình, duy trì, tiếp nối. Hiện nay, đối với người Việt, ở trong nước và hải ngoại, đã hình thành hai cộng đồng ngôn ngữ chính trị mà thực chất chúng chỉ là sự tiếp nối của thói quen ngôn từ chính trị của hai phía từ thời chiến tranh trước 1975. Vì đây là hiện tượng của thói quen ngôn ngữ, nên chế độ Cộng sản vẫn chưa có khả năng thay đổi bản chất cai trị; cũng như thế cho cộng đồng người Việt hải ngoại, phần lớn là từ phía Việt Nam Cộng Hòa, vẫn không thay đổi tư duy chính trị của họ được. Cả hai bên đang tiếp tục dương cao khẩu hiệu thời chiến bằng ngôn từ chủ nghĩa và tình cảm quá khứ nhằm biện minh cho chính nghĩa của phe mình. Cho đến khi nào thói quen ngôn ngữ này được vượt bỏ thì chính trị Việt Nam, nhất là ở quốc nội, mới được thay đổi đúng theo nhu cầu của thời đại. Cả người cộng sản lẫn “chống cộng” cả hai đều đang bị dính chặt vào đọa lực quá khứ trên bình diện ngôn từ.
Hãy nhìn vào ngôn ngữ chính trị ở quốc nội. Với các cụm từ về chủ quyền và chính thống tính chính trị, “Chủ nghĩa Mác-Lê,” “Tư tưởng Hồ Chí Minh,” “Đảng ta” cho đến những ngôn từ hành chánh đầy dư âm chiến tranh, như, “Đấu tranh dứt điểm vấn đề,” “Khối đại đoàn kết,” “Lý lịch cá nhân,” “Có công với cách mạng” đang vẫn là những câu kinh nghi lễ đóng chức năng cho một hệ mã số chính trị và tư tưởng của chế độ. Khi những ngôn từ chính trị như thế đã trở thành cơ bản cho mọi truyền đạt về thẩm quyền, chúng đã tạo nên những mệnh đề tư tưởng vững chắc và rất khó có thể đổi thay. Nó cũng tương tự như nghi thức tôn giáo hay cúng tế ở đình làng, khi mà tính linh thiêng và lòng tin của kẻ tham dự đã bị điều động hoàn toàn bởi cấu trúc và từ vựng của văn tế. Thể loại ngôn ngữ văn tế này đã trở nên một nội dung tâm lý tập thể. Nó tạo ra một đồng thuận cho một cộng đồng chia sẻ chung những cách nói và khẩu hiệu – và từ đó, tư tưởng chỉ đạo. Chỉ khi nào con người ngôn ngữ cộng sản có khả năng bứt phá được thói quen văn tế thuần khẩu hiệu này thì nội dung chính trị của chế độ mới có thể đổi thay. Đây chính là lý do tại sao mà Hiến Pháp 1992, dù đã bị lỗi thời trầm trọng, nhưng vẫn chưa được đảng Cộng sản tu chính hay viết lại khi mà ý chí chính trị của họ không vượt qua được thói quen khẩu hiệu.
Hãy nhìn vào cộng đồng “chống cộng” ở hải ngoại. Hình như rằng cả ba thập niên qua, mọi sinh hoạt chính trị của người Việt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều càng lún sâu vào thói quen ngôn ngữ của nguyên hai chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cũng chừng đó “quốc ca,” hay “mặc niệm” “chiến sĩ đã bỏ mình cho lý tưởng quốc gia,” đến “lập trường chống cộng vững chắc,” cho đến các câu tố cáo, “Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản,” đến “thân cộng,” “tay sai cộng sản,” “Việt cộng nằm vùng,” nay đã trở thành một tập hợp văn tế quá nhàm chán đến độ ai mà đi tham dự những buổi lễ hay tập họp cộng đồng của người Việt, dù là chỉ cho mục đích văn học, văn nghệ, cũng phải tuân theo thủ tục lễ nghi giống như là của tôn giáo, một hình thức phải đạo nay đã thành thông lệ.
Trong lịch sử chính trị người Việt ở hải ngoại, khoảng hai thập niên trước, có tổ chức Thông Luận từ Pháp đã giới thiệu, hay nhấn mạnh, một số những ngôn từ chính trị như “đa nguyên,” hay “hòa hợp, hòa giải.” Những ngôn ngữ này, dù đã được dùng trong quá khứ, nhưng chúng chưa trở nên khẩu hiệu và thói quen, đã làm thay đổi một nếp tư duy vốn là cần thiết cho một phong trào chính trị mới cho người Việt hải ngoại. Nhưng thói quen vẫn chiến thắng. Tổ chức Thông Luận đã bị các khối “chống cộng” theo thói quen của Việt nam Cộng hòa bôi nhọ và khai trừ ra khỏi sinh hoạt cộng đồng chính trị hải ngoại. Vì sao? Vì thể loại ngôn ngữ chính trị mới đã chưa có một cộng đồng ngôn ngữ nào chấp nhận. Khi thiếu một cơ sở hoạt động từ cộng đồng, các tổ chức chính trị muốn cách tân ngôn ngữ chính trị cho Việt Nam đều đã bị phủ nhận, không phải vì nội dung lập trường, mà vì những ngôn từ chính trị mới có vẻ như đã xúc phạm bản chất khẩu hiệu quen tai của cộng đồng người Việt “chống cộng.” Đây là một trong những lý do mà tổ chức Thông Luận không sinh hoạt được trong các cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Song song với Thông Luận, một số các anh chị em người Việt trẻ từ Nga và Đông Âu đã tập hợp lại thành một cộng đồng chính trị khác qua tờ Đàn Chim Việt. Đây là một diễn đàn của những người không bị khống chế bới chính trị quốc nội – và cũng không mang gánh nặng tiêu cực từ phía hữu ở hải ngoại. Chỉ tiêu nguyên thuỷ của Đàn Chim Việt là một diễn đàn nhằm đưa lên tiếng nói đa dạng về các vấn đề Việt Nam. Nhưng một lần nữa, vì đã không thể khai phá cho mình một hướng đi mới, khác biệt với thói quen chính trị cũ, dần dần, tờ báo mạng Đàn Chim Việt đã gia nhập vào cộng đồng ngôn ngữ chính trị “chống cộng” của Việt Nam Cộng Hòa nối dài. Gần đây, có lúc nó đã trở nên một diễn đàn “Bolsavik” bao gồm phần lớn những tay viết “chống cộng” của khu Bolsa quận Cam, tràn ngập thể loại ngôn ngữ đầy thói quen khẩu hiệu.
Là một người đã cộng tác với Đàn Chim Việt ngay từ đầu, tôi chia sẻ với các anh chị sáng lập về thiện chí xây dựng một diễn đàn mở rộng và dân chủ trực tiếp, nhằm tạo tiếng nói cho những kẻ chưa hề được nói, kể cả những người bất chấp quy tắc lịch sự ngôn từ tối thiểu. Tuy nhiên, “Đường đi xuống điạ ngục vốn được trải dày bởi thiện ý” – số phận của tờ báo mạng này đã bị sa sút chính từ những lý do đã làm cho nó nổi tiếng. Dân chủ không đồng nghĩa với hỗn loạn và thiếu văn hóa – mà là ngược lại. Khi một chủ quán café không có khả năng cai quản cơ sở kinh doanh của mình để cho không khí của nhà hàng tràn ngập giọng điệu “giang hồ” thì vị ấy không thể trách cứ những khách hàng thanh lịch đã bỏ ra đi và không thèm trở lại.
Đã và đang có một số đông người Việt, trong nước và hải ngoại, đang bị dị ứng trầm trọng với thói quen ngôn từ chính trị cũ. Nhưng, như người ta có nói, “Truyền thống mạnh hơn pháp luật; thói quen làm chủ ý thức” – dù biết vậy, dù không thích hợp cho nhiều người Việt có ý thức và hiểu biết, nhưng thiểu số hung hăng từ một truyền thống và thói quen ngôn ngữ khẩu hiệu chính trị vẫn còn đang chiếm ngự hầu hết các diễn đàn báo chí của người Việt hải ngoại.
Đây là điều đáng buồn. Truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại đang phải đối đầu với hai mối đe dọa. Thứ nhất là thời gian. Khi mà cộng đồng tiếng Việt ở hải ngoại đang bị xoi mòn bởi nhu cầu sinh ngữ bản địa, thì một diễn đàn chính trị tiếng Việt vẫn sẽ phải chống chọi với quy luật đào thải của thời gian vì tiếng mẹ đẻ càng ngày càng trở thành “tử ngữ.” Thứ hai là thói quen ngôn ngữ của chiến tranh từ trên ba thập niên trước. Điều thách thức, do đó, là cộng đồng báo chí và truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại có thể đóng được vai trò truyền thông chính trị xứng đáng trước hai mối nguy triệt huỷ đó. Vấn đề còn tuỳ vào khả năng của họ để vượt qua được nỗi ám ảnh đày đọa của thứ khẩu hiệu quá khứ vốn đáng đã được vất bỏ vào ổ rác ngôn ngữ từ lâu.
Tôi hy vọng với ấn bản mới của Đàn Chim Việt, qua sự làm việc của một ban biên tập mới và khác, diễn đàn truyền thông này sẽ có thể vượt qua những thói quen ngôn ngữ nhàm chán của người Việt nhằm khai phá cho mình một hướng đi sáng tạo, đóng góp phần nào cho văn hóa chính trị Việt Nam một con lộ ngôn ngữ mới. Đây là niềm hy vọng và là biện minh cho sự hiện hữu của trang mạng này.
© 2008 danchimviet.com
Cảm ơn BBT đàn chim Việt đã mở ra cho độc giả gần xa về đời tự do suy nghĩ , tự do ngôn luận mà bao năm qua người Việt trong nước không bao giờ được nói thật lòng mình . Sống trong chế độ mỵ dân đã làm thui chột biết bao tài năng của đất nước . Hy vọng Đàn chim Việt luôn là những người bạn đồng hành cho những tư tưởng tiến bộ trên đất nước VN .