Đặc tả nhân quyền theo kiểu Việt Nam
Khi trò chuyện với Trân Văn, cả ba cựu tù chính trị: Nguyễn Hữu Phu, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Ngọc Quang cùng đề cập đến một người, vừa được cho là nắm giữ nhiều thông tin liên quan đến tù chính trị, vừa có cảnh ngộ hết sức đặc biệt.
Nhân vật này đã từng được công luận nhắc đến, song câu chuyện về ông vẫn còn nhiều tình tiết khiến người ta ngỡ ngàng. Mời quý vị theo dõi Trân Văn tường trình tiếp…
Chân dung một người tù
Hôm 12 tháng 7, ông Trương Văn Sương, 67 tuổi – người vẫn được biết đến như tù nhân bị chính quyền Việt Nam giam cầm lâu nhất vì lý do chính trị đã được tạm tha để về nhà chữa bệnh.
Tuy nhiên, qua một số thông tin do các cựu tù chính trị tiết lộ thì ông Trương Văn Sương không phải là trường hợp cá biệt. Trong khi ông Trương Văn Sương bị giam giữ tổng cộng 33 năm và vừa được tạm tha thì tại trại giam Z30A, vẫn còn một nhân vật khác mà tính đến nay, thời gian bị cầm giữ vì lý do chính trị đã lên tới 34 năm ba tháng. Tên người tù đặc biệt này là Nguyễn Hữu Cầu. Ông được xem như một huyền thoại tại trại giam Z30A.
Vì gần như tất cả tù chính trị từng bị giam giữ tại trại giam Z30A đều có một khoảng thời gian nhất định sống bên cạnh ông Nguyễn Hữu Cầu, nên chúng tôi đã phỏng vấn một số người nhằm tìm thêm thông tin về người tù đặc biệt này. Câu chuyện bắt đầu từ ông Nguyễn Bắc Truyển…
Trân Văn: Thưa anh Truyển, theo anh, vì sao ông Nguyễn Hữu Cầu ở tù lâu như vậy?
Nguyễn Bắc Truyển: Trong thời gian tôi ở chung với anh Nguyễn Hữu Cầu tại phân trại số 2, trại giam Xuân Lộc, anh Cầu thường tâm sự với tôi về vụ án của anh thì tôi thấy rằng, vụ án của anh Cầu là một vụ án oan sai. Nguyên do là vì anh tố giác những việc làm tồi bại của các quan chức tỉnh Kiên Giang nên ảnh bị chụp cái mũ là phá hoại, rồi bị kết án tử hình, sau thì xuống chung thân và ảnh đã ở 28 năm rồi, chuẩn bị bước vào năm thứ 29.
Trong thời gian ở trại giam Xuân Lộc, anh Nguyễn Hữu Cầu đã làm hơn 500 lá đơn yêu cầu xem xét lại vụ án nhưng những người có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước đã che giấu và phớt lờ.
Khi tôi ra tù thì anh Cầu có nhờ tôi cùng với gia đình làm đơn gửi tới các vị có trách nhiệm nhưng cho tới nay, chúng tôi không nhận được bất kỳ sự hồi âm nào.
Thật sự là những người trong guồng máy nhà nước hiện nay đã thấy được cái sai của những người tiền nhiệm, nhưng họ không muốn gánh trách nhiệm để giải oan cho anh Cầu và anh Cầu tiếp tục phải ngồi tù vì những con người không có can đảm nhận lấy trách nhiệm minh oan cho anh.
Và kế đó là cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Phu, một cựu tù chính trị khác…
Trân Văn: Anh đã từng bị giam chung với ông Nguyễn Hữu Cầu và anh có thể cho biết tại sao có rất nhiều trường hợp được giảm án nhưng ông Nguyễn Hữu Cầu thì không?
Nguyễn Hữu Phu: Tôi không được ở gần anh Cầu nhiều lắm. Tôi ở tù 10 năm nhưng ở gần anh Cầu không tới một năm vì ông Cầu thường được cách ly ở những nơi khác.
Theo sự nhận biết của riêng tôi, ông Cầu không được giảm án vì dường như là ông Cầu biết quá nhiều vấn đề sai trái của trại Z30A. Anh Cầu luôn luôn lên án và đòi hỏi nhà trại phải giải quyết những vấn đề đó cho nên nhà trại thấy vướng mắc, muốn giữ anh Cầu, không cho anh Cầu ra ngoài, sợ anh Cầu tung ra giữa công luận ở trong và ngoài nước.
Cựu tù chính trị Nguyễn Ngọc Quang cũng xác nhận: Tôi biết anh Cầu từ ngày mùng 7 tháng 10 năm 2008 cho đến ngày mùng 3 tháng 9 năm 2009.
Trân Văn: Anh có biết vì sao anh Cầu đi tù không?
Nguyễn Ngọc Quang:
Anh Cầu đi tù bởi năm 1982, anh cùng với một số bạn bè phát hiện ra rất nhiều tội ác của những người có chức vụ cao trong chính quyền tỉnh Kiên Giang như là Phó Chủ tịch tỉnh, hoặc là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh,… đã buôn bán ma túy, rồi bán bãi cho tàu vượt biên, rồi hiếp dâm những người phụ nữ vượt biên mà họ bắt được với rất nhiều chứng cứ. Đặc biệt là anh Cầu có sáng tác một số bản nhạc, một số bài thơ trước cái ác của chính quyền Kiên Giang và trước sự tàn bạo của Cộng sản, ảnh không chịu được, ảnh bức xúc và ảnh thể hiện cái cảm xúc của mình qua những bài hát, những bài thơ đó và ảnh hát cho bạn bè của ảnh nghe.
Rồi Tòa án tỉnh Kiên Giang ghép ảnh vào cái tội là “phá hoại”. Nó kết án ảnh tử hình. Về sau xử lại giảm xuống chung thân.
Việc anh Cầu ở tù cho đến hôm nay chưa ra là tại vì ảnh nắm giữ quá nhiều bằng chứng về tội ác của các quan chức cao cấp của tỉnh Kiên Giang và sau khi ảnh vô tù, ảnh biết được những bằng chứng mà các quản tù rồi những cán bộ trại giam đã gây ra ở trong tù là cho sản xuất pháo lậu, cho nấu rượu lậu, rồi những âm mưu thâm độc, giết tù chính trị bằng cách cho lây nhiễm HIV qua tù chính trị để giết người ta dần dần… Rất nhiều tội ác như thế cho nên là họ không thể thả anh Cầu ra.
Tính anh Cầu rất khí khái. Phải nói anh rất kiên cường. Chắc chắn ảnh sẽ không ngậm miệng khi ảnh được ra. Ở đây tôi xin mở ngoặc nói thêm một điều như thế này là, trước Tết năm vừa rồi, trại giam có đề nghị anh Cầu viết đơn xin đặc xá nhưng anh Cầu ảnh không viết. Nhất định anh không viết vì anh nói viết đơn xin đặc xá coi như đồng nghĩa với nhận tội.
Trân Văn: Tính cho đến ngày hôm nay thì ông Cầu đã ở tù bao nhiêu năm?
Nguyễn Ngọc Quang: Theo như tôi biết, đến nay, anh Cầu ở tù 34 năm ba tháng, được chia làm hai lần. Lần thứ nhất, sau khi miền Nam sụp đổ, anh Cầu ở tù cho đến cuối năm 1980, anh Cầu là một đại úy tâm lý chiến, cuối năm 1980, anh Cầu được thả. Đầu năm 1982, anh Cầu bị bắt lại. Hơn 35 năm “giải phóng”, anh Cầu ở ngoài đâu chừng 1 năm, 1 tháng gì đó thôi.
Truy nã cả thánh thần
Điểm đáng chú ý là trong cuộc trò chuyện với cựu tù chính trị Nguyễn Ngọc Quang, ông Quang tiết lộ, ông có cáo trạng của hai lần xét xử ông Nguyễn Hữu Cầu về tội “Phá hoại”. Ông Quang khẳng định: Tôi sẽ đọc lại bản cáo trạng và chịu trách nhiệm khi đọc lại cho anh.
Trân Văn: Cáo trạng đó là cáo trạng trong phiên phúc thẩm hay là trong phiên sơ thẩm?
Nguyễn Ngọc Quang: Phiên sơ thẩm và phúc thẩm chỉ sai lệch nhau tí xíu thôi. Nội dung tôi sắp đọc đây là có cả trong phiên phúc thẩm và phiên sơ thẩm. Tôi đọc cho anh nghe một đoạn: “Tên Nguyễn Hữu Cầu đã cấu kết với tên Anan và tên Ca Diếp. Mua dầu cho Anan và Ca Diếp để vượt biên. Hiện tại thì Anan đã vượt biên và Ca Diếp đang trốn tại Khánh Hòa, khi nào bắt được sẽ xử lý sau”.
Đó là một đoạn. Anan và Ca Diếp là hai đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong thời Đức Phật tại thế. Ấy thế mà nó cũng nói cho bằng được là ông Nguyễn Hữu Cầu cấu kết với Anan và Ca Diếp.
Tôi xin đọc tiếp một đoạn nữa:“Tên Nguyễn Hữu Cầu đã sáng tác ra bài ‘Giọt nước mắt Chúa’, với nội dung ca ngợi đế quốc Mỹ và còn mơ tưởng sự quay trở lại của đế quốc Mỹ, cầu ‘bơ thừa, sữa cặn’. Bài ‘Giọt nước mắt Chúa’ có nội dung như sau: Lạy Cha chúng con ở trên Trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con ra khỏi sự dữ. Amen. Nguyễn Hữu Cầu đã coi đế quốc Mỹ như là Cha trên Trời”.
Đấy! Hệ thống tư pháp của Việt Nam đã lôi bài kinh Lạy Cha của toàn thể tín đồ Kytô trên toàn thế giới ca ngợi Đức Chúa Trời gán cho anh Cầu là bài “Giọt nước mắt Chúa”.
Những thông tin về ông Nguyễn Hữu Cầu khiến người ta liên tưởng đến tuyên bố mới nhất của ông Nguyễn Văn Hưởng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, qua bài viết “Hãy hiểu đúng về nhân quyền Việt Nam!”, đăng trên Tạp chí Nhân Quyền số đầu tiên, phát hành hồi tháng 6 năm 2010. Theo đó, ông Hưởng bảo rằng, không thể mang quan điểm nhân quyền của những quốc gia khác áp đặt thành tiêu chuẩn cho Việt Nam. Vì mỗi quốc gia có bản sắc văn hóa riêng, có luật pháp riêng nên không thể lấy hình mẫu ‘nhân quyền’ của nước này đem sang nước khác được.
Vậy bản sắc văn hóa và luật pháp của chính quyền Việt Nam về nhân quyền thể hiện trên tù chính trị và trong các trại giam còn điểm nào khác đáng phải quan tâm? Mời quý vị đón theo dõi bài kế tiếp.
Nguồn: Trân Văn, RFA
Tôi cúi đầu sát đất, chào những con người cang trường, cương trực..Trương Văn Sương, Nguyễn Hữu Cầu thật đáng kính phục.