Hoa Kỳ và những thử thách sau Chiến Tranh Lạnh
Ý chính: bài này tóm lược hai giai đoạn nước Mỹ đang trải qua sau Chiến Tranh Lạnh: chiếm thế ưu việt từ 1990-2001, và khủng hoảng từ 2001 đến hiện giờ
Trong thập niên sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Hoa Kỳ đã dành được cho mình ưu thế tuyệt đối của một siêu cường duy nhất trên thế giới:
- Về kinh tế: nước Mỹ ổn định với mức độ tăng trưởng 4-5% mỗi năm, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát được kiểm soát khoảng 2-3%.
- Về chính trị: Hoa Kỳ đủ thế lực vận động quốc tế đối đầu với những nhà độc tài Saddam Hussein tại Iraq năm 1991 và Milosevich của Nam Tư năm 1999.
- Về quân sự: Mỹ chứng tỏ sức hùng cường qua trong cuộc chiến thắng chớp nhoáng tại vùng vịnh lần thứ nhất.
- Về khoa học: Mỹ dẫn đầu các ngành khoa học kỹ thuật nhất là trong lãnh vực điện toán; đã xây dựng hệ tin học Internet sau đó khuyếch trương nối mạng toàn cầu nhằm phục vụ cho thông tin và mậu dịch.
- Đối với quốc tế: Hoa Kỳ nắm vai trò trụ cột trong hai trào lưu toàn cầu hoá và tự do mậu dịch; giữ các nhiệm vụ then chốt trong WTO, World Bank và IMF.
- Đối với các nước đang phát triển: thị trường Hoa Kỳ rộng mở để giúp các nước đang mở mang (trong đó có Trung Quốc) chuyển đổi và phát triển. Vì là nền kinh tế đầu tàu nên Hoa Kỳ có nhiều ảnh hưởng về kinh tế và chính trị.
Hai làn sóng dân chủ tự do và kinh tế thị trường do Hoa Kỳ tiên phong tưởng chừng sẽ chinh phục thế giới vào thế kỷ 21. Các nước cộng sản và độc tài như sớm bị chôn vùi theo thời gian…
***
Cũng trong thập niên 90 này hai tác phẩm quan trọng đã xuất hiện với những dự đoán vô cùng khác biệt về hướng tiến trong tương lai:
- Quyển thứ nhất mang tên The End of History and The Last Man xuất bản năm 1992 của tác giả Francis Fukuyama. Ông này kết luận rằng lịch sử đã đến hồi kết thúc vì giờ này ý thức về tự do dân chủ (liberal democracy) được cả thế giới chấp nhận trong khi các chủ nghĩa duy thần, duy vật, phong kiến, thực dân, phát-xít và mác-xít đều bị đào thải[1]. Trong niềm lạc quan vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20 Hoa Kỳ được xem là động cơ chính yếu cho trào lưu của Tân Thế Kỷ.
- Quyển sách thứ nhì mang tên The Clash of the Civilizations and The Remaking of World Order phát hành năm 1996 theo đó giáo sư Samuel P. Hungtinton vẽ ra một bức tranh hoàn toàn tương phản. Thế giới không còn phân hoá bởi hai khối tư bản và cộng sản; các tiến bộ về thông tin và kinh tế sẽ tạo điều kiện cho những nền văn minh lớn tái phục hồi như từ Trung Quốc, Hồi Giáo và Ấn Độ. Các ý thức hệ của Tây Phương sẽ bị thách thức song song với sự trỗi dậy của những thế lực truyền thống trong lịch sử. Thế giới đang biến dạng từ thế lưỡng cực sang đa nguyên.
Quan điểm tương phản của hai tác giả không chỉ nằm trong phạm trù nghiên cứu và lý luận. Trái lại các tranh chấp hiện đang diễn ra hàng ngày giữa ý thức dân chủ tự do và các thế lực muốn tái lập uy quyền theo mô hình của quá khứ điển hình từ Trung Quốc, Hồi Giáo và Nga – mỗi ngày ảnh hưởng lên đời sống của hàng trăm triệu người trải dài từ Trung Đông, Đông và Nam Á, Phi Châu sang đến Đông Âu.
Trong thế giới đó Hoa Kỳ tuy không còn ưu thế tuyệt đối như trước nhưng vẫn tiếp tục đóng vai trò mấu chốt. Nhưng đầu tiên chúng ta hãy trở lại một bước để tìm hiểu ảnh hưởng của Mỹ từ sau thế chiến thứ hai.
***
Sức mạnh quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ là hai điều kiện cần thiết – cho dù không đủ – để giúp đỡ xây dựng và cũng cố cho nhiều chính quyền dân chủ dưới thời Chiến Tranh Lạnh. Các thành tựu đáng kể nhất là tại Tây Âu và Đông Á:
- Chương trình viện trợ kinh tế Marshall đã trợ giúp Tây Âu phục hồi nền kinh tế
- Liên minh quân sự NATO đã ngăn chận sự bành trướng của Liên Xô hướng về phương Tây
- Mỹ giúp Nhật Bản xây dựng hiến pháp và xã hội dân chủ hiếu hoà; đồng thời che chở bằng cánh dù quân sự để nước này tập trung phát triển trở thành một siêu cường kinh tế
- Thị trường Hoa Kỳ mở rộng nhập cảng giúp các con rồng Đông Á bao gồm Nam Hàn, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông phát triển kinh tế trong thập niên 1970-80, từ đó xây dựng các xã hội dân chủ, tự do và pháp trị.
- Nhưng bù lại Mỹ cũng đã gặp nhiều thất bại: tại Trung Đông và Nam Mỹ là những nơi mà Hoa Kỳ củng cố quan hệ buôn bán với các nhà cầm quyền độc tài phong kiến thay vì vận động cho dân chủ; tại Đông Nam Á khi người Mỹ rút lui năm 1972
Các nhà quan sát dần dần ghi nhận vài điểm tương đồng trong tiến trình của một nước đang mở mang xây dựng được xã hội dân chủ pháp trị bền vững. Hai bước đó gồm (1) hệ thống chính trị tương đối ổn định[2] (2) nền kinh tế phát triển đến mức thu nhập đầu người vào khoảng từ 4000-5000 USD – là những điều kiện chin mùi cho nền dân chủ bén rễ. Có vài cách giải thích cho nhận xét này [3]:
- Lợi tức bình quân ở mức nói trên chỉ có thể đạt đến khi một quốc gia giao dịch rộng rãi với quốc tế. Nhu cầu bảo vệ quyền lợi và các hợp đồng làm ăn trong và ngoài nước đòi hỏi luật pháp phải được chấp hành rõ ràng tạo môi trường cho một xã hội pháp trị được hình thành[4].
- Xã hội phải đào tạo được thành phần chuyên viên, trí thức và tư sản rộng lớn thì thu nhập mới lên đến 4000-5000 USD mỗi đầu người. Lớp người này không thể chấp nhận bị lãnh đạo mù quáng. Họ sẽ đòi hỏi tự do để phát triển tư duy, dân chủ để có tiếng nói bênh vực quyền lợi.
***
Tóm lại phát triển kinh tế là một bước không thể thiếu cho sự hình thành dân chủ tự do. Trong hậu bán thế kỷ 20 các nước đang mở mang thường dựa vào mậu dịch với Hoa Kỳ để làm bàn đạp cho bước đầu tăng trưởng. Mỹ vừa là
- nguồn tài chánh trực tiếp với đầu tư và viện trợ
- nguồn tài chánh gián tiếp qua các cơ quan quốc tế, và bằng những bảo đảm an toàn để những nước khác theo đó đầu tư
- nơi giáo dục và huấn luyện kỹ năng công nghệ và quản trị
- thị trường nhập cảng nhiều hàng hoá từ các nước đang phát triển. Cánh cửa vào Mỹ lúc nào cũng mở rộng hơn so với Âu Châu và Nhật Bản
***
Cho dù những nhà nghiên cứu tin tế như giáo sư Samuel P. Hungtinton (tác giả nói phần trên) đã tiên đoán về một thế giới đa nguyên, nhưng không ai lường được những thách thức cam go xảy đến cho siêu cường số một trong 10 năm đầu của thế kỷ thứ 21.
- Trước hết quả bóng đầu cơ vào ngành tin học bị nổ vào tháng 3-2000. Dù vậy, sự kiện này chỉ là nỗi thăng trầm tự nhiên của thị trường tự do nên không thể xem là một mốc lớn trong lịch sử.
- Trái lại, cuộc tấn công vào hai thành phố Washington D.C. và New York ngày 11 tháng 09 năm 2001 là một bước ngoặt vô cùng quan trọng. Cho dù đây là hành động của một nhóm khủng bố nhưng đã và đang đặt ra nhiều vấn nạn cho Hoa Kỳ và quốc tế:
- Hai trào lưu dân chủ tự do và toàn cầu hoá rất sâu không ít bị xem là đồng nghĩa với Mỹ hoá, và sức đề kháng rất mãnh liệt tại nhiều nơi
- Xã hội cởi mở (open society) của Hoa Kỳ và Tây Phương không tìm được mức thăng bằng giữa tự do cá nhân, quyền riêng tư (privacy) và hai nhu cầu bảo vệ an ninh cùng các giá trị truyền thống – chẳng những vậy các mâu thuẫn này ngày càng sâu sắc 10 năm sau biến cố 11 tháng 9.
- Thông tin đại chúng qua hệ Internet giúp nâng cao ý thức quần chúng và phát triển thương mại, nhưng đồng thời lại là công cụ cho các phong trào quá khích và quốc gia cực đoan được nẩy nở.
- Cuối cùng quả bóng địa ốc và tài chánh bị nổ vào tháng 11-2007. Nền kinh tế Mỹ sau 3 năm vẫn chưa hồi phục khiến thế giới phải đặt ra những câu hỏi chính đáng về mô hình kinh tế của Hoa Kỳ. Nhưng quan trọng hơn hết là liệu Á Châu có đang trỗi dậy và qua mặt Tây Phương trong thế kỷ 21?
Giữa các mốc thời gian đó là một loạt những thách thức xảy đến cho nước Mỹ:
QUÂN SỰ.
- Hoa Kỳ cùng một lúc đối phó trên ba mặt trận: chiến tranh không cân xứng, vũ khí hạch nhân và cuộc chạy đua vũ khí chính quy.
- Mỹ sa lầy tại Afghanistan và Iraq Mỹ sau những ngày đầu chiến thắng ngoạn mục. Các đối phương rút ra bài học về chiến tranh không cân xứng (asymmetric warfare) nên không còn e sợ sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, vì họ biết có thể thua lúc ban đầu nhưng rồi sẽ khiến quân đội Mỹ trả giá rất đắt sau đó.
- Những nước độc tài rút thêm một kết luận rằng hai nhà độc tài Slobodan Milošević (Nam Tư) và Saddam Hussein (Iraq) bị lật đổ chỉ vì họ không có vũ khí nguyên tử trong tay! Vì thế Bắc Hàn, Iran và giờ đây là Miến Điện nỗ lực chạy đua vào câu lạc bộ hạch nhân. Ngay với phong trào khủng bố Hồi Giáo thì một mục tiêu lớn của họ là tạo ra bất ổn tại Pakistan, nơi đang có hàng trăm quả bom nguyên tử trong kho vũ khí.
- Trung Quốc canh tân hoá quân đội trong hoàn cảnh Mỹ bị thiệt hại nặng nề tại Iraq và Afghanistan. Hai mũi dùi nhắm vào sức mạnh chính quy của Hoa Kỳ gồm (1) đạn đạo bắn vệ tinh, (2) lực lượng hải quân hùng mạnh tại Đông và Nam Á – một mặt đóng thêm tàu chiến, mặt khác trang bị các hoả tiển chống hàng không mẫu hạm.
Ngân sách quốc phòng của Mỹ hiện là 538 tỷ USD vào năm 2010. Con số chính thức của Trung Quốc là 78 tỷ USD trong lúc giới quan sát ước lượng thực tế có thể gấp đôi lên đến 150 tỷ USD tức khoảng 1/3 so với Mỹ. Tuy nhiên Hoa Lục chi phí rất thấp cho lương bổng, an sinh cho binh lính cùng gia đình và cựu quân nhân. Giá thành sản xuất vũ khí tác chiến cũng hạ rất nhiều so với Hoa Kỳ. Bắc Kinh lại không trang trải cho chiến tranh như tại Iraq và Afghanistan. Vì thế ngày mà Trung Quốc ngang hàng hay vượt trội Hoa Kỳ tại vùng Đông và Nam Á không còn xa nữa.
KINH TẾ
Như trên đã phân tích thị trường tiêu thụ của Mỹ là một trong các động cơ chính thúc đẩy nền kinh tế của các nước đang mở mang được phát triển. Nhưng cái gì tốt cũng có thể bị lạm dụng: dân chúng và chính phủ Mỹ quen tiêu xài phung phí đến mức cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới giờ này trở thành con nợ to nhất hoàn cầu. Chính Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 8 tháng 09-2010 đã nhận xét rằng các khoản vay mượn khổng lồ hiện là mối đe doạ cho nền an ninh quốc gia [5]. Quốc tế xem đây là sự yếu kém của Hoa Kỳ.
Nếu vào thế kỷ thứ 21 sức mạnh sản xuất chuyển từ Âu-Mỹ sang Á Châu; giả sử ý thức về dân chủ tự do không còn được hỗ trợ bởi nền kinh tế hùng mạnh số một; thì liệu chiều hướng của lịch sử sẽ thay đổi như thế nào?
Trở lại Hoa Kỳ đang phải đối đầu với thực tế là một nước không thể hùng cường nếu không tạo đủ công ăn việc làm cho dân chúng. Sự phục hồi lại tuỳ thuộc vào ba yếu tố: lợi nhuận của công ty (profitability), sáng kiến (innovation) và sản xuất (manufacturing).
- Trong 10 năm qua kinh tế tăng trưởng, doanh nghiệp có lời nhưng mức sống dân chúng không tăng lên. Lý do vì các công ty đi ra nước ngoài để khai thác nhân công rẻ và lại hưởng thêm những điều kiện dễ dãi về thuế khoá và môi trường, nên không cần tuyển dụng nhân viên trong xứ Mỹ.
- Hoa Kỳ là nước có nhiều sáng kiến vẽ ra sản phẩm và dịch vụ mới từ đó tạo thêm công ăn việc làm. Nhưng việc sao chép – cho dù hợp pháp dưới hình thức trao đổi công nghệ, hay một cách phi pháp – ngày nay quá dễ dàng khiến ưu thế của các nước công nghiệp bị sói mòn. Một số công ty ít ỏi thành công liên tục nhờ vào sáng kiến như Google, Apple, Microsoft v.v… lại mướn it nhân viên nên lợi tức chỉ tập trung vào một thiểu số mà không trải rộng toàn xã hội.
- Nhiệm vụ của nhà nước là tạo công ăn việc làm và an sinh xã hội cho mọi tầng lớp giàu nghèo giỏi dở. Khi sản xuất chuyển ra nước ngoài thì lớp người lao động chân tay bị ảnh hưởng trước nhất, nhưng giờ này ngay cả thành phần trung lưu cũng bị mất việc vì lãnh vực nghiên cứu và thiết kế (Research and Development) cũng đi ra ngoại quốc.
Bên cạnh đó còn một căn bệnh trầm kha của các xã hội dân chủ. Với quyền phổ thông đầu phiếu trong một thể chế đa đảng thì các chính trị gia phải chạy theo ý kiến của quần chúng để đắc cử – thường là họ bảo vệ các chương trình xã hội trong nhiệm kỳ của mình rồi để người kế vị hay thế hệ kế tiếp lo trang trải chi phí nợ nần ngày càng chồng chất.
Ngay cả đến lúc kinh tế phục hồi thì cả chính quyền lẫn dân chúng Mỹ (và Âu-Nhật) vẫn bớt tiêu xài để thanh toán nợ nần chồng chất. Thị trường tiêu thụ nhỏ lại trong khi cạnh tranh sản xuất ngày càng gay go với sự hiện diện của Ấn Độ và Trung Quốc. Sẽ có hai hiện tượng (a) các quốc gia đang mở mang gặp nhiều khó khăn phát triển lớp trung lưu (b) nhà cầm quyền ở những nước chậm tiến bị chi phối bởi thế lực kinh tế từ những quốc gia phi dân chủ.
CHÍNH TRỊ
Chính trị là khía cạnh mà Hoa Kỳ có ưu thế bền vững so với kinh tế và quân sự. Điểm đáng nói là trước đây thế giới e ngại về vị thế độc tôn (hegemony) khi Mỹ đang ở thế mạnh trong những năm 1990-2005, nhưng giờ này lại cần sự hiện diện của Hoa Kỳ khi các thế lực mới trổi lên đe dọa ổn định toàn cầu.
Quốc tế trông chờ vào sự lãnh đạo của Hoa Kỳ để ngăn chận hai thách thức lớn bắt nguồn từ phong trào Hồi Giáo bảo thủ và Trung Quốc.
Thời đại nào cũng có những nhóm người cực đoan thủ cựu nhưng điểm khác biệt là vào thế kỷ thứ 21 họ tự trang bị với phương tiện truyền thông đại chúng, đồng thời có khả năng tạo vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
Lời kêu gọi của Hồi Giáo cực đoan chẳng những thu hút hàng triệu người nghèo khó tại Trung Đông, Phi Châu, Afghanistan, Pakistan và Indonesia mà ngay cả giới học thức ở Mã Lai, Âu Châu và Hoa Kỳ. Mối đe doạ không giới hạn tại Mỹ nhưng trải rộng khắp Tây Âu, Đông Nam và Trung Á, Trung Đông và Phi Châu. Các nước dù có chính sách rõ rệt (Tây Âu, Nga và Trung Quốc) hay mập mờ (Trung Đông, Pakistan và Afghanistan) vẫn đều chia sẻ mối quan tâm và cần sự hợp tác với Hoa Kỳ để chận làn sóng khủng bố.
Trước đây Trung Quốc đặt trọng tâm phát triển kinh tế. Nhưng khi Mỹ bị sa lầy tại Iraq và Afghanistan và rơi vào khủng hoảng 2007-09 thì Bắc Kinh thay đổI thái độ trở nên cứng rắn trên chính trường quốc tế.
Nhu cầu Âu-Mỹ-Nhật là gia tăng sản xuất và tạo công ăn việc làm. Các nước đang mở mang cũng cần giảm áp lực cạnh tranh để nâng đỡ xuất cảng trong lúc thị trường tiêu thụ quốc tế đang thu hẹp. Thế giới đang chờ Hoa Kỳ dẫn đầu để áp lực lên Bắc Kinh tăng giá đồng Nhân Dân Tệ dù không để một trận chiến tranh mậu dịch xảy ra và lan rộng toàn cầu.
Sức mạnh quân sự của Trung Quốc hiện đang tăng tại Đông và Nam Á – Bắc Kinh xác nhận rằng họ muốn chiếm lại ưu thế trong những vùng ảnh hưởng lịch sử. Điều này tạo sự lo ngại cho Ấn Đô, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc và các nước vùng Đông Nam Á, dần dần hình thành một liên minh không chính thức với Hoa Kỳ.
Hoa Lục dùng Bắc Hàn, Iran và Venezuala để quấy phá Tây Phương – nhưng họ không tạo được một thế đồng minh theo đúng nghĩa của danh từ. Trái lại Hoa Kỳ dù bị ưa hay ghét vẫn có những bạn tin cậy tại Âu Châu, Đông và Nam Á, Úc Châu.
Bên cạnh đó Đông Âu trông cậy vào Mỹ để ngăn chận tham vọng của nước Nga. Các nước Trung Đông vẫn tin nhờ vai trò trung gian của Hoa Kỳ để giải quyết tranh chấp giữa Do Thái và Palestine, và ngăn chận tham vọng của Iran.
Để kết luận, chinh trị là vai trò sáng giá nhất mà Hoa Kỳ đang đảm nhận nên phải vô cùng cẩn trọng để không bị lạm dụng trong thế kỷ thứ 21.
Sâu xa hơn nữa, quốc tế có tin tưởng là nhờ vào nền dân chủ tự do mà Hoa Kỳ xây dựng được từ 200 năm nay.
© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt
[1] Nhiều người đã không đọc kỹ và hiểu lầm tác phẩm của Fukuyama nhất là sau sự suy thoái của Tây Phương trong thập niên 1990. Tác giả không hề quyết đoán rằng toàn thể nhân loại sẽ tiến đến dân chủ tự do cho dù hệ thống tư tưởng này đã được cả thế giới chấp nhận. Một thí dụ dễ hiểu là sự thành thật và lương thiện là hai điểm luân lý chung không phân biệt văn hoá và thời gian; dù vậy không có nghĩa là ai cũng sẽ sống hoàn thiện được như vậy
Thật vậy ngay cả cả các nước như Trung Quốc – Nga – Việt Nam v.v… những nhà lãnh đạo độc tài không hề phủ nhận giá trị của dân chủ tự do nhưng đồng thời cho rằng xã hội của họ tiến hành theo mô hình riêng biệt của từng quốc gia
Biệt lệ duy nhất có lẻ là phong trào Hồi Giáo nguyên thuỷ theo đó họ muốn tổ chức xã hội theo lời dạy trong kinh Koran
[2] Những trường hợp tương đối ổn định bao gồm: các nhà độc tài yêu nước như Phác Chính Hy (Nam Hàn) hay Lý Quang Diệu (Singapore), hoặc một xã hội đa đảng xáo trộn như trường hợp Ý Đại Lợi nhưng không đủ để cản trở những bước tiến về kinh tế
[3] Người viết khuyến khích độc giả tìm hiểu thêm xem nhận xét này có chinh xác hay không: khi lợi tức đầu người khoảng từ 4000-5000 USD thì xã hội sẽ phát triển sang chiều hướng dân chủ tự do. Ngành nghiên cứu xã hội là một khoa học không chính xác rất dễ dẫn đến kết luận sai lầm
[4] Vụ kiện công ty Vidal của Đài Loan là một thí dụ đáng lưu ý. Khi cơ xuởng sản xuất bột ngọt vi phạm luật pháp lén thảy chất dơ ra sông Thị Vãi sức khoẻ và mức thu nhập của dân chúng trong vùng bị ảnh hưởng, mang đến ý thức về môi trường và các luật lệ bảo vệ môi trường. Việc công ty Vidal phải bồi thường nặng nề khiến các cơ xưởng công và tư tại VN phải lo sợ và tuân thủ pháp luật tốt hơn.
[5] Ngoại trưởng Hillary ngày 08 tháng 09 năm 2010: “(US debt) poses a national security threat in two ways: it undermines our capacity to act in our own interest, and it does constrain us where constraint may be undesirable”