Hoa kỳ thách thức Trung Quốc về chủ quyền các quần đảo tranh chấp
Tác giả: MARK LANDLER (www.nytimes.com)
HÀ NỘI, Việt Nam – Với khả năng khai mào một cuộc ‘va chạm’ mới với Trung Quốc, hôm Thứ Sáu chính quyền Obama nói rằng họ sẽ bước vào cuộc tranh chấp rối rắm giữa Trung Quốc và các nước láng giềng bé nhỏ ở châu Á về một chuỗi quần đảo chiến lược quan trọng ở Biển Đông (South China Sea).
Trong một cuộc họp an ninh khu vực châu Á tại Việt Nam, Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ vẫn giữ thái độ trung lập, không xem các nước nào trong khu vực có chủ quyền hợp pháp nhất trên quần đảo này. Nhưng bà nói rằng Hoa Kỳ có quan tâm đến chuyện giữ cho sự vận chuyển hàng hải được tự do trong khu vực và rằng họ sẽ sẵn sàng tạo điều kiện cho cuộc đàm phán đa phương về vấn đề này.
Mặc dù bà bày tỏ ý định giúp giải tỏa giảm căng thẳng giữa hai bên, lập trường của bà thể hiện một lời khiển trách sắc nét đối với Trung Quốc. Bắc Kinh đã khẳng định trong nhiều năm nay: tất cả các quần đảo thuộc Trung Quốc và bất kỳ tranh chấp nào phải được giải quyết bởi Trung Quốc. Trong tháng ba, các quan chức cấp cao Trung Quốc cảnh báo chua cay với đối tác Mỹ của họ rằng họ sẽ không muốn có sự can thiệp nào vào Biển Đông (South China Sea), mà họ cho là một trong những quan tâm cốt lõi trong vấn đề “của chủ quyền của Trung quốc.
Nhiều hòn trong số các hòn đảo chỉ là những tảng đá lớn hoặc những bãi cát, nhưng chúng chứa nhiều dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên, và Trung Quốc xem chúng như là tiền đồn quan trọng trong việc mở rộng lãnh hải của họ ra đến các tuyến đường hàng hải nhộn nhịp ở biển.
“Hoa Kỳ là một quốc gia có nhiều quan tâm về quyền tự do giao thông hàng hải, và tự do đi lại ở vùng biển chung của châu Á cũng như chuyện tôn trọng công pháp quốc tế ở Biển Đông”, bà Clinton nói.
Công bố của bà là một chiến thắng quan trọng cho Việt Nam, tại đây đã có nhiều cuộc đụng độ chết người trong thập kỷ qua với Trung Quốc trên một số các đảo. Chiến lược của Việt Nam trước giờ vẫn cố gắng “quốc tế hóa” các tranh chấp bằng cách đưa các quốc gia khác vào những cuộc đàm phán đa phương.
Quyết định của chính quyền Mỹ trong chuyện nhập cuộc dường như đã làm Trung Quốc bị một vố bất ngờ, cũng như làm ông Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì của họ giận dữ, cùng thời điểm mà Trung quốc đang bị ‘căng’ vì cuộc thao dợt hải quân của Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ tổ chức bắt đầu từ cuối tuần này ở ngay ngoài bán đảo Triều Tiên .
Mười hai trong 27 quốc gia tại hội nghị An ninh đã lên tiếng ủng hộ cách tiếp cận mới cho vùng Biển Đông, khiến ông Yang cho rằng các nỗ lực này dường như do người Mỹ dàn dựng trước.
Quan ngại của quốc tế ngày càng sâu đậm về những tham vọng hàng hải của Trung Quốc, một quốc gia đang trên đà mở rộng lực lượng kinh tế và quân sự của mình. Trung Quốc gia tăng sự găng co với Việt Nam năm nay với kế hoạch phát triển du lịch tại một trong những quần đảo Hoàng Sa, mà hai nước đã chiến đấu trong năm 1974, trước khi Trung Quốc nắm toàn quyền kiểm soát. Năm 1988, họ đã có một cuộc đụng độ chết người trên quần đảo Trường Sa.
Trong những tháng gần đây, các quan chức chính quyền cho biết, Trung Quốc đã quấy rối tàu bè đánh cá và áp lực các công ty năng lượng đã cố gắng dự định ký kết giao kèo ngoài khơi với các nước khác.
Mặc dù quan hệ của Mỹ với Trung Quốc về các vấn đề chính trị và kinh tế được coi là ổn định, quan hệ quân sự đã trở nên căng thẳng hơn do việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan cũng như quan ngại của Mỹ về tham vọng đang phát triển hải quân của Trung Quốc. Trong tháng sáu, Trung Quốc rút lại một lời mời cuộc viếng thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Robert M. Gates, và hai bên đã đình chỉ phần lớn các cuộc hội đàm quân sự thường xuyên .
Tuần này, Trung Quốc đang bị nóng gáy về vụ tập trận hải quân chung giữa Mỹ và Nam Triều Tiên cũng vì một số cuộc thao dợt sẽ được diễn ra tại Hoàng Hải, mà Trung Quốc tuyên bố là một khu vực hoạt động quân sự của họ.
Tại hội nghị an ninh, căng thẳng khác bùng lên trên mặt trận quen thuộc của Bắc Triều Tiên, khi một quan chức Bắc Triều Tiên đe dọa một phản ứng bằng vũ lực nhằm đối phó với các cuộc tập trận hải quân. Hoa Kỳ không giấu diếm rằng các cuộc tập trận của họ nhằm mục đích gây áp lực răn đe và ngăn chận sự xâm lăng của Bắc Triều Tiên. Hoa kỳ thông báo vụ thao diễn hải quân này sau khi cuộc điều tra do Nam Hàn đã tìm thấy trách nhiệm của Bắc Hàn trong việc bắn thủy lôi chìm tàu Cheonan của Nam Hàn vào tháng Ba.
Quan chức Bắc Triều Tiên, ông Ri Tong-il, cho biết, “Đây không phải một cuộc tập trận phòng thủ ,” ghi nhận Hoa Kỳ đã được triển khai một hàng không mẫu hạm hạt nhân, George Washington ghê gớm nhất của họ trong các cuộc thao tác. “Đó là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với bán đảo Triều Tiên và cũng để các khu vực của châu Á nói chung.”
Nhưng Bắc Triều Tiên đã mở ra một cửa sổ nhỏ để đối thoại về vấn đề này. Sĩ quan quân sự từ Bắc Triều Tiên và Bộ chỉ huy Liên Hiệp Quốc đã gặp nhau ở vùng biên giới nối liền hai nước Triều Tiên vào hôm Thứ Sáu, đây là lần thứ hai trong tháng này họ thảo luận về vụ đánh chìm tàu. Ở hội nghị tại làng Bàn Môn Điếm kế cạnh biên giới, đại tá của cả hai bên “trao đổi ý tưởng và thông báo chi tiết cho việc triệu tập một nhóm đánh giá chung” để điều tra “nguyên nhân của hành vi vi phạm hiệp ước đình chiến đã dẫn đến vụ đánh đắm tàu”, vị tư lệnh Mỹ của Liên Hiệp Quốc cho biết.
Hiện chưa rõ liệu Bắc Triều Tiên sẽ chấp nhận đề nghị này hay không. Bắc Triều Tiên đã nhấn mạnh rằng cho đến nay họ tiến hành điều tra riêng của mình bằng cách gởi một đội ngũ các “thanh tra” sang Nam Hàn.
Ngày Thứ Sáu, Tư lệnh Liên Hiệp Quốc thông báo cho Bắc Triều Tiên kế hoạch tổ chức một cuộc thao diễn quân sự giữa Mỹ và Nam Hàn một cuộc thao dợt hàng năm từ 16 đến 26 Tháng Tám. Bình thường trong các thao tác hàng năm, địa điểm không được công bố.
Cuộc viếng thăm ở Hà Nội của bà Clinton kết thúc một chuyến đi mệt nhọc được kể là một cuộc du hành duyệt qua các cuộc chiến của Mỹ, quá khứ và hiện tại: từ Afghanistan đến khu vực phi quân sự tại Hàn Quốc, và cuối cùng đến Việt Nam, nơi mà, trong một buổi lễ hoàng hôn, bà quan sát thi hài của ba lính Mỹ bị giết trong cuộc chiến tranh được đặt lên một máy bay vận tải Không quân để trả lại cho Hoa Kỳ.
Bà Clinton tìm cách áp dụng những bài học lấy được từ kinh nghiệm của Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên đến Afghanistan. “Chúng tôi thấy Hàn Quốc đấu tranh để trở thành một nền dân chủ hiện hành – trải qua những cuộc sóng gió hỗn loạn lớn lao, những vụ đảo chính, tham nhũng, những vụ bê bối đầy kịch tính, không thiếu một vụ gì,” bà nói. “Đó là điều tốt để nhắc nhở chúng ta: Hoa Kỳ đã đâu lưng đấu cật với nhiều nước, đã kinh qua rất nhiều thăng trầm lâu hơn tám năm nay.”
Choe Sang-hun đóng góp tường trình từ Seoul, Hàn Quốc, và Edward Wong từ Bắc Kinh.
© NKTA (Bản tiếng Việt)
© Đàn Chim Việt