Bài 10: Ý thức mới về các quyền tại Trung Quốc
Elizabeth J. Perry, Nguyễn Ước dịch
Lời người dịch: Elizabeth J. Perry là giáo sư về môn Chính quyền (Government), và Giám đốc Viện Harvard-Yenching. Bà làm đồng biên tập cuốn Grassroots Political Reform in ContemporaryChina (Cải cách chính trị hạ tầng cơ sở tại Trung Quốc đương đại), 2007. Trong các sách của bà có Chinese Society: Change, Conflict and Resistance (Xã hội Trung Quốc, biến đổi, xung khắc và đề kháng), 2010, và Patrolling the Revolution: Workers Militants, Citizenship and the Modern Chinese State (Tuần tra cuộc các mạng: chiến sĩ công nhân, quyền công dân và nhà nước Trung Quốc hiện đại), 2006, v.v.
Bất chấp sự trấn áp tàn bạo cuộc nổi dậy Thiên An Môn năm 1989, tần số các cuộc phản kháng của đại chúng tại Trung Quốc (TQ), theo ý kiến chung, là tăng lên đều đặn suốt hai thập niên vừa qua. Những cuộc phản kháng ấy – ngày càng cất tiếng rõ ràng hơn bằng ngôn ngữ của “các quyền hợp pháp” (legal rights) – lan rộng thấy rõ trong mọi lãnh vực của xã hội TQ, thúc giục không ít nhà quan sát tuyên bố rằng có sự xuất hiện của “ý thức đang gia tăng về các quyền” mà tự thân nó đặt ra một thách đố mang tính dân chủ nguyên thủy (protodemocratic) cho chính quyền và tính bền vững của nhà nước cộng sản.
Các tác giả của bốn tiểu luận sau đây[1] đánh giá những cuộc phản đối trong các lãnh vực khác nhau của xã hội TQ – công nhân và nông dân chịu khổ sở, những người sinh hoạt vận động trực tuyến và “giai cấp trung lưu” mới – trên thực tế có biểu thị một hăm doạ nghiêm trọng cho nhà nước cộng sản hay không.
Ngay sau cuộc nổi dậy Thiên An Môn, nhiều học giả uổng công hy vọng một cuộc đột phá dân chủ đặt cơ sở trên sự liên minh giữa công nhân và sinh viên. Tại TQ, cũng như tại Ba Lan, dường như người hoạt động phong trào thợ thuyền chung vai sát cánh với nhà trí thức bất đồng ý kiến có khả năng xói mòn hệ thống cộng sản. Thế nhưng hai chục năm sau, viễn cảnh kịch bản Phong trào Ðoàn Kết trong đó công nhân là mũi nhọn của một liên minh gồm nhiều giai cấp để lật đổ cái chế độ cộng sản không được dân chúng yêu chuộng, có vẻ như may ra cũng chỉ mỏng manh.
Trong các tiểu luận, Ching Kwan Lee (Lí Thanh Quần) và Eli Friedman [Phong trào thợ thuyền tại Trung Quốc] nhận ra trong sự bất ổn lao động đang lan khắp TQ đương đại “hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy có sự huy động vượt quá các lằn ranh giai cấp hay miền đất địa phương”. Cho dù khẳng định có “sự gia tăng ý thức về các quyền” trong công nhân, Lee và Friedman lập luận rằng “đã biến mất các điều kiện kinh tế và chính trị từng có thời giúp cho công nhân tham gia với sinh viên trong cuộc nổi loạn.” Cũng như tại nông thôn, Kevin O’Brien [Phản kháng tại nông thôn Trung Quốc] nhận thấy rằng “sự hợp tác vượt qua các lằn ranh giai cấp” là “hiếm”. Phản đối tại nông thôn góp phần kiểm tra động thái chuyên quyền của cán bộ hạ tầng cơ sở nhưng hầu như không có dấu hiệu báo trước sắp xảy tới sự chuyển tiếp chế độ. Ngược lại, O’Brien thông giải ý muốn của các nhà cầm quyền TQ là chịu đựng tới một mức độ đáng chú ý sự phản đối đó, như một chỉ dấu cho thấy sự tự tin của họ và tính co giãn của nhà nước cộng sản.
Nếu Bắc Kinh đã xoay xở để thuần hóa các giai cấp xã hội “cũ” mà năm 1989 từng làm sụp đổ các chế độ cộng sản khắp Trung Âu và Ðông Âu, thì liệu nó có sẽ chứng minh một sự lão luyện không kém như thế trước các thách thức dãi dầu của các lực lượng xã hội mà hai chục năm trước chỉ hiện hữu thưa thớt tại TQ, thí dụ những người sinh hoạt vận động trực tuyến và giai cấp trung lưu mới?
Guobin Yang (Dương Quốc Bân) [Ðấu tranh trực tuyến tại Trung Quốc] gợi ý rằng tranh cãi trực tuyến đang đóng góp cho một tập thể công dân ít dễ bị mắc lừa và ít bị hăm dọa hơn, một sự chuyển thể mà ông thấy như một thành phần “cốt tủy” của bất cứ quá trình dân chủ hóa nào. Thế nhưng bằng chứng ông đưa ra để trình bày ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của sinh hoạt vận động trực tuyến (kể cả việc hủy bỏ qui định lỗi thời của chính quyền liên quan tới những kẻ sống lang thang nơi thành thị) chỉ dấu cho thấy rằng nhà nước độc tài chuyên chế, bằng cách đáp ứng đầy cảm tính và khôn ngoan đối với những phàn nàn từ chốn chatroom, có thể tìm thấy trong internet một trung gian mạnh mẽ để kéo dài tuổi thọ của nó.
Việc nhà nước theo dõi kỹ lưỡng những truyền đạt bằng điện tử cung cấp tin tức tình báo rất quan trọng về những hoạt động và thái độ của công dân, những thông tin ấy được dùng để không chỉ thấy trước và làm giảm sự căng thẳng hay nguy cơ của thách đố mà còn cải thiện việc cai trị và nâng cao tính chính thống bằng những chính sách xão quyệt trực tiếp nhắm tới những bất mãn của dân chúng.
Tiểu luận của Jeffrey N. Wasserstroom [Phản đối của giai cấp trung lưu Trung Quốc] cũng rọi ánh sáng lên tầm quan trọng của công nghệ truyền thông tiên tiến (đặc biệt text message) cho một loại phản đối mới NIMBY (“not in my backyard”: không được nơi sân sau nhà tôi) bởi giai cấp trung lưu đang trong quá trình xuất hiện. Tuy thế, Wasserstroom cảnh giác về ảo tưởng của giả định rằng điều đó tỏ cho thấy có thể sớm xảy ra dân chủ hóa tại TQ. Thay vào đó, ông đề nghị rằng nó chỉ tới một sự phát triển rất tầm thường: giai cấp trung lưu đang ngày càng quan tâm hơn tới việc bảo tồn và thăng tiến phẩm chất cuộc sống khu phố của họ.
Cả bốn tiểu luận ấy đều gợi ý rằng việc thảo luận của những người phản đối về các quyền tại TQ đương đại có thể nên được hiểu là một diễn đạt “sinh hoạt chính trị như thường lệ” hơn là một đòi hỏi mới về dân chủ do một xã hội dân sự mới nảy sinh và đang yêu sách sự tự trị của nó đối với nhà nước. Lối tu từ về các quyền ấy ăn sâu vào các cuộc phản đối đương đại, làm kéo dài mãi mãi một sở thích tồn tại lâu đời trong đó người phản đối TQ sử dụng loại ngôn ngữ được nhà nước cho phép dùng khi trình bày các bất mãn của thần dân – một cách chính xác là nhằm để tỏ cho thấy sự phản đối của họ không thách thức tính chính thống của nhà nước.
Kể cả khi lối sử dụng ngôn từ phản đối (thí dụ giữa những người sinh hoạt trực tuyến của Guobin Yang) dư dật hóm hỉnh mỉa mai nhằm làm nổi bật lỗ hổng giữa các chính sách của nhà nước với các thực hiện thật sự, sự triển khai ngôn ngữ được chuẩn nhậm một cách chính thức ấy cũng làm rõ ra rằng những người phản đối đang thao tác bên trong ranh giới hợp pháp của việc thảo luận, như được vạch rõ bởi nhà nước chứ không phải dựa trên cơ sở của lý thuyết này nọ về thẩm quyền chính trị.
Cũng thế khi những người biểu tình tại Thượng Hải chống lại việc nối dài tuyến xe lửa cao tốc Maglev (như Wasserstroom mô tả) đặt tên cho cuộc tuần hành phản đối của họ là “tản bộ hài hòa” (hexie sanbu), họ một mặt chế giễu khẩu hiệu “xã hội hài hòa” của chính phủ, một mặt tỏ dấu hiệu cho thấy sự gắn bó của họ đối với việc thảo luận trong khuôn khổ được nhà nước chấp nhận.
Pages: 1 2