Đẩy tình thế tới bờ vực chiến tranh mới tìm ra đáp án
Kể từ ngày 20/05/2010, kết quả điều tra quốc tế cho thấy, tàu chiến Cheonan của Nam Hàn đã bị tàu ngầm của Bắc Hàn đánh chìm vào ngày 26/03/10, làm thiệt mạng 46 binh sĩ hải quân Hàn quốc trên biển Hoàng hải được công khai loan báo, thì tình hình tại bán đảo Triều Tiên bỗng sôi sục không khí chiến tranh, lôi cuốn Mỹ, Nhật và Trung quốc vào cuộc. Á châu và toàn Thế giới bị đặt trước viễn cảnh một cuộc chiến điên loạn do đầu óc bất bình thường của lãnh tụ Bắc Hàn, Kim Jong Il quyết định. Tổng thống Hàn quốc Lee Myung-bak, trong thông điệp gửi quốc dân, ngày 24/05/10, tuyên bố: “Seoul sẽ tự mình chống lại mọi cuộc tấn công trong tương lai từ Bắc Triêu Tiên” Ông nhắc lại: “Những hành động thô bạo của Bình Nhưỡng trong quá khứ mà Seoul đã tha thứ, như dùng đặc công tấn công phái đoàn của tổng thống Hàn quốc, Chun Doo Hwan tại Miến Điện, năm 1983, làm 4 bộ trưởng tử thương, và vụ đặt bom trên chiếc máy bay dân sự Hàn quốc làm 115 người thiệt mạng, năm 1987. Lần này thời thế đã đổi thay, Bắc Triêu Tiên phải trả giá. Các biện pháp đầu tiên là cắt đứt quan hệ thương mại song phương, cấm không cho thương thuyền Bắc Triều Tiên đi vào hành lang của thương thuyền Nam Hàn”. Ông cam kết với dân chúng là: “Hàn quốc không tha thứ một hành động gây hấn nào, và sẽ sử dụng tức khắc quyền tự vệ khi lãnh hải, lãnh thổ và không phận bị vi phạm”.
Cùng ngày, lập tức chính phủ Mỹ ra thông báo là quân đội Hoa kỳ sẽ hết lòng hỗ trợ cho Nam Hàn đương đầu với một cuộc tấn công mới của Bắc Hàn. Tổng thống Mỹ, Obama ra lệnh cho các tướng lãnh Hoa kỳ: “Phối hợp chặt chẽ với đồng minh Nam Hàn để sẵn sàng ngăn chận mọi ý đồ bị tấn công trong tương lai”. Phát ngôn viên của tổng thống Mỹ, ông Robert Gibbs cho biết: “Các biện pháp trả đũa của Nam Hàn rất thích hợp và Seoul có thể tin cậy vào sự hậu thuẫn toàn vẹn của Washington. Ngày 28/05/10, thủ tướng Trung cộng, Ôn Gia Bảo bắt đầu công du Nam Hàn 3 ngày. Phát biểu trong cuộc tiếp xúc với tổng thống Nam Hàn, Lee Myung-bak, họ Ôn nói: “Trung quốc không che chở cho thủ phạm đánh chìm tàu Cheonan của Nam Hàn”. Tuy nhiên ông nhấn mạnh là: “Bắckinh không tán đồng và lên án mọi hành động đe dọa hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”. Ngày 29/05/10, thủ tướng Trungcộng, Ôn Gia Bảo cùng với tổng thống Nam Hàn, Lee Myung-bak và thủ tướng Nhật bản, Yukio Hatoyama khai mạc cuộc họp tay 3 để bàn về các kế hoạch thành lập khu vực tự do mậu dịch Bắc Á. Nhưng sự căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên đã làm lu mờ tất cả hồ sơ kinh tế.
Về phía Bắc Triều Tiên, thì việc thử bom nguyên tử, bắn hỏa tiễn, đe dọa an ninh trong toàn vùng, đều nằm trong kế hoạch buộc thế giới phải quan tâm tới vị thế của Bắc Triều Tiên và vai trò lãnh đạo tuyệt đối của họ Kim, mà không che dấu chủ trương muốn đi thẳng với Hoa kỳ, không qua trung gian của Trung cộng, hay một quốc gia đệ tam nào nữa. Chính vì vậy mà Kim Jong Il không thiết tha gì về cuộc họp 6 bên: Mỹ, Trung quốc, Nga, Nhật, Nam và Bắc Hàn. Họ Kim cũng thừa hiểu rằng, dân Nam Hàn không muốn có chiến tranh. Chính phủ Nam Hàn không muốn thống nhất Triều Tiên, mà chỉ muốn vào làm ăn, buôn bán tại Bắc Hàn, để cho xứ này đủ sức tự nuôi nổi mình, trước khi đề cập tới việc thống nhất đất nước. Nuớc Mỹ cũng không có lợi khi đeo thêm một gánh nặng, mà Trung quốc đang phải è cổ ra chịu đựng với khối người đói khổ Bắc Triều Tiên, và với một chế độ cha truyền con nối, điên điên, khùng khùng đang cai trị dân chúng với tên gọi là cộng sản chuyên chính kiểu Stalin. Biết vậy, nhưng Trung quốc vẫn phải lợi dụng tính khùng điên, gây rối của Bắc Hàn để đặt điều kiện với Mỹ trong thế chính trị quốc tế. Bắc Hàn cũng còn cần phải tạm thời dựa vào Trung cộng để tránh những biện pháp trừng phạt nặng nề của LHQ. Chính vì vậy, mà sau khi bắn chìm tầu chiến của Bắc Hàn, Kim Jong Il đã thực hiện cuộc viếng thăm Bắc kinh, nhằm cột Bắc kinh vào với Bình nhưỡng.
Mỹ cũng chẳng vừa gì, ngoài mặt tưởng như Mỹ làm ngơ đứng nhìn để choTrung quốc dương oai diệu võ tại biển Đông và vùng biển Nhật bản, nhưng bên trong thì tăng cường sức mạnh quân sự ở Á châu và Đông Nam Á, với các hiệp ước song phương, nhằm để cho các nước trong vùng cùng đứng chung dưới chiếc dù quân sự của Mỹ. Ngày nay Bắc Hàn đột nhiên đẩy tình thế Bắc Á tới bờ vực chiến tranh, khiến cho thủ tướng Nhật, Yukio Hatoyama phải xin lỗi vì đã thất hứa với cử tri Nhật, khi ông tranh cử năm ngoái đã cam kết là “sẽ chuyển hoàn toàn căn cứ Mỹ ra khỏi Okinawa”. Nhưng nay, ngày 28/05/10, Nhật bản và Hoa kỳ tuyên bố đã nhất trí sẽ chuyển địa điểm căn cứ Futenma hiện nằm trong thành phố tới một nơi thưa dân vẫn nằm trên đảo Okinawa. Hai bên long trọng tuyên bố:“Liên minh Mỹ-Nhật vẫn là tối cần thiết, không chỉ để bảo vệ Nhật bản, mà còn vì hoà bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực châu Á Thái Bình Dương”. Ngày 02/06/10, hãng truyền thông Nhật bản NHK loan tin, thủ tướng Nhật, Yukio Hatoyama đã quyết định từ chức. Như vậy, về Liên Minh Quân Sự lâu dài giữa Mỹ-Nhật đã có đáp án. Đáp án cho phía Mỹ-Trung thì còn rất nhiêu khê. Nên đáp án cho đương sự Bắc Triều Tiên thì hãy đợi đấy! Chính vì điểm này, mà thế giới rất lo ngại về tính tình thất thường của Kim Jong Il, có thể gây ra chiến tranh kiểu điện ảnh giật gân.
Thế nhưng một biến cố quốc tế khác, đã làm cho dư luận quốc tế bỗng bớt chú tâm về vấn đề bán đảo Triêu Tiên đi, đó là vào sáng sớm hôm 31/05/2010, trong hải phận quốc tế, ngoài khơi dải Gaza, môt nhóm biệt kích Israel đã dùng trực thăng, nhảy xuống tấn công 6 chiếc tầu nhỏ, mang tên “đoàn thuyền tự do” cho dải Gaza. Có ít nhất là 19 người bị thiệt mạng, và 36 người bị thương, đa số là công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm tàu này từ vùng biển quốc tế ngoài khơi đảo Chypre, tìm cách phá vòng phong tỏa của Israel để vào Gaza, tiếp tế cho dân chúng ở đây. Khiến cho dư luận khắp thế giới phản ứng mãnh liệt về vụ tấn công này. Các thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án Israel trong phiên họp khẩn cấp bàn về vụ tấn công gây nhiều thương vong của Israel. 15 thành viên Hội Đồng Bảo An dùng lời lẽ chỉ trích nặng nề trong tuyên bố riêng của mỗi nước. Một số đó, có Nga, Pháp, Trung quốc, đòi Israel chấm dứt phong tỏa dải Gaza. Hoa kỳ thì vô cùng quan ngại khi bạo lực xẩy ra, và lấy làm tiếc vì một số người bị thiệt mạng, hoặc bị thương, khi họ dùng tàu biển đến tiếp tế cho Gaza. Tổng thư ký LHQ, Ban Ki-moon kêu gọi mở cuộc điều tra toàn diện. Mặc dù lời lẽ của Mỹ đưa ra hết sức thận trọng, nhưng hệ quả của vụ tấn công chắc chắn đã gây rắc rối giữa Israel với chính quyền Obama. Tòa Bạch Ốc vốn đã tỏ ra bất bình đối với lập trường về hoà bình của chính phủ Israel, Benjamin Netanyahu. Nhất là mới đây chính phủ Mỹ đồng ý với các nước trong khu vực về giải pháp “Phi Vũ Khí Hạt Nhân” ở Trung Đông, làm cho Israel bị hụt hẫng. Phải chăng, chính sách của Mỹ đang ‘đứng xa ra’ đối với Israel, để Israel tự tìm lấy đáp án cho vấn đề Iran, là kẻ thù chính, đang đe dọa sự tồn tại của Israel và nền hòa bình lâu dài ở Trung Đông? Chờ xem!
© Lý Đại Nguyên