WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Những người sống bằng lương

Tôi viết phóng sự này với lý do thật đơn giản, hết giờ làm việc chiều, tiện đi ngang qua chợ, tôi liền sà vào mua thức ăn, một bà cụ ăn mày già nua, rúm ró bước tới hỏi xin, còn chưa kịp làm gì, chị đứng ngay sau tôi lên tiếng, giọng lễ phép:

- Chúng cháu không có đâu cụ ơi, toàn những người sống bằng đồng lương nhà nước cả, ăn còn chẳng đủ…

Trở về, vừa dắt xe qua cửa cô con gái đã gọi toáng lên:

- Mẹ!

Tôi lạnh người, vừa bước vào năm học mới được vài hôm, nó gọi bằng cái giọng ấy, chắc muốn khảo tiền đây.

Y như rằng:

- Mẹ ơi còn hai ngày nữa là sinh nhật bạn con rồi, thế mà con chả có bộ quần áo nào ra hồn cả.

Bực quá, tôi mắng át đi:

- Lại còn đòi hỏi gì nữa, chị đã chết đói, chết rét đâu mà phải lo.

Con bé phụng phịu:

- Nhưng mà con đã 15, 16 tuổi rồi, cứ phải mặc quần áo cũ, ngắn cũn cỡn đi dự sinh nhật bạn bè trông buồn cười lắm.

Mặc kệ nó, tôi quầy quả xách bó rau vào bếp, vẫn nghe giọng nó lanh lảnh phía sau:

- À, mẹ ơi, chủ nhật này mẹ phải đi họp phụ huynh cho con, rồi đem tiền để nộp học kỳ I với cả tiền ăn tháng này nữa đấy.

Tôi thở hắt ra, nặng chịch:

- Lại họp à, thế đóng góp bao nhiêu?

- 300 nghìn tiền quỹ lớp cả năm, 300 nghìn tiền ăn tháng 9, 400 nghìn tiền học ngoại khoá học kỳ I, với một số khoản chi phí khác, tổng cộng là 1.294 nghìn.

- Trời ơi! tôi không muốn tin vào tai mình: – Chị không định hù doạ tôi đấy chứ?

Cô con gái ngơ ngác:

- Không ạ.

- Những hơn triệu bạc, tôi đào đâu ra bây giờ? Còn thằng em chị nữa chứ.

Vừa lúc chồng tôi dắt chiếc xe còi đời 81 về, nét mặt xanh xám:

- Anh vừa gặp cậu Phúc, nó bảo hai ngày nghỉ cuối tuần vợ chồng nó phải về quê nội sang cất mồ mả cho ông bà, vì vậy tí nữa nó sẽ đèo ông ngoại đến nhà mình, nhờ vợ chồng mình chăm sóc ông mấy hôm.

Tôi chưng hửng nhìn mớ rau trên tay:

- Những mấy ngày cơ à? Liệu đủ tiền để đãi ông không?

Không trả lời, anh hỏi tôi vẻ lo lắng:

- Gay go quá, được một bữa cơm người mất mười bữa cơm nhà, em còn tiền không?

- Lấy đâu ra, 7 nghìn một lạng tôm, moi móc túi nọ túi kia mới được 40 nghìn bạc, chỉ dám mua mớ rau với vài lạng tép về rang muối, ăn tạm mấy hôm.

-Chết thật, chồng tôi lật đật mở cặp, mở ví, than thở: -Chỉ còn đúng 100 nghìn, quay sang tôi cái nhìn anh buồn bã: – Tháng này chi tiêu gì mà hết sớm thế?

Dường như chỉ chịu đựng được đến thế tôi la:

- Tiêu gì? Ngoài 60 cân gạo 780.000, 353 nghìn tiền điện, 272.000 tiền ga, 186.000 tiền điện thoại rồi ăn uống từng ấy hôm; với vẻn vẹn 3,2 triệu đồng tiền lương của cả hai vợ chồng, anh còn nghi ngờ gì?

Không biết nghĩ ngợi gì mà mặt anh thất sắc:

- Hay là anh đi vậy.

Đến lượt tôi nghi hoặc.

- Hết giờ làm việc rồi mà anh định đi đâu? đi đâu?

Không ngờ anh trả lời tỉnh queo:

- Thì anh đến cơ quan… trực, ông đến, không thấy anh, ông sẽ về.

Tôi chưa kịp phản ứng gì, ngoài cửa có tiếng xe ầm ào vọng tới, ông chống gậy bước vào:

- Vợ chồng con cái thằng Nghiã đâu?

- Mời ông vào chơi, chồng tôi vồn vã.

- Vợ chồng mày tiếp đãi ông An thế nào mà để ông ấy về làng chửi bới, nhiếc móc ghê thế?

Chỉ kịp nghe thấy thế, chồng tôi buông tay ngồi phịch xuống ghế, mặt tái xám, miệng thở dốc…

Vừa rót nước mời ông, tôi vừa cố giải toả ấn tượng không mấy vui vẻ này:

- Ông ạ, cả hai vợ chồng con đều sống dựa vào đồng lương nhà nước, đón ông con ra ngoài này chưa đầy năm mà mỗi lần đưa ông về ăn cưới các chú, các bác trong làng giỗ tổ, giỗ họ, sang cất mồ mả là trọn vẹn tháng lương, vì thế mà mấy lần ông đề nghị, nhà con không dám nói ra nhưng tìm mọi cách thoái thác…

Thôi ông hiểu, hiểu rồi, thì ra ông ấy hiểu lầm vợ chồng mày mất gốc, không coi tình nghiã họ hàng, xóm làng ra gì. Không khí lặng đi, nghĩ tới bếp nước còn nguội tanh, thức ăn cũng chẳng có nhiều, tôi vội giục:

- Anh xem ra chợ mua thêm thức ăn.

Nhắc đến chợ, nét mặt anh vừa kịp giãn ra thanh thoát lại ủ dột trở lại, tối nhọ mặt người, anh xách con cá trở về mặt mày hớn hở:

- Em xem này, cá chép hẳn hoi nhé, lại chỉ có 50 nghìn.

Tôi còn đang nghi hoặc: “Cá chép gì mà lại dài thườn thượt thế này?” Ông chú – em ruột bố chồng tôi đã cúi sát xuống nhìn, anh càng huênh hoang đắc thắng:

- Phải chép trăm phần trăm không ông? Tối nay ông con mình uống rượu.

Ông cười nói lảng:

- Ừ có thể nó là con chép… cỏ đấy!

Nhà tôi chưng hửng:

- Sao thế ông? Hoặc là chép, hoặc là trắm cỏ, sao lại?

Ông tủm tỉm:

- Ở quê mọi người vẫn biết nó là con trắm cỏ, nhưng con khẳng định là chép thì có lẽ nó là chép… cỏ thật, cỏ nghiã là cỏ giả ấy mà, chép giả đấy con ạ.

Nghe ông giảng giải, tôi phì cười, còn chồng tôi ngẩn tò te, vừa xấu hổ vừa lúng túng giải thích:

-Thảo nào các hàng khác đều đòi 42, 35 nghìn một cân; riêng hàng này đòi có 38, chờ cho mọi người mua hết rồi con mới nhặt con cuối cùng giả 35 nghìn, hỏi có phải chép thật không? nó lại cười, lúng ba lúng búng như miệng chép ngậm đầy… cỏ ấy.

Mâm cơm được dọn ra, dù chỉ là chép cỏ nhưng nhờ cách nấu nướng cùng gia vị phong phú: hành, thìa là, ngổ, rau răm nên cũng có phần khởi sắc, câu chuyện vì thế mà thêm phần đậm đà, hai chị em thằng Tuấn, con Tú cứ chan ngập bát và không kịp nuốt, cuối cùng thằng Tuấn tuyên bố:

- Cơm nhà mình hôm nay ngon quá, con ăn lõ lò lo (rõ là no).

Con Tú cười chọc em:

- Tí nữa em không đi lại bình thường được đâu, thế nào cũng phải chống hai tay ra đằng sau để thở thôi.

Chừng hiểu và thông cảm với hoàn cảnh hai vợ chồng tôi, ông bảo:

- Lần sau ông sang, hai đứa đừng vẽ, ông ở đây lâu với vợ chồng con Lành ông hiểu hết, ông có phải độc đoán, gia trưởng như ông An nhà này đâu.

Vui chuyện tôi hỏi:

- Cô cậu ấy cũng phải sống bằng lương như vợ chồng con ạ.

- Được như vợ chồng nhà này đã sung sướng, ông bảo con Lành làm tít tận trên huyện, cách Hà Nội 22 cây, sáng nào cũng phải mò dạy từ 5 giờ sáng chờ đợi, chầu trực xe tuyến, chiều 4 rưỡi, 5 giờ xe mới đưa ra; lương ít, chỉ đủ nuôi thân hai bữa sáng trưa, còn tối về chồng bao.

Tôi ngạc nhiên:

- Sao lại thế ạ?

- Thì đấy – ông khẳng định: – Cán bộ ngân hàng huyện hẳn hoi, tháng chưa đầy 1,5 triệu bạc, không ăn trưa, không thưởng, mỗi ngày 50 nghìn. Trừ ăn uống, mua vé tháng rồi, mỗi tháng dúi cho bố được 300 ngàn là hết nhẵn.

- Thế còn chủ nhật, còn bao nhiêu thứ chi tiêu khác, lễ nghiã, ma chay, cưới xin?

- Chồng lo tất, chả thế mà nó tuyên bố: – Lấy chồng có nghiã là ăn bằng… lương chồng, làm bằng… tay chồng, đi bằng… chân chồng.

- Còn con ạ, tôi gặng:

- Nó bảo: vì chồng không biết đẻ, nên nó chỉ đẻ hộ, còn chồng phải nuôi, cho nên thằng bé đã hơn ba tuổi rồi mà động đến thứ gì trong nhà cũng của pố, pố mua, pố cho, thậm chí hỏi nó: ai đẻ ra con, ai cho con ti, nó cũng trả lời: Pố.

Chúng tôi cười lăn, chồng tôi như mặc cảm với vai trò quá bình đẳng với vợ, liền thăm dò: – Tại chú Phúc làm cho công ty nước ngoài, đâu phải sống bằng lương như hai vợ chồng con.

- Ờ, ông chú tôi xác nhận: – Nó trình độ kỹ sư, nhưng không xin nổi vào nhà nước, phải vào làm bảo vệ ở bộ phận giặt là cho khách sạn Mêlia, tháng cũng ra được 150 đô, thỉnh thoảng lại được mấy ông tây dúi cho vài đô lẻ tiền boa, nên công lại cũng hơn hẳn lương kỹ sư nhà nước.

- Mới tháng trước nhà nước ban hành chế độ lương mới ông ạ, chồng tôi thủ thỉ: – Thêm phần trăm, hệ số phết phẩy, lại thay đổi cả chế độ lương gốc, cũng phải hơn vài trăm nghìn so với cũ, chỉ tiếc là giá cả tăng lên ghê quá, vì vậy lương dẫu có tăng gấp đôi, gấp ba cũng không bù lại so với giá cũ.

- Chứ còn gì nữa, ông chú xác nhận, năm ngoái tôi nhớ 100 USD của thằng Nghĩa biếu bố vợ còn mua được 2 chỉ vàng, giờ vàng trèo lên hẳn một triệu bẩy một chỉ rồi. Cứ là lo méo cả mặt.

Nhân đà câu chuyện, tôi bảo:

- Nhà con mấy tháng nay mắc bệnh chảy máu vàng liên tục ông ạ.

- Chảy máu vàng à? Ông ngạc nhiên hỏi lại rồi như không tin vào tai mình, lom lom dòm mặt từng người trong nhà, vẻ thương cảm:

- Thảo nào vợ chồng con cái nhà này trông xanh xao quá, như thể mắc bệnh hậu sản cả lượt.

Hiểu rõ tính vợ, chồng tôi chữa thẹn:

- Chảy máu vàng là chảy máu… ngoại tệ, là… tiền mất giá thậm tệ quá nên phải sang nhà bà ngoại vay nóng mấy chỉ vàng chi tiêu thêm cho con cái ăn học ấy mà ông. Từ đầu năm 2008 đến nay mới có chín tháng mà nửa cây vàng đã đi tong rồi ông ạ. Sắp tới lại họp đầu năm cho hai đứa, chưa biết vay ở đâu ra hai triệu rưởi bạc đây?

- Chết chết, ông chú bộc bạch: – Thế ra ở thủ đô cũng vẫn có cảnh khổ sở này à? Ở quê, tôi có ông bạn già về huu, lương tháng được 900 ngàn đồng, đưa tất tật tần cho vợ mà ngày hai bữa, chả món nào dám đụng đũa, chỉ vì hễ định gắp rau bà vợ lại giải thích:

- Rau đắt gấp đôi rồi đấy. Tháng trước 6.000 đồng một cây cải bắp, nay thì 6 ngìn đồng chỉ được non nửa cái… Chết chết, ăn rau đắt ngang ăn thịt giời ạ.

- Động đến thịt, cá, bà ấy cũng lại bảo, giọng xót ruột:

- Thịt gà mắc dịch chết hết rồi thành thử thịt lợn, thịt bò, cá mú… cái gì cũng tăng veo veo, tăng hơn giá xăng giời ạ.

Thế là đành ngồi ăn cơm không, chả hiểu hạ đường huyết, suy sinh dưỡng thế quái nào lại lăn ra ngất, phải vào bệnh viện huyện cấp cứu, báo hại hội cựu chiến binh chúng tôi vào thăm, mỗi cụ mất toi năm chục nghìn từ túi vợ.

- Nếu tiền tệ cứ mất giá thảm hại thế này, con đành viết đơn xin liên hiệp quốc viện trợ thôi – Chồng tôi đùa:- Ai lại tiền lương của một người đi làm không nuôi nổi bản thân thì con cái trông vào đâu?
Cả nhà 4 người, một tháng ít nhất phải chi tiêu 6 triệu đồng thì cả hai vợ chồng: lương thưởng, kế hoạch tất tật chưa đầy 3 triệu rưởi bạc, ông bảo… làm sao com dám đón ông nội các cháu ra ngoài này báo hiếu?

Chừng như thông cảm với hoàn cảnh của người làm công ăn lương, ăn dé ăn dè cả năm, gặm mòn cả lương tâm nhân cách để kéo dài kiếp sống tôi đòi, mòn mỏi, ông tâm sự, giọng trầm cảm:

- Tôi cũng thấy thế. Cả ông bà bên ấy đều quy tiên rồi, còn mình, mang tiếng từ quê lên giúp con, giúp cháu mà cứ để thằng chồng nó phải nuôi nấng, mua sắm, chi phí; nào vợ, nào con, lại còn cả bố vợ nữa. Bình thường không sao, lúc vợ chồng nó hục hặc, cấm cảu nhau, thật mình cứ như bố vợ phải đấm… sưng tấy hết mọi thứ, từ cơ quan nội tạng đến các chi tiết bộ phận trên người…

Trên mâm, đĩa chép cỏ đã hết, chỉ còn trơ xương, tự nhiên tôi nảy ra một ý muốn: Giá như giữa đời thường có bụt, hẳn là tôi sẽ chôn nắm xương này xuống đất hoặc chôn sâu dưới bốn chân giường để từ xương sẽ hoá ra quần áo, sách vở, tiền nong (đúng 2 triệu rưởi VND thôi) để con cái tôi đem niềm vui, tâm trạng của cô Tấm đến trường, đến nhà dự sinh nhật bạn, không phải mặt ủ, mày chau mỗi khi cô giáo nhắc đến số tiền chưa kịp đóng góp cho nhà trường, hoặc sợ bạn bè dè bỉu khi mặc quần áo cũ giữa đám sinh nhật bạn nữa.

Phản hồi