WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cuối Năm Nói Chuyện Lì Xì Ngày Tết!

tet-festival-2013Những năm tháng chiến tranh dù phải sống trong cảnh bom rơi, đạn lạc, chết chóc, thương tật diễn ra hàng ngày. Sau cái tết Mậu Thân năm 1968, Chính phủ Quốc gia có cấm và hạn chế đốt pháo vào những năm tiếp theo.
Nhưng không khí tết cổ truyền ngày ấy thật sâu lắng, vui tươi, rộn ràng; cả thảy người lớn, trẻ con đều háo hức mong đợi một mùa xuân thanh bình, ấm no, thịnh vượng! Ngày tết đến thường là dịp để gia đình, dòng tộc xum họp, vui vầy và làng xóm, láng giềng gắn bó qua lại chúc tết, thăm viếng lẫn nhau.
Ngày tết đến, trẻ con quây quần mừng tuổi, chúc tết để được ông bà, cha mẹ chúc phúc và lắng nghe những lời giáo huấn, dạy dỗ đầu năm kèm theo bao lì xì đỏ tượng trưng cho phúc lộc, may mắn trong năm mới…. Đến cái thời thắt lưng buộc bụng hay còn gọi là thời bao cấp phải ăn bo bo, bột mì hoặc phải dùng khoai, sắn trộn cơm thì những ngày tháng đói khổ đó đã làm cho con người không còn lòng dạ nào để quan tâm đến người khác.
Sự bần cùng hóa xã hội chính là nguyên nhân của biết bao thói hư, tật xấu mà ngày nay gọi là vô cảm, thực dụng. Hầu như tất cả các phong tục, tập quán truyền thống cùng những nghi thức lễ hội tốt đẹp xưa kia đều biến thành những cơ hội kiếm chác, trục lợi. Trong đó tục biếu xén quà cáp, lì xì của các ngày lễ tết đang là nỗi lo, nỗi ám ảnh cho các doanh nghiệp, cho hầu hết những người lao động ở nông thôn và những người làm công ăn lương.

Nhớ lại những năm chưa cấm đốt pháo! Sau nhiều năm trốn lánh rời bỏ làng quê lên thành phố làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Trãi qua những năm tháng khó khăn, vất vả mà thấm thía và tủi buồn nhất là những ngày tết đến, dù cố kìm nén nhưng nước mắt vẫn cứ chảy dài khi nghe tiếng pháo giao thừa.
Mấy ngày đầu của một năm mới chỉ biết ngồi bó gối trong căn gác trọ mà không dám bước chân ra đường… Khi đến thời mở cửa, hội nhập (1994 – 2004) đời sống có vẻ khấm khá hơn; nhân một dịp tết, tôi quyết chí đến thăm một người bạn cũng là anh em kết nghĩa lúc còn trong quân ngũ và phải đợi đến tối ngày mùng ba mới dám “xuất hành”.
Nhưng không ngờ đêm hôm đó lại tập trung quá đông trẻ con là em, cháu ở quê lên chơi. Sau những chuyện thăm hỏi về sức khỏe, công việc và chúc tết theo lệ thường, tôi rút túi có bao năm mươi ngàn đồng lì xì cho hai đứa con của anh bạn và móc xấp bao mười ngàn để lì xì cho cả nhóm gần mười đứa.
Khi vừa phân phát xong là lũ trẻ đã mở ra ngay, nét mặt đứa nào đứa nấy đều ỉu sìu so với sự háo hức lúc ban đầu và trong nhóm có đứa nói: “chỉ có mười ngàn”! Sau câu nói vu vơ của trẻ con nhìn thấy vẻ mặt cha mẹ của chúng cũng không vui.
Đời sống kinh tế ngày càng khó khăn, cuộc sống ngày càng vất vả; tiền lương của mỗi công nhân, viên chức bình thường đều có giới hạn vì khi ba ngày tết, bảy ngày xuân đi qua còn phải ăn, mới sống và làm việc được. Sau mỗi cái tết qua đi, lẽ thường mất đứt vài triệu bạc nào quà biếu cha mẹ ruột, cha mẹ vợ, nào bia rượu, bánh mứt, thức ăn lo ăn, lo uống tiếp khách trong mấy ngày tết, nào tiền lì xì cho trẻ con và cho cả người lớn tuổi.
Và mỗi dịp lễ tết, từ lâu nay thường trở thành thông lệ, người ta cho rằng mùa lễ tết là cơ hội để kiếm tiền cho nên nhiều chỗ, nhiều nơi giá cả tự do tăng cao mà không cần một cơ quan hữu quan nào cho phép nhưng lại là một chuyện bình thường vẫn luôn tồn tại trong lòng xã hội. Chẳng hạn, gửi một xe gắn máy vào bãi xe nơi vui chơi, giải trí giá cao gấp đôi, gấp ba lần ngày thường, hỏi vì sao mắc vậy! Câu trả lời: “ thông cảm đi, tết mà”, nhiều loại hoa quả, đồ ăn thức uống cũng đội giá gấp rưởi, gấp đôi ngày thường. Mỗi năm ngày tết đến cứ nghĩ đến những khoản chi tiêu, những khoản lì xì trong ba ngày tết cảm thấy lo lắng, bất an chẳng muốn đi đâu chỉ mong cho ba ngày tết nó trôi qua mau.
Tập tục lì xì là một trong những tập quán lâu đời, không thể bắt buộc con trẻ từ chối một cách máy móc có thể sẽ làm mất lòng người thực bụng. Hãy dặn dò trẻ con mỗi khi nhận tiền lì xì dù ít, dù nhiều cũng phải trân trọng và nhất là không được phép mở phong bao ra xem trước mặt khách, đó không chỉ là phép tắc mà còn là sự tôn trọng người lớn… nhằm tránh miễn cưỡng cho chủ nhà, mỗi khi đi chúc tết tôi ít khi dắt trẻ con theo mặc dù trẻ con rất thích được chở đi chơi đây đó và nhất là cũng thích được lì xì.
Hãy làm sao không chỉ cho trẻ con mà cả người lớn hiểu ngày tết là một phong tục, tập quán truyền thống! Là dịp để mọi người nhớ đến cội nguồn, con cháu nhớ đến ông bà tổ tiên, nhớ đến công ơn dưỡng dục, của cha mẹ, nhớ công lao dạy dỗ của thầy cô và còn là dịp đền ơn đáp nghĩa, bái viếng những bậc tiền nhân có công với đất nước. Hãy xem tiền lì xì chỉ có ý nghĩa là phúc lộc mang tính tượng trưng cho sự may mắn đem đến nhiều điều tốt lành trong năm mới chứ không phải là dịp để kiếm tiền, trục lợi. Chớ để chuyện “lì xì” trong ba ngày tết của năm mới là nỗi lo, nỗi ám ảnh cho nhiều nhà, nhiều người và cũng đừng để mỗi khi muốn đến thăm viếng bạn bè, bà con họ hàng lại phải tính toán, phải xem xét lại túi tiền vì như thế sẽ làm mất đi ý nghĩa truyền thống ngày tết cổ truyền dân tộc.
Đối với những gia đình quan chức, đại gia thừa mứa của ăn, của để thì một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, ngày nào cũng là ngày lễ, ngày tết và trong những dịp lễ tết đối với họ là những ngày đại phúc lộc vì tiền của, quà cáp biếu xén tự dưng tuôn chảy vào nhà mà không cần phải nhọc công đổ mồ hôi làm lụng vất vả như những người nông dân vắt cạn mồ hôi trên đồng ruộng và người công nhân kiệt sức trong các nhà máy, xí nghiệp….
Trăn trở trước hiện tình của đất nước, nhiều học giả, trí thức đã chỉ ra rằng ăn một cái tết ở nước ta quá lãng phí về tiền của, công sức và thời gian! Trong lúc hầu hết những quốc gia phát triển nghỉ tết thì chúng ta làm việc và ngược lại lúc họ cật lực làm việc thì chúng ta lại vui chơi mà cái tết ở Việt Nam gồm ba ngày tết, bảy ngày xuân và dư vị ngày tết thường kéo dài cho hết cả tháng giêng thì bộ máy hành chánh, các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước mới vận hành trơn tru trở lại.
Để hạn chế thói thực dụng, xa xỉ lợi dụng những ngày lễ, tết để kiếm chác, trục lợi và tham nhũng; cách tốt nhất là biết hy sinh những lợi lộc cá nhân cùng mừng năm mới vào ngày tết dương lịch và xem ngày tết cổ truyền là một ngày lễ kỷ niệm truyền thống để nhớ về cội nguồn dân tộc. Hãy học hỏi, noi gương đất nước Mặt Trời Mọc vì người Nhật Bản từ lâu đã ngẩng cao đầu! Mạnh dạn cải cách triệt để nhằm sửa đổi những ấu trĩ, lạc hậu để cùng hòa nhịp phát triển, đuổi kịp đà tiến của thế giới thời đại.

Xuân Quý Tỵ 2013

© Quốc Anh

Chú thích: bài viết nầy được viết nhân dịp tết Ất Dậu năm 2005 đã gửi đăng trên các tờ báo lề phải và nhận được hồi âm: “Xin cảm ơn! Vì không cùng quan điểm của tờ báo….. ”, mấy ngày gần đây tình cờ  tra vào đề mục: “tục lì xì ngày tết”  thấy  một số bài viết trên các báo ấy có những  lời lẽ, ý tứ  tương tự. Có thể  nhiều bài viết gửi đi nhưng sau đó biên tập, thêm bớt  thay đổi một câu cú rồi được đăng trên các mặt báo nhưng lại mang tên một người khác. Đây là một cách đạo văn hoặc  ăn cắp tư  tưởng? Nói vui vậy thôi! Thiết nghĩ, càng có nhiều bài viết, nhiều ý kiến có cùng quan điểm nhằm lên án,  phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội trong đó có tục“thực dụng lì xì ngày tết” thì đó là mặt tích cực.

Phản hồi