Biển Đông : Bắc Kinh bắt đầu thực hiện ý đồ quân sự hóa Trường Sa?
Ngày 02/01/2016, lần đầu tiên Trung Quốc cho một phi cơ dân sự hạ cánh trên phi đạo mà họ vừa xây xong trên Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa – Biển Đông. Theo giới quan sát và chuyên gia phân tích được hãng tin Reuters trích dẫn, sự kiện trên cho thấy là cơ sở của Bắc Kinh trong khu vực tranh chấp đang hoàn thành đúng tiến độ.
Trong thời gian sắp tới, các chuyến bay quân sự Trung Quốc chắc chắn sẽ đến hiện trường để thực hiện ý đồ quân sự hóa khu vực, bất chấp phản đối của các láng giềng và cộng đồng quốc tế.
Một cách cụ thể là với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng trong vùng biển đang tranh chấp, Trung Quốc sẽ có thể áp đặt một vùng nhận dạng phòng không, làm tăng tình hình căng thẳng với các bên tranh chấp khác, cũng như với Hoa Kỳ trong một trong những khu vực được cho là sẽ thuộc diện bất ổn nhất trên thế giới.
Trung Quốc đã bắt đầu cho xây phi đạo trên ba trong số 7 hòn đảo nhân tạo mà họ rốt ráo bồi đắp từ hơn một năm nay, và sự kiện phi cơ Trung Quốc hạ cánh trên Đá Chữ Thập ngày 02/01/2016 không phải là một bất ngờ. Phi đạo trên Đá Chữ Thập dài hơn 3.000 mét, một chiều dài đủ để tiếp nhận các loại oanh tạc cơ tầm xa, phi cơ vận tải và các chiến đấu cơ hiện đại nhất của Trung Quốc.
Ý nghĩa chiến lược của phi đạo, và các cơ sở trên Đá Chữ Thập và các đảo nhân tạo khác của Trung Quốc tại Trường Sa rất lớn, vì cho phép Bắc Kinh hiện diện ngay ở trung tâm vùng biển khu vực Đông Nam Á, điều mà từ trước đến nay Trung Quốc chưa làm được. Tân Hoa Xã, hãng tin chính thức của Trung Quốc đã thản nhiên xác nhận rằng sân bay trên Đá Chữ Thập sẽ cắt giảm « đáng kể » thời gian đi lại giữa quần đảo Trường Sa và Trung Hoa lục địa.
Như thông lệ, Bắc Kinh luôn luôn lớn tiếng cho rằng các công trình ở Trường Sa chủ yếu nhằm mục tiêu dân sự và hòa bình, và chuyên bay thử nghiệm của một phi cơ dân sự đến Đá Chữ Thập mới đây chỉ nhằm kiểm tra xem phi đạo trên đó có đạt chuẩn mực của ngành hàng không dân dụng hay không.
Tuyên bố cuối tuần qua của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh như kể trên đã không lừa được ai. Theo ông Leszek Buszynski, nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của Đại học Quốc gia Úc, sau các chuyên bay dân sự, chắc chắn sẽ là các chuyên bay quân sự.
Trả lời Reuters, chuyên gia này dự báo : « Một khi Trung Quốc đã thử nghiệm phi đạo với một số phi cơ dân sự, bước tiếp theo sẽ dùng đến các chiến đấu cơ như SU-27 và SU-33. Và các máy bay này sẽ đặt căn cứ thường trực tại đấy… ».
Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore Yusof Ishak, còn dự báo là tình hình khu vực sẽ căng thẳng hơn nữa khi Trung Quốc sử dụng các cơ sở mới để triển khai lực lượng sâu hơn vào vùng Biển Đông.
Kể cả khi không công khai tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không, Bắc Kinh vẫn cần phải bảo vệ các sân bay mới và các cơ sở khác của họ trong vùng, và như vậy sẽ mặc nhiên áp đặt một vùng phòng không.
Theo một số quan chức Mỹ và khu vực, Trung Quốc hiện đang hoàn tất một loạt các cảng biển, nhà kho, nhà ở trên các đảo nhân tạo, và ngay trên Đá Chữ Thập, sẽ có những trạm radar cảnh báo sớm cũng như trạm thông tin liên lạc quân sự.
Đối với chuyên gia Storey : « Khi các cơ sở này đi vào hoạt động, các hành vi cảnh cáo máy bay quân sự và dân sự của các nước khác sẽ trở thành thói quen », và các điều đó là « tiền thân của một vùng nhận dạng phòng không, hoặc là một vùng phòng không không tuyên bố chính thức nhưng được áp đặt trong thực tế ». Và dĩ nhiên là tình hình sẽ trở nên căng thẳng hơn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 04/01/2015 đã xác định rằng trước mắt, Bắc Kinh không có kế hoạch tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Tuy nhiên, giới chức quân sự trong khu vực xác nhận rằng trong thời gian qua, phi cơ của họ đã nhận được ngày càng nhiều các thông điệp cảnh cáo từ phía Trung Quốc qua hệ thống vô tuyến, trong đó có cả các thông điệp đến từ các trạm đặt trên Đá Chữ Thập.
Trong một bài trả lời phỏng vấn của RFI vào cuối năm 2015, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Úc từng dư báo rằng trong năm 2016, « Trung Quốc sẽ hoàn tất việc xây dựng và củng cố các cơ sở hạ tầng trên bảy hòn đảo nhân tạo của họ ». Điểu cần theo dõi là các hoạt động quân sự hóa các đảo đó, chẳng hạn như « đặt radar tầm xa, hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, pháo binh, thiết bị chiến tranh điện tử và cầu cảng cho tàu khu trục ».
Với việc thử nghiệm phi đạo trên Đá Chữ Thập, có thể nói là Trung Quốc đã bắt đầu tiến trình quân sự hóa đó.
Trọng Nghĩa (RFI)
KẾ HOẠCH TẰM ĂN DÂU
Con tằm gặp được ngọn dâu
Phải ăn cho hết mới hầu bò đi
Vậy nay Trung Quốc khác gì
Trường Sa mới bước nhiều khi còn dài !
Lòng người như vậy ở đời
Yếu thì hèn kém mạnh thời tham lam
Nói ra toàn kiểu già hàm
Phỉnh phường ngây dại hòa bình tưởng yên !
Nhưng rồi thế sự nhãn tiền
Sẽ hằng khống chế khắp miền biển Đông
Lưỡi bò cứ đó mà trông
Liếm càng quềnh quệch thế gian lạ gì !
Đã vày không tính trước đi
Con tằm ăn hết còn gì than ôi
Việt Nam chịu trận rõ rồi
Biển Đông phong tỏa khỏi còn lối ra !
Nghĩ đời càng thấy xót xa
Bao năm ý hệ nay đà ở đây
Tay không dễ chống lại cầy
Bên kia biên giới có tày mình đâu !
PHƯƠNG NGÀN
(07/01/16)
Các căn cứ này chỉ có giá trị trong thời bình hoặc dùng để “nắn gân” các em thiếu bóng vía. Nếu thật sự có chiến tranh thì với diện tích như thế, chỉ 1 chiếc B-52 cũng đủ làm nó biến mất trên bản đồ. Cho nên vấn đề là Mỹ có dám đối đầu với các thách thức như thế hay không mà thôi.
Chiến lược xoay trục quay về Á Châu của Mỹ phối hợp với TPP là khởi đầu một chiến lược mới lâu dài để kiềm hãm sức mạnh quân sự và kinh tế của Tàu nhưng tổng thống Obama lại thiếu quyết đoán vì sợ… chiến tranh.
Bài học đắt giá vì bỏ rơi người bạn đồng minh VNCH để bắt tay, rồi bang giao, làm ăn, và công nhận Tàu cộng trở thành một trong 5 nước thường trực có quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc để nhận lãnh hậu quả ngày nay. Mỹ sẽ làm gì hay lại bắt tay thỏa thuận với Tàu sau lưng đồng minh và từ bỏ quyền lợi ở Á Châu chấp nhận tương lai an ninh nước Mỹ đe dọa? Dù không thỏa thuận nhưng không hành động là mặc nhiên thừa nhận sự lấn át của Tàu. Tránh né va chạm hay xung đột chiến tranh – cái mà tổng thống Obama luôn tránh né – làm nước Mỹ bị vào thế yếu. Yếu điểm của ông Obama là sợ chiến tranh nên dẫn đến yếu về chính trị và ngoại giao. Trong 7 năm cầm quyền nước Mỹ chia rẽ và suy yếu trầm trọng. Đối ngoại thì Tàu, Nga, và các nước chống Mỹ mạnh hơn trong khi dưới trướng ông đã có nhiều bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao từ chức vì bất đồng quan điểm.
Mỹ không thể để mất quyền lợi tại VN cũng như ASEAN, Đài Loan, Nam Hàn và Nhật Bản…
Hy vọng tổng thống mới sẽ cứng rắn dám đương đầu với mọi khó khăn. Nhưng còn một năm nữa phải chờ đợi, và trong một năm sẽ còn những chuyện gì xảy ra là một thiệt thòi và tiếp tục mất mát thêm mà cả nước Mỹ và thế giới chỉ mong thời gian trôi càng nhanh càng tốt…
nv