WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tháng Chạp năm xưa

bat-ngo-tac-dung-chong-ung-thu-than-ky-tu-chuoi1

Ông bà tôi gọi nhau bằng mình, xưng tôi. Ông hỏi bà tôi: “Mình chuẩn bị buồng chuối nào chưng tết chưa?”. Bà tôi đang ngồi trên cái chỏng tre đổ thêm chút nước vào miệng ông bình vôi, vì dùng đã lâu năm nên miệng và cổ bình vôi gần như bị nghẽn. Đấy đúng là hình ảnh Ông Bình Vôi của cụ Phan Khôi! Bà dùng cái que bằng đồng, đầu có 3 chia nhọn, đưa vào xoáy xoáy để khều khều chút vôi ra têm trầu: “Buồng chuối mốc (có nơi gọi là chuối già hay chuối sứ?) gần chuồng heo, mình ra xem, coi có được không. Năm nay không có chuối thanh tiêu!” (loại chuối trái rất nhỏ, vỏ mỏng và rất ngọt) Ông tôi đưa lưỡi liếm mặt dưới chéo lá thuốc đang vấn, vê vê để nó dính vào thân điếu thuốc. Ông ngậm ngậm, bập bập mấy cái, rồi đưa tay vào túi áo bà ba trắng, cái áo sờn vai đã ngã màu cháo lòng, móc hộp quẹt. Bật bật mấy lần, ngọn lửa mùi dầu hỏa có chút khói xám loang ra, leo lắt. Ông hút hút cho điếu thuốc bắt lửa, rít một hơi rồi gật gật đầu: “Con mụ Hai mua thuốc đợt ni ngon ghê. Lá to và dày.” Con mụ Hai là mẹ tôi! Khi nói với người khác ông gọi mẹ tôi là con mụ, nhưng khi nói trực tiếp, ông gọi mẹ tôi là con. Tiếng con rất ngọt và chỉ duy nhất mẹ tôi được gọi như vậy, còn những người con khác là mi hay tụi bay! Tiếng con ông dành riêng cho mẹ tôi thật kỳ diệu. Mẹ tôi là người gánh vác mọi chuyện trong gia đình. Vô cùng vất vả nhưng hạnh phúc. Tiếng con đó cũng đi vào tiềm thức tôi. Tôi chạy theo ông ra coi buồng chuối. Ông dòm quanh từng nải rồi đếm trái. “Mấy nải chuối ni tốt lắm trừ nải gốc!” Tôi ngạc nhiên hỏi: “Nải gốc lớn nhứt, trái lại to và đều sao không tốt?” “Nải đó rủi!” “Sao lại rủi?” Ông giải thích: “Chậm, chày, may, rủi.. cứ đếm đến trái cuối cùng rơi vào chữ nào thì biết! Nải chuối có 12 trái, trái cuối rơi vào chữ rủi!” Mộc mạc đơn sơ đến là thế! Ước vọng năm mới nằm trong trái chuối cuối cùng! Ấp ủ cho năm mới dĩ nhiên không duy nhất trong nải chuối nhưng gom góp lại, mỗi thứ một ít. Mỗi thứ gởi gắm một niềm mong ước! Cái mong ước một đời của nhà nông.

Tôi theo ông đến gốc bòng (cùng loại với bưởi). Ông chỉ mấy trái đặc biệt: “Cây bòng ni năm mô cũng tốt! Sây trái, lại to tròn ú nụ mà ruột đỏ nên phải để dành mấy trái đó chưng tết và con hái đem lên nhà ông bác để chưng bàn thờ tổ. Còn các trái khác ai xin thì cho, hay mua thì bán.” Tôi nhớ lời ông dặn. Khi ngày tết sắp đến hình như cả xóm đều đến vườn ông bà tôi tìm bòng để chưng bàn thờ. “Còn mai thì ông có dặn ông Thủ Ngộ rồi. Nhà ông Thủ Ngộ có mấy cây mai đẹp lắm và ông cũng đã chọn một nhánh rồi. Còn năm bảy bữa đến tết thì ông cháu mình đi chặt”. Rồi ông tiếp: “Con để ý gom dần than, tro bếp và một số chanh để chùi bóng mấy bộ lư đồng!” Bếp là cái kiềng ba chưn đặt trên mặt đất, chụm bằng đủ loại củi nên than và tro lúc có lúc không, phải cào ra, hốt gom lại để dành. Tôi dạ dạ nhưng không phấn khởi chút nào! Mấy năm trước tôi chỉ phụ với chú út lo chùi nhưng năm nay, và có thể từ nay trở đi, là nhiệm vụ của tôi, vì chú út đã đi quân dịch! Chú út và tôi đã phải đánh vật với hai bộ lư đồng đặt trên hai cái nong tre ngoài sân, dưới bóng râm của cây u mơ (cây lòng đỏ trứng gà) hai ngày dài dằn dặt mà năm nay, chỉ mình tôi!

Buổi tối, mẹ tôi nói: “Nhà không còn ai, con ráng đi! Ông thì yếu rồi mà phải lo trăm việc. Để mẹ coi có thể nhờ ai phụ giúp chùi lư với con được không.” Rồi mẹ đem mấy xấp vải ra. Cái nầy của con. Tôi đón từ tay mẹ, xấp kaki xanh cho quần Tây, vải poplin trắng cho áo sơ mi, thơm lựng. Bộ đồ tết của tôi năm nay sang trọng nhứt nhà! Mẹ nói: “Con lớn rồi, hè ni là thi vô trường trung học, nên mẹ chuẩn bị trước!” Dẫn đến bác thợ may, mẹ dặn: “Anh may cho cháu hơi rộng và dài dài một chút. Con nít mà, lớn nhanh như thổi nên phải phòng hờ!” Thời buổi đó phải tiện tặn để đủ tiền may sắm tết là chuyện không hề đơn giản! Còn tôi, thì gần như hàng ngày sau đó đều đi ngang qua tiệm may, liếc mắt xem chừng bộ đồ tết của tôi đã được treo tòn teng chung với nhiều áo quần khác lên sợi dây gần cửa sổ tiệm chưa! Đây là cách quảng cáo của tiệm. Càng gần đến tết mà chưa thấy tăm hơi bộ đồ, càng hồi hộp. Cái lo nhất là sợ nghe ông nói: “Đồ năm ni nhiều quá, đồ của mi may không kịp!”

Trong nhà, bà tôi tất bật chuyện thực phẩm. Nếp, đậu được đem phơi nắng, sàng sảy lựa hạt sâu, cát, sỏi. Đèn, dầu, mắm, muối tất tất đều chu đáo. Con heo và mấy con gà sẽ làm thịt đều được nhốt riêng, cho ăn thêm. Vườn tượt nhà cửa thì ông tôi mướn người dọn dẹp, cạo sửa những chỗ loang lỗ trên tường để quét vôi. Lá đót dùng để quét vôi bà tôi cũng mua sẵn. Mấy người thợ chỉ việc nối kết, lấy lạt tre bó thành chổi có cán dài. Các hoa văn, phù điêu thì bó riêng chổi nhỏ, không có cán. Tôi hãnh diện khi nghe ông nói với họ: “Hắn thích màu chi thì các chú pha màu đó”.

23 tháng Chạp tôi theo mẹ xuống nhà ngoại. Muốn xuống ngoại thì phải qua đò ngang. Đi bộ toát mồ hôi và mỏi rả cả giò nhưng khi đến bến đò thì thích lắm. Thời gian chờ đò với người có công việc gấp thì đứng ngồi không yên, nhưng tôi lại được dịp lội nước. Mặc xà lỏn đâu có sợ ướt! Ngồi trên đò thì cong lưng đưa tay dọc theo mạn thuyền cho nước chảy qua từng kẻ ngón tay dù có bị bác chèo đò la, cũng kệ bác. Nước trong vắt và mát rượi! Trong vắt, mát rượi, phơi phới như tâm hồn trẻ thơ của chú bé chân quê! Bên kia bến sông là một bãi cát trắng rộng mênh mông. Nếu gặp lúc nước ròng, bãi càng rộng hơn. Vì toàn là cát nên phải cầm đôi dép có quai hình chữ V trên tay mới đi được! Gặp trưa nắng, cát nóng mà phải đi ngang qua thì cứ nhảy cà tưng, cà tưng. Đứng bên bãi cát nhìn trở lại thì dòng sông trôi êm xuôi, lượn khúc theo bờ đất loang lở, soi bóng tre làng. Cũng nhờ thế tôi mới hiểu câu “sông bên lở bên bồi”, và bây giờ, hiểu thêm được câu “thương hải biến vi tang điền”(!) theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen! Cả dòng sông, lũy tre và khung cảnh thanh bình ngày đó đều đã chết trong cuộc chiến.

Bây giờ không còn lưu lại bất cứ dấu vết nào, cho dù là bãi cát hay dòng sông!

Tết năm đó tiếng bom đạn thay cho tiếng pháo tràn ngập quê tôi. Trên bộ thì hai bên đánh nhau kịch liệt. Trên không thì máy bay dội bom. Tre làng trốc gốc. Cây cỏ cháy đen. Nhà cửa, ruộng vườn tan hoang. Nhà ông bà tôi cũng chung số phận với tất cả nhà ngói trong làng, thành những đống gạch vụn! Làng tôi trở thành bãi chiến trường. Mấy năm sau đó, khi đã học được mấy năm ở bậc trung học, tôi không thể về thăm làng. Ông bà tôi không cho về. Vì về, có thể bị phía bên kia bắt “đi du kích” hoặc bị họ nghi ngờ. Mà bị nghi ngờ thì mấy ai lường hết chuyện đêm hôm tăm tối? Quay trở ra, lại lo phía quốc gia. Một cổ hai tròng!
Nhà ngoại tôi lợp tranh, phên vách. Khu vực bếp thì lấy đất sét nhào nước quện với rạ, phủ lên lớp nan tre bên trong làm vách. Vừa kín gió vừa giảm nguy hiểm bị cháy. Ngoại tôi goá chồng lúc bà mới khoảng tuổi 30 nhưng ở vậy nuôi con. Được con cháu thương yêu, xúm xít nên hình ảnh lo sắm tết tại nhà ngoại cũng không tẻ lạnh. Ngoại cũng gọi mẹ tôi là mụ. Gặp mẹ tôi thì mẹ con nói huyên thuyên chuyện. Tuy câu chuyện không đầu không đuôi nhưng những loại chuyện gần gũi đó chỉ có mẹ với con gái mới có. Ngoại biết tôi thích bánh da nên tết năm nào ngoại cũng làm thêm loại bánh nầy. Đó là bánh làm bằng bột nếp. Nhuyễn, mềm, bên trong có đậu phọng rang nguyên hạt, hình ống. Khi ăn xắt ra từng lát thoạt nhìn giống như bánh cookie có nhiều hạt nho khô. Mềm, dẽo, ngọt, thơm và rất bùi tuy nhai có thể bị dính răng! Tôi chưa thấy loại bánh nầy ở nơi nào khác!

Sân nhà ngoại bao giờ cũng mát vì có giàn đậu ngự che phủ! Tôi và lũ bạn tha hồ chơi bi, chơi đá gà mà không bị nắng. Một góc sân là giếng nước. Cái giếng cho cả xóm được hưởng nhờ nên không bao giờ vắng tiếng khua của gàu múc nước. Đặc biệt những đêm có trăng, tiếng nói, tiếng cười của trai gái trong thôn xóm cứ lao xao đến khuya lơ khuya lắt! Con đường cái trước nhà là con đường dương liễu. Dương liễu được trồng cả hai bên và kéo dài tới quận lỵ Duy Xuyên! Tiếng reo của dương liễu nghe như tiếng sóng biển. Rì rào. Rì rào. Bất tận. Bây giờ ra biển, nghe tiếng sóng thì tiếng dương liễu trổi dậy trong hồn! Là tiếng vỗ nhẹ vào miền ký ức!

Hình ảnh quê tôi ngày đó, có dòng sông, có bến đò, có con đường dương liễu sẽ còn mãi mãi!

+++

Hoa Ban hỏi tôi: “Anh có biết bao giờ tết không?” Tôi ậm ừ: “Để anh xem lịch!” Ngày tháng âm lịch như chẳng còn chút vương vấn trong đầu. Lật lật mấy tờ không thấy có ngày âm, tôi tìm được hai chữ full moon và new moon. “Anh nghĩ chữ new moon rơi vào ngày 23 tháng 2, nên chắc là đêm giao thừa bên nhà em ạ!” Hoa Ban có chút nghi ngờ: “Có chắc là 23 tháng 2 không? Em thấy chợ Việt Nam đã rục rịch bán thiệp xuân, bánh mứt rồi.. không lẽ họ lo sớm quá vậy?” Tôi rà lại thì ngày 23 tháng 1 năm 2012 cũng new moon! “Ừ, nếu thế thì chắc là 23 tháng giêng!”

Những năm đầu mới định cư, chúng tôi còn cố gắng tổ chức ngày tết cho gia đình. Con cái lúc đó còn nhỏ, còn học trong thành phố nên vẫn sum họp và hương vị tết còn lẩn quẩn đôi chút. Nhưng bây giờ mỗi đứa đều lập gia đình và có công việc làm ở các tiểu bang khác, nên ngày tết bị rơi vào quên lãng. Nếu không có bổn phận gì với thân nhân bên nhà thì chắc Hoa Ban đã không hỏi tôi!

Không phải chỉ một ông đồ vắng khách “ngồi nhìn mưa bụi bay” như thơ của Vũ Đình Liên mà chúng tôi đang ngồi bên khung cửa nhìn hoa tuyết đang giăng mắc đầy trời, rồi đậu nhẹ nhàng trên từng cành cây, chiếc lá. Chúng tôi đang nói chuyện trên phone, hỏi con cái có còn nhớ ngày tết bên Việt Nam không?

Không nói về tết thì gần như quên hẳn. Nhưng có ai đó nhắc đến, bỗng dưng nhớ nhà chi lạ! Nhớ cả từng chi tiết rất nhỏ của những ngày tết ở quê nhà. Dù những ngày tết đã trải qua dâu bể từ hơn nửa thế kỷ trước! Chúng tôi có kỷ niệm, để hồi tưởng, còn thế hệ con cháu có gì?

Quê hương đâu phải chỉ là tên gọi? Cũng như sương mù, cần có chút se lạnh với ánh mặt trời chiếu rọi mới kết tụ thành từng giọt long lanh!

Là giọt kim cương hay giọt lệ tùy tâm cảm.

Hồ Phú Bông

 

1 Phản hồi cho “Tháng Chạp năm xưa”

  1. Trần Tưởng says:

    “Tết năm đó tiếng bom đạn thay cho tiếng pháo tràn ngập quê tôi. Trên bộ thì hai bên đánh nhau kịch liệt. Trên không thì máy bay dội bom.”
    Tết năm đó,mà tác giả nói đến ở đây ,chắc là tết Mậu Thân 1968.

Phản hồi