Đôi điều góp bàn với BCH Hội Nhà Văn Việt Nam
Các dự thảo văn kiện chuẩn bị cho đại hội 8 của Hội Nhà văn chúng ta đến nay vẫn chưa đăng lên báo Văn Nghệ để thảo luận rộng rãi, để hội viên trên khắp nước được biết ý kiến của nhau, hơn thế nữa, để chúng ta được biết ý kiến của nhân dân, của bạn đọc – là đối tượng mà chúng ta phục vụ.Tôi khá lấy làm lạ, một việc hết sức cần thiết, rất dễ làm như thế mà không làm, lại tổ chức đại hội các khu vực rình rang tốn kém để làm chính những việc ở đại hội toàn quốc sẽ phải làm. BCH nên công bố ngay xem vừa rồi chi phí hết bao nhiêu cho các đại hội khu vực và kết quả đạt được có tương xứng ? Tại sao lại gọi là “đại hội khu vực”, cách gọi tên và cách tổ chức này có phù hợp với điều lệ, hay là Ban chấp hành đặt ra một cách tùy tiện ? Ở đại hội khu vực miền đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long mà tôi dự, chất lượng thảo luận theo tôi là thấp; giữa tình hình xã hội ngổn ngang bao nhiêu chuyện kinh hoàng, sự xuống cấp đạo đức cứ theo chiều hướng ngày càng tệ hại khó bề ngăn chặn, trước hết là trong giới công quyền và giới chuyên rao giảng đạo đức (trong đó có giới cầm bút), vậy mà tôi hầu như không nghe thấy cất lên được một lời nào bày tỏ nỗi ưu tư về trách nhiệm nhà văn, về giữ gìn phẩm giá nhà văn ( lưu ý : báo cáo của Ban chấp hành Hội mang tiêu đề rất vang : “…vì phẩm giá con người”, nhưng các nhà văn thì hình như nguội lạnh với chuyện này, hoặc tự cho mình phẩm giá đã đủ đầy, khỏi bàn mất thì giờ ).
Hai vấn đề rất quan trọng là tình hình tài chính của Hội và hoạt động của Ban kiểm tra thì lại chưa có báo cáo.Vấn đề tài chính, quản lí tài sản, đất đai rất phức tạp, hội viên cần được nghiên cứu trước để có thời gian chuẩn bị ý kiến đóng góp. Có dư luận đồn đoán rằng BCH trì hoãn không sớm công khai tài chính, tài sản, đất đai để việc này dễ bị chìm lấp giữa hàng loạt vấn đề khác trong chương trình nghị sự với thời gian hạn hẹp của đại hội.Tôi chỉ tin một nửa vào sự đồn đoán ấy, nhưng nếu BCH để đến đại hội mới phát báo cáo tài chính và vấn đề tài chính không được thảo luận đến nơi đến chốn thì chất lượng của đại hội, chất lượng của công tác lựa chọn nhân sự khóa tới khó đạt tiêu chuẩn dân chủ, đoàn kết, đổi mới. Minh bạch tài chính sẽ làm sáng tỏ độ liêm khiết của chủ tịch Hội và toàn Ban chấp hành.Trong khi chờ được đọc báo cáo tài chính, tôi đề nghị ngay ngày mai báo Văn Nghệ, báo điện tử của Hội đăng ảnh nhà ở của thành viên BCH, sau đó thực hiện phóng sự đi sâu về thu nhập và tài sản của cán bộ lãnh đạo Hội (nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vừa công bố một thông tin rất quan trọng : bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã có cuộc trả lời phỏng vấn thẳng thắn về tình hình tài sản riêng của mình. Chắc chủ tịch Hữu Thỉnh sẽ sớm chủ động mở cuộc đột phá như bí thư Nguyễn Bá Thanh cho 2 phó chủ tịch và các ủy viên ban chấp hành noi theo).
Bản kiểm điểm của Ban chấp hành rất sơ sài, chung chung, không rõ trách nhiệm cá nhân của từng người, nhất là chủ tịch và 2 phó chủ tịch. Điều đặc biệt đáng chú ý là bản kiểm điểm không nhắc gì đến thái độ chính trị của Ban chấp hành Hội trước hành vi ngang ngược của thế lực bành trướng trong giới cầm quyền Trung Quốc trắng trợn xâm phạm chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc ta, bắt giam, cướp bóc hành hạ ngư dân ta. Hội ta là một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Chính trị của toàn thể hội viên hiển nhiên là chính trị Hồ Chí Minh : KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO, TỔ QUỐC TRÊN HẾT, QUYỀN DÂN TRÊN HẾT. Trước nay đã thế và luôn mãi như thế.Nhiều hội viên, với bản lĩnh tích cực chủ động đã nói lên tiếng nói yêu nước vì dân của cá nhân mình, tiêu biểu là các nhà văn nhà thơ Nguyễn Huệ Chi, Thanh Thảo, Trần Nhương, Nguyễn Khắc Phục, Phạm Viết Đào, Nguyễn Trọng Tạo, Inra Sara, Trần Mạnh Hảo… Các nhà văn nhà thơ ấy đã nói lên tiếng nói yêu dân yêu nước yêu tự do của toàn thể hội viên. Khi cất lên tiếng nói trung thực tự do của mình, các nhà văn nhà thơ ấy đã chứng tỏ cho nhân dân cả nước và toàn thế giới thấy phẩm chất chính trị của Hội ta, giữ thanh danh cho Hội ta đang bị Ban chấp hành làm tổn thương bằng sự im lặng mà chắc rằng chính các ủy viên chấp hành cũng phải thầm lấy làm xấu hổ.Chủ tịch Hội nên thay mặt Ban chấp hành ngỏ lời cám ơn các nhà văn nhà thơ ấy.Mới đây, khi thảo luận sửa đổi điều lệ Hội, có một số hội viên nêu ý kiến sửa lại như đại hội 4, không giữ mô hình tổ chức chính trị nữa mà chỉ là tổ chức xã hội nghề nghiệp thôi, đồng thời Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nuôi tự quản. Đó là những ý kiến rất xây dựng, rất có trách nhiệm với dân với nước, dựa trên chủ trương của Đảng đề ra từ các hội nghị trung ương (khóa 6).Thế nhưng anh chị em vừa mới “mở miệng” (chữ dùng của chủ tịch Hồ Chí Minh : “Dân chủ, nghĩa là trước hết dân được mở miệng”), đã bị chủ tịch Hữu Thỉnh át đi bằng lời suy diễn mang tính chụp mũ hàm ý đe dọa : “Chúng ta thừa biết ý kiến đòi bỏ chính trị này để làm chính trị kiểu khác; đại hội cũng cần hết sức tránh lợi dụng diễn đàn để đả kích, làm những việc vô lý ngoài văn học” (Phát biểu tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khu vực Nhà văn quân đội).Tôi thấy cung cách chỉ đạo đại hội như vậy là trái với chủ trương tăng cường thông tin nhiều chiều, tăng cường đối thoại, lắng nghe, trái với tư tưởng Hồ Chí Minh: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do.Tự do là thế nào ? Đối với MỌI VẤN ĐỀ, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình góp phần tìm ra chân lý.Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, H, t8, tr216).
Hôm qua, nhờ trang web của nhà văn Trần Nhương, tôi mới được đọc CHỈ THỊ 30.CT/TW của Trung ương VỀ ĐẠI HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG VÀ UBTW CÁC HÔI VHNT VIỆT NAM.Chỉ thị ghi rõ: “làm tốt công tác nhân sự ban chấp hành mới theo hướng lấy tiêu chuẩn làm chính, kết hợp với có cơ cấu phù hợp, thực hiện tốt việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở các hội”.
Hóa ra giữa những điều tôi nghe nhà văn Đỗ Kim Cuông, vụ trưởng vụ văn nghệ ban tuyên giáo TW phổ biến tại đại hội khu vực so với chỉ thị 30 đã có một số sai lệch quan trọng. Không thấy nói đến việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo, chỉ thấy nhấn mạnh chuyện có thể làm chủ tịch 3 khóa liền, kể lể dẫn chứng dài dòng về chuyện chủ tịch mấy hội bạn 80 tuổi vẫn làm, gây cho hội viên một ấn tượng đậm nét rằng làm chủ tịch suốt đời cũng là bình thường. Đại hội không có phần thảo luận phân tích về tiêu chuẩn, chủ tịch Hữu Thỉnh và vụ trưởng Đỗ Kim Cuông không hề nói gì đến yêu cầu hàng đầu đối với người cán bộ lãnh đạo hội là phải gương mẫu về phẩm chất chính trị yêu dân yêu nước yêu tự do, về bản lĩnh người nghệ sĩ – chiến sĩ, về sự liêm khiết chí công vô tư.Tôi đề nghị, tại đại hội toàn thể phải dành thời gian nhiều nhất cho việc phân tích xác định tiêu chuẩn, những người ứng cử và được đề cử phải đối chiếu với tiêu chuẩn để tự trình bày về bản thân và chương trình hành động, trả lời các chất vấn của cử tri, tóm lại phải làm sao những người cầm phiếu bầu trước khi bỏ phiếu phải được biết thật rõ về người có tên trong lá phiếu. Không nên chỉ nói tiêu chuẩn một cách chung chung, hời hợt.Xét tiêu chuẩn yêu nước là phải gắn với nhiệm vụ chống bành trướng.Tôi nghĩ các ủy viên Ban chấp hành vừa qua đã im lặng trước hành vi ngang ngược của thế lực bành trướng trắng trợn xâm phạm chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc ta, bắt giam, cướp bóc hành hạ ngư dân ta thì nên tự giác rút khỏi danh sách đề cử.Cần khuyến khích cổ vũ hội viên tự ứng cử (nhà văn Vũ Hồng ở Bến Tre đã tự ứng cử, tôi thấy đây là một hành động mở đường rất đẹp rất đáng hy vọng của thế hệ trẻ).Theo tôi, phần lớn người tự ứng cử là người tự tin tự thấy mình đủ phẩm chất và năng lực gánh vác trách nhiệm, và đã chuẩn bị sẵn một chương trình hành động có tính khả thi, nếu người ấy lại là người tán thành phương án xây dựng hội tự nuôi tự quản thì tôi càng tin ở động cơ vô tư, trong sáng.Trong tư tưởng chỉ đạo, cần dứt khoát khẳng định phải “thực hiện tốt việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo “ tại đại hội này, những nhà văn từ 65 tuổi trở lên đã từng tham gia Ban chấp hành nên dứt khoát nghỉ.
Đà Lạt 01.07.2010
© Bùi Minh Quốc