WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Vài ghi chú về một nhân vật lịch sử: Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

Tướng Giáp sinh năm 1911, năm nay 99 tuổi. Ông đã vượt xa tuổi cổ lai hy và sẽ đạt tuổi một trăm trong vòng một năm nữa, hay đã đạt rồi tùy theo cách tính tuổi ta hay tuổi tây, một tuổi rất hiếm người có thể đạt được. Gia dĩ từ lâu ông đã quan tâm đến, nếu không nói là theo, đạo Phật. Trong số các nhà sư ông tiếp xúc có cả Thiền Sư Thich Nhất Hạnh. Vì vậy khi lựa chọn đề tài này tôi không thấy ngại là viết về một người còn sống mà lại nói về cái chết sắp tới của người ấy, nhất là khi người ấy là một nhân vật quan trọng được nhiều người ngưỡng mộ nhưng cũng không thiếu người thù hận.  Không những thế, qua biến cố bâu-xít 2009, ông đã đứng về phía dân tộc và đất nước Việt Nam lên tiếng trở lại, dù cho tiếng nói của ông chẳng được những người kế vị ông và các đồng chí còn sót lại của thời các thập niên bốn mươi, năm mươi của thế kỷ trước của ông lắng nghe và lưu tâm cứu xét. Con chim trước khi chết tiếng kêu bi thương, người ta trước khi chết lời nói lành. Tướng Giáp đã nói lên lời nói lành cho tương lai của nhiều thế hệ sắp tới, nói riêng, và cho sự tồn vong của cả đất nước và dân tộc Việt Nam, nói chung, dù đó là theo quan điểm của một người Cộng Sản cố hữu của ông. Điều đáng tiếc là cái nhìn về sự tồn vong của đất nước và của dân tộc Việt Nam trước hiểm hoạ đến từ phương Bắc này đã tới với ông quá muộn màng. Lẽ ra ông phải nhận ngay ra nó từ đầu thập niên năm mươi khi ông còn chỉ huy chiến dịch Đông Bắc trong cuộc Chiến Tranh Đông Dương Lần Thứ Nhất (1946-1954) và trong những năm kế tiếp. Phải chăng ở thời đó ông chỉ có tầm nhìn ngắn hạn, nhất thời thay vì tầm nhìn chiến lược lâu dài. Lý do là vì bản chất con người của ông là Cộng Sản quốc tế y hệt như con người của lãnh tụ của ông là ông Hồ Chí Minh. Phản ứng của ông khi ông tranh luận gay gắt với Tướng Trung Cộng Trần Canh chỉ là phản ứng chốc lát của một thanh niên Việt Nam tuy cũng là Cộng Sản nhưng vẫn còn yêu nước nhưng nhất thời và đơn lẻ? Nó đã không tồn tại được trước tham vọng quá lớn về một võ nghiệp huy hoàng với giấc mơ trở thành một Napoléon của Á Châu mà ông đã từng ấp ủ từ ngày còn đi học và đi dạy. Mào đầu dài dòng nhưng những gì tôi vừa viết ra không phải là mục tiêu chính của bài này. Mục tiêu chính của tôi là nhân dịp này nhận định rõ hơn về vai trò và sự đóng góp vô cùng quan trọng của Võ Nguyên Giáp trong lịch sử Việt Nam thời giữa thế kỷ trước, đặc biệt là vào sự thiết lập và củng cố chính quyền Cộng Sản Việt Nam trong những năm đầu của chính quyền này cũng như vai trò của ông trong việc diệt trừ các đảng phái đối lập và việc đưa đất nước và dân tộc Việt Nam đến cuộc chiến tranh kéo dài cả ba chục năm trời với hàng triệu người thương vong. Tưởng cũng cần phải biết là Đại Tướng Giáp hiện là Chủ Tịch Danh Dự của Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam nên việc làm sáng tỏ những gì cần phải làm sáng tỏ về một giai đoạn của lịch sử nước nhà khi ông còn có thể làm sáng tỏ được phải là điều một người như ông phải mong đợi và phải coi là có trách nhiệm phải làm. Rào trước đón sau hơi nhiều, bây giờ người viết xin được vô đề với một chú thích thêm là vì đây là một bài báo mang thời gian tính nhằm vào quảng đại độc giả nên người viết không kèm theo những cước chú vì thiết nghĩ nhất thời không cần thiết. Người viết sẽ liệt kê đầy đủ khi có dịp viết lại.

Phải nói ngay là trong bài này người viết sẽ không đề cập tới sự nghiệp quân sự của Võ Nguyên Giáp như một danh tướng của Cộng Sản Việt Nam mà còn là của thế giới, một đề tài đã được quá nhiều người, Việt Nam cũng như ngoại quốc, viết rồi; đồng thời chính ông cũng đã viết dù là tự tay hay qua các thuộc cấp. Sự nghiệp quân sự này đã che lấp những công lao khác mà ông đã đóng góp cho Đảng Cộng Sản Việt Nam trong những năm bốn mươi của lich sử đảng này. Bài này do đó sẽ chú trọng vào những năm đầu của thời kỳ cầm quyền của ông  với tư cách là Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ trong Chánh Phủ Lâm Thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Hồ Chí Minh và sau đó là Chủ Tịch Quân Sự Ủy Viên Hội trong Chính Phủ Liên Hiệp Quốc Gia với Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch và Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ Tịch sau đó là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng trong Chính Phủ Cải Tổ tháng 11 năm 1946. Đây là khoảng thời gian ít được người ta chú ý nhưng vô cùng quan trọng vì nó tương xứng với thời kỳ đầu của chế độ Cộng Sản ở Việt Nam trước và sau khi Việt Minh cướp được chính quyền. Trong thời gian này Võ Nguyên Giáp đã đóng vai trò then chốt trong nhiều sinh hoạt khác nhau, từ chính trị, hành chánh đến an ninh, quân sự và luôn cả ngoại giao nữa. Không có ông Việt Minh khó có thể giữ được chính quyền sau ngày 19 tháng 8 năm 1945 và không có ông chưa chắc cuộc chiến Đông Dương Lần Thứ Nhất đã xảy ra.

Những cuộn dây thừng của các đội viên tự vệ

Trước hết là thời gian trước khi Việt Minh cướp chính quyền, theo ngôn ngữ của người Việt Quốc Gia, hay trước ngày khởi nghĩa, theo ngôn ngữ của người Cộng Sản. Võ Nguyên Giáp là người đã xây dựng nên những đội tự vệ ở các xã miền núi hay những đội võ trang tuyên truyền đầu tiên của Việt Minh sau đó. Câu hỏi được đặt ra là tại sao lại võ trang? võ trang để chống Nhật hay chống Pháp hay võ trang để khủng bố tinh thần của những người Việt Nam, đối tượng chính của công tác tuyên truyền, để bắt buộc họ phải theo Việt Minh, nếu không thì sẽ bị bắt trói và “beng đầu”? Mục tiêu thứ ba đã được nhiêu người coi là chính vì chuyện dọa dẫm, ám sát, bắt cóc, thủ tiêu… đã xảy ra rất nhiều và đã được Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ, người được coi là đã thay thế Khâm Sai Phan Kế Toại ngày Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội, nói tới như là một trong những nguyên nhân của sự thành công của Việt Minh trong biến cố 19 tháng 8 năm 1945. Nó cũng được Nguyễn Tường Bách kể lại trong hồi ký của ông này qua lời của đe dọa mà Dương Đức Hiền thuộc Đảng Đân Chủ nói với ông Bách và nhà văn Khái Hưng. Điều này phù hợp với những gì Tướng Giáp viết trong hồi ký của ông, trong đó ông nói tới “những cuộn dây thừng” mà mỗi đội viên tự vệ bắt buộc phải có để “bắt Việt gian”. Phải chăng chính sách khủng bố ở Việt Nam bằng cách gán cho nạn nhân hai tiếng Việt gian và sau này là phản động, đã bắt đầu ngay từ những năm này và Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên thực hiện theo những kinh nghiệm của Nga hay của Tàu qua những cuốn sách nhỏ in li-tô mà tác giả hay dịch giả là Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp? Điều nên nhớ là sau này, trong những năm đầu của Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, chủ trương thủ tiêu, ám sát lại được những người Cộng Sản tiếp tục thực hiện hướng vào những người đứng đầu các xã ấp với hơn 800 viên chức bị sát hại trong năm 1957, sau đó chỉ riêng trong năm 1961 con số này đã tăng lên tới trên 4.000. Sau nông thôn là các thành thị và ngay ở thủ đô Saigon và Tết Mậu Thân ở Huế. “Sát nhất nhân vạn nhân cụ” tới một mức nào đó đã được Việt Minh áp dụng để cướp chính quyền năm 1945 vì nó đã làm tê liệt rồi tan rã guồng máy hành chánh và an ninh của chánh phủ Bảo Đại-Trần Trọng Kim ở khắp nơi trong nước, đồng thời giúp cho Việt Minh dùng đám đông học hành kém cỏi và tính tình nông nổi để diệt trừ đối lập.

Một gia thế và một quá trình học vấn thiếu minh bạch

Cũng thuộc giai đoạn khởi đầu cho sự nghiệp của Tướng Giáp này, gia thế của ông cũng như những chi tiết liên hệ tới ông hồi ông còn đi học, kể cả việc ông học luật ở Hà Nội, đối với một người bình thường là những gì thân yêu luôn luôn được họ tưởng nhớ hay nhắc đến, đã bị ông ít khi hay hầu như tránh né không đề cập tới. Một thí dụ điển hình là ông đã học tới đâu ở trường luật. Các tác giả viết về ông đã nói khác nhau. Người nói ông đã đậu tiến sĩ kinh tế, người nói ông đậu cử  nhân luật năm 1937, rồi tiến sĩ năm 1938, người nói ông chưa học xong cử nhân, người nói ông mới học xong năm thứ hai, sau đó thi chứng chỉ luật hành chánh để sửa soạn ra làm tri huyện nhưng bị rớt và vì mộng làm quan của ông không thành nên ông đã dứt khoát, quyết định từ bỏ tất cả theo Cộng Sản qua đại diện của đảng này là Hoàng Văn Thụ để cùng với Phạm Văn Đồng sang Tàu vào năm 1940, mở đầu một giai đoạn mới trong đời mình. Cũng nên để ý là trong thời gian ở Hà Nội này, Võ Nguyên Giáp chưa có một nghề chuyên môn và một việc làm nhất định. Việc dạy ở trường Thăng Long của ông chỉ là tạm thời và bán thời gian. Ông đã phải nương nhờ rất nhiều vào Đặng Thai Mai, kể cả ở nhà ông này để sống qua ngày. Phải chăng vì vậy nhiều người đã dùng thành ngữ “cầu bơ, cầu bất” để nói về ông lúc đó. Trong hoàn cảnh như vậy, chuyện ông học luật rồi lựa thi luật hành chánh để ra làm tri huyện có lý do của nó và nếu ông đậu thì cuộc đời của ông đã đổi khác và lịch sử Việt Nam cũng đã có thể đổi khác. Người ta sẽ có một ông Huyện Giáp vô danh của đầu thập niên 1940 thay vì một Bộ Trưởng Nội Vụ Võ Nguyên Giáp trong Chính Phủ Lâm Thời Hồ Chí Minh hay một Đại Tướng Võ Nguyên Giáp về sau này, y hệt trường hợp của Hồ Chí Minh khi ông này làm đơn xin vô học trường Thuộc Địa của Pháp non ba chục năm trước, năm 1911. Điều nên biết thêm là, theo một vài tác giả, Sinh Viên Võ Nguyên Giáp thích môn kinh tế học và không thích luật hành chánh. Sau này các thày dạy hay giám khảo về kinh tế học của ông như Grégoire Khérian, Gaeton Pirou… đều cho biết là ông rất xuất sắc về môn này. Tuy nhiên, khác với nhiều người khác, đặc biệt là Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, luôn luôn ăn mặc chỉnh tề, lúc nào cũng sơ-mi trắng, cổ thắt ca-vát, mình mặc veston và quần mầu nhạt, đầu đội mũ dạ, chân đi giầy…như một công chức cao cấp, kể cả khi ở chiến khu, lúc gặp các sĩ quan Mỹ của cơ quan OSS, bên cạnh Hồ Chí Minh mặc quần soọc, áo sơ-mi nhầu nát, chân di dép có quai. Lối ăn mặc này đã được những người ngoại quốc gặp ông chú ý và miêu tả và đã được ông giữ rất lâu về sau này, ít ra là cho đến khi ông được phong quân hàm đại tướng. Sau bộ đồ Tây là bộ quân phục đại tướng, buổi đầu là kaki màu cứt ngựa của bộ đội và cuối cùng là lễ phục màu trắng, thật trắng là thẳng nếp với đầy đủ phù hiệu và huy chương mỗi khi xuất hiện hay in trên bìa sách, kể cả khi chỉ là để được phỏng vấn. Phải chăng lối ăn mặc này, cộng thêm với những căn bản giáo dục đại học và cuộc sống trí thức, tiểu tư sản bên cạnh sự thành công quá lớn của ông đã khiến cho ông bị những thành phần lãnh đạo khác không ưa và đã cản bước tiến của ông trong vai trò lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam, dù cho ông là người có khả năng nhất và ngay từ đầu đã đóng góp nhiều nhất cho đảng này. Phải chăng cũng vì vậy mà ông đã ít khi, nếu không nói là không bao giờ đề cập tới thời còn đi học của ông, chưa kể tới mối liên hệ giữa ông và Louis Marty, trùm mật thám Pháp, người đã đỡ đầu và ông giúp ông hoàn tất bằng tú tài I, rồi vô Trung Học Albert Sarraut để lấy nốt bằng tú tài II Tây, thay vì trường bảo hộ và tú tài bản xứ, và vào trường Luật như đda số các thanh niên Việt Nam khác.

Pages: 1 2

16 Phản hồi cho “Vài ghi chú về một nhân vật lịch sử: Đại Tướng Võ Nguyên Giáp”

  1. noileo says:

    “Hành động”hạ bệ”kiểu này còn bỉ ổi hơn trò bôi bẩn”thần tượng”HCM (để đòi lại tên”Stây Cống?)” (Vũ Duy Giang)

    Nếu phải yêu ghét & đổi tên một thành phố dựa trên “lập trường” theo cung cách nhà trí thức bắc kỳ Vũ Duy Giang khinh bỉ cái tên “Sài gòn”, thì chính là “Hà Nội” phải đổi tên.

    Vì “Hà nội” là biểu tượng cho một nỗi nhục của người dân Việt nam, vì “Hà nội” đã để cho cộng sản ngự trị, như một cô gai buon huong để cho một thằng ma cô dẫn dắt! Từ căn cứ “Hà nội” bọn Việt cộng phản quốc & Hồ chí Minh bán nuớc, tay sai cộng sản Nga Tàu, đã hoạch định & mưu mô & tung bọn thủ túc nha trảo gian ác của chúng ra khắp các tỉnh thành làng mạc Việt nam để giết người cuớp của, cắt đất & biển & sông núi Việt nam dâng hiến cho ác quỷ cộng sản & tàu cộng, kẻ thù truyền kiếp của người Việt nam, để đuọc bọn Tàu cộng chống lưng cho làm đầu nậu cai trị trấn lột nhân dân đất nuớc Việt nam!

    Như vậy, đứng trên lập truòng của Vũ Duy Giang, thì “Hà nội”, cái tên nhơ bẩn vì lũ giặc cuớp cộng sản, là cái tên đầu tiên phải đuọc vứt vào sọt rác, thay vào đó bằng cái tên “Hồ chí Minh” cho tuơng xứng với sự nhơ bẩn nhục nhã của nó!

    • Vũ Duy Giang says:

      Hanoi cũng cần được đổi tên bằng tên cũ:Thăng Long(vào dịp sinh nhật”1000 năm Thăng Long”,và Saigon-HCM cũng cần đổi tên thành”Cửu Long”(đọc ở dưới).Năm 1954 khi VN bị chia ra 2 miền,thì CSVN cũng có thể được trao miền nam(thay vì miền Bắc),với thủ đô Saigon(thay vì Hanoi),để từ đó”Bắc tiến” (như Phó TT.Nguyễn cao Kỳ cũng đã hô hào!)để thống nhất VN.Nhưng đó không phải là lý do để đổi tên Saigon,mà Saigon chỉ có sử tích là vùng đất mà triều đình Huế đã”cống”cho Tây(Tây Cống mà Tầu đọc ngọng thành”Sây Cống”,rồi thành Saigon),làm thuộc địa,cũng như Hà-nội (=vùng trong sông Nhị Hà)cũng do triều đình Nguyễn đổi từ tên Thăng Long,khi rời kinh đô VN vào Huế.”Nói leo”nên đọc lại lịch sử VN(cũng không khinh bỉ cái tên Saigon! thì sẽ biết rằng chỉ có 2 triều đại Hồ quý Ly(rời Đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa),và triều đại Nguyễn(rời Đô từ Thăng Long vào Huế)đã làm mất nước cho ngoại bang (Tầu và Pháp)đến cai trị VN.Các triều đại khác đã 7 lần rút khỏi Thăng Long để sau đó phản kích lại,chiến thắng quân xâm lược Tầu,Mông Cổ và Pháp,để lấy lại thủ đô Thăng Long.Và cũng từ Thăng Long,các triều đại VN đã”Nam tiến”để mở rộng bờ cõi về phía Nam
      Vậy không nên nói leo với những ai”chống Cộng đến chết bỏ”!

  2. Vũ Duy Giang says:

    Hình đăng kèm bài viết chụp cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annam và phu nhân vào thăng lăng HCM,nhưng ghép hình ĐT.Võ nguyên Giáp trên vòng hoa,để gây hiểu nhầm là hoa phúng tướng Giáp.Đây là hành động để”hạ bệ” ĐT.Giáp(đã được báo Anh bầu là 1 trong hơn 10 tướng giỏi của thế giới,cùng với Hưng Đạo Vương đã 3 lần thắng quân Nguyên-Mông.Trong danh sách này,KHÔNG có 1 tướng TQ nào hết!)bằng cách tranh dành chiến thắng Điện biên Phủ cho tướng cố vấn Tầu(mà thực dân Pháp cũng viết vậy,vì bị”mất mặt”khi thua”An nam Mít”!).

    Vào cuối đời mà tướng Giáp còn can đảm lên tiếng về những vụ”Bô Xít Tây Nguyên”,Tổng cục 2 ,v..v…Hành động”hạ bệ”kiểu này còn bỉ ổi hơn trò bôi bẩn”thần tượng”HCM (để đòi lại tên”Stây Cống?!Thay vì đặt tên thành phố Cửu Long,cũng như Thăng Long,và Hạ Long)bằng cách mang chuyện”chăn gối”và con rơi với những đàn bà ở các nước mà HCM đã sinh sống,hay hoạt động.để làm quên chuyện HCM và TT.Ngô đình Diệm đã trục xuất Pháp ra khỏi VN,sau trận Điện biên,để đi đến thống nhất đất nước VN từ 1975,mà chỉ có những tay sai của Tầu ở trong và ngoài nước VN mới không muốn một nước VN thống nhất,để”chia mà trị”,cũng như bây giờ Tầu chỉ muốn đàm phán”song phương”với mỗi nước Đông Nam Á về vấn đề biển Đông để tìm cách”chia rẽ”ASEAN cho Tầu”trị”từng nước.

  3. Senterman says:

    Người Việt thường có thói quen trọng ngoại, thường cái gì người ngoài nói là hay, là đúng. Vài anh ký giả ngoài vô VN viết lách ca tụng hết vĩ nhân thế giới Hồ Chí Minh, đến tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Chiến tranh Nam-Bắc chính nghĩa thuộc miền Bắc vì cuộc chiến là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Miền Nam chỉ đánh thuê cho Mỹ! Bà ký giả Heleine của Pháp lẻn vào được miền Bắc phỏng vấn nhăng cuội mấy tay cáo cò mồi CS về Pháp viết bài ca tụng CS tít mù trời xanh: Miền Bắc tự lực tự cường không cho Trung cộng đưa quân vào. Tự thắt lưng buộc bụng để nuôi cuộc chiến cho đén ngày vinh quang…. cho đến lúc cuộc chiến tàn và Trung Quốc đòi nợ thì các ký giả nầy nín tè không một lời xin lỗi!. Các tiết lộ của đám CS thất sủng cho biết Tàu cộng đã không chừa lãnh vực nào mà không nhúng tay cố vấn. Ở miền Nam khi ký giả Susane Labin vào miền Nam quan sát gần một năm, về Pháp viết cuốn “Nước đã đến chân” để cảnh báo người Việt nguy cơ CS là rất lớn và kêu gọi thế giới ủng hộ chế độ Saigon chống Cộng thì không những thế giới làm ngơ mà trí thức ngái ngủ miền Nam lại vừa đọc vừa bỉu môi! Một phần người Mỹ phải gánh láy tội vì dùng viên trợ để cột tay chế độ địa phương không cho áp dụng kế hoạch của chính mình để diệt Cộng. Thế thì việc ông Phạm Cao Dương nêu nghi vấn về huyền thoại Điện Biên Phủ Võ Nguyên Giáp là quá trễ, nhiều chiến hữu của ông Giáp nhắm mắt mà chưa biết được chút sự thật nào về người đồng chí đã xô họ xuống địa ngục. Ong viết sử mà chỉ đọc toàn sách one-way và tin đồn thổi phồng, thiếu những kiếm tìm thực địa mà thế giới đen CS giấu rất kỹ những thông tin bất lợi cho họ. Đọc tiểu sử của đảng viên cao cấp nào của CS đều là anh hùng “Lê văn Tám”, ra ngõ là gặp anh hùng, nằm mơ thấy mình là người VN!!! Con người mà kẻ thù cho đi đặt vòng xoắn cho chị em mà vẫn im lặng vâng lời, đồng chí đồng cam cộng khổ bị cắt đầu chắt tay mà không một lời lên tiếng là hèn hết chỗ thì không thể là anh hùng được. Từ những điểm “nhược” nặng như thế thì xem ra huyền thoại chỉ là từ nên dùng để phỉ báng thì đúng hơn là ca tụng!

  4. noileo says:

    “Uớc vọng của Võ Nguyên Giáp trở nên một Napoleon…”

    Có thể là Võ Nguyên Giáp đã đạt đuợc giấc mơ trở nên một Napoleon!?
    Nhưng chắc chắn là không phải ai cũng giống ai trong cung cách đạt “danh hiệu” Napoleon…

    Napoleon là người Corse, trở nên “Napoleon”, làm Vua Pháp, nhờ đó Corse trở thành một vùng lãnh thổ thuộc Pháp, mở rộng bờ cõi nuớc Pháp…

    Ở Á châu thì Đại tuóng Việt cộng Võ Nguyên Giáp, là người Việt, “trở nên Napoleon của Á châu” theo cách riêng của Giáp: đem quân Tàu cộng vào Việt nam…, nhờ đó Việt nam trở thành một vùng lãnh thổ thuộc Tàu, mở rộng bờ cõi Trung quốc…

  5. D.Nhật Lệ says:

    Nói cho cùng,chiến thắng ĐBP.không thể tách rời với chiến thắng của Mao là đã lập ra
    chế độ cộng sản ở Trung Hoa.Chính nhờ cố vấn và võ khí (từ hậu phương Tàu cộng) đã
    góp phần cho VNG.thắng trận ĐBP.
    Điều này nghe thì cay đắng nhưng đó là sự thật :
    Rằng hay thì thật là hay
    nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào !

  6. Nax Phas Luaan says:

    Hay quá. Bài viết làm tôi sáng mắt ra. Một nhà hiền triết Ấn từng nói: Tôi không thấy các tướng quân, mà chỉ thấy các tay đại đồ tể. Chao ôi. Cảm ơn bài viết cùng tác giả.

  7. Nax Phas Luaan says:

    Hay quá. Cho tôi sáng mắt ra, vì trước đây tôi vẫn xem trọng vị tướng này. Một nhà hiền triết Ấ Độ từng nói: ”Tôi không thấy có các vị tướng quân. Tôi chỉ thấy những tay đại đồ tể”. Chao ôi. Gần hết kiếp người tôi đã bị lừa.

  8. PMM says:

    Lúc còn nhỏ (13,14 tuổi ) tôi sống ở miền quê là lúc chiến tranh Việt Minh – Pháp .Tôi đã chứng kiến cả 2 bên đều khủng bố dân chúng khủng khiếp . Pháp thì đốt nhà, hãm hiếp đàn bà con gái , giết chóc đàn ông. Việt Minh thì rùng rợn hơn, chặt đầu, ám sát kể cả các giáo viên đang dạy trong lớp học ngay trước mặt các học sinh thơ dại. Từ “mò tôm” từ thời Việt Minh mà có . Chỉ sơ ý qua 1 câu nói, hay bị ghét, bị thù oán, bị nghi là việt gian là bị giết rồi. Xã tôi ở số người bị Việt Minh giết nhiều hơn số người bị Pháp giết là 3 người (28 – 25) . Người ta chỉ nói đến số người chết trong các vụ đấu tố mà không nói gì đến những giai đoạn khủng bố dân chúng .

  9. noileo says:

    “Uớc vọng của Võ Nguyên Giáp trở nên một Napoleon…”

    Có thể là Võ Nguyên Giáp đã đạt đuợc giấc mơ trở nên một Napoleon!?
    Nhưng chắc chắn là không phải ai cũng giống ai trong cung cách đạt “danh hiệu” Napoleon…

  10. Rong Do sao vang says:

    Tu hoi khong biet luc nao thi nhung nguoi VNCH hieu noi:
    ” Khong co gi quy hon Doc Lap Tu Do”.
    Bac Giap da dau tranh danh doc lap va chung toi van tiep tuc dau tranh tiep cho mot Tu Do that su cho dat nuoc.

    • NN says:

      CHỈ KHI NÀO MỌI CÔNG DÂN ĐỀU THÔNG MINH
      XÃ HỘI ĐÓ MỚI THẬT SỰ LÀ XÃ HỘI THÔNG MINH

      Câu của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh thật ra có hai vế : Không có gì quý hơn độc lập tự do để xây dựng XHCN. Người nào chỉ mới hiểu, hay chỉ mới thấy có vế đầu, thì vẫn chưa thật sự là một người thông minh.

      NK

Leave a Reply to D.Nhật Lệ