Tản mạn quanh vụ dầu tràn ở Vịnh Mexico
Ngày 20/4/2010, tàu khoan dầu Deepwater Horizon, khi đang khoan trên giếng dầu Macondo thuộc khu vực Mississipi Canyon Block 252, nằm khoảng 45 miles về phía Nam của duyên hải Louisiana, thì phát nổ và cháy. Độ sâu ở vùng này là khoảng 5000 bộ Anh (chừng 1 mile). Dàn khoan này đang khoan tới độ sâu chừng hơn 3 miles (18,000 bộ Anh) tính từ đáy đại dương và đang vào vùng có dầu. Dàn khoan đang đi vào bước cuối trong giai đoạn thăm dò, các chuyên viên đang chuẩn bị để đậy giếng khoan bằng một casing, chờ đợi kết quả xét nghiệm mẫu dầu để quyết định kế hoạch cho bước khai thác sản xuất kế tiếp.
Ước tính sơ khởi giếng khoan này có trữ lượng khoảng 100 triệu thùng dầu. Đó tuy không là một số lượng lớn lắm so với những giếng khoan khác trong vùng Vịnh Mexico, nhưng dù sao cũng là một sự thành công và bộ phận Thăm Dò của công ty BP đang chuẩn bị ra thông báo chính thức về sự thành công của giếng khoan. Một năm trước đó tàu khoan Deepwater Horizon, thuộc về công ty dịch vụ dầu Transocean, đã khoan thăm dò thành công cho hãng BP, một giếng khoan khác ở độ sâu 35,000 bộ Anh, cũng trong vùng Vịnh Mexico, với trữ lượng đến 3 tỉ thùng dầu! Điều đó cho thấy tàu khoan Deepwater Horizon là một tàu khoan lớn có thành tích với một đội ngũ nhân viên lành nghề.[1] Giá thuê tàu khoan Deepwater Horizon rất đắt, BP đã phải trả hơn 500,000 dollars tiền thuê mỗi ngày cho công ty Transocean.
Tàu Deepwater Horizon dài 396 bộ (khoảng 130 mét), rộng 256 bộ (khoảng 85 mét), cao khỏi mặt nước khoảng 80 bộ (chừng 25 mét). Tổng số nhân viên là 135 người. Vụ nổ phát ra ngọn lửa từ sàn tàu phụt lên cao nhiều trăm mét đã khiến 11 chết và 9 mất tích.
Hiện vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân của vụ nổ. Nhưng thông thường, các vụ nổ dàn khoan dầu là do hệ thống ngăn chận hơi đốt và dầu dội lên từ đáy giếng đã không được lắp đặt đúng theo yêu cầu an toàn kỹ thuật khiến áp suất rất lớn ở đáy giếng đã đẩy hơi đốt và dầu ngược lên dàn khoan, gây ra nổ và hoả hoạn. Bộ phận quan trọng nhất là Blowout Preventer (BOP) nằm ngay miệng giếng (wellhead), thường do các robots, được điều khiển từ xa, đóng lại khi phát hiện thấy có triệu chứng hơi đốt và dầu tràn ngược lên một cách bất thường. Mặt khác, công đoạn lắp đặt các ống khoan (casings) trong và các ống khoan ngoài sao cho hoàn toàn đồng tâm với mũi khoan, và việc đổ cement quanh các ống khoan đó cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chận hơi đốt-dầu tràn ngược. Thông thường để bảo đảm cho công đoạn này, các ống khoan được gia cố xung quanh bằng các centralizers. Công dụng của các centralizers là duy trì sự đồng tâm của các ống khoan, giúp hỗn hợp Mud cũng như cement được phân bố và thay thế đồng đều, không tạo ra kẽ hở. Theo điều tra của Uỷ Ban Năng lượng Hạ Viện thì mũi khoan Macondo chỉ có 6 thay vì 21 centralizers như khuyến cáo kỹ thuật của công ty dịch vụ Halliburton. [2]
36 giờ sau vụ nổ, tàu khoan Deepwater Horizon chìm xuống đáy sâu 5000 bộ (khoảng 1 mile = 1.6 km), cách giếng Macondo mà nó khoan, khoảng 300 mét.[3] Tàu chìm kéo phần dàn ống, danh từ chuyên môn Anh ngữ là Marine Riser, kể từ miệng giếng dầu lên đến tàu ngã đổ theo và nứt ra ở ba điểm khác nhau, dầu đã từ những chỗ đó phun ra. Bộ phận quan trọng để bịt giếng dầu trong trường hợp khẩn cấp là Blow Out Preventer (BOP) của giếng khoan, trong trường hợp này, không hiểu vì lý do gì đã không hoạt động được theo sự dự liệu của kế hoạch an toàn.
Tàu khoan Deep Horizon là của công ty Transocean .Transocean được công ty BP thuê khoan theo thiết kế của BP. Ngoài ra, còn có công ty Anadarko Petroleum với phần hùn 25%, và công ty Mitsui Oil Exploration với 10% hùn vốn. Trên tàu khoan còn có một số nhân viên của công ty Halliburton (do Phó TT Dick Cheney làm CEO trước đây) phụ trách về kỹ thuật xi-măng cho mũi khoan. Điểm quan trọng khác về liên đới trách nhiệm là cơ quan Minerals Management Services (MMS) của Chính phủ Liên Bang chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động của các công ty dầu, kiểm tra điều kiện an toàn của các giàn hoặc tàu khoan theo khuyến cáo của OSHA (Occupational Safety and Health Administration).
BIỆN PHÁP ĐỐI PHÓ
Có hai khía cạnh trong việc đối phó với việc dầu tràn: dầu loang trên mặt biển và chận đứng dầu tràn lên từ miệng giếng.
Đối với dầu loang trên mặt biển, nhiều phương cách khác nhau được dùng phối hợp. Trước hết là tìm cách ngăn bớt không cho dầu lan nhanh vào gần bờ biển. Kế đến là dùng hoá chất (dispersants) để làm tan loãng dầu. Tiếp nữa là hút dầu vào các tàu có bồn chứa (skimming). Một biện pháp khác là dùng lửa đốt các mảng dầu lớn. Ở những nơi dầu đã lan vào bờ, đã hình thành các oil tars lẫn với cát, người ta phải thu thập các tars dầu đó đựng vào các túi plastic và đem đi.
Việc hút dầu loang trên mặt vào các tanker ships gặp trở ngại là việc vận chuyển dầu bằng những tankers lớn đã từ lâu không thuộc lãnh vực kinh doanh được người Mỹ chú ý, vì vậy hiện đa số những tàu tankers lớn lại thuộc sở hữu của các quốc gia khác. Nhưng theo luật hàng hải của Mỹ thì các tàu tankers ngoại quốc lại không được tự do ra vào vùng biển của Mỹ; họ chỉ được đi theo những hải trình chấp thuận trước. Đây chính là lý do vì sao, tuy có nhiều quốc gia sẵn lòng đưa các tàu tankers lớn vào giúp, nỗ lực quốc tế của việc hút vớt dầu vẫn chưa tiến hành nhanh như mong đợi.
Khó khăn nhất là việc chận đứng dầu tiếp tục tràn lên từ giếng dầu. Bộ phận quan trọng nhất để chặn tất cả hơi đốt và dầu tràn lên từ miệng giếng (wellhead) là BOP đã, vì một lý do nào đó, không vận hành được nên dầu vẫn tiếp tục trào lên. Khi vụ nổ xảy ra, tàu khoan Horizon chìm, kéo dàn ống (marine riser) nối từ miệng giếng lên đến tàu khoan dài cả một mile ngã đổ theo, gây ra 3 chỗ nứt khác nhau trên dàn ống đó gần với miệng giếng. Dầu đã từ 3 chỗ nứt đó liên tiếp phun ra. Lúc đầu người ta đã dùng robots để tìm cách bịt những chỗ nứt đó lại, nhưng không thành. Người ta cũng cố gắng thiết kế một vòm chụp lớn, do robots đưa xuống úp lên trên miệng giếng để từ đó chuyền dầu phun ra lên các tàu trên mặt biển. Nhưng kết quả không giảm được lượng dầu đáng kể tiếp tục tràn ra. Phương cách khác là đào những giếng khoan phụ (relief well) gần đó để giảm áp suất của giếng chính, khiến lượng dầu thôi tràn lên. Nhưng việc đào giếng khoan phụ giảm áp suất đòi hỏi nhiều thời gian; mất cả vài tháng mới xong. Trong lúc đó thì lượng dầu tràn ra hàng ngày có thể lên đến 60,000 thùng!
VẮN TẮT VỀ HÃNG BP
BP bắt nguồn từ công ty Anglo-Persian Oil Company do William Knox D’Acry, một người Úc gốc Anh, thành lập năm 1909 để khai thác dầu ở Iran sau khi D’Acry nhận được hợp đồng 60 năm đặc nhượng (Oil Concession) với đế quốc Persian (tên gọi nước Iran trước năm 1935). Từ Đệ I Thế chiến trở về sau, do sự vận động mạnh mẽ của Winston Churchill, người đã nhìn thấy trước viễn ảnh vai trò chiến lược của dầu hỏa, chính phủ Anh quốc bỏ nhiều vốn vào Anglo-Persian Oil Company và chiếm đa số cổ phần ở đó, chừng 53%.[4]
Từ đó trở đi công ty trở nên độc quyền dầu hoả ở Iran và giàu lên rất nhanh. Đến năm 1935, nước Persian đổi tên chính thức là Iran, công ty cũng đổi tên từ Anglo-Persian thành Anglo-Iran Oil Company (AIOC), là công ty dầu hoả lớn nhất thế giới, khai thác và lọc dầu ngay tại Iran, thu dụng trên 200,000 lao động người địa phương. Công ty đã thu được lợi nhuận khổng lồ, trong khi chỉ trả cho chính phủ Iran những món tiền rất khiêm tốn. Chẳng hạn năm 1948, công ty được nhượng quyền trên một diện tích hơn 100,000 dặm vuông, khai thác được hơn 23 triệu tấn dầu, thu lời đến 320,000,000 dollars, nhưng chỉ trả cho Iran 36,000,000 dollars ![5] Ngoài ra, Công ty lại đối xử rất tệ với công nhân bản xứ, trả thù lao rất thấp so với người Anh, và để họ sống trong những khu phố đầy rác rưởi, ẩm thấp, không hề được hưởng một quy chế an sinh tối thiểu nào cả.
Đến năm 1954, ảnh hưởng của Công ty ở Iran suy giảm, Công ty đổi lại tên thành British Petroleum (BP) Company. Do sự quốc hữu hoá dầu hoả của các quốc gia Á rập, sản lượng dầu của Công ty giảm dần; chẳng hạn năm 1975 sản lượng của Công ty ở Trung Đông là 140 triệu tấn, nhưng đến năm 1983 chỉ còn chừng ½ triệu tấn. Từ đó, chính phủ Anh bán lại cổ phần của mình và thôi không còn giữ vai trò chính trong Công ty nữa. BP bắt đầu thâm nhập vào thị trường Bắc Mỹ, mua lại các công ty Standard Oil of Ohio, ARCO, Amoco, và khởi sự khai thác dầu ở Alaska, Texas và Vịnh Mexico.
Trong những năm gần đây hồ sơ về sản xuất an toàn của BP rất tệ. Năm 2005 một trạm lọc dầu của BP ở Texas cháy, giết chết 15 nhân công. Năm 2006 làm tràn hơn 250,000 gallons dầu tại một ống dẫn ở Alaska khiến phải đóng cửa nhà máy ở đó. Kết quả điều tra những vụ đó cho thấy nguyên nhân là do BP cố tình bỏ băng một số công đoạn kỹ thuật để tiết kiệm hoặc thời gian, hoặc chi phí sản xuất cho Công ty.
Ngoài ra, những điều tra của ProPublica- một tổ chức bất vụ lợi chuyên đưa ra những điều tra báo chí phục vụ công ích- thì BP còn vấp phải nhiều sai phạm khác về an toàn sản xuất và bảo vệ môi sinh. Theo ProPublica thì đã có nhiều điều tra và cảnh báo của các tổ chức quốc tế về việc nhân viên quản trị của BP đã làm dối trong các quy trình an toàn, sử dụng dụng cụ quá cũ ảnh hưởng đến mức độ chính xác của việc đo đạc các chỉ số an toàn, hoặc ngăn cấm hay đe doạ công nhân không được lên tiếng về những vấn đề an tòan của Công ty, hay làm ngơ đối với các yêu cầu an toàn của các cơ quan chính phủ, cản trở hay làm nản lòng các viên chức của cơ quan thực hiện việc điều tra, v.v…
Năm 1999, BP đã bị kết án (felony conviction) ở Alaska vì đã xả phế liệu một cách phi pháp (illegal dumping), gây tổn hại nặng nề cho môi trường và đời sống. Vụ án đó khơi mào một loạt các điều tra về những vi phạm của BP đối với môi trường trong suốt thời gian dài BP khai thác dầu ở Alaska từ thập niên 1960 trở đi. Loạt điều tra đó phơi bày nhiều vi phạm nghiêm trọng của BP đối với việc bảo vệ môi trường. Để được tiếp tục khai thác, BP đã phải chấp nhận ký cam kết về một kế hoạch 5 năm tự đặt dưới sự theo dõi của US EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ).
Hoặc như năm 2002, giới chức ở California đã khám phá ra BP nguỵ tạo các báo cáo an toàn và có đến 80% các phương tiện tồn chứa dầu của Công ty ở vùng lọc dầu Los Angeles là không đạt tiêu chuẩn về bảo trì chống rò rỉ. Để khám xét các bồn chứa dầu của BP, các điều tra viên đã phải xin trát toà (warrants).Vì sự rò rỉ đó, cuối cùng BP đã phải dàn xếp ngoài toà bồi thường cho South Coast Air Quality Management Distric 100 triệu dollars!
Vụ nổ tại trạm lọc dầu Texas năm 2005, giết chết 15 công nhân nói đến ở đoạn trước, theo các kết quả điều tra, gây ra là do vi phạm quy định an toàn, và không tuân thủ quy trình sản xuất. Sau vụ đó, BP có hứa sẽ cải thiện quá trình công nghệ ở trạm lọc dầu này cho an toàn hơn, nhưng về sau BP đã không thực hiện lời hứa đó và bị OSHA (Occupational Safety and Health Administration) phạt 87 triệu dollars.[6]
Riêng trong vụ nổ dầu Deepwater Horizon này, theo Uỷ Ban Năng Lượng và Thương Mãi Hạ Viện thì công ty BP, vì muốn tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian, đã tiến hành khoan mỏ dầu Macondo bất chấp những đòi hỏi kỹ thuật thông thường và những bước cần thiết về an toàn. Trong thư gởi cho ông Tony Hayward, CEO của BP, Ủy ban nêu ra 5 thiếu sót trong quyết định của BP: (1) Dùng thiết kế với ít rào cản (barriers) để chận dòng hơi đốt từ dưới lên. (2) Dùng quá ít centralizers- 6 thay vì 21 theo tiêu chuẩn kỹ thuật- dùng trong việc bảo đảm độ đồng tâm của các ống khoan (casing) có đường kính khác nhau. (3) Không tiến hành thử nghiệm hiệu năng của quá trình đổ cement bảo vệ ống khoan. (4) Không thử nghiệm trước khả năng chu lưu tốt của hỗn hợp bùn khoan có chứa hơi đốt ra khỏi giếng khoan.(5) Đã không bịt chặt được miệng giếng (wellhead) để cản áp suất dội lên từ dưới giếng. Do muốn giành lại thời gian đã bị chậm trễ nhiều so với kế hoạch dự liệu trước đó, BP đã vấp phải 5 quyết định sai sót vừa nêu.
Tuy đã gởi thư trước cho Tony Hayward với những vấn đề nêu ra như trên, nhưng tại cuộc điều trần ngày 15/6/2010, Ủy Ban Năng lượng đã không nhận được một sự trả lời nào thoả đáng từ ông Tony Hayward, CEO của BP. Ông Hayward nhất mực phủ nhận mọi quyết định sai sót do Uỷ Ban nêu ra cho công ty BP, lấy cớ rằng việc điều tra nguyên nhân của vụ cháy-nổ vẫn còn đang được tiến hành và chưa có kết luận cuối cùng. Các Dân Biểu của cả hai đảng Cộng hoà và Dân Chủ, ngoại trừ Dân Biểu Cộng Hoà Joe Barton, đều không hài lòng với sự trả lời của ông Hayward, cho rằng ông này đã cố tình “ngậm miệng” (stonewalling) không chịu cung cấp đầy đủ thông tin; người ta nghi ngờ rằng thái độ của Hayward là để dự phòng các vụ kiện dân sự sẽ xảy ra cũng như việc điều tra những vi phạm hình sự có thể có đối với BP liên quan đến vụ nổ.
Trước cuộc điều trần nói trên một ngày, do áp lực mạnh mẽ của chính phủ Obama, BP đã đồng ý bỏ ra 20 tỉ dollars vào một escrow fund, nghĩa là quỹ do một trung gian (third party) quản lý, chia ra 5 tỉ mỗi năm, nhằm chi trả cho những khiếu nại thiệt hại của cư dân trong vùng Vịnh Mexico, gây ra do hậu quả của vụ nổ Deepwater Horizon. Đó là một số tiền rất lớn so với mức trách nhiệm được quy định trước đây là 75 triệu dollars. Tuy vậy, một số chính khách đảng Cộng Hoà, vì một lý do chính trị nào đó, lại phản đối việc làm đó của TT Obama. Dân biểu Joe Barton, chẳng hạn, tại cuộc điều trần trước Uỷ Ban Năng Lượng, đã xin lỗi BP về việc phải bỏ ra 20 tỉ dollars đó và Ông cho rằng TT Obama đã tống tiền (shakedown) BP! Một số các chính khách Cộng Hoà khác cũng cho rằng, bằng việc áp lực BP phải bỏ tiền ra như vậy, chính phủ Liên Bang đã can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của các công ty tư nhân! Thái độ này của các chính khách CH đã gây không ít bất bình từ dân chúng vùng Vịnh Mexico.
HẬU QUẢ CỦA VỤ NỔ
Vụ dầu tràn từ tàu khoan Deepwater Horizon đang trực tiếp gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho đời sống của dân chúng các vùng liên hệ thuộc các bang Louisiana, Mississipi và Alabama.
Trước hết là đối với Ngư nghiệp. Kỹ nghệ hải sản của bang Louisiana trị giá 2.4 tỉ dollars, cung cấp đến 40% hải sản cho cả nước, tuyển dụng khoảng 27,000 nhân công. Vụ tràn dầu đã khiến đến 25% diện tích biển của Vịnh, nghĩa là ¼, do vấn đề an toàn đã bị đặt vào vùng cấm các hoạt động ngư nghiệp; và sự giới hạn này ảnh hưởng trực tiếp đến đới sống của hàng ngàn ngư dân, và gián tiếp đến các dịch vụ hải sản khác của khu vực.
Vụ tràn dầu cũng ảnh hưởng đến đời sống động vật trong vùng biển. Cho đến nay đã tìm thấy hơn 500 chim biển, gần 250 rùa, và khoảng 30 động vật hữu nhũ khác, gồm cả cá heo, bị chết do dầu. Đây là những dấu hiệu rất đáng ngại về hậu quả nguy hại đối với môi trường hải dương của Vịnh.[7]
Nỗi lo ngại đối với môi trường hải dương còn lớn hơn nữa khi nhiều Plumes dầu, một dạng hỗn hợp loãng của dầu thô và khí mê-tan không hoà tan, không nổi trên mặt nước, nhưng lơ lửng ở trong nước ở độ sâu hàng ngàn bộ Anh, hợp thành từng khối dài hàng chục miles, rộng đến 5 miles và dày từ 300 đến 3000 bộ Anh, đã được các nhà khoa học trường Đại học Florida phát hiện gần nơi dầu tràn. Người ta còn gọi những Plumes này là những sông dầu ngầm (undersea rivers of oil). Tác hại trước hết của Plumes là làm suy giảm tỉ lệ khí Oxy hoà tan trong nước biển (Oxygen depletion/hypoxia), ước tính xuống còn chừng 30%. Mức độ khí oxy hoà tan thấp như vậy sẽ rất độc hại cho những loài sống sâu dưới nước như rùa, cá voi, cá mập, cá tuna, mực, bạch tuộc, và rất nhiều các loại rong tảo hữu ích khác của đời sống hải dương.[8] Tất nhiên sự nguy hại đó sẽ có tác động dây chuyền, ảnh hưởng cả đến con người, khi nhìn từ góc độ môi sinh học như một tổng thể.
Ngay cả ngành du lịch của các bang trong vùng Vịnh cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nặng nhất là bang Florida, nơi mà hàng năm ngành du lịch cung cấp đến gần 60 tỉ doanh thu, và công việc làm cho hơn 1 triệu người. Tin tức về dầu tràn từ Vịnh Mexico xuống làm ô nhiễm các bãi biển chắc chắn sẽ làm giảm số lượng du khách đến Florida trong mùa hè này.
DẦU HỎA VÀ CHÍNH TRỊ
Dầu hoả và chính trị quốc tế là một đề tài rộng lớn, vượt rất xa khuôn khổ của một bài viết ngắn gọn. Nhân do vụ nổ dầu ở tàu khoan Deepwater Horizon của hãng BP, người viết chỉ xin lược sơ những nét lớn lao của mối quan hệ dầu hỏa-chính trị bắt đầu bằng việc nói đến sức mạnh tài chánh của BP và những dính líu chính trị đầu tiên của công ty đó trên phạm vi quốc tế. Kế đến điểm lại vài biến cố chính trị quốc tế liên quan và sau cùng về hai cuộc chìến tranh hiện xảy ra ít nhiều dính líu đến dầu hoả.
Trước hết xin ghi ở đây vài con số về khả năng tài chánh của BP.
Tổng trị giá doanh vụ hàng năm:
2009 – $239,272,000,000
2008 – $361,143,000,000
2007 – $284,365,000,000
2006 – $265,906,000,000.
Kế đến là tổng lợi tức thuần (sau khi đóng thuế):
2009 – $16,578,000,000
2008 – $21,157,000,000
2007 – $20,845,000,000
2006 – $22,315,000,000[9]
Lương của CEO năm 2009, theo như chính lời khai của ông Tony Hayward trước Hạ viện, là 6 triệu dollars, chưa kể bonus!
Để làm rõ thêm ý niệm của những con số nêu trên xin vui lòng so sánh với Tổng Sản Phẩm Nội Địa của VNCS, một quốc gia với 83 triệu dân, năm 2009 là $92,600,000,000. Hoặc như GDP của Thái lan cùng năm là $262,000,000,000.Hay của Philippines là $160,600,000,000.[10]
Từ khả năng tài chánh trên đây, BP có một Uỷ Ban Hành động Chính trị (BP’s Political Action Committee) riêng, chuyên lo về các hoạt động chính trị, đặc biệt là các vận động hành lang Quốc Hội và các cơ quan Chính phủ. Uỷ ban này chỉ riêng trong năm 2009 đã chi đến 16 triệu dollars cho các vận động đó![11]
Trên bình diện quốc tế, sự dính líu của BP đến chính trị quốc tế bắt nguồn từ các dự phóng chiến lược của đế quốc Anh dựa trên nguồn năng lượng dầu hoả mới phát khởi từ trước Thế Chiến Thứ Nhất. Đô đốc Fisher là người đầu tiên đã đưa vấn đề canh tân hạm đội của Hải quân Hoàng gia Anh bằng việc chuyển từ dùng than đá qua dùng dầu hoả làm nguồn năng lượng cho tàu chiến. Đệ Nhất Thế Chiến đã hiện thực và củng cố sáng kiến đó của Đô đốc Fisher, và dầu hoả đã trở nên nguồn năng lượng trung tâm của mọi tính toán mang tính quyết định cho các chiến thắng quân sự. Phe Đức-Áo-Hung đã thua chỉ vì mất dần khả năng làm chủ được nguồn dầu hoả cung cấp đủ cho cơ giới quân sự của phe mình. Ngay sau Đệ I Thế Chiến, người ta đã viết rằng “chiến tranh không dầu hoả là điều không thể tưởng tượng được” (War without oil would be unimaginable). Thế Chiến Thứ Hai tái hiện cảnh tranh giành khốc liệt các kho dầu, như là mục tiêu hàng đầu, của cả hai phe. Động cơ chính khiến Hitler đột ngột đơn phương xé bỏ Hiệp ước Bất tương xâm, hạ lệnh tấn công Nga Sô-viết năm 1941, là để nhanh chóng chiếm cho được mỏ dầu Baku ở Ajerbaijan thuộc Liên Xô, vì lúc đó Đức không kiểm soát được một nguồn dầu hoả nào quan trọng cả, còn các nhà máy sản xuất nhiên liệu hỗn hợp lại không cung ứng đủ nhu cầu chiến sự. Giai đoạn thất trận của Đức đã bắt đầu từ khi chiến dịch chiếm Baku bất thành. Còn Nhật Bản đã bất ngờ tấn công Pearl Harbor cũng chỉ vì đó là căn cứ hải quân chẹn họng đường hàng hải vận chuyển dầu của Nhật trên Thái Bình Dương từ Indonesia về. Vào giai đoạn cuối, bộ máy chiến tranh của Nhật bị tê liệt vì lượng dầu hoả cung cấp bị phong toả giảm xuống chỉ còn 4% so với lượng dầu lúc ban đầu của cuộc chiến.
Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, có thể nói rằng không tình hình nơi nào nêu bật được mối quan hệ mật thiết dầu hỏa-chính trị hơn cho bằng tình hình Trung Đông. Trước đó, do trữ lượng lớn lao dầu hoả của khu vực này, ngay khi kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất, Anh-Pháp, với mật ước Sykes-Pikot, đã chia nhau các vùng đất lớn của Trung Đông vốn thuộc đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Sự chia chác này đặt căn bản trên các khu vực mỏ dầu, xem thường lằn ranh về văn hoá và chủng tộc của dân bản xứ, tạo ra Kuwait, và hai quốc gia mới với dân Kurdish và Arabs trộn lẫn một cách khiên cưỡng là Syria và Iraq. Chính sự tuỳ tiện trong việc phân định ranh giới trong vùng này đã góp phần vào sự bất ổn chính trị của Khu vực kéo dài mải cho đến ngày nay.Các công ty dầu hoả Anh, Pháp và Mỹ, do sự chia chác kể trên, đã hoàn toàn kiểm soát dầu hoả của Trung Đông.
Thời hậu chiến, tuy vai trò của đế quốc Anh có phần suy giảm, nhường bước cho Mỹ, nhưng các công ty dầu hoả Anh-Mỹ vẫn giữ vị thế thống lĩnh vựa dầu Trung Đông. Nổi bật nhất là công ty Anglo-Iranian Oil Company(AIOC), tiền thân của BP, đã nắm độc quyền dầu hỏa ở Iran, là nước có trữ lượng lớn nhất vào thời đó. Nhưng sự tham lam của AIOC khiến người Iranian bất mãn, và với tinh thần quốc gia ngày càng mạnh, đã bầu lên một quốc hội mới với vị thủ tướng tên là Mohammed Mossadegh, có chủ trương quốc hữu hoá các mỏ dầu với mức bồi hoàn thỏa đáng.
Chính phủ Anh, với sự hậu thuẫn của Mỹ, đã phản ứng dữ dội đối với việc quốc hữu hoá mỏ dầu của thủ tướng Mossadegh, hạm đội Anh được đưa đến dọc duyên hải Iran, không quân được chuyển đến Iraq giáp giới Iran. Ngoài ra Anh-Mỹ cùng nhau cấm vận và phong toả tài chánh Iran, gây cho Iran vô vàn khốn đốn. Cuối cùng, tháng 8 năm 1953, với sự hoạt động tích cực của CIA, thủ tướng Mossadegh bị lật đổ, quyền lực thật sự của Iran được trao lại cho vua Reza Shah Pavlevi là người trước đây chỉ giữ vai trò nguyên thủ hình thức (formal figurehead), nhưng nay được sự hậu thuẫn mạnh của Anh-Mỹ. Với sự nắm quyền của Shah, quyền lợi của các công ty dầu, nhất là của AIOC, lại được củng cố như trước, kéo dài cho đến năm 1979, khi Shah bị cuộc cách mạng Hồi giáo (Islamic Revolution), do Ayatollah Khomeini lãnh đạo, nổi lên lật đổ.
Một biến cố khác nói lên mối quan hệ dầu hoả-chính trị là cuộc chiến tranh Yom-Kippur vào tháng 10/1973 giữa Ai-cập, Syria và Do Thái, và theo sau cuộc chiến tranh đó là cuộc khủng hoảng dầu hoả thế giới lớn nhất của thế kỷ 20 gây ra do sự cấm vận dầu hoả của các quốc gia Ả rập đối với phương Tây để trả đũa việc khối này đã ủng hộ Do Thái. Cuộc khủng hoảng dầu hỏa, khiến giá dầu tăng 400%, gây ra nhiều hậu quả kinh tế, chính trị và xã hội lớn lao cho Mỹ, Tây Âu, Nhật và các nước khác trên thế giới. Thất nghiệp lan tràn, nhiều nội các sụp đổ, một số quốc gia đã phải áp dụng chính sách định mức trong việc dùng xăng dầu, giá lương thực cũng theo giá dầu mà tăng cao vùn vụt.
Về sau này có tác giả cho rằng cuộc chiến tranh Yom-Kippur giữa Do Thái-Ả rập là một âm mưu của các công ty dầu hỏa và giới tài phiệt ngân hàng Anh-Mỹ, thông qua bàn tay của Henry Kissinger, lúc đó vừa là Bộ Trưởng Ngoại Giao vừa là Cố Vấn An Ninh Quốc gia, dàn dựng ra. Có thể nói Kissinger là một trường hợp đặc biệt; trong lịch sử chính trị của Mỹ, hầu như chưa có một bộ trưởng ngoại giao nào lại có quyền hạn rộng rãi như Ông. Trong lúc TT Nixon đang gặp rắc rối vì vụ Watergate, thì Kissinger gần như trọn quyền thao túng cả trong lãnh vực ngoại giao lẫn trong lãnh vực tình báo. Cũng theo các tác giả đó thì Kissinger đã gài bẫy để cho Ai Cập và Syria tấn công Do Thái, xong rồi cung cấp tin tức tình báo và yểm trợ để cho Do Thái đánh bại khối Ả Rập. Làm vậy có hai điều lợi: thứ nhất là giúp Do Thái, một đồng minh chiến lược của Mỹ, mở rộng lãnh thổ, củng cố thế mạnh của mình; thứ hai là gây công phẫn trong khối Ả Rập dẫn đến việc cấm vận dầu hỏa, giá dầu gia tăng cao, mà dầu lại được mua bán trên thị trường quốc tế bằng dollars, như vậy sẽ giúp dollars mạnh lên và giới ngân hàng Anh-Mỹ được lợi. Người ta cũng trưng bằng cớ là Arabia Saudi, nước có lượng dầu lớn nhất trong khối OPEC, đã bí mật thỏa thuận, thông qua cơ quan Saudi Arabian Monetary Agency (SAMA), dùng phần lớn tiền thu được do dầu hoả tăng giá để tài trợ cho sự thiếu hụt ngân sách của chính phủ Mỹ, bằng cách đầu tư vào những ngân hàng ở Mỹ do sự hướng dẫn của viên chức Bộ Ngân Khố.[12]
Tất nhiên, cách giải thích như trên nghe rất hấp dẫn, nhưng không chắc đã là lời giải thích hợp lý và đầy đủ duy nhất về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng dầu, lớn lao và phức tạp, năm 1973. Nhưng chí ít lối giải thích như vậy đã giúp nêu lên được vai trò quan trọng của dầu hoả trong chính trị quốc tế.
Gần đây nhất, có hai sự kiện thời sự chính trị quốc tế lớn lao khác ít nhiều dính líu đến dầu hoả; đó là các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.
VỀ CHIẾN TRANH IRAQ
Những lý do vẫn thường được nại ra để biện minh cho việc chính phủ Mỹ của TT George W. Bush đưa quân tấn công Iraq là:
- Iraq với nỗ lực thủ đắc Vũ Khí Huỹ Diệt Hàng loạt (WMD) là mối đe doạ tức thời (imminent threat) đối với an ninh của Mỹ và đối với đồng minh, và là nguyên nhân gây bất ổn ở Trung Đông.
- Lật đổ chế độ độc tài tàn bạo của Saddam Hussein, giúp dân Iraqi xây dựng chế độ dân chủ, kiến tạo hoà bình cho Khu vực.
- Saddam Hussein có quan hệ với bọn khủng bố đã gây ra vụ 9/11 ở New York, giết hại nhiều ngàn thường dân vô tội Mỹ.
Toàn bộ hệ thống truyền thông đồ sộ của Mỹ, và cả của Anh quốc, đã được huy động đến tối đa công suất để tuyên truyền cho những lý do vừa nêu của việc tấn công Iraq vào tháng 3/2003 bởi liên quân Anh-Mỹ và một số nước a tòng. Nhưng thực tế xảy ra từ đó đến nay cũng như một số tài liệu phơi bày cho thấy rằng những lý do được đưa ra để biện minh cho chiến tranh Iraq của chính phủ TT Bush không có sức thuyết phục mạnh đối với những ai có sự suy tư khách quan, công bằng và độc lập.
Trước nhất, cho đến nay giới thạo tin đều thừa nhận rằng không hề có một mối quan hệ nào giữa chế độ Saddam Hussein và bọn khủng bố Al-Qadae cả. Cũng không một ai, kể cả chính phủ Bush và CIA, trưng ra được bất kỳ một bằng chứng nào là Saddam Hussein đã dính líu với bọn khủng bố ngày 11/9 ở New York. Trái lại người ta hiện có nhiều chứng cớ là Saddam Hussein không đồng ý và không ưa các chủ trương của Al-Qadae, đôi khi ngay cả truy bắt các thành viên Al-Qaeda nữa.
Về vũ khí WMD, hoặc nỗ lực của Saddam Hussein để thủ đắc vũ khí nguyên tử, thì đến nay mọi sự đều đã rõ. Từ sau khi TT Bush tuyên bố Mission complete cho đến nay, hằng nhiều năm sau ngày quân đội Anh-Mỹ kiểm soát toàn bộ Iraq, người ta đã chẳng tìm thấy dấu vết nào của những vũ khí như vậy cả. Có chăng là chỉ một số lượng nhỏ những vũ khí sinh hoá học còn lưu lại từ thời chiến tranh Iran-Iraq trước kia. Nhưng đối với các loại vũ khí hoá học này thì có nhiều tài liệu cho thấy là trong suốt cuộc chiến Iran-Iraq, Saddam Hussein đã được đại diện của TT Reagan, thời đó là ông Donald Rumsfeld, tiếp xúc và ngầm giúp đỡ, và chính phủ Mỹ lúc đó đã biết rõ việc Saddam Hussein đang dùng vũ khí hoá học, chế tạo được với sự giúp đỡ của một số công ty hoá chất Mỹ, để chống Iran. Câu hỏi được đặt ra là tại sao nước Mỹ thời của TT Reagan lại làm ngơ cho việc Saddam Hussein xử dụng vũ khí hoá học, nhưng nay đến thời của TT Bush lại lấy đó làm một nguyên cớ khai chiến với Saddam Hussein. Có lẽ trước kia chính phủ của TT Reagan muốn mượn tay Saddam Hussein để trả thù Iran về vụ nước này đã quốc hữu hoá dầu hoả và đuổi các công ty dầu của Mỹ ra sau ngày cuộc cách mạng Hồi giáo thành công?
Riêng vấn đề lật đổ chế độ độc tài của Saddam Hussein để giúp dân Iraq xây dựng một chế độ dân chủ thì những ai am tường tình hình Iraq từ 7 năm qua đều dễ dàng nhận ra đó chỉ là sự tuyên truyền nhằm biện minh khéo léo cho cuộc chiến đẫm máu mà thôi. Những lời hô hào của chính phủ Bush về “Democracy is on the March” hoặc “the export of demorcracy” (xuất cảng Dân chủ) thực hiện bằng quân viễn chinh qua Iraq không khỏi khiến người Việt chúng ta nhớ lại sự hô hào trước đây trong thế kỷ 19 về việc “khai hoá cho dân An Nam” của thực dân Pháp hoặc việc tượng của viên toàn quyền Paul Bert cao lớn đang dắt tay một người trẻ Việt nam nhỏ nhắn “đi lên con đường tiến hoá” được dựng trong các công viên ở Hà Nội thời xưa. Có nghĩa rằng đó chỉ là những huyền thoại chính phủ Bush đã dùng để phục vụ cho các mục đích chính trị vụ lợi, và phần nào cũng để trừng phạt Saddam Hussein về một tội tày đình; đó là dám cả gan định bán dầu hoả Iraq để lấy đồng EURO, thay vì lấy đồng dollars như định lệ quốc tế sẵn có. Vào năm 2001, Saddam Hussein đã ra lệnh chuyển 10 tỉ dollars quỹ “oil for food” ở Liên Hiệp Quốc qua đồng EURO. Đó chính là bản án tử hình mà Saddam Hussein tự chuốc lấy khi dám thách đố quyền uy bá chủ thế giới của đồng dollars!
Để được rõ hơn về vấn đề dầu hoả-dollars, xin trình bày thêm ở đây rằng kể từ sau khi TT Richard Nixon tuyên bố bỏ chế độ kim bản vị năm 1971, theo đó Bộ Ngân Khố sẽ thôi không đem vàng trả cho người sở hữu dollars theo hối suất $35/ounce nữa, thì đồng dollars lại dựa trên dầu hoả. Dầu hỏa được mua bán trên thị trường quốc tế bằng một loại tiền tệ duy nhất là đồng dollars. Nghĩa là tuy không còn chế độ kim bản vị nữa, nhưng dollars vẫn giữ vai trò tiền tệ mạnh nhất, là dự trữ ngoại hối của tất cả các nước trên thế giới; mọi quốc gia đều cần đến dollars cho các dịch vụ thanh toán mậu dịch quốc tế, để trả nợ cho nhau hoặc cho các định chế tài chánh quốc tế, và để duy trì sự ổn định cho đồng tiền của quốc gia mình. Những nước để dành được số lượng ngoại hối bằng dollars lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Saudi Arabia v.v…Tình hình đó tạo ra một nhu cầu lớn lao và thường xuyên đối với dollars trên thị trường thế giới. Dollars như vậy trở thành một loại tiền tệ đặc biệt, gần như độc lập đối với tình trạng của chính nền kinh tế đã sinh ra nó. Nhiều khi có thể so dollars như những tấm chi phiếu (checks) được viết ra nhưng không hề phải lo sẽ bị đổi thành tiền (cash transaction).
Điểm khác nữa là sau khi dự trữ được nhiều dollars, các nước bèn dùng lượng dollars đó để mua công khố phiếu (treasury bills) của chính phủ Mỹ, chứng khoán (stocks) của các công ty, hay đầu tư trở lại vào lãnh vực địa ốc ở Mỹ. Đây chính là hình thức các nước tài trợ cho nền kinh tế Mỹ. Khi thiếu hụt ngân sách, chính phủ Mỹ thường phát hành công khố phiếu để bán lấy tiền bù cho sự khiếm hụt của mình. Trung Quốc, chẳng hạn, là nước mua rất nhiều công khố phiếu của Mỹ, vô tình đã trở thành kẻ tài trợ cho sự khiếm hụt ngân sách của Mỹ!
Những điều vừa trình bày trên đây tuy đơn sơ và vắn tắt, nhưng cũng phần nào giúp hình dung được hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế Mỹ của tình trạng một lúc nào đó nhiều, hoặc tất cả, các nước sản xuất dầu hoả đồng loạt không bán dầu lấy dollars mà lại lấy một loại tiền tệ khác, như đồng Euro chẳng hạn. Chính viễn ảnh nghiêm trọng đó giúp giải thích cơn thịnh nộ của Mỹ đối với việc Saddam Hussein bán dầu lấy Euro. Nó cũng giúp hiểu rõ hơn quan hệ ngoại giao trở nên tồi tệ giữa Mỹ của TT Bush và Venezuela của Chavez Hugo trong những năm trước đây. Lý do là vì Venezuela là quốc gia Nam Mỹ có sản lượng dầu hoả lớn, trữ lượng gần 100 tỉ thùng, đã trải qua nhiều thập niên bán dầu vào thị trường Mỹ, có lúc lên đến 1.4 triệu thùng dầu thô/ ngày. Những năm sau này, Chavez Hugo đã thỏa thuận đem dầu hoả ra trao đổi (bartering) với hơn 10 quốc gia Nam Mỹ khác, không cần bán dầu đổi lấy dollars. Chẳng hạn như Chavez thỏa thuận trao dầu cho Cuba để đổi lấy việc Cuba cung cấp chuyên viên y tế cho Venezuela. Trao đổi dầu lấy sản phẩm các nước khác trực tiếp như vậy tức là bỏ qua vai trò trung gian của tiền tệ, của dollars; nghĩa là góp phần làm giảm mức cầu, hay đúng hơn, làm suy yếu vị thế của dollars. Ngoài ra, Chavez cũng nỗ lực mở rộng thị trường dầu qua Trung Quốc để giảm sự lệ thuộc vào thị trường Mỹ. Những việc làm đó của Chavez rõ ràng là một thách thức đối với vị thế bá chủ của Mỹ, và người ta không ngạc nhiên khi, trong những năm gần đây, giới truyền thông Mỹ đã không ngớt xây dựng hình ảnh xấu về Chavez và hệ thống chính trị của Venezuela, cũng như tin tức về các âm mưu đảo chánh để lật đổ Chavez.
Trở lại trường hợp Saddam Hussein, Iraq là nước sản xuất và có trữ lượng dầu hỏa lớn thứ nhì thế giới. Dầu hỏa của Iraq lại dễ khai thác, giá thành hạ. Và Iraq là một thành viên quan trọng của OPEC (Tổ chức các quốc gia sản xuất dầu). Việc Iraq của Saddam Hussein đổi qua bán dầu lấy Euro, thay vì dollars, rõ ràng là một đe doạ nghiêm trọng đối với vị trí thống trị của đồng dollars trên thị trường thế giới, gây đảo lộn mối tương quan dollars-dầu hỏa mà giới tài chánh-dầu hỏa Mỹ đã mất nhiều công sức tạo dựng để phục vụ cho nền kinh tế đứng đầu thế giới. Chính phủ của TT Bush không thể tha thứ cho một việc làm như vậy, nhất là khi Iraq – sau nhiều năm chiến tranh và bị cấm vận – đang trong tình trạng phân hoá xã hội và rất suy yếu về quân sự.
Về chiêu bài giúp xây dựng Dân Chủ cho dân Iraq. Một bằng chứng hiển nhiên khác trong thái độ hàng hai (double standards) của chính giới Mỹ đối với vấn đề dân chủ và nhân quyền là trường hợp Saudi Arabia. Đây là quốc gia Hồi giáo khắc nghiệt, cuồng tín, độc tài và tàn bạo nhất hiện nay trên thế giới. Hai chế độ độc tài chuyên chế được nói đến nhiều nhất hiện nay là Bắc Hàn và Miến Điện. Nhưng so ra mức độ chuyên chế ở Saudi Aribia cũng không kém cạnh chút nào. Không chừng còn tệ hại hơn vì Saudi Arabia là một quốc gia Hồi Giáo thần quyền; nghĩa là dùng giáo luật của hệ phái Wahhabism, một hệ phái Hồi giáo cực đoan, làm luật pháp cho cả vương quốc. Saudi Arabia là quê hương của 15 trong số 19 tên khủng bố tự sát trong vụ 9/11!
Vương quốc Saudi Arabia lấy quốc hiệu theo bộ tộc Saudi, hưng thịnh lên từ khoảng những năm 1930s dưới triều đại của vua Ibn Saud, là người đã có một quan hệ rất thân thiện với TT Franklin Roosevelt. Nguồn tài nguyên duy nhất và cũng nhiều nhất thế giới của vương quốc Saudi Arabia là dầu hoả. Nhưng nguồn lợi dầu hoả đã không được phân chia công bằng giữa 28 triệu người dân trong nước. Khoảng 40% lợi tức dầu hoả lọt vào túi của hơn 6,000 hoàng tử của hoàng tộc Saudi; chỉ 60% lợi tức đó đến tay dân chúng!
Tại Saudi Arabia, hàng ngày người dân phải cầu kinh theo những giờ giấc ấn định, có sự nhắc nhở của cảnh sát tôn giáo (religious police). Sự kỳ thị các tôn giáo khác một cách công khai chính thức là một nét khác của vương quốc này. Tất cả những ai không là tín đồ Hồi Giáo Wahabism thì đều bị xem là kẻ ngoại đạo (infidels), không được nhập tịch và không được vào các vùng thánh địa như Mecca, Medina. Thập tự giá của Kitô giáo cũng không được chấp thuận. Ngay cả cờ của tổ chức Hồng Thập Tự (Red Cross) quốc tế cũng không được dương lên và bị thay thế bằng cờ Trăng Lưỡi Liềm Đỏ (Red Crescent). Tinh thần bài xích người Do Thái và Kitô giáo là hết sức mãnh liệt. Một trường hợp nổi bật nhất là ngay cả Tổng Thống Bush (senior), trong dịp lễ Thanksgiving năm 1991 khi đến viếng thăm quân Mỹ, được gởi đến Saudi Arabia để đề phòng sự tấn công vào Vương quốc của Saddam Hussein, đã không được có thánh lễ cử hành trên đất của Vương quốc, mà thánh lễ đó chỉ được tiến hành trên chiến hạm USS Durham neo ngoài khơi thuộc hải phận quốc tế!
Sự đối xử bất bình đẳng đối với phụ nữ là một nét tiêu biểu khác của Saudi Arabia. Phụ nữ không được tự do đi lại ở nơi công cộng mà không mang mạng che mặt và không có chồng cùng đi. Khi ra khỏi nhà phụ nữ phải mặc loại váy dài màu đen che kín hai chân. Những quy định nghiêm ngặt như vậy áp dụng cho mọi phụ nữ, kể cả người ngoại quốc. Ngay cả những nữ quân nhân của Mỹ, trong thời gian tạm trú đóng tại một vài vùng giới hạn ở Saudi Arabia, khi ra phố cũng bị buộc phải mang loại váy như vậy, không được để lộ hai chân. Chế độ đa thê được luật pháp chấp thuận. Người vợ không được cấp visa xuất ngoại nếu trên đơn xin không có chữ ký ưng thuận của chồng!
Điểm khác nữa là càng ngày càng có nhiều dư luận nghi ngờ về việc Saudi Arabia thiết lập và dùng các quỹ từ thiện mang danh Hồi Giáo để, không những truyền bá giáo lý cực đoan Wahhabism ra các nước khác gây thanh thế cho mình mà còn, gián tiếp tài trợ cho các tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Điều này đã ít nhiều được đề cập đến trong báo cáo điều tra của Thượng Viện năm 2003 và trong báo cáo của Uỷ Ban 9/11.[13]
Một điểm nữa là Saudi Arabia, với ngân sách khổng lồ, đã không ngừng mua sắm và tàng trữ nhiều loại vũ khí hết sức tối tân. Ngoài vũ khí từ Mỹ, vương quốc này còn mua vũ khí từ Pháp, Anh và nhiều nước khác. Vương quốc ngay cả đã có một kế hoạch Scorched Earth rất nguy hiểm, trong đó các loại dirty bombs sẽ được dùng phối hợp với một chất nổ có tên là Semptex (đã bị luật quốc tế cấm), mà chỉ ½ pound thôi là đủ nổ tung một phi cơ lớn, để phá huỷ các mỏ dầu trong trường hợp nguy cấp. Kế hoạch đó nhằm làm cho toàn bộ cơ cấu dầu hỏa của Vương quốc, khi cần sẽ hoàn toàn bị tê liệt không xử dụng hoặc khai thác được trong vòng nhiều thập niên sau đó do bị ô nhiễm bụi phóng xạ. Kế hoạch Scorched Earth đó được xây dựng để làm nản lòng tất cả những ai, kể cả Mỹ, muốn bất thần dùng quân sự để khống chế các mỏ dầu của Vương quốc.
Những gì trình bày trên đây cho thấy, xét từ góc độ Dân Chủ và Nhân Quyền phổ quát, so với Iraq của Saddam Hussein thì vương quốc Saudi Arabia cũng tệ hại không kém, nếu không muốn nói là còn tệ hơn . Và nếu đối chiếu với những lý do của TT Bush biện minh cho việc xâm chiếm Iraq đã nói đến ở phần trước thì một câu hỏi hiển nhiên sẽ được đặt ra là tại sao tình hình của Saudi Arabia về Dân Chủ, Nhân Quyền, sỡ hữu Vũ Khí Huỷ Diệt Hàng Loạt (WMD) tồi tệ và nguy hiểm như vậy, mà Mỹ không động gì đến Vương Quốc, lại chỉ nhất mực tấn công Iraq? Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó chính là một phương cách hay nhất để lột trần huyền thoại về việc chính phủ Mỹ của TT Bush (trẻ) đã xâm chiếm Iraq để giúp dân Iraqi lật đổ độc tài và xây dựng Dân Chủ.
VỀ CUỘC CHIẾN AFGHANISTAN
Mùi dầu hoả cũng đã dây vào cuộc chiến Afghanistan cùng một cách như nó đã có đối với cuộc chiến tranh Iraq. Nhưng mối liên hệ này, một lần nữa, lại bị cố ý che khuất khỏi nhãn quan thông thường.
Lật lại quá khứ, năm 1979 Liên Sô đã đưa quân vào Afghanistan để ứng cứu cho chế độ thân cộng vừa bị lật đổ. Sự can thiệp đó của Liên Xô đã dấy lên một cuộc kháng chiến lớn lao của dân Afghans với sự hậu thuẫn mạnh mẽ nhất của Mỹ, sau nữa là Trung Quốc, Iran, Saudi Arabia qua trung gian của Pakistan. Liên Xô chiếm ưu thế về hoả lực, làm chủ thành thị; còn phe kháng chiến Afghan, gọi là Mujahidin, làm chủ nông thôn và vùng đồi núi. Dần dà về sau, phe kháng chiến nhận được những vũ khí tối tân, kể cả hoả tiễn cầm tay chống máy bay Stingers của Mỹ, và sự ủng hộ tài chánh dồi dào từ các nước; đặc biệt là sự tiếp tay của CIA và ISI (Inter-Services Intelligence, của Pakistan) trong lãnh vực tình báo và huấn luyện. Liên Xô đã đưa đến, lúc cao điểm, hơn 100,000 quân vào. Cuộc chiến kéo dài đến gần 10 năm, Mỹ và các nước vừa nêu đã thành công trong việc khiến cho Liên Xô sa lầy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Cuối cùng, năm 1988, sau gần 10 năm can thiệp, Gorbachov đã phải rút quân Liên Xô về, sau khi chết mất hơn 15,000 quân và 37,000 binh sĩ khác bị thương.
Cuộc chiến khiến Afghanistan bị tàn phá nặng nề, hơn 1 triệu người chết, 5 triệu người lưu tán, hàng triệu bom mìn chưa nổ rãi rác khắp lãnh thổ, cơ sở hạ tầng hoàn toàn bị huỷ hoại. Sau khi quân Liên Xô rút về, nội bộ phe kháng chiến lại chém giết nhau. Tình hình hỗn loạn đó kéo dài đưa đến sự ra đời của Taliban, một lực lượng mạnh kiểm soát phần lớn đất đai, chọi nhau với Liên Minh Bắc Phương (Northern Alliance) của những tay quân phiệt.
Điều đáng chú ý là từ sau khi Liên Xô rút quân về cho đến 9/11/2001, Mỹ – cường quốc chủ chốt hậu thuẫn cho đội quân Mujahidin trước đây, trong đó cả trùm khủng bố Al-Qaeda hiện nay là Bin Laden – hoàn toàn bỏ mặc Afghanistan. Mỹ đã không lãnh đạo một nỗ lực quốc tế nào giúp tái lập trật tự và hàn gắn vết thương chiến tranh cho Afghans, dân tộc đã tiếp nhận sự giúp đỡ vũ khí của Mỹ để đánh bại đối thủ lớn nhất của Mỹ trong thế kỷ 20, đã góp phần làm kinh tế của Liên Xô kiệt quệ, dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô trong chỉ vài năm sau đó. Khi đã thành công trong việc làm suy kiệt Liên Xô, Mỹ đã bỏ mặc người Afghans và đất nước khốn khổ hỗn loạn của họ mà không hề có một sự viện trợ nào dù nhỏ. Điều này đã tạo ra một khoảng trống quyền lực, làm môi trường thuận lợi cho nội chiến và sự ra đời của phong trào cực đoan Taliban.
Cũng không khác gì sau 1975, Mỹ đã bỏ mặc Việt Nam Cộng Hoà, quay lưng lại với hàng triệu quân cán chính, thương phế binh, cô nhi quả phụ sống khốn cùng bên lề xã hội của một nước Việt Nam thống nhất dưới chế độ CS. Từ 1975 cho đến nay, đặc biệt nhất là sau khi mà Mỹ đã lập quan hệ chính thức với VNCS, Mỹ chỉ lo toan cho chương trình MIA để tìm người mất tích của họ, chỉ dùng nhân quyền như một chiêu bài mặc cả với VC trong vấn đề mậu dịch, và nhiều lắm là đón nhận những cựu tù cải tạo để đáp ứng chính sách di dân truyền thống, chứ chưa bao giờ các chính phủ Mỹ đặt vấn đề trợ giúp nhân đạo cho hàng trăm ngàn thương phế binh, cô nhi quả phụ tử sĩ của VNCH trước đây, những người đã một thời chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ trong trận tuyến chống lại Cộng Sản quốc tế, và đem vấn đề đó ra để áp lực với phía VNCS nhằm buộc chính phủ CS phải có chính sách kinh tế-xã hội đúng đắn và nhân đạo đối với tình trạng thương tật và cô qủa của người chiến bại. Mỹ cũng ngay cả không để tâm đến những hoạt động cứu trợ TPB/VNCH của người Việt tị nạn tại Mỹ!
Thái độ bỏ mặc Afghanistan của Mỹ, theo kiểu “được chim quên ná, được cá quên nơm”, có thể đã kéo dài mãi như vậy. Nhưng rồi, đùng một cái Liên Xô đổ, mở ra cơ hội chiến lược mới ở Trung Á, và vùng biển Caspean – những nước mới ra khỏi gông xiềng Sô-viết, khiến chính giới Mỹ, những người lâu nay vẫn đại diện không chính thức cho quyền lợi của các công ty dầu hỏa, chú ý và bắt đầu đổi thay thái độ. Dư luận Tây Phương bắt đầu nói nhiều về các mỏ dầu và hơi đốt của Trung Á. Những ước tính sơ khởi về tiềm năng dầu-hơi đốt của những quốc gia bao quanh Caspean rất lạc quan, có người đã kết luận rằng, dầu hỏa ở đây, với trữ lượng lên đến gần 200 tỉ thùng, sẽ rất quan trọng, đứng hàng thứ hai sau vùng Trung Đông. Mặt khác, cũng có người muốn tìm cách để chuyển vận dầu và hơi đốt của vùng này ra bên ngòai mà không phải đi qua lãnh thổ của Iran hay của Nga. Từ đó đã ra đời những dự án đường ống dẫn dầu từ biển Caspean, Kazakhstan, Turkmenistan và từ vài nước Trung Á khác, băng qua Afghanistan, Pakistan rồi ra biển. Đường ống đó sẽ giúp giá thành dầu hạ xuống và hoàn toàn độc lập với dầu ở vùng Vịnh Trung Đông. Đi tiên phong trong đề án này là Unocal, một công ty dầu có bản doanh ở California, với đường ống dự trù dài hơn 1,000 miles, tốn phí khoảng 2.5 tỉ dollars, sẽ chuyển vận 1,000,000 thùng/ ngày đến vùng biển Pakistan, thuộc Arabian Sea, thông ra Ấn Độ Dương.[14]
Michael Klare, một học giả tiếng tăm, tác giả của quyển Resource Wars tóm lược quan điểm của Ông, tiêu biểu cho nhận định của chính giới Mỹ, đối với mỏ dầu Trung Á: “I think in this case this is a national security consideration that’s driving all of this. The United States has to get that oil from that region [Central Asia] and will make a deal with whatever governments are there in place that are willing to work with us, like the governments in Azerbaijan and Kazakhstan and Turkmenistan that are far from ideal with respect to human rights and democratic procedure. And I think that’s a reflection of the view that I write about in my book — we view oil as a security consideration and we have to protect it by any means necessary, regardless of other considerations, other values.”[15]
(Tạm dịch: Tôi nghĩ rằng trong vấn đề này động lực chi phối tất cả chính là sự cân nhắc về an ninh quốc gia. Mỹ phải lấy được dầu từ vùng Trung Á đó và phải dàn xếp được với bất kỳ chính phủ nào trong vùng muốn hợp tác với chúng ta, như chính phủ Azerbaijan, Kazakhstan hoặc Turkmenistan mà quá trình dân chủ và nhân quyền còn khiếm khuyết. Và tôi nghĩ rằng điều đó phản ảnh quan điểm tôi đã viết ra trong sách – rằng chúng ta xem dầu hoả là vấn đề an ninh và phải bảo vệ nó bằng mọi phương cách cần thiết bất chấp những bận tâm hoặc các giá trị lý tưởng nào khác.)
Câu nói trên của Klare phần nào giúp soi sáng cho việc đi tìm nguyên nhân đơn giản, nhưng thầm kín, của cuộc chiến tranh Afghanistan hiện nay. Tuy trên bề mặt, bộ máy tuyên truyền khổng lồ đã tìm cách diễn giải khác đi bằng cách vin vào vụ 9/11 và cho rằng mục đích của cuộc chiến là đánh đổ Taliban, chế độ đã dung chứa Bin Laden, kẻ chủ mưu 9/11, và là đồng minh của Al-Qaeda. Ngay chính TT Obama cũng công khai tuyên bố như vậy. Nhưng gần 10 năm đã trôi qua, và càng ngày càng ít nghe nhắc tới mục tiêu đầu tiên là truy bắt Bin Laden. Mới đây Leone Panetta, Giám Đốc CIA, đã cho biết rằng số lượng thành viên Al-Qaeda ở Afghanistan đã bị tiêu diệt rất nhiều, con số hiện thời chỉ còn khoảng từ 50 cho đến 100.[16] Chỉ với chừng ấy thành viên Al-Qaeda, nhưng sao lại phải huy động cả hàng mấy chục ngàn quân sĩ của Mỹ và Đồng minh, tiêu tốn hàng trăm tỉ dollars/năm để đối phó trong lúc ngay cả Quốc Hội Mỹ lại không đủ tiền để trợ cấp cho hàng triệu người thất nghiệp? Còn Taliban có là mối đe doạ tức thời đối với an ninh của Mỹ? Chắc chắn là không, vì mục đích cao nhất của họ chỉ là nắm quyền cai trị Afghanistan, đất nước của họ, và đánh đuổi quân ngoại quốc ra khỏi lãnh thổ. Taliban cũng không đủ khả năng quân sự và kỹ thuật để có thể đe doạ nền an ninh của Mỹ. Về mặt này, Taliban còn thua rất xa Bắc Hàn. Vậy lý do tiềm ẩn của cuộc chiến Afghanistan là điều gì khác hơn với những gì đã được công khai nêu ra; và lý do đó đã được Michael Klare trình bày ở trên.
Mặt khác những diễn tiến mới nhất ở Afghanistan cho thấy rằng về mặt quân sự Mỹ chưa đạt được ưu thế, tuy đã tăng thêm hơn 30,000 quân. Chiến thuật surge áp dụng thành công phần nào ở Iraq, nhưng lại không mấy thành công ở Afghanistan. Điểm căn bản trong chiến thuật surge ở Iraq là thay đổi chính sách, không loại trừ mà trái lại trả lại phần nào quyền lực cho hệ phái Sunni, chấp nhận cho họ có vai trò trở lại trong chính trường Iraq. Trước đó, Mỹ đã phá nát toàn bộ hệ thống quyền lực của phái Sunni (phái của Saddam Hussein), nâng đỡ và đưa hệ phái Shii lên. Tình hình Iraq đã lắng dịu hơn chính là do đa số phái Sunni bằng lòng hợp tác. Nhưng Afghanistan không phải là Iraq và Taliban không có sự phân hoá nội bộ thành hai phe như người Iraqi. Chính vì vậy mà chiến thuật surge đã không thành công. Trước đây chính phủ của Obama cứ tưởng rằng surge sẽ thành công như ở Iraq nên vội vàng ấn định deadline tháng 7/2011. Nhưng nay thì Obama đành phải “cà lăm”, bảo rằng tháng 7/2011 chỉ là mốc thời gian chuyển tiếp (transitional time/period). Nhưng Taliban lại có được một ưu điểm so với Mỹ; đó là sự kiên nhẫn. Tắt lại, Mỹ không mong và cũng không có khả năng đạt một chiến thắng quân sự hoàn toàn ở Afghanistan. Cuối cùng chiến cuộc có thể kết thúc bằng một giải pháp chính trị mà mục tiêu không phải là loại trừ vĩnh viễn Taliban, nhưng là sự cộng tác của một Taliban công nhận quyền lợi dầu hoả của Mỹ ở Trung Á.
Tóm lại, chiến tranh Iraq và chiến tranh Afghanistan là hai trường hợp điển hình của mối quan hệ dầu hoả-chính trị trên phạm vi thế giới. Nó nói lên vai trò hết sức quan trọng của nguồn năng lượng phổ biến nhất hiện nay của nền văn minh cơ khí Tây Phương: dầu hỏa. Kể từ ngày dầu hoả được dùng thay cho than đá, và với sự ra đời của động cơ đốt nội (internal combustion engines), dầu hoả đã đóng chức năng như “máu huyết” của nền văn minh. Ngay trong phạm vi căn bếp của mỗi gia đình hiện nay, sự hiện diện của dầu hoả và các phó phẩm của nó là bao trùm; không vật dụng nào mà không dính dáng xa gần đến dầu hoả. Ra bên ngoài, dầu hỏa cũng có mặt ở khắp nơi : đường sá, cầu cống, xe cộ, máy bay, nhà máy, dược phẩm, áo quần, phân bón, thuốc trừ sâu v.v…Có thể nói mà không sợ sai rằng nhân loại đang sống trong nền văn minh dầu hoả; thiếu nó, nền văn minh này có cơ ngưng thở. Cứ thử tưởng tượng đến một lúc nào đó toàn bộ trữ lượng dầu hoả trên trái đất này khô cạn, nền văn minh sẽ ra sao?
Hiện nay Mỹ, với dân số chỉ bằng 5% của thế giới, tiêu thụ hơn 25% lượng dầu sản xuất toàn cầu, phần lớn là mua từ Trung Đông. Trong tương lai không xa, mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc, do quy mô kinh tế lớn, sẽ bắt kịp mức của Mỹ. Các nước đang lên như Brazil, Russia, India cũng đang gia tăng nhu cầu về dầu hỏa của mình. Nhưng trữ lượng dầu hoả rõ ràng là hữu hạn. Có thể hình dung dự trữ dầu thế giới như một miếng bánh, phần chia miếng bánh của người này tăng tất yếu dẫn đến phần chia của người khác bị thu nhỏ. Tình hình như vậy đưa mỗi người đến một trong hai lựa chọn: tìm loại bánh khác cho mình, hoặc dùng vũ lực để lấn chiếm phần người bên cạnh. Tương tự như vậy trên bình diện toàn cầu, sẽ đến lúc nhân loại phải hoặc tìm một nguồn năng lượng mới phong phú hơn thay cho dầu hoả, nghĩa là phải làm một cuộc cách mạng lớn lao trong lịch sử để tồn tại; hoặc phải đưa nhau vào một cuộc thế chiến thứ ba mà hậu quả sẽ là sự diệt vong.
(Sunnyvale, ngày 4/7/2010
TRƯƠNG ĐÌNH TRUNG tổng hợp)
© Trương Đình Trung
© Đàn Chim Việt
[1] http://www.drillingahead.com/forum/topics/transocean-deepwater-horizon-1.
[2] Letter of Committee of Energy&Commerce to Tony Hayward, CEO of BP on 6/14/2010
[3] http://www.drillingahead.com/forum/topics/transocean-deepwater-horizon-1.
4 Epstein, Lita; The Politics of Oil, Alpha, p.116
5 Engdahl William, A Century of war, p.135-140.
6 http://www.propublica.org/feature/years-of-internal-bp-probes-warned-that-neglect-could-lead-to-accidents
7 http://www.reuters.com/article/idUSTRE64T23R20100530.
8 Newsweek, June 14,2010, p. 25, by Sharon Begley.
9 http://www.sourcewatch.org/index.php?title=BP.
10 http://www.state.gov/r/pa/ei/bgn/4130.htm.
11 http://www.opensecrets.org/news/2010/06/exclusive-political-action-committe.html.
12 Engdahl William, A Century of war, p.93-94.
13 Gerald Posner, Secret of the Kingdom, Random House 2005.
14 http://www.lewrockwell.com/orig/sardi7.html.
15 http://members.localnet.com/~jeflan/jfafghanpipe.htm.
16http://podcasts.cnn.net/cnn/big/podcasts/fareedzakaria/video/2010/07/04/gps360.07.04.cnn.m4v.