Độc thoại nhân quyền
Ngày 14-7-2010 báo chí trong, ngoài nước đều đưa tin Chính phủ Việt Nam ra mắt tạp chí Nhân quyền Việt
Nam với sự có mặt và phát biểu ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Trưởng ban chỉ đạo về nhân quyền. Có lẽ đây là một tạp chí được ra mắt long trọng nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam. Tôi hết sức quan tâm ba nhiệm vụ của tạp chí này do Phó thủ tướng chỉ đạo:
1 – Tuyên truyền các thành tựu đạt được trong lĩnh vực nhân quyền; 2 – Đấu tranh chống các thế lực thù địch vẫn không ngừng lợi dụng các vấn đề dân chủ nhân quyền, tôn giáo, dân tộc để vu cáo xuyên tạc, can thiệp vàò sự phát triển của Việt Nam; 3 – Kênh thông tin chủ lực nhằm phổ biến các quan điểm chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền.
Phải chi ông Phó thủ tướng chỉ đạo thêm cho tạp chí sớm mở mục thảo luận: Nhân quyền là gì? Tại sao lại gọi là nhân quyền phương Tây và nhân quyền Việt Nam, nó cơ bản khác nhau chỗ nào? Nội dung nhân quyền trong 8 yêu sách của Nguyễn Ái Quốc ở Hội nghị Versailles có gì khác với quan điểm của Đảng ta ngày nay? Nếu không có gì khác thì tại sao chúng ta không thực hiện? Quan điểm đúng đắn về nhân quyền của Nhà nước ta còn có những chỗ yếu nào, lổ hổng nào khiến cho hàng chục năm nay cứ bị kẻ thù lợi dụng xuyên tạc? Và chúng ta cũng nên tìm những bài học thực hiện nhân quyền của những quốc gia luôn luôn được dư luận quốc tế tặng điểm son xem họ đã làm thế nào mà giỏi thế? Như vậy sẽ thiết thực và tạo điều kiện để mong ước của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh phải thành sự thật?
Mới đây , ông Michael W. Michalak Đại sứ Mỹ trả lời nhà báo Nguyễn Anh Tuấn của Tuần Việt Nam, đã ca ngợi quan hệ Việt – Mỹ phát triển hết sức tốt đẹp, kể cả về quốc phòng, đã đạt tới “đối tác chiến lược”. Sau đó, ông ấy thẳng thừng trả lời rằng, tuy vậy vẫn chưa thể trao vũ khí cho Việt Nam được, vì bị “ảnh hưởng của vấn đề nhân quyền”! Ông cũng thẳng thắn cho rằng Mỹ chưa thể tính tới việc trở thành đồng minh của Việt Nam, vì đã là đồng minh thì phải chịu trách nhiệm về an ninh cho nhau mà Mỹ và Việt Nam thì hãy còn những khác biệt về thế giới quan, khác biệt về dân chủ, về tự do báo chí…
Vậy thì những lời đáp hết sức thẳng thắn và công khai của ông Đại sứ Mỹ, chúng ta nên coi đó là lời thiện chí của bạn bè hay phải coi là âm mưu của bọn thù địch?
Cách đây hơn nửa năm, ngày 10-10-2009, trong diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương Đảng của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh có câu: ” Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển”. Ông cho biết “Hội nghị biểu thị sự đồng tình cao” nội dung này trong văn kiện sẽ trình Đại hội Đảng.
Đọc xong, tôi không khỏi băn khoăn. Dù được đặt ở địa vị “chủ thể “, “mục tiêu”, nhưng khi đã gọi là “nhân tố” (Có nghĩa là “Yêu cầu cần thiết, gây ra, tạo ra cái gì đó” – Từ Điển tiếng Việt) thì dù được “phát huy tối đa”, con người vẫn chỉ là công cụ? Không! Con người là “đốí tượng thụ hưởng chủ yếu và tham gia vào quá trình thực hiện những quyền này (nhân quyền) và các quyền tự do.
Mới đây, trong buổi gặp gỡ những người có công với đất nước, nhân ngày Thương binh Liệt sĩ, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhắc nhở rằng “Để tỏ lòng nhớ ơn những anh hùng liệt sĩ, việc đầu tiên là phải bảo vệ vững chắc chế độ xã hôi chủ nghĩa”. Tôi những muốn ông nói thêm rằng, việc đầu tiên trong đổi mới xã hội chủ nghĩa là tích cực thực hiện đầy đủ nhân quyền cho nhân dân Việt Nam đã quá nhiều đau khổ hy sinh phải được mở mày mở mặt như thiên hạ đang sống ở các quốc gia văn minh tiến bộ .
Trong những ngày ở tù Hồ Chí Minh dù chịu muôn vàn gian khổ thiếu thốn vật chất, nhưng ông chỉ khao khát tự do: “Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do” ; “Còn lại trong tù khách tự do”; “Tự do tiên khách trên trời/Biết chăng trong ngục có người khách tiên”; “Trên đời ngàn van điều cay đắng/Cay đắng chi bằng mất tự do!”…
Năm 1950, khi đang học ở trường trung học giữa rừng U Minh an toàn, hưởng ứng lệnh chuẩn bị tổng phản công, tôi đã cùng hàng trăm đồng học làm đơn xin đóng cửa trường để được gia nhập Vệ quốc đoàn, giành quyền sống cho con người Việt Nam mất nước. Niềm tự hào là thành viên của lực lượng giải phóng dân tộc, giải phóng con người trong chúng tôi được nâng lên không ngừng: xóa bỏ bóc lột, đem lại bình đẳng… Rời tay súng, tôi tập tành cầm bút với niềm tin viết để bênh vực cho công nhân lao động, những con người thấp cổ bé họng; viết ca ngợi sự nghiệp độc lập, tự do, hạnh phúc đã đơm bông kết trái; viết để làm sáng lên chân lý “Việt Nam là lương tri của cả loài người tiến bộ”.
Tháng 6 năm 1993, Hội nghị Nhân quyền thế giới họp ở Vienna, thủ đô nước Áo, có 6.000 đại biểu của 183 nước tham dự. Một đoàn người Việt ở nước ngoài cầm cờ vàng ba sọc đỏ kéo tới trước nơi họp phản đối đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam, đòi thực hiện nhân quyền cho nhân dân Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi đó là ông Lê Mai tuyên bố rằng, những người Việt ấy “làm chính trị chứ không phải làm nhân quyền”. Nhất trí với nhận xét của ông, tôi đã viết bài báo có tựa đề là “Đối thoại nhân quyền” với bút danh Thuận Lý, đăng trên trang nhất báo Lao động ngày 24-6-1993, trước khi Hội nghị bế mạc một ngày. Bài viết có những câu “Những kẻ toan tính đè bẹp chúng ta trong chiếc bẫy nhân quyền đã không chịu hiểu rằng, hơn nửa thế kỷ qua, nhân quyền luôn luôn là mục tiêu nhằm đạt tới của toàn Đảng, toàn dân ta. Từ năm 1925, Bác Hồ đã viết “Công nông mình cứu lấy mình/ Sửa sang thế đạọ, kinh dinh nhân quyền”; “Trước đây, nhân quyền cao nhất là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, còn ngày nay: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Ít lâu sau, tôi mới nhận ra câu này tôi trích từ bản Di chúc ông cụ viết năm 1968, nhưng đã bị bỏ đi . Trong bản Di chúc được công bố thì “Trước hết nói về Đảng”!
Sau ngày báo phát hành, anh Nguyễn Kiến Giang đến tòa báo gặp tôi, nói: “Mình xem Tống văn Công là người bạn tốt. Còn ông Tổng biên tập Tống văn Công thì dù đã dám đưa mình vào danh sách cộng tác có trả lương hàng tháng, mình vẫn phải thẳng thắn nói rằng, bài vừa rồi không thể gọi là “Đối thoại nhân quyền” mà phải nói, Tống văn Công chỉ “độc thoại”!
Nếu nhận xét đó là của một người nào khác thì chắc tôi không thể ngồi im. Nhưng đây là Nguyễn Kiến Giang, người khi tuổi lên 3 phải theo mẹ tới nhà tù Lao Bảo thăm bố là tù cộng sản, 16 tuổi được đặc cách kết nạp vào Đảng khi cuộc kháng Pháp tới gần, 20 tuổi vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo một vùng đất được nhạc sĩ Nguyễn văn Thương vinh danh trong bài hát “Bình-Trị-Thiên khói lửa”. Vậy mà, chỉ vì dám bảo vệ quan điểm chống sùng bái cá nhân, đề nghị thực hiện dân chủ trong Đảng và trong xã hội, bênh vực quyền tự do tư tưởng, anh đã bị giam vào trại tù cải tạo nhiều năm không qua xét xử. (Cùng bị giam với anh còn có hằng chục đảng viên khác). Lời nói của anh có sức nặng của cả đoạn đời tươi đẹp nhất bị mất trắng và những giọt nước mắt của vợ con anh suốt mấy ngàn ngày. Bản thân anh là một bài học sống của một người dám hy sinh để đạt tới nhân quyền! Tôi phải nghiêm túc lắng nghe, thành tâm trao đổi ý kiến với anh. Và tôi chợt tỉnh như một người mãi đi theo quán tính mà không nhận ra rằng khi đã đi hết đoạn đường giành Độc lập thì phải rẽ vào bước ngoặt của con đường để tiến tới Tự do, Hạnh phúc. Hồ Chí Minh chẳng đã cảnh báo rằng “Nếu nước được độc lập mà dân không có tự do hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” đó sao?
Tuyên bố Vienna và Chương trình hành động, được Hội nghị Nhân quyền thế giới thông qua ngày 26-6-1993 cho rằng “bảo vệ các quyền con người và quyền tự do cơ bản trên bình diện quốc gia và quốc tế cần mang tính phổ cập và được thực hiện vô điều kiện”. Ở điều 5 của chương 2, viết: “Hội nghị Nhân quyền khuyến khích các quốc gia xem xét hạn chế mức độ các bảo lưu của họ đối với các công ước quốc tế về nhân quyền, các bảo lưu cần chính xác và hẹp tới mức có thể bảo đảm rằng không có bảo lưu nào không phù hợp với các mục đích và mục tiêu của Công ước liên quan và thường xuyên xem xét lại các bảo lưu nhằm rút bỏ chúng”.
Anh Nguyễn Kiến Giang gợi ý hai chúng tôi cùng giở lại Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hiệp quốc mà trước đó 13 năm Nhà nước Việt Nam đã gia nhập, xem chúng ta còn “bảo lưu” những gì. Buồn thay, hầu như chúng ta “bảo lưu” hầu hết những quyền cơ bản của con người mà chính Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đặt ra sớm hơn hàng chục năm so với các Công ước và Tuyên bố nói trên của Liên hiệp quốc.
Càng nguy hiểm hơn khi chúng ta không gọi là “bảo lưu” mà cho rằng thực hiện nhân quyền phải thích hợp với truyền thống văn hóa; rằng thực hiện quyền con người phải gắn với lợi ích dân tộc, gắn với an ninh Tổ quốc, gắn với quyền làm chủ của nhân dân”. Tức là theo Đảng và Nhà nước Việt Nam, trên đời này có 2 thứ nhân quyền rất rạch ròi, của ta và của Tây, mỗi bên cứ biết phận mình đừng ai xía vào chuyện ai! Nếu vậy thì liệu có thể lấy gì để đo, đếm, để nhận sau khi Tổ quốc thống nhất con người Việt Nam đã được hưởng nhân quyền và các quyền tự do hơn ngày xưa hoặc hơn các dân tộc khác hay không? Xin thưa cũng có phép đo rất chính xác đấy!
Khi con người tự thấy mình phải được hưởng các quyền tự do mà Tạo hóa đã ban cho thì người ta sẽ thoát khỏi mọi nổi sợ hãi, người ta sẽ rất tự tin nói lên điều mình nhận biết khác hẳn mọi người, giống như Galileo kêu lên quả đất tròn. Con người tự do sẽ đầy sức sáng tạo, làm ra sản phẩm vật chất và tinh thần cho mình và cho đất nước. Vậy con người Việt Nam 50 năm, 30 năm và hiện nay ra sao?
Con người Việt Nam, đặc biệt là những đảng viên cộng sản Việt Nam luôn tự hào đã kiên cường đối mặt với “hai đế quốc to”, sau khi được sống trong Nhà nước của dân, do dân vì dân thì càng ngày càng co rúm lại, không ai dám nói những điều mình nhận thấy! Bởi trước mắt họ nhà cách mạng Nguyễn Hữu Đang chỉ đề nghị “pháp trị” đã lập tức trở thành tên phản động. Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, nguyên Chính ủy Hà Minh Tuân viết tiểu thuyết Vào đời đã phải trở thành anh cưa gỗ. Việt Phương viết một câu thơ “Bùn đã vấy đến chín tầng mây, đã phải rời Văn phòng Thủ tướng đi lao động ở nông trường!… Tôi chỉ xin nêu ra đây vài điều thổ lộ âm thầm của một số nhân vật có vị trí cao trong Đảng và trong xã hội.
Nhà văn Nguyễn Tuân một người nổi tiếng tài hoa và sống ngay thật đã từng nói với bạn bè “Mình tồn tại tới giờ là do biết sợ”.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết nhật ký, ngày 18-3-1958: “Bây giờ đã đến cảnh không ai dám nói thật với ai, sợ rồi một ngày kia người ta đem ra liên hệ”. Ngày 10-7-1959 ông viết: “Thấy không khí vẫn có cái gì nằng nặng. Không ai nói một ý gì khác. Ít ai suy nghĩ. Trên bảo thế nào cứ y thế. It ai ra khỏi cái khuôn sáo của công thức”.
Nhà văn Nguyễn Khải viết năm 2006 (Nhưng dặn con chỉ công bố khi ông đã qua đời!): “Được gặp gỡ các nhà văn nhà báo, các nghệ sĩ chế độ cũ mà thèm. Họ sống thoải mái quá, cử chỉ khoáng đạt,như chưa từng biết sợ ai. Còn mình thì đủ thứ sợ, sợ gặp người thân vì không biết họ có liên quan gì với Mỹ, ngụy? Nói cũng sợ vì nói thế đúng hay sai? Đến vẻ mặt cũng phải canh chừng, vui quá sợ mất cảnh giác ,khen quá có thể ăn bả của nền kinh tế tư bản”.
Còn bao nhiêu người khác không phải nhà văn, họ không viết ra, nhưng chắc chắn biết bao sợ hãi cất giấu trong lòng. Có người thắc mắc, tại sao những đảng viên cộng sản rất kiên cường trong nhà tù đế quốc, lại tỏ ra quá hèn kém sợ hãi trước Đảng? Theo tôi, đó là vì họ chưa bao giờ nhìn Đảng như nhìn kẻ địch, họ luôn nghĩ, nếu Đảng có phạm sai lầm thì cũng chỉ là tạm thời, rồi Đảng sẽ nhận ra, sẽ sửa sai. Thậm chí có nhiều người trước khi bị đội cải cách ruộng đất xử bắn vẫn hô to: “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!” Gần đây những dân oan đi biểu tình cũng hô như thế! (Tuy nhiên ngày nay đã có khác xưa: Nhiều người chỉ tìm cách để đối phó!).
Phranklin D. Roosevelt, trong diễn văn nhậm chức Tổng thống Mỹ đã nói một câu rất sâu sắc: “Điều duy nhất đáng sợ chính là bản thân sự sợ hãi”. Câu nói đó đã khuyến khích người dân Mỹ tự do tranh cãi tìm hướng đi cho nước Mỹ vượt qua thời kỳ khủng hoảng để phát triển. Họ chất vấn Tổng thống có định đưa đất nước vào con đường xã hội chủ nghĩa hay không? Họ tranh cãi: Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Dân chủ xã hội cái nào tốt hơn, cái nào đem lại phúc lợi xã hội nhiều hơn. Trong một thông điệp hằng năm, ông viết: “Dân chủ là một khế ước giữa những con người tự do”. Tự do đã gắn kết người dân gồm nhiều chủng tộc vào hợp chủng quốc đoàn kết, đồng lòng hợp sức còn hơn nhiều quốc gia chỉ có dân tộc thuần chủng mà lại thiếu Tự do. Tự do đã đưa nước Mỹ, một quốc gia sinh sau đẻ muộn nhanh chóng trở thành siêu cường, có vai trò dẫn đầu thế giới. Tự do đúng như nhà bác học Einstein nói: “Không có tự do sẽ không có Shakespeare, không có Goethe, Newton, không có Faraday và Pasteur… Vì chỉ con người tự do mới làm ra những khám phá và giá trị tinh thần, những thứ làm cho cuộc sống của chúng ta, những con người hiện đại, trở nên đáng sống” (Einstein, do Nguyễn Xuân Xanh biên soạn). Có thể nói thêm là không có tự do thì cũng không có EInstein! Có phải vì thiếu tự do mà các Giáo sư, Tiến sĩ Việt Nam có số công trình, bài viết hàng chục lần ít hơn và thấp kém hơn các đồng nghiệp trong vùng?
Einstein còn tiên đoán hơn nửa thế kỷ về những trở ngại khó vượt qua của chủ nghĩa xã hội. Ông nói: ” Chủ nghĩa xã hội phải đối mặt với một vấn đề chính trị – xã hội không dễ giải quyết: Làm sao, trong một sự tập trung rộng lớn quyền lực chính trị và kinh tế, ngăn ngừa được việc bộ máy quan liêu quá lớn lao, quá phình lên, đến nỗi cá nhân teo lại về chính trị và với nó, cái đối trọng dân chủ trước quyền lực của bộ máy quan liêu cũng teo theo luôn”! Như vậy theo Einstein, con người cá nhân bị teo lại, làm mất “đối trọng dân chủ”, như vậy không phải khiến cho nhà nước xã hội chủ nghĩa mạnh lên mà khiến cho nó lâm vào tình trạng nguy hiểm! Ba mươi lăm năm sau ngày Einstein qua đời, lời ông nói ở trên đã được ứng nghiệm với sự sụp đổ phe xã hội chủ nghĩa. Chẳng lẽ chúng ta không học được gì từ cảm nhận tiên tri của con người vĩ đại ấy cho bài học nhân quyền, cho sự nghiệp đổi mới xã hội chủ nghĩa? Tại sao chúng ta không thể thực hiện tự do báo chí đúng như điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hiệp quốc mà Nhà nước ta từ ngày 24-9-1982 đã cam kết thực hiện, để người dân Việt Nam được “tận hưởng tự do về dân sự và chính trị, không bị sợ hãi”? (Lời nói đầu Công ước). Sợ địch lợi dụng ư? Vậy thì xin nhắc lại rằng: Ngày 22-7-1938 tại số nhà 43 đường Hamelin (nay là Lê thị Hồng Gấm), Sài Ggòn, tờ báo Dân chúng của Đảng Cộng sản Đông Dương xuất bản số đầu tiên không xin phép và sau đó được chính quyền thuộc địa chấp nhận, trở thành tờ báo mở đầu cho nền tự do báo chí ở nước Việt Nam thuộc địa, nhân dân đang sống trong thân phận nô lệ. Chẳng lẽ một Nhà nước thống nhất vững mạnh hơn bất kỳ thời kỳ nào lại sợ hãi một kẻ địch vô hình hơn cả thực dân Pháp sợ một đảng cách mạng của một nhân dân đang bị chúng nô dịch? Hay vì cho rằng dân trí Việt Nam còn quá thấp chưa đủ bản lĩnh phân biệt đúng sai? Coi chừng luận điệu ấy phạm vào tội coi khinh quần chúng cách mạng Việt Nam đã đổ bao xương máu cho Tổ quốc và cho sự trưởng thành của Đảng Cộng sản. Và hãy nhìn sang Cam puchia, người anh em mà chúng ta hằng tự hào đã giúp cho họ thoát nạn diệt chủng, đã làm cố vấn cho họ nhiều mặt, nay họ đã thực hiện tự do báo chí đầy đủ theo điều 19 của Công ước quốc tế, hơn hẳn chúng ta. Chẳng lẽ dân trí Việt Nam đã thua sút hẳn Campuchia?
Cách đây gần 20 năm, cụ Nguyễn Văn Trấn, nhà báo Việt Nam lỗi lạc, thành viên Ban biên tập của báo Dân chúng từ số đầu tiên, và phải ngồi tù khi sắp nổ ra chiến tranh thế giới, chính quyền thuộc địa giở trò phát xít, đã phải kêu lên: “Xin Quốc hội thực hiện quyền tự do báo chí cho nước ta bằng với chế độ thực dân Pháp!”
Chao ơi, sao mà đến nông nổi này!
Còn tự do lập hội? Chính Cụ Tôn Đức Thắng đã lập Công hội không xin phép ở Ba Son từ năm 1920. Cụ bị bắt không phải vì tội lập hội. Ra đời dưới chế độ thuộc địa còn có thể kể hai Hội nữa, hội của nhà văn là Tự lực văn đoàn (Có người cho rằng trong lịch sử cho đến nay, các nhà văn Việt Nam chưa có một hội đoàn nào sánh kịp Tự lực văn đoàn về dân chủ, về hiệu quả hoạt động) và hội của nhà giáo là Hội Truyền bá quốc ngữ lập ra đều không phải xin phép nhà cầm quyền. Nhớ lại năm 1992, khi tôi có dịp ra Quảng Ninh, nhà báo Ngô Mai Phong có đưa anh Nguyễn Văn Dũng Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh này đến thăm tôi ở khách sạn Hạ Long. Sau khi nâng ly bia ới anh, máu nghề nghiệp nổi lên, tôi đề nghị anh cho tôi làm một cuộc phỏng vấn. Anh ngạc nhiên: ” Có gì bức thiết mà đang nhậu vui anh Công lại đòi phỏng vấn?” Tôi nói: “Trong báo cáo tổng kết hằng năm, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có nhận xét rằng hệ thống công đoàn tỉnh Quảng Ninh rất yếu. Cách đây gần 30 năm, trong hội nghị tổng kết hoạt động công đoàn tại Trường Công đoàn Trung ương, tôi được chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh gay gắt hỏi ông Lê Bùi Chủ tịch Công đoàn Quảng Ninh: “Hằng ngày chú làm gì mà công nhân khổ sở kêu mãi không thấu tai chú?”. Vậy là sự yếu kém quá lâu! Tôi muốn đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, phân tích nguyên nhân của sự yếu kém kéo quá dài đó”. Anh Dũng cười, thoải mái đáp: ” Tôi trả lời được, nhưng e rằng anh Công lại không đăng được!” Tôi quả quyết: ” Anh dám nói thì tôi dám đăng. Tôi biết tôn trọng quyền tự do ngôn luận của anh mà !” Anh Dũng với vẻ mặt nghiêm hẳn, lên giọng: “Lý do đơn giản thôi, vì hệ thống công đoàn của chúng tôi được tiếng là đại diện cho hàng vạn công nhân vùng mỏ giàu truyền thống cách mạng, nó tự hào tới mức kiêu căng, trong khi đó một mình một chợ, nó không có tổ chức công đoàn nào khác cạnh tranh, để người công nhân được quyền chọn lựa vào công đoàn nào bảo vệ mình tốt hơn. Trong tình hình đó nó không yếu kém thì mới lạ! “Dứt câu anh nhìn tôi chờ phản ứng. Tôi cất máy ghi âm vào túi, nâng ly bia với anh, cười thẳng thắn: ” Tôi xin chịu thua! Thôi ta chỉ nhậu, không nói chính trị nữa!”. Tôi tự biết mình không đủ sức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của anh Dũng như vừa mới hứa. Bởi cách đó không lâu, tôi có ý kiến với Đảng đoàn Tổng liên đoàn lao động, xin cho Chủ tịch Công đoàn các cấp đứng ngoài Ban thường vụ và Ban chấp hành của Đảng cùng cấp, để giữ được tính độc lập của tổ chức Công đoàn. Sự tôn trọng tổ chức công đoàn chỉ cần có quy định cho Ban thường vụ Đảng họp thì phải mời Chủ tịch Công đoàn. Nếu hai bên trái ý nhau thì chuyển vấn đề lên cấp trên. Vì ý kiến ấy tôi đã bị không ít người cho rằng, đó là mầm mống của tư tưởng đòi Công đoàn thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, trở thành một thứ Công đoàn Đoàn Kết. Qua chuyện phỏng vấn hôm đó tôi và anh Dũng hiểu nhau, quý trọng nhau mãi cho tới giờ.
Sau Đại hội 6 – Đổi mới, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, có Nghị quyết 8B về đổi mới các đoàn thể quần chúng: “Trong giai đoạn mới cần thành lập các Hội đáp ứng nhu cầu chính đáng về nghề nghiệp và đời sống của nhân dân, hoạt đông theo hướng ích nước lợi nhà, tương thân tương ái. Các tổ chức này được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản và tự trang trải về tài chính trong khuôn khổ pháp luật”. Nhờ có Nghị quyết 8B, các nhà nghiên cứu đã dám mạnh dạn phân tích sự trì trệ lâu nay của các đoàn thể. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Viện nghiên cứu xã hội viết: “Từ năm 1975 đến 1985 hầu hết các tổ chức xã hội dân sự chính thức đều bị hành chính hóa, được bao cấp và kiểm soát chặt chẽ bởi Nhà nước. Trong cơ chế này các tổ chức xã hội dân sự hầu như mất đi vai trò năng động và tự chủ của mình trong việc huy động các nguồn lực cho xã hội, cũng như đại điện cho lợi ích của các thành phần trong xã hội”. Tiếc thay Nghị quyết 8B về đoàn thể quần chúng cũng chịu yểu mệnh như Nghị quyết 5 về tự do sáng tác của văn nghệ sĩ. Bởi vì sau sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa các thế lực bảo thủ muốn gò ép trở lại.
Thử đem bức tranh về các tổ chức xã hội dân sự mà tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường phác họa khá chính xác cách đây 25 năm so lại với các đoàn thể hôm nay, từ Công đoàn,Thanh niên, Phụ nữ, Nông hội, Nhà báo, Nhà văn … có phải vẫn còn y nguyên bộ mặt “hành chính hóa” của ngày hôm qua?
Nhân quyền! Con đường dằng dặc của nhân loại đi tìm sự tự khẳng định mình. Từ sự thờ cúng vật linh tới thờ cúng thần thánh có hình ảnh giống mình là một bước giải phóng đầu tiên. Từ thờ cúng thần thánh con người tìm ra Thượng đế và trước Thượng đế con người tự thấy mình là những cá nhân bình đẳng, đó là một cuộc giải phóng quan trọng tiếp theo. Rồi cuộc cách mạng vĩ đại về thế giới quan xảy ra ở thời kỳ Phục hưng đã hoán vị con người vào vị trí của Thượng đế. Chính bước nhảy vọt phi thường này đã đặt nền móng cho chủ nghĩa nhân văn ở thế kỷ Ánh sáng. Không phải thần thánh, không phải Thượng đế mà là Con người có những quyền tự nhiên do tạo hóa ban cho, với lý tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Quyền con người và chủ nghĩa dân chủ đã được thực hiện trong cuộc Cách mạng Mỹ 1776 và Đại cách mạng Pháp 1789. Ở các quốc gia này, con người được sống trong xã hội công dân, mỗi cá nhân là một chủ thể bình đẳng về các quyền tự do, quyền sở hữu tài sản và được bảo vệ bởi pháp luật. Đâu phải vô cớ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập nước ta bằng những câu về Nhân quyền, Dân quyền trích từ hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp:
- “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
- “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Nhân quyền và dân quyền đâu phải chỉ là giá trị của văn minh phương Tây, đó là giá trị văn minh của toàn nhân loại! Chẳng lẽ những người công kích nhân quyền phương Tây không thấy rằng đó là sự xúc phạm Cụ Hồ?
Ngày nay hàng trăm dân tộc đã sánh bước trên trên con đường tự do – dân chủ. Trong tự do, Thomas L. Friedman nhìn ra thế giới phẳng, ở đó con người cá nhân có đủ điều kiện vươn ra toàn cầu tìm chỗ đứng cho mình. Cũng trong tự do, Naomi Klein bảo rằng thế giới không phẳng, toàn cầu hóa còn có những mặt khuất và bà kêu to: “Hãy đặt con người lên trước lợi nhuận”! Con người Việt Nam chịu quá nhiều đau khổ hiện đang ở mặt khuất nào trong thế giới vừa phẳng vừa không phẳng này đây?
Tôi tha thiết mong rằng tạp chí Nhân quyền Việt Nam, khuôn mặt trẻ nhất, mới nhất, thời đại nhất của nền báo chí Việt Nam đã có hơn 150 năm tuổi, phải xứng đáng là ngọn đuốc soi sáng những mặt khuất của Nhân quyền Việt Nam. Trước hết hãy làm sáng tỏ để thực hiện cho kỳ được 2 điều trong 8 điều mà cách đây gần tròn 100 năm Nguyễn Ái Quốc đã đòi cho nhân dân Việt Nam:
- Tự do báo chí và Tự do ngôn luân. Điều mà sau ngày độc lập cụ đã diễn đạt một cách nôm na: ” Dân chủ là mọi người dân được mở miệng”.
- Tự do lập hội và tự do hội họp.
Cả 2 điều ấy cần phải được hiểu và được thực hiện đúng với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt Nam đã gia nhập từ 24-9-1982 và cam kết thực hiện.
Đó là điều 19:
1 – Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào.
2 – Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận, và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng chữ viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ.
3 – Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó có thể dẫn đến một số hạn chế nhất định, tuy nhiên những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để:
- Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác.
- Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng.
Điều 22:
1- Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình.
2 – Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định và những hạn chế này là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc các quyền và tự do của các người khác. Điều này không ngăn cản việc hạn chế hợp pháp đối với những người trong các lực lượng vũ trang và cảnh sát.
3 – Không một quy định nào của điều này cho phép các nước tham gia Công ước 1948 của Tổ chức lao động quốc tế về tự do lập hội và bảo vệ quyền được tổ chức hội được tiến hành những biện pháp lập pháp, hoặc áp dụng luật làm phương hại đến những đảm bảo nêu trong Công ước đó.
Làm được những điều ấy, tạp chí Nhân quyền Việt Nam sẽ góp phần đáng trân trọng, làm bừng lên ước vọng tự do, dân chủ, tạo ra sức mạnh chấn hưng dân khí, mở mang dân trí, đưa Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam ta lên ngang tầm thời đại.
Ngày 18-7-2010
Tống Văn Công (Bauxite)
Nhân quyền quan trọng nhất là quyền TỰ DO,mà chính HCM đã định nghĩa:”Tự do là cho dân mở mồm”
mà bây giờ các con cháu(theo đủ nghĩa!)của HCM như Bô xít”Đặc”- Nông đức Yếu(trước TQ!)lại chuyên”bịt mồm”người dân VN(xem hình LM.Lý!),Chúng thật là Bất”Hiếu với Bác,nhưng trung với Đảng!”,vì chúng thực bắt toàn dân VN học tập gương”đạo đức của HCM”,nhưng chúng thực thi”đạo đức giả”,ngay cả Nguyễn tấn Dũng cũng đã”lên tiếng kêu gọi Miến Điện cần tổ chức cuộc bầu cử công bằng,có sự THAM GIA của NHIỀU đảng phái”(như ở VN?!Và theo đúng chính sách CSVN:”không can thiệp vào nội bộ Nhân quyền ở nước khác?! ),và gần đây hắn cũng lêu gọi ASEAN đề cao”Văn hóa THỰC THI”,mà quên”thực thi” Nghị quyết 36 về VK(ra đời từ nhiều năm rồi)từ ở Trung ương đến các địa phương,vì chỉ hối hả hoan hô Kiều hối thôi!
In response to Kan, Tong Van Cong still alive and well.
Hình như loại người Việt, loại không biết sợ chết mẹ hết rồi!