Thư giãn Chủ nhật: Viết nhân ngày 1 tháng 8
- Ngày 1 tháng 8 là ngày kỷ niệm sự kiện gì mà anh lại có bài viết?
- Đó là ngày giỗ của Hà Tây.
- Hà Tây là ông nào bà nào mà ngày giỗ lại quan trọng đến mức anh phải viết bài?
- Không phải ông cũng chẳng phải bà mà là tỉnh Hà Tây, đến 1 tháng 8 năm nay là ngày
giỗ lần thứ hai. Nhân ngày giỗ đầu tỉnh Hà Tây (1-8-2009) Phạm Việt Long, một nhà giáo đáng kính ở Thường Tín, Hà Tây (cũ) viết bài điếu văn tên là ĐIẾU HÀ TÂY TỈNH. Bài điếu văn bắt đầu bằng câu: Hỡi ơi! Thế cục xoay vần, càn khôn dời đổi, bước thịnh suy hồ dễ mấy ai hay. Và ở đoạn kết, cũng theo khuôn mẫu các bài văn điếu, tác giả viết: Dù ở đâu giữa đất trời muôn thuở/Xin Người về chứng giám. Hà Tây ơi!/Thượng hưởng!
- Thế còn đoạn giữa có gì đặc sắc?
- Bài văn điếu hơi dài, tôi dùng word count đếm được 4426 từ nên không thể trích dẫn hết những câu hay. Đại khái tác giả tỏ ra nuối tiếc: Đã từng trải bao phen sóng gió, tưởng vĩnh hằng trụ thế với thời gian/Ai ngờ đâu bèo dạt mây tan, một quyết định tiễn về miền ký ức/Nhớ tỉnh xưa/Sừng sững Ba Vì trấn biên cương phía Bắc, thánh Tản Viên uy ngự chốn linh thiêng/ Một rẻo Tây Nam mây nước miên man, Hương Tích động mở một trời Phật pháp. Anh còn nhớ bài hát “Hà Tây quê lụa” của Nhật Lai không ? Cái bài hát có giai điệu mềm mại, mượt mà, êm mát tựa lụa Hà Đông của ông nhạc sĩ người miền Nam ấy một thời được dùng làm nhạc hiệu của Đài Truyền hình Hà Tây, nói thật với anh lần nào nghe Quốc Hương hát bài ấy tôi cũng xúc động. Đan Phượng ơi!Quê hương người gái đảm/Đồng hợp tác xanh tươi cấy cày thẳng tắp/Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc Hà Tây! Cửa ngõ Thủ đô… Cái cửa ngõ ấy nay biến thành nhà như trong bài văn điếu đã viết: Đã chao đảo mấy phen hợp tán, liệu còn không khi biến ngõ thành nhà/Hạnh phúc chăng khi thuyền mới ghé qua, phận làm hai đã bá truyền đại chúng. Phận làm hai là gì? Là Hà Nội 2 đấy anh có biết không? Anh nên tìm đọc để ngâm nga thưởng thức.
- Tôi sẽ đọc. Nhưng ngoài cái bài văn điếu ấy ra anh còn chuyện gì để kể không?
- Có! Bài văn điếu ấy làm tôi nhớ đến một chuyện cổ tích. Một hôm tên hề kể cho Tể tướng nước Vệ nghe câu chuyện cổ tích.
- Nước Vệ là nước nào? Có phải là một nước thời Chiến quốc thất hùng không?
- Không phải, Chiến quốc thất hùng là Hàn, Ngụy, Sở, Tần, Tề, Triệu, Yên. Nước Vệ tồn tại sớm hơn, đó là một quốc gia chư hầu của nhà Chu, nhà vua đầu tiên của nước này là Vệ Khang Thúc (1040 TCN), ông này là con của Chu Văn Vương, em cùng mẹ với Chu Vũ Vương, dùng chính sách khải dĩ Thương chính, cương dĩ Chu sách, nghĩa là tuân theo chính trị nhà Thương nhưng áp dụng kỷ cương nhà Chu nên thế nước vững vàng. Truyền ngôi đến thời Vệ Vũ công (812-758 TCN) thì nước Vệ là một nước cường thịnh, từng xuất binh phò Chu bình Nhung. Đến năm 661 TCN do Vệ Ý công ăn chơi trụy lạc, ngược đãi công thần, lòng dân ly tán, người Địch cho quân đánh chiếm, Vệ Ý công bị quân Địch giết chết, nước Vệ mất. Sau nhờ Tề Hoàn công giúp đỡ lập lại nước năm 659 TCN nhưng chỉ là một tiểu quốc yếu ớt, hết làm chư hầu nước Tề lại làm chư hầu nước Ngụy.
- Anh có vẻ thuộc sử Tàu nhỉ?
- Còn thua xa bọn trẻ con, chúng nó suốt ngày xem phim dã sử Trung Quốc, còn thạo bằng mấy mình. Bây giờ tôi tiếp tục câu chuyện cổ tích. Tên hề kể cho Tể tướng nước Vệ nghe chuyện Cây tre trăm đốt.
Ngày xửa ngày xưa nhà phú ông có cô con gái rất đẹp. Phú ông thuê một lực điền làm người ở. Phú ông keo kiệt không trả tiền công mà đưa ra một miếng mồi nhử nên bảo với chàng: “Mày chịu khó làm ăn chăm chỉ rồi sau ba năm ta sẽ gả con gái cho”. Chàng lực điền tin lời (thì nông dân thời nào mà chả thế, ngây thơ cả tin lắm!) nên ra sức cày cấy làm giàu cho phú ông. Ba năm trôi qua, phú ông không giữ lời hứa mà lại đem con gái gả cho người khác. Sáng hôm sắp đưa dâu, phú ông bảo thằng ở: “Mày chịu khó lên rừng chặt về đây cho ta cây tre có trăm đốt rồi ta gả con gái cho”. Chàng lực điền vào rừng ngồi khóc. Có Bụt hiện lên hỏi: “Làm sao con khóc?”. Sau khi biết rõ sự tình Bụt bảo chàng chặt một trăm đốt tre rồi cho chàng câu thần chú “Khắc nhập, khắc nhập”, một trăm đốt tre nhập lại thành cây tre trăm đốt. Chàng lực điền lại khóc vì không thể đưa cây tre về nhà. Bụt lại cho câu thần chú: “Khắc xuất, khắc xuất”, cây tre lại rời ra thành trăm đốt…
Nghe đến đấy Tể tướng nước Vệ xua tay bảo thằng hề:
- Thôi thôi! Mày đừng kể nữa. Chàng lực điền ấy chính là ông tổ bốn đời của tao đấy!
Hà Nội 2010
Nguồn: Huỳnh Văn Úc, bauxite vietnam