WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Phong thủy ngàn năm Thăng Long [1]

I/ Hai bản dịch chiếu dời đô sai lầm nghiêm trọng:

Hiện nay nhà nước Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị làm lễ kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long, căn cứ vào bản chiếu dời đô của ông Lý Công Uẩn (năm 1010). Vấn đề đặt ra là hậu thế đã hiểu và học được gì từ sự kiện lịch sử này? Ðể không tủi nhục với tiền nhân.

Theo Ðại Việt Sử ký toàn thư (ÐVSKTT) (1) ghi chép sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi gần một năm đã tự tay viết chiếu dời đô từ Hoa Lư về thành Ðại La đổi tên là thành Thăng Long có nội dung theo bản gốc như sau:

Phiên âm:

THIÊN ÐÔ CHIẾU
Tích Thương gia chí Bàn Canh ngũ thiên, Chu thất đãi Thành Vương tam tỉ. Khởi Tam đại chi sổ quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân trí, cẩu hữu tiện triếp cải. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ. Nhi Ðinh Lê nhị gia, nải tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp vu tư, trí thế đại phất trường, toán số đoản xúc, bách tính hao tổn, vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chi, bất đắc bất tỉ.
Huống Cao vương cố đô Ðại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Ðông Tây chi vị; tiện giang sơn hướng bội chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khốn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô.Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà? (2)
Hiện nay có hai bản dịch chính thức Thiên đô chiếu này được công nhận đăng ký và phổ biến công khai trên báo chí và sử liệu Việt Nam, đó là:

* Bản dịch thứ nhất của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong Ðại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993. (3)

Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Ðại; ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Ðinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.
Huống chi thành Ðại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?

* Bản dịch thứ hai của Nguyễn Ðức Vân, in trong Tóm tắt lịch sử Triều Lý – Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Ðền Ðô – Ðình Bảng – Từ Sơn – Bắc Ninh; Giấy phép xuất bản số 35/VHTT ngày 22/10/2001 của Sở Văn hóa – Thông tin Bắc Ninh (4)

CHIẾU DỜI ÐÔ
Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần đời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam Ðại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời ? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Ðinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không đổi dời.
Huống gì thành Ðại La, kinh đô cũ của Cao Vương: ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Ðã đúng ngôi Nam Bắc Ðông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Ðịa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.
Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?

Sự khác biệt lớn nhất và gây nhiều tranh cãi của hai bản dịch này là cụm từ phong thủy “long bàn, hổ cứ” được dịch thành “rồng chầu, hổ phục” và “rồng cuộn hổ ngồi”. Rất tiếc là cả hai bản dịch theo lối phóng tác, tượng thanh, tượng hình đã hoàn toàn sai lạc về học thuật cũng như về phong thủy đem lại nhiều nghịch lý, gây hậu quả nghiêm trọng. (Ngoài ra còn một bản dịch khác của Ngô Tất Tố, đã dịch cụm từ trên là thế rồng bò, hổ ngồi) (5)

A – Về học thuật:
Ðiều lưu ý đầu tiên là hai cụm từ “Thăng Long” và “long bàn, hổ cứ” xuất phát từ một người viết ra đó là ông Lý Công Uẩn, tại một thời điểm nhất định (1010), để chỉ cùng một vùng đất định cư, như vậy nếu dịch thuật ra tiếng Việt thì phải sử dụng cùng một phương pháp giống nhau. Ý nghĩa của hai cụm từ này nếu không tương tự nhau thì chí ít cũng phải bổ sung cho nhau chứ không thể đối nghịch nhau trong sự việc đặt tên cho một vùng đất.
Ðiều lưu ý kế tiếp là những cụm từ này có thể có nhiều lối dịch khác nhau, thế nhưng lối dịch chuẩn xác nhất vẫn phải hội đủ hai điều kiện nói trên.

Từ “Thăng Long” được dịch là “rồng bay lên” rất chuẩn và chính xác không ai tranh cãi. Chữ long là một danh từ, chữ thăng đứng trước chữ long là một động từ đóng vai tỉnh từ bổ nghĩa cho chữ long.
Áp dụng phương cách thứ tự dịch thuật này vào cụm từ “long bàn”, chữ bàn là danh từ, chữ long là danh từ đóng vai tĩnh từ bổ nghĩa cho chữ bàn, như vậy phải dịch là địa bàn của rồng hay là chỗ ở của rồng mới là chính xác.
Tương tự như vậy cụm từ “hổ cứ” phải dịch là căn cứ của hổ, hay nơi ở của cọp.

Nếu từ Thăng Long dịch là rồng bay lên, trong khi cụm từ “long bàn, hổ cứ” dịch là rồng cuộn hổ ngồi, hay rồng chầu hổ phục, thể hiện hai lối dịch khác nhau về ngữ pháp không thể chấp nhận được.

Nếu cho rằng dịch rồng cuộn hổ ngồi, hay rồng chầu hổ phục là đúng, điều này gián tiếp nói rằng cụm từ “long bàn hổ cứ” đã viết sai ngữ pháp, thay vì phải viết là “bàn long, cứ hổ”. Sự kiện này hoàn toàn không thể xảy ra với một người học chữ hán từ nhỏ làm quan đại thần, lên làm vua, sử dụng chữ hán mỗi ngày vào thời điểm Việt Nam chưa có chữ Việt.

B – Về phong thủy:


Ngoài ra lối dịch trên hoàn toàn sai lạc, đem lại nhiều nghịch lý theo ý nghĩa phong thủy của nó.
1)- Chữ rồng cuộn hay rồng chầu mô tả một trạng thái, hay động tác của con rồng an phận, định vị một nơi, trong khung trời hẹp. Ðiều này hoàn toàn tương phản với ý nghĩa của tên gọi Thăng Long là rồng bay lên trời, ở khung trời mở rộng mang trạng thái hoàn toàn tự do và phóng khoáng.

2)- Rồng cuộn, rồng chầu là loại rồng mang trách nhiệm tận trung phục vụ nhà vua hoàn toàn đối nghịch với hình ảnh rồng bay lên trời , chỉ sự chia ly, rời bỏ nhà vua ra đi, không hẹn ngày trở lại. Có thể nào đặt hai tình thế đối nghịch trong cùng một thế đất hay không?

3)- Rồng cuộn, rồng chầu ở thể TỊNH, trong khi rồng bay lên trời ở thể ÐỘNG, trong một vùng đất lại đặt tên vừa tịnh lại vừa động rất mâu thuần hoàn toàn trái với nguyên tắc dịch lý mà người xưa rất coi trọng.

4)- Theo truyền thuyết rồng luôn luôn ở trong mây, mới có thể vùng vẫy phát huy uy lực của mình, thế nhưng theo hai bản dịch rồng cuộn hay rồng chầu là hai loại rồng thoát ra ngoài môi trường thuận lợi vốn cần thiết của rồng. Như vậy đây là loại rồng thất thế , hết thời.
Hổ ngồi hay hổ phục cũng là loại hổ rời xa núi rừng, “dựa núi nhìn sông” chẳng khác gì loại hổ trong sở thú nuối tiếc một thời quá khứ như bài thơ “nhớ rừng’ của Thế Lữ tâm tình:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
……
Ðâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Ðể ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Rồng và hổ trong hoàn cảnh như đã diễn tả không thể là loại sinh vật phát huy được sở trường và sở đoản của mình được, khó có sự trung thành bền bỉ khi chính những sinh vật này luôn luôn hồi tưởng quá khứ.

5)- Rồng là sinh vật theo truyền thuyết ở trên trời mây, vậy tại sao Lý Công Uẩn lại đặt tên cho vùng đất Ðại La là rồng bay lên trời. Câu hỏi đặt ra rồng xuất phát từ đâu đến để có thể bay lên trời? Phải chăng từ trong lòng đất thiên đô. Nếu đúng như vậy thì chữ long bàn phải có nghĩa là vùng đất sinh sản ra rồng để bay về trời. Cũng theo truyền thuyết rồng là sinh vật có linh tánh, bay lên khung trời mở rộng, có khả năng chọn lựa một nơi tốt đẹp và thiêng liêng để sản sinh bảo tồn nòi giống. Như vậy vùng đất Thăng Long phải là nơi “linh thiêng”. Nói một cách tổng quát hơn đây là vùng đất “địa linh để sản sinh nhân kiệt”

6)- Hổ cứ được dịch là nơi trú ngụ của con hổ. Cũng còn ý nghĩa là nơi sản sinh ra mãnh hổ để bảo vệ vùng đất của mình. Như vậy đây là vùng đất nguy hiểm bất khả xâm phạm.

7)- Cụm từ “long bàn hổ cứ” tự thân cũng có ý nghĩa bổ sung cho nhau. Nếu cho rằng vùng đất này sản sinh ra rồng tượng trưng cho nhà vua, thì chính vùng đất này cũng phải sản sinh ra mãnh hổ tượng trưng cho binh tướng giỏi để hỗ trợ cho nhà vua. Vì rằng vua mà không có binh tướng giỏi thì chẳng làm được việc gì cả.

8)- Theo hai bản dịch thế đất rồng cuộn hổ ngồi hay rồng chầu hổ phục mang tính huyền bí, phức tạp, mơ hồ khó hình dung ra được vị trí thế đất như thế nào.Trái lại theo nội dung văn bản chiếu dời đô rất trong sáng và rõ ràng đây là thế đất bằng phẳng, “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước” lại nằm tại vị trí “chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước”.

9)- Như vậy, dưới nhãn quan phong thủy Thăng Long có giá trị như là vùng đất “nội ngoại lưỡng toàn”.
Thứ nhất về phía đối nội đây là thế đất địa linh sản xuất ra nhân kiệt mọi người dân đều có cơ hội phát huy mọi tài năng của để vươn lên trong khung trời mở rộng không giới hạn.

Thứ hai về đối ngoại đây là thế đất bất khả xâm phạm. Tất cả mọi thế lực ngoại bang xâm phạm vào lãnh thổ Việt Nam như đi vào hang cọp đều phải trả giá bằng mạng sống không có đường về.
Ðúc kết từ những ý nghĩa trên, cụm từ “long bàn, hổ cứ” nên dịch là “ ổ rồng, hang cọp” (là nơi rồng và cọp ở và sinh sản, cũng là nơi bất khả xâm phạm) lối địch này có ưu điểm ngắn gọn thay vì giải thích dài dòng, nhưng lại bao quát được hai ý nghĩa là nơi cư trú (về mặt ngôn ngữ) cũng là nơi sản sinh rồng, cọp (về mặt phong thủy). Lại phù hợp với nội dung của bản chiếu dời đô đã mô tả thế đất Thăng Long.

Người xưa thường hay sử dụng ngôn ngữ đầy sáng tạo hoặc hư cấu nhằm che dấu một nội dung phong thủy nào đó, với điều kiện ngôn ngữ này lại không quá xa rời mục đích và hình tượng của nó. Và cụm từ “long bàn, hổ cứ” cũng không thoát ra ngoài thông lệ cố hữu đó.

Ðiểm quan trọng cần nói thế đất “ổ rồng, hang cọp” là thế đất “vượng phát cho dân tộc và đất nước” chứ không phải là thế đất vượng phát riêng cho một cá nhân ông vua, hay một triều đại nào cả. Ý niệm này đã được thể hiện trong phần đầu của chiếu dời đô: Vua thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác, tự tay viết chiếu truyền rằng:
“Ngày xưa, nhà Thương đến đời Bàn canh năm lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”
Do vậy khi tìm hiểu giá trị phong thủy của đất Thăng Long là phải xét đến hiệu quả của thế đất này trong suốt quá trình sử dụng, chứ không thể chỉ chú trọng đến thời điểm nhà Lý dời đô.

II/- Kiểm chứng qua lịch sử:
Theo Ðại Việt sử ký toàn thư, nước Việt Nam được hình thành từ năm 2879 trước Tây Lịch cho đến nay 2010 sau Tây Lịch tổng cọng là 4889 năm, đã trải qua nhiều thời kỳ hay triều đại như sau:

Bảng thống kê các triều đại (thời kỳ) Việt Nam


Qua bản thống kê, có thể rút ra những tổng kết như sau:
· Thời tiền sử từ năm 2879 đến 258 trước Tây Lịch tổng cọng 2672 là thời gian dài, rất tiếc là không có sử liệu ghi chép đầy đủ, do đó vẫn còn nhiều tranh cãi.
· Trải qua ba thời kỳ Bắc thuộc 111 tr.TL – 39s.Tl, 43 – 544 s TL, 603 – 939 tổng cọng 987 năm, nước Việt Nam đặt dưới sự đô hộ của người Tàu đây là những trang sử đen tối và ô nhục nhất của đất nước, mà không người Việt Nam nào có thể quên được.
· Kể từ khi ông Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long (1010) đến khi nhà Hồ bỏ thành Thăng Long dời về Tây Ðô (1397). Tổng cộng thời gian sử dụng thành Thăng Long là 387 năm cũng là thời gian ngự trị của thời Lý và thời Trần. Ðây là khoảng thời gian dài nhất trong những trang sử độc lập (có sử liệu) của Việt Nam cũng là những trang sử vinh quang và oai hùng, phát huy được hiệu quả giá trị phong thủy nhất của đất Thăng Long mang ý nghĩa “nội ngoại lưỡng toàn” là “phát huy dân trí, và đánh đuổi ngoại xâm, mở mang bờ cõi”.
· Ngoài ra những thời đại khác không sử dụng kinh đô Thăng Long, một số yểu tử, hoặc rơi vào sự lệ thuộc ngoại bang, hay nội chiến tương tàn. Chỉ ngoại trừ nhà Lê được tồn tại 105 năm.
Tất cả những điều trên đã khẳng định được giá trị phong thủy của Thăng Long, không ai có thể tranh cãi.
Ðể minh chứng một lần nữa chúng tôi đi vào chi tiết phân tách thành quả của thế đất trên như sau:

1)- Ðối nội, dân trí:

Thời nhà Lý và nhà Trần rất hiểu rõ giá trị phong thủy của Thăng Long, nên đã ra sức tạo nên những điều kiện thuận lợi để phát triển dân trí bằng những biện pháp: Mở Quốc Tử Giám, Hàn Lâm Viện, tạo cơ hợi đồng đều cho mọi người dân ra sức cống hiến cho đất nước bằng các cuộc thi tuyển hàng năm.

- Năm 1075, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học.
- Năm 1076 mùa hạ, tháng 4, đại xá, Xuống chiếu cầu lời nói thẳng.
Cất nhắc những người hiền lương có tài văn võ cho quản quân dân.
Chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc tử giám.
- Năm 1077 tháng 2, thi lại viện bằng phép viết chữ, phép tính và hình luật.
- Năm 1086 tháng 8, thi người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn lâm viện, Mạc Hiển Tích trúng tuyển, bổ làm Hàn lâm học sĩ. (1)

2) Ðối ngoại: Bất khả xâm phạm, Chống ngoại xâm
Triều đại Nhà Lý và Nhà Trần đã lập nên những trang sử sáng chói về thành tích chống ngoại bang. lịch sử đã ghi công:

- Lý Thường Kiệt với thành tích “Bắc phạt Tống, Nam bình Chiêm” và ngạo nghễ đứng trên đất Tàu phổ biến tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam:
Nam Quốc Sơn Hà Nam Ðế Cư
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhử đẳng hành khan thủ bại hư!

Dịch:
Sông núi nước Nam, Nam đế ở,
Rõ ràng phân định tại sách trời
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?
Cứ thử làm xem, chuốc bại nhơ!

Mở rộng thêm đất nước với ba châu Ðịa Lý, Ma Linh và Bố Chính.
- Ỷ Lan Thái phi xuất thân chỉ là một cô gái hái dâu, đã góp công ổn định quan trường hậu cung để cho vua Lý Nhân Tông yên tâm đánh thắng quân Chiêm Thành.
- Ngoài ra thời nhà Trần có Hưng Ðạo Vương đại thắng quân Nguyên, Mông với trận Bạch Ðằng Giang oai hùng, vang danh kim cổ.

- Tổ chức Hội nghị Diên Hồng (1283) đế lấy ý dân quyết chiến thắng là một biến cố lịch sử trọng đại cho hậu thế noi theo.
Tóm lại với những thành tựu được lưu danh trên những trang sử nhà Lý và nhà Trần trong thời gian sử dụng đất Thăng Long đã minh chứng giá trị phong thủy vốn có của vùng đất này. (còn tiếp)

——————-
Ghi chú:

1) Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư

2) Bản gốc Thiên đô chiếu

3) Bản dịch Thiên Ðô chiếu chính thức của viện khoa học xã hội Việt Nam

4) Bản dịch Thiên Ðô chiếu của Nguyễn Ðức Vân

5) Lý Công Uẩn Chiếu dời đô Thăng Long – Vịnh Hạ Long

Phản hồi