WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chú Cuội và chị Hằng

Đứa con trai của tôi hay có những thắc mắc một cách rất khoa học. Lúc tuổi độ lên năm, một tối trên đường về nhà thấy trăng tròn nó hỏi:

Ảnh minh họa (thientam.vn)

Bố. What’s on the moon? [Trên mặt trăng có gì hả bố?]

Trên đó có chú Cuội, chị Hằng và cờ Mỹ. Tôi trả lời bằng tiếng Việt.

Who are they? How do they get American flag up there? [Mấy người đó là ai? Làm sao họ đem cờ Mỹ lên đó được?]. Thằng bé hỏi tiếp.

Bằng hoả tiễn và phi thuyền. Tôi bỏ qua chuyện chú Cuội và chị Hằng.

What’s hoả tiễn in English? [Hoả tiễn tiếng Mỹ là gì?]

Hoả tiễn là rocket.

Can you make me a rocket? [Bố có thể làm cho con một cái hoả tiễn không?]

Bố không chế hỏa tiễn được. Nhưng con ráng học giỏi mai mốt làm phi hành gia thì con sẽ được lên cung trăng.

I thought you can make everything. What’s a phi hành gia? Is chú… Hiệp – what’s his name again, I forgot. Is he a phi hành gia? [Con tưởng bố có thể làm được mọi thứ. Phi hành gia là gì hả bố? Chú Hiệp… hay chú gì đó con quên tên rồi có phải là phi hành gia không?].

Đứa con trai chưa nghe quen tên chú Cuội, mà chỉ nhớ đến chú Hiệp là cậu em trai của tôi.

Tôi trả lời: Phi hành gia là người lái phi thuyền lên cung trăng, tiếng Mỹ là astronaut. Mai mốt bố kể chuyện chú Cuội và chị Hằng cho nghe.

*

Mười lăm tháng Tám tri cho
một ông trăng sáng tht to
các em thích cười
muốn lên cung trăng
cứ hi ông tri
cho mượn cái thang…

Thời thơ ấu tôi đã thấy những đêm trăng sáng như thế và giờ còn thuộc lòng những câu hát học được từ ngày còn bé sống trong một khu quần cư ở ngoại ô Sài Gòn, nơi chưa có những ngọn đèn điện nê-ông sáng rực mà chỉ toàn là ánh đèn dầu leo lét hằng đêm. Thỉnh thoảng cả xóm, trong dịp giỗ chạp hay đọc kinh khu xóm mới có ngọn đèn măng-xông tỏa sáng, thu hút những con thiêu thân từ đâu bay vút vào rồi lăn xuống đất. Ngọn đèn là nơi sau những cơn mưa có dế cơm, dế mèn, dế đá từ đồng cỏ bay về cho bọn trẻ tranh nhau vồ bắt. Những con dế cơm to xác, màu nâu vàng, có vồ được nhiều khi cũng bị nó búng càng, đá vào tay rất đau. Loại dế này chỉ để nuôi làm cảnh. Tôi thích nhất dế than, dế lửa, nhất là loại dế ốc tiêu. Lâu lâu mang ra cho chúng đá nhau là một niềm vui bất tận cho tuổi thơ.

Không có đèn điện nên mỗi dịp Tết Trung Thu xóm ngõ lại rực lên những sắc màu lấp lánh tỏa ra từ những chiếc lồng đèn đong đưa trên tay bọn trẻ nhỏ: máy bay, tàu thuỷ, con bướm, củ ấu, con cá, ông sao, đèn xếp. Trẻ con rước đèn quanh xóm, vừa đi vừa hát:

Đèn ông sao vi đèn cá chép
đèn thiên nga với đèn bướm bướm
em rước đèn này đến cung trăng…

Cả trăm tiếng hát nhịp nhàng bay qua nhiều con ngõ rồi tụ lại trước một sân khấu lộ thiên giữa ngã ba đường. Ở đó chúng tôi được các anh chị dạy cho hát, hò, được xem các anh chị đóng kịch dưới ánh trăng rằm. Mối tình của “chú Cuội yêu chị Hằng Nga, nói dối ông bà lên viếng mặt trăng” đã đem đến những trận cười hồn nhiên để rồi mỗi lần nhìn ánh trăng tròn thì hình ảnh chú Cuội và chị Hằng vẫn còn làm tôi mỉm cười.

Khi có điện chạy đến mọi ngõ ngách của khu dân cư thì vầng trăng rằm như bớt đi sức sáng. Trung Thu về, ngoài lồng đèn bằng giấy bóng kiếng nhiều màu lại có thêm những lồng đèn làm từ những lon cô-ca hay những con bướm sắt mà khi đẩy tới đôi cánh đập ra, đập vào tạo ra những tiếng kêu lách cách. Rước đèn tháng Tám không chỉ còn giọng hát của cả trăm thiếu nhi vang vang mà giờ là một hỗn tạp của nhiều thứ: âm thanh của đèn con bướm sắt hay của những con khỉ tân kỳ gõ trống, âm thanh của động cơ xe gắn máy lách đám đông bóp kèn inh ỏi. Bầu trời đêm không chỉ là những trăng sao mà còn loé lên ánh hỏa châu và tiếng súng từ xa vọng về. Vầng trăng tuổi thơ của tôi trên đó không còn chỉ một mình chú Cuội với chị Hằng mà có thêm những phi hành gia với ngọn cờ Mỹ.

Tôi xa dần tuổi thơ từ đó dù trăng vẫn còn sáng và tròn. Bầu trời về đêm có còn lấp lánh trăng sao hay không thì nhà cao, đèn đường đã che khuất. Theo cuộc đời với nhiều nỗi lo làm tôi ít còn chú ý nhiều đến bầu trời nơi xóm nhỏ về đêm nữa.

Cho đến một hôm thấy mình lênh đênh trên biển. Ngồi trên boong tàu nghe gió phần phật thổi mang theo hơi muối mằn mặn dính môi, nhìn lên có những đêm bầu trời đen nghịt, lấm tấm sao như cát biển. Có đêm trăng sáng tỏa một màu bạc trên sóng nước bao la và con tàu cứ như trôi vào một không gian vô định. Nghĩ lại còn thấy cái cảm giác rùng mình của những ngày lênh đênh trên sóng nước.

*

Rằm tháng Tám ở Mỹ sinh viên cũng tụ họp trong ký túc xá hay ở nhà bạn, uống cốc nước trà, ăn miếng bánh dẻo, bánh nướng và hát cho nhau nghe để nhớ về thời thơ ấu ở quê nhà, nhớ cái tuổi bắn bi đánh đáo, bắt cá thả diều, dù trong tiếng súng chiến tranh nhưng vẫn là những kỷ niệm hồn nhiên giờ không còn tìm lại được.

Có năm cùng với cộng đồng, sinh viên góp phần tổ chức sinh hoạt Trung Thu đem lại cho thiếu nhi Việt nơi quê người những niềm vui truyền thống.

*

Những ngày làm việc ở Đông nam Á, trăng tròn vằng vặc lại chiếu ngang đỉnh đầu vào những đêm tối ngồi ở quán cà-phê trên đồi Galang hay tại quán L.U.P. bên bờ biển đảo Bidong. Năm đó có những thân hữu, hội đoàn hiểu được hoàn cảnh của trẻ em vượt biển thiếu thốn và cần niềm vui nên có nhờ tôi đem những món quà nhỏ đến cho thiếu nhi trong trại tị nạn. Nhìn các em hớn hở với chiếc lồng đèn, chiếc bánh hay tập truyện tranh trên tay là quà tặng của đồng bào hải ngoại mà lòng tôi vui theo.

Hai đứa con của tôi khi tham dự sinh hoạt đón Trung Thu do cộng đồng tổ chức, rất thích cùng các bạn hát: “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường…” vì điệu nhạc dễ nhảy múa. Nhưng khi nghe “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ…” đứa con gái nhận xét là “boring”, chán quá – và chỉ thích nghe những ca sĩ giúp vui nào hát nhạc điệu mạnh như của Britney Spears.

Phút vui mừng nhất là lúc phát kẹo. Được nhiều kẹo mút lolly pop hay kẹo bubble gum thổi được bong bóng là bọn trẻ hớn hở, rối rít khoe nhau. Còn trăng có tròn, nước trà có thơm, bánh trung thu có ngon hay không thì chỉ ông bà, cha mẹ biết.

Tết Trung Thu xong chừng vài bữa, hai đứa con không quên là còn một ngày vui nữa cho trẻ em ở Mỹ và luôn hỏi: “Bố. How many more days to Halloween?” [Bố. Còn mấy ngày nữa là đến Halloween?]

Blog Bùi Văn Phú

Phản hồi