WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Con đường thoát ly khỏi quỹ đạo Bắc Kinh

Năm thành viên Cố định (hay còn gọi là Thường trực) của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA-LHQ), có được quyền tán đồng hay phủ quyết mọi hành động chung trên các vấn đề an ninh thế giới là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Trên nguyên tắc, khi một trong năm thành viên Cố định đưa ra sự phủ quyết về một vấn đề nào đó tại HĐBA-LHQ thì một trong năm cường quốc này không có quyền  hành động riêng rẽ trong việc giải quyết vấn đề đó. Nhưng trong qúa khứ, Hoa Kỳ đã từng hành động riêng rẽ trong việc giải thể chế độ Saddam Hussein tại Iraq vào mùa xuân năm 2003, lúc đó ba thành viên Pháp, Nga, Trung Quốc và kể cả thành viên Luân phiên là Đức đã không đồng tình với Mỹ về việc này; Nhưng Mỹ vẫn tiến hành giải giới chính quyền Saddam mặc dầu đã bị các thành viên Thường trực phủ quyết, không những một mà có tới đến ba, chiếm hẳn đa số. Chứng tỏ vì an ninh, quyền lợi nước Mỹ, và xa hơn là trách nhiệm ổn định khu vực Trung Đông hay thế giới theo cái nhìn của giới lãnh đạo Mỹ, vẫn sẵn sàng hành động riêng rẽ một cách dũng lược.

Nhìn lại tình hình Á châu Thái Bình Dương, tại Diễn đàn Khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ như đã quyết tâm khẳng định các quyền lợi tự do thông thương trên mặt biển tại vùng này. Hoa Kỳ đã tỏ lập trường tại hội nghị ASEAN mới đây.

Đối với Mỹ, việc “quốc tế hóa’’ Biển Đông là viễn kiến sách lược không thay đổi của Mỹ. Hay đúng hơn Mỹ đang ngầm kêu gọi Trung Quốc nếu muốn trở thành cường quốc đúng nghĩa thì không riêng gì tại Biển Đông mà kể cả mọi vùng khác trên thế giới, Bắc Kinh cần phải có trách nhiệm giải quyết mọi tranh chấp bằng phương thức hòa bình theo luật pháp quốc tế. Nhưng Trung Quốc dưới một thể chế độc tài, người dân còn bị coi rẻ như những kẻ nô-dịch cho giới cầm quyền thì lấy đâu đòi hỏi có được quyền làm người chính đáng chỉ riêng trong xã hội Trung Quốc thôi, chứ còn đòi hỏi Nhân quyền cho người dân thế giới ở các quốc gia khác thì chắc còn qúa xa vời!… Nguyên do của mọi bất ổn chính trị và xung đột chiến tranh là người dân dưới chế độ độc tài không có quyền tham chính, mà ngược lại phải để mặc cho thiểu số cầm quyền xỏ mũi, dẫn dắt theo ý chí, tham vọng độc đoán riêng của giới cầm quyền. Ý chí và tham vọng bá quyền của Bắc Kinh qúa lớn thì chắc rằng những xáo trộn bất ổn xảy ra trên thế giới càng lớn và dân Tàu cũng không có được diễm phúc gì khi chính mình trước tiên là nạn nhân bị lợi dụng vào các mục tiêu chống lại nhân loại. Điển hình là sách lược bá quyền, với đề xuất “quyền lợi quốc gia thiết yếu’’ hay chiếc “lưỡi bò’’ tại Biển Đông đã làm cho khắp nơi từ Tân Cương, Tây Tạng , đến Đài Loan, Hoa Kỳ và các quốc gia từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á phải bàng hoàng lo ngại.

Toàn bộ sách lược và chiến lược của giới cầm quyền Bắc Kinh có thể cô đọng vào những nhận định phát biểu gần đây của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc là Trì Hạo Điền. Trong bài viết này, tác giả sẽ nêu lên một số yếu tố chính yếu trong bài diễn văn của Trì Hạo Điền để thấy rõ hơn tình hình nước Tàu và thế giới diễn biến trên suốt nửa thế kỷ qua, từng giai đoạn nổi bật rõ chiến lược bá quyền của giới cầm quyền Bắc Kinh, và qua bài phát biểu của cựu Bộ trưởng Quốc phòng này chỉ như những giọt nước sau cùng làm tràn ly, lộ rõ hết những tham vọng ngông cuồng muốn chiếm lĩnh thống trị và Hán hóa cả thế giới mà bấy lâu Bắc Kinh luôn cố che dấu. Đây cũng là những hệ lụy mang đến những bất ổn cho thế giới, nhất là các dân tộc quốc gia lân bang như Việt Nam phải luôn chịu nhiều tai ách xâm lược mà căn nguyên phát xuất từ những tham vọng độc tài toàn trị có nguồn gốc di sản từ “chủ nghĩa Thiên triều Đại Hán’’ trên 20 thế kỷ qua, đã ghi đậm rõ nét trong lịch sử từ khi Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc, và kéo dài cho đến các triều đại phong kiến khác về sau.

Các yếu tố chính trong chiến lược của Trung Quốc nói chung, và bài diễn văn của Trì Hạo Điền nói riêng, phản ảnh rõ 3 mục tiêu chiến lược sau đây:

1. Mở rộng không gian sinh tồn bằng cách đưa người Tàu di cư ra khắp thế giới, về dài về lâu sẽ tiến chiếm thế giới một cách tiệm tiến (việc này chúng ta đã thấy được ở Tây Tạng, Tân Cương, Miến Điện, Việt Nam và một số đông tại các nước Á Phi)

2. Duy trì vĩnh viễn một chế độ độc đảng toàn trị hiện tại trên đất  nước Trung Hoa.

3. Vũ trang mọi phương diện kỹ thuật quân sự để chuẩn bị đánh bại Hoa Kỳ bằng vũ khí sinh học hoặc nguyên tử ngõ hầu xóa bỏ một đối thủ luôn cản bước Bắc Kinh tiến tới thống trị thế giới.

Ba mục tiêu chiến lược này tỏ ra thật đầy bá đạo, mang những định kiến sai lầm tự tôn, gây xáo trộn và đe dọa nền hòa bình thế giới. Từ thời Tần Thủy Hoàng thành lập đế chế chuyên chính trung ương tập quyền cho đến chế độ CS ngày hôm nay, học thuật chính trị nước Tàu vẫn không có gì tiến bộ, vẫn bỏ quên tầng lớp dân chúng nghèo hèn, vẫn với mô thức độc tài toàn trị, với tư tưởng Khổng giáo hay Cộng sản đều mang tính áp đặt, luôn muốn kiểm soát tư tưởng của toàn xã hội, buộc mọi người dân trở thành những kẻ nô-dịch cho giới cầm quyền. Điều này người viết không nói ngoa với đoạn dẫn chứng sau đây trong bài phát biểu của Trì Hạo Điền:

Có lẽ bây giờ bạn đã hiểu tại sao chúng ta đã vừa quyết định quảng bá thêm cho chủ nghĩa vô thần. Nếu chúng ta để cho thần học Phương Tây vào nước Tàu và làm tâm hồn chúng ta trống vắng, nếu chúng ta để tất cả người Tàu lắng nghe lời Chúa và theo Chúa thì ai sẽ vâng phục, lắng nghe chúng ta và theo chúng ta? Nếu những dân bình thường không tin đồng chí Hồ Cẩm Ðào là một người lãnh đạo có khả năng, rồi thách thức quyền lực của đồng chí ấy và muốn giám sát đồng chí, nếu các tín đồ tôn giáo trong xã hội chúng ta đặt câu hỏi tại sao chúng ta là Thượng Ðế lãnh đạo trong các nhà thờ, thì thử hỏi đảng chúng ta có thể tiếp tục lãnh đạo nước Tàu được không?’’

Lời phát biểu trên đây như nhấn mạnh thêm sự ngụy biện cho việc các tôn giáo tại Hoa lục luôn bị theo dõi, đàn áp, đó là trường hợp Pháp Luân Công; trường hợp các vị giám mục Thiên Chúa giáo phải được nhà cầm quyền Bắc Kinh chỉ định mới được bổ nhiệm… Sở dĩ có hệ qủa quái đản như thế là bởi di sản trị nước theo hội chứng “thiên tử’’ chưa gột rửa được nơi những người cầm quyền! Tư tưởng cổ hủ, lạc hậu như thế chắc chắn luôn đi ngược lại “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền’’, tước bỏ những quyền bình đẳng và tự do, nên công lý và hòa bình cho con người và thế giới luôn bị Bắc Kinh gây ra xáo trộn, hủy hoại.

Phần cuối bài diễn văn, Trì Hạo Điền đã đanh thép, đánh tan cho bằng được mọi ý kiến chủ hòa, khi dẫn chứng lịch sử nội chiến Trung Hoa thời kỳ Mao Trạch Đông với Tưởng Giới Thạch. Trì Hạo Điền đã ví Hoa Kỳ như là kẻ thù không đội trời chung cần phải đánh bại như Mao Trạch Đông đã từng đánh bại Tưởng Giới Thạch. Sự chuẩn bị mặt trận quân sự cho quân đội Cộng sản Tàu ví như “những con ngựa đang uống nước trên sông Dương Tử’’, tuy đang dưỡng sức nhưng bằng mọi gía phải tìm cách vượt qua, bỏ hẳn lại phía sau mọi nội loạn đang xảy ra nơi nước Tàu để tiến tới phía trước, đầu tiên phải đánh bại và hủy diệt cho bằng được nước Mỹ thì mọi vấn đề nội loạn cũng như ngoại hoạn sẽ được san bằng. Khi làm chúa tể thế giới, quyền thưởng phạt và sinh sát nắm được trong tay thì việc đặt ách cai trị, Hán hóa hay buộc các dân tộc khác trên thế giới cúi đầu khuất phục làm chư hầu là việc không khó như các triều đại phong kiến Trung Hoa trong qúa khứ đã từng làm.

Thế giới ngày nay có sự xung đột mạnh giữa các nền văn minh khác nhau, do đó mà có chiến tranh, khủng bố… điển hình là khối Hồi gíao cực đoan luôn luôn tìm cách đánh ngã thế giới Tây phương ảnh hưởng bởi nền văn minh La Mã, Hy Lạp và Thiên Chúa giáo. Văn minh Trung Hoa cũng là một thực thể lớn trong các khối văn minh của thế giới, liệu nó có còn chút gì sức mạnh tinh thần có thể hướng dẫn nhân loại tiến đến chân trời chân-thiện-mỹ được nữa hay không? Hay văn minh, văn hóa Trung Hoa đang đi vào tàn tạ như bao nền văn minh, văn hóa khác trong lịch sử thế giới đã từng bị chôn vùi theo thời gian vì không còn đáp ứng lại được nhu cầu tiến hóa về mặt tinh thần chung của nhân loại? Nếu không thì nền văn minh, văn hóa Trung Hoa đã bị phá sản, mà điều chứng minh cụ thể dễ thấy nhất là khi sức mạnh vật chất về mặt kinh tế Trung Quốc càng trổi dậy thì thế giới lại càng chịu nhiều những bất ổn xáo trộn với đà gia tăng về mặt võ trang quân sự với 3 mục tiêu chiến lược không còn che dấu được của giới cầm quyền Bắc Kinh, qua bài phát biểu của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trì Hạo Điền trước Hội nghị các tướng lĩnh bàn về chiến lược chiến tranh trong tương lai đã lộ rõ bản chất tự tôn, hung hãn của hội chứng “chủ nghĩa Thiên triều Đại Hán’’.

Không riêng gì cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trì Hạo Điền, mà gần đây nhất với bài phỏng vấn trên đài RFI, nhà báo Ngô Nhân Dụng cũng cho biết “Giới tướng lãnh diều hâu ngày càng ảnh hưởng lên đường lối của Trung Quốc’’.

“Những con ngựa đang uống nước trên sông Dương Tử’’ của quân đội Trung Quốc đã từng vượt qua sông dài đánh bại được Tưởng Giới Thạch, nhưng ngày hôm nay những con ngựa này có quyền phép gì có thể chấp nối được những đôi cánh để vượt qua được các đại dương bao la ngõ hầu thực hiện cho bằng được 3 mục tiêu chiến lược trên, hay đây chỉ là ước mơ trong các câu chuyện thần thoại? Hải ngoại là từ ngữ Hán văn chỉ những vùng đất xa xôi ngoài biển cả, nhưng cũng có nghĩa nói đến các quốc gia nằm ngoài lục địa Trung Hoa; chứng tỏ người Hán luôn bảo thủ tư tưởng đại lục, và đã thành công trong suốt chiều dài lịch sử bành trướng một nước Đại Hán trên đất liền. Nhưng ngày hôm nay Hán tộc đã biết mở mắt nhìn ra ngoài biển cả, hải ngoại, tự hoạch định lại chủ quyền quốc gia và biển đảo với đường vẽ “lưỡi bò’’ lấn chiếm trọn cả vùng biển của các quốc gia từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á. Thật trái ngược hẳn với những gì suốt chiều dài lịch sử đã chứng minh một nước Trung Hoa chỉ bành trướng theo tư tưởng chính trị đại lục.

Gần đây giới cầm quyền Bắc Kinh có tham vọng muốn chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ. Từng bước một rõ ràng Bắc Kinh đang tiến hành chiến lược tranh quyền bá chủ với Mỹ trên khắp thế giới. Riêng tại Đông phần Thái Bình Dương, bước đầu Bắc Kinh phải thực hiện việc chiếm trọn vùng biển này theo kế hoạch sao cho ăn khớp với bản đồ “lưỡi bò’’ đã đề ra; trước khi tiến ra giữa Thái Bình Dương tranh hùng với Mỹ.

Có phải Bắc Kinh đã qúa kiêu căng khi đòi chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ? Một Trung Quốc với chính sách viễn dương chỉ mới trổi dậy cách đây vài thập niên, trong khi trước đó chế độ cộng sản suốt nửa thế kỷ cầm quyền tại nước này vẫn không hề có môt chút đất cắm dùi ngoài biển Đông, hay đúng hơn trong suốt chiều dài lịch sử (Ngoài thời kỳ Trịnh Hòa cách nay trên 600 năm) Trung Quốc vẫn luôn đắc ý bảo thủ truyền thống cai trị đại lục mà không hề có ý tranh giành biển đảo vì bởi cái tâm lý sợ sóng gío của đa số dân Hán xuất phát từ Hoa Bắc, đúng như câu ngạn ngữ “Bắc nhân kỵ mã, Nam nhân thừa thuyền’’. Riêng Mỹ là một cường quốc đã từng đánh bại Nhật, tạo lập nên nhiều căn cứ hải quân khắp nơi trên Thái Bình Dương, thay Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các cường quốc Anh, Pháp, Hòa Lan… Hoa Kỳ trở thành siêu cường về hàng hải trên hơn thế kỷ qua. Trung quốc có muốn mở rộng chính sách viễn dương, chắc gì đã dám lấp ló ra ngoài nhóm quần đảo Marianne, trong đó có căn cứ Hải quân lớn của Mỹ nằm ở đảo Guam chưa? Nói chi đến các nhóm quần đảo rải rác khác thuộc Vùng quốc hải Hoa Kỳ như Caroline, Marshall… kết thành một chuỗi trân châu khắp Thái Bình Dương, có lý do gì Mỹ phải tự chặt đứt để nhượng phần chia đôi lại cho Trung Quốc? Hơn nữa việc thông thương hàng hải và khai thác tài nguyên biển đảo ngày nay có phải như thời các đế quốc hay thực dân xa xưa chuyên chơi trò cướp bóc mà đòi chia phần? Không lẽ Bắc Kinh không thấy rõ từ khi Mỹ xuất hiện ở Thái Bình Dương thì các đế quốc như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã dần đi đến cáo chung; các thực dân kế tiếp tranh quyền lợi của 2 đế quốc này đã nhiều phen bất đồng, có lúc choảng nhau đến đổ máu như Hòa Lan, Anh, Pháp, Nhật, Đức… nhưng cuối cùng đều phải nhường quyền cho Mỹ giữ vai trò kiểm soát và ổn định hòa bình vùng Thái Bình dương này? Muốn ổn định hòa bình thì phải có những “quy tắc ứng xử’’ đồng thuận giữa các quốc gia liên hệ, và còn dựa vào các tiêu chuẩn Pháp lý, Công ước Quốc tế về Luật biển. Đó là điều mà Bắc kinh lo ngại trên vấn đề “đa phương’’, vì khi giải quyết tranh chấp như thế thì có thể kéo nhau ra tòa án quốc tế, lúc đó Bắc Kinh sẽ hiện rõ bản chất cướp bóc vô trách nhiệm, trong khi mang tiếng là thành viên Cố định tại Hội Đồng Bảo An LHQ mà lại là kẻ gây bất ổn, ngụy biện và lấp liếm mọi vấn đề thì còn mặt mũi đâu để chủ đạo thiên hạ mà cứ cố ngồi lì ở chức Cố định thì thật không biết nhục là gì sao? Riêng Hoa Kỳ đã qúa quen thuộc xử dụng ngón đòn “đa phương’’ từ sau thế chiến thứ 2 đã được Liên Hiệp quốc tín nhiệm trao cho nhiều gánh nặng thay cho Liên Hiệp Quốc có trách nhiệm ổn định hòa bình khắp nơi trên thế giới. Chức thành viên Cố định của Trung Quốc cũng là do phù phép của Hoa Kỳ thương tình ốm yếu dưới thời Mao Trạch Đông xảy ra chiến tranh biên giới với Nga. Trung Quốc phải đối đầu với Liên Bang Sô Viết có cả kho vũ khí nguyên tử khổng lồ nên năm 1971 Mỹ mới cố hà hơi tiếp sức, khuyên nhủ các bạn bè trong khối Tự do, khối Đồng Minh khắp nơi để cho Trung Quốc được làm thành viên Cố định tại Hội Đồng Bảo An LHQ, chỉ đau đớn là Tưởng Giới Thạch và đảo quốc Đài Loan phải chứng kiến cảnh thay thầy đổi bạn, khi Đài Loan lúc đó chỉ là một đảo quốc nhỏ muôn phần phải nhờ vả Mỹ bảo vệ chống lại ý đồ đánh chiếm Đài Loan của Cộng sản Hoa Lục, nên tiếng nói của con nợ chỉ như tiếng thỏ thẻ than van bay thoáng qua tai chủ nợ, mà tình đời thì vốn bạc bẽo thường chỉ thích xu phụ theo kẻ mạnh nên Đài Loan đã không còn được đa số nước tại Liên Hiệp Quốc ủng hộ, để kết qủa cuối cùng phải nhường chức thành viên Thường trực lại cho Hoa Lục và riêng Tưởng Giới Thạch chắc hẳn ôm hoài mối hận tình đau thương với Mỹ.

Đời nào Mỹ lại chịu chia đôi Thái Bình Dương mà Trung Quốc lại huênh hoang lên tiếng sỗ sàng như vậy? Muốn lấn đến tận quần đảo Hawaii nơi đặt bản doanh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa kỳ tại Trân Châu Cảng, qủa thật Bắc Kinh nếu không nằm mơ thì cũng qúa ngông cuồng, nhưng lại là một sự ngông cuồng có chủ đích, vì đó là viễn kiến mục tiêu của sách lược, tạm thời chưa đạt được thì ẩn nhẫn chờ thời cơ. Thái độ mềm dẻo và những lời phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Lương Quang Liệt mới đây tại Hà Nội đối với những người Việt Nam nào còn quan tâm đến hệ mệnh sống còn của dân tộc và đất nước phải nhận rõ bản chất tham vọng bành trướng của Bắc Kinh là tạm thời lùi một bước, nhưng sẽ tiến mười bước trong tương lai để đạt cho bằng được 3 mục tiêu chiến lược nói chung trên toàn thế giới mà Trì Hạo Điền đã tiết lộ, và nói riêng tại Biển Đông hay Thái Bình Dương đều phản ảnh sách lược trường kỳ muốn trở thành bá chủ thế giới.

Bên cạnh một nước Trung Quốc to lớn và nhiều tham vọng như thế, toàn thể Quốc dân Việt Nam không có quyền tự ru ngủ qua những tuyên bố mật ngọt của giới cầm quyền Bắc Kinh. Cho dù là giới quân sự hay dân sự thì sách lược bành trướng để mong chiếm lĩnh cả thế giới vẫn không bao giời thay đổi. Lời mật ngọt của các giới cầm quyền dân sự thường mang đầy thủ đọan ngoại giao chính trị thâm độc chết người hơn là những tuyên bố võ biền, thẳng thừng của giới tướng lãnh quân sự. Thế giới biết được phần nào ẩn ý sách lược là do những lời thẳng thừng nên dễ đề phòng hơn là những mưu mô thâm độc được che đậy qua các mỹ từ như “16 chữ vàng và 4 tốt…’’, nó đã được thêu dệt từ bao giờ? thế mà đất, biển của Việt Nam vẫn luôn bị lấn chiếm, ngư dân Việt Nam luôn bị bách hại… Nhà nước CHXHCNVN thì luôn ú ớ, bưng bít thông tin trước thảm họa tàn ác của Bắc Kinh, muốn đồng bào quốc dân ta cứ phải sống trong cảnh mơ mơ màng màng không còn nhận đâu ra lẽ sống và lẽ chết.

Có thiện chí hòa bình thì phải sớm thoát ly khỏi qũy đạo kềm chế của Bắc Kinh mà hội nhập vào trào lưu văn minh chung của thế giới, phải thường xuyên vun xới và xây dựng nền tảng dân sự lớn mạnh để tạo cơ sở vững bền cho toàn dân xây dựng phát triển đất nước về mọi mặt… Còn nếu cứ tiếp tục mơ mơ màng màng trong “định hướng xã hội chủ nghĩa’’ mà không ai biết mặt mũi nó ra sao như tình cảnh hiện nay thì lấy năng lực đâu để bảo vệ hòa bình? Đứng trước hiểm họa Bắc thuộc mỗi ngày đang xiết chặt vòng vây, muốn hành động nên người thì dân ta không thể thúc thủ chờ kẻ thù mang hòa bình đến cho ta mà phải luôn thường xuyên chiến đấu, kiến tạo trên nhiều lãnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế. Phải xây dựng một đối sách chiến lược trong tư thế thượng phong, kể cả lãnh vực quân sự để kẻ thù bỏ hẳn ý đồ xâm chiếm biển đảo hay lãnh thổ nước ta. Và phải phát huy Tự do, Dân chủ, Nhân quyền để trang bị cho người dân tinh thần khang kiện, trưởng thành ý thức đấu tranh để bảo vệ hoà bình.

© Phạm Thiên Thơ

© Đàn Chim Việt

———————————————-

Tài liệu tham khảo:

-       Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc

-       Lập trường của Hoa Kỳ tại hội nghị ASEAN mới đây

-       Tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc tăng tốc

- Diễn văn của Trì Hạo Điền trước Hội nghị các tướng lãnh Trung Quốc

-       Giới tướng lãnh diều hâu ngày càng ảnh hưởng lên đường lối của Trung Quốc

-       TRUNG HOA VỚI MỘNG CƯỜNG QUỐC LỤC ĐỊA HAY ĐẠI DƯƠNG

-       Trung Quốc muốn chia đôi Thái Bình Dương?

-       Vùng quốc hải Hoa Kỳ

-       Trân Châu Cảng

-       Trung Quốc tìm cách giảm bớt căng thẳng tại Biển Đông

-       Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển

3 Phản hồi cho “Con đường thoát ly khỏi quỹ đạo Bắc Kinh”

  1. nvtncs says:

    Dân Trung Hoa là dân 6000 năm nô lệ, từ phong kiến đến đời cộng sản.

    Không cần phải đỗ tiến sĩ và có lẽ không nên có tiến sĩ, cũng thấy rằng tương lai nước Việt không phải từ phương Bắc đem đến mà từ phương Tây, Mỹ, trên hầu hết tất cả mọi phương diện: chính trị, kinh tế, khoa hóc, toán học, y khoa, nhân quyền, kỹ thuật vv….

    Điều này người Nam trước 1975 hiểu biết rõ ràng trong khi người CS Bắc Việt bưng bít dân miền Bắc, mù quáng theo Tầu.

    Chính vì lý do trên và vì tương lai đất nước mà không thể HHHG hoặc sửa chữa đảng CSVN, mà phải, một là vứt đảng CSVN đi, hai là để cho nó tiếp tục cai trị cho đến khi Việt Nam trở thành An Nam đô hộ phủ.

    Thật ra, hiện nay VN đang trở thành An Nam Đô hộ phủ, mà chẳng cần đem quân sang đánh.

  2. Trung hoàng says:

    Thay đổi thể chế mới, chuyển hướng một bước ngoặc lịch sử cho dân tộc và đất nước, chính là con đường thoát ly ra khỏi quỹ đạo cuả Trung Quốc.

    Con đường sáng cho đất nước và dân tộc Việt Nam, toàn dân trong ngoài luôn mong muốn trong đợi từng ngày từng giờ, trong khi một số không ít các nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay vẫn cố mãi chai lì, ôm ấp mơ mộng ảo tưởng một láng giềng hữu nghị là Trung Quốc, say sưa với Mười Sáu Chữ Vàng, bày khoe trơ trẽn Bốn Tốt vô cùng lố bịch, tạo ra nhiều cay đắng cho đất nước và dân tộc.

    Con đường thoát ly ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc, gần đồng nghiã với sự Ðảng Cộng Sản Việt Nam cần phải xa lià hẳn chủ thuyết Mác Lê cuồng vọng ảo tưởng, chấm dứt cái gọi là định hướng xã hội theo xã hội chủ nghiã. Tất cả chủ thuyết và lập luận định hướng đó, chỉ là để che đậy cho một thể chế độc tài toàn trị, độc đảng chuyên quyền thống trị, vơ vét cuả cải cho một nhóm người, đặt quyền lợi tư riêng cuả đảng lên trên quyền lợi cuả dân tộc và đất nước.

    Sự độc quyền vơ vét đó, dẫn đến độ chênh lệch giàu nghèo cực kỳ trầm trọng trong xã hội Việt Nam hiện nay, đưa đến tình trạng trai ra đi làm thuê nước ngoài, gái phải lấy chồng tha hương xứ người, mong đổi đời khi phải sống nghèo khổ với nhiều áp bức trên chính quê hương mình. Dân Việt phải chiụ cảnh bị hốt đi bớt ra khỏi đất nước Việt, nhưng lại được đong đầy trở lại bởi những “kẻ lạ“ trám vào, khoát bộ áo bên ngoài vẫn là người Việt Nam, như những cánh chùm gởi được bám chặt vào thân cây, trong khi những cành Nam thực sự luôn phải bị tiả lần rụng mất theo thời gian.

    Sách lược bá quyền mở rộng, khống chế toàn cầu cuả Trung Quốc, luôn lấy Việt Nam làm tiêu chuẩn để ước định thực hiện sách lược mở rộng cuả họ, từ chính trị kinh tế đến văn hoá xã hội, từng bước từng bước như vết dầu loang tiến mãi không ngừng, như tầm ăn dâu ngày đêm gậm nhấm không ngưng nghỉ. Chính vì thế, những người Việt yêu nước thực sự, muốn khởi xướng mạnh mẽ tinh thần dân tộc Rồng Tiên Hồng Lạc, sẽ phải bị triệt tiêu bởi chính kẻ bá quyền bành trướng nầy.

    Tin tặc sẽ là những tên lính xung kích, tiêu diệt từ trong trứng nước những hạt giống dân tộc Việt thực sự, hổ trợ đắc lực cho sách lược đồng hoá nham hiểm đó. Cũng có không ít người Việt Nam, vì danh vì lợi riêng tư, vô tình hay cố ý, đã tiếp tay cho chính bọn tin tặc nầy. Thế nên,đã có không ít các máy bị tin tặc khống chế, xử dụng các máy nầy để tấn công một trang mạng nào đó, vưà gây nghi ngờ lẫn nhau mà cũng vưà dấu mặt dấu tay đê tiện cuả họ.

    Nếu không nhanh chóng tìm lấy con đường thoát ly ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc, dân Việt sẽ luôn bị những trò mưu ma chước quỷ đó cuả Trung Quốc làm cho chia rẽ phân hoá mãi, nghi ngờ và lòng thù hận không dứt, tạo thêm nhiều thuận lợi cho kẻ bá quyền bành trướng, thực hiện hiệu quả chính sách đồng hoá dân Nam. Sự chú ý nhiều hiện nay cuả Hoa Kỳ đối với khu vực Á Châu, đó là cơ hội lớn cho nhà cầm quyền Việt Nam, tạo bước rẽ chuyển hoá đưa đến thể chế mới, để thoát ra khỏi Vòng Kim Cô Cương Toả cuả Ðảng Cộng Sản Trung Quốc.

    Khi mà Ðảng Cộng Sản Việt Nam vẫn còn, điều đó có nghiã giống như một sự thống thuộc vào Ðảng Cộng Sản Trung Quốc như từ trước tới nay. Lảnh thổ phiá Bắc đã bị lấn dần, lảnh hải luôn đặt trong tình trạng bị lấn chiếm liên tục, Hoàng Sa và Trường Sa khó có thể thu hồi lại được như cũ. Trong khi chuyện Bô-Xít Tây Nguyên luôn là nổi lo sợ hàng đầu cuả người Việt yêu nước trong ngoài, chẳng những nó như là trái bom nổ chậm, mà còn đang luôn bị đe doạ bởi toán KỲ BINH trá hình cuả kẻ bá quyền bành trướng. Thông qua những lảnh chuá nội gian, vì lợi lộc mà cam tâm làm thân khuyển mã cho họ.

    Mở rộng không gian Hán hoá là sách lược lâu dài cuả Trung Quốc, Việt Nam đã phải làm thí điểm đầu tiên cuả họ. Một thí điểm rất dể dàng đối với Trung Quốc, khi Việt Nam và Trung Quốc có cùng một thể chế rất giống nhau, cũng như phải luôn luôn nằm dưới sự khống chế khá là dể dàng, bởi tình trạng co cụm lại dần cuả thế giới cộng sản còn lại rất ít ở ngày nay. Hoàng Sa chính là cái chốt không thể thiếu cho sách lược mở rộng cuả Trung Quốc, để từ đó thực hiện cho bằng được Cái Lưỡi Bò Trung Quốc, khống chế hoàn toàn khu vực Biển Ðông Á, tạo một cục diện mới cho Á Châu-Thái Bình Dương.

    Khi Ðông Bắc Á được mở rộng qua sự đòi lại Ðiếu Ngư với Nhật Bản, Cái Lưỡi Bò Trung Quốc liếm lấy được toàn khu vực Biển Ðông Nam Á, thì dù cho Hoa Kỳ có muốn phân chia hay không phân chia, Trung Quốc coi như đã làm chủ phân nưả khu vực Biển Á Châu-Thái Bình Dương. Khu vực mà từ trước đến nay, luôn đặt dưới sự kiểm soát hầu như hoàn toàn cuả Hoa Kỳ, trong khi lực lượng hải quân Trung Quốc hiện nay chưa đủ tầm vóc thực sự đối mặt thẳng với Hoa Kỳ. Những đòn thăm dò lẫn nhau sẽ được diễn ra trong thời gian nầy, nhưng sự đối mặt trong tương lai là điều khó tránh khỏi.

    Việt Nam khó có thể nghiêng hẳn về phiá Trung Quốc hay về phiá Hoa Kỳ với nhiều lý do, những động thái ngoại giao đa cực gần đây cuả nhà cầm quyền Việt Nam, có phần nào rất hợp tình hợp lý trong giai đoạn nầy. Sự mở rộng ngoại giao đa cực, cần phải được hổ trợ tương ứng với một thể chế mới. Một thể chế dân chủ lấy lưỡng đảng làm trụ cột, vưà có sự phản biện để kềm chế nhau về mọi mặt, vưà hài hoà được với nền ngoại giao đa cực trên đường lối mới như hiện nay. Sự đồng thuận với nhiều nước có tính dân chủ toàn cầu, là động lực chính yếu thúc đẩy Việt Nam chuyển hoá nền dân chủ triệt đáo tuyệt hảo hướng về tương lai.

    Lưỡng đảng phải là hai đưá con song sinh cuả mẹ Việt Nam, một dân chủ và một xã hội theo thái cực đồ một âm một dương cuả Trời Ðất, bởi vì hình thể Việt Nam là biểu đồ hình thái cực không khác. Trong âm có dương trong dương cũng có âm, âm dương hoà hoá sinh khắc mà muôn loài vạn loại đâu cũng vẫn vào đấy. Không cần thiết phải gắn râu thêm ria cho nhiều, cũng như tên nước cần phải ngắn gọn, nhưng hoàn toàn đầy đủ ý nghiã cao đẹp trong sáng là VIỆT NAM.

    Xin trân trọng.

  3. Thế giới ngày nay có sự xung đột mạnh giữa các nền văn minh khác nhau

    KHÔNG NGUY HIỂM NÀO ĐÁNG SỢ CHO BẰNG nguy hiểm HỌA NÔ LỆ TƯ TƯỞNG VĂN HÓA !

    Chính vậy Dân tộc NHẬT BẢN đã thóat khỏi cái Văn minh ĐẠI HÁN …qua con đường THẦN ĐẠO sau khi ly khai khỏi quỹ đạo KHỔNG GIÁO đã áp đặt qua bao Thế kỷ Triều Vua trên Đất Nhật ….

    Việt Nam phải luôn chịu nhiều tai ách xâm lược mà căn nguyên phát xuất từ những tham vọng độc tài toàn trị có nguồn gốc di sản từ “chủ nghĩa Thiên triều Đại Hán’’ trên 20 thế kỷ qua, đã ghi đậm rõ nét trong lịch sử từ khi Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc, và kéo dài cho đến các triều đại phong kiến khác về sau.

    Sự chuẩn bị mặt trận quân sự cho quân đội Cộng sản Tàu bằng mọi gía phải tìm cách vượt qua, bỏ hẳn lại phía sau mọi nội loạn đang xảy ra nơi nước Tàu để tiến tới phía trước, đầu tiên phải đánh bại và hủy diệt cho bằng được nước Mỹ thì mọi vấn đề nội loạn cũng như ngoại hoạn sẽ được san bằng.

    Khi làm chúa tể thế giới, quyền thưởng phạt và sinh sát nắm được trong tay thì việc đặt ách cai trị, Hán hóa hay buộc các dân tộc khác trên thế giới cúi đầu khuất phục làm chư hầu là việc không khó như các triều đại phong kiến Trung Hoa trong qúa khứ đã từng làm.

Leave a Reply to Trung hoàng