WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cuộc đột phá có ý nghĩa lịch sử

Vấn đề bôxít đang trở nên vấn đề nóng bỏng nhất trong thời sự nước ta.

Trên mạng toàn cầu Internet, địa chỉ BauxiteVietnam.info đang được bạn đọc trong và ngoài nước chăm chú theo dõi cập nhật, với số lượng đông đảo kỷ lục. Số lượng người vẫy gọi nhau ký tên vào Kiến nghị do 3 trí thức trong nước khởi thảo đã từ 135, lên 1.100, rồi tăng lên 4.100, rồi nhảy lên 27.000, nay đã lên gần trăm ngàn, sẽ còn lên cao nữa! Lòng người chuyển mạnh.

Bản kết luận của Bộ chính trị công bố trên Thông báo số 245 ra ngày 24-4-2009 rõ ràng mang tính chất hai mặt. Một mặt, họ bị động, chống đỡ, xoa dịu, công nhận các nhân sĩ trí thức, các nhà khoa học đã có nhiều ý kiến đúng, họ hoan nghênh và tiếp thu, họ hứa “sẽ điều chỉnh”, “sẽ đánh giá lại” và sẽ quan tâm đặc biệt đến bảo vệ môi trường, họ sẽ không làm theo bất cứ giá nào … Họ cố trấn an xoa dịu công luận xã hội đang thức tỉnh và bắt đầu phẫn nộ. Mặt khác, đây mới là mặt chính, họ tiếp tục lao tới trong hành động thực tế, cứ như bảo nhau là không có gì thay đổi cả, cứ theo kế hoạch đã định mà làm, đúng như nhà sử học – đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc chán nản thốt lên :” đã thành chuyện đã rồi ! “. Tổng bí thư Nông đức Mạnh đã ký cam kết với tổng bí thư Hồ Cẩm Đào tháng 5-2008, Tuyên bố chung ghi trên giấy trắng mực đen cam kết “hợp tác trong dự án bôxít Đak-Nông” làm đầu vị hợp tác, không ghi tên một dự án nào khác; bút sa gà chết, ông Mạnh có dám phủ định điều cam kết Đak-Nông ấy không ?

Trên mặt chính này, bộ chính trị đang tiến hành một cuộc phản kích rất thâm độc, được chỉ đạo chặt chẽ bởi 4 ủy viên bộ chính trị: thủ tướng Dũng, bộ trưởng công an Lê Hồng Anh, trưởng ban tuyên huấn trung ương Tô Huy Rứa, chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng, được tiếp sức bởi bộ trưởng thông tin truyền thông Lê Doãn Hợp, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng, tổng biên tập báo Nhân Dân Đinh Thế Huynh, 4 ủy viên trung ương đảng; 8 nhân vật trên đây, cùng tổng bí thư Nông Đức Mạnh tạo nên “Nhóm trung tâm chỉ đạo 9 người” nhằm ra sức cứu vớt đảng ra khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này.

Hiệu lệnh phản kích là bài viết ký tên Xuân Quang (?) đăng trên báo Nhân Dân ngày 24-4, cùng ngày với bản kết luận của bộ chính trị. Bài báo sặc mùi hăm dọa các nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, kêu gọi mọi người cảnh giác “chống mưu toan chính trị hoá một vấn đề kinh tế “, “chống âm mưu chia rẽ dân tộc”,”chống lại sự xuyên tạc của một số trí thức bị lợi dụng và kích động”…

Bài phản kích thứ hai là Thông cáo của bộ Công thương được bộ trưởng Vũ Huy Hoàng duyệt, trình bày toàn bộ kế hoạch khai thác quặng bôxít, chế tạo alumina, có bài bản, bước đi, có bảo vệ môi trường hoàn hảo (!), có hoàn thổ từng diện tích, chè cà phê khôi phục sẽ có năng xuất cao hơn trước (!), tóm lại đây là việc khai thác tiềm năng lớn của đất nước, vì sự phồn vinh của nhân dân, không có điều gì phải lo ngại; thông cáo chụp cho các nhà khoa học phản biện là không hiểu gì về tình hình thực tế, nghe theo những lời bịa đặt của kẻ xấu, dùng những luận điệu hằn học để kích động trong kiến nghị, dùng những tiểu khí của kẻ thù địch chế độ. Thông cáo còn kêu gọi bộ thông tin truyền thông huy động lực lượng báo chí mở cuộc đấu tranh chống lại “thế lực đen tối” nói trên.

Những kẻ bộ hạ của chính quyền độc đảng liền vào cuộc “bề hội đồng”, như vẫn thấy xưa nay, kể từ khi chống các văn nghệ sĩ khẳng khái trong vụ “Nhân văn Giai phẩm”, chỉ khác là số những kẻ ấy nay quá thưa thớt, một chỉ dấu của thời thế.

Trên mạng Tuần Việt Nam, một Phạm Gia Minh nào đó cùng một Thái Nam (?), lắp lại luận điệu của Xuân Quang, lên giọng dạy đời, đề cao Kết luận của bộ chính trị độc quyền, xỉ vả các nhà khoa học đã “bịa đặt” và “kích động”, phán rằng phản biện xã hội một cách khoa học không được lồng tham vọng cá nhân (!).

Một số cán bộ tuy có chút ít tự trọng và ít nhiều tư duy độc lập, nhưng do bản chất công chức của đảng còn nặng, từng tỏ ra ủng hộ Kiến nghị ngày 12 tháng 4, sau khi có Kết luận của Bộ chính trị ngày 24-4, liền xoay sang ngợi ca “các Cụ”, tự tát vào má mình, rằng lãnh đạo đã biết lắng nghe (!), đã biết tiếp thu ý kiến xây dựng (!), đã điều chỉnh kế hoạch (!). Đó là giảng viên Hà Văn Thịnh và “nhà khoa học” Nguyễn Ngọc Trân, từ Pháp về, từng được ngồi trong Quốc hội. Họ sớm được các bloggers trong nước gọi là những chú “kỳ nhông” đổi màu theo môi trường, những kẻ cơ hội đáng thương, từ màu xanh Tây nguyên chuyển sang màu đỏ bôxít.

Hai trận tuyến rõ rệt đã hình thành. Cuộc đấu tranh đang giữa thời kỳ quyết liệt.

Thời điểm quan trọng sắp tới là cuộc họp Quốc hội từ 20 tháng 5 đến giữa tháng 6, sau đó là vào dịp họp ban chấp hành trung ương đảng CS vào cuối năm.
Tuy quốc hội là do đảng CS tuyển chọn và áp đặt, nhưng sức ép công luận xã hội đang đòi hỏi các đại biểu quốc hội phải tự nhận rõ mình là “cơ quan quyền lực cao nhất ” như ghi trong Hiến pháp, và phải có thái độ minh bạch, tự chủ của mình, tán thành hay phản biện, và trong bỏ phiếu về vấn đề hệ trọng của quốc gia.

Xem ra thế lực đòi ngừng ngay việc khai thác bôxít ở Tây nguyên, hoặc chỉ nên khai thác thí nghiệm ở quy mô nhỏ để rút kinh nghiệm dần, không thể làm như hiện nay, đang được đông đảo nhân dân tán thành.

Nhóm đề xướng Kiến nghị và Thư ngỏ gửi Quốc hội đã thuyết phục, thu hút được nhiều trí thức dân tộc có trí tuệ, học vấn và lòng yêu nước cao bậc nhất ở nước ta và ở nước ngoài; có thể nói là chất “kem”, chất “bơ” cực kỳ quý hiếm của Tổ quốc, đã kéo nhau vào cuộc, dấn thân cho nhân dân và quê hương.

Trong nhóm dẫn đầu gồm chừng 100 vị của hơn 100 ngàn chiến sĩ dấn thân này, có những trí thức được đào tạo từ trong nước, từ Tây Âu, từ Liên Xô và Đông Âu, từ Trung Quốc, Nhật Bản, từ Hoa Kỳ, Canada, nghĩa là hội tụ từ nhiều nguồn, đều đồng tâm nhất trí kiến nghị, can ngăn, khuyên giải bộ chính trị hãy thức tỉnh, hãy lắng nghe đầy đủ, hãy mười phần thận trọng, hãy cân nhắc thiệt hơn, hãy tính toán lợi hại cho kỹ lưỡng, vì vận mệnh dân tộc, vì ấm no hạnh phúc hay tai hoạ cho nhân dân thân yêu. Nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ có tâm huyết đã ký tên vào Kiến Nghị.

Trong thời gian tới, mong rằng các nhà khoa học đầu ngành về khai khoáng, công nghệ, môi trường, kinh tế, tài chính,an ninh, văn hoá, lao động chung sức xuất bản một tập sách nhỏ làm Cẩm Nang cho ai muốn hiểu rõ vấn đề khai thác bôxít ở nước ta và trên thế giới, gửi tới tận tay mỗi đại biểu quốc hội, và tán phát cho toàn dân.

Những ưu tư còn tồn tại trong xã hội cần giải quyết là:

- thực hiện như hiện nay thì về kinh tế-tài chính sẽ lỗ hay lãi? lỗ và lãi ước tính bao nhiêu? Có đáng để đầu tư bước đầu 680 triệu hay 800 triệu đôla không?

- nguồn điện và nguồn nước ra sao? có vững chắc, có bảo đảm không ?

- thảm hoạ môi trường thực sự là ra sao? khả năng ta khắc phục được đến đâu? có thể làm từng diện tích hẹp theo kiểu cuốn chiếu được không?

- về sử dụng lao động phổ thông nước ngoài thực sự ra sao? Họ đã có mặt bao nhiêu ở Lâm Đồng, ở Đak-Nông? họ có giấy tờ hợp pháp không ? Có thật đã ưu tiên cho người Việt nam không ? Có thật chỉ dùng công nhân chuyên ngiệp nước ngoài mà nước ta chưa đào tạo được hay không ?

- chính quyền đã ký kết với chính quyền và các công ty nước ngoài những gì rồi, đã cho các công ty nước ngoài đấu thầu ra sao? Có thật công ty Chalco có phương tiện kỹ thuật tiên tiến nhất ? Phía ta đã giữ vững chủ quyền ra sao? Tại sao họ trương bảng toàn chữ Hán và chữ Anh, không có chữ Việt. Có thật đã có những vụ đòi lấy vợ Việt và chửa hoang ở nơi có công nhân Trung Quốc ?

- tác động về mặt an ninh và văn hoá thật sự ra sao? về an ninh, chỉ cần in lại thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp, của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, phát biểu của thiếu tướng Công an Lê Văn Cương, thư của trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Về văn hoá chỉ cần in bài của nhà văn Nguyên Ngọc về Văn hoá – Rừng của Tây nguyên.

- rất nên sưu tầm gấp những bài viết của các chuyên gia môi trường quốc tế (Liên Xô cũ, Canada, Mỹ, Úc, Pháp, Đức …) về những hiểm hoạ của việc khai thác bôxít trên thế giới. Các trí thức Việt nam ở nước ngoài có thể giúp cho việc này.

- cũng nên đòi hỏi quốc hội cử đoàn đi Tây Nguyên xem xét tại chỗ, vì các báo cáo đều khác rất xa phóng sự của nhiều phóng viên xông xáo.

Vì tự tin ở kiến thức của mình, vì tự tin vững ở lòng dạ trong sáng của mình, nên nhóm dẫn đầu Kiến nghị và Thư ngỏ rất bình tĩnh tiến hành cuộc đấu tranh bằng lý lẽ, bằng lập luận, qua dẫn chứng thực tế đầy sức thuyết phục, tránh đao to búa lớn, tránh nổi nóng để chụp mũ bừa bãi như bộ hạ của nhóm cầm quyền trên cao.
Đây là cuộc đấu tranh ôn hoà không bạo lực, nhưng quyết liệt, rất quyết liệt, đòi hỏi một phẩm chất cao nhất của con người: trọng lẽ phải, trọng sự thật, trọng cuộc sống có nhân phẩm trên hành tinh, còn đòi hỏi phẩm chất cao nhất của con người Việt Nam hiện tại: yêu nước mình, thương thật lòng dân mình, xót xa thật lòng vì đất nước lạc hậu trong chiến tranh huynh đệ tương tàn, chưa có tự do, hạnh phúc .

Cuộc đấu tranh chống hiểm hoạ bôxít cũng là cuộc đấu tranh chống cuộc “Bắc thuộc mới ” (kể từ cuối năm 1991) sau cuộc họp Việt – Trung ở Thành Đô.

Đây là cuộc tấn công ôn hoà, bằng lý lẽ, lập luận, nhưng quyết liệt, rất quyết liệt để từ bỏ một kiểu cai trị lạc hậu, cổ lỗ kiểu phong kiến, một “triều đình cộng sản” độc đoán ở thời kỳ tan rã, không còn có khả năng lắng nghe, ngày càng tham nhũng và mù quáng, đang tự làm mất tính chính đáng (legitimacy- légitimité) trước con mắt tinh tường của nhân dân trong thời đại thông tin nhanh nhậy.

Mọi người mang dòng máu Việt Nam thuộc mọi lứa tuổi, làm bất cứ ngành nghề gì, ở bất cứ đâu, xin hãy nhận ra thời cuộc, nhận rõ thời cơ hiếm có, tham gia cuộc đấu tranh mang tính đột phá lịch sử này, bằng sáng kiến và phương cách của chính mình, để góp gió thành bão, giải thoát đất nước ta khỏi một chế độ lỗi thời, đã thuộc hẳn về quá khứ, một chế độ độc đoán vụ lợi riêng, chỉ mang lại hổ thẹn, nghèo khổ và tủi nhục cho dân tộc, cho nhân dân Việt nam ta.

Ra khỏi cuộc đấu tranh lịch sử này, chế độ độc đoán sẽ không còn như trước nữa.

Bùi Tín
Paris 6-5-2009

Phản hồi