WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đọc Naomi Klein, “Đốc lý Sốc, sự thăng tiến của chủ nghĩa Tư bản Tai họa”

Naomi Klein. Ảnh: kvrx.org

Tác giả: Đỗ Kh. và Phạm Tùng Cương

PHẦN I

Naomi Klein là nhà báo quốc tế người Canada, cộng tác với các tờ The Nation và The Guardian. Cuốn sách đầu tiên của bà, “No Logo” (Picador, 2000), đã được dịch ra 28 thứ tiếng và cùng với “Fences and Windows: Dispatches from the Front Lines of the Globalization Debate” (Picador, 2002) được giới chống toàn cầu hóa rỉ tai nhau làm sách gối đầu giường. “The Shock Doctrine, the Rise of Disaster Capitalism” do Metropolitan Books, Henry Holt and Company tại New York xuất bản tháng 11, 2007.

ĐK:

Tôi xin bắt đầu bằng một câu chuyện tác giả kể lại trong Chương 9.

Vào cuối năm 1988 hay đầu năm 1989, một nhân vật nổi tiếng có gửi một lá thư cho tổng biên tập của một tờ báo sinh viên ở Mỹ. Ông vừa thăm Trung quốc trong 12 ngày với tư cách “chủ yếu là khách mời của các cơ quan nhà nước”. Ông được long trọng đón tiếp và hội đàm với tổng bí thư Đảng Triệu Tử Dương cũng như bí thư thành ủy Thượng Hải Giang Trạch Dân. Trong lá thư gửi báo sinh viên nọ, nhân vật trên thích thú mà hỏi nhạo “Thế thì tôi có phải chờ đợi là sẽ bị phản đối ồ ạt vì đã sẵn lòng tư vấn cho một chính phủ xấu xa như vậy?”

Hơn một thập niên về trước, chính nhà kinh tế này đã từng bị phê phán dữ dội vì làm thầy dùi cho chế độ độc tài của tướng Pinochet tại Chile. Giờ ông có thể thú vị mà nhấn mạnh “ Nhân thể xin cho biết là đối với lẫn cả Trung quốc và Chile, tôi đều có một lời khuyên y hệt”. Như vào thời sinh viên của anh và tôi tại Paris, trên đường phố cay mùi lựu đạn, ta có thể hô to khẩu hiệu “Chi-ne/Chi-li/Même combat!” (Trung quốc-Chile/Cùng chung chiến tuyến).

Chắc Milton Friedman vẫn còn đang cười mấy tháng sau, vào ngày 3.6.1989, khi chiến xa quân đội lăn xích vào quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh.

Nguồn: naomiklein.org

Đây không phải là lần đầu ông sang Trung quốc. Vào năm 1980, chính quyền Đặng Tiểu Bình đã mời ông sang để cho quan chức lãnh đạo quốc gia này “một bài học” về những điều căn bản của thị trường tự do (free-market). Tự do, như Naomi Klein nhận xét, đối với Milton Friedman là tự do kinh doanh và tự do thị trường chứ chẳng phải đi đôi hay xa gần gì với tự do chính trị hay là dân chủ. Đây là điều nghe rất bùi tai các nhà lãnh đạo Trung quốc. Hương  Cảng chẳng hạn, dù giới hạn dân chủ và không có tự do chính trị, vẫn được Friedman đề cao chín tầng và “ước gì Hoa Kỳ được tự do bằng”! Hoa Kỳ, nói sao thì nói, vẫn chưa được tự do đẩy tăng vào thành phố như Trung quốc (hay là Chile).

Thiên An Môn, được đề cập trong chương 9 của cuốn sách, đòi dân chủ nhưng không phải là để phản đối Cách mạng Văn hóa, Cải cách ruộng đất hay Bước tiến nhảy vọt. Dân chủ ở đây là để có tiếng nói của quần chúng trong đổi mới kinh tế,  để phản đối những hậu quả của tự do thị trường được áp dụng tại Trung quốc từ đầu thập niên 80 như lương bổng tự do giảm sút, vật giá tự do gia tăng, tự do sa thải và tự do thất nghiệp. Tác giả dẫn Uông Huy (thuộc nhóm sinh viên chống đối)[1], “Những thay đổi này là xúc tác của sự động viên xã hội năm 1989”. Trước tình thế này, nhà cầm quyền đã lựa chọn đàn áp, gây một cú sốc với lại quần chúng để tiếp tục cải cách kinh tế mạnh mẽ và thẳng tay hơn như họ Đặng phát biểu chỉ có năm ngày sau sự cố : “Nói ngắn gọn, đây là một thử thách, và chúng ta đã thành công… Chúng ta không sai lầm. Không có gì sai lầm với bốn nguyên tắc chủ yếu (cải cách kinh tế) cả.”

Chủ ‎ý gây ra sốc (chính trị, quân sự…) hay lợi dụng cơ hội sốc (thiên tai) để sau đó rảnh rang tiến hành việc áp đặt tự do thị trường là đề tài chính của cuốn sách.

PTC:

Thật không hiểu vì sao Thiên An Môn vẫn được coi như là một phong trào sinh viên là chính, trong khi tham gia vào phong trào có một số lớn lao động (chắc là vì khó giải thích tại sao một chế độ tự phong là vô sản chuyên chính lại có lao động xuống đường phản đối chẳng khác gì như là trong một chế đọ dân chủ đại nghị tầm thường ?) Những người lao động này một phần xuống đường là để phản đối  các biện pháp  tự do lương bổng và tự do giá cả và hố sâu giàu nghèo xuất hiện từ khi nhà nước Trùg quốc áp dụng dè dặt một số lời khuyên của Milton Friedman.

Naomi Klein cho biết (trong một chương trình truyền hình) là bà nảy ra ý định viết quyển sách này trong một dịp đi thăm Iraq. Bà đã phát hiện ra trong khi điều nghiên tại chỗ là nước này gặp phải ba lần sốc :

Sốc thứ nhất là sự xâm lăng của Hoa Kỳ với  chiến dịch quân sự lừng danh ‘Shock and Awe’, được cả thế giới theo dõi trực tiếp trên truyền hình.

Sốc thứ nhì là cú sốc kinh tế với những quyết định tức thời của Chính quyền Lâm thời (Coalition Provisional Authority, CPA), ngay sau khi khi chiếm đóng (các nghị quyết ban hành bởi  Paul Bremer ngày 19.9.2003): tư hữu ồ ạt các công ty quốc doanh, quyền sở hữu  toàn diện của các tập đoàn nước ngoài khi thành lập công ty tại Iraq, quyền mang ra khỏi nước tất cả các lợi nhuận, quyền đầu tư vào lãnh vực ngân hàng tại Iraq, tự do kinh doanh hoàn toàn, đánh thuế theo một tỷ số duy nhất…

Sau cùng là cú sốc dùng tra tấn để gây ra khi gặp sự kháng cự của người Iraq.

Từ đó bà đào sâu thêm khái niệm về sốc và điều nghiên các tài liệu đã được giải mật của CIA về tra tấn.

Trong các kỹ thuật điều trị mới nhờ các  tiến bộ về y học và tâm lý học trong thập niên 40 là «sốc điện». Khi nghiên cứu các kỹ thuật thẩm vấn mới  và tìm hiểu kỹ thuật tảy não được cộng sản dùng, CIA đã tài trợ công trình về «sốc điện» của một ê kíp Canada tại Đại học McGill do GS Ewen Cameron điều khiển. GS Cameron từng là một trong các chuyên gia trong vụ xử án Rudolf Hess và ông đã bắt đầu nhiều thí nghiệm về sốc điện để biến đổi cá tính của con người, nhắm về việc xóa bỏ tất cả ký ức, các phản ứng tự vệ tự nhiên hầu biến họ thành như một tờ giấy trắng mới. Đây tương tự với các kỹ thuật thẩm vấn và tra tấn trong các cẩm nang của CIA. Đó là những kỹ thuật kiểm soát cá tính con người để điều khiển họ trong những trường hợp thích ứng.

Dùng sốc để tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn để dễ chấp nhận hay bớt phê bình ở một con người được đưa lên ở mức tập thể của một quốc gia. Tác giả Naomi Klein phát hiện ra rằng các cải cách kinh tế Tân-liberal của trường phái Chicago và ‘Washington Consensus’ cũng dựa trên việc dùng sốc để tiến hành công cuộc thay đổi xã hội và kinh tế một cách hiệu quả. Bà dẫn chứng Milton Friedman, người sáng lập và giáo chủ của trường phái Chicago « Chỉ có một cuộc khủng hoảng- có thật hay là cảm nhận- mới tạo ra được sự thay đổi thật sự. Khi khủng hoảng này diễn ra, các hành động được quyết định tùy thuộc vào các ý niệm sẵn có. Theo tôi đó là chức năng cơ bản của chúng ta : phát triển những giải pháp mới đối với những chính sách hiện hành, giữ những ý niệm đổi mới này ở đó và sẵn sàng cho đến khi cái không thể thực hiện về mặt chính trị trở thành cái không thể tránh được » (trong ‘Tư bản và Tự do’).

Dùng cách đọc này, Naomi Klein phân tích một số sự biến trên thế giới có vẻ tương tự với cách điều trị bằng sốc này và gọi đó là ‘Tư bản Tai họa’: từ Chili đến Iraq, từ Solidarnosc đến Thiên An Môn, từ tân cộng hòa Nga đến Nam Phi, từ Tsunami 2004 đến bão Katrina.

ĐK :

Tôi biết đến Naomi Klein đầu tiên qua những bài tường thuật về Iraq của bà trên tạp chí Harper’s, khi toàn quyền Bremer còn hăng hái mang đôi giày nhãn Timberland do người con của ông tặng để « bố sang bên đó mà đá đít (kick ass)». Tôi tiếc là cuốn sách chúng ta đang đọc này tuy đầy đủ nhưng bỏ qua trường hợp của Miến Điện mà tác giả không có dịp điều nghiên.

Miến Điện, tôi chỉ biết những bài hát về kháng chiến Karen của Tài Lực (La Souris Déglinguée)

Moitié en sarong, moitié en treillis
Là bas au Sud-Est de l’Asie
Oui même les filles les plus jolies
Elles savent se servir d’un fusil

(Tambour et Soleil)

Nửa trên áo trận và nửa dưới sarong
Ở đó vùng Đông Nam châu Á
Ngay cả những cô gái xinh xinh lạ
Cũng biết dùng súng trường xung phong

Cuộc xuống đường vừa rồi của sư  sãi được phát động bởi phản đối của quần chúng khi tập đoàn quân phiệt ngưng trợ cấp giá xăng dầu khiến giá này tăng lên gấp ba. A, thì đó là quy luật của thị trường, của free-market mà chính quyền đã bắt đầu áp dụng từ đầu thập niên 90. Như trong một bài tường thuật trên tờ National Review (bảo thủ- tân bảo thủ) nhận xét đã hơn 10 năm về trước [2]:

Đây là một tình huống chính trị làm cho thành phần “Người tốt, việc tốt” Tây phương- nhất là Mỹ- vừa phẫn nộ lại vừa làm họ bối rối: chính quyền vẫn y nguyên, các đạo luật đàn áp vẫn y nguyên, vị chiến sĩ tự do vẫn ngồi tù, nhưng tất cả đều đã thay đổi. (Chính quyền) SLORC đã ngưng cấm tư hữu tài sản, tư hữu doanh nghiệp, ngưng cấm tự do di chuyển, tự do kiếm lời. Trên nhiều phương diện, họ đã khôn ngoan phá tuyến của các nhà phê phán: có ai cần dân chủ khi ta có tự do thị trường? Thật ra, có phải là dân chủ- nhất là dân chủ như bà Aung San Suu Kyi mong đợi: ồn ào và hỗn loạn- lại là đối chọi với việc sinh lợi một cách bảo đảm?

Đoạn này tôi chắc người đọc Việt nghe quen quen như đã từng gặp ở đâu. Tôi xin lỗi đã nói đến một hoàn cảnh không được tác giả đề cập đến, tuy hẳn cũng trong phạm vi của đề tài cuốn sách. Bên ngoài trường hợp của Trung quốc, dĩ nhiên là rất gần với ta vì chẳng phải Việt Nam-Trung Hoa chỉ có cùng chung quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà thôi, bên ngoài láng giềng này, các kinh nghiệm được Naomi Klein nghiên cứu như công đoàn Solidarnosc và Ba Lan, nước Nga  trong thời kỳ hậu Cộng sản đối với chúng ta cũng không kém gần gũi.

PTC:

Điệu đã quen tai này và được tờ National Review trên đây miêu tả một đặc tính là chủ nghĩa Tân-liberal mà chính Milton Friedman là một trong những người khai sáng và một trong những người bảo vệ tiếng tăm nhất. chủ nghĩa Tân-liberal nói tóm lại là một chủ thuyết kinh tế (bạo miệng thì có thể gọi là một tôn giáo chăng), trước hết tin rằng tính tối cao của tự do kinh tế thị trường là bất khả xâm, và sau đó là một số thực hành về mặt chính sách kinh tế dựa trên sư tôn trọng tự do doanh nghiệp và sự vận hành không cản trở của thị trường. Phúc lợi chỉ có thể đến khi việc nới rộng các tự do cá nhân cho phép kinh doanh trong một môi trường thị trường tự do dựa trên sự tôn trọng tư hữu hòan tòan, và các họat động kinh tế thóat khỏi mọi ràng buộc của nhà nước, vì vai trò này chỉ có thể gây ra bất ổn cho các thị trường.

Xuyên suốt quyển sách,  Naomi Klein cho ta thấy lô-gích của sự đăng quang của chủ nghĩa Tân liberal tại nhiều nước khác nhau, lúc nào cũng vẫn một túi công thức đó : tư hữu hóa, vô quy định hóa (deregulation/dereglementation) và cắt giảm các chi phí xã hội.

Ta thấy rõ là trên thực chất, chủ nghĩa Tân-liberal có thể vận hành đễ dàng dưới nhiều chế độ chính trị khác nhau như là Myanmar hay Trung quốc, Việt Nam hay là dưới Hoa Kỳ của Reagan, Anh quốc của Thatcher.  Đó là lý do tại sao Milton Friedman lại có thể ra tay tại Chili của tướng Pinochet, tại Trung quốc của Đặng Tiểu Bình cũng như tại Anh, tại Mỹ.

Theo Paul Krugman nhận xét, Milton Friedman có ba bộ mặt khác nhau[3]:

Nhà kinh tế lớn, giải Nobel 1976 của những công trình kỹ thuật về thái độ của người tiêu dùng,  về lịch sử tiền tệ và thuyết tiền tệ, về lạm phát và sự phức tạp của các chính sách ổn định.

Nhà cố vấn về chính sách kinh tế của các lãnh đạo, kẻ không đội trời chung với chủ nghĩa Keynes người ủng hộ đến cùng chủ nghĩa tiền tệ,

Kẻ phổ biến không ngừng và nhà tư tưởng của thực hành Tân-liberal chủ nghĩa.

Quyển sách này của Naomi Klein đề cập đến Milton Friedman, nhà tư tưởng và nhà cố vấn là chính.

ĐK:

«Học thuyết của Milton Friedman mang lại cho ông giải Nobel; những học thuyết này mang lại cho Chile tướng Pinochet» là câu của nhà văn Eduardo Galeano được bà Klein trích dẫn ở đầu phần 2 của quyển sách. Nói thêm, thuyết kinh tế “khoa học” thì vẫn cần có phần tư tưởng cặp kè, ở đây là do Friedrich von Hayek cung cấp. Ông này cũng đang rất “hot”, tiếc là ông không có sang Trung quốc để mà khen “Hảo! Hảo!” lúc sinh thời. Tuy nhiên Hayek có thân hành sang Chile nhiều bận để hạch sát « lò thí nghiệm tự do” này chứ không phải ông chỉ uống trà với lại “Phu nhân Thép” ở bên Anh.

Naomi Klein cho thấy ở đây tự do thị trường không phải chỉ  là một ý thức hệ mang tính chất bạo lực bẩm sinh, “Để giá cả được tự do, phải bỏ con người vào tù” (Galeano). Về mặt kinh tế, cũng phải có những hệ quả chứ, và một năm sau khi chính sách này được áp dụng tại Chile, kinh tế thụt  mất 15% và nạn thất nghiệp từ 3% dưới thời Allende đạt đến mức 20%. Theo nhà kinh tế André Gunder Frank, một cựu Chicago boy người Chile phản tỉnh, dưới Pinochet một gia đình ở mức “lương đủ sống” phải tốn 74% vào việc mua có bánh mì. Trước đó, một gia đình công chức tốn 17% thu nhập vào việc mua bánh mì, sữa và chuyên chở bằng xe buýt. Cho nên thay đổi này, muốn được quần chúng chấp nhận, mới phải dùng đến trại giam và dùi cui.

Chile 30 năm về trước có thể đối với chúng ta xa vời. Nhưng không hẳn là vậy, Naomi Klein có kể lại một giai thoại mà tôi thấy thú vị đặc biệt. Tại một cuộc họp quốc tế, Chủ tịch Ba Lan là Lech Walesa đến níu áo tổng thống Bolivia Gonzalo Sanchez de Lozada (Goni): “ Trước giờ tôi vẫn muốn gặp một người Bolivia, nhất là một người Bolivia làm tổng thống, tại vì trong lúc bắt chúng tôi uống thuốc rất là đắng, họ luôn nói rằng các anh phải nuốt vì đây là việc người Bolivia đã từng làm. Giờ thì biết ông rồi, tôi thấy ông cũng chẳng phải là người xấu đâu, nhưng tôi thật tình từng thù hận các ông hết sức.”

Walesa như vậy là thù hận nhầm đối tượng. Kinh tế gia Jeffrey Sachs của trường Harvard, từng tung hoành tại Bolivia lại là người sang Ba Lan nhồi cũng những  biện pháp này vào họng nhóm lãnh đạo Solidarnósc, khiến có người phải thốt “ Tôi muốn được thấy Bolivia. Tôi chắc là Bolivia rất hương xa, rất đẹp. Tôi chỉ không muốn thấy Bolivia ở đây”.

Tôi có dịp sang Ba Lan trong thời gian mới thay đổi. Lúc đó nước này đang lạm phát kinh hoàng, các đồng hồ xe taxi phải nhân lên có cái thì 500, có cái thì 1.000 lần để tính tiền. Tôi ngụ tại Europeiski ngay trung tâm và vào lúc đó khách sạn này vẫn còn mang hơi hướm của các bí thư huyện ủy lên thủ đô đi họp. Trong quán nước Curzio Malaparte từng ngồi với công chúa nước Đức thì giờ chỉ có con buôn đường dài (salesman) Belarus uống rượu với các cô gái bán phấn quá thì và uể oải (các cô người mẫu chân dài thì không có đây mà, noblesse oblige, ở trong lobby của khách sạn Bristol vừa mới được công ty nước ngoài mua lại và tân trang). Sáng ra, tôi mắt nhắm mắt mở, thấy bên ngoài có tụ tập.  Tôi chen ra cửa, vừa chui qua khỏi hai anh cảnh sát thì suýt nữa đâm sầm vào một người xem mặt rất quen. Đó là ông Walesa, đang lễ mễ bưng một vòng hoa đến tượng đài chiến sĩ vô danh (hôm đó là một ngày 11.11). Tôi dừng lại kịp, cách ông chỉ có hai ba mét, làm ông giật mình, có lẽ tưởng tôi là đại diện của World Bank xông ra đòi nợ! Và tuy chưa tỉnh hẳn nhưng tôi cũng kịp nhận xét là chắc bởi vì thất hứa với công nhân Solidarnósc cho nên râu Walesa không còn vểnh như lúc ông ở xưởng đóng tàu đấu tranh chống chế độ.

Ba Lan đã phải uống thuốc độc Bolivia, cũng như nước Nga đã phải chọn giải pháp Pinochet thì trong thế giới ngày nay chẳng có nơi đâu là xa Việt Nam cho lắm. Mà “họ” được ông Walesa nói đến là ai vậy, đi khắp năm châu bắt chính quyền này phải thế kia và chính quyền kia phải thế nọ? Chính sách kinh tế quốc gia chẳng phải là do các chính quyền chọn lựa hay sao? Phó thủ tướng Thái Lan, ông Supachai Panitchpakdi, sau cơn khủng hoảng Đông Á nhỏ nhẹ mà than thở “Chúng ta đã mất đi tự trị, mất khả năng tự quyết định lấy chính sách kinh tế vĩ mô. Thật là không may” (nhờ nhỏ nhẹ này, sau ông “may” được làm chủ tịch WTO). Các chính quyền tại các nước dân chủ lại chẳng là do dân bầu lên hay sao, không nghe dân thì thôi chứ việc gì là phải nghe “họ”? Cũng sau cơn khủng hoảng Đông Á, cả bốn ứng cử viên tổng thống Nam Hàn đều phải ký vào cam kết các đòi hỏi của IMF rồi sau đó cử tri quốc gia có muốn chọn ai thì chọn!

PTC:

Vào thời Nam Hàn áp dụng các biện pháp của IMF, người lao động thường hay biểu tình.  Tôi còn nhớ một bức ảnh chụp vào một trong những dịp trên, một người đàn ông trương : «I’M F-ired» (Tôi bị đuổi việc).

Trường hợp Jeffrey Sachs khá đặc biệt. Ông không thuộc trường Chicago, như anh đã nói, và coi sự dấn thân về chính trị của Keynes như là một tấm gương cho chính mình.  Tuy vậy, ông ta là sản phẩm của thời đại của ông, tức là nước Mỹ của Reagan. Ông mới 30 tuổi khi được ê-kíp của ứng cử viên tổng thống (và trước đó nhà độc tài)  Banzer tuyển dụng để chống lạm phát tại Bolivia thể như là Banzer thế nào cũng thắng.  Sau khi hành nghề chuyên gia về dùng sốc để chữa trị tại Bolivia, ông lại dở võ tại Ba Lan và Nga cũng với bằng ấy thuật, bằng ấy kết quả và bằng ấy nạn nhân. Một số quốc gia đã phải trả giá cao để mà biết «Kẻ tư vấn không phải là người bỏ tiền túi».  Những năm sau này, Jeffrey Sachs có vẻ hiền hơn với chức vụ GS tại ĐH Columbia và giám đốc của chương trình LHQ chống nghèo đói và bệnh tật Millenium Project (chắc là để gần với lương tâm hơn là gần với giải Nobel). Nhưng tôi không rõ là ông có dự án nào chống nghèo đói ở Bolivia, Ba Lan hay là Nga trong khuôn khổ của chương trình trên!

Trong suốt quyển sách của Naomi Klein, ta thấy điiều trị bằng sốc chỉ có thể áp dụng sau một chấn thương của ít nhất là một phần nào đó của xã hội. Trường hợp ngoại lệ là nước Mỹ dưới thời   Reagan, được  Milton Friedman cố vấn. Có thể xem ông chăng là một trong những người mang trách nhiệm trong  khủng hoảng ‘Savings and Loan’ (ngân hàng tín dụng), làm tốn phí  150 tỉ USD (trong đó 125 tỉ được nhà nước tài trợ và đền bù với tiền của các công dân đóng thuế), một ví dụ điển hình về gương xấu, khích lệ sự đồi bại ở nơi một số phần tử kinh tế?

Nói qua, đối với Nixon thì lại khác. Friedman coi ông này là người ‘xã hội chủ nghĩa nhất trong các tổng thống’ ! Có lẽ chính để khỏi bị Friedman quấy rầy mà Nixon đã thưởng cho ông ta miếng xương Chili để mà gặm.

Ngay Anh quốc của bà Thatcher và chính bản thân bà đã phải cần đến một cuộc khủng hoảng bạo lực để áp đặt được liều thuốc Tân-liberal. Vào năm 1982, tức là một năm trước thời hạn bầu cử mới, tỷ số được lòng dân của bà là  25% (so với con số này thì ngay cả GW Bush vẫn là người được ưa chuộng). Năm 1983, sau trận chiến Falklands, bà thắng cử với 59% ủng hộ, và nhờ thế mà bà mới bẻ gãy được các nghiệp đoàn và áp dụng được các biện pháp đã nói đến.

Tuy nhiên, các trường hợp  Reagan và Thatcher là những trường hợp cá biệt, các thay đổi dưới thời của các lãnh đạo này xảy ra trong khuôn khổ các thể chế của dân chủ nghị đại nghị hiện hành, mặc dù bạo lực kinh tế, bạo lực xã hội và bạo lực tư tưởng đều có hiện diện.

Như vậy, điều trị bằng sốc của liberal chủ nghĩa thường thấy cần : khủng hoảng/bạo lực/ sốc – vô quy định hóa- tư hữu hóa- cắt giảm nghiêm trọng các chi phí xã hội để có khi đi đến suy đồi đạo đức với bất công tăng trưởng và giảm bớt vai trò của các nghiệp đoàn. Ở đây, nếu một bên đau đớn và bị thiệt hại một cách sỗ sàng, thì bên kia cũng có một thiểu số thu lợi một cách sỗ sàng không kém. Khủng hoảng 1997 ở châu Á minh họa rõ ràng điều này, nếu có thể làm một bảng tổng kết về khu vực hiện nay nghĩa là mười năm sau khủng hoảng này thì cũng hay. Thí dụ, vào năm 1997, 2,7% tài sản trong lãnh vực ngân hàng của Nam Hàn do nước ngoài nắm giữ. Sau liều thuốc  của IMF, ngày hôm nay, con số này trên 10%.

Pages: 1 2

1 Phản hồi cho “Đọc Naomi Klein, “Đốc lý Sốc, sự thăng tiến của chủ nghĩa Tư bản Tai họa””

  1. Ngô Vĩnh Tường says:

    Ông ĐK đã viết trong bài (trích): “…Bên ngoài trường hợp của Trung quốc, dĩ nhiên là rất gần với ta vì chẳng phải Việt Nam-Trung Hoa chỉ có cùng chung quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà thôi, bên ngoài láng giềng này, các kinh nghiệm được Naomi Klein nghiên cứu như công đoàn Solidarnosc và Ba Lan, nước Nga trong thời kỳ hậu Cộng sản đối với chúng ta cũng không kém gần gũi.” Bằng đoạn viết này, ông ĐK công nhận rằng Trung Quốc cũng có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa hay sao? Ông viết đoạn này do vô tình hay cố ý đây?

Phản hồi