Đọc Naomi Klein, “Đốc lý Sốc, sự thăng tiến của chủ nghĩa Tư bản Tai họa”
PHẦN II
ĐK :
Chuyện « tổng thống Xã hội Chủ nghĩa Nixon » cho thấy thế giới đã thay đổi đến mức nào trong 30-40 năm qua như Paul Krugman đã nhận định trong «The Conscience of a Liberal».
Tôi nhớ đến chuyện một người Nam Hàn tự sát để phản đối cuộc đàm phán thương mại tại Cancun (2003). Đây là một thông tin rất đỗi ngạc nhiên. Đàm phán ở Mexico mà tại sao ông nông dân Nam Hàn này phải tự sát ? Đây là một quyết định…chết người chứ nào phải chuyện chơi. Người Nam Hàn này có phải cùng một quốc gia với lại ông cai cũng Nam Hàn nào đó đánh đập công nhân ở tại Việt Nam ? Hai chuyện này có liên hệ gì đến nhau không ? Việt Nam, Nam Hàn thì dính dáng gì đến hội nghị ở duới những bóng dừa lả lơi bờ biển xa vời Caríb ?
Vào đầu năm 1998, tôi ngồi ở quán Select Latin với một đạo diễn Nam Hàn. Đây là nơi thủa trước chúng ta từng có dịp lê la (cùng thời với các nhà chính trị Iran lưu vong ở Paris, Abolhassan Banisadr và Sadegh Ghobtzadeh nhưng chúng ta nào có biết vào lúc đó). Tôi hỏi anh đạo diễn là cuốn fim mới hoàn tất của anh tốn mất bao nhiêu và anh méo mặt mà cười với vẻ đau khổ hiện rõ « Anh hỏi là tốn kém bao nhiêu trước hay là sau khủng hoảng ? » Tháng 1.1997 thì 1 USD trị giá trên 800 won, đến tháng 12 thì trên 2.000. Nếu tôi biết làm tính nhân chia thì đây là dịp tốt để mua lại các công ty Hàn quốc.
Naomi Klein ở đây có đề cập đến trường hợp cứng đầu cứng cổ đối với IMF của chính quyền Mohammad Mahathir ở Malaysia. Malaysia không những chẳng sụp đổ toàn diện như tiên đoán mà còn là quốc gia đầu tiên ra khỏi khủng hoảng khu vực. Dĩ nhiên, đây là một trong những lý do ông Mahathir được Tây phương trình bày như một dạng dở hơi (kiểu Hugo Chavez ngày nay).
PTC :
Ta còn nhớ ông Mahathir là người duy nhất vào lúc đầu của khủng hoảng lên án đầu cơ quốc tế. Lắm kẻ lúc đó thấy ông đáng cười mặc dù ông đã xác định đúng một trong những nguyên tố của cuộc khủng hoảng. Thực tế là Malaysia đã đi một đường khác để thoát khỏi khủng hoảng, bằng cách, giới hạn sự vận hành của các luồng đầu cơ, tức là ngược lại hòan toàn với các biện pháp của IMF. Mặt khác nước này đã từ chối mượn tiền của IMF để được tự do hơn trong việc chống trả khủng hoảng. Kết quả là Malaysia đã hồi phục trước các nước láng giềng.
Kinh nghiệm của Malaysia cho thấy sự sai lệch của một số sơ đồ Tân-liberal chủ nghĩa do IMF đề xuất và áp đặt. Bởi nếu theo Milton Friedman, thì sự vận hành của các luồng đầu cơ gắn liền với những cơ bản của thị trường. Trong khi đó, năm 1998, Paul Krugman công nhận là việc kiểm soát vốn tư bản có thể cần thiết trong một số trường hợp. Vào cùng lúc, theo Jagdish Bhagwati[4] thì có sự khác biệt giữa tự do vận hành hàng hóa và dịch vụ với lại tự do vận hành vốn tư bản. Vì vốn tư bản có thể gây bất ổn và thay đổi các cơ bản của thị trường nên việc kiểm soát sự vận hành là cần thiết.
Về phần Chavez, đó là một nhà độc tài kiểu mới lạ: đố là một nhà độc tài nhìn nhận sư thất bại của mình trong một cuộc bầu cử tự do, chứ không hài lòng với những 90% vẫn thấy ở các nhà độc tài cổ điển. Ông có tương lai và có là kiểu mẫu vì muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa trong khi vẫn tổ chức các cuộc bầu cử tự do và chấp nhận các kết quả bầu cử này ngay cả khi các kết quả này bất lợi. Chắc là anh biết tôi muốn ám chỉ gì rồi?
ĐK :
Tôi biết, tôi biết, nhưng tôi không thấy gì ngoài bụi mịt mù và ngày ấy còn xa !
Trở lại Venezuela, trong khi ở suýt soát 51%-49% ông Chavez chơi đẹp chịu thua ngay thì tại Hoa Kỳ (năm 2000), xin nhận xét là Bush 47.9% Gore 48.4% thì đếm đi đếm lại Bush vẫn thắng !
Đằng nào, nếu đi ngược lại quyền lợi của Tây phương thì là độc tài khỏi cãi, còn như Yelstin, có bắn đại bác vào Quốc Hội thì vẫn là dân chủ.
Ông Chavez hồi đầu năm 2007 đã chính thức rút khỏi World Bank và IMF, và ngoài «ngoan cố» của Malaysia còn có kinh nghiệm thành công của Argentina và chính quyền Kirschner. Chắc Cương còn nhớ vài năm về trước thôi, tình trạng lạm phát tại nước này đã khiến một anh bạn của chúng ta thay vì buôn dược phẩm từ Thái Lan và Cam Bốt thân hành sang Buenos Aires mà tìm mối sản xuất ! Argentina đã ra khỏi khủng hoảng bằng cách cưỡng lại IMF chứ không phải bằng cách tuân thủ các đề nghị của tổ chức này. Hiện chúng ta đang hăng say với chủ quyền quốc gia trên vấn đề lãnh thổ, là điều chính đáng, và có lẽ dễ nhận ra hơn là chủ quyền quốc gia trong các vấn đề kinh tế. Ngược lại với Hoàng Sa và Trường Sa đã được quần chúng lập tức phản ứng dũng cảm, việc Việt Nam gia nhập WTO hoành tráng tôi tiếc là không thấy có suy nghĩ bên ngoài chính quyền về lợi hại.
Như đã nói ở trên, cái gọi là « Ngày quốc nhục » của Nam Hàn, cuờng quốc kinh tế thứ 11 hay 12 trên thế giới, không phải là ngày mất một thác nước hay là một hải đảo, mà là ngày tất cả bốn ứng viên tổng thống đều phải làm cam kết vâng lời IMF, « nhờ » cú sốc ngắc ngư của khủng hoảng Đông Á.
Sự tinh vi của phong trào Tân-liberal ở tính cách áp đặt « bá quyền » ít lộ liễu hơn là hung hăng chiếm đất, nhưng không phải vì thế mà kém nguy hiểm và hữu hiệu.
PTC :
Trong quển sách này của bà Klein, chúng ta cũng được theo dõi ẩn hiện lịch sử thăng tiến cho đến khi ‘cướp được chính quyền’ của phong trào Tân-liberal trong 60 năm vừa qua.
Vào năm 1947 tại Mont Pèlerin, gần Montreux, Thụy sĩ, có quy tụ chung quanh ông Hayek một số nhà kinh tế (trong số có Lugwig von Mises, thày dậy kinh tế của Hayek ở Vienna, và dĩ nhiên là cũng có Milton Friedman) cùng với lại một số trí thức (trong đó có Karl Popper), để thành lập ‘the Mont Pélérin Society’[5]. Tiêu chí và mục đích của nhóm này (vẫn còn hiệu lực) trước khi kê khai những việc mà Hội phải thực hiện, là như sau: « Các giá trị trung ương của văn minh đang bị đe dọa. Trên nhiều phần rộng lớn của trái đất những điều kiện cơ bản của nhân phẩm và tự do đã biến mất. Ở những nơi khác các điều kiện này ở dưới sự đe dọa thường xuyên của sự phát triển những chiều hướng chính sách đương thời. Vị thế của cá nhân và của nhóm chủ động dần dà bị phá họai bởi sự nới rộng của quyền lực độc đoán. Ngay cả sở hữu quý gía nhất của con người Tây phương, tự do tư tưởng và tự do phát biểu, đang bị lam nguy trước sự bành trướng của các tín điều, khi vào trong ho àn cảnh thiểu số thì đòi hỏi đặc quyền của độ lượng, nhưng chỉ muốn đạt một vị trí quyền lực để từ vị trí đó đàn áp và xóa tẩy mọi quan điểm khác mình. »
Thật là bị cuồng ám một cách kinh hoàng! Bọn man di đã đến trước cửa thành và cơ bản của văn minh (văn minh nào cơ chứ?) bị đe dọa nghiêm trọng.
ĐK :
Naomi Klein tiên khởi định viết về hoàn cảnh Iraq và những đợt sốc liên tiếp đổ xuống để biến quốc gia này thành một trang giấy trinh nguyên, trên đó chủ nghĩa neo-liberal có thể vẽ, nói kiểu Hoàng tử nhỏ của St Ex, hãy vẽ cho tôi free-market hoàn hảo. Định đề « Đốc lý Sốc » của tác giả đối với Iraq hoàn toàn thích hợp, nhờ sự đơn giản hóa cùng cực mà Stiglizt đã nói đến. Iraq là một trường hợp gương mẫu điển hình nhờ tính cách cực đoan.
Trong những trường hợp khác, “Đốc lý Sốc” của bà Klein không hẳn là khiên cưỡng nhưng không được thuyết phục cùng một mức độ. Tuy nhiên, tôi cám ơn tác giả đã đề cập đến những trường hợp khác và cho một cái nhìn tổng quát và toàn cầu, vì thế giới là một chợ. Indonesia và tập đoàn Berkeley Mafia là một thí dụ khác với Chile và nhóm Chicago Boys, cũng như Ba Lan mà ta đã có dịp nhắc đến với thể nghiệm Bolivia Bis của Jeffrey Sachs là một thí dụ thứ ba.
Tác giả cũng dành một phần cho Hoa Kỳ, nơi Đốc lý Sốc thừa dịp Katrina mà được thể hiện, nhờ đó mà tư hữu được giáo dục tại new Orleans. Cũng như « Chiến tranh chông khủng bố » cú sốc của ngày 11.9 đã cho phép tư hữu vui vẻ ngành quốc phòng và an ninh. Nói đến an ninh, Naomi Klein dành một chương sách cho trường hợp Israel, chuyên gia hàng đầu trong lãnh vực. Bà Klein viết là nếu ở Mỹ, người giàu rào lại những khu vực riêng có an ninh tư canh gác (gated community) thì Israel hơn một bực, rào những người nghèo lại trong một khu vực riêng như là Gaza ! Thật ra thì ngay tại Mỹ, thành phần lợi tức thấp cũng đã bị giam lỏng trong các trung tâm phố và bị bao vây bởi những ngọai ô trung lưu rồi. Khi thành phần ngoại ô này ghé trung tâm, họ chưa cần dùng đến chiến xa Merkeva nhưng dùng đến xe Hummer hai trục.
Tuy vậy, tôi thấy việc tư hữu quốc phòng ngay tại Israel chứ không riêng gì Iraq cũng có hậu quả không tốt. Trong chiến tranh Lebanon vừa rồi, quân nhân Israel than phiền là các nhà thầu cơm quân đội đã không giao đến mặt trận kịp thời cho nên việc hành binh có gặp trở ngại. Nhận giao cơm quân đội, nhưng bờ Litani ở ngoài tầm?
Trường hợp của Việt Nam, có thể đoan rằng, nếu không theo mẫu số Trung quốc, và tôi mong rằng « hội nhập với thế giới » của chúng ta sẽ không phải qua một sốc kiểu Thiên An Môn, thì là mẫu số của Liên Xô cũ. Naomi Klein không nhắc đến thời kỳ kinh tế đổi chác hậu Cộng sản (Nga có ba nền kinh tế, kinh tế tiền USD, kinh tế tiền rúb và kinh tế anh cho tôi một đôi giày, tôi đổi lại một can xăng), kinh tế đổi chác này có lúc lên đến 70% của trao đổi kinh tế, nhưng bà đề cập đến việc tư hữu tài sản quốc gia và sự thành hình của tầng lớp oligarch.
PTC :
Cái nhìn của tôi về vận động trong tương lai của Việt nam khá đơn giản. Đảng CSVN tiếp tục cầm quyền một cách tập thể và ung dung, không để ngóc lên một nhân vật nào đáng kể. Thì hiện nay ta nào thấy có một ai? Như vậy Việt nam chắc hẳn sẽ đi theo con đường của Trung quốc, mà mong rằng sẽ không phải qua một sự cố như là Thiên An Môn. Mô hình Nga cần đến đặt vấn đề quyết liệt về quyền lực của Đảng với một nhân vật mạnh và thu hút được một đa số mới, mặc dù chỉ là chốc lát thôi, như là Boris Eltsin, để trải qua một giai đoạn hỗn loạn giúp thành tạo lại các yếu tố kinh tế, xã hội và đạo đức của xã hội. Tôi có thể lầm nhưng tôi không nghĩ là Việt nam sẽ vào con đường này.
Nhưng dù sao thì Việt nam cũng đã bắt đầu kế họach Tân-liberal với chương trình cắt giảm các chi phí xã hội và vô hiệu hoá các nghiệp đoàn. Dường như châm ngôn của nước ta giờ là «Business của Việt nam là business mà thôi», tất nhiên là dưới sự lãnh đạo của Đảng. Khi nói thế, là tôi nhắc lại một câu của Pat Buchanan từng được ông thêm thớt từ Eric Hoffer, triết gia tự học và lao động tay chân ở San Francisco «Mỗi lý tưởng cao đẹp bắt đầu là một phong trào, trở thành áp-phe, và cuối cùng tha hóa trở thành việc tống tiền» .
Đốc lý sốc là một công trình nhà báo lớn đáng phục với một số lớn thông tin, chứng từ và nhiều giai thoại. Tác gỉa có thấy chớm nở những đối kháng thành công trước sự bành trướng của chủ nghĩa Tân-liberal. Một trong những công cụ đối kháng này là thông tin, để tránh những cạm bẫy của «Tư bản Tai hoạ», đồng thời là những hành động khởi xướng bởi quần chúng, từ vai trò nạn nhân trở thành tác tố của chính vận mệnh mình. Đó chẳng hạn là trường hợp của một làng Thái Lan, sau tsunami trở về chốn cũ mà xây dựng lại nhà cửa và đời sống mà không đợi giúp đỡ gì từ bên ngoài. Như Brutus đã nói với Cassius trong vở Julius Caesar của Shakespeare :
« Có lúc con người làm chủ của vận mệnh
Này Brutus và lỗi không phải ở sao trời
Mà ở chúng ta, vì ta là bọn bộ hạ quèn »
Trong số New York Times ngày 30.9.2007, Joseph Stiglizt [6] cho rằng trên một số vấn đề, Naomi Klein rơi vào bẫy của đơn giản hoá. Ông thêm là: « Nhưng Friedman và các nhà điiếu trị bằng sốc khác cũng phạm phải lỗi lầm này, đặt các tin tưởng của họ vào sự toàn hảo của các kinh tế thị trường dựa trên những mô hình giả thử là thông tin toàn hảo, cạnh tranh toàn hảo,thị trường rủi ro toàn hảo. Thật ra có thể nói là khuyết điểm của những chính sách này lớn hơn là những khiếm khuyết trong trường hợp bà Klein. Các chính sách trên chẳng bao giờ dựa những căn bản thử nghiệm hay lý thuyết vững chãi, và ngay trong khi các chính sách này được tiến hành, các nhà kinh tế trường lớp đã có giải thích những giới hạn của thị trường- như vào trong trường hợp thông tin không hoàn chỉnh, tức là, nói cách khác, mà thông tin thì chẳng có hoàn chỉnh được bao giờ.»
Để kết luận về cuốn sách này của Naomi Klein, tôi xin mượn câu của Camus nói về Pascal : «Ông làm tôi xúc động nhưng ông không thuyết phục».
Tham khảo trên mạng
“The Shock Doctrine”, phim tài liệu ngắn của Alfonso Cuarón.
http://www.naomiklein.org/shock-doctrine/short-film
Phỏng vấn Naomi Klein bởI Amy Goodman trong chương trình “Democracy Now!” ngày 2.4.2007.
http://www.democracynow.org/2007/4/2/the_worse_things_get_in_iraq
Phỏng vấn Naomi Klein bởI Keith Olbermann trong chương trình MSNBC “Countdown”, ngày 29.11.2007
http://www.youtube.com/watch?v=qwt2HulqmPI
[1] Wang Hui, China’s New Order : Society, Politics and Economy in Transition (Cambridge, MA : Harvard University Press, 2003). Ông hiện là giáo sư tại Thanh Hoa Đại học ở Bắc Kinh và tổng biên tập của tờ Độc thư .
[2] Rob Long, National Review, August 29, 1994.
[3] Paul Krugman, The New York Review of Books, Volume 54, Number 2, February 15, 2007.
[4] Giáo sư Kinh tế ĐH Columbia, tác giả của Free Trade Today (Princeton, 2002) và In Defense of Globalization (Oxford, 2004)
[6] Giáo sư Kinh tế ĐH Columbia, giải John Bates Clark 1979, giải Nobel Kinh tế 2001 (công trình về các thị trường dưới hướng của thông tân bất đối xứng), cựu Kinh tế gia trưởng và Phó Chủ tịch của World Bank Và sau đó Giám đốc Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng Clinton.
© Đỗ Kh. – Phạm Tùng Cương
Pages: 1 2
Ông ĐK đã viết trong bài (trích): “…Bên ngoài trường hợp của Trung quốc, dĩ nhiên là rất gần với ta vì chẳng phải Việt Nam-Trung Hoa chỉ có cùng chung quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà thôi, bên ngoài láng giềng này, các kinh nghiệm được Naomi Klein nghiên cứu như công đoàn Solidarnosc và Ba Lan, nước Nga trong thời kỳ hậu Cộng sản đối với chúng ta cũng không kém gần gũi.” Bằng đoạn viết này, ông ĐK công nhận rằng Trung Quốc cũng có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa hay sao? Ông viết đoạn này do vô tình hay cố ý đây?