WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Kinh tế Hoa Lục: Thành tựu và viễn cảnh (phần 3)

(Phần 1)

(Phần 2)

Từ “Thỏa Hiệp Hoa Thịnh Đốn” Đến “Thỏa Hiệp Bắc Kinh”

Với những ưu và khuyết điểm, phần nào được trình bày trên đây, sự lớn mạnh của kinh tế Hoa Lục đưa đến một đề tài thú vị cho các nhà kinh tế: Mô thức phát triển kinh tế theo đường lối chỉ huy của Bắc Kinh có thể áp dụng thành công ở các nước được coi là kém mở mang  nhất, hay hiện đang mở mang với suất số tăng trưởng thấp?

Ảnh: dailymail.co.uk

Lịch sử phát triển kinh tế trong hơn nửa thế kỷ vừa qua tuy chưa vạch ra một phương thức rạch ròi sớm xóa bỏ nghèo đói và làm cho mọi người được no ấm, nhưng cũng rọi chiếu khá nhiều ánh sáng cho thấy lợi ích cuả kinh tế thị trường.   Sự tan rã của Liên Xô và các nước Đông Âu 1989-1991 cho thấy sự thất bại thảm hại của nền kinh tế chỉ huy. Người ta tưởng thế giới đã đến cuối đường lịch sử, và ngọn cờ “tư bản và dân chủ” sẽ sừng sững phất phới, và mọi con đường sẽ hướng về thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Nhưng nào ngờ! Các cô gái trong chiếc áo xường xám, tay cầm điện thoại di động Made in China xuất hiện dưới ngọn cờ ngũ tinh lại có sức thu hút ngầm đặc biệt làm ngơ ngẩn nhiều người.

Như chúng ta vẫn còn nhớ, sau Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, mở đầu cho chiến tranh lạnh, Liên Xô tiến nhanh trong lãnh vực khoa học kỹ thuật qua những kế  hoạch ngũ niên. Trong thập niên 1960 và 1970, qui hoạch kinh tế qua các kế họach trung hạn 4 năm, 5 năm  hay dài hạn 10 năm, 20 năm vv. được xem như là công cụ chủ yếu để phát triển kinh tế. Thời thượng, được ưa chuộng cùng khắp: kinh tế gia, chính trị gia, các trường đại học, các tổ chức thế giới! Sau khi vệ tinh nhân tạo Sputnik của Liên Xô được phóng lên, cả nước Mỹ rung động. Giáo dục nước Mỹ cải tổ: khuyến khích sinh viên theo các chương trình khoa học kỹ thuật, cung cấp học bổng, cho vay mượn nhẹ lãi để đi học, chính phủ ký hợp đồng với các đại học và trung tâm nghiên cứu để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (Research & Development) vv. Cũng là một loại kinh tế hướng dẫn, chứ không muốn cho … tự do phát triển nữa. Nhưng chỉ vì bị Hoa Kỳ thúc ép thi đua vũ trang, tài nguyên của Liên Xô hao mòn dần trong lãnh vực này, không còn đủ để cải tiến đời sống nhân dân.

Trong khi đó, thì chủ nghĩa tư bản hiên ngang trở lại, đẩy kinh tế Keysian lùi về quá khứ. Trang bị với tư tưởng tự do kinh doanh, đặc biệt của Milton Friedman, rất được ngưỡng mộ thời đó, cặp bài trùng chính trị Ronald Reagan-Margaret Thatcher cải tổ kinh tế Mỹ-Anh thêm mạnh bạo theo đường lối tư bản, tháo gỡ mọi ách tắc nhằm tạo mọi điều kiện dễ dàng cho tự do kinh doanh: Vì chính quyền không hữu hiệu, sự can thiệp của nó chỉ làm tổn hại guồng máy kinh tế; cho nên cần giới hạn vai trò của nó qua thuế vụ tối thiểu, giảm chi, giảm thiếu hụt ngân sách; bãi bỏ luật lệ qui định nhằm ngăn sự cạnh tranh nhằm giới hạn vùng kinh doanh, ấn định giá tối đa, hạn chế sát nhập công ty, tư hữu hóa hầu hết các công ty quốc doanh vv.

Rồi lần lần bị áp đặt bởi Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Bộ Ngân Khố, Quỹ Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ, cùng những tổ chức kinh tế tài chánh quốc tế khác và bộ não tư duy (think tanks) trụ sở đóng tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, những nước đang phát triển không làm gì khác hơn là đành phải chấp nhận một số nguyên tắc chung để sử dụng trong việc điều hướng họat động kinh tế của mình mỗi khi phải cầu cạnh các tổ chức này hay các nước tây phương. Các nguyên tắc đó được kinh tế gia tán dương kinh tế thị trường John Williamson, năm 1989, đặt cho cái tên là “Thỏa Hiệp Hoa Thịnh Đốn” (Washington Consensus) gồm 10 điểm chủ yếu sau đây: (1) kỷ luật trong chính sách tài chánh, kiềm chế  thiếu hụt ngân sách;(2) giảm công chi, đặc biệt trong lãnh vực quốc phòng và hành chánh; (3) cải cách thuế vụ bằng cách mở rộng căn bản thuế và hữu hiệu hoá việc hành thâu; (4) tài chánh cởi mở để cho thị trường định đoạt lãi suất; (5) hối suất cạnh tranh để thúc đẩy tăng trưởng qua xuất khẩu; (6) giải toả ngoại thương qua việc bãi bỏ giấy phép nhập cảng và hạ giảm thuế quan; (7) cổ động đầu tư ngoại quốc trực tiếp; (8) tư hữu hóa các xí nghiệp quốc doanh; (9) bãi bỏ luật lệ quy định kiềm chế (deregulation); (10) bảo vệ quyền sở hữu. *(17)

Các quốc gia đang phát triển muốn vay mượn đều phải nuốt viên thuốc đắng điều chỉnh cơ cấu (structural adjustments) dựa trên các nguyên tắc này, lắm khi đưa nền kinh tế tế từ tình trạng xấu sang xấu hơn, khiến cho chính quyền địa phương thêm khốn đốn về phương diện chính trị.

Khuynh hướng tân tự do kinh tế (neoliberalism) này ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo khắp thế giới, trong đó có cả Jiang Zemin và Hu Jintao của Hoa Lục. Nhờ đó mà kinh tế Hoa Lục đã tăng trưởng với suất số cao khác thường trong mấy chục năm qua.

Cùng với sự chinh phục toàn cầu hóa qua các sản phẩm Made in China, Bắc Kinh còn được ban tặng những cơ hội lớn để biểu dương lực lượng khi đứng ra tổ chức Thế Vận Hội 2008, Hội Chợ Thế Giới 2010; được mời và có tiếng nói trong các Hội Nghị Thượng Đỉnh Kinh Tế G-20 sau cuộc khủng hoảng tiền tệ thế giới mấy năm nay.

Trong thập niên vừa qua, trong khi Hoa Kỳ khá điên đảo với 2 cuộc chiến tranh Afghanistan và Irak, bận rộn và tốn kém với những hoạt động chống khủng bố khác, lại lâm vào cuộc suy thoái kinh tế 2 năm nay chưa thấy con đường ra, thì nhiều nước phát triển trên thế giới đưa mắt nhìn sang Bắc Kinh với ít nhiều cảm tình hay ngưỡng mộ. Một cuộc nghiên cứu năm 2007 cho thấy Hoa Lục được nhiều cảm tình hơn Hoa Kỳ tại nhiều nước Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh. Chẳng hạn, theo dư luận Tanzania, 78% những việc làm của Hoa Lục được coi là tốt, trong khi đó của Hoa Kỳ chỉ là 36%, tức Hoa Lục hơn 42 điểm; ở Senegal, các con số này là 86% và 56%, tức Hoa Lục hơn 30 điểm; ở Ethiopia, Hoa Lục hơn 27 điểm (61% – 34%); ở Nigeria, Hoa Lục hơn 21 điểm (79% – 58%); ở Mali, Hoa Lục cũng hơn 21 điểm (84% – 63%). Riêng ở Nam Phi, Hoa Lục ít được cảm tình hơn Hoa Kỳ (55% – 49% = – 6 điểm). Tại các nước Châu Mỹ La Tinh, Hoa Lục cũng được ngưỡng mộ hơn Hoa Kỳ: Ở Bolivia, Hoa Lục hơn 28 điểm (42% – 14%); ở Chile, Hoa Lục hơn 27 điểm (55% – 28%); ở Venezuela, Hoa Lục hơn 22 điểm (58% – 36%); ở Argentina, Hoa Lục hơn 16 điểm (21% – 5%). Riêng ở Mexico, Hoa Lục ít được cảm tình hơn, nhưng khoảng cách lại không xa mấy (20% – 22% = – 2 điểm). *(18)

Tình trạng trên sở dĩ xảy ra vì hai lý do chính. Một mặt, từ lâu Hoa Kỳ đã là bá quyền thế giới, hành xử theo lối kẻ cả — nhất là sau khi không còn địch thủ Liên Xô– đường lối lại thay đổi bất thường; lắm lúc trong khi đảng đa số cho, thì đảng thiểu số lại chỉ trích gay gắt và giới truyền thông tiếp tay ồn ào chê bai, khiến dư luận, đặc biệt giới nhà cầm quyền của các quốc gia đang phát triển nhận viện trợ hay làm ăn với Hoa Kỳ cảm thấy bẽ bàng, mất mặt hoặc không an tâm.  Ngày nay, uy tín chính trị của Hoa Kỳ lại có khuynh hướng đi xuống trong khi kinh tế cũng không thể giúp Hoa Kỳ hào phóng như trước. Trong khi Hoa Kỳ bận rộn với các cuộc chiến tranh nói trên, cũng như tất bật ngược xuôi với cuộc xung đột Trung Đông giữa khối Á Rập và đồng minh đơn chiếc Do Thái! Xứ Do Thái thì nhỏ, nhưng mỗi năm nuốt đến 9% ngân sách viện trợ của USAID, giành giựt khá nhiều thời giờ, và nghị lực của chính khách và trí tuệ Hoa Kỳ, bởi vì người Mỹ gốc Do Thái ở Washington, DC là những người vận động hành lang kiên nhẫn, đã đang và sẽ sẵn sàng chi tiền rộng rãi cho các cuộc vận đông Tuyển cử cho các chính trị gia ủng hộ Do Thái. Cứng rắn như Tổng Thống George W. Bush, mà chỉ được một năm sau khi bước vào Toà Bạch Ốc, cũng đành noi gương theo tổng thống tiền nhiệm Bill Clinton vuốt ve chìu chuộng Do Thái, chỉ vì tương lai chính trị của mình và của Đảng Cộng Hoà.

Mặt khác, cùng với xu thế toàn cầu hóa là sự xuất hiện càng ngày càng nhiều hơn của các nền kinh tế đang lên cùng với nhu cầu cần đối tác làm ăn cũng như liên minh chính trị quân sự của mình. Kinh tế Hoa Lục nổi bật hơn do tầm vóc và bước đi nhanh của nó. Cung cách làm ăn của Hoa Lục khác biệt ít nhiều so với cung cách làm ăn của các nhà đầu tư Tây phương. Như chúng ta đã biết, đàng sau các nhà đầu tư –các công ty lớn nhỏ cũng như cá nhân—đều có sự yểm trợ ít nhiều của chính phủ mình.  Đối với Hoa Lục, hầu hết các công ty  ra nước ngoài làm ăn, đều là quốc doanh thuộc cấp trung ương, chẳng hạn China National Offshore Oil Corporation (CNOOC), China Mobil; hoặc cấp tỉnh thành hoặc các công ty liên doanh, tất cả đều dưới sự chỉ đạo của đảng ủy hoặc đảng viên được tín nhiệm. Về phương diện tài chánh, các công ty này được sự yểm trợ của các ngân hàng quốc doanh như Export-Import Bank of China, China Construction Bank (CCB).

Nói chung, phương thức đầu tư của Bắc Kinh tại các nước đang phát triển thường theo diễn tiến như sau:

- Ra Thông Cáo Chung đề cao sự hợp tác, tình hữu nghị giữa 2 quốc gia.

Nước nhận viện trợ (qua hình thức đầu tư, chứ chẳng mấy khi tặng không) công nhận chính sách một Trung Quốc– tức gồm cả Đài Loan–của Hoa Lục và ủng hộ việc thống nhất; hoặc ủng hộ đường lối của Bắc Kinh đối với Đài Loan và Tây Tạng; hoặc ủng hộ Hoa Lục trong công tác duy trì sự hợp tác chặt chẽ giữa Liên Hiệp Quốc và các tổ chức đa phương nhằm bảo đảm quyền lợi của các nước đang phát triển.  Nhiều người trong chúng ta đã nhàm tai với công thức “vô tội vạ” này; nhưng đối với Bắc Kinh, và các nước châu Phi và châu Mỹ La Tinh, thì đó lại là công thức quan trọng, không thể thiếu được, nhất là khi phổ biến truyền hình báo chí có hình ảnh 2 đại biểu tay bắt mặt mừng! *(D)

- Các công ty Hoa Lục, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà Nước, lần lượt bước vào, điều nghiên thiết kế như các công ty Tây phương, nhưng thường mau lẹ hơn, và sớm bắt tay ngay vào việc thi công hơn, tuy đôi khi quá trình quyết định làm cho người đối tác khó hiểu, sốt ruột vì ách tắc không được giải quyết tại phòng họp, mà là từ xa, tận Bắc Kinh hay các tỉnh đối tác bên Hoa Lục. Các nước đang phát triển thường có nhiều nhu cầu mà Bắc Kinh có thể dễ thoả mãn. Phát triển nông nghiệp để chống nghèo đói? Hoa Lục có thừa kinh nghiệm này, trong khi các nước Tây phương trong mấy thập niên vừa qua hầu như không còn chú tâm tới viện trợ nông nghiệp nữa vì nhiều kinh tế gia lỗi lạc của bắc bán cầu cho rằng viện trợ của Tây phương không thể thay đưọc bộ mặt nông thôn của các nước chủ nhà. Cần thêm trường học để phát triển giáo dục? Hoa Lục trong hai thập niên vừa qua đã xây không biết bao nhiêu trường học; tuy nhiều khi dối trá trong nước, nhưng có thể họ sẽ phải cẩn thận hơn khi ra nước ngoài vì còn hy vọng có thêm các hợp đồng khác.  Tân tạo hay tái thiết đường sá, cầu cống, bến cảng? Đội ngũ công nhân Hoa Lục không thiếu kinh nghiệm trong lãnh vực này. Thậm chí kẻ cựu thù Ấn Độ còn phải nhờ Hoa Lục tiếp tay xây dựng nhà máy luyện thép, bởi lẽ trên thế giới này không có nước nào có nhiều công nhân có kinh nghiệp xây dựng các nhà máy luyện thép bằng Hoa Lục, từ tận thời kỳ “Những Bước Tiến Nhảy Vọt.”

- Đa số dự án đầu tư Hoa Lục lấy công rẻ, thường chỉ bằng 1-2% giá trị của dự án, chứ không cao 10-15% như các công ty ngoại quốc khác. Quan trọng hơn đối với Hoa Lục là họ mang dụng cụ máy móc do Hoa Lục chế tạo, đem công nhân vào, được càng nhiều càng tốt. Tức là tìm cách tạo công ăn việc làm cho dân mình ở trong nước lẫn ngoài nước. Đối với một số dự án do chính mình tài trợ, Ngân Hàng Thế Giới cũng mong cho các công ty Hoa Lục trúng thầu, lý do là vì giá cả phải chăng.

- Đối với những nhiều dự án kinh tế, đặc biệt là ở châu Phi, không có nguồn tài trợ từ các cơ quan tài chánh quốc tế, cũng như từ nước chủ nhà, Bắc Kinh sẵn sàng đứng ra bảo lãnh để cho các công ty Hoa Lục đến điều nghiên và thi công. Các nước chủ nhà thường sẽ trả vốn và lãi bằng tài nguyên đang được khai thác (dầu hỏa, bauxite) hoặc tài nguyên tiềm ẩn mà các đội nghiên cứu địa chất tin tưởng sẽ phát hiện ra, hoặc bằng sản phẩm có được từ các dự án (lúa gạo, bông vải). Ngoài ra, trong các thoả ước hợp tác với Bắc Kinh, và các hợp đồng với các công ty Hoa Lục thường không có những ràng buộc như trong các hợp đồng với các công ty Tây phương.  Nhiều nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế thương mại các nước châu Phi, tuy tốt nghiệp từ các trường lớp Âu Mỹ vẫn không cảm thấy quen với những ràng buộc trên giấy trắng mực đen này. Đó cũng là một lý do Hoa Lục được chuộng hơn.

Năm 2006, Bộ Thương Mại của chính quyền Bắc Kinh (Ministry of Commerce, MOPCOM) yểm trợ thiết lập 8 Khu Hợp Tác Kinh Tế và Thương Mại Hải Ngoại (Overseas Economic and Trade Cooperation Zones) tại Pakistan, Zambia, Thailand, Cambodia, Nigeria, Mauritius, Nga (2 khu). Năm sau, thêm 11 khu khác tại Venezuela, Nigeria, Vietnam (2 khu), Mexico, Ethiopia, Egypt, Algeria, Nam Triều Tiên, Indonesia và  Nga. *(19)

Theo tài liệu chính thức của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Việt Nam, đến cuối tháng 7 năm 2010, Hoa Lục đã đầu tư vào Việt Nam 743 dự án, trị giá 3,1 tỷ đô la — một sự tràn ngập khó có thể tưởng tượng nổi nếu so sánh với con số 196 dự án và trị giá 362,79 triệu đô la năm 2002! *(E)

- Ngoài việc hợp tác kinh tế thương mại nói trên, trong thời gian 1991- 2008, Thủ Đô Bắc Kinh và 22 tỉnh của Hoa Lục còn cộng tác với 23 quốc gia để thành lập  những  đoàn kinh tế hỗn hợp để công tác, huấn luyện cho các nuớc này. (The Dragon’s Gift).

- Năm 2005, Bắc Kinh còn tỏ ra “hào phóng” hơn nữa khi Chủ Tịch Hu Jintao đưa ra tuyên bố 5 điểm: (1) Hoàn toàn miễn quan thuế cho nhiều mặt hàng từ 39 nước ít phát triển nhất (least developed countries, LDCs) có quan hệ ngoại giao với Hoa Lục (nghĩa là không công nhận Đài Loan như một quốc gia); (2) Tăng cường viện trợ và làm việc với các nước nghèo nợ nần chồng chất (heavily indebted poor countries, HIPCs) để 2 năm sau đó hủy hay giảm nợ; (3) Hứa cấp tín dụng 10 tỷ đô la cho các nước phát triển để các nước này nhập cảng và xây dựng hạ tầng cơ sở (dĩ nhiên hàng hóa, máy móc, công trình chủ yếu do Hoa Lục cung cấp); (4) Tăng trợ giúp các nước đang phát triển, đặc biệt ở châu Phi, cung cấp thuốc trị bệnh sốt rét và một số bệnh khác, giúp thiết lập các cơ sở y tế và huấn luyện nhân viên y tế; (5) Huấn luyện trong vòng 3 năm sắp tới 30.000 chuyên viên để đẩy mạnh việc tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên (phát triển cũng như để hoàn nợ cho Hoa Lục như đã đề cập).

Đường lối phát triển kinh tế của Hoa Lục cũng như những hình thức viện trợ kinh tế của Bắc Kinh đã khiến cho nhiều nhà kinh tế và lãnh đạo chính trị, nhất là tại các nước đang phát triển suy nghĩ và tự hỏi có phải chăng những nguyên tắc chi phối “Thỏa Hiệp Hoa Thịnh Đốn” đã trở nên lỗi thời.

Năm 2004, The Foreign Policy Centre, một cơ quan nghiên cứu Anh quốc dưới sự bảo trợ của Thủ Tướng Tony Blair đã công bố tài liệu có tựa đề là Thỏa Hiệp Bắc Kinh (The Beijing Consensus) được soạn thảo bởi Joshua Cooper Ramo, một chuyên viên tư vấn nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực kinh tế tài chánh quốc tế và cũng là giáo sư của Đại Học Tsinghua đã đề cập ở trên. Theo Ramo, “Đo lường sức mạnh của Hoa Lục dựa trên những nguyên tắc nhàm chán là Hoa Lục có bao nhiêu chiếc hàng không mẫu hạm hay dựa trên TSLQN từng đầu người sẽ đưa đến việc đo lường sai lạc thảm hại. Hoa Lục đang trên đường kiến tạo thành siêu cường không cân đối hài hòa vĩ đại nhất (the greatest a symmetric superpower) mà thế giới chưa từng thấy, một quốc gia ít dựa trên những công cụ truyền thống để dự phóng về sức mạnh hơn bất cứ quốc gia nào trong lịch sử, và thay vào đó, lãnh đạo bằng sức mạnh đáng kinh ngạc qua tấm gương của mình và bằng ảnh hưởng thẳng thừng cục mịch qua bề thế.” (bluff impact of size).

Trái với Thỏa Hiệp Hoa Thịnh Đốn tự mãn với những nguyên tắc hướng dẫn cứng nhắc buộc các quốc gia đang phát triển cứ thế mà làm theo, nguyên tắc thứ nhất của Thỏa Hiệp Bắc Kinh đề cao giá trị của phương thức canh tân (the value of innovation), khuyến khích các quốc gia đang phát triển tìm tòi mọi cách để hạn chế những vấn đề có thể xảy ra mỗi khi đổi mới chủ trương.  Nguyên tắc thứ hai đề cao phẩm chất của đời sống (quality-of- life), không đo lường mức sống dân chúng bằng TSLQN từng đầu người, mà phải chú trọng trước nhất đến yếu tố bền vững (sustainability, tức phúc lợi mà thế hệ này được hưởng không làm phương hại đến phúc lợi của thế hệ sau) và sự công bằng; để đạt mục tiêu này, Hoa Lục nhấn mạnh phương thức quản lý hỗn loạn (chaos management) bởi vì xã hội Hoa Lục là một xã hội giao thời pha trộn hy vọng, háo hức, tham vọng, lo âu, sợ hãi. Nguyên tắc hướng dẫn thứ ba là lý thuyết về quyền tự quyết (theory of self-determination), chủ trương các quốc gia đang phát triển phải tự đẩy mình lên, đừng để các siêu cường đạp lên chân mình bằng các phương tiện chính trị và tài chánh. *(20)

Những nguyên tắc trên của Thỏa Hiệp Bắc Kinh vừa có khả năng vuốt ve tinh thần dân tộc của các nước đang phát triển và nhược tiểu, lại vừa thích hợp với não trạng (mindset) của các nhà lãnh đạo và quan chức cầm quyền vốn chuộng tập trung quyền lực ở các nước cộng sản và các nước thiếu dân chủ khác. Thêm vào đó, trong những quốc gia này, các giới trí thức, trung lưu và giàu có không muốn mất đi những đặc quyền vật chất lẫn tinh thần mà chế độ và thời thế ban phát cho bản thân và gia đình, họ sẵn sàng bỏ ngoài tai những tiếng kêu gào thê thảm của đồng bào bất hạnh; tệ hại hơn, họ còn đồng lõa với tội phạm. Tác hại xoáy ốc của Thỏa Hiệp Bắc Kinh là ở chỗ đó.

Hoa Lục từng là một nền kinh tế đang phát triển, nay trở thành một nền kinh tế đang lên với phương thức riêng của mình, cũng là một yếu tố thu hút khác. Trong đoản kỳ, phương thức vừa học + vừa làm + vừa truyền dạy, qua các hình thức viện trợ cho các nước khác có lợi cho cả đôi bên, ít nhất về phương diện lý thuyết. Nhưng trong trường kỳ,“kỹ thuật và quỷ thuật” của người cho bá quyền và “tinh thần sẵn sàng tiếp thu”của những kẻ nhận vọng ngoại sẽ đưa đến nhiều thiệt hại nặng nề và những cảm nhận cay đắng cho kẻ nhận.

Trước sự thu hút của Hoa Lục, Hoa Kỳ muốn bắt đầu điều chỉnh lại phương thức hợp tác với các nước phát triển. Trong chuyến công du sang Á Châu 10 ngày vừa qua chủ yếu thương lượng nhằm cứu vãn nền kinh tế Hoa Kỳ, Tổng Thống Obama thêm yếu tố “dân chủ” vào lập trường ngoại giao 3 điểm của Hoa Kỳ  do Ngoại Trưởng Hillary Clintton đưa ra, để nhắn khéo với Bắc Kinh. Tại Indonesia, ngày 14/11/10, ông tuyên bố: “Phát triển không thể tách rời khỏi vai trò dân chủ. Phồn vinh mà không có dân chủ thì chỉ là một hình thức nghèo đói khác mà thôi.” Ông giải thích: “Tự do báo chí và hệ thống tư pháp độc lập sẽ dẹp bỏ mọi lạm quyền và thặng quyền, và nhấn mạnh đến trách nhiệm. Một xã hội cởi mở và những công dân chủ động bác bỏ bất bình đẳng.” (The Washington Post, Thursday 11/11/10).

Khách quan mà nói, lập trường 4-D (Diplomacy + Development + Defense + Democracy) này không còn nặng ký nữa, nhất là đối với các nước nghèo châu Phi và châu Mỹ La Tinh, chỉ vì túi tiền của Hoa Thịnh Đốn nay đã nhẹ tênh, và ngọn cờ dân chủ do người tiền nhiệm của ông cắm ở Irak cũng không phất phới nổi. Thảm hại hơn, nó lại còn làm cho người ta liên tưởng đến hình ảnh 4-D mà giáo sư Aaron Beck cuả University of Pennsylvania School of Medicine mô tả người bị bệnh trầm cảm (depression): anh ta cảm thấy bị đánh bại (Defeated), kém cỏi (Defective), bị ruồng bỏ (Diserted) và bị tước đoạt (Deprived)! *(21)

Thật ra, nền kinh tế Hoa Kỳ hiện nay vẫn còn là nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Nó đã và đang là thị trường tiêu thụ rộng lớn nhất trên 40 năm nay, giúp cho nhiều nền kinh tế khác lớn mạnh nhanh, trong đó có Nhật, các nước kỹ nghệ hoá mới (newly industrialized countries, NICs như Nam Triều Tiên, Đài Loan, Singapore, Thái Lan), và gần đây nhất là 4 nước BICS. Nếu có hồi phục sớm đi nữa — nhờ chính phủ giảm chi, nhờ dân chúng giảm tiêu thụ phần nào hàng nhập cảng, hay nhờ những phát minh về khoa học kỹ thuật như đã  từng xảy ra — thì nền kinh tế Hoa Kỳ cũng chỉ có thể tăng trưởng với suất số thấp, 2-3% mỗi năm trong nhiều năm sắp tới. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế với kích thước to lớn lại tăng trưởng nhanh; cho nên khoảng cách giữa kinh tế Mỹ và nền kinh tế của các nước nói trên càng ngày càng gần lại, sẽ kéo theo sự thay đổi về mối tương quan lực lượng trên những lãnh vực khác, đặc biệt về chính trị và quân sự.

XXX

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể đưa ra những nhận định sau đây. Trước hết, nền kinh tế Hoa Lục sẽ tiếp tục tăng trưởng ít nhất là trong 3-4 kế hoạch ngũ niên sắp tới, nhưng với suất số thấp hơn. Kế đến, Bắc Kinh tuy rất tích cực trong việc tìm kiếm tài nguyên phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế, nhưng nói chung, sẽ tuân theo các phương thức do các tổ chức kinh tế tài chánh quốc tế đề ra và sẽ tránh không cho xảy ra những xung đột lớn về chính trị và quân sự với các cường quốc kinh tế khác cũng như với các nước láng giềng và các nước đang phát triển mà Hoa Lục đang có giao thương, để tiếp tục hưởng những thành tựu phát triến kinh tế, như quá khứ đã cho thấy. Thêm vào đó, Bắc Kinh sẽ linh động cân bằng giữa những ước vọng đang lên của nhân dân, nhất là về phương diện thỏa mãn những nhu cầu vật chất càng ngày càng cao, và sử dụng có lợi cho chính trị lòng tự  ái và tinh thần dân tộc — dễ bị kích động bởi giới quân phiệt sẵn sàng muốn thử sức mạnh Hồng quân, và của những nhóm Chauvin nước lớn — của một dân tộc đã từng bị ngoại bang làm nhục. Sau cùng, Bắc Kinh sẽ phải dung hòa quyền bính của Đảng với ước mơ dân chủ do giới trí thức và quảng đại quần chúng đòi hỏi, bởi vì qua lịch sử cận đại Hoa Lục, giới trí thức và nhân dân Hoa Lục không phải là những người dễ bị sai khiến và đè nén. Trong bối cảnh mới (new paradigm), người ta có quyền hy vọng giới trí thức Bắc Kinh sẽ là những người đóng vai trò quan trọng nhằm phát triển trong hoà bình với bên ngoài, và hài hoà, bình đẳng bên trong Hoa Lục. Tuy nhiên, những tia hy vọng này có thể dễ bị phụt tắt nếu họ chỉ đi chệch bản chỉ đường của Đảng một tí. Bởi lẽ “những người quan sát” của nhà tù Panopticon (nhà tù kiểu mẫu do triết gia Jeremy Bentham vẽ năm 1791, nơi những tù nhân không thể biết là mình đang bị quan sát) khổng lồ Hoa Lục là những người có đầy kinh nghiệm và sẵn sàng dùng bàn tay sắt. Và họ lại rất nhiều (chỉ đảng viên đã lên đến 78 triệu, trong đó không duới 5% chỉ làm công tác Đảng), rình rập khắp mọi nơi, trong công vụ lẫn bên ngoài đời sống riêng tư. Đến nỗi một vị giáo sư của Đại Học Bắc Kinh đã than thở: “Đảng giống như là ông Trời, ông ấy hiện diện khắp nơi. Chỉ có điều là mình không nhìn thấy được ông ấy.” *(22)

Đối với một số vấn đề khác, như ô nhiễm môi sinh và cạn kiệt nguồn nước ảnh hưởng đến các nước láng giềng; cuộc tranh chấp các hải đảo, và rồi đây sẽ tới hải phận và đường qua lại của tàu biển vv., thì Hoa Lục đã, đang và sẽ tiếp tục xử sự như một bá quyền khu vực; không mấy người dân Hoa Lục — kể cả giới trí thức —cùng các nước bên kia trời châu Phi và châu Mỹ đứng ra bênh vực cho các nước lân bang bị ức hiếp. Bởi lẽ ý niệm về công bằng và công lý đều là những ý niệm được định nghĩa rất chủ quan và giới hạn tùy theo quyền lợi chính trị và kinh tế. Phải chăng kinh tế có thể toàn cầu hóa, còn chân lý thì không?

© Lê Văn Bỉnh

Virgina

Thanksgiving 2010

© Đàn Chim Việt

—————————————————————–

Ghi Chú Liên Quan Đến Kinh Tế Việt Nam

*(D) Trong Thông Cáo Chung ra ngày 25/10/2008 tại Bắc Kinh giữa 2 Thủ Tướng Ôn Gia Bảo (Wen Jiaobao) và Nguyễn Tấn Dũng để áp đặt sự hợp tác toàn diện gồm ngoại giao, quốc phòng, an ninh, hợp tác khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch – lại ít đuợc bàn tới trong nước cũng như cộng đồng người Việt hải ngoại – điểm thứ 7 cương quyết phủ nhận sự độc lập của Đài Loan, và Hà Nội hứa không liên lạc chính thức với hòn đảo này. Việc thiết lập đường dây điện thoại hotline giữa 2 lãnh đạo đuợc kín đáo lồng vào điểm thứ 9! Xin truy cập   http://www.chinaconsulatesf.org/eng/xw/t520438.htm để biết thêm chi tiết. Người viết vẫn tò mò muốn tìm hiểu về số phận của trên 300.000 người Việt gốc Hoa, trong đó có không ít người Việt chính gốc, mà chỉ 5 năm trước Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) còn liệt kê như là những người tị nạn chạy từ VN sang và còn được LHQ giúp đỡ. Lâu nay, không thấy Bắc Kinh và Hà Nội đề cập đến. Bao nhiêu người được cho vào quốc tịch ? Hay Hoa Lục vẫn còn tiếp tục giữ họ vừa để nhận trợ cấp của LHQ, vừa xem như những con tin để mặc cả với Hà Nội?

*(E) Ngoài ra, cũng theo Thông Cáo trên, giao thương giữa hai nước năm 2010 dự trù sẽ lên đến 25 tỷ đô la. Hà Nội vừa chính thức cho biết trong 6 tháng đầu năm 2010, giao thương giữa 2 nước đã lên 12, 8 tỷ đô la, tức tăng 50% so với cùng thời kỳ năm trước, nghĩa là chắc chắn sẽ đạt hay vượt chỉ tiêu. Và không cần số liệu chính thức, người ta cũng đoán được Hoa Lục xuất sang Việt Nam không dưới 70% con số dự trù đó, nghĩa là VN nhập siêu và mang nợ nần!

——————————————————————-

Ghi Chú Tài Liệu Tham Khảo

*(17) Manfred B. Steger & Ravi Roy, Neoliberalism: A Very Short

Introduction, Oxford University Press, 2010

*(18) Stephan Halper, The Beijing Consensus: How China’s Authoritarian

Model Will Dominate the Twenty- first Century, Basic Books, 2010

*(19) Deborah Brautugam, The Dragon’s Gift: The Real Story of China in

Africa, Oxford University Press, 2009 –Người viết chỉ thấy trong Thông

Cáo Chung nói trên, một Khu Hợp Tác toạ lạc ở Hải Phòng.

*(20) Joshua Cooper Ramo, The Beijing Consensus, The Forein Policy Centre,

2004

*(21) Roberta Roesch, The Encyclopedia to Depression, 2nd ed., Facts and File,

2001

*(22) Richard McGregor, The Party: The Secret World of China‘s Communist

Rulers, HarperCollins, 2010

1 Phản hồi cho “Kinh tế Hoa Lục: Thành tựu và viễn cảnh (phần 3)”

  1. Minh Đức says:

    Tin tức mới tiết lộ từ Wikileaks cho biết phó thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang hồi còn là bí thư Liêu Ninh có lần nói chuyện với đại sứ Mỹ Clark Randt là GDP của Trung Quốc là giả tạo và không đáng tin. Thế thì các phân tích kinh tế Trung Quốc để rồi đi đến kết luận là tương lai Trung Quốc sẽ như thế này hoặc như thế kia còn đúng được bao nhiêu phần?

Phản hồi