WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

“Anh Phải Sống”- Cuốn phim ý nghĩa nhất của Trương Nghệ Mưu

Tiểu sử và  sự nghiệp.

Phim Anh Phải Sống

“Anh Phải Sống”, “To Live” quay năm 1994, dài 132 phút, được giải thưởng của ban giám khảo Đại Hội Điện Ảnh Cannes 1994 và giải thưởng nam diễn viên xuất sắc dành cho Ge You. Phim đã được Tây phương ca ngợi có giá trị về nghệ thuật cũng như về lịch sử xã hội. Họ Trương đã làm sống lại mấy chục năm lịch sử tang thương đau khổ của nước Trung Hoa cận đại, một dân tộc vĩ đại, một đất nước rộng bao la bị dầy vò xâu xé vì chiến tranh cách mạng, cộng thêm những chính sách sai lầm dưới thời Mao và Giang Thanh đã đầy đọa giết hại nhân dân một cách vô cùng  tàn nhẫn.

 

Xem phim, khán giả tưởng như chính sách của nhà nước Trung Hoa Cộng Sản đã cởi mở rộng rãi, nhà đạo diễn đã được phép nhìn lịch sử một cách khách quan  và công bằng  nhưng không phải vậy. Các đồng nghiệp của Trương Nghệ Mưu cho biết, nhóm làm phim của ông đã đã nộp cho cơ quan kiểm duyệt một truyện phim giả về tương  lai tươi sáng của nước Tầu, rồi sau đó họ Trương  bí mật thực hiện phim Anh Phải Sống, dựa theo một cuốn tiểu thuyết cùng tên.  Khi phim hoàn thành đã được Tây phương tiếp đón nồng nhiệt, hậu quả là cơ quan kiểm duyệt nhà nước vô cùng tức giận, họ cấm Trương Nghệ Mưu làm phim tại Trung Hoa có tài trợ của ngọai quốc trong 5 năm. Phim bị cấm chiếu trong nước vì nó đã để lộ cho thấy những mặt xấu, những sai lầm trầm trọng của Cộng sản Trung Hoa trong quá khứ.

Trương Nghệ Mưu sinh ra trong một gia đình thuộc chế độ cũ, ông là con một sĩ quan trong quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa chống lại  Hồng quân trong thời kỳ nội chiến. Chú của nhà đạo diễn đã cùng chạy với đám tàn quân của họ Tưởng ra đảo Đài Loan. Họ Trương lớn lên ở miền Bắc tỉnh Thiểm Tây, năm 1966 Mao phát động Cách mạng văn hóa để loại trừ các đối thủ  Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, hai người  này  âm mưu hạ bệ Mao. Cuộc bạo động có tổ chức y như một trận phong ba đã làm thiệt mạng hàng chục triệu  người  kéo dài tới mười năm. Vệ binh đỏ phá nhà họ Trương, cha ông bị gép tội phản cách mạng, năm 1969 khi ấy Trương Nghệ Mưu 18 tuổi bị đưa về nhà quê đi làm ruộng, họ Trương sống trong tuyệt vọng, bị xếp vào thành phần kẻ thù của nhân dân, suốt mười năm liên tiếp chàng thanh niên nghĩ cuộc đời mình đã bế mạc. Năm 1971 chàng được đưa đi làm thợ máy trong một xưởng dệt, lúc này ông tỏ ra đam mê hội họa, nhiếp ảnh.

Năm 1978 Trương theo học tại Viện Điện  ảnh Bắc Kinh, năm 1982 tốt nghiệp cùng Trần Khải Ca, một nhà đạo diễn nổi tiếng sau này, khóa học đào tạo  nhiều nhà đạo diễn có tài nghệ cho điện ảnh Hoa Lục.

Xin điểm qua những phim tiêu biểu cho sự nghiệp điện ảnh họ Trương như sau:

Năm 1987 ông hoàn thành phim Kê Lương Đỏ (The Red Sorgum) do Củng Lợi thủ vai chính, thành công huy hoàng ngay, được giải thưởng Gấu Vàng tại Đại hội điện ảnh quốc tế tại Bá Linh. Truyện một người con gái nhà nghèo bị cha gả bán cho một ông nhà giầu bị hủi, có cơ sở làm rượu, sau chồng chết cô gái trở thành chủ nhân, tham gia chống quân Nhật trong trận đánh một mất một còn lúc cuối phim. Mặc dù nghệ thuật còn non kém so với những phim sau của nhà đạo diễn nhưng Kê Lương Đỏ cũng đánh dấu bước đầu của sự nghiệp điện ảnh họ Trương. Từ một người nông dân, người thợ máy Trương Nghệ Mưu nay bỗng trở thành nhà đạo diễn có tầm vóc quốc tế, sự nghiệp ngày càng lớn, ông ngày càng thành công vẻ vang đã trở thành nhà đạo diễn lớn không những tại Trung Hoa mà cả trên thế  giới  nữa.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Năm 1990, Trương lại thành công với phim Ju dou (Cúc Đậu), Củng Lợi trong vai cô vợ ba của một ông già chủ tiệm nhuộm không có con thừa kế, đoạt giải ưu hạng Golden Hugo tại Đại hội điện ảnh Quốc tế Chicago kỳ thứ 26. Một truyện tình lọan luân giữa cô vợ ba của ông chủ và người cháu.  Phim nhuốm màu tàn bạo, dữ dằn, lột tả được thú tính con người, khi nuôi dưỡng hận thù con người đã trở thành ác thú. Diễn xuất điêu luyện, nội dung độc đáo, thể hiện nhiều phong tục lạ và lạc hậu của nước Tầu. Trong khi thực hiện phim Ju Dou năm 1989, Trương Nghệ Mưu cùng vài người đồng nghiệp ra quảng trường Thiên An Môn để chứng kiến hậu quả của cuộc tàn sát đẫm máu những người biểu tình đòi tự do dân chủ: nào xe bị đốt cháy, những sinh viên bị thương máu nhuộm đầy mình. Quá súc động nên ở cảnh chót  ông đã thay đổi truyện phim để Cúc Đậu (Củng Lợi) đốt nhà  biến tiệm nhuộm thành biển lửa, cả bốn nhân vật chính đều không ai còn sống sót.

 

Năm 1991, ông thực hiện cuốn phim nổi tiếng Treo Cao Đèn Lồng Đỏ, Củng Lợi trong vai cô sinh viên nhà nghèo phải làm vợ thứ tư cho một ông trọc phú trong một biệt thự rộng  thênh thang. Mỗi bà một căn nhà riêng, khi ông chồng muốn ngủ với bà nào, bọn ïgia nhân treo đèn lồng đỏ trước cửa nhà ấy. Một bi kịch thân phận người đàn bà Trung Hoa cổ, nó lột tả chân thực tâm lý phụ nữ Á đông, thù vặt, tiểu nhân. Một phim độc đáo, nghệ thuật cao, tâm lý sâu sắc, nội dung phản ảnh những tập tục hủ lậu của người Tầu, tâm địa độc ác của con người thời phong kiến. Mặc dù không được giải thưởng nào, chỉ được vào chung kết giải Oscar dành cho phim nói tiếng ngọai quốc nhưng Treo Cao Đèn Lồng Đỏ đã thành công rực rỡ, nổi tiếng  lừng lẫy, được Tây phương tán thưởng và chú ý rất nhiều.

Năm 1992 Trương Nghệ Mưu thành công lớn với phim The Story of Qui Ju, Thu Cúc Đi Kiện, Củng Lợi thủ vai chính, được hai giải: Nữ diễn viên xuất sắc nhất và Sư Tử  vàng Đại hội điện ảnh quốc tế tại Venise (Ý), đây là giải quốc tế cao quí nhất mà ít có nhà đạo diễn Á châu nào được cấp phát. Truyện một chị nhà quê kiện người trưởng công an xã đá vào mạng sườn chồng chị đòi phải xin lỗi, thưa lên huyện, tỉnh không kết quả. Một thời gian sau tỉnh điều tra bắt trưởng công an nhưng khi ấy Thu Cúc lại chịu ơn ông ta. Truyện phim nhạt nhẽo nhưng được trúng giải nhờ giá trị hiện thực và tài diễn xuất của Củng Lợi. Nội dung thể hiện cuộc sống đơn sơ chất phác thiếu thốn của một dân tộc triền miên gian khổ: nào nhà trọ tập thể chật chội không một chút tiện nghi, phố xã lạc hậu cũ kỹ tự ngàn xưa, cuộc  sống quê mùa cục mịch. Người Ý chú ý khía cạnh hiện thực của màn bạc theo như truyền thống nghệ thuật điện ảnh của họ nên đã cấp phát giải thưởng ưu hạng cho Thu Cúc Đi Kiện. Mặc dù không được khán giả thích thú lắm nhưng nó là một trong ba cuốn phim mà Củng Lợi thích nhất.

Năm 1995 Họ Trương chuyển sang đề tài Mafia, ông hoàn thành phim Shangai Triad, Tam Hoàng Thượng Hải, Củng Lợi thủ vai chính, được giải thưởng hình ảnh đẹp tại Đại Hội điện ảnh Cannes và vài giải thưởng của các hiệp hội điện ảnh  Mỹ, một chuyện mafia băng đảng Tầu khỏang 1930 tại Thượng Hải với những biệt thự nhà hàng lộng lẫy, những tội ác rùng rợn. Truyện phim hay, cảnh đẹp, diễn tả sống động, ghê rợn, diễn xuất điêu  luyện. Củng Lợi nhan sắc tuyệt trần rất xuất sắc  trong vai nàng ca kỷ giang hồ, khác với vẻ nhà quê đặc trong Thu Cúc Đi Kiện, lần này Củng Lợi đẹp lộng lẫy, trai lơ y hệt  một ả giang hồ, vai nào nàng đóng cũng có nét độc đáo riêng. Nghệ thuật của họ Trương ở đây có phần cao hơn nhiều phim Tây phương cùng đề tài về xã hội đen, thế giới anh chị.

Năm 1999 Trương Nghệ Mưu lại đọat giải thưởng quốc tế cao quí nhất: Sư tử vàng Đại hội điện ảnh Venise (Lion d’or, Festival de Venise) với Not One Less, Không Thiếu Đứa Nào, một cuốn phim sống thực về xã hội đổi mới của Hoa Lục, tại thành thị đời sống được nâng cao nhưng miền quê còn quá nghèo khổ, nhiều học sinh tiểu học còn bé đã phải bỏ học lên tỉnh kiếm ăn. Một cô  gái 13 tuổi ở làng bên được dậy tạm một tháng để lấy chút tiền trả nợ cho cha mẹ. Trường học xây cất từ 45 năm qua, mái dột khi trời mưa, không có đồng hồ phải nhìn bóng nắng trên cột mà cho nghỉ lớp. Một phim cảm động sâu sắc, có giá trị hiện thực cao, nó phơi bầy bộ mặt  trái của xã hội đang trên đà đổi mới của Hoa Lục, một xã hội không tình người, chỉ có đồng tiền.

Năm 1999, ông thực hiện phim The Road Home, Đường Về  Tổ Ấm, đoạt giải Gấu Bạc và giải Đạo diễn tại Đại hội Điện ảnh quốc tế Bá Linh năm 2000  kỳ thứ 50 (Silver Bears – Jury Grand Prize at the 50th Berlin International Film Festival)  và giải Sundance 2001 của Mỹ. Đây là phim đầu tiên của Chung Tử Di, nữ minh tinh hàng đầu của Hoa Lục hiện nay, một chi tiết đáng kể nữa là tại Đại hội này Củng Lợi được bầu làm chánh chủ khảo.

Lần đầu tiên năm 1958 một cuộc hôn nhân do tình yêu giữa một cô thôn nữ và một giáo viên trường làng, trái với tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Bốn mươi năm sau, ông thầy chết vì đau tim, người vợ thuê người khiêng quan tài từ bệnh viện về nhà theo một phong tục xưa, cảnh khiêng áo quan thật sầu thảm. Họ Trương mô tả hiện thực những phong tục lạ bên Tầu. Phim cho thấy bộ mặt lạc hậu cổ lỗ sĩ của nước Tầu thập niên 60.

Bước sang thiên niên kỷ mới nghệ thuật của họ Trương có khuynh hướng thương mại hơn là nghệ thuật không được Tây phương chú ý mấy, chỉ riêng phim Hero, Anh Hùng quay năm 2002 là được biết tới ngoài ra 6 phim kế tiếp không  được dư luận phê bình đề cập tới.

Những phim của họ Trương thập niên 90 đa số thành công, đọat nhiều giải thưởng quốc tế, ông thể hiện cũng như giới thiệu cho khán giả quốc tế  thấy quá khứ hủ lậu của nước Tầu, thân phận bi đát của người đàn bà trong một xã hội có truyền thống trọng nam khinh nữ. Nhà đạo diễn cũng nói lên cảnh cùng cực của của người dân miền quê khi đât nước chuyển mình sang kinh tế tư bản, về hố cách biệt giầu nghèo giữa thôn quê và thành thị cũng như nỗi thống khổ của nhân dân trước những sai lầm trong quá khứ do chính sách hà khắc tàn nhẫn của đảng Cộng sản Trung Hoa
Đó là chủ đề của phim Anh Phải Sống

Ba thập niên lịch sử.

Phim dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của Yu Hua, kể lại thảm kịch của một nhân vật, một gia đình trải dài qua mấy chục năm lịch sử từ thời Quốc Dân Đảng Trung Hoa thập niên 40 đến cuộc nội chiến, Mao nhuộm đỏ nước Tầu chôn vùi triều đình họ Tưởng, tới kế hoạch Đại nhẩy vọt và Cách mạng văn hóa thập niên 60, 70.

Xin sơ lược nội dung:

“…..Một gia đình giầu có chốn thành thị, chàng Xu Fugui (Ge You), con một ông nhà giầu ham mê cờ bạc, bỏ bê vợ con. Người vợ hiền Jiazhen (Củng Lợi) cam chịu đắng cay chỉ biết lấy nước mắt để can ngăn chàng nhưng vô hiệu. Người bạn cờ bạc của anh tên Long’er rắp tâm chiến đọat nhà cửa, tài sản của gia đình chàng. Hắn cho mượn tiền và bắt làm giấy nợ, có chứng nhận hẳn hoi. Chàng công tử Xu Fugui càng đánh càng thua to, giấy nợ chồng chất. Tên bạn gian Long’er đem hết giấy nợ cho cụ thân sinh Xu Fugui coi, ông cụ nói:

- Nợ nào cũng là nợ, chúng tôi phải trả

Rồi ông cụ đuổi đánh cậu ấm mất nết và chết ngay sau đó vì uất ức. Rồi người thua bạc phải khăn gói ra đi, để toàn bộ tài sản lại cho người thắng.

Chàng Xu Fugui cùng gia đình dọn về ở bên vợ, bán kim chỉ ngoài chợ, ca hát chèo cổ kiếm tiến nuôi dưỡng vợ con, anh hối hận và quyết lập lại cuộc đời. Cuộc chiến tranh Quốc Cộng tàn khốc diễn ra, lính Quốc Dân Đảng bắt anh và người bạn Chunsheng trong ban hát đi kéo pháo cho họ. Hồng quân tới bắt cả hai làm tù binh, hai chàng lại kéo pháo và hát chèo cổ cho họ nghe.

Cuộc chiến tại đây chấm dứt, Xu Fugui trở về với gia đình mừng mừng tủi tủi, Chunsheng bạn anh theo Hồng quân tiến về phương nam, chính quyền cách mạng phát động đấu tố cường hào, đánh tư sản, anh cũng phải tham gia, cũng dơ tay đả đảo… kẻ bị nhân dân tố khổ hôm nay chính là tay bạn cờ bạc (Long’er), kẻ đã chiếm nhà cửa, tài sản của chàng trước đây. Đám đông đả đảo ầm ĩ, họ dẫn tên cường hào đi xử tội.. khi ấy Xu Fugui lẻn bỏ về nhà, chàng rẽ vào một con hẻm nhỏ đứng tè, mấy tiếng súng chát chúa nổ vang khiến anh hết hồn chạy một mạch về nhà, chị vợ chỉ quần hỏi:

- Ủa sao ướt quần vậy anh?

Chàng ta sợ run lên vừa nói vừa thở, kể lại Long’er kẻ chiếm nhà mình năm xưa bị đấu tố và xử bắn, anh sợ quá nên tè ướt cả quần:

- Anh nghe năm phát súng sợ quá chạy về nhà ngay! May quá nếu mình không mất nhà thì bây giờ cũng bị đấu tố chắc tiêu mạng rồi em ạ!

Gia đình sống bình yên, thời gian trôi qua, chính quyền  phát động kế họach Đại nhẩy vọt, nhà nhà đi lượm sắt vụn để nấu thép. Trẻ em cũng phải tham gia sinh hoạt, tối ấy đứa con trai lên tám (Youqing) đi theo bọn thiếu nhi lên trường vì có ông Chủ tịch quận về, chị vợ muốn giữ cậu bé ở nhà vì nó quá mệt, người chồng bảo nó đi vì sợ bị kết án phản động. Chiếc xe của Chủ tịch quận đụng sập tường đè chết thằng bé, nó mệt quá ngủ say không chạy được. Hai vợ chồng khóc than thảm thiết, khi ấy mới biết Chủ tịch quận là anh bạn Chunsheng, người cùng hát chèo với chàng ngày trước.

Thời gian trôi qua, hết kế họach Đại nhẩy vọt lại tới Cách mạng văn hóa ầm ầm như phong ba, hàng đoàn Vệ binh đỏ đi gieo rắc hãi hùng khắp nới, ông tổ trưởng khu phố, bạn thân của gia đình Xu Fugui đề nghị với hai vợ chồng gả đứa con gái đầu lòng hiện bị câm điếc cho anh đội trưởng Vệ binh đỏ trong quận (tên Wan Erxi) để nương nhờ, anh này đứng tuổi, chân đi cà nhắc, rất tốt, giúp đỡ nhà vợ nhiều.

Cô gái có bầu đi sanh tại bệnh viện trong khi các bác sĩ đã bị bắt đi phơi nắng ngoài  phố vì tội phản động chỉ còn các cô sinh viên trẻ trông coi. Anh chồng cà nhắc Wan Erxi bèn ra phố dẫn một ông bác sĩ về nhà thương lấy cớ để giáo dục thêm thực ra để giúp cho vợ anh sinh đẻ. Anh ta cho bác sĩ một chục  bánh bao, vì nhịn đói lâu ngày ông ăn ngấu nghiến nên bị bội thực chết.

Khi sinh con xong cô vợ bị băng huyết nhiều quá, mấy cô sinh viên không có kinh nghiệm không làm gì được. Rồi đứa con đầu lòng cũng ra đi, hậu quả của Cách mạng văn hóa…”

Định mệnh oan nghiệt đã chụp xuống gia đình Xu Fugui hiền lành chất phác, anh chị đã cống hiến hai đứa con: đứa trai cho kế họach nhẩy vọt và đứa gái đầu lòng cho Cách mạng văn hóa. Tấn thảm kịch của một gia đình bị hy sinh mất mát quá nhiều cũng như của cả một dân tộc đã bị những biến cố oan nghiệt dầy vò vùi dập. Đứa bé trai đáng lý ra không bị bức tường oan nghiệt đè chết, người vợ bảo chồng cứ để nó ở nhà nhưng anh quá sợ hãi chính quyền nằng nặc cử nó đi. Nay người vợ khóc than thảm thiết như mưa như gió trước mộ con, chị kết tội chồng vì khiếp nhược nên đã mất con.

Đứa gái lớn đáng lẽ không không trút hơi thở trên giuờng bệnh viện nếu tất cả các bác sĩ không bị bọn Vệ binh đỏ kết án phản động đem phơi nắng ngòai phố.

Tấn thảm kịch của một gia đình là hình ảnh biểu tượng cho một dân tộc, một đất nước có nhiều bất hạnh hậu quả của sự sai lầm lịch sử, lịch sử đã chọn Mao. Họ Trương đã vận dụng nghệ thuật của mình để nói lên tất cả những nỗi oan khiên, đau khổ của một gia đình và xa hơn là của con người, của xã hội mà ông đã trưởng thành và đã đẩy tính bi thảm của cuốn phim tới tột đỉnh. Truyện phim đau thương tang tóc chưa đủ, nó còn được phụ họa thêm bằng những tiếng khóc than não nùng thảm thiết của người mẹ hiền mất con và nhất là những điệu nhạc đệm sầu não bi ai không bút mực nào tả cho xiết.

Mặc dù là bi kịch nhưng Trương Nghệ Mưu không phải chỉ tạo dựng những nhân vật, chung cục thảm sầu khiến khán giả tan nát cõi lòng, xa hơn thế ông đã đóng góp những quan niệm xây dựng hạnh phúc thiết thực như trong lời khuyên của Xu Fugui với Chungsheng bạn anh, người bạn này hồi trước đã cùng anh hát chèo cổ và kéo pháo cho Quốc Dân đảng cũng như Hồng quân nay đã lên tới chức Chủ tịch quận.

Chungsheng tan gia bại sản vì Hồng vệ binh, vợ tự tử ngay trong lúc tuyệt vọng anh cũng muốn tự kết liễu đời mình và giao lại cho vợ chồng Xu Fugui tất cả tiền tiết kiệm của anh tại ngân hàng nhưng Xu Fugui không nhận và khuyên bạn một câu:

-Anh phải sống.

Trong gian khổ, cay đắng con người cũng phải yêu cuộc sống, dù mất mát tới đâu cũng còn lối thoát, ta vẫn tìm được hạnh phúc, nó luôn ở trong tầm tay chúng ta như cảnh cuối phim đã diễn tả rất trong sáng đơn giản: Gia đình còn lại xum họp trong một bữa ăn thâm mật, người chồng, người vợ chàng rể và đứa cháu ngọai quay quần bên nhau êm đềm hạnh phúc.

Mặc dù phim không được giải Cành Cọ Vàng vàng (Palme d’or) tại Đại hội điện ảnh Cannes, chỉ được giải khiêm tốn về đạo diễn và diễn xuất nhưng trên thực tế To Live đã được dư luận Tây phương chú ý và ca ngợi như một siêu phẩm giá trị. Nhiều đoạn đã được dàn cảnh thật vĩ đại, công phu tốn kém với hàng đoàn quân xa dài vô tận, mặt trận mênh mông một rừng người. Nó là cuốn phim đầu tiên của Hoa Lục được ngọai quốc mua bản quyền trước.

Họ Trương cũng thêm nhiều pha dí dỏm song song bên các tấn bi kịch để tăng phần phong phú cho ý nghĩa cuốn phim. Vui nhất là cảnh anh chồng vào ngõ hẻm đứng tè nghe mấy tiếng súng chát chúa sợ quá tè ướt quần bỏ chạy một mạch về nhà. Kẻ đã chiếm đọat nhà cửa, tài sản của gia đình anh (Long’er) bị xử tử vì chính sách đánh tư sản, chống cường hào của cách mạng, hắn đã chết thay cho Xu Fugui, anh tâm sự với vợ:

- May quá nếu mình còn nhà cao cửa rộng thì bây giờ tiêu mạng rồi.

Giống y như trong truyện tái ông mất ngựa, phúc họa khôn lường, người ta cũng  thường nói của đi thay người.

Những đoạn dí dỏm cũng được thêm vào để làm loãng bớt không khí sầu thảm như cảnh bệnh viện lúc gần hết phim, anh con rể (Wan Erxi) nhân danh đội trưởng Vệ binh đỏ ra phố dẫn ông bác sĩ về nói:

- Tôi dẫn tên này về bệnh viện để giáo dục thêm.

Nhưng sau đó lại nói nhỏ với ông:

- Tôi đưa bác sĩ về nhà thương để giúp vợ tôi, nó đang sinh.

Về tới nơi anh đưa cho bác sĩ một lô bánh bao, nhịn ăn lâu ngày ông đói quá ăn ngấu nghiến cả chục cái, một lúc sau cứ nấc lên từng tiếng rồi chết vì bội thực trông  vừa tội nghiệp vừa buồn cười.

Nhạc chèo cổ lạ và hay tuyệt, họ múa những con búp bê trước một bóng đèn sáng và in hình lớn trên màn. Những điệu  hát cổ buồn mênh mang hòa theo điệu múa đã thu hút khán giả một cách kỳ diệu, Trương Nghệ Mưu lại thành công hơn nữa vì đồng thời đã giới thiệu những cái hay cái đẹp của nền nhạc cổ truyền Trung Hoa với người ngọai quốc.
Họ Trương đã dùng những hình ảnh biểu tượng để diễn tả thảm kịch chung của đất nước ông. Cuộc đời gian truân khốn khổ của Xui Fugui giống như Moritz trong Giờ Thứ Hai Mươi Lăm, những điệu nhạc đệm vô cùng ai oán cùng những tiếng khóc than não nùng của người mẹ trước mộ con, tấn thảm kịch của một gia đình là hình ảnh tiêu biểu cho đất nước ông đã chịu đựng quá nhiều gian khổ, bị dầy vò xâu xé triền miên.

Tất cả cũng chính là những tiếng khóc than bi thiết của đất nước cho số phận của một dân tộc bất hạnh trước sự sai lầm của lịch sử.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

12 Phản hồi cho ““Anh Phải Sống”- Cuốn phim ý nghĩa nhất của Trương Nghệ Mưu”

  1. Minh Đức says:

    Sau khi làm phim To Live, Trương Nghệ Mưu chỉ bị cấm làm những phim do nước ngoài bỏ tiền chứ đâu có bị cấm hành nghề đạo diễn. Như vậy Trương Nghệ Mưu không bị trừng phạt vì làm phim ra ngoài đường lối, chủ trương của nhà nước. Việc nói lên nỗi khổ trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa được đảng CSTQ cho phép nên phim To Live không đi ra ngoài đường lối của đảng. Có những cuốn sách kể lại nỗi khổ trong thời Cách Mạng Văn Hóa được cho phát hành. Đó là vì Đặng Tiểu Bình và các đồng chí theo ông ta cũng đã từng là nạn nhân của Cách Mạng Văn Hóa. Nói về nỗi khổ thời Cách Mạng Văn Hóa là để nói cái xấu của bọn Tứ Nhân Bang. Nhưng truyện phim viết rất khéo, không đả kích đảng CS, không đả kích lãnh tụ Mao Trạch Đông. Nói về cái xấu của thời Cách Mạng Văn Hóa là để người dân thấy là ngày nay Trung Quốc đã thay đổi, có tự do hơn, đời sống tốt đẹp hơn, đó là nhờ công lao của Đặng Tiểu Bình.

    Còn các phim Kê Lương Đỏ, Cúc Đậu, Treo Lồng Đèn Đỏ, Shangai Triad đều là truyện xảy ra trước thời CS, là diễn tả cái xấu của xã hội cũ, cũng là cách tuyên truyền của đảng CS, tố cáo cái xấu của xã hội cũ để người dân thấy là xã hội mới của đảng CSTQ tốt đẹp hơn.

  2. Diem Xua says:

    phim cua Tau gio da wa roi ! Dau con cho dung tren the gioi nua ! Hoai vong hao huyen , chi co duoc cai pho truong vai ba cuon phim roi doat giai nay no ! Nghe co ve hung hon lam ! Ma thuc ra MY va Tay Phuong no’ cho vao tham gia day’ chu’ ! Do’ la thoi xua roi ! Con bay gio thi sao ? Co phim nao hay va duoc giai ji khong ! Ngay ca dien vien Xuat sac nhat ma cung khong co’

    Ca tung van hoa Tau wa’ dang’ khong dung thuc chat cua no’

    Ngay xua khi My cho chieu phim the killing field noi’ ve vu tham sat’ cua polpot Khmer la bo phim hay nhat doat rat nhieu giai Oscar ma wan trong nhat la Anh chang Khmer khong biet va chua tung bao gio dong phim da doat giai dien vien chinh’ xuat sac nhat ! Do’ moi thuc su la dien vien hon ca tram ngan lan bon Tau khua ! lam cho cong dong Tau o California vo mat xau ho nhuc nha !

    Cung Loi cung thuong thoi dau co ji la tai jioi ghe ghom ! Nhan sac nhu co dao nay o mien Nam Vietnam rat’ la nhieu , nhin na na’ rat’ nhieu nguoi jiong nhau !

    Con may tay dien vien kungfu dam da’ ! Dau phim toi cuoi phim danh nhau roi tra thu co’ net’ ji van hoa dau ma thuong thuc’ !

    Cho nen van hoa’ Tau khong co’ sang’ tao chi co’ copy roi lam lai thoi cung nhu hang nhai’ vay !

    • LÃO NGOAN ĐỒNG says:

      Thưa bạn,

      Nói riêng về hoạt động điện ảnh Tàu, bao gồm lục điạ, Hương Cảng và Taiwan, phải nói họ có những nhân vật kiệt xuất xưa nay. Tôi điểm sơ chơi chơi cho bạn biết một chút nhé. Mong bạn cố tìm hiểu kỹ hơn là võ đoán.

      1/
      Chẳng hạn cái tên đạo diễn ANG LEE (LÝ AN) gốc người Taiwan, đam mê điện ảnh và cố đi học đạo diễn ở Mỹ, sau trở nên một tay lẫy lừng giới nghệ thuật thứ bảy. Thành công của ông khiến người ta phải ganh tị. Đề tài chuyên trị của ông mang tính thời đại là SEX !
      Điển hình như trong phim The Wedding Banquet (Hỉ Tiệc, Tiệc Cưới;1993) về vấn đề homo, mà ông sẽ quay lại trong phim Brokeback Moutain (2005), hay phim The Ice Storm (Bão Tuyết; 1977) bàn về cuộc cách mạng tình dục ở Mỹ trong bối cảnh nước Mỹ đang rối ren lung tung vì xa lầy ở Việt Nam rồi nổ ra vụ Watergate !
      Brokeback Mountain đoạt giải Oscar rất xứng đáng, vượt xa tác phẩm “popular” Long Tàng Hổ Phục (Croucing Tiger Hidden Dragon, 2000). Phim Eat Drink Man Woman (1994) cũng là một phim khá hay.
      Tuy nhiên phim mới SẮC, GIỚI (Lust, Caution) mới thực sự làm nổ tung màn bạc thế giới, nhất là ở lục điạ Tàu ! Phim bị kiểm duyệt tơi bời và bị đe doạ cấm chiếu. Nếu không có chút hiểu biết về Y khoa, nhất là tâm lý học, sẽ khó mà nhận ra cái hay trong đó. Cả hai tài tử chính là Lương Triều Vỹ và Thang Duy đóng cực hay. Thang Duy mới xuất hiện lần đầu nhưng nhập vai trọn vẹn, còn LTV quen đóng phim mang mùi sex và anh ta cũng nổi tiếng là tay chơi (playboy), cho nên diễn xuất xuất thần trong những xen nóng bỏng chăn gối với người đẹp Thang Duy.

      Wikipedia:
      Sắc, Giới (tiếng Trung: 色,戒) là một truyện vừa (novella) của nhà văn nữ Trung Quốc Trương Ái Linh (1920-1995) xuất bản lần đầu năm 1979. Tác phẩm lấy bối cảnh là thành phố Thượng Hải trong Thế chiến thứ hai.
      Tác phẩm đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên do Lý An làm đạo diễn. Bộ phim này là một trong những tác phẩm điện ảnh thành công nhất năm 2007 ở Trung Quốc.
      Phim cũng gây nhiều dư luận báo chí và phản ứng của người xem vì trong phim có quá nhiều cảnh quan hệ tình dục. Tổng cộng, trường đoạn sex kéo dài đến trên 30 phút với nhiều cận cảnh chi tiết đã khiến bộ phim bị phân loại cấm người xem dưới 17 tuổi (NC-17) tại Bắc Mĩ. Bản công chiếu tại Trung Quốc Đại Lục bị cắt hầu hết các cảnh này. Bộ phim đã gây nhiều tranh cãi về giá trị nghệ thuật cũng như sự cần thiết của các cảnh sex đối với việc truyền tải nội dung bộ phim.

      2/
      Cùng thời với Trương Nghệ Mưu ở lục điạ Tàu còn có TRẦN KHẢI CA (Chen Kaige), nổi tiếng qua phim Bá Vương Biệt Ngu Cơ (Farawell My Concubine), cũng bàn kín đáo về homo thật hay và đoạt giải Cành Cọ Vàng ở Liên hoan Phim tại Cannes. Phim Vô Cực (2005) của ông đoạt giải Quả Cầu Vàng cho phim ngoại quốc hay nhất, là một loại sử thi giả tưởng với nữ tài tử tài danh Trương Bá Chi. Tuy nhiên tôi lại chấm điểm phim The Emperor and The Assassin (Hoàng Đế và Thích Khách) dựa vào dữ liệu sử về chuyện tráng sĩ Kinh Kha thích khách Tần Thủy Hoàng, rất hay và nhiều ý nghiã hơn phim Hero (Anh Hùng) sặc mùi tuyên truyền của Trương Nghệ Mưu với kinh phí khổng lồ và dàn tài tử danh tiếng,

      Wikipedia
      Trần Khải Ca được coi là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của thế hệ nhà làm phim thứ 5 của điện ảnh Trung Quốc bên cạnh những người bạn học của Trần Khải Ca ở Học viện Điện ảnh Bắc Kinh như Trương Nghệ Mưu hay Điền Tráng Tráng. Phim của Trần Khải Ca thường được đánh giá rất cao về mặt hình ảnh và cách kể chuyện trong đó đáng chú ý nhất phải kể tới Bá Vương biệt cơ, bộ phim đầu tiên của Trung Quốc được trao giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes.

      3/
      Tiếp tục thế hệ đàn anh có đại diễn trẻ PHÙNG TIỂU CƯƠNG với tham vọng góp mặt thế giới qua phim The Banquet (Dạ Tiệc; Dạ Yến), nhưng theo tôi chưa có gì nổi bật, mặc dù ông cố thu gom những ngôi sao hàng đầu của nền điện ảnh Trung Hoa tham gia đóng phim này.

      Wikipedia
      Dạ yến (夜宴) là một phim tình cảm, hành động của đạo diễn Phùng Tiểu Cương với sự góp mặt của dàn sao Chương Tử Di, Chu Tấn, Ngô Ngạn Tổ, Cát Ưu, Mã Tinh Võ, Hoàng Hiểu Minh năm 2006.

      4/
      Tuy nhiên đạo diễn cùng thời với Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca của lục điạ là VƯƠNG GIA VỆ (Wong Kar Wai) của Hongkong (cùng thời với Lý An của Taiwan).
      Tôi không được biết nhiều về ông ngoại trừ phim 2046 (2004) rất độc đáo, qua tài diễn xuất của các minh tinh thượng thặng Tàu như Củng Lợi, Chương Tử Di và Lương Triều Vỹ .

      2046 là phần cuối của một bộ ba phim (Trilogie): phim đầu là Ả Phi Chính Truyện (1991), nối tiếp bằng Tâm trạng khi yêu (In the Mood for Love; 2000). Đây là bộ phim cực kỳ nổi tiếng nói về tình yêu của nền điện ảnh Trung Hoa.

      Wikipedia:
      Vương Gia Vệ (Hoa phồn thể: 王家衛, Hoa giản thể: 王家卫, bính âm: Wáng Jiāwèi, tiếng Anh: Wong Kar-Wai) (sinh ngày 17 tháng 7 năm 1958) là một đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất nổi tiếng của điện ảnh Hồng Kông. Vương Gia Vệ là đạo diễn phim nghệ thuật hàng đầu của Hồng Kông từ đầu thập niên 1990 cho đến nay, ở tầm quốc tế, ông thường được biết tới qua giải Đạo diễn xuất sắc nhất (Prix de la mise en scène) tại Liên hoan phim Cannes năm 1997 với bộ phim Xuân quang xạ tiết (春光乍泄).

      Lạm bàn tạm thế nghĩ cũng đủ rồi về phiá đạo diễn của Tàu. Còn diễn viên của họ từ khá đến giỏi và thượng thặng, nổi tiếng trong và ngoài nước kể ra không hết. Bạn tự mình tìm hiểu sẽ thấy kỳ thú hơn là xem người khác viết lại.

      Chúc thành công,

      Lão Ngoan Đồng

      BIẾT NGƯỜI BIẾT TA
      TRĂM TRẬN TRĂM THẮNG

  3. Tien Pham says:

    Me xừ Trương Nghệ Mưu (TNM) này ngày xưa làm cuốn Anh Hùng (Hero), đem đi dự giải Oscar, bị đá vì người ta cho rằng TNM “bợ đít” (kiss ass) ĐCSTQ. Trong phim Anh Hùng, TNM đem nhân vật Tần Thuỷ Hoàng (TTH) và những người thích khách, tượng trưng cho ĐCSTQ và những người khác chính kiến, ra để biện hộ cho việc kô nên giết TTH. Trong phim, có 2 người thích khách kô muốn giết TTH vì cho rằng TTH cũng có công: Công thống nhất chữ viết, thống nhất cách đo lường, etc., cho Trung Hoa (TH). Theo tôi, đây chỉ là nguỵ biện. TTH làm những việc đó cốt chỉ để dễ cai trị. Lúc làm những việc như trên, TTH kô hề nghĩ tới việc ích quốc lợi dân. Ông ta làm như thế để củng cố cho tập đoàn triều đại của ông ta, và dễ dàng cho sự cai trị TH.

    Phải công nhận rằng kĩ thuật tạo ảnh (cinemagraphy) trong Anh Hùng của TNM thì thuộc vào hạng thượng thừa. Ông đã xử dụng màu (ví dụ như trong cảnh 2 người đàn bà “ấn chứng vũ công”) để diễn tả cảm xúc nội tâm. Tôi có coi 1 vài phim như vậy, thí dụ như The Cook, The Thief, His Wife, And Her Lover. Phim này hình như là của Pháp làm. (Warning trước: Phim rất có nhiều cảnh nudity.) Phim này cũng xử dụng màu để diễn tả nội tâm, nhưng câu chuyện phim và kĩ thuật kô hay bằng Anh Hùng của TNM.

  4. Trọng Đạt says:

    Gửi Dr Lã Mạnh Cường

    Phim Not One Less , “Không Thiếu đứa nào” và The Road home, “Đường về tổ ấm” tôi đã viết bài (viết tay) lâu rồi nhưng chưa đánh máy , hồi đó chưa biết đánh máy. Sẽ đánh máy và sẽ gửi đăng một ngày gần đây
    Trọng Đạt

    • LẠI MẠNH CƯỜNG says:

      Dearest Trọng Đạt,

      Hoan hô và xin cám ơn nhiều lắm
      (tố chề, tố tổ chề sếnh sáng Trong Dat)

      Rất mong mau mau được xem nó,
      nơi vườn hoa Đàn Chim Việt đấy bác TĐ ạ !

      Nếu còn sức chơi và rất ư chịu chơi
      Tôi xin bác ra oai mần luôn cái anh Lý An !
      Tôi mê và phục còn hơn Trương Nghệ Mưu !
      Muốn thắng địch phải (tìm) hiểu đich thật cặn kẽ !

      Tàu quả thực là một nước lớn với dân tộc lớn đúng nghiã !
      Mình cần học hỏi nơi họ thật nhiều điều để giữ và phát triển nước !
      Ta và Tàu có quá giống nhau về mọi mặt, họ lại thường đi trước ta xa !

      “Dé nạn rỉnh” Lại Mạnh Cường

      TB:
      xin làm ơn bỏ dùm ngay cái đầu Dr.
      cám ơn rất nhiều thưa bác Trọng Đạt !

  5. Lê Dũng says:

    Anh phải sống cũng là câu nói mà người vn ở trong nước phải bấm bụng bảo nhau. Lương chưa được triệu bạc, nhà đất thì toàn trăm triệu/m2, con cái học hành cái gì cũng tiên, giá cả tăng chóng mặt nhưng vợ chồng vẫn phải bảo nhau: Anh phải sống, em phải sống, dân tộc này phải sống để đưa ma bọn bán nước hại dân

    • LẠI MẠNH CƯỜNG says:

      Nhận định thật THÂM THÚY !

      KHÂM PHỤC :-) !

      Xin bổ túc một tí:

      Và bọn nó PHẢI CHẾT !

      (dĩ nhiên sẽ chết điêu chết đứng,
      chứ không thể chết bình thường được)

      Lại Mạnh Cường

  6. K.D. says:

    Tựa đề bài này làm tôi nhớ lại truyện ngắn Phải Chết của Mạnh Quân…

    http://vn.360plus.yahoo.com/quan5791/article?mid=741

  7. Tran Minh says:

    Việt nam cái gì cũng bắt chước Trung quốc từ mô hình kinh tế cho tới văn hóa chính trị… nhưng cái gì Vn cũng kém hơn. Nhìn phim ảnh Vn mà xem bỏ ra cả đống tiền làm phim rồi xếp vào kho, chẳng có phim nào ra hồn.

  8. Kathie says:

    Những tiếng kêu ấy như chìm vào vực thẳm hư vô vì thân phận con người của nhân dân TQ và VN đang ngày càng khốn nạn. Kẻ cầm quyền ngày càng củng cố thêm quyền lực và càng thêm phương tiện để tiếp tục chế độ bạo tàn hiếu sát.
    +1

  9. Hồ Hoàn Hảo says:

    “Anh phải sống” là tiếng gọi thiết tha đòi quyền sống của những con người bất hạnh sống dưới một chế độ bạo tàn ở TQ.

    “Chúng tôi muốn sống” là tiếng kêu thất thanh của một dân tộc đang bị nghiền nát dưới một chính quyền hiếu sát và man rợ ở VN.

    Những tiếng kêu ấy như chìm vào vực thẳm hư vô vì thân phận con người của nhân dân TQ và VN đang ngày càng khốn nạn. Kẻ cầm quyền ngày càng củng cố thêm quyền lực và càng thêm phương tiện để tiếp tục chế độ bạo tàn hiếu sát.

Phản hồi