Danh hiệu ‘Người của dân chúng’
Mấy tháng nay, trên các blog tự do từ trong nước, danh từ “Người của dân chúng” thường được nói đến với lòng quý mến, tin cậy.
Thật ra từ những năm 2004 rồi năm 2007 các chiến sỹ dân chủ Lê Chí Quang và Phạm Hồng Sơn đã được một số bloggers trong nước gọi là “Người của dân chúng”. Đây là một tên gọi, một danh xưng đầy ưu ái, quý mến dành riêng cho những người dấn thân cho tự do, cho quyền sống của người dân thường, được bà con ta mặc nhiên thừa nhận là Người của mình.
Luật sư Lê Chí Quang là người trí thức trẻ đã sớm báo động qua bài luận văn “Hãy cảnh giác với Bắc triều”, nghĩa là với triều đình cộng sản bành trướng ở Bắc Kinh, để bị truy tố và bị tù về cái tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Anh bị kết án 4 năm tù giam, nhưng dành lại tự do sau đó 2 năm.
Bác sỹ Phạm Hồng Sơn bị truy tố và bị tù vì đã dịch và phổ biến một loạt bài lý luận về “Thế nào là dân chủ” lấy từ mạng của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội rồi gửi cho tổng bí thư đảng CS Việt Nam và phổ biến rộng rãi. Anh bị truy tố và kết án tù về tội “làm gián điệp, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”, bị kết án 13 năm tù giam, rồi giảm xuống 5 năm tù giam; anh dành lại tự do sau đó 3 năm, càng tự hào là “Người của dân chúng”.
Sau đó anh Nguyễn Văn Hải bí danh dân dã “Điếu Cày” đi xe gắn máy lên tận vùng biên giới xem xét việc thác Bản Gíốc bị mất ra sao, anh liền bị 3 năm tù giam vì tội trốn thuế vu vơ, hết hạn tù anh vẫn không được tự do, còn bị “mất tay” mà gia đình không được gặp; anh trở nên mối quan tâm của đông đảo bà con yêu nước chống bành trướng, là một Người của dân chúng nổi tiếng.
Sau đó cô Phạm Thanh Nghiên cũng được các blogger suy tôn là “Người của dân chúng” khi cô từ Hải Phòng vào tận Thanh Hóa gặp đồng bào ngư dân ta bị tàu Trung Quốc xua đuổi trong vùng biển của ta, bị chúng phá thuyền lưới, đánh đập dã man, cô bị công an xông vào nhà bắt đi khi đang tọa kháng trước khẩu hiệu “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam”, cô bị tù về tội “tuyên truyền chống chế độ”, đến nay vẫn còn trong trại giam.
Gần đây, Luật sư Cù Huy Hà Vũ bị tuyên án 7 năm tù giam tuy không có một chứng cớ nào để buộc tội theo đúng luật. Anh cũng được cư dân blog phong là “Người của dân chúng” khi lớn tiếng lên án bọn bành trướng ngoại xâm đang kết chặt với nhóm nội xâm tham tàn.
Ngay sau “phiên tòa ô nhục”, anh sinh viên Nguyễn Anh Tuấn liền gửi thư cho Viện kiểm sát Hà Nội yêu cầu truy tố và bỏ tù anh, vì anh cũng lưu trữ những bài viết của Ls Hà Vũ, cũng cùng quan niệm và chính kiến như thế. Anh muốn chứng minh rằng nếu chính quyền không bỏ tù anh thì việc bỏ tù Ls Hà Vũ là phi pháp. Anh cũng muốn cảnh báo nhà cầm quyền rằng có ngàn vạn công dân có cùng chung quan điểm với Ls Hà Vũ, họ có dám còng tay và bỏ tù hàng ngàn, hàng vạn công dân ngay thật, yêu nước thương dân như Hà Vũ hay không? Một thách thức nhỏ mà nặng cân. Viện kiểm sát Hà Nội im thin thít. Bạn sinh viên Nguyễn Anh Tuấn được coi ngay là “Người của dân chúng”, thành nhân vật ngôi sao trong các cuộc xuống đường..
Qua 10 cuộc xuống đường định kỳ vào các ngày Chủ nhật, lại xuất hiện hàng loạt các “Người của dân chúng” mới. Mặc cho một vài tờ báo lề phải và cô phát ngôn ngoại giao Phương Anh – rất tội nghiệp khi buộc phải miễn cưỡng chụp mũ những người biểu tình là phản động, bị bọn phản động giật dây – các trí thức tiêu biểu như nhà văn hóa Nguyên Ngọc, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, cùng Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tướng Đồng Sỹ Nguyên…nhất loạt và mạnh mẽ khẳng định mình là những công dân yêu nước kiên định, cây ngay không sợ gió lớn, lấy công luận xã hội và pháp quyền làm chỗ dựa vững vàng. Kẻ cầm quyền hãy suy nghĩ cho kỹ, cân nhắc thật cẩn thận lợi và hại cho chính họ, vì tất cả đã trở thành “Người của dân chúng”, với cái nghĩa là người của quần chúng đông đảo, người của lương dân, của tập thể kẻ sỹ dân tộc, người của thứ dân, của dân đen, của dân vỉa hè, dân oan cộng lại.
Chỉ có những người thật sự của dân chúng mới sáng tạo ra cả một nền “văn hóa biểu tình” phong phú có giá trị lâu dài như vừa qua. Những bài thơ cảm khái của Tạ Thùy Linh: những vần thơ sắc sảo của Đỗ Trung Quân; luận văn nảy lửa của Võ Thị Hảo; tuyên ngôn Đất Nước lại Đứng Lên của nhà văn hóa Nguyên Ngọc; lời đối thoại sắc bén với nhân viên công an của cô Phương Bích và cụ thân sinh là đảng viên cộng sản lão thành; nét nhạc lôi cuốn của 2 nghệ sỹ Tạ Trí Hải và Peter Vũ được tăng âm cực lớn; những bài tường thuật từng giờ tại chỗ của các blogger Dương Thị Xuân, Lê Phú Khải, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Tường Thụy; những bức ảnh xuất thần độc đáo các “ngôi sao biểu tình» Bùi Minh Hằng, Trịnh Kim Tiến, cũng như bức hình ghi cú đạp quả tang của đại úy công an Minh trên mặt anh đảng viên CS trẻ Nguyễn Chí Đức… là những chứng tích lịch sử vô giá, được đưa lên trang Facebook cho đương thời và mai sau.
Do giá trị văn hóa nhân văn hấp dẫn của các cuộc xuống đường định kỳ, nhiều người yêu nước trên mọi miền đất nước đã mang trong mình chứng nghiền biểu tình ngày Chủ nhật. Cứ vào cuối tuần họ hồi hộp theo dõi, chờ đón tin tức hình ảnh trên các mạng Dân làm báo, Dân báo, Dân luận, anh Ba sàm, Bauxitet info… Có người có việc đi xa, cứ cuối tuần lại trở về Hà Nội cho kịp dự biểu tình, đàng hoàng, tự tin, kiêu hãnh, mặc cho tiếng dèm pha lạc lõng : “Đồ điên!”, “Vô tích sự!”. Các thanh niên yêu nước ấy còn tự cho mình nghĩa vụ nhất thiết phải có mặt để thay mặt cho các bạn yêu nước Điếu Cày, Phạm Thanh Nghiên, Hà Vũ… và vài chục bạn khác đang “bận» đi tù.
Một tổ chức kiểu hội công dân trên thực tế đang hình thành, chung ý chí bất khuất, chung lòng yêu nước, thương dân, gắn bó với nhau, thương yêu quý trọng bảo vệ nhau, đang nghĩ đến sáng tạo một huy hiệu chung cho mọi người tham gia và ủng hộ biểu tình yêu nước, để nhận ra nhau, kết bạn bền vững, lâu dài. Đó là tập họp ngày càng đông đảo “Những người của dân chúng”.
Gần đây tin từ trong nước cho biết nhạc sỹ Phạm Tuyên từ chối lập hồ sơ khai thành tích để xin Giải thưởng Nhà nước, nhà văn hóa Nguyên Ngọc cũng từ chối, không xin và không nhận Giải thưởng mang tên Hồ Chí Minh, để toàn xã hội thấy việc mọi “xin, cho” – trong đó xin, cho đi biểu tình – đều hạ thấp nhân cách của người xin và kẻ cho đến mức nào.
Trong lòng người dân yêu nước lúc này không có danh hiệu nào, dù là “nhà giáo nhân dân” hay “nghệ sỹ nhân dân”; không có huy chương nào, dù là Quân công hay Sao Vàng, hay Cờ Đỏ; không giải thưởng nào, dù là Nhà nước hay Hồ Chí Minh, có giá trị hơn là danh hiệu “Người của dân chúng” đang dấn thân cho toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cho cuộc sống an lành của toàn dân.